Mây tím

Thứ Năm, 20/04/2023, 07:14

Miệng Tuynh phả ra men say, chẳng biết Tuynh say trống chèo hay say nhan sắc mà khiến Mây chuếnh choáng. Mây bảo, nhưng em đã thuộc làn điệu Cấm giá, Bình thảo đâu, mình hát đúm giả vờ thôi nhé. Mây tưởng chỉ giả vờ mà hóa ra Tuynh làm thật. Tình yêu mới chớm nở trong Mây mà Tuynh đã vội ngắt cánh huê hường. Đã có gì sâu đậm đâu mà nỡ nào Tuynh làm thế hở Tuynh. Thầy biết được thì thầy đánh Mây chết. Mây hư quá.

Cô Rằm ở thôn Thượng thì cả chồng vừa bỏ là ba đời. Cô Rằm ở thôn Trung tuy không chồng nhưng có hai con, mỗi con một bố, mà cũng chẳng biết bố chúng là ai. Cô Rằm ở thôn Chính là đào lệch, xinh đẹp và hát chèo say như điếu đổ một vùng. Chẳng biết vì cô đẹp mà người ta sợ hồng nhan bạc mệnh không muốn hỏi làm vợ hay vai diễn Thị Mầu vận vào cuộc đời mà đến giờ cô vẫn gái son chăn đơn, gối lẻ trong khi các anh Nô cùng thời đã lên ông với con đàn, cháu đống.

Mẹ đẻ Mây vào rằm tháng ba. Nếu như các cô gái ở làng Hoành Nha mà đẻ vào hôm rằm thường sẽ tên là Rằm. Thế cho dễ nhớ. Nhưng ông nội không nghe. Ông bảo con gái tên Rằm sợ rằng lớn lên lẳng lơ như quả mướp non thì thằng nào nó rước. Đấy, cứ chống mắt lên mà xem.

Cô Rằm ở thôn Thượng thì cả chồng vừa bỏ là ba đời. Cô Rằm ở thôn Trung tuy không chồng nhưng có hai con, mỗi con một bố, mà cũng chẳng biết bố chúng là ai. Cô Rằm ở thôn Chính là đào lệch, xinh đẹp và hát chèo say như điếu đổ một vùng. Chẳng biết vì cô đẹp mà người ta sợ hồng nhan bạc mệnh không muốn hỏi làm vợ hay vai diễn Thị Mầu vận vào cuộc đời mà đến giờ cô vẫn gái son chăn đơn, gối lẻ trong khi các anh Nô cùng thời đã lên ông với con đàn, cháu đống.

Nhà Mây hiếm hoi mẹ đẻ được hai anh em. Anh trai tên là Chương. Ông đặt tên thế vì ước mong anh hay chữ nghĩa, giỏi thơ phú. Nghe nói trước kia, làng Mây có ông đỗ Tiến sĩ, cũng ngồi võng tía, che lọng điều, hai bên quân lính cầm giáo dẹp đường mà vinh quy bái tổ về làng, còn được khắc tên vào bia đá đặt trên lưng rùa ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đấy thôi.

Nhưng anh Chương học dốt lại thường trốn tiết đi tắm sông Sò và hái trộm táo trong vườn chùa Thượng. Năm lớp tám, anh đã bỏ học vay tiền theo người làng đi cân hoa hòe rồi bán cho thương lái bên Thái Bình làm trà, thuốc. Chẳng học đến nơi đến chốn mà còn hơn khối người bằng cấp này nọ, giờ anh chị buôn hoa hòe giàu có nhất nhì phố huyện Ngô Đồng, cũng xe hơi, nhà lầu và có mấy mảnh đất mặt phố.

