Lời thú tội của viên công tố

Chủ Nhật, 07/04/2024, 13:03

Chỉ còn một điều có thể làm, tôi phải thú tội. Nhưng tôi đã không có can đảm để làm điều đó. Tôi sợ hãi sự giận dữ, lòng khinh bỉ của đồng nghiệp. Sau cùng, tôi quyết định dùng tài sản cứu giúp những người khốn khổ, nhất là những kẻ tù tội. Thật tình, không ai có lý do chính đáng hơn tôi, giúp cho phạm nhân khỏi bị kết án.

Bà lão mở cửa dẫn tôi vào căn phòng. Lúc đầu, tôi không thể nhìn thấy gì, ngoại trừ ngọn đèn đặt trên cái bàn thấp lè tè. Rồi tôi nhận ra, phản chiếu trên bức tường là cái bóng bất động của một thân hình đang nằm trên giường. Nó dài ngoằng và trông có vẻ ốm yếu, hình dung ngay được khuôn mặt gầy guộc của chủ nhân nó. Mùi khai thoang thoảng quanh tôi. Bên ngoài tiếng mưa rơi trên mái nhà lợp đá đen, gió hú buồn thảm đánh vọng vào ống khói rỗng làm sự tĩnh lặng trong căn phòng nhuốm màu chết chóc.

Bà lão tiến tới phần đầu giường, nghiêng nửa thân trên xuống, nhỏ nhẹ nói:

- Thưa ông, người ông mời đã tới rồi đây.

Chủ nhân của cái bóng khó khăn dựng người dậy, giọng nói yếu ớt cất lên:

- Tốt lắm... bà cứ để mặc chúng tôi.

Khi bà lão lui ra và đóng cửa, giọng nói tiếp tục:

- Xin ông lại gần đây. Vì tôi gần như bị mù rồi, lại thêm có tiếng gì cứ ù ù trong tai làm tôi khó nghe quá… - Người đàn ông ho khụ khụ - Thứ lỗi vì đã phiền ông tới tận đây, nhưng quả tình tôi có điều rất hệ trọng muốn thưa cùng ông.

Đôi mắt trên khuôn mặt hốc hác hướng về phía tôi. Người đàn ông ngập ngừng hỏi:

- Nhưng trước hết, xin hỏi ông có phải là ngài Gernou, Chủ tịch Hội đồng Luật sư?

- Vâng, chính tôi.

Người đàn ông thở một hơi dài thảm não.

- Vậy là sau cùng, tôi sẽ được nói lời thú tội. Thưa ông, trong thư mời, tôi đã ký tên là Perrier, nhưng đó không phải tên thật của tôi. Với bộ dạng thế này, chắc hẳn ông không thể nhận ra tôi nhưng điều đó chẳng hề gì. Nhiều, rất nhiều năm trước đây, tôi đã từng là một công tố viên. Đã từng là một trong những con người mà thiên hạ cho là có tài năng. Tôi quyết định phải đoạt lấy vị trí xứng đáng của mình trong xã hội. Chờ dịp để chứng tỏ khả năng. Thế rồi một vụ án đại hình đã cho tôi cơ hội đó.

20105b3653e4fcbaa5f51.jpg -0
Minh họa: Đỗ Dũng

Vụ án xảy ra tại một tỉnh nhỏ, dù không gây nhiều chú ý ở Paris, nhưng đối với riêng tôi, khi đọc qua bản cáo trạng, tôi cảm thấy ngay đây là một cuộc đấu gay go, đầy thú vị. Có nhiều chứng cứ trong vụ án chống lại bị cáo, nhưng những bằng chứng đó lại là gián tiếp, thiếu đi yếu tố xác thực. Điều đó thường dẫn đến những nghi hoặc về chân tướng sự việc. Bị cáo đã bảo vệ mình quyết liệt. Cảm giác nghi ngờ về sự có tội của anh ta ngập tràn trong ánh mắt những người có mặt tại phiên tòa, mà ông biết sức mạnh của cảm giác đó ảnh hưởng ghê gớm như thế nào rồi chứ.

