Một sự ngẫu nhiên đáng sợ

Chủ Nhật, 21/07/2024, 10:40

Thưa quý vị, nói gần nói xa chẳng qua nói thật, tôi cũng chẳng cần phải giấu giếm làm gì. Thực ra tôi đã giết một người, và trong cái hoàn cảnh éo le ấy, tôi tự nhận thấy bản thân đã hành động một cách hoàn toàn đúng đắn.

Trước tiên tôi xin có vài lời tự giới thiệu về mình. Dạo đó tôi là tùy viên ngoại giao làm việc ở đại sứ quán của nước nhà đặt tại thành phố London. Guồng quay công việc lấy đi hết sức lực, nên thật sự không còn gì thoải mái hơn bằng việc mỗi tối được thả bộ trên những đoạn đường phố rộng lớn và sạch sẽ.

Trước khi trở về nhà, tôi không bao giờ quên ghé vào tửu quán Crazy Horse. Ở đó, tôi có thể gặp đủ mọi hạng người vô công rồi nghề của cái thủ đô quanh năm bốn mùa sương mù này. Tôi gọi một tách trà cốt không phải để uống mà chỉ để thích thú quan sát những con người đang ngồi trầm mặc suy tư với cốc bia trên quầy bar.

Trong lúc đang ngồi uống trà, bất chợt tôi thấy từ trong góc bàn một người phụ nữ có thể nói là lộng lẫy nhất mà cả đời tôi chưa từng gặp.

d923dfb9b0fe15a04cef8.jpg -0
Minh họa: Đỗ Dũng

Với tư cách là tùy viên ngoại giao, tôi thường được tiếp xúc với rất nhiều phụ nữ đẹp. Đó là những phu nhân, quận chúa, ái nữ của các vị đại sứ đến từ đa quốc gia, đa quốc tịch, và đôi khi cả những nữ minh tinh nổi tiếng trên thế giới. Nhưng người phụ nữ trước mắt tôi đây lại sở hữu một nhan sắc cực kỳ sắc sảo. Trong giây phút tôi như bị nàng hút mất linh hồn, và chỉ một chút xíu nữa thôi là tôi có thể ngã lăn xuống sàn.

Nhưng trong cơn mê điên dại, tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để thấy rằng hình như nàng đang rất hoảng loạn. Thỉnh thoảng nàng lại nhìn ngang ngó dọc như thể sợ hãi một kẻ nào đó đang rình rập đâu đây. Khuôn mặt trái xoan của nàng nhợt nhạt. Đôi mắt màu tử thạch anh bị che lấp bởi một màu tối đen. Khi nâng cái ly lên, những ngón tay trắng nõn nà của nàng run rẩy.

Là quý ông lịch thiệp, tôi không thể đang tâm nhìn một người phụ nữ xinh đẹp dường ấy gặp khó khăn được. Thế là tôi lại gần nàng và lịch sự hỏi nàng xem mình có thể giúp được gì không. Thoạt đầu, nàng tỏ vẻ sợ hãi nhưng sau khi lấy lại được bình tĩnh và biết tôi không phải mối đe dọa, nàng cảm ơn tôi rối rít vì lòng tốt ấy. Tôi khuyên nàng hãy cứ thong thả uống trà đã rồi sau đó hãy nói cho tôi biết điều gì đã khiến nàng lo ngại. Với giọng nói run run, nàng kể cho tôi nghe câu chuyện của mình. Nàng hiện tại đã quá mệt mỏi, không thể nín lặng mãi được. Nàng kiệt sức và cần phải tìm chỗ bấu víu.

Chuyện là đã có thời gian nàng sống ở Mỹ quốc. Sẽ thật lãng phí giấy mực và thậm chí mất thời gian khi kể lể dài dòng về mối tình của nàng với một thằng cha căng chú kiết nào đó ở trên cái mảnh đất mà cứ mươi mười lăm phút lại xảy ra một vụ án mạng ấy. Hắn! Phải rồi, chính là hắn! Sau khi vớ được một tuyệt sắc giai nhân, hắn đã bám chặt lấy nàng. Dù đã hết sức vùng vẫy nhưng nàng không sao thoát khỏi những cái vòi xúc tu bạch tuộc của hắn.