0ceb503f477b9825c16a1.jpg -0
Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Khi ấy bà nhìn ra ngõ. Mắt bà đã toét thì chớ mà mưa bụi còn đang mắc cửi trên khung trời mùa xuân. Trên khung cửi khổng lồ ấy, vài thoi én chao đi liệng lại để dệt từng sợi mưa. Bà chép miệng, trời mưa mà vẫn có mây ông ạ. Mây nào, mắt bà độ này càng toét ra hay sao, ông cười nhăn nhở trêu chọc bà. Gớm nữa, toét mắt là tại hướng đình, cả làng toét mắt chứ mình gì tôi, bà nguýt ông sắc hơn dao cau rồi đọc ca dao mà như hờn như dỗi.

Hoa xoan đấy, hoa xoan trong mưa phùn đúng là giống mây thật bà ạ. Ông xuống giọng nịnh bà trong khi bà vẫn còn vác cái mặt lên chưa hết giận. Cho đến lúc ông bảo, này mình đặt tên cho cháu gái là Mây thì bà mới tủm tỉm làn môi cắn chỉ quết trầu đỏ thắm. Đấy là Mây nghe mẹ kể lại thế, khi Mây hỏi tại sao lại đặt tên con là Mây. Thì ra hoa xoan như mây trong đôi mắt bà nội. Và Mây là hoa xoan trong mưa phùn tháng ba năm mẹ trở dạ.

Mây cất tiếng khóc chào đời vào mùa giáp hạt đói rạc đói dài, giữa độ cây lúa ngoài đồng nghẹn đòng và thùng gạo trong nhà đã vơi quá nửa. Mẹ thiếu sữa, Mây bú mẹ má tóp lại mà sữa chẳng về. Vú mẹ nổi từng đường gân chằng chịt, xanh lè. Mây đói, khóc ngằn ngặt. Mẹ cũng đói, ruột đau muốn dứt thành chín khúc. Các nhà trong làng bữa đực, bữa cái, nhịn đói là thường. Cứ củ chuối, củ ráy thay cơm gạo sống lay lắt cho đến tận vụ chiêm. Đói vàng mắt tưởng chừng muốn chết nhưng lúc đó chưa có ai chết đói cả.

Bà kể, chết đói thì có nhưng từ những năm Ất Dậu kia, khi quân Nhật lập kho thóc ngoài đình Chợ, bắt dân ta đóng thuế, ruộng bãi thì bị ép trồng đay và thầu dầu. Lúc tao lên năm, theo mẹ đi chợ, thấy người ta gom xác người chết đói lên xe bò đem đi chôn dưới cánh đồng Hoang Điền. Có người chưa chết thấy khiêng đi thì bảo, tôi còn chưa chết mà. Người kéo xe bò ngoảnh lại nói, đằng nào bác cũng chết thôi, còn gì để ăn đâu, để tôi làm phúc chở đi sớm cho mát mẻ. Năm mẹ mày đẻ mày, đói đã ăn thua gì đâu con. Bà nói xong thì đưa tay áo lên chấm mắt rồi trông ra hàng xoan ngoài ngõ.

*

Bà bảo khi bà về làm dâu họ Hoàng thôn Trung thì đã thấy hàng xoan đào trước ngõ. Đám cưới rước từ đê sông Sò qua cổng làng Hoành Nha vào thôn Trung cũng đi dưới hàng xoan này rồi mới bước lên từ đường làm lễ giao bái trước ban thờ tổ tiên. Bấy giờ cũng giữa tháng ba, mưa phùn rơi ướt vai áo đồng lầm nhuộm gụ, hoa xoan vương tím nón thúng quai thao. Mưa phùn nhiều như nước mắt cô dâu mới về nhà chồng, nhưng nước mắt cô dâu thì lẫn vào mưa phùn nên chú rể không nhìn thấy, phù dâu không nhìn thấy, ông trưởng không nhìn thấy, bà mối không nhìn thấy, quan viên hai họ cũng không một ai nhìn thấy. Nước mắt nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ thầy, nhớ đàn em nhỏ, nhớ khung cửi thoi ngà buốt ngón, nhớ ngọn đèn hạt đỗ thức năm canh, nhớ bữa cơm chiều mâm gỗ chiếu manh, mẹ bưng bát ngồi bên nào cũng lệch, đũa một đôi mà mẹ một mình.

