Lời hẹn với Trạm Mây

Thứ Bảy, 18/09/2021, 09:14

“Mưa âm thầm, gió xô lên mình nặng vai lúc nào/ Áo em, cuốn theo mây chiều, qua vùng trời này thả xuống mưa bay”, Đà hát, bài hát tự sáng tác thời sinh viên mà ngày ấy chỉ riêng tôi được nghe trong lần hai đứa lên Trạm Mây thăm ông bà lão. Hai cậu thanh niên kể, bài này chỉ khi say Đà mới hát, ấy là khi Đà nhớ Trạm Mây lắm, nhớ ông bà lão và cô bé ngày xưa lắm. Chúng tôi đã lớn khôn, đã dỗi hờn, đã yêu thương và mơ ước bao nhiêu dưới lòng thung hoang vắng xanh mướt cỏ cây ấy.

Buổi ấy, Sài Gòn và Đà đón tôi bằng trận mưa trút nước, máy bay đáp xuống đường băng lâu hơn thường lệ. Tôi sốt ruột dõi mắt qua ô cửa sổ đã hạ kín bưng. Lạ thay, lúc kéo va-li ra sảnh, nhác trông thấy Đà thì trời bừng nắng từ khi nào rồi, nhanh như chớp mắt. Đà bảo, chẳng có gì lạ, Sài Gòn luôn là thế mà.

Chúng tôi cùng quê, lớn lên bên nhau và học chung đại học, ngành học. Trong nhiều tác phẩm tôi viết về hình ảnh người bạn thuở ấu thơ với tình cảm mộc mạc, thuần khiết không hề nhạt nhòa dầu con người đổi thay thì Đà chính là nguyên mẫu. Đà tự tìm đọc tất cả tác phẩm, chẳng nhận xét gì, chỉ thả icon hình trái tim qua tin nhắn. Với tôi, thế là đủ ấm.

- Thùy sẽ ở đây bao lâu?

- Còn tùy công việc…

- Tùy công việc hay tình cảm?

Tôi im lặng sau câu hỏi từ Đà. Cậu chàng bình thản xoay vô lăng chở tôi lòng vòng ngắm phố xá Sài thành. Tôi sốt ruột muốn gặp Tùng nhưng tuyệt nhiên không dám tỏ bày, giục giã. Vào chuyến này, chúng tôi sẽ tính chuyện cưới hỏi. Yêu xa hai năm, sau cuộc gặp đầu tiên ở Đà Nẵng. Mỗi năm, dăm ba bận, tôi và Tùng book chuyến du lịch dài ngày cùng nhau một nơi nào đó, nhưng chưa bao giờ là Sài Gòn, thành phố anh sống và làm việc. Tôi muốn dành địa điểm đặc biệt ấy cho sự kiện thật đặc biệt, như lần này chẳng hạn.

Điện thoại báo tin nhắn mới của Tùng. Anh xin lỗi vì việc công ty ở Vĩnh Long còn dở dang, nhanh nhất sáng mai mới kịp về Sài Gòn với tôi được. Nén hơi thở dài, tôi thả lỏng người trên xe Đà và thông báo một cách thất vọng: “Thùy rảnh tới sáng mai, Sài Gòn có gì vui, bày biện hết xem nào?”, Đà huýt sáo, nhìn tôi qua mảnh gương chiếu hậu phía trên vầng trán.

*

Trạm Mây cách làng tôi nửa ngày đi bộ. Hồi nhỏ, vào độ thu đông, cỏ cây héo khô, trâu bò đói trơ xương sườn, trẻ làng phải giong trâu lên đó, một thung lũng ngút xanh bốn mùa. Người già trong vùng luôn nhủ, đó nhờ mạch nước ngầm kỳ lạ ẩn sâu dưới lòng thung, thần bí lắm. Cỏ tốt, lũ trâu không còn cuồng chân chạy khắp bờ này gò nọ mà ngoan hiền cặm cụi gặm cỏ cho tới khi bụng căng tròn hệt quả sim chín. Tôi và Đà men theo hồ nước, đi qua từng gốc bạch đàn trắng soi bóng, tới gần ngôi nhà lợp cọ lúp xúp như cây nấm thì dừng lại nghiêng ngó, thăm dò. Bỗng giọng nói khàn khàn khiến hai đứa giật nảy mình.

