Một buổi trưa tắc đường

Thứ Năm, 18/08/2022, 17:31

Không lâu sau, có một bài báo được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội nói về một nhóm đối tượng thanh niên và trẻ vị thành niên chuyên rải đinh ở đường S bị công an bắt. Theo điều tra, nhóm đối tượng làm nghề sửa xe lưu động, bán vé số, ăn xin… thực hiện rải đinh có tổ chức gây ra nhiều vụ hỏng xe, tai nạn, tắc đường nghiêm trọng trên tuyến đường này trong thời gian dài.

Cộc cộc cộc. Cửa kính xe hạ xuống, một đứa mặt đen thò vào, giọng điệu đáng thương:

- Cô chú cho cháu xin ít tiền mua cơm được không? Cháu đói quá!

Giật mình với sự xuất hiện của ăn xin. Nó khoảng mười một, mười hai tuổi, gầy gò, mặc áo cháo lòng nhăn như giẻ lau, thủng lỗ chỗ. Trong xe ô tô là nhà văn T, ba mươi hai tuổi, hiện đang là Phó Giám đốc của một công ty xuất bản và truyền thông, tác giả của ba đầu sách. Cuốn sách đầu tay là tiểu thuyết, kể về cuộc sống của mười ba nhân vật trước ngày tận thế. Sách tràn ngập những giấc mơ đẹp đẽ và thấm đẫm tình người nhưng ế trương không ai đọc. Hai cuốn sau thì ngược lại, dạy kĩ năng sống, bí kíp đổi đời, thuộc loại Best-seller hiện nay.

Cùng đi với nhà văn T là H, hai mươi lăm tuổi, gương mặt ưa nhìn, hiện đang là nhân viên kế toán của một công ty chuyên sản xuất đồ bơi xuất khẩu. Cả hai quen nhau cách đây ba tháng, chính thức tỏ tình và vập vào nhau được một tháng. Nhà văn T đang trên đường dẫn H về quê chơi, ra mắt gia đình, nếu thuận cuối năm nay sẽ cưới.

Ngã tư phía trước đang xảy ra tai nạn. Theo bản tin giao thông, xe chở sữa nổ lốp tông vào xe taxi rồi lật chắn ngang đường. Thương vong nặng. Nhưng không có tình trạng hôi của như vụ lật xe chở bia bị cả nước chửi xa xả mấy năm trước. Tắc đường phải đến hơn hai cây số. Xe máy lách vào làn trong được. Ô tô chịu chết, cấm nhúc nhích. Đủ loại ô tô, từ container, xe tải, xe khách, ô tô hạng sang cho đến dòng xe Mazda phổ thông tầm hơn nửa tỉ một chiếc như của nhà văn T.

Thằng bé ăn xin vẫn giương mắt ốc nhồi chờ đợi nhà văn T và H cho tiền. H cũng đang đợi phản ứng của người yêu. Nếu không ngồi cạnh người yêu, H sẽ đuổi thằng bé ăn xin đi. H nghĩ, ăn xin giờ nhan nhản, toàn một hội với lũ móc túi, du côn. Còn nhà văn T không biết lúc này đang nghĩ gì, vẻ mặt nghiêm trọng như lúc viết tiểu thuyết.

z3650480547797_7e2d38e3e8ab3bb97beb62d48cf49d31.jpg -0
Minh họa: Thành Chương

- Gần đây có hiệu tạp hóa nào không cháu? - Nhà văn T hỏi.

Thằng bé gật.

- Có xa không?

- Không xa. Nhưng đi vào trong khu dân cư mới có.

- Thế à! Giờ như này nhé… Chú đưa cháu hai trăm nghìn, cháu đi mua hộ chú một thùng nước lọc. Giá chắc chỉ hơn một trăm nghìn. Còn lại mấy chục cho cháu… Và nữa, nếu cháu mang được thùng nước về đây, có thể chú sẽ thưởng thêm.

- Được ạ!

Thằng bé chốt luôn, nhận tiền, hí hửng chạy một mạch mất hút.

- Nó có quay lại không? - H hỏi.

- Em đoán xem? -  Nhà văn T nở một nụ cười bí hiểm - Anh đang làm một phép thử!