Cô dâu vén quần lĩnh tía bước qua chỗ lội, không cái tội nào bằng cái lội thôn Trung, để lộ ra chiếc hài cong thêu chỉ ngũ sắc hình đôi chim loan phượng. Hoa xoan đã rụng mà còn nở ra lách tách dưới mưa phùn. Gót giày của những người trong đám rước dâu đã vô tình giẫm nát hoa xoan vừa rụng xuống. Các cụ dạy, con gái về nhà chồng mà trời mưa thì sẽ khổ, nhưng biết thế nào mà chọn được. Có khi mưa tạnh ngoài trời mà trong lòng người mưa có tạnh được đâu. Đám rước dâu vẫn lặng lẽ trôi giữa mưa phùn mù mịt.

Ơ kìa, hình như nó khóc thím ạ. Chú rể nắm lấy tà áo bà thím đi cạnh giật khẽ. Kệ nó, không sao đâu cháu à. Chú rể liếc cô dâu, mưa đọng trên làn mi thiếu nữ cong vút. Người đâu mà cổ trắng ngó cần, lông mày lá liễu, đẹp như trăng rằm. Cô dâu cúi xuống thẹn thò nhưng đã kịp trông thấy những hạt mưa phùn li ti đậu trên bầu má chú rể hồng ửng măng tơ như một quả đào chín bói. Người đâu mà xinh trai đến thế. Tài văn chương lưng túi gió trăng, dám phóng bút đề thơ lên tường đền Trung vôi trắng. Pháo đã nổ rồi, xác pháo tan như cánh hoa đào trên sân gạch. Ngoài gió bấc trẻ đi tìm pháo xịt. Trong từ đường hương thắp tỏa mây thơm.

*

Làng Hoành Nha có gánh chèo xếp vào hàng nức tiếng của chiếng chèo Nam, họa chăng chỉ thua danh gánh chèo làng Đặng. Gánh chèo làng Mây cứ diễn ở đâu là người xem đông như nêm cối. Tối nay, gánh chèo diễn ở đình Chợ. Mây nấu cơm ăn sớm, rửa bát xong thì gà vừa mới lên chuồng. Lúc chiều thấy Mây hái rau mồng tơi ngoài giậu, Tuynh đã hẹn Mây tối nay đi xem chèo nhé, anh đợi Mây ở cầu ông Cai Long. Mây gật đầu rồi cúi xuống rổ rau, tim đập rộn ràng như tiếng trống chèo từ ngoài đình vọng lại.

Bóng trăng trên ngọn xoan đào lay động theo gió từ sông Sò thổi vào mát rượi từng chân tóc. Hàng xoan được trồng từ thời mồ ma cụ nội. Cứ chặt cây to đi rồi lại trồng cây con xuống như đời sau nối tiếp đời trước mà làm nên gốc rễ, cội nguồn. Gỗ xoan để đàn ông dựng nhà, đàn bà ngồi khung cửi thì tốt thượng hạng, vân nổi như hoa văn trên vải gấm mà lại chẳng hề mối mọt. Nhà Mây năm gian, đã ba đời tổ tiên để lại, gỗ lên nước bóng loáng như bôi quang dầu dù ngói đã thay không biết bao lần.

