Một chuyện tình…
Hình như, chừng ấy năm cũng từ cái đêm ấy, tôi không có hứng thú qua lại với người đàn bà nào khác. Cũng có nhiều người đàn bà ve vuốt, cũng có những cuộc tình không đầu, không cuối, nhưng cảm giác xác thịt trong tôi như vết lở loét mãi ra, tôi mất dần cảm giác ham muốn. Lắm lúc tự hỏi, người với ma, phép cộng ấy sẽ là gì nhỉ? Đêm ấy tôi có uống mấy chén rượu ngoài quán chợ huyện, tôi say trăng hay lỡ đắm chìm vào màu mắt u tối của nàng không biết nữa.
Đêm nay, nhà bá Huệ lại sáng đèn, tôi nấp ở bờ giậu nghe cung văn hát: “Ngược sông Đà dạo khắp suối khe. Hang Miếng Suối Rút chèo về. Ngược xuôi, xuôi ngược chiếc thuyền về động tiên...”.
Thoáng chốc, nước đã về ngầm. Mỗi năm, nước qua Ngầm Xưa độ vài lần, lần nào cũng lạ, lúc ấy chỉ có cưỡi trâu mới ra khỏi làng được.
Trước hôm tôi thi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm trên tỉnh, chẳng biết ai xui khiến, mẹ tôi lại sắm lễ ra khấn ở miếu cây gạo cụt. Ngày trước, ông Chôm nhọ (dân làng gọi thế vì ông có cái bớt đen xì bên má, nghe bảo ông là người từ miền thượng về) ngày trăng tròn vẫn hay ra miếu khấn. Rồi có một ngày, tự dưng ông bắt đầu vác rìu leo lên chặt cành cây gạo. Ông chặt chậm mà đều, những tiếng rìu như nhịp cầm canh cứ thúc vào tâm can dân cái làng đầu thừa đuôi thẹo này. Cuối cùng, cây gạo cụt một cành thật. Người đi chợ kể, đêm ấy về, ông Chôm mơ có ông lão râu tóc bạc phơ, chống gậy đến đòi trả cánh tay. Ông thất kinh nhiều ngày không ngủ được, người nhà bèn nhờ thầy yểm ở cây gạo. Từ ấy, cái miếu cũng lạnh, ông hóa điên. Mà thần Phật chắc cũng phế rồi.
Chuyện xưa là thế, chỉ biết là sau hôm mẹ tôi ra miếu, ông giáo Dung già dạy trường làng đột tử, chiều hôm đó nước lại về ngầm. Không thể đưa ông giáo ra đồng, người dân làng bỏ đấy, trên bờ, dưới nước dọc ngang đơm, đó mà “xung trận”, chưa bao giờ thấy nhiều loại cá trôi về đến thế.
Mấy ngày nước mới rút, đi đâu cũng ngậy mùi cá kho, cá nướng mà người ta vẫn cứ tiếc đứt ruột. Rồi lại có tin là do ở tận đẩu, tận đâu lũ tràn suối cá thần, chứ cá ao thì lấy đâu ra nhiều đến vậy. Đêm ấy, dân làng im thin thít đèn đóm tắt sớm. Nghe ngóng bụng dạ mình, nghe ý tứ ông trời còn cho mình sống đến lúc nào? Tôi không ngủ được. Trời không một vì sao. Gió thổi tanh nồng mùi xác các loài thủy sinh chết dạt trên bờ. Chúng chết vì niềm hân hoan khi nước quá nhiều. Nửa còn lại ngoài dương thế của chúng là khô khốc, chúng đã tìm được đến và gửi xác.
Sau đó ít lâu, ngày hai bận tôi được đạp xe đến dạy hợp đồng ở trường làng. Có hôm trưa nắng, xe thủng xăm, tôi dắt bộ chiếc xe đến gốc đa ngồi nghỉ. Không một quán nước, không một người vá xe dưới cái bóng mát thừa thãi ấy. Tôi ngồi nhìn cái bóng râm méo mó, giống một cái xoáy âm - dương, lại thấy hao hao giống cái vết chàm trên mặt người đàn ông gàn dở.
