Khóa điện tử

Thứ Sáu, 13/05/2022, 10:33

Họ tên cúng mụ của lão là Nguyễn Thế Khóa. Hồi học trường làng, mỗi lần đi vệ sinh là cả lũ học trò được dịp réo tên “Khóa” mà chửi cạnh, chửi khóe. Hắn ức quá, đánh nhau với lũ bạn, bỏ không đi học. Bất đắc dĩ bố hắn làm đơn lên ủy ban xã xin đổi tên cho con.

Hồi ấy chú họ hắn làm Chủ tịch xã nên thủ tục rất nhanh gọn. Ông chú chỉ cần tẩy nhẹ, mang giấy khai sinh ra trường làng, nhờ thầy giáo bỏ dấu sắc trong học bạ, lão nghiễm nhiên có cái tên đẹp Nguyễn Thế Khoa kể từ đó. Nhờ đổi tên, lão học hành tiến tới, học một mạch mười lăm năm rồi thành cán bộ nhà nước.

Nghỉ hưu, lão Khoa về quê, thuê thợ sửa sang cái nhà bố mẹ để lại làm nơi thờ tự, làm nơi ở những ngày còn lại của cuộc đời. Hai đứa con lão không muốn thế. Một mình lão nuôi chúng nó ăn học, dựng vợ gả chồng, xin việc cho con trai, con gái, dâu rể vào hết ngành điện. Thằng con trai làm Giám đốc Điện lực huyện, con rể làm Trưởng phòng kỹ thuật dưới trướng anh vợ, con gái làm Ban Tài chính, con dâu làm Ban Vật tư Điện lực thành phố.

Mọi người trong cơ quan không ngờ lão giỏi đến thế. Mấy suất lao động lão xin được, người khác phải tốn dăm tỷ bạc chắc gì đã xong. Lão chỉ là chuyên viên quèn không chức tước, suốt đời ở căn nhà tập thể, lấy đâu tiền chạy việc, chạy chức cho con. Người trong cơ quan kháo nhau, lão có anh họ làm trên Tập đoàn điện lực, có bạn học làm Thứ trưởng bộ nhà v.v…Tóm lại là lão ít tiền nhưng có gia thế khủng. Nhất quan hệ, nhì tiền tệ. Người đời nói có bao giờ sai.

Bây giờ ở quê đất chật người đông, tìm vài mét vuông làm chỗ nằm lâu dài cũng khó thay. Các khu công nghiệp và sân gôn dồn ép, ức hiếp đất nghĩa địa. Người sống chen chúc, người chết cũng chen chúc. Hương ước của làng vừa thêm điều khoản bổ sung đối với những người đi lập nghiệp đất khách quê người, khi chết, muốn được trở về nơi chôn nhau cắt rốn, phải có tối thiểu ba năm thường trú ở làng trước khi mất. 

Về được ba tuần, dọn dẹp nhà cửa, sân vườn vừa tạm ổn, thằng con rể thình lình xuất hiện đón lão lên thành phố. Lão hỏi lý do, anh con rể bảo con làm theo chỉ thị của anh vợ. Chiếc xe không đi về nơi khu nhà tập thể lão ở, thẳng tiến vào một khu chung cư cao tầng sang trọng ở trung tâm thành phố. Đón lão ở sảnh lễ tân có con trai, con gái, con dâu, hai cháu nội, một cháu ngoại. Cả nhà đưa lão đến nhà hàng Nhật Bản trong khu thương mại thưởng thức món cơm sushi mà lão ưa thích. Ăn xong, tất cả vào thang máy, loáng một phút có mặt trong một căn hộ đầy đủ tiện nghi hiện đại.

Khi mọi người yên vị trên bộ ghế sô pha da bóng mượt, thằng con trai lên tiếng giải thích nguồn cội. Rằng căn hộ hơn bảy chục mét vuông này con đã đặt mua cách đây ba năm được chủ đầu tư cho trả chậm và giảm giá. Tiền bán căn nhà tập thể cũ cũng vừa đủ mua căn hộ này. Nơi này gần nhà chúng con, gần trường học của các cháu. Những lúc chúng con bận việc, bố giúp chúng con đưa các cháu đến trường và đón về nhà. Người già bây giờ đều thích ở chung cư vì đi lại cùng mặt bằng, ít đau chân mỏi gối, không bị ngã cầu thang. Dưới vườn treo, dưới sân, con gặp các bác, các cô trạc tuổi bố đi tập thể dục rất nhiều. Dần dần bố sẽ quen cuộc sống chung cư và có nhiều bạn mới nơi đây.