- Này các cháu! Có thấy bà lão ở nhà không?

- Bà lão nào cơ ạ?

- Bà già bói liễu ấy, bác quay lại đây đã lần thứ ba rồi mà vẫn không gặp…

- Bói liễu là gì ạ?

- Ôi dào, hai đứa này, đúng là trẻ con chẳng biết gì thật mà!

Trút xong câu nói, người đàn bà xa lạ quầy quả bước đi, càng lúc càng xa dần. Không chút mảy may, chúng tôi nhón chân qua hàng hoa pháo đỏ hoe, vào thẳng khoảng sân đất rộng thênh, rượi mát. Bao lần thả trâu ở Trạm Mây, tuyệt nhiên chưa bao giờ lũ trẻ chúng tôi mò vào ngôi nhà này, cũng chẳng nghe ai trong vùng nhắc tới bà lão bói liễu nào như người khách lạ vừa dò hỏi. Khoảng sân đất giữa hàng rào hoa pháo có sức hút như thôi miên. Tôi và Đà vẽ vời, nhảy lò cò trên đó, tự nhiên như chơi giữa sân nhà mình.

Và rồi, đúng khoảnh khắc hai đứa ngước nhìn vào ngôi nhà, bỗng dưng thấy hai ông bà già ngồi trên hai chiếc ghế mây dáng tròn tròn như cái xô con úp ngược. Họ bình thản, mủm mỉm cười hiền lành, như ông tiên, bà tiên hiện ra từ trong chuyện cổ tích. “Chơi mãi đói chưa, lại đây bà cho ăn bánh sắn”, bà lão chậm rãi cất lời, không đợi câu đáp, bà đi vào căn bếp, tấm lưng gầy đã hơi còng. Bánh sắn trộn với nước giã từ lá cây rừng thoảng hương ngai ngái quyện nhân đỗ xanh mướt mịn, vo tròn như hạt nhãn tạo nên mùi vị đầy hấp dẫn. Chúng tôi ăn đến no nê mới nhớ chuyện người khách lạ hỏi trò bói liễu, ông lão nhìn bà lão, bà lại nhìn ra mặt hồ xanh trong mà lắc khẽ mái đầu: “Rằng đâu phải chuyện tình cờ/ Thà không gặp gỡ khỏi chờ nước dâng”… Dường như, chỉ ông lão hiểu vợ mình đang nói gì.

*

Quán ăn bên bờ kênh Nhiêu Lộc trưa ấy có bốn người. Đà, tôi và hai thanh niên, gọi Đà là anh. Có vẻ đã là chốn quen, người quản lý đẫy đà, giọng cười rổn rảng bước ra chào đón, tay vẫy, mắt nháy ra hiệu nhân viên, các món ăn và rượu được đưa lên ngay tức khắc. Cua hấp bầu, cá bống kho tộ, rau củ quả luộc chấm kho quẹt, nồi lẩu mắm kèm rất nhiều loại rau miệt vườn bắt mắt.

Thanh niên đối diện tôi có đôi mắt lác nên quả thực tôi chẳng biết lúc nào cậu ta nhìn mình và lúc nào không, thành ra hơi có phần bối rối. Người đối diện Đà thì gầy nhom, hai tay xăm trổ hổ báo rồng phượng đủ cả, và chính đôi cánh tay đó cũng thường xuyên vươn ra tiếp đồ ăn, rót rượu. Tôi từng hỏi Đà làm gì trong Nam, sau khi rời Hà Nội, Đà cũng chỉ cười trừ. Qua cách giao tiếp, phần nhiều bằng cử chỉ từ hai người em xã hội của Đà, tôi lờ mờ đoán được. Đôi khi, có cuộc gọi, một người sẽ ra ngoài nghe rồi quay lại chuyển máy tới Đà, Đà nghe xong, đáp gọn lỏn “OK, cứ thế!”