Phép thử gì chứ? Lúc này, H chỉ nghĩ đến nước. Cô đang thực hiện phương pháp uống nước theo cách của youtube Tâm Japan, cứ hai giờ phải uống một cốc nước để làm đẹp da. Thiếu nước một chu kì, cô cảm giác người mình héo đi, và "già đi chục tuổi"- theo như lời chị Tâm.

- Em mong nó sẽ quay lại vì em đang khát!

Nhà văn T cười khà khà, thoáng nghĩ đến nhân vật trong tiểu thuyết của anh. Cuốn sách thứ tư sẽ là tiểu thuyết. Sẽ thú vị lắm, và tiếp diễn như tiểu thuyết, nếu thằng bé ăn xin quay trở lại.

Mười phút rồi chưa thấy bóng dáng thằng bé ăn xin đâu. Lúc này đã giữa trưa, mặt đường như bị nung lên và không khí nồng nặc mùi xăng. Đoàn xe vẫn đang rã rượi dưới nắng.

- Thằng kia chắc cầm tiền đi luôn rồi! - H tỏ vẻ thất vọng.

- Ờ đấy! Nhưng cứ chờ chút nữa xem thế nào! Chúng ta phải có niềm tin vào những gì tốt đẹp chứ!

Cộc cộc cộc. Tốt đẹp đến rồi? Cửa kính vừa hạ xuống thì một tên mặt rỗ nhòm vào, hỏi trống không:

- Còn thuốc lá ở đấy không?

Tất nhiên, lắc đầu. Nhà văn T thích uống cà phê, rượu uống vui được đôi ba chén, còn thuốc lá thuốc lào hay thuốc cấm khác thì tuyệt đối không đụng tới.

- Mẹ nó, sáng giờ còn chưa ăn sáng. Tắc đường quá trưa có mà chết đói.

Tên mặt rỗ làu bàu một lúc rồi bỏ về xe tải. Trên xe của hắn có mười ba con lợn, con nào con đấy béo núc ních cứ eng éc đòi ăn. Đúng là lợn, cuộc đời chúng đơn giản đến mức hầu như lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ăn. Tắc đường, chúng đang trễ giờ đến lò mổ.

Nhà văn T đóng kín cửa kính để ngăn tiếng lợn kêu làm phiền đến suy tư tiểu thuyết của anh. Anh vẫn đang chờ thằng bé ăn xin quay trở lại. Còn H có vẻ đang mệt, thiếu nước đang làm cô héo đi thật, cô nhắm mắt đưa hai tay massage mặt theo bài trị liệu giảm căng thẳng của chị Tâm Japan.

Cộc cộc cộc. Cửa kính hạ xuống. Vẫn không phải thằng bé. Một bà cô mặt bạnh, tướng người thô như đàn ông, đon đả:

- Ăn bánh mì không cô chú ơi? 

Nhà văn T quay lại hỏi ý người yêu. Dĩ nhiên, lắc đầu. Hỏi thừa. Bánh mì là thứ dễ tăng cân và siêu hút nước. Trong khi H đang trong chiến dịch giảm cân, và lúc này, 70% nơ ron thần kinh của cô đang cần nước.

- Mua khoai cô chú nhé. Khoai mật, ngon lắm!

Mời hết cả xe hàng chắc. Trên xe, ngoài bánh mì, khoai, còn cả mớ thứ như bánh chưng, bánh dầy, bánh rán, bỏng gậy… Nhà văn T bỏ ra hai mươi nghìn để mua một củ khoai cho xong chuyện, trước khi đóng cửa kính để cách li với cái không khí oi nóng khủng khiếp bên ngoài.

Cộc cộc cộc. Cửa kính kéo xuống, ơn giời, thằng bé ăn xin đây rồi.

- Nước đây chú! Một thùng giá một trăm ba mươi nghìn. Thừa bảy mươi nghìn, cháu xin nhá! - Thằng bé lau mồ hôi trán, hớn hở.

- Cháu khá đấy! Nhưng chú muốn nhờ cháu một việc nữa. Nếu làm tốt, chú cho cháu thêm hai trăm nghìn.

Thằng bé gật, mắt sáng rực lên.

- Cháu mở thùng nước ra đưa chú hai chai trước. Cô này đang khát nước lắm rồi! - nhà văn T cười và chỉ về phía H, rồi nói tiếp - Một thùng có hai mươi tư chai, hai mươi hai chai còn lại cháu phát cho mỗi xe một chai hộ chú. Xe nào cũng được. Nhưng nhớ nhé, nước miễn phí. Cháu phải bảo người ta nước này miễn phí. Cháu hiểu không?