*

Đúng như lời thằng con trai, vài tháng sau lão đã kết bạn được với nhiều người nơi ở mới. Tính lão ít nói nhưng khuôn mặt rất thân thiện. Đạo mạo khó gần là nhóm người mang danh giáo sư, tiến sĩ, gặp lão vài lần cũng phải mở lòng đón nhận. Ví dụ như Giáo sư tiến sĩ Hồng ở tầng sáu, sau một tuần đi bộ cùng nhau đã cho lão số điện thoại, mời lão đến nhà chơi. Thì ra giáo sư cùng hoàn cảnh gà trống nuôi con giống lão, khác chỗ giáo sư đi thêm vài bước nữa nhưng đều không tiến tới được hôn nhân.

Căn hộ giáo sư cùng trục với căn hộ của lão, phòng nhỏ bố trí giường ngủ, phòng master bố trí thành thư viện với hàng trăm cuốn sách. Lão chăm chú nhìn những quyển sách dày bằng gang tay còn bọc nguyên giấy ni lông. Không tin vào mắt mình, lão đưa tay mân mê từng quyển sách để xác nhận ý nghĩ vừa lóe lên trong đầu. Hết sách lão quay sang ngắm nhìn bộ vi tính iMax 27 inh màu trắng sang trọng trên bàn làm việc dưới cửa sổ. Quen tay lão chạm vào bàn phím, ấn phím xem các thông số của máy. Thấy lão ra vẻ thông thạo máy tính, giáo sư Hồng thăm dò:

- Chú xem máy tính này sử dụng hệ điều hành nào, có bản quyền không? Đây là bộ máy tính học trò tặng tôi khi nghỉ hưu. Tôi thấy nó không bằng máy tính cũ ở cơ quan.

z3408288653712_5ff020176673b1c30fdc2c52982af867.jpg -0
Minh họa: Lê Trí Dũng

- Đây là bộ máy tính mới nhất của hãng quả táo Giáo sư ạ. Nó không dùng hệ điều hành Window quen thuộc mà dùng hệ điều hành Mac OS. Giáo sư dùng chưa quen nên hay xảy ra lỗi. Em hướng dẫn Giáo sư một vài lần là thành thạo ngay mà.

Lão khoe hồi còn công tác, lão chuyên được ưu tiên đi học các lớp ngắn hạn, lớp dài hạn từ ngoại ngữ, lập trình phần mềm, chuyên môn điện, đến trung cao cấp chính trị. Thời gian đi học của lão dài hơn thời gian làm việc tại cơ quan. Lúc sắp về hưu lão vẫn đi học. Mọi người trong cơ quan đùa lão là cháu đích tôn của bác Lê Nin “Học, học nữa, học mãi”. Lão thở dài, rút ra kết luận:

- Em học nhiều nhưng chẳng làm nên cơm cháo gì. Về hưu vẫn là anh kỹ sư điên nặng hết bậc. Không như bác, 65 tuổi vẫn làm việc, vẫn cống hiến cho xã hội.

Sở trường của Giáo sư Hồng là nói cho người khác nghe và rất ít khi nghe người khác nói. Giáo sư tế nhị lái câu chuyện của lão Khoa sang hướng khác:    

- Tôi thấy khu chung cư này mọi thứ đều ổn thỏa trừ cái khóa cửa. Tại sao họ không dùng khóa cơ như bao năm vẫn dùng, lắp khóa điện tử làm gì, rất khó sử dụng. Ấn mã số thì hay quên, số bé hay nhầm. Ấn vân tay hôm được hôm không, chẳng hiểu do đâu. Báo lễ tân, ngồi xổm hành lang mấy tiếng đồng hồ mới có kỹ thuật lên giúp.

- Khóa cửa là một trong những chỉ tiêu thể hiện đẳng cấp của chung cư mà bác. Nó an toàn và tiện lợi vô cùng. Nếu bác nhỡ cho ai password chỉ cần một phút là xử lý xong. Còn cho mượn chìa, đôi khi chủ nhà phải thay cả ổ khóa đấy. Bác ra đây em hướng dẫn cách cài đặt thay đổi password. Chỉ vài nốt nhạc là xong.