Chẳng mấy mà đến vụ mùa, dân làng tôi mang theo ra đồng bằng những chuyện tầm phào, bàn tán. Những hạt thóc căng mọng làm cái xe của tôi lì ra như không chịu nhúc nhích lên con đường. Thế mà, các cụ còn quở phù sa không chịu về đợt tràn ngầm vừa rồi. Tôi ước nhà tôi cứ mãi thế, ruộng ít hai miệng ăn vừa đủ, mẹ cứ thế này, không thì... “Huỵch”, bánh xe bắt lên vệ đường rồi cả xe lao đi, tay tôi loạng choạng, như con diều rớt xuống bãi cỏ bỗng dưng gặp gió. Một khuôn mặt tròn lem luốc mồ hôi, đất, áo bám cả những cọng rơm. Tôi quay lại giật mình, tôi lắp bắp: “Thảo...”.
- Là em, Thao thầy ạ, chị Thảo em mất lâu rồi.
Ờ, tôi chỉ nhớ lúc tỉnh ra ở bờ cỏ, môi tôi và môi Thao vẫn dính vào nhau bằng những giọt nước lũ. Tôi mở mắt, Thao tát tôi đến nổ đom đóm mắt.
Hôm ấy về, ngầm mới mưa, tôi đạp xe đến nơi thì lũ lên cao. Những cọng rêu già bị cuốn phăng, nhìn dòng suối xa lạ và hung hãn. Đứng ở đầu ngầm mà nước đã dâng hết cái cẳng chân nghêu ngao của một anh giáo. Định bụng quay lại lớp học chờ nước rút thì bỗng dưng, giữa muôn vàn rác rưởi từ những đâu đổ về, một cái đầu nhô lên, phun nước phì phì, tóc dài xõa xượi đến sởn gai ốc. Nhưng mà là người thì phải cứu... Phút ấy như một tia chớp định mệnh, quên cả cái xe đạp, tôi lao xuống dòng nước... Phút chốc, tôi thấy mình chới với, không ngờ, ngầm sâu và hun hút đến vậy. Chỉ mấy sải tay là đến bờ, cây đa cụt xa xa kia, mà cái miệng nước cứ hút lấy tôi rồi nuốt chửng. Sau này, có lần mẹ bảo tôi: “May đấy, hôm ấy con ma ấy nó lại cứu mày”. Lần nào tôi cũng cãi: “Là cái Thao, học sinh lớp con chứ mẹ”. Lạ nỗi, lần nào cũng vậy, mẹ tôi chỉ im lặng thở dài. Trong sự tĩnh lặng bên một người phụ nữ lớn tuổi bao giờ chứa chất những chuyện dài như dòng sông
Những ngày đứng trên bục giảng, tôi có lúc bâng khuâng ngắm hàng phượng nở mỗi sớm nắng mai, ngắm cái cột khói bếp nhà ai phía bên kia cánh đồng mỗi khi xế trưa. Nhưng thi thoảng, không cố ý nhưng mắt tôi cũng “vấp” phải cái dáng Thao ngồi học nơi góc lớp. Cô bé là đứa lớn nhất lớp, trội đến 4 tuổi so với chúng bạn.
*
Trên có chỉ thị cắt hợp đồng, tôi đành phải ly hương để kiếm sống. Con xe wave Tàu zin 3 chòng chành gằn lên những tiếng kêu khô khét giữa buổi trưa nắng nỏ, tôi cố bám chặt vào hai gã ngồi trước bụng căng nứt bia cỏ. Con đường làng tôi hôm nay như một con rắn nằm phơi mình yếu đuối và buồn bã dưới nắng. Cái nọc độc chết người của nó phảng phất trong từng bóng râm, từng cơn gió. Xe qua cổng trường, lá rụng đầy sân, tưởng như một ngôi chùa vắng. Tôi vẫn nhìn thấy Thao ngồi bên cửa sổ, bím tóc dài búi gọn nằm vắt trên khuôn ngực tròn căng và thân hình mềm mại như một nét vẽ. Trong lồng ngực tôi như có ngọn lửa bắt vào thớ gỗ khô nỏ bốc lên hừng hực.