Nhưng sự ảnh hưởng đó không gây xúc động nổi viên công tố, là tôi. Tôi đã nêu ra những sự thật hiển nhiên, tạo thành một chuỗi chứng cứ minh bạch, mạnh mẽ để chống lại những lời chối tội của anh ta. Tôi vạch trần cuộc đời của bị cáo, những sơ hở, những lỗi lầm trong lời chối tội. Tôi cung cấp cho bồi thẩm đoàn những hình ảnh sống động, rõ ràng của vụ án như con chó săn hướng đạo cho toán thợ săn bắt con mồi. Tôi kết thúc phiên tòa bằng sự khẳng định bị cáo là kẻ có tội. Luật sư biện hộ cho bị cáo đáp lại những lập luận của tôi, ông ta đã tranh cãi rất hùng hồn để chống lại những bằng chứng đó. Nhưng vô ích. Tôi đã thắng khi lấy được đầu của bị cáo. Bản án không chỉ là chiến thắng của luật pháp, mà còn là thành công lớn của cá nhân tôi.

Tôi gặp lại anh ta vào buổi sáng thi hành án. Tôi tới nhìn họ đánh thức anh ta, sửa soạn rồi đưa anh ta ra đoạn đầu đài. Nhưng khi nhìn vào khuôn mặt hiên ngang một cách khó hiểu của anh ta, thình lình một nỗi thống khổ tràn ngập trong tôi. Từng chi tiết của cái khoảnh khắc khốn nạn đó vẫn còn tươi rói. Anh ta không hề tỏ ra phản kháng, cho dù là một chút chống đối khi bị người ta cột tay, còng chân. Tôi không dám nhìn anh ta, khi đôi mắt mang vẻ trầm tĩnh ấy như thể muốn nuốt sống kẻ đã hãm hại chủ nhân của nó. Đối diện với máy chém, anh ta kêu lên hai lần: “Tôi vô tội! Tôi vô tội!”. Đám đông la ó chờ đợi phía dưới thoắt câm lặng. Rồi anh ta quay sang tôi mà hét: “Hãy tận hưởng khung cảnh này đi, đây là phần thưởng xứng đáng với công lao của ông đấy!”.

Anh ta ôm hôn vị linh mục và viên luật sư đã biện hộ cho mình. Rồi không cần ai giúp, anh ta ngả người lên tấm ván, không hề nao núng suốt khoảnh khắc vô tận chờ đợi lưỡi dao. Tôi đứng đó, đầu không phủ khăn che nhưng lại chẳng hề thấy gì. Giây phút lưỡi dao lớn rơi xuống, tôi hoàn toàn mất đi nhận thức.

Những ngày kế tiếp, đầu óc tôi mù mờ đến nỗi không thể hiểu chính xác nguyên nhân khi nỗi lo âu tràn ngập trong lòng, nó dường như làm tôi tê dại đi. Tâm trí tôi luôn bị ám ảnh bởi cái chết của con người đó. Các đồng nghiệp bảo: “Ông đừng lo, lần đầu bao giờ cũng vậy thôi”.

Tôi tin họ. Nhưng dần dần, tôi nhận ra nguyên do gây nên tâm trạng bất an đó là sự hoài nghi về phán quyết của bản án. Từ lúc nhận ra điều này, tâm hồn tôi không còn phút giây yên ổn. Thử nghĩ cảm xúc thế nào sau khi đã gián tiếp giết chết một con người, rồi bắt đầu tự vấn: “Nhỡ anh ta vô tội thì sao?”.

Tôi ra sức đấu tranh chống lại suy nghĩ đó, tự thuyết phục rằng chuyện đó không thể xảy ra, là phi lý. Tôi viện ra những điều logic nhất để biện giải, nhưng tất cả lý luận của tôi luôn bị cắt ngang bởi câu hỏi: “Chứng cứ thực sự để buộc tội anh ta có được xác thực không?”. Rồi hình ảnh máy chém lại chập chờn hiển hiện, tôi lại trông thấy giây phút cuối cùng của phạm nhân, lại thấy đôi mắt trầm tĩnh của anh ta, giọng nói anh ta.

Có người bảo: “Thằng ấy chối tội khéo thật. Nó không thoát nổi cũng đáng ngạc nhiên chứ. Thật tình, nếu không được nghe ông vạch tội nó trước tòa, thì ngay tôi cũng đinh ninh là nó vô tội”. Vậy là vì những lời vàng ngọc của tôi, sức mạnh và tham vọng của tôi đã đánh tan do dự, hoài nghi của mọi người, đã chiến thắng bồi thẩm đoàn. Tôi, một mình tôi là nguyên nhân cho cái chết của con người đó. Và nếu anh ta vô tội thì tôi, riêng tôi, người duy nhất mang trách nhiệm trong phiên tòa vô nhân đạo.