Câu chuyện giữa tôi với hai khách của Đà vơi dần sự khách sáo. Hai thanh niên gốc Bắc, cùng gia đình định cư đất này đã lâu. Ngày Đà đặt chân vào đây, vướng ngay cuộc đụng độ ngay bến xe, trong đó hai nhân vật này là chủ chốt. “Va chạm mà thành cái duyên chị ạ, giờ mấy anh em không rời nhau nửa bước”, người đối diện tôi lên tiếng, mắt đảo về phía Đà. Đà dằn mạnh ly rượu, đùa vui: “Cũng chỉ vì cái kiểu nhìn này mà mày ăn đòn nhiều lần rồi đấy, nó đang nhìn Thùy, không phải nhìn đám đực rựa này!”

Lời hẹn với Trạm Mây -0
Minh họa: Lê Tiến Vượng

Tôi nhớ như in ngày Đà vào Nam. Trước đó, đã có chuyện không hay xảy ra. Hương, bạn thân chung phòng trọ với tôi nằm góc phòng như con mèo hen, ho rũ rượi rồi thều thào vừa báo tin vừa giàn giụa nước mắt: “Tao có thai rồi, với Đà”. Tôi sững người, rụng rời, hồi lâu uể oải nhấc người lên, cắm chìa khóa vào chiếc xe cũ rích, lao thẳng tới công ty Đà thực tập thì bắt gặp cậu và một đồng nghiệp nữ đang chuyện trò ra chiều thân mật. Dò hỏi vài mối thân quen, mọi người đồn đoán đó là một đôi, “bắt sóng” trước cả khi Đà vào thực tập. “Mày yên tâm, tao nhất định sẽ đòi công bằng”, an ủi Hương nhưng chính tôi cũng lại khóc.

Lần tìm được địa chỉ, số điện thoại, tôi hẹn cô gái kia giữa cầu Cót, bắc qua sông Tô Lịch, gần khu trọ tồi tàn. Tôi không nhớ cụ thể mình đã nói những gì, dù chỉ đôi câu, cô gái trẻ kia nhếch môi cười nhạt, hứa sẽ không bao giờ gặp lại Đà. Tôi giấu tiệt Đà về cuộc gặp gỡ. Nhưng bằng cách nào đó, Đà biết. Vài tuần sau, khi đã chờ sẵn ở bến xe thành phố, Đà mới báo cho tôi về chuyến đi xa. Đà đưa tôi gói xôi khúc còn nóng hổi, bảo ăn đi kẻo đói, khuya lắm xe mới rời bến. Tôi bần thần, mông lung và thực sự khổ tâm. Rất muốn đòi công bằng cho Hương. Cũng lại muốn kể Đà nghe về cuộc hẹn nửa đêm trên cầu Cót. Và ngăn Đà đừng đi. Nhất định đừng đi.

Đà rít hơi thuốc dài, không màng tới sắc mặt nhàu nhĩ của tôi, hỏi vu vơ: “Thùy còn nhớ bà cụ bói liễu bên hồ chứ? Bà ấy từng nhắc tới chuyến đi này…”. Trí nhớ tôi hiện về hình ảnh đôi mắt trũng sâu, đối lập với gương mặt hồng hào như tỏa ra ánh sáng của bà lão ở Trạm Mây. Nhúng nhành liễu vào bát rượu tràn đầy, vẩy vẩy giữa khoảng không, bà trỏ vào hai đứa tôi nhưng lại nói với riêng ông lão: “Hai đứa nhóc này nhiều duyên nợ lắm. Như ông với tôi ngày xưa. Gần rồi xa. Xa rồi gần. Mãi cũng về lại đất này”. Tôi ngắt từng bông pháo hoa đỏ ra hút mật, bà nhìn đăm đăm vào Đà, lời nhẹ tựa gió mây: “Có ngày ắt sống tha hương/ Tình duyên lận đận nhớ thương nghẹn thầm”.