Nhưng rồi cơ hội đã đến, nàng tố cáo những hành vi tàn bạo của hắn với Cảnh sát. Hắn lĩnh án bảy năm tù và nàng trốn sang Anh quốc. Hắn thề sẽ tìm và giết nàng sau khi mãn hạn tù. Nàng biết rằng đó không phải là những lời đe dọa suông. Hắn đã nói là hắn sẽ làm. Và đúng vào cái hôm định mệnh tôi gặp nàng ở trong tửu quán, thì đó chính là ngày nàng được tin hắn đã lên tàu tới London cùng đồng bọn.

Tôi giải thích cho nàng hay rằng:

- Nước Anh không phải nước Mỹ. Ở đây người ta không bao giờ cho phép những tên hung ác ấy làm mưa làm gió, muốn giết ai thì giết. Em không có gì phải sợ hết!

Nhưng nàng vẫn không tin.

- Suốt ngày hôm nay, có hai tên lạ mặt canh chừng ở gần nhà em.

Thưa các bạn, tôi vừa xúc động vừa phẫn nộ. Tôi vẫn là tôi, con người của cách đây 10 năm trước, khi đó tôi hãy còn trẻ, sức lực còn đầy, hễ thấy bất bình là xắn tay áo lên nhào vô can thiệp liền, huống hồ nạn nhân đây lại là một người đẹp.

Tôi chợt nảy ra một ý. Tôi bảo sẽ đưa nàng về văn phòng đại sứ quán của mình. Nàng có thể tạm nghỉ ở đấy một đêm, sáng hôm sau, tôi sẽ trù liệu phương án nhằm bảo đảm an toàn cho nàng. Sau một hồi tính toán, nàng đồng ý.

Tôi gọi taxi về đại sứ quán. Tôi mở cửa dẫn nàng vào. Tôi bật đèn ở phòng họp, bật lò sưởi điện. Và chính lúc đó thì sự việc xảy ra.

Chúng tôi đang đứng ở giữa căn phòng. Chợt có một tiếng nổ chát chúa. Cửa kính ở cuối phòng vỡ tan ra từng mảnh và viên đạn nằm gọn ở trong bức tường. Cũng may nàng không hề hấn gì. Không chậm trễ một giây, tôi tắt đèn, nắm tay nàng chạy thẳng một mạch ra khỏi đại sứ quán rồi nhảy đại lên chiếc tắc xi gần đó. Tôi sẽ đưa nàng tới nhà một người bà con trú tạm qua đêm.

Trong lúc ngồi trên xe, nàng nói:

- Anh thấy đó, vô ích thôi! Hắn sẽ giết em! Bọn chúng sẽ không buông tha em đâu! Bữa nay hắn bắn hụt, nhưng mai hắn sẽ bắn trúng.

- Đừng có nghĩ quẩn, em phải can đảm lên chứ! Bây giờ anh đảm bảo là an toàn trăm phần trăm rồi. Mà em có biết cái tên khốn kiếp ấy ở đâu không? Để anh tìm tới trị cho hắn một trận.

Mới đầu nàng kiên quyết từ chối không cho tôi biết, nhưng trên quãng đường đến nhà cô em của tôi, nàng dần cảm thấy an tâm, bèn nói:

- Hắn ở khách sạn Phoenix lầu 2, phòng số 15. Nhưng em van anh, đừng có tới đó! Hắn nguy hiểm lắm, chưa kể lại có thêm đồng bọn nữa. Mặt mũi hắn chẳng khác gì đười ươi đâu!

Thà rằng nàng đừng tiết lộ địa chỉ của hắn làm gì, tất nhiên khi đó tôi sẽ vô phương kế, chẳng làm gì được. Nhưng một khi đã biết rồi thì chẳng lẽ tôi lại làm ngơ sao? Thế là cái máu anh hùng trong tôi sôi lên sùng sục. Tôi quên hẳn cái tư cách tùy viên ngoại giao của mình. Vị trí của tôi cần phải biết tránh đi mọi chuyện lùm xùm vì có khi chỉ một rắc rối nhỏ thôi, cũng sẽ trở thành biến cố ngoại giao giữa hai nước.