Hơn tuần nay, ý định xóa đi cái password cũ đã lóe lên trong đầu, Giáo sư vẫn chưa thực hiện được. Ông đã lỡ tiết lộ password cho một người phụ nữ mà theo ông là không có lập trường tư tưởng vững vàng. Ông nhiều lần loay hoay làm theo bản hướng dẫn tiếng Việt nhưng không thành. Ông thầm khen lão Khoa về hưu vẫn cập nhật khoa học kỹ thuật nhanh hơn cả lớp trẻ, xứng danh cán bộ của ngành khoa học thực hành.

*

Tiếng lành đồn xa, lão Khoa trở thành người ai cũng biết ở tòa chung cư A3. Những người hay có nhu cầu thay đổi password, sửa chữa điện nước hay tìm đến lão, rồi giới thiệu lão cho nhau. Nhờ giáo sư Hồng, tiến sĩ Kim mới biết lão. Tiến sĩ Kim năm nay chớm tuổi U50. Bà là người thành phố gốc, cao ráo, xinh xắn, nhẹ nhàng. Chỉ vì thích cây cối, thích ươm mầm xanh nên bà theo học trường nông nghiệp, làm luận án Tiến sĩ về giống cây trồng. Bà có một cô con gái đi học ở Mỹ, lấy chồng và định cư bên ấy. Bà đã ly dị ông chồng giống to ngắn ngày. Để được ly hôn bà phải sang tên cho hắn cả căn nhà mặt ngõ của hồi môn cha mẹ bà để lại. Hắn lấy vợ mới. Bà mừng vì thoát được hắn vĩnh viễn. Nào ngờ, đúng ngày ly hôn mười năm trước, hắn lại vác bộ mặt khô héo đến căn hộ, năn nỉ bà ghép lại cành cây hạnh phúc để cho con cháu có bóng mát. Bà bảo hắn, cây già tuổi, gẫy ngang thân, không thể chiết ghép được nữa.

Một hôm bà đang họp giao ban ở Viện, hắn gọi điện đến, bà tắt máy, hắn bắn tin căn hộ nhà bà bị sự cố, nước lênh láng ra cả hành lang. Bà vội nhắn cho hắn password để hắn nhờ người xử lý. Hôm ấy về đến nhà bà mới biết mình bị hắn lừa. Hắn lau nhà, nấu cơm để chứng minh bản thân đã thay đổi. Ăn xong, hắn van vỉ cho hắn về sống cùng bà để chuộc lại những lỗi lầm ngày xưa hắn đã gây ra.

Biết hắn bày trò để ở lại căn hộ, bà gọi điện mời Giáo sư Hồng đến bàn công chuyện, nhưng thực chất tạo lý do để đuổi hắn về. Khi hắn khuất mặt vào thang máy, bà vội vàng thay đổi mật khẩu khóa cửa nhưng loay hoay mãi không được. Giáo sư Hồng định giúp nhưng sợ không thành nên đưa số điện thoại của lão Khoa cho bà Kim và ra về với bộ mặt không vui. Giáo sư là thầy cũ dạy bà lớp chính trị cao cấp cách đây hơn chục năm. Bà với Giáo sư là những người đầu tiên dọn đến ở khu chung cư này, cùng hộ độc thân nên hai người rất dễ thân quen.

Bà Kim hay mời Giáo sư sang nhà ăn cơm, nếm thử những món ngon từ thực phẩm sạch bà mang ở trang trại về. Dần dà, Giáo sư Hồng cảm thấy khó ở khi một tuần không được ăn cơm bà nấu. Một hôm Giáo sư bỏ qua lòng tự trọng đề xuất bà về ở cùng ông nhưng bà từ chối. Bà bóng gió rằng Giáo sư là cây đại thụ. Bà là loài cây lương thực nên chỉ thích hợp sống trên những cánh đồng đầy mưa nắng.

*

Cái ban công căn hộ lão Khoa hướng nhìn về quê lão. Chắc đây là chủ ý của thằng con trai, để mỗi lúc nhớ quê, lão có thể ngồi đây nhâm nhi tách trà, thỏa mái hồi tưởng. Bất chợt hôm nay lão nhớ đến khuôn mặt người vợ quá cố có nét gì đó giống bà Kim. Không! Không thể như thế được. Một người quê mùa với một người học thức thị thành khác xa nhau nhiều lắm.