Mây ra thì đã thấy Tuynh đứng đợi ở gốc bàng ở đầu cầu. Ánh trăng lọt qua tán lá đổ xuống mái tóc Mây đang dựa vào vai áo Tuynh. Ánh trăng chảy ướt đẫm từ mái tóc sang vai áo. Tuynh nắm tay Mây bước đi trên đường thôn nhễ nhại trăng rằm. Gánh chèo đang diễn đến cảnh anh Nô và cô Mầu hát đúm trong buồng thì Phú ông uống trận rượu say hung thần về đòi thử chiêng, thử trống. Đèn bỗng phụt tắt vì cạn dầu làm người xem nhốn nháo. Trong lúc trời tối om như hũ nút, Tuynh nắm tay Mây chạy vòng ra sau đình. Mây còn chưa kịp hiểu chuyện gì thì Tuynh đã ghé sát tai Mây nói nhỏ, mình chơi trò hát đúm như anh Nô với cô Mầu đi Mây.

Miệng Tuynh phả ra men say, chẳng biết Tuynh say trống chèo hay say nhan sắc mà khiến Mây chuếnh choáng. Mây bảo, nhưng em đã thuộc làn điệu Cấm giá, Bình thảo đâu, mình hát đúm giả vờ thôi nhé. Mây tưởng chỉ giả vờ mà hóa ra Tuynh làm thật. Tình yêu mới chớm nở trong Mây mà Tuynh đã vội ngắt cánh huê hường. Đã có gì sâu đậm đâu mà nỡ nào Tuynh làm thế hở Tuynh. Thầy biết được thì thầy đánh Mây chết. Mây hư quá. Mây là Thị Mầu trong tích chèo ''Quan Âm Thị Kính'', là quả mướp non nằm bờ nằm bụi, có khi nào bị cạo trọc đầu bôi vôi thả bè chuối trôi sông.

Mây chẳng kịp cài khuy áo cuối cùng rồi bỏ về. Mây vừa đi vừa khóc. Trăng sắp lặn xuống lũy tre thôn Chính. Mây lầm lũi bước trên đê sông Sò. Mưa đã bắt đầu rơi nặng hạt. Mây là hoa xoan rã cánh trong mưa. Mưa có rửa trôi bao nhơ nhớp, tủi hờn trong Mây. Mây giận Tuynh, hết thời thiếu nữ, hết cả đời này, Tuynh biết không.

Mây đỗ đại học rồi lấy chồng trên tỉnh. Ngày Mây lên xe hoa, trời hửng nắng. Bà bảo Mây về nhà chồng vào ngày tạnh ráo, lại gan lì cóc tía không khóc thì dù lấy chồng xa nhưng số mày sẽ sướng, con ạ. Mây học cao được đi đây đi đó mở mang tầm mắt không như cái Nhài, cái Sen con nhà chú Phúng, chú Nhạ quanh quẩn ở làng suốt đời chân lấm tay bùn mà bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Mong gì bát canh cần mà gả chồng gần, cứ thương nhau là được, con ạ. Bà đâu biết, nước mắt ngày cưới Mây đã khóc cạn vào đêm chèo năm ấy.

*

Ra giêng làng Hoành Nha mở hội. Rước kiệu son cờ ngũ sắc từ miếu thôn Thượng, thôn Chính, thôn Trung về đình Chợ. Đám rước như những dòng sông tụ thủy về giếng đình tròn vạnh như mắt rồng. Chiếu chèo diễn tích xưa thâu đêm suốt sáng. Này là "Quan Âm Thị Kính", "Từ Thức gặp tiên", kia là "Kim Nham, Trương Viên", "Lưu Bình - Dương Lễ". Gánh chèo đốt vài tuần nhang để tính giờ cho canh hát, diễn xong đã nghe gà gáy xé tan màn sương sớm. Những làn điệu chèo Đường trường, Xẩm xoan, Quạt màn, Chinh phụ theo gió bay qua cửa sổ đầy trong giấc ngủ của Mây. Giấc ngủ thảnh thơi nơi ngôi nhà trầm tịch sau một năm bộn bề, vất vả giữa đêm xuân thăm thẳm, mênh mang.

