Mẹ đi lấy chồng
Cúc là con gái bà Hoa. Bà đặt tên Cúc vì nghe người ta bảo cúc là tên của một loài hoa đẹp, sẽ mang lại nhiều điều may mắn trong đường đời. Cúc lớn lên nhờ củ sắn, củ mài mẹ kiếm được trên nương, trên rẫy. Tuy nhà nghèo nhưng Cúc cũng lớn phổng phao không kém những đứa bạn trong bản. Bộ ngực nhú lên, căng tròn vạt áo của tuổi dậy thì. Cúc giống mẹ nhất là cái nước da mịn màng, mái tóc óng mượt. Đêm đêm, tiếng chó sủa oang oang đầu xóm là biết trai làng đến tán tỉnh.
Tiếng võng kẽo cà, kẽo kẹt đều đều như tiếng của những cây tre cọ xát vào nhau cất lên trong màn đêm thanh vắng. Lời bà Hoa ru cháu nghèn nghẹn, vẳng ra trong căn nhà trống trải nghe nẫu ruột:
- Ầu ơ! Trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai!
Cu Tèo năm nay vừa tròn 5 tuổi, ở với bà một năm nay. Mẹ nó đã đi lấy chồng khác và theo chồng làm ăn xa nên gửi lại cho bà chăm sóc. Tuy nhà bà cái ăn, cái mặc không dư dả gì nhưng nó là đứa bé hay ăn hay ngủ nên chóng lớn lắm. Nói trộm vía, cả năm nay thằng bé chẳng có hề biết nhức đầu sổ mũi là gì.
Cúc là con gái bà Hoa. Bà đặt tên Cúc vì nghe người ta bảo cúc là tên của một loài hoa đẹp, sẽ mang lại nhiều điều may mắn trong đường đời. Cúc lớn lên nhờ củ sắn, củ mài mẹ kiếm được trên nương, trên rẫy. Tuy nhà nghèo nhưng Cúc cũng lớn phổng phao không kém những đứa bạn trong bản. Bộ ngực nhú lên, căng tròn vạt áo của tuổi dậy thì. Cúc giống mẹ nhất là cái nước da mịn màng, mái tóc óng mượt. Đêm đêm, tiếng chó sủa oang oang đầu xóm là biết trai làng đến tán tỉnh. Thấy con gái ngày càng xinh đẹp, bà thốt lên: "Xinh đẹp lắm, rồi sẽ khổ thôi!".
Ngậm ngùi, thương cháu, nghĩ đến con làm bà Hoa nhớ lại cái thuở ngày xưa của mình. Ngày đó, Hoa là cô gái xinh đẹp trong vùng. Nụ cười tươi sáng như bông hoa giữa núi rừng. Nước da trắng ngần, mỗi lần vén váy lội qua suối, cặp chân trần như nam châm hút bao ánh nhìn. Đi xách nước thì đã có chàng xách ống bương. Đi rẫy thì có chàng đeo gùi. Bố Hoa thấy vậy mà mát cái bụng. Trong số những chàng trai lui tới, Hoa đã phải lòng Sánh, một chàng trai khôi ngô với bộ ngực trần nở căng như tang trống cái. Da bắt nắng, láng bóng như gùi mây lên nước.
Oái ăm thay, vẻ đẹp của Hoa không lọt ra ngoài con mắt tên trọc phú trong bản được. Hắn giàu có nhưng thâm độc. Hay ức hiếp kẻ nghèo. Bố Hoa dạo này đau ốm triền miên. Bao nhiêu tiền của làm ra đều vào túi thầy lang băm mà bệnh tình không thuyên giảm. Ruộng đất, trâu bò đều không cánh mà bay đến nhà tên trọc phú. Không trả được nợ, hắn đến đòi cưới Hoa về làm vợ bé.