Hy vọng xua tan những ám ảnh, day dứt, tôi trở lại với vụ án. Khi đọc lại những dòng ghi chú, nghiên cứu lại hồ sơ thì phán quyết định tội anh ta của tôi vẫn không hề thay đổi. Nhưng đây là những ghi chú, hồ sơ do tôi lập, một người đã có sẵn thành kiến, đã mang quyết tâm bằng mọi cách phải chứng minh bằng được con người kia là kẻ thủ ác.

Nên tôi nghiên cứu những quan điểm khác, lục lại những câu hỏi đã đặt ra cho phạm nhân, những câu trả lời của anh ta, những bằng cớ do nhân chứng đưa ra. Để chắc chắn hơn về những điểm chưa thật rõ ràng, tôi thận trọng thẩm tra lại nơi gây án, bản đồ con phố gần hiện trường. Tôi cầm trong tay vũ khí mà hung thủ đã sử dụng, tìm gặp những nhân chứng mà khi xử, tòa đã bỏ sót. Và, sau khi xem xét hàng chục lần tất cả những chi tiết ấy, tôi đi đến kết luận chính xác là người đó vô tội. Vậy mà, như để ca ngợi niềm ân hận của tôi, tôi được vinh danh và có được địa vị mà nhiều người mong ước.

Tôi là một kẻ hèn, vì sau đó tôi đã êm thấm xin từ chức mà không nêu rõ lý do. Làm được điều gì đó để chuộc lại lỗi lầm không cách gì sửa chữa do chính mình gây ra là khát vọng độc nhất đời tôi. Tôi tìm đến gia đình bị cáo, nhưng anh ta là trẻ mồ côi không bạn bè thân thích.

Chỉ còn một điều có thể làm, tôi phải thú tội. Nhưng tôi đã không có can đảm để làm điều đó. Tôi sợ hãi sự giận dữ, lòng khinh bỉ của đồng nghiệp. Sau cùng, tôi quyết định dùng tài sản cứu giúp những người khốn khổ, nhất là những kẻ tù tội. Thật tình, không ai có lý do chính đáng hơn tôi, giúp cho phạm nhân khỏi bị kết án.

Tôi quay lưng với tất cả mọi lạc thú trên đời, không biết đến nghỉ ngơi. Trong sự lãng quên của tất cả mọi người, tôi sống hiu quạnh, già cỗi. Nhiều tháng, tôi giam mình trong căn phòng này. Tôi sẽ chết tại đây. Tôi cầu được chết tại đây... Và tôi muốn thỉnh cầu ông một chuyện.

Giọng ông ta nhỏ quá, tôi phải nhìn cặp môi run run đó để đoán ra những điều ông muốn nói.

- Tôi không muốn câu chuyện này chết cùng tôi. Tôi mong ông biến nó thành một bài học, để nó thấu được đến tai những người có bổn phận nhân danh công lý trừng phạt tội ác, để các vị ấy hiểu rằng bất kỳ một vụ án nào cũng dễ đưa đến nhầm lẫn.

- Tôi sẽ làm theo lời ông.

Mặt ông sống động hẳn lên, ông hổn hển:

- Nhưng không chỉ một việc đó, tôi còn ít tiền chưa kịp trao cho những người nghèo khổ. Nó ở kia, trong ngăn kéo, xin ông trao lại cho họ sau khi tôi qua đời. Đừng nêu tên tôi, mà hãy dùng tên con người đã bị kết tội do lầm lẫn của tôi 30 năm về trước. Dưới cái tên... Ranaille.

Tôi giật bắn người:

- Ranaille ư? Chính tôi là luật sư bào chữa cho hắn.

- Tôi biết, đó là lý do tôi mời ông tới đây. Ông là người mà tôi mắc nợ lời thú tội này. Tôi là Deroux. Công tố viên Deroux.

Ông ta cố vươn hai tay lên, thều thào gọi: “Ranaille... Ranaille”.

Tôi tự hỏi mình có đánh mất đạo đức nghề nghiệp khi phá lệ, tiết lộ những điều cần giữ kín hay không? Nhưng nhìn cảnh đáng thương của người đàn ông đang hấp hối này khiến tôi gạt bỏ quy tắc để nói ra sự thật:

- Ông Deroux! Ranaille là kẻ có tội! Hắn đã thú nhận lúc chào vĩnh biệt tôi.

Nhưng đầu người đàn ông đã gục xuống. Tôi tin rằng ông ta đã kịp nghe những lời tôi nói.

Hiếu Văn (dịch)

Maurice Level (Pháp)
.
.