Lâu lắm rồi, Mây không đi xem chèo vì một nỗi sợ mơ hồ thời thiếu nữ. Năm nay được nghỉ dài, chồng Mây lái xe đưa vợ và con trai về ăn Tết quê ngoại rồi ở lại chơi hội đến hết rằm. Chồng Mây là doanh nhân, yêu vợ và thương con hết mực. Mây cũng chẳng mong gì hơn. Người ta bảo, con gái như Mây thế là nhất làng rồi. Bố Mây bị bệnh hiểm nghèo bỏ mẹ, bỏ bà về với ông nội đã sáu mùa hoa xoan. Anh Chương ở ngoài phố huyện. Nhà chỉ còn đàn bà. Bà và mẹ Mây ra vào sớm chiều bốn mùa mưa nắng trong ngôi nhà ba gian như hai cái bóng. Mây lấy chồng xa có mấy khi về. Mỗi lần về như gió vào nhà trống. Tóc mẹ bạc đi nhiều và lưng bà còng rạp xuống. Không biết Mây còn về được bao nhiêu cái Tết, bao nhiêu hội làng.

*

Tuynh cứ trở đi trở lại trong những giấc mơ của Mây như một nỗi ám ảnh. Mây muốn quên đi nhưng càng quên thì lại càng muốn nhớ. Hình bóng Tuynh ban ngày tưởng chừng đã phai nhạt nhưng khi đêm về lại hiện lên dày đặc trong tâm trí Mây. Có đêm Mây mơ thấy Tuynh đè lên người Mây. Bàn tay khẽ lần cởi từng chiếc cúc áo như ngọn gió xuân gượng mở bức thư tình lá chuối còn đang phong kín.

Rồi tay Tuynh chạm vào ngực Mây, bầu ngực mới nhú sau làn áo phin nõn như trăng non mới nhú sau làn sương mỏng. Mây muốn nói Tuynh ơi đừng làm thế nhưng cổ họng Mây sít lại và Tuynh chỉ còn nghe thấy những tiếng ú ớ của Mây theo nhịp thở gấp gáp của Tuynh. Mây nắm lấy bờ vai Tuynh, bờ vai săn chắc của anh lực điền khỏe nhất làng Hoành Nha từng cày thuê không cần nghỉ một mẫu ruộng cho nhà bà Nhang Cờn giàu nứt đố đổ vách ở thôn Trung.

Từ cơ thể cường tráng ấy, Mây ngửi thấy mùi bùn đang ngấu, mùi đất đang ải, mùi phân đang hoai, mùi tro đang mục. Tất cả dâng lên thật nồng nã trên cánh đồng Diệc Mạ, Hoang Điền sắp bước vào vụ mới. Một giọt mồ hôi đọng trên trán Tuynh rơi trúng vào miệng Mây mặn chát. Hai giọt mồ hôi, ba giọt mồ hôi, bốn giọt mồ hôi rơi xuống cổ, xuống ngực, xuống bụng Mây và những giọt mồ hôi thi nhau thánh thót rơi xuống người Mây ướt đầm như một cơn mưa đầu hạ. Mưa rơi nhiều lắm mà Mây vẫn khát khô cổ họng. Bây giờ nguyệt đã gác mái đình. Hai người khỏa trần lấp loáng dưới trăng.

Rồi Mây hóa thành Thị Mầu, Tuynh hóa thành anh Nô. Thị Mầu vấn khăn vành dây, mặc áo tứ thân xác pháo còn anh Nô chít khăn đầu rìu, mặc áo cánh ngắn và quần lá tọa. Rồi anh Nô nắm tay Thị Mầu bay lên trong tiếng trống chầu của đêm chèo đình Chợ. Mây giật tay áo Tuynh bảo “Này, anh Nô ơi. Hát, hát lên cho vui nào.