Trước ngày phải dứt tình, Hoa rủ Sánh trốn vào rừng. Nước mắt lưng tròng, Hoa ngập ngừng: "Anh Sánh ơi! Chỉ còn hôm nay nữa là được ở bên anh. Ngày mai, ngày mai em phải bán mình để lấy tiền chữa bệnh cho bố. Em yêu anh nhiều lắm, hãy tha lỗi cho em". Sánh im lặng. Ôm Hoa vào lòng, nước mắt anh rơi lên gò má Hoa nóng hổi. Anh biết nói gì hơn khi hoàn cảnh nhà anh cũng đang khốn khó. "Hoa ơi! Em có lỗi gì đâu? Chúng mình nghèo quá, mà cái nghèo đâu có lỗi! Chỉ có bọn giàu có tham lam, hay ức hiếp dân lành là có lỗi thôi". Sẩm tối, hai người chia tay nhau trong ấm ức, đau khổ. Rồi Sánh bỏ bản đi đâu không rõ. Nghe đồn, Sánh đi khai thác vàng rồi bị sập hầm đã tử nạn.
Làm vợ bé cho tên trọc phú, Hoa như con trâu, con ngựa làm nương, cuốc rẫy để trả nợ. Rồi khi Hoa sinh con, tên trọc phú đuổi Hoa ra khỏi nhà vì con bé có khuôn mặt giống Sánh như đúc. Bố Hoa uất ức quá mà qua đời. Một mình thân quạnh, thế cô, Hoa lầm lũi nuôi con.
Nghĩ lại quãng đời tuổi xanh xuân cay nghiệt, bà Hoa nén tiếng thở dài, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo.
*
Bản ở ven triền núi. Phía trước là con đường xuống thị trấn, phía sau là dòng sông trong xanh uốn lượn, đêm ngày cất tiếng róc rách hòa với tiếng chim véo von trong sương sớm, như bản nhạc đang du dương trầm bổng. Ở miền sát vùng biên dạo này rộ lên buôn bán hàng lậu. Bao nhiêu chàng trai, cô gái đã bỏ công việc nương rẫy, tay nải, ba lô chui lủi theo những lối mòn ngõ ngách, để khuân hàng, gom hàng về bán. Từng gùi hàng, thồ hàng ngày càng ùn ùn chạy về bản, được đưa xuống thị trấn. Trên nương, cây ngô, cây lúa xác xơ thiếu bàn tay của người chăm sóc. Con trâu nghé bỏ đói gọi mẹ nghe nao lòng.
Gùi hàng, buôn bán một thời gian, Cúc quen một chàng trai người dưới xuôi cùng chung vốn làm ăn. Thấy Cúc xinh đẹp, chàng trai cưới làm vợ và thành người của bản. Từ khi có vốn, hai người không đi gùi hàng và buôn bán nữa mà mở nhà hàng ăn uống. "Mở nhà hàng ăn uống là đúng quá đi rồi - chồng Cúc nói - vì ở đây địa thế thuận lợi, đặc sản phong phú, khách qua lại nhiều". Vẻ đẹp thùy mị cùng với sự khôn khéo của cô chủ khiến nhà hàng ngày càng đông khách. Một vốn bốn lời, Cúc giàu phất lên. Khách đến nhà hàng Cúc không chỉ vì món ăn ngon đặc sản núi rừng mà còn được ngắm nhìn, tán tỉnh cô gái một con xinh đẹp. Cuộc sống của họ thay đổi từng ngày.
Cái sự đời vốn dĩ là vậy. Có tiền bắt người ta phải nghĩ cách đẻ ra tiền. Cúc bàn với chồng mở khách sạn, khu vui chơi giải trí. Chồng Cúc bảo:
- Thôi em ạ. Không biết bao nhiêu là đủ. Chúng ta có được cơ ngơi này là anh cũng thấy thỏa mãn rồi. Bây giờ tập trung vào chăm chỉ làm ăn, nuôi con khôn lớn là được. Hơn nữa vốn đầu tư vào việc mở khách sạn, khu vui chơi giải trí cũng không nhỏ.
- Anh không làm thì để tôi làm. Không thể làm người phục vụ mãi. Tôi phải là bà chủ… làm bà chủ! Hiểu không?
Nói là làm. Cúc dồn vốn, vay thêm ngân hàng, bạn bè. Và rồi khách sạn tráng lệ cũng được khai trương trên cái bản làng bé nhỏ. Khu vui chơi giải trí đồ sộ mở cửa chào đón mọi người tứ xứ tràn về. Cúc thực sự trở thành bà chủ. Có tiền, Cúc có thêm nhiều mối quan hệ mới. Váy áo đẹp hơn. Những cuộc vui chơi cứ dài dài hơn ...