Trưa hôm đó ra đến thị trấn, tôi bị lỡ xe nhưng tôi không trở về nhà. Đêm, tôi lần về làng, bước chân tôi đi nhẹ nhàng để cảm nhận được một cuộc sống khác. Dừng chân trước cửa một ngôi nhà, tôi vắt cái áo lên hàng cây ngâu ngồi nghỉ. Đêm nay trăng quầng đủ nhìn rõ đường đi nhưng nhìn lòe nhòe mặt người. Làng tôi đấy mà hơn hai chục năm, tôi chỉ đi về qua những lối mẹ thường vẫn dặn. Từ ngày bố mất, mẹ đẽo cả kiếm gỗ, cung nỏ cho tôi chơi mà cái khí phách thằng đàn ông trong tôi vẫn chỉ như đám rêu èo uột dưới ngầm. Tôi nghe trong gió có hương nhài thoang thoảng, mùi hương vụng trộm trong giấc đêm của làng cả khi những con chó thính nhất đã cụp tai đi ngủ.
Đêm, bầy muỗi vo ve tìm đến tôi rồi bâu đặc, những cái vòi hút máu nhỏ xíu xuyên qua da thịt, chích vào gan ruột tôi. Không hiểu sao, cảm giác đau và ngứa lại khiến tôi bứt rứt như một sự kích thích. Tôi lần vào sân nhà, một cái sân lát gạch nghiêng mát lạnh. Tôi bỏ dép đi chân không, bước chân hăm hở đưa tôi đến cái khung cửa sổ còn sáng đèn. Một ánh đèn dầu rất nhỏ. Tôi nhìn thấy căn nhà trống không, đồ đạc cũ kĩ như đã từ bao lâu, không một bóng điện, một cái xe đạp hay phích nước, những đồ dùng thường có ở mọi nhà trong làng cũng không thấy. Vậy thì, ánh đèn kia đến từ đâu? Cảm giác rờn rợn từ gáy chạy dọc sống lưng tôi...
Thoắt cái, bóng một người con gái hiện ra làm tôi trấn tĩnh. Là Thao chứ ai, tôi tự giảng giải cho mình. Tôi định cất tiếng, nhưng đã kịp dừng lại, vẫn có một sợi tơ mỏng mảnh ngăn tôi. Thì cái áo trắng mỗi khi tôi mặc lên lớp vẫn vắt ngoài kia, vẫn tiếng gọi “thầy” lí nhí của Thao ngày nào, mà giờ đã khuya, tôi định đứng đó ngắm Thao một lúc rồi rút lui.
Bỗng, có cái gì đó thật khó lí giải, sân trống trải và bàn chân tôi vẫn không nhúc nhích bước nào mà có một chiếc bát vỡ loảng xoảng. Thảo - chị gái Thao - không giật mình, điềm tĩnh đưa đôi mắt nhìn về phía tôi. Tôi khẽ đẩy cửa bước vào, nàng nhìn tôi từ đầu đến chân, như một người xa lạ vừa từ cung trăng rơi xuống.
Tôi giật mình, chẳng lẽ, tôi đã lạc vào ngôi làng khác, kí ức khác. Lúc ấy, tôi không thắc mắc nhiều, tôi chỉ nhớ đã ngồi xuống bên nàng thật lâu. Hai người chung một lặng im mãi rồi cũng thấy có gì đó bất tiện. Tôi bắt gặp ánh mắt nàng trầm xuống đến u tối. Trong khoảng tối ấy tôi thấy mình hóa thành một con thiêu thân bay lạc vào, chao đảo rồi không còn nhận ra đôi cánh của mình. Những lớp phấn trên người nó cứ tróc dần, tróc dần chỉ còn là lớp thịt đau nhói đau. Tôi như thấy nước Ngầm Xưa dâng lên trong người tôi, tràn ứ quá ngầm rồi phăng phăng lao vào làng xóm. Ban đầu là cái điếm canh có ông Quản ngồi hút thuốc lào, tôi cố kìm con nước bằng ánh mắt kêu gào báo để ông chạy mà ông vẫn thản nhiên nhả khói lên trời xanh. Cái điếm bay mất rồi đến cái chòi lá của bà Nhường. Bà già ở vậy cả đời không lấy ai mà nói vanh vách chuyện sinh nở, rồi thế, rồi thế cuốn phăng tất cả.... đến cây gạo, thì con nước dừng lại, cạn kiệt và viên mãn.