Giọng Đà trầm lặng, hòa giữa tiếng ồn ã như vỡ chợ ở bến xe: “Thùy nghe này, mình và Hương chưa có chuyện gì cả, điều cô ấy nói không bao giờ xảy ra. Còn cô gái Thùy đã gặp kia, mối quan hệ chẳng đâu vào đâu cả. Hoàn cảnh nhà mình Thùy rõ hơn ai hết, bệnh mẹ trở nặng, cần tiền thuốc men chữa trị lâu dài, chắc mình không đủ kiên nhẫn để theo nghề được nữa…”. Khi chuyến xe sắp chuyển bánh đưa Đà vào Nam, tôi khóc đến cạn nước mắt. Đà sợ tôi bất ổn, gọi điện cho một người bạn ra bến xe canh chừng và đi cùng tôi suốt chặng đường dài về khu trọ.

*

Sau này tôi mới biết, người vùng khác tìm đến bà lão nhờ bói liễu. Những nhành liễu ủ rũ, mềm yếu bên hồ được nhúng vào rượu, vẩy tung lên, rồi giọng bà ngâm nga như bà tôi vẫn hay lảy Kiều. Chỉ người xứ xa tìm đến, trong vùng tuyệt nhiên không ai biết bà có năng lực gì đặc biệt, cũng như không ai biết đôi vợ chồng già không con cái từ đâu đến cư ngụ, cư ngụ từ lúc nào. Trong những khúc đoạn đời sống đầy bất an, tôi luôn nhớ Trạm Mây, nhớ ngôi nhà nhỏ xinh của ông bà lão, nhưng chưa bao giờ nhờ bà bói liễu. Ngay cả khi Đà đã đi xa. Tôi bị cuốn trong nỗi hoang mang và rất nhiều câu hỏi về mối quan hệ giữa Đà và tôi, Đà với Hương, với những người con gái khác.

Chuyến ấy tôi về quê, mặt mày thần sắc xanh rớt như tàu lá, ông lão nhất định giữ lại dùng cơm. Cơm dọn trên chiếc mâm gỗ, có canh rau tập tàng, cá câu ở hồ kho với măng chua và muối kiến. Muối kiến là món ông lão tự hào của riêng mình sáng tạo, mình làm ngon nhất và chỉ làm cho bà. Bà ăn uống khô khan, lưng cơm trắng rắc muối kiến là xong bữa. Có lần, ông trao truyền cho tôi công thức rất nhiêu khê. Nào là phải chọn mùa, lựa ngày, lựa tiết trời mới lấy được kiến. Nào phải lên núi đẵn cây nọ, cành kia hun khói lấy hương. Giã, trộn, đong, đếm… các nguyên liệu trên núi, dưới hồ ngoài vườn đủ cả. Xong xuôi rang giã sẽ ra thứ muối đen đen trắng trắng, vị rất khó tả. Tôi nghĩ phần nhiều là vị đắng cay, chỉ nếm chứ chưa bao giờ ăn nổi. Khi tôi về, bà lão qua đời đã được đôi tháng, đĩa muối kiến vẫn bày riêng ở góc mâm cơm với một chiếc bát sứ và đôi đũa tre tự vót rất nhẵn nhụi.