Tuynh đáp “Hát á. Ừ thì hát”. Rồi Tuynh hát “Ới cô Mầu ơi. Tôi thương là thương cho cái con chuồn chuồn”. “Phải gió anh Nô” - Mây đập quạt vào vai Tuynh. “Nó mới mắc phải cái mối tơ vương. Cô Mầu dan díu với thầy tiểu mà thầy tiểu chả có buồn thương đến cô Thị Mầu”. Mây liếc đôi mắt lá răm và nắm lấy tay Tuynh “Này anh Nô ơi. Gió xuân nó mới đánh tốc cái dải yếm đào. Anh trông thấy oản sao anh chẳng vào thắp hương”. Tuynh nở nụ cười tinh quái “Ới cô Mầu ơi, cô Thị Mầu. Cô như cái quả mướp non. Cô cứ nằm bờ nằm bụi…”.

“Phải gió anh Nô” - Mây giả vờ giận dỗi. “…rồi đến sớm con cô muộn chồng”. “Này anh Nô ơi. Lấp tai ngoảnh mặt làm ngơ. Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ chớ thây”. Khi Mây và Tuynh hát đến đây thì hai người vừa trôi qua sông Sò, dòng sông như dải thắt lưng xanh của cô đào lệch. Cánh đồng Diệc Mạ, Hoang Điền dưới chân trải ra bát ngát như lụa ai phơi. Những áo lụa, khăn điều tung phấp phới trong ngọn Đông phong. Tiếng cười, tiếng hát của đào, của kép thả xuống mênh mang một vùng châu thổ.

Cũng có đêm Mây mơ thấy Tuynh đội khăn xếp chữ nhân, mặc áo the đen, xỏ đôi văn hài, cầm ô lục soạn đứng ở dưới bến sông Sò. Bến sông Sò có một cây xoan đào cổ thụ, tháng ba hoa nở như mây gọi đàn sẻ từ cánh đồng Diệc Mạ, Hoang Điền bay về mở hội. Người lái thường buộc đò ngang vào gốc khi vắng khách. Mưa phùn bay đầy trời và hoa xoan rụng mơ hồ xuống cái ô Tuynh cầm từng loạt một. Chẳng hiểu sao đã che ô mà vạt áo Tuynh ướt đầm như khóc.

Không, đúng là Tuynh khóc thật. Nước mắt rơi từng giọt xuống sông Sò như mưa, Mây còn trông thấy rõ lắm. Đúng lúc ấy, đò ngang chở đám rước dâu đã ra đến giữa sông. Gió nổi lên như bão trên mặt sông cuộn sóng Tiền Đường, nhưng không thể nào át đi tiếng hát của Tuynh. Tiếng hát da diết, khắc khoải như con tằm rút ruột nhả tơ mà thổ tận can tràng, hát rằng “Cô đào nghiêng nón ba tầm. Hài cong đi giữa khói trầm lên hương. Để lòng anh kép tơ vương. Cầm ô lục soạn khóc thương một đời. Em về bên ấy em ơi. Quạt màn trải chiếu cho người rượu say…”.

Mây ngồi ở mạn đò bỗng nhiên đứng dậy. Con đò chao đảo. Lũ người nhốn nháo. Mây muốn nhảy xuống sông chạy về phía Tuynh. Có một bàn tay cứng như gọng kìm nắm chặt tay Mây giữ lại và kéo cô ngồi xuống. Gió đã lặng. Mưa vừa tạnh. Sông Sò vẫn chảy miên man. Tiếng hát của Tuynh trên bến sông đã tắt từ lâu. Mây ngoái lại, nhưng sương mù đã che khuất cả cây xoan cổ thụ. Mây không nhìn thấy Tuynh nhưng Mây tin rằng Tuynh không còn đứng đợi cô ở đó nữa. Phận đàn bà mười hai bến nước, biết bến nào trong đục phải không Mây. Đò ngang chở đám rước dâu của Mây đã cập bến nhà người.