*
Tôi ôm bọc quần áo ngồi nép vào phía cửa xe. Bên này, là một mụ buôn cá béo ục ịch đang ngủ gật. Cái xe không thiếu một hàng ghế nhưng chở người thì ít, gà vịt, cua cá thì nhiều. Tiếng người bị át bởi tiếng vật, mùi người mất tăm bởi mùi hôi hám của vật. Trong xe, mỗi tôi là quần áo tươm tất nhưng có vẻ chả ai bận tâm.
Tôi đến nhà một người quen ở miền Trung làm phụ việc, dần dà cũng kiếm được một ngôi nhà nhỏ bên làng chài. Sau này, nhờ dự án phát triển du lịch, con đường mới được mở ra gần biển, tôi mở một cửa hàng nhỏ bán đồ tạp hóa cho khách du lịch nên cũng không lo chuyện cơm áo. Nhưng, nhiều đêm nằm nghe tiếng sóng vỗ ngoài kia, như không biết đến lúc nào cả khối xanh biếc đầy thịnh nộ ấy sẽ giáng vào bờ một đòn chí mạng như ở một hòn đảo Đông Nam Á, cũng thấy lo. Một nỗi lo mơ hồ khó diễn tả.
Quanh quẩn hơn mười năm tôi lại tìm về cái làng nhỏ. Mẹ tôi đã già đi nhiều sau khi về sống với một ông thầy lang chết vợ. Hai người sống lặng lẽ trong căn nhà ngói ba gian, hai chái, ông dượng của tôi làm thêm nghề cây cảnh. Tôi kéo mẹ ra một góc vườn dúi vào tay bà nắm tiền xanh lét.
- Thế Thảo giờ sao rồi mẹ…
- Thôi! Mày đừng hỏi nữa, mày đi biền biệt có biết làng này mạch đã đổi, đất đã dữ, người đã thay rồi không?
Tôi chẳng buồn nghĩ đến những gì mẹ nói, tôi ra thăm mộ bà ngoại. Thắp nén hương, tôi nhìn qua chân nhang đã thấy bên kia những ngôi nhà mới mọc lên lấn cả vào nghĩa trang. Tôi đi lạc lối, lại bước chân đến cây gạo lúc nào không hay. Giờ nó đứng khép mình giữa những ngôi nhà cao, nhiều cành bị gãy, rễ túng quẫn nổi lên giữa bốn bề cọc móng nhà cao tầng. Thắp nén hương, bày lên một bao thuốc còn nguyên, thứ lễ vật duy nhất tôi mang theo bên mình, tôi nhắm mắt lại lầm rầm khấn khứa. Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh ông già tóc xõa cụt tay từ trên cây gạo bước xuống. Từ phía chợ xa, bóng ông giáo Dung dắt chiếc xe đạp có chiếc cặp sách vắt ngang khung. Rồi Thao, với bím tóc dài vắt trên ngực, và người con gái tôi gặp trong căn nhà ma mị… Điều khiến tôi đi thật xa bao năm và giờ lại muốn về làng thật lâu chính là điều bấy lâu nay tôi không tự trả lời được. Mười năm qua những con sóng bạc đầu dội vào hồn tôi như viết rồi lại xóa, lớp ý nghĩ sau đè lên lớp trước: Là Thao hay “bóng ma” mà dân làng thường nhắc đến với cái tên Thảo?
Hình như, chừng ấy năm cũng từ cái đêm ấy, tôi không có hứng thú qua lại với người đàn bà nào khác. Cũng có nhiều người đàn bà ve vuốt, cũng có những cuộc tình không đầu, không cuối, nhưng cảm giác xác thịt trong tôi như vết lở loét mãi ra, tôi mất dần cảm giác ham muốn. Lắm lúc tự hỏi, người với ma, phép cộng ấy sẽ là gì nhỉ? Đêm ấy tôi có uống mấy chén rượu ngoài quán chợ huyện, tôi say trăng hay lỡ đắm chìm vào màu mắt u tối của nàng không biết nữa.