Sau bữa cơm, ông vừa trò chuyện cùng tôi vừa buông câu trên chiếc thuyền nhỏ. Kể rằng, khoảnh khắc bà rời bỏ cuộc đời này, ông không báo tin dữ ấy cho ai, chỉ ông bên bà là đủ. “Chẳng biết trời xui đất khiến thế nào, đúng ngày bà nhà tôi đi thì cậu Đà về. Cậu ấy bảo, đang ngủ giữa đêm thì nghe liễu gọi. Tiếng gọi ăm ắp gió mưa. Thì ra, cậu Đà nhạy cảm hơn ta tưởng…”.

Câu cá chán chê, ông bước lên bờ, trở vào nhà, rót rượu từ chum sành, rượu đổ lênh láng cả nền nhà và đôi bàn tay nhăn nheo, lốm đốm đồi mồi. “Ta lại phải uống với nhau rồi, chẳng còn nhành liễu nào có thể nhúng vào rượu này được nữa. Số cô lận đận. Tin người gần, chớ tin người xa. Người gần thì tin đàn ông, chớ tin đàn bà. Bà ấy nói vần vèo, êm ái như thơ kia, tôi chỉ biết diễn nôm ra vậy”. Thời gian không lâu sau đận ấy, ông cũng theo bà rời khỏi Trạm Mây, nhẹ như giấc mơ của ông tiên, bà tiên, bay từ thung lũng này đến một thung lũng khác, khi những đứa trẻ đã lớn lên và bước ra khỏi  không gian cổ tích.

*

“Mưa âm thầm, gió xô lên mình nặng vai lúc nào/ Áo em, cuốn theo mây chiều, qua vùng trời này thả xuống mưa bay”, Đà hát, bài hát tự sáng tác thời sinh viên mà ngày ấy chỉ riêng tôi được nghe trong lần hai đứa lên Trạm Mây thăm ông bà lão. Hai cậu thanh niên kể, bài này chỉ khi say Đà mới hát, ấy là khi Đà nhớ Trạm Mây lắm, nhớ ông bà lão và cô bé ngày xưa lắm. Chúng tôi đã lớn khôn, đã dỗi hờn, đã yêu thương và mơ ước bao nhiêu dưới lòng thung hoang vắng xanh mướt cỏ cây ấy. Có khi, suốt buổi ngồi bên nhau, chẳng ai nói câu gì, bên tai thầm thì như lời liễu đẫm hơi rượu hạ thổ đã búng vào không gian từng vệt nhung nhớ âm thầm.

Đã có bao nhiêu biến động đến với hai đứa trẻ ngày xưa. Bố Đà mất trong buổi chiều hun hút heo may, lúc chúng tôi còn thả trâu rong ruổi, phồng miệng nhai bánh sắn. Buổi Đà ngỏ lời yêu và nắm tay tôi, tôi rút mạnh tay mình ra khỏi tay Đà vì thắt lòng nhớ tới những lời thủ thỉ gói ghém bí mật của Hương, về tình yêu, về hứa hẹn với Đà. Rồi thì Đà trở lại Trạm Mây bao nhiêu lần không có tôi, tôi chẳng mấy quan tâm nữa. Tôi cuốn vào công việc, sau này còn là cuộc phiêu lưu tình ái với Tùng.

Gọi phiêu lưu cũng phải, bởi chúng tôi còn chưa kịp hiểu hết về nhau, mà hình như cũng chẳng ai có nhu cầu đó. Niềm thôi thúc duy nhất khiến tôi và Tùng quyết định tính chuyện cưới xin là cả hai đều đã qua tuổi ba mươi nhăm, trong những chuyến du ngoạn, về cơ bản hợp nhau ăn uống, vui chơi và cả lúc quấn quýt gần kề. Tôi từng ngỏ ý mời Tùng về Trạm Mây một chuyến, anh hờ hững gạt đi: “Nghe em kể thì nơi đó chẳng có gì ngoài thung lũng vắng và cái lều bỏ không”. Tùng gọi ngôi nhà lợp cọ xinh xắn như cây nấm của ông bà lão là cái lều bỏ không. Câu nói nhẹ bẫng, nhưng kéo về ăm ắp hồ nghi.