Nhưng sự đời đâu có được như ai muốn.
Đặc sản rừng rồi cũng khan hiếm và bị cấm, buôn bán qua đường biên cũng bị kiểm soát gắt gao hơn trước. Việc làm ăn ngày càng khó khăn. Rồi dịch COVID-19 bùng phát, khách sạn, quán ăn, khu vui chơi ngày một ít khách, rồi đóng hẳn. Thu nhập không có mà tiền trả lãi ngân hàng, tiền nợ bạn bè… bao nhiêu thứ tiền đều phải trả.
Ngân hàng đến thế chấp nhà nghỉ, quán ăn, Cúc phá sản. Những ngày đó đối với Cúc như địa ngục trần gian. Con nợ ngày ngày đến réo gọi, hăm dọa. Chồng thì ngày nào cũng vùi đầu vào men rượu. Những trận chửi bới, ẩu đả giữa hai người diễn ra như cơm bữa. Cuộc sống đã bế tắc lại càng bế tắc hơn. Trong số khách cho Cúc vay vốn làm ăn có một gã họ Đặng ở bên kia biên giới. Hắn có mái tóc hoe hoe, dựng đứng như bờm ngựa nên bọn đàn em của hắn hay gọi "Đặng bờm". Hắn thể hiện sự giàu có qua cách ăn mặc, qua trang sức đeo trên người, qua cái nhìn khinh khỉnh. Gã quen biết Cúc qua việc cung cấp hàng tươi sống, đặc sản rừng. Hôm nay, hắn rủ mấy đứa đàn em cưỡi con "Mec" sang trọng đến đòi nợ. Khệnh khạng bước vào, ngả người trên ghế, hắn xoạc chân, cao giọng:
- Thế nào cô em? Món nợ vay dạo nọ bây giờ đã đến hạn phải trả rồi đấy. Và hắn nhìn sang chồng Cúc: Nếu không có tiền trả nợ thì… e hèm… thế chấp người đẹp này… Ha ha! Hắn cười một cách đểu cáng.
Hai vợ chồng Cúc vái lạy, năn nỉ thểu não. Gã làm ra vẻ thương xót:
- Thôi được! Tao sẽ cho vợ chồng chúng mày khất nợ nhưng với một điều kiện… Rồi hắn nói nhỏ điều gì đó với Cúc.
Cúc vắng nhà thường xuyên. Chồng Cúc từng ngày kiếm được việc gì thì làm việc đó. Ngày tháng cứ thế trôi dần. Cúc cũng xoay xở và cũng trả được dần những món nợ. Cúc vắng nhà nhiều hơn, chẳng còn ngó ngàng gì đến chồng con. Từ chỗ làm ăn được Cúc sinh ra coi thường, mắng nhiếc chồng là đồ ăn hại, bám váy vợ. Chồng Cúc uất ức. Rượu uống càng nhiều, chửi bới càng nhiều. Những lúc thấy vợ lên xe với gã họ Đặng là máu ghen tức trong người sôi lên.
Một hôm đi uống rượu về, nghe mấy người bạn bảo gặp vợ hắn đi nhà nghỉ với gã họ Đặng ở ngoài thị trấn thì hắn điên lên. Lúc Cúc vừa bước vào nhà, chưa kịp nói gì đã bị gã cho mấy cái tát té nhào:
- Mày là đồ…!
Chưa nói dứt câu, Cúc cướp lời:
- Anh nói tôi là đồ gì hả…? Nhờ cái đồ, đồ… đó mà anh có tiền trả nợ, có cái ăn để anh sống đến bây giờ, nếu không anh cũng chết đói lâu rồi.
Và không chết đói, chồng Cúc chết trong một vụ tai nạn do say rượu.
Cúc với tên họ Đặng không đính ước, không yêu thương nhưng đám cưới vẫn diễn ra, rồi cũng thành vợ chồng mặc cho mẹ khuyên can, người đời dị nghị.