*
Dù gì, thì cũng một lần, người ta sống để một lần được mất đi những gì trời đã ban tặng, trả lại cho tạo hóa. Tôi tâm niệm điều đó và vắt chiếc áo lên vai, bước trên con đường quê nắng gắt. Giờ đứng ngọ, đường vắng tanh, mấy quán bia rầu rĩ những bản nhạc lai ghép. Với thứ nước mắt và nụ cười pha trộn vào nhau dù chỉ nghe bằng tai cũng thấy cồn cào gan ruột. Ngay chỗ cái sân mà tôi dừng lại, dẫu bao năm thì tôi vẫn biết phải dừng lại chỗ ấy, tôi lại bỏ đôi dép bụi bặm để lặng lẽ bước vào bằng đôi chân của mình. Muối biển có thể gột rửa sạch lớp bùn đất kí sinh trong da thịt tôi thì tim tôi vẫn như lọt xuống gan bàn chân mà nhói buốt từng hạt cát vương trên nền gạch.
Tôi bước vào nhà, căn nhà đã được sửa chữa lại nhưng vẫn khá đơn sơ, một đứa trẻ đang chơi nhìn thấy tôi liền ló mặt ra. Nhìn nó, tôi đoán chỉ chừng bảy, tám tuổi. Phía sau lưng, một người đàn ông lưng còng gày guộc, tóc xõa trắng bờ vai. Tôi thoáng giật mình lùi lại trước khuôn mặt quen thuộc ấy hiện ra từ căn nhà mà giờ tôi mới nhìn thấy nó dài hun hút như những căn nhà ống ở thành thị. Thứ mà tôi chạm phải khi lùi lại chính là bàn tay gày guộc của mẹ tôi, bà đã đứng đó từ lúc nào. Cuộc đời tôi như một thước phim được cắt gọn lại, kẹp chặt. Phía trước, khuôn mặt lão Chôm từ từ hiện ra. Nếu mẹ tôi không cất tiếng - dù bao năm qua luôn là người chỉ trả lời khi tôi hỏi - thì có lẽ tôi sẽ không đứng vững:
- Bà đến đón cháu. Mẹ đã đợi lâu lắm rồi con ạ.
Chỉ có đứa trẻ và tôi ngơ ngác khi lão Chôm dắt nó đến bên mẹ tôi. “Không phải dòng dõi người miền thượng sao có nước da đẹp như con lão Chôm”. “Thảo là con ai hả mẹ?”. “Rồi con cũng phải làm cái việc một người đàn ông không thể chạy trốn mãi được”… những câu nói bao năm rồi như từ cõi ma quái nào lại vang trong đầu tôi. Thao đã im lặng, lúc đó cái tên của em như bớt đi một dấu hỏi để tôi tin em là Thảo. Một người đã mất nhưng còn những đam mê mà em đánh cắp để một lần hòa nhịp cùng tôi. Em im lặng để hiến dâng cho tôi một thân phận, rồi em cũng yên lặng trong cơn vật vã của lũ nguồn tràn về Ngầm Xưa để sinh hạ đứa con. Em cũng như các loài thủy sinh vượt lên cạn rồi vĩnh viễn để lại thân xác của mình. Thiếu sữa mẹ, thiếu tình mẫu tử, đứa con còi cọc làm tôi không đoán ra được tuổi thật của nó. Cũng chừng ấy năm, lão Chôm đi khắp làng xin sữa, bón từng thìa cháo cho đứa cháu ngoại. Mẹ tôi cầm lòng nằm nghe tiếng khóc của nó mà không thể bước chân sang. Mẹ chờ tôi về để có ngày hôm nay như chờ con nước lớn tràn qua Ngầm Xưa để cuốn phăng đi những buồn vui của kiếp người.
Tôi ôm đứa con trong lòng, chưa bao giờ ba con người được chụm bên nhau để tạo nên một ngọn lửa ấm gia đình. Em giờ đã xa xăm để hai cha con tôi đứng dưới mái hiên này. Đêm nay, nghe như bên nhà bá Huệ lại sáng đèn, bá giờ mắt đã lòa, chân đã chậm, tôi nghe cung văn hát một điệu rất quen:
Môi son i hị như đóa hoa cười
thanh tân lịch sự mắt ngời thu ba
tóc rườm rà rẽ đôi cánh phượng
nét cong cong uốn lượn đường tơ
xinh xinh để liễu thẫn a thờ i ỉ ì.
Người thanh đồng đó dung nhan sắc sảo nhưng đôi mắt buồn vời vợi, đứa con quay ra thì thầm vào tai tôi:
- Họ hát gì vậy? Von sợ lắm, về thôi bố.
- Đừng sợ, họ hát vì đêm nay nước lại về Ngầm Xưa thôi mà con…