Từ ngày quen nhau, mỗi tuần một lần, bà Kim qua nhà lão, mở tủ lạnh đặt vào đó một lượng hoa quả, rau, thịt, cá v.v…Theo lời bà, chúng đều là thực phẩm hữu cơ, được trồng, chăn nuôi nơi trang trại của bà và các đồng nghiệp, đạt chuẩn so với những gian hàng thực phẩm hữu cơ khác trong các siêu thị. Lấy lý do của nhà nuôi trồng được, bà từ chối lấy tiền lão Khoa trả.

Bà phân trần từ ngày được gặp lão, cuộc sống của bà như được sang trang mới. Lần đầu tiên trong đời bà hiểu được khái niệm ngôi nhà thông minh (smart home). Ngoài việc hướng dẫn cài đặt thành thạo password cửa, lão còn tư vấn, mua lắp đặt cho bà những thiết bị tiên tiến như rô bốt hút bụi, nắp bồn cầu thông minh, máy lọc nước điện giải ion kiềm v.v… Nó giúp nâng cao sức khỏe, giúp tiết kiệm được thời gian đối với người độc thân, bận rộn như bà. Dưới bàn tay của lão, mọi thiết bị trong nhà vận hành một cách nhẹ nhàng, êm ái. Bà như trút bỏ được chức năng đàn ông ra khỏi cơ thể, toàn tâm hồi sinh lại chức năng đàn bà đã bỏ quên lâu ngày.

Qua mấy tháng làm quen, bà biết mình đã tìm được bờ vai để nương tựa. Bờ vai luôn hiển hiện mỗi khi bà cần nhưng bà không biết làm cách nào để tựa vào. Lão Khoa luôn hoạt ngôn, nhanh tay, nhanh chân khi làm việc nhưng trở nên đăm chiêu, lạnh lùng khi nhàn cư. Bà đã thử mọi cách để tiếp cận mở cửa trái tim lão nhưng thất bại toàn tập. Lão luôn lảng tránh ánh mắt trìu mến, cử chỉ thân thiện của bà mỗi khi gặp nhau.

Giáo sư Hồng là cực dương thì lão Khoa là cực âm trong từ trường tình cảm. Người đời thường bảo người đàn ông chỉ tắt dục khi gần đất, xa trời. Nhìn vóc dáng tầm thước, cơ thể săn chắc, nước da hồng hào, không ai nghĩ lão lại nghỉ hưu chăn gối sớm thế. Phải có nguyên nhân sâu xa nào đó mà bà chưa tìm ra được.

Theo lịch trình lập sẵn, chiều chủ nhật, cả nhà lão Khoa tập trung ăn cơm cùng nhau, luân phiên nhà hai anh em. Ăn xong, lão cùng con trai, con rể ngồi uống nước, bàn các giải pháp giảm tổn thất điện năng trên địa bàn huyện nông nghiệp. Đứa con gái đang rửa bát trong bếp, hớt hải chạy ra:

- Điện thoại bố để quên ở nhà à. Cô Kim gọi mãi không được liền gọi cho con. Nhà cô bị sự cố chập điện nhờ bố về giúp.

- Sao cô Kim lại có số điện thoại của con. Sự cố thì cô báo lễ tân sao lại gọi bố. Lão cự lời. Cô con gái nhoẻn miệng cười:

- Tại tay nghề bố cao quá. Con và chị dâu quen cô trên mạng. Chúng con lâu nay vẫn nhờ cô Kim mua rau thịt hữu cơ của trang trại cô ấy. Con thấy cô Kim vừa đẹp người, vừa tốt tính. Bố chịu khó giúp cô ấy đi. Chúng con ủng hộ bố.

*

Lại thêm một cô gái chân dài, trẻ đẹp bị hack mật khẩu căn hộ. Bà Kim lấy cớ hỏng điện, gọi lão Khoa đến giúp cho cô bé ở căn hộ cạnh nhà vừa đi du lịch về nhưng loay hoay mãi không mở được cửa. Lần này là lần thứ tám lão không thể thay đổi password vì các cô gái đều không có chìa khóa chủ. Khóa điện tử thông minh là ở chỗ đó, người có chìa khóa chủ là người có quyền thay đổi password để ngăn chặn người lạ xâm nhập. Tám cô gái đều có một câu cám ơn lão giống hệt nhau đến từng chữ:

- Cháu cám ơn bác đã giúp đỡ. Cháu nợ tiền trọ nên chủ nhà không muốn cho thuê nữa. Cháu xin phép về nhà bạn cháu ạ.