*

Tôi chia tay Tùng sau khi phát hiện anh nói dối. Trong quán bar Đà làm ăn chung vốn, tôi và Tùng đã mắt đối mắt, tay anh còn chưa kịp rời khỏi vòng eo cô gái đôi mươi ăn mặc đầy gợi cảm. Anh không bận việc công ty ở tỉnh xa mà bận tiêu khiển. Chân dung Tùng trước mặt tôi đậm chất trác táng, chơi bời. Anh cũng không giấu nổi vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi đi bên Đà và hai thanh niên xăm trổ. Cả hai đều ngạc nhiên về nhau, đều không có thêm nhu cầu níu kéo hay phân bua giải thích. Cuộc chia tay chóng vánh, không thể nhạt nhẽo hơn.

Đà tiễn tôi ra sân bay về lại Hà Nội. Trước lúc mở cửa xe, Đà ân cần ngoảnh lại với chiếc hộp trên tay: “Thùy thay đôi giày này đi, giày cũ gót nhọn và cao quá, mỗi lúc Thùy bước đi, mình nơm nớp sợ rằng Thùy sẽ ngã”. Giây phút ấy, tôi thấy tim mình buốt nhói. Chợt nghĩ lan man, chẳng biết chính xác là điều gì đã đẩy chúng tôi xa nhau. Hay chính bởi tình cảm và niềm tin trong tôi không đủ lớn.

Hương đã chồng con đề huề, kinh doanh khấm khá. Ngày cưới Hương, mẹ nàng xởi lởi nói cười, tiện khoe luôn ông con rể có phúc tậu được cả trâu lẫn nghé. Tôi không truy vấn hay giận hờn Hương chuyện cũ. Cũng chưa bao giờ hỏi cô bạn chung phòng trọ vì sao lại thổ lộ cho tôi tình yêu trong tưởng tượng với Đà. Chỉ có một điều chắc chắn, đó là tình bạn thân giữa tôi và nàng đã không còn. Thỉnh thoảng, dịp này, dịp kia, Hương rủ qua nhà chơi, tôi vẫn lui tới. Hai cậu con trai nàng giống bố như hai giọt nước.

*

Vài tháng sau cuộc chia tay tình yêu lãng xẹt, tôi bỗng nhận được cuộc gọi từ người phụ nữ xưng là vợ sắp cưới của Tùng. Cô nàng thông báo, Tùng đã tự xóa sạch mọi hình ảnh về tôi trong điện thoại. Bằng chất giọng the thé như xé vải, người phụ nữ mới của Tùng yêu cầu tôi kể từ nay không được liên lạc với anh dưới mọi hình thức, bằng không đừng trách. Thực ra, kể từ sau khoảnh khắc thay đôi giày mới và rời khỏi Sài Gòn, tôi đã chẳng còn chút gì vướng bận nên cuộc kết nối ấy thật vô duyên, nực cười.

Dịch bệnh khiến Đà bận rộn. Các quán bar đóng cửa, việc làm ăn đình trệ, nhưng Đà đang lăn xả hỗ trợ lương thực cho người dân. Lần đầu tiên, tôi thấy Đà công khai đăng đàn thông tin trên mạng xã hội. Đà muốn tạm đổi cho ai đó chiếc xe Mercedes của mình lấy một chiếc xe bán tải để tiện chở đồ cứu trợ.

Trong những cuộc trò chuyện ngắn ngủi mà tôi chủ động kết nối, Đà nói, Sài Gòn những ngày này thật khủng khiếp, chỉ cần mở ứng dụng zalo connect xem người cần giúp đỡ quanh mình, sẽ thấy xuất hiện trên màn hình chi chít biểu tượng những quả bóng bay màu cam tương ứng với bao nhiêu là địa chỉ kêu cứu khẩn cấp mà chưa nhận được hồi âm. Nhiệm vụ Đà và nhóm anh em tự đặt ra cho mình là chuyển những quả bóng màu cam trên ứng dụng trở thành màu xanh. Cứ mỗi hoàn cảnh được hỗ trợ kịp thời, ứng dụng sẽ chuyển màu.