*

Bây giờ sắp cuối tháng ba. Đom đóm thắp đèn lập lòe trên mặt ao bèo rủ nhau bay ra cánh đồng Diệc Mạ, Hoang Điền xanh mướt lúa non đợi sấm phất cờ. Mưa phùn đã ngại bay. Hoa xoan phai tím rụng ngoài ngõ nhà Mây như sao sa đã nát dưới gót chân của những người đàn bà đi chợ Hoành Nha. Hội làng tan lâu rồi. Bàn tay buông giã bạn. Nước mắt vừa khô trên vạt áo đề thơ. Tiếng trống chầu đình Chợ đã lặng ngắt mà lòng người không nguôi nhớ. Những anh kép lại lỉnh kỉnh lên tỉnh làm thuê. Những cô đào lại tất tưởi ra đồng cấy lúa. Những khăn điều, áo lụa lại nằm mơ canh hát đêm chèo. Bao lo toan cuộc đời lại in hằn trên từng gương mặt người khắc khổ. Hết hội rồi họ chán cả chào nhau. Ngày mai thôi, Mây sẽ trở lại thành phố. Bỏ lại mẹ, lại bà, lại ngôi nhà ba gian có hàng xoan đào ngoài ngõ đầy ắp bao ký ức tuổi nhỏ. Những ngày nghỉ cuối cùng khiến Mây bâng khuâng quá. Sáng nay, Mây đi chợ Hoành Nha một cái sắm lễ mọn để lên chùa Thượng. Năm quả cam đỏ như nhuộm phẩm, ba phẩm oản nếp lót lá mít, một thẻ hương bài cuốn giấy bản viền điều hàng bà Súy, và mấy chùm hoa bưởi trắng ngần gói trong lá dong nam bà vừa hái ở vườn nhà, mùa này hoa bưởi nở nộ, thơm ngát ngọn gió xuân. Mây để mặt mộc, vấn tóc trần, đeo chuỗi ngọc trai, mặc áo dài nâu, xỏ guốc mộc sơn then, trên đầu đội cái mâm đồng xếp đồ lễ. Mây đội mâm mà như đội cả tháng ba của làng Hoành Nha. Chồng Mây khen Mây xinh quá, như cô Tấm bước ra từ cổ tích. Mây hơi thẹn, má ửng hồng. Nếu Mây là cô Tấm thì chồng Mây đúng là hoàng tử rồi. Chồng bảo để anh lấy xe đưa em đi nhưng Mây muốn đi bộ một mình lên chùa. Chồng cũng chiều theo ý Mây. Thuở lên ba, lên năm, Mây thường theo bà đi lễ chùa mỗi ngày rằm, mùng một. Bà đã dắt Mây đi qua thời thơ bé trong trẻo, tin yêu giữa tiếng mõ chuông, câu kinh kệ chùa làng. Nhưng khi bà tuổi già đau lưng, mỏi gối, Mây chẳng thể đưa bà đi lễ chùa làng lấy một lần. Người ta bảo nước mắt chảy xuôi, ý nghĩ ấy làm Mây cay mắt quá.