- Cháu hiểu.

- Chưa hết! Nếu người ta cho tiền, cháu có thể nhận. Nhưng cháu phải quay lại đây báo cho chú biết cháu được tổng bao nhiêu tiền. Lúc ấy chú sẽ đưa cho cháu hai trăm nghìn này.

Nhà văn T nói rồi rút ra một tờ hai trăm nghìn khác giơ trước mặt thằng bé. Thằng bé có vẻ phân vân, nhưng không để nhà văn T đợi lâu, nó gật đầu như bổ củi. Nó đưa lại cho nhà văn T hai chai nước, rồi hăm hở bê thùng nước đi phát.

H tu một hơi hết phân nửa chai nước. Các nơ ron thần kinh của cô được thỏa mãn, tỉnh hẳn ra. Những việc người yêu làm, đôi lúc cô thấy anh khác người, thậm chí dở hơi, nhưng chẳng có gì xấu. Chuyện này đơn giản là một phép thử gì đấy về "niềm tin vào những gì tốt đẹp" - như anh nói, và để giết thời gian.

Nhà văn T thì háo hức chờ đợi kết quả từ phép thử của anh. Nếu đúng như dự đoán, thằng bé ăn xin sẽ được một số người cho thêm tiền. Cái thiện sẽ khơi dậy lòng trắc ẩn của xã hội và lan tỏa nó? Trong cuốn sách Best-seller của nhà văn T có hẳn một chương tên là "cái giá của sự miễn phí". Sự miễn phí trong trường hợp này đáng giá bao nhiêu, chỉ một lúc nữa sẽ biết kết quả. Thỉnh thoảng nhà văn T lại mở cửa kính xe, ngoái đầu nhìn xem thằng bé ăn xin có còn đang phát nước không. Chà chà, hình như thằng bé đang chọn xe để phát nước. Nó bỏ qua cái xe tải với tên mặt rỗ đang cau có chửi mười ba con lợn trên xe hắn.

- Thằng bé vẫn đang đi phát nước hả anh?

- Ừm, nó khôn đấy. Nó đang chọn xe để phát nước!

- Có vẻ nó là đứa trẻ tốt. Không biết còn bố mẹ không?

- Anh không rõ! Để tí anh hỏi nó! Nhưng anh chắc chắn chẳng đứa trẻ nào có một gia đình bình thường lại đi ăn xin. Nó là một đứa trẻ bất hạnh! Anh cũng từng là một đứa trẻ bất hạnh… Anh mất mẹ từ năm anh ba tuổi.

- Em thật may mắn khi còn cả bố và mẹ.

- Anh mất mẹ nhưng anh có một người ông và một người bố tuyệt vời. Lúc nào về nhà gặp họ em sẽ hiểu.

- Hy vọng họ sẽ mến em!

- Chắc chắn rồi!

Cộc cộc cộc. Thằng bé ăn xin đã trở lại, người nó nhễ nhại mồ hôi.

- Cháu phát xong rồi chú!

- Nhanh thế! Có đúng mỗi xe một chai không?

- Không! Xe nào có người xin thêm, cháu cho hai chai!

- Ái chà! Bảo sao nhanh thế!

Nhà văn T cười xòa, móc trong túi áo ra tờ hai trăm nghìn lúc nãy. Nhưng không vội đưa tiền cho thằng bé, anh nói tiếp:

- Chú tò mò chút, bố mẹ cháu đâu? 

- Không còn à!

-  Xin lỗi cháu… Hiện cháu đang sống với ai? Ở đâu?

- Với anh Sĩ, ở chỗ trọ - thằng bé chỉ tay về phía ngã tư.

- Anh ruột hả?

- Không! Cháu không có anh em ruột.

- Thế anh Sĩ đang làm gì?

- Anh ấy sửa xe.

- À đấy, chú hỏi hơi nhiều nhỉ! Quay lại giao kèo nhé… Lúc cháu phát nước, người ta cho thêm cháu nhiều không?

- Cũng khá à! - Thằng bé cười, vỗ bộp bộp vào túi quần.

- Khoảng bao nhiêu?

Thằng bé dừng mất nửa phút để nghĩ câu trả lời.