Thấy lão Khoa thắc mắc, bà Kim giải thích:

- Anh giúp bao người trong khu chung cư thay đổi password mà không tinh ý chút nào. Anh không thấy chủ nhân các căn hộ một buồng ngủ và hai buồng ngủ đều là các cô gái độc thân trẻ đẹp. Đấy là các sugar baby của các đại gia. Không nơi nào an toàn hơn các chung cư cao cấp, chỉ cần bước nhanh qua sảnh lễ tân vào khu thang máy là thoát con mắt các thám tử tư của các bà vợ lớn. Nhưng đi đêm nhiều ắt hẳn sẽ gặp ma. Tuần trước, căn hộ đối diện với căn hộ cô bé, bà cả kéo cả lũ con cháu đến đuổi cô hotgirl ra khỏi nhà một cách lặng lẽ. Mà hình như thủ trưởng cũ của anh cũng thường xuyên đến đây đấy.

- Sao cô biết thủ trưởng cơ quan tôi? Lão Khoa thốt lên.

- Huyền vợ thủ trưởng anh là bạn học phổ thông với em. Mấy năm trước em có đến nhà nhờ anh ấy hướng dẫn làm thủ tục cấp điện cho trang trại. Anh là cấp dưới của thủ trưởng mà chẳng biết gì về thủ trưởng là sao? Bạn em bảo thủ trưởng của anh đào hoa lắm đấy. Bà Kim vừa nói vừa cười.

- Chắc thủ trưởng anh đến thăm con cháu thôi. Thằng con trai lớn của anh chị ấy cưới vợ cũng được ba năm rồi. Lão Khoa thanh minh.

Thực ra hồi còn công tác, lão chỉ chăm chú đến công việc, không tham gia bè phái, không xì xào đời tư của người khác. Ai nói gì lão cũng chăm chú lắng nghe nhưng không phát biểu. Anh chị em trong cơ quan vừa quí lão vừa chán lão. Một tay đồng nghiệp có máu thi sĩ đã làm thơ về lão: Đừng gọi anh là Khoa/ Hãy gọi anh là Khóa.

Tổng giám đốc Quỳnh đánh giá cao bản lĩnh ít nói của lão, coi lão là chỗ thân tình, giao cho lão những nhiệm vụ riêng tư mà bản thân không có thời gian hoàn thành. Việc đi học, thi lấy các tín chỉ ngoại ngữ, tin học, chính trị nhằm hoàn thiện hồ sơ cá nhân trong quá trình xét tuyển lên chức vụ Tổng Giám đốc công ty điện lực thành phố có một phần đóng góp không nhỏ của lão Khoa. Rồi việc lão giám sát thi công lắp đặt thiết bị điện nước mấy căn biệt thự ở các khu đô thị ngoại ô thành phố cho Quỳnh cũng không một người trong ngoài công ty biết được.

*

Chính Lan, con gái lão Khoa đã lý giải với bà Kim tính cách bố mình. Trước kia, chưa lập gia đình, cháu là đứa con ích kỷ. Cháu luôn muốn bố chỉ dành trọn tình cảm cho hai anh em. Cháu xua đuổi những người phụ nữ có ý định làm bạn với bố. Cháu khóc lóc đổ lỗi cho bố về cái chết của mẹ, rằng bệnh tim của mẹ nếu bố biết quan tâm, đưa mẹ lên thành bố chữa trị thì mẹ đâu phải mất sớm như vậy.

Khi anh em cháu lập gia đình ra ở riêng để bố một mình nơi căn nhà tập thể cháu mới tỉnh ngộ ra câu nói của người xưa: “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Nghỉ hưu bố cháu càng đơn độc, một mực đòi về quê ở, hương khói cho ông bà và mẹ cháu, kiếm vài mét vuông đất trong nghĩa địa làng. Cháu ân hận, đi tìm lại những người xưa yêu dấu của bố nhưng đã quá muộn. May cháu gặp được cô, nếu cô yêu bố cháu thực sự, cô cố gắng giúp cháu nhé…

Bà Kim vừa nhớ lại lời Lan nói vừa mỉm cười. Cháu không nói thì cô cũng đang cố hết sức đây, cô đang tìm bờ vai để tựa, nhưng tình yêu rổ rá cạp lại không còn lực hấp dẫn như tình yêu thời trẻ. Người đời bảo xây một ngôi nhà trên nền đất mới dễ hơn nhiều lần xây một ngôi nhà mới trên nền móng cũ. Cô đang tìm đủ mọi cách để phá băng tâm hồn bố cháu nhưng lực bất tòng tâm.