Chùa Thượng đây rồi. Mới qua hội làng mấy ngày mà cửa Phật đã trở về với vẻ trầm tịch vốn có. Cửa Phật là cửa từ bi, hỉ xả nên lúc nào cũng mở. Nhớ lời bà dặn “nam tả, nữ hữu”, Mây hạ mâm rồi cúi đầu bước qua cổng tam quan bên phải. Sân chùa lát gạch Bát Tràng đỏ thắm như son. Vài cái lá bồ đề rụng xuống cong veo như mấy mảnh trăng khuyết. Nắng non từ trên mái ngói mũi hài bừng lên lóng lánh như giấy trang kim làng Hồ. Cây nêu trồng ở giữa sân gạch, nhà chùa chưa vội nhổ đi, khánh đất treo trên ngọn chạm vào gió xuân kêu leng keng làm không gian chốn thiền môn càng trở nên tĩnh mịch. Mây đi qua sân vào trong tam bảo. Hai ông hộ pháp đứng canh cửa. Ông Thiện nhìn Mây nở nụ cười trìu mến như hoa ngâu. Ông Ác nhìn Mây quắc ánh mắt sắc lẹm như dao cau. Mây muốn những hạt thiện được gieo vào tâm hồn mình sẽ lên xanh tốt để lấn át đi những mầm ác muốn trỗi dậy. Mây đi phát cháo từ thiện, hiến máu tình nguyện, hay kêu gọi quyên góp, ủng hộ người nghèo… với một niềm hoan hỉ lạ thường. Mỗi dịp đi lễ chùa, Mây thấy lòng trong sáng vô ngần, cũng như lúc này đây, khi Mây đang chắp tay, quỳ gối thành kính trước Đức Phật nhiệm màu giữa ngan ngát khói hương bài và ngào ngạt mùi bưởi chín. Mây thấy tâm hồn thoát tục nhẹ nhõm bay lên như muôn nghìn ngọn gió, trên cả khói hương bài, trên cả mùi bưởi chín.

Bỗng Tuynh bất ngờ hiện ra như một sự kinh ngạc khiến Mây suýt kêu lên nhưng bàn tay cô đã kịp ngăn lại. Tuynh ở rất gần, ngay sau làn khói hương mờ ảo của ba nén hương bài mà Mây vừa thắp. Tuynh cũng đã nhận ra Mây. Khuôn mặt anh ta thoáng chút ngạc nhiên. Cặp lông mày vừa nhíu lại và khóe mép khẽ nhếch lên bằng một phần mấy nụ cười. Mây không nghĩ sẽ gặp Tuynh ở đây, giữa chùa Thượng vào một ngày cuối tháng ba ở làng Hoành Nha. Tuynh đang đứng cạnh Mây bằng xương bằng thịt. Tuynh bây giờ khác xa Tuynh ngày xưa và khác rất nhiều với Tuynh trong những giấc mơ của Mây. Nỗi vất vả của kiếp người mưu sinh cơm áo hằn sâu trên khuôn mặt sương gió khiến Tuynh già trước tuổi. Mái đầu bù xù biếng chải của Tuynh và bộ quần áo cũ kĩ chẳng là lượt mà Tuynh đang mặc muốn nói với Mây điều gì. Có phải muốn nói rằng Tuynh ngày xưa đã ở lại ngày xưa và ở lại trong những giấc mơ của Mây rồi không. Mây chợt nghĩ thế thì đã không thấy Tuynh đâu. Hình như Tuynh cố tình tránh mặt Mây. Có bóng người vừa vụt qua cửa tam quan. Tuynh xuất hiện và biến mất nhanh như một cái chớp mắt của Đức Phật tính bằng sát na mà chỉ Mây mới kịp nhìn thấy. Bà bảo, người cũng như hoa, đủ duyên thì sẽ nở, nhưng Mây vừa gặp lại Tuynh chưa kịp nói câu nào thì duyên đã tàn. Như hoa xoan tháng ba rụng vơi đầy trong mưa phùn phơi phới.

Hương bài đã cháy gần hết. Không như những loại hương khác, hương bài cứ cháy đỏ hết mình nhưng lại chẳng cuốn tàn bao giờ, như một sự buông bỏ không hề vương vấn những ưu phiền, tục lụy của trần gian. Mây thấy lòng mình tinh khiết, thanh sạch hơn bao giờ hết. Mây hạ lễ, cung kính để lại trên ban thờ chút lộc thơm thảo cho nhà chùa. Mây đội mâm rảo bước về phía làng, nơi ngôi nhà có hàng xoan đào trước ngõ, ở đó chồng và con trai đang ngóng đợi cô về…

Truyện ngắn của Hoàng Anh Tuấn
.
.