- Vợ chồng anh chị đi cái xe đỏ đẹp lắm, xin hai chai nước rồi cho hẳn một tờ năm trăm nghìn. Một chú đeo kính cho một trăm nghìn. Rồi mấy người nữa cho ít hơn… Nhưng nhiều người đi xe đẹp lấy nước xong không cho tiền đâu chú!

- Thế hả? Chắc tầm bảy - tám trăm nghìn đấy nhỉ?

- Cháu chưa đếm chưa biết!

- Vậy là khá rồi! Giờ sòng phẳng thế này nhé! Cháu mang hết chỗ tiền người ta cho cháu đưa chú. Nước này chú mua, ý tưởng phát nước lọc này cũng là của chú, chú phải được cầm số tiền đấy. Rồi chú sẽ đưa cháu hai trăm nghìn như đã giao kèo từ trước!

Thằng bé chưng hửng, ngắn mặt lại.

H giật mình suýt làm rơi chai nước đang uống dở trên tay. Vẻ lạnh lùng của người yêu khiến H gai người.

- Không! Không được.

- Tại sao không?

- Tiền này là của cháu, người ta cho cháu!  - Thằng bé quả quyết.

- Cháu chắc chứ? Chú hỏi lại lần nữa, cháu có đưa tiền cho chú không?  Nhà văn T gằn giọng.

- Không! Không… đưa đâu!

Thằng bé vừa nói vừa lùi xa khỏi chiếc xe. Mắt quắc lên, nó như con thú đang gườm kẻ thù to lớn hơn muốn nuốt chửng nó. Và tất nhiên, theo bản năng, nó cắm đầu chạy, chạy tung bụi, trước khi biến mất ở một ngã rẽ.

Nhà văn T nhìn theo hướng thằng bé vừa chạy, bần thần một lúc như vừa vuột mất một thứ gì quan trọng. Anh thở dài nói với H:

- Tiếc quá! Chỉ một chút nữa thôi. Nếu nó đưa tiền cho anh, anh đếm xong sẽ trả lại toàn bộ số tiền cùng hai trăm nghìn như đã hứa với nó. Anh lấy mấy trăm nghìn của nó làm gì! Nếu vượt qua được phép thử cuối thì nó là một đứa đặc biệt. Anh nghĩ mình sẽ hẹn quay lại gặp nó và cho nó một cơ hội khác lớn hơn. Nhưng tiếc… chỉ dừng ở đấy thôi.

- Anh nghĩ nhiều rồi. Kệ đi! Em thấy như thế mới bình thường… mới là cuộc sống!

Câu nói của H cùng tiếng còi xe inh ỏi từ xe tải phía sau khiến nhà văn T tỉnh ra. Đường đã thông, xe phía trước đã đi được hơn chục mét. Chậm vài giây nữa khéo bị tên mặt rỗ đập cửa xe rồi chửi như chửi lợn. Thế nên phải tiếp tục đi. Và trên đường về quê cũng như quay trở lại thành phố, nhà văn T tuyệt nhiên không còn thói quen nói niềm tin vào thứ này thứ kia một lần nào nữa.

Không lâu sau, có một bài báo được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội nói về một nhóm đối tượng thanh niên và trẻ vị thành niên chuyên rải đinh ở đường S bị công an bắt. Theo điều tra, nhóm đối tượng làm nghề sửa xe lưu động, bán vé số, ăn xin… thực hiện rải đinh có tổ chức gây ra nhiều vụ hỏng xe, tai nạn, tắc đường nghiêm trọng trên tuyến đường này trong thời gian dài.

Có ảnh chụp nhóm đối tượng bị bắt trong bài viết. Đứng dựa tường, mặt đứa nào đứa nấy xám xịt, bất cần đời. Không thấy thằng bé ăn xin nọ trong đám đấy, nó trốn được hay thực sự không liên quan nên không bị công an sờ gáy?

Có lần quay lại đường S, nhà văn T đã dừng xe hỏi thông tin về thằng bé ăn xin. Người ta bảo từ ngày bị công an dẹp không thấy đứa ăn xin nào lảng vảng khu này. Anh qua bến xe tìm xem, chỗ đó tụi đầu đường xó chợ khá đông, mà thời bây giờ còn mấy ai cho tiền ăn xin, hình như tụi ăn xin còn sót lại ấy cũng chuyển qua bán hàng rong hết cả rồi.

Truyện ngắn Trần Thái Hưng
.
.