- Cô và cháu phải hợp sức lại mới được. Lan luôn nói với bà Kim như vậy và chủ động vạch ra phương án tác chiến. Thứ bảy tuần tới là ngày giỗ thứ hai mươi của mẹ cháu, cô cháu ta làm cỗ ở nhà cô, sau đó mang lên sắp đặt trên bàn thờ để bố cháu thắp hương. Anh em nhà cháu cùng cô vái lạy trước hương linh mẹ cháu, anh cháu sẽ báo cáo với mẹ cháu (tất nhiên là nói to để bố cháu nghe) xin phép để cô thay mẹ chăm sóc tuổi già cho bố. Mẹ cháu tốt bụng lắm, tất nhiên là sẽ đồng ý ngay…

*

Con bé đến kỳ lạ! Nói là làm và làm đúng như kịch bản đã vạch ra. Sau ngày giỗ, Lan đổi cách xưng hô, gọi bà Kim bằng mẹ. Ngày nào nó cũng gọi điện hỏi thăm bà xem tiến độ xây dựng ngôi nhà tình yêu giữa bà và bố nó đến đâu rồi, khi nào đến ngày cất nóc. Con bé hay bông đùa nhưng tình cảm ấm áp. Nếu ước nguyện  thành hiện thực, bà Kim sẽ có ba con, một trai, hai gái, một dâu, hai rể, năm cháu nội ngoại… Đang miên man trong thì tương lai tươi sáng, điện thoại của bà reo lên réo rắt:

- Cô ơi! Bố cháu đi đâu rồi ạ. Cháu gọi mấy lần không thấy bố cháu bắt máy. Chú Quỳnh tổng giám đốc Tổng công ty cháu gọi cần gặp bố cháu có việc rất gấp. Cô tìm và bảo bố cháu gọi điện lại ngay cho chú Quỳnh ạ.

- Chắc có ai lại nhờ bố cháu sửa giúp điện nước hay thay đổi password cửa. Cô đi ngay đây.        

Khi bà Kim lên đến tầng 36, thấy lão Khoa đang loay xoay trước cửa căn hộ nhìn ra hồ cùng một cô gái trẻ. Khi lão vừa về đến cửa, bà Kim đã mang điện thoại đang đổ chuông ra phòng khách:

- Cháu Lan gọi anh mấy lần không được, bảo em lên phòng báo cho anh gọi điện ngay cho sếp cũ. Anh nghe điện thoại đi, sếp anh đang gọi. Chắc có việc gì khẩn cấp lắm.

- A lô. Tôi Khoa đây. Vâng nhà tôi ở tầng 36, nhà số 08. Vâng… Rượu Chivas  ạ. Nhà vẫn còn ạ. Nghe xong ông quay sang bảo với bà Kim:

- Sếp anh đến chơi uống rượu. Thôi em về đi kẻo chạm mặt không tiện.

- Anh uống ít thôi nhé. Không được say đâu đấy. Cần gì gọi cho em nhé. Đi ra cửa bà còn ngoái lại dặn dò.

Vừa bước vào nhà, Quỳnh giục lão Khoa bày tiệc rượu ra bàn ăn ngay lập tức, hỏi và nhập mật khẩu wifi nhà lão, thầm thì vào tai lão mấy câu, bấm điện thoại hình gọi cho vợ:

- Anh đến thăm nhà mới anh Khoa ở chung cư. Em còn nhớ anh Khoa đồng hương xã nhà ta không. Anh Khoa về hưu hai năm nay rồi. Em nói chuyện với anh ấy xem còn nhận ra không nhé.

Lão Khoa được dặn dò qua nên nhập vai rất nhanh:

- Chào cô Huyền. Cô còn nhận ra anh không? Cô vẫn trẻ đẹp như ngày xưa. Anh vừa bán căn nhà tập thể cũ mua căn hộ chung cư. Anh em đồng hương gần năm nay mới gặp nhau, cô cho phép chú ở nhà anh đêm nay hàn huyên nhé.

- Dạ… Nhà em đến chơi với anh là em yên tâm rồi. Hai anh em uống vừa thôi nhé, đừng để say.