Sau khi giao phó nàng cho cô em họ, tôi lao tới khách sạn Phoenix mặc dù nàng đã hết sức khuyên can. Đó là một khách sạn rẻ tiền, nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà đồ sộ. Tôi đẩy cửa quay bước vào và đảo mắt nhìn người bảo vệ. Nhưng bên trong sảnh chính trống vắng, không có một ai. Khi nhìn thấy thang máy, tôi lặng lẽ tiến vào.

Lên lầu 2, trong lúc tôi bước ra thì ở hành lang, một cánh cửa phòng đối diện với thang máy hé mở. Đó chính là phòng số 15. Một người đàn ông ăn vận chỉnh tề xuất hiện. Chiếc áo không làm nên thầy tu. Đúng thế! Chỉ cần nhìn cái bản mặt cô hồn, tôi cũng biết chính là hắn, kẻ vừa nã súng vào đại sứ quán mà tôi đang tìm kiếm.

Tiên hạ thủ vi cường, tôi đấm ngay một phát vào giữa mặt hắn, và khi hắn loạng choạng dựa vào tường để cho khỏi ngã, tôi sử dụng một thế nhu đạo khóa tay hắn lại. Tiếp đó, tôi áp dụng một thứ ngôn ngữ bẩn thỉu nhất mà tôi chợt nhớ ra để cảnh cáo hắn rằng:

- Nếu mày còn tiếp tục hành hạ người phụ nữ xinh đẹp tội nghiệp ấy, một người phụ nữ chân yếu tay mềm mà ông đây đã hứa bảo vệ, thì ông sẽ giết mày như một con chó ghẻ!

Sau đó, tôi phủi áo và buông tay hắn ra.

Được thả tự do, hắn lẹ làng luồn vào trong thang máy. Hắn kéo cái cánh cửa thang máy lại, và khi cảm thấy mình đã được an toàn sau khung sắt, gã cô hồn cười gằn rồi cất tiếng:

- Bộ mày tưởng mày hay lắm đấy hả? Được rồi, mày cứ việc quay trở lại với con điếm thối tha kia đi, và mày cũng nên cho nó hay rằng, nhất định tao sẽ thanh toán nó. Có thể ngày mai, cũng có thể tháng sau. Nó có thể trốn đi bất cứ đâu tùy thích, nhưng tao sẽ bám sát nó! Còn riêng với mày, tao sẽ nhớ ngày hôm nay!

Cái thằng khốn kiếp ấy cười vào mũi tôi. Tôi sôi tiết lên và vô thức vớ lấy chiếc ô được dựng ở gần đó. Tôi cầm phần đầu chiếc ô thọc rồi qua khung cửa sắt thang máy. Thực tâm, tôi chỉ muốn đập vào mặt hắn. Nhưng tôi đánh hụt, và cái cán cong của chiếc ô ngoặc luôn vào cổ gã cô hồn. Đúng vào lúc tôi kéo được cái đầu của hắn về phía trước thì thang máy hạ xuống. Cổ hắn bị kẹt giữa trần thang máy và sàn hành lang. Cảnh tượng sau đó thật hãi hùng mà phải nói thật là tôi không dám viết ra đây.

Sống lưng tôi lạnh toát. Tôi vội phóng nhanh xuống cầu thang. Sảnh chính khách sạn vẫn vắng lặng, và thang máy hạ xuống, bên trong là một cái xác cụt đầu. Tôi lật đật bước vội đến cửa quay và rời khỏi khách sạn. Chẳng một ai trông thấy tôi.

Sáng hôm sau, tôi xem trong các báo đưa mẩu tin về “tai nạn” xảy ra đêm qua tại khách sạn Phoenix. Phía dưới bản tin có vài dòng khuyến cáo mọi người hãy đóng chặt hai cửa thang máy lại và không được rướn người ra phía trước trước khi bấm nút thang máy. Định mệnh quả thật là kỳ lạ vì cũng chính trong ngày hôm ấy, một cụ ông ở ngôi nhà áp phía sau đại sứ quán đã tới xin lỗi chúng tôi. Trong lúc lau khẩu súng bắn chim, ông ta đã vô ý cướp cò làm viên đạn bay trúng vỡ mất một khung cửa kính của đại sứ quán.

Nếu ông ta cẩn thận hơn, không bị cướp cò thì đâu có xảy ra sự việc như trên. Đó đúng là một sự ngẫu nhiên, có phải không, thưa quý vị!

Hiếu Văn (dịch)

John le Carré (Anh)
.
.