*
Gửi con cho mẹ chăm sóc, Cúc theo "Đặng bờm" làm ăn. Ngày xa mẹ, cu Tèo khóc như mưa. Nghe mẹ dỗ: "Tèo ở nhà với bà, mẹ đi làm có tiền mua ô tô, mua súng đồ chơi cho". Nó cũng nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ. Nó đâu biết, mẹ nó cùng gã họ Đặng lập một đường dây buôn người sang biên giới. Đường dây của Cúc gồm năm tên với những luật lệ khắt khe. Chúng hoạt động bí mật, mua chuộc, dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin đi làm ăn bên kia, mang theo cả trẻ con. Nhưng khi sang bên kia biên giới, chúng bán họ cho chủ khác. Còn bọn trẻ con, chúng đưa đi đâu không rõ.
Bà Hoa mấy hôm nay ngã bệnh. Tèo tha thẩn chơi một mình ngoài sân không dám đi đâu xa vì bà dặn dạo này có người bắt cóc trẻ con, không được đi với người lạ. Nhưng Tèo có biết bắt cóc trẻ con là gì. Từ ngày mẹ bỏ đi lấy chồng đến giờ có ai chơi với Tèo đâu. Đang nghĩ vẩn vơ, nó nghe có tiếng nói sau lưng:
- Này! Nhóc con, người nhà đi đâu mà lại chơi tha thẩn một mình?
Nghe cu Tèo nói bà ngoại ốm, người lạ mừng lắm. Hắn lấy trong túi xách một phong kẹo to đùng cho Tèo. Tèo sướng rơn, đã lâu không được ăn kẹo. Mùi kẹo thơm lừng khiến Tèo không dứt đi được. Người lạ bảo:
- Mày đi theo tao thì không những có kẹo mà còn có đồ ăn ngon, áo đẹp nữa.
- Nhưng cháu phải hỏi bà xem sao đã.
- Không được. Nếu mày không đi bây giờ thì hết phần đó. Lấy áo quần đẹp xong, tao lại đưa mày về cho bà. Lo gì.
Cu Tèo gật đầu. Người lạ cõng Tèo đi, đi mãi rồi cũng đến được chỗ ăn ngon. Nhưng Tèo nhớ bà ngoại, rồi Tèo khóc đòi về. Người lạ đưa cho cho Tèo một chai nước màu vàng óng, trông thật thích. Quên cả khóc, tèo uống một hơi cạn chai rồi ngủ thiếp đi.
Tin Tèo bị mất tích lan đi khắp bản. Khóc lóc, vật vã đến gần kiệt sức, bà Hoa không biết đứa cháu mình giờ ở đâu, sống chết ra sao?
Nghe tin báo có người bị bắt cóc, Chỉ huy trưởng Đồn Biên phòng triệu tập cuộc họp đột xuất. Giọng ông sang sảng đầy quyết tâm: "Tên bắt cóc chưa đi xa vì đưa theo cháu nhỏ. Nay có một con đường độc đạo gần bản do nhóm người đi buôn lậu mới mở. Con đường này đến biên giới rất gần nhưng hơi quanh co, hiểm trở. Chúng ta phải bí mật cắt rừng chặn phía trước, không cho chúng tẩu thoát". Mọi phương án đã được vạch ra.
Tên người lạ ngồi nghỉ sau mấy tiếng đồng hồ băng rừng, lội suối. Trong màn đêm lờ mờ, ngọn gió rừng thổi qua làm cho hắn thấy dễ chịu. Hắn hí hửng. Sắp sửa đặt chân lên biên giới rồi. Chỉ ít phút nữa, có tín hiệu của bọn nhận hàng thì những xấp tiền chưa quăn góc sẽ nhảy múa trên tay. Bước chân của hắn gấp gáp hơn. Bỗng, có tiếng lệnh hô dõng dạc:
- Đứng im! Tất cả đã bị bao vây, không được chống cự!
Tên bắt cóc hoảng hốt quẳng Tèo xuống, bỏ chạy. Cu Tèo giật mình tỉnh giấc khóc thét lên. Mấy tên trong nhóm sang nhận hàng nghe tiếng cũng vội vã chạy trốn. Một đứa trong bọn quăng một vật gì đó nghe "xoảng" về phía có tiếng người hô. Tất cả nằm rạp xuống. Lợi dụng cơ hội, bọn chúng băng vào đêm tối. Theo như phương án được vạch sẵn, bộ đội biên phòng đã khép chặt vòng vây, đón lõng bắt gọn cả toán. Lúc này, cu Tèo đã tỉnh lại, hoảng hốt khóc thét lên và gọi bà.