- Em yên tâm. Chúc em ngủ ngon.

Bỏ điện thoại xuống mặt bàn, lão đưa cốc rượu đã rót sẵn cho Quỳnh và cầm cốc của mình:

- Anh em ta nâng ly chúc sức khỏe nào.

Quỳnh vui vẻ uống hết cốc thứ nhất. Lão Khoa định rót tiếp cốc thứ hai thì Quỳnh xua tay:

- Em vừa uống với cậu trợ lý lúc tối. Em gặp anh là muốn nhờ anh giúp một việc, chỉ duy nhất anh mới giải quyết êm thấm được.

Thấy Quỳnh ngại ngùng, lão Khoa phân trần:

- Chú biết tính anh rồi. Giúp nhau là giúp đến cùng.

Ngập ngừng hồi lâu, Quỳnh kể cho lão Khoa nghe câu chuyện khó nói của mình. Giọng Quỳnh tỏ ra trách móc bản thân.

- Căn hộ không mang tên cô ta là may rồi. Chú vô tình cho cô ta vân tay chủ nên dễ dàng thay đổi password, ngăn không cho người quen vào căn hộ. Nhưng chìa khóa chủ ai cầm mới là điều quan trọng. Anh được biết một chìa Ban quản lý khu căn hộ giữ để đề phòng lúc căn hộ gặp sự cố cần mở ra để xử lý. Một chìa giao cho chủ căn hộ để làm chìa khóa chủ thay đổi mật khẩu, mở cửa phòng khi mất mật khẩu hoặc ổ khóa hết pin.

- Không. Chìa khóa, hợp đồng mua bán căn hộ, sổ đỏ em cất tủ ở cơ quan. Mai em cho cậu trợ lý mang đến cho anh.

Lão Khoa xua tay:

- Để đảm bảo an toàn, chú giao chìa khóa cho cháu Lan mang đến đây. Chú nhờ cậu trợ lý dụ cô ta ra khỏi nhà và điện thoại báo cho anh. Xử lý đặt lại mật khẩu xong, anh sẽ nhắn tin cho chú mật khẩu mới. Khi về không vào nhà được thế nào cô ta chẳng phải liên hệ với chú, lúc đó chú được toàn quyền quyết định. Ở đây mấy người đã nhờ anh xử lý như vậy và đều thành công mỹ mãn.

- Thế à anh. Nào nâng cốc cùng chúc mừng nhà mới, chúc mừng cháu Lan lên chức Phó trưởng Ban tài chính. Chúc mừng anh Khóa… người thợ khóa điện tử tài năng thời 4.0.

Thấy Quỳnh ồn ào, vui vẻ hẳn lên lão Khoa cũng mừng theo. Quỳnh vừa nhắc tới Khóa, tên cúng cơm của lão. Quỳnh cùng quê nên vẫn nhớ giai thoại tên khai sinh ra lão. Khóa là nơi cất giữ tiền bạc, của cải, bí mật riêng tư. Theo thời đại chiếc khóa cũng đi từ thô sơ đến hiện đại. Lão tự chất vấn mình: Ta là Khoa hay Khóa đây? Nếu tên Khoa nghĩa là phát sáng học hàm, học vị thì ngoài bằng tốt nghiệp đại học lão chẳng có bằng cấp gì sất. Lão chỉ giỏi học hộ, thi hộ. Cái tên Khóa có lẽ hợp với tử vi cuộc đời của lão hơn. Ta là loại khóa nào đây: khóa cơ, khóa số, khóa điện tử? Khóa nào chẳng là khóa.

Lão ghét cay ghét đắng lão đồng nghiệp có máu thi sĩ. Nhưng tự dưng hôm nay lão lại nhớ hắn, nhớ mấy câu thơ hắn viết về lão: “Đừng gọi anh là Khoa/ Hãy gọi anh là Khóa/ Im lặng là khóa vàng/ Giữ lâu đài hạnh phúc”. Hắn ba hoa ghép vần thế thôi chứ hắn biết gì về cuộc đời mà phán xét. Ngày xưa đình chùa có mấy khi cửa đóng, then cài, bây giờ cũng phải khóa ngoài, khóa trong. Khóa là công cụ, là người gác cổng giữ bình yên hạnh phúc cho mỗi ngôi nhà. Ta làm chiếc khóa còn tử tế hơn kẻ làm đạo chích.

Truyện ngắn của Nguyễn Thanh Vân
.
.