Qua từng số phận được miêu tả qua vài dòng ngắn gọn mà thấy cả xã hội thu nhỏ với bao lo toan, nhọc nhằn chất ngất. Có xóm lao động vài tháng nay thất nghiệp không lương thực, thuốc men. Có em bé mới học tiểu học rất lễ phép trình bày việc bố qua đời, mẹ có gia đình mới, em ở với bà, vì dịch bệnh bà đã mất việc làm thêm nên hai bà cháu xin chút gạo. Bao sinh viên trẻ trung như chúng tôi ngày xưa kiên quyết khẳng định bản thân chưa cần tới sự giúp đỡ về vật chất, gửi xác nhận đã tiêm chủng vaccine mà khẩn thiết mong được kết nối việc làm thêm… Những dòng tên chưa đầy đủ, những bức ảnh chưa thật rõ… nhưng đôi dòng kêu cứu đủ toát lên phần nào hoàn cảnh, tính cách và cả lòng tự trọng của con người, dù trong đói khổ. Lại thấy Đà như thuở nào, nhiệt tình, xả thân không cần phân bua, giải thích. Lại nhớ lời bói liễu ngày nào tỏa lan như quầng sóng mặt hồ Trạm Mây: “Lòng người dễ mấy đổi thay/ Nguồn cơn biến động ra tay giúp đời”.

*

“Tôi bị bạn trai lừa, đang có bầu, vì dấu hiệu dọa sảy thai nên phải nằm bất động, cần được hỗ trợ thuốc men và lương thực, vô cùng biết ơn”, biểu tượng quả bóng màu cam kèm dòng tin ngắn gọn khiến nhóm thiện nguyện của Đà tình cờ gặp vợ chưa cưới của Tùng. Đà biết là bởi khi đứng cách vài mét chuyển đồ cho người phụ nữ bất hạnh, vẫn nhận ra trên tường căn nhà trọ có bức ảnh chân dung tôi, in cỡ lớn, chi chít gạch chéo màu đỏ và cả những vết cào cấu, rạch xé. Chuyện ấy đương nhiên Đà giấu nhẹm, nhưng cậu thanh niên mắt lác từng ngồi đối diện tôi trong quán ăn gần kênh Nhiêu Lộc đã nhanh tay kịp chụp ảnh lại, gửi tôi với lời nhắn: “Em thấy chuyện này thật kỳ lạ, thiệt tình em mong chị được bình an…” Là Tùng đã lừa người phụ nữ đó, hay chính cô ta khiến anh không chịu nổi mà bỏ rơi, tôi không biết, chỉ biết những bức ảnh trôi về điện thoại khiến tim người thắt lại.

Trong mơ, tôi nghe thấy tiếng Đà: “Bao giờ hết dịch mình về Trạm Mây, mình đã nghe thấy lời liễu gọi”. Hai cậu em Đà nhắn tin cho tôi: “Sau đợt dịch này, chắc anh ấy bỏ tụi em về Bắc. Anh bảo lăn lộn từng ấy năm đã thấm, muốn về Trạm Mây, là đâu vậy chị, có xa không mà ở đó có gì?” Tôi bấm điện thoại gọi Đà, bắt máy là giọng người xa lạ: “Cậu ấy dương tính với COVID rồi, nhưng sẽ ổn thôi, cậu ấy nhờ tôi chờ cuộc gọi từ chị!”. Giây phút ấy, tôi ước có thể về Trạm Mây, có thể thêm một lần được gặp bà lão, nghe nhành liễu nhúng vào rượu và tỏa khắp không gian nói gì về cuộc hội ngộ và trở về.

Truyện ngắn của Lữ Mai
.
.