- Thôi cháu nín đi, đừng khóc nữa, rồi các chú sẽ cho cháu về với bà. Thế cháu tên gì, mẹ cháu đi đâu mà cháu phải ở với bà?
Thằng bé trả lời trong sụt sùi:
- Cháu tên Tèo, còn mẹ cháu đi làm ăn xa lắm!
- Thế cháu có nhớ tên mẹ không?
- Dạ…! Dạ, mẹ cháu tên là Cúc. Mẹ ơi. Con sợ lắm. Mẹ cứu con. Mẹ ở đâu? Sao mẹ không về với con. Mẹ ơi… Mẹ ơ. ơ ..ii.
Từ lúc biết bị bao vây, Cúc vội bỏ chạy. Chân vướng vào dây rừng, Cúc trượt ngã, đầu va vào tảng đá, đau nhói dưới bụi cây um tùm nên không ai phát hiện ra. Tiếng khóc của đứa bé đã làm Cúc bừng tỉnh. Đúng rồi. Đúng con mình rồi, thằng Tèo con mình đó chứ còn ai nữa! Trời ơi. Tại sao chứ? Tại sao lại là con chứ. Đã một năm nay xa con, không biết giờ đây nó như thế nào? May mà…! Nếu bọn bắt cóc thoát được thì cu Tèo sẽ bị bán đi, rồi cuộc đời nó ra sao? Có ai mà biết được rồi nó có bị mổ lấy nội tạng không? Bao nhiêu suy nghĩ cứ vảng vất trong đầu Cúc.
Tèo ơi. Là lỗi tại mẹ. Lỗi tại mẹ. Cúc thấy ngực như có hàng ngàn vạn mũi dao đâm vào đau nhói. Tiếng nức nở, nghẹn ngào của thằng bé xé màn đêm tĩnh mịch, dội vào vách đá, vang giữa non ngàn như xót xa, ai oán, giận hờn… Mẹ ơi… Mẹ ơi… Đứa bé lại khóc thét lên, nó đói, nó muốn về với bà. Cúc nghĩ, nếu ra đầu thú rồi thế nào cũng sẽ bị đi tù, đi tù thì khổ lắm, nhục lắm! Nhưng thoát được thì mình sẽ đi về đâu, rồi cu Tèo sẽ sao đây? Thôi đành mặc cho số phận vậy…! Nước mắt trào ra, Cúc vụt đứng dậy giang hai tay, chạy về phía trước. Vừa chạy Cúc vừa kêu lên:
- Đừng bắn! Đừng bắn! Tôi là Cúc xin đầu thú các anh…! Vừa dứt lời, Cúc chạy ào vội đến ôm chầm lấy đứa bé đang khóc nức nở:
- Tèo ơi! Mẹ đây, mẹ Cúc của Tèo đây, mẹ đã về với Tèo rồi đây.
Cu Tèo nhìn Cúc lạ lẫm qua ánh đèn pin. Nó lờ mờ nhận ra mẹ, rồi không cầm lòng được nó khóc to hơn, hét to hơn:
- Mẹ, mẹ thật rồi, mẹ về với con đi. Mẹ ơi!
*
Đêm khuya. Giọng bà ngoại ru cháu sao mà da diết một nỗi buồn. Cơn gió đông đầu mùa chiều nay đã đánh thức cái bệnh viêm xoang của bà. Lúc đi hái rau rừng bà quên quàng chiếc khăn cho ấm cổ. Bà kéo chăn đắp thêm cho cháu. Đêm vắng lặng, tiếng kẽo kẹt đều đều của chiếc võng như làm cho lòng bà nặng trĩu thêm. Không biết rồi đây Cúc có ăn năn hối lỗi, cải tạo tốt để sớm về với bà với thằng Tèo? Không biết rồi đây cuộc sống của bà, của cu Tèo sẽ ra sao… ? Đôi mắt bà Hoa tự dưng ngấn lệ.
Ngoài kia, tiếng mưa tí tách, nhè nhẹ rơi trên mái lá hòa với tiếng ngáy đều đều của cu Tèo trong vòng tay êm ấm của bà.