Huyền thoại thành cổ

Chủ Nhật, 25/08/2024, 14:10

Băng qua cầu phao Hạnh Phúc, đến địa phận Thọ Xuân, Thanh Hóa thấy có hai cô gái đang xắn quần cắt cỏ dưới đồng, mấy anh đi trước ném đá ghẹo, hai cô ngẩng lên cười tươi rói, còn đưa tay lên vẫy chào. Được thể, anh em trong đội đi sau vội buông lời chào hỏi, hai cô đứng lên cười rúc rích, rồi chúc cả đoàn lên đường mạnh khỏe, hết chiến tranh về với chúng em.

Không khí lúc nào cũng sực mùi thuốc pháo, bụi, tiếng nổ, tiếng súng, còn đến lúc tĩnh lặng thì tuyệt nhiên không nghe thấy một âm thanh của sự sống dù là nhỏ nhoi nhất vang lên. Xung quanh cứ thấy nhờ nhờ, vẩn đục bụi khói súng. Mà thật ra, từ hôm cắm chốt ở đây, tôi gần như chết gí với khẩu đội pháo của mình, suốt ngày túc trực, chính tôi cũng không hiểu nổi điều gì dai dẳng đang diễn ra. Đêm đến, nhắm mắt chỉ để dịu lại sự căng thẳng vì không phải quan sát máy bay quần đảo, nhưng tai và ngực cứ căng lên, cánh mũi cứ phập phồng khó chịu, lồng ngực cũng nhấp nhô căng thẳng nghe ngóng đợt dội tiếp theo của địch.

Học xong lớp 7, tôi theo chúng bạn đi khám tuyển nghĩa vụ nhưng ba lần khám đều bị trượt. Mọi người có vẻ như đã yên tâm từ rày tôi sẽ ở nhà hoặc cùng lắm là sẽ đi thanh niên xung phong bởi tôi không đủ sức khỏe ra mặt trận. Mãi đến tháng 5 năm 1971 tôi mới được nhập ngũ. Những ngày hành quân dài mới biết sức chịu đựng của những gã trai còi cọc như tôi lại hơn hẳn những thằng to con như Đô, Vân cùng làng. Mặc dù bắt kịp tiến độ hành quân nhưng chân chúng tôi vẫn sưng lên, phồng rộp. Anh Liên, người tiểu đội trưởng vẫn nhiệt tình giúp đỡ và kể chuyện cười tếu táo để những cuộc hành quân trở nên vui vẻ hơn.

Băng qua cầu phao Hạnh Phúc, đến địa phận Thọ Xuân, Thanh Hóa thấy có hai cô gái đang xắn quần cắt cỏ dưới đồng, mấy anh đi trước ném đá ghẹo, hai cô ngẩng lên cười tươi rói, còn đưa tay lên vẫy chào. Được thể, anh em trong đội đi sau vội buông lời chào hỏi, hai cô đứng lên cười rúc rích, rồi chúc cả đoàn lên đường mạnh khỏe, hết chiến tranh về với chúng em. Những lời chúc chẳng có gì mới, vì ngày ra trận đứa trai nào cũng phải nghe mòn cả tai, từ chiếc đài rột rẹt, tới các buổi sinh hoạt chi đoàn và gần nhất là khi tập trung ở nhà văn hóa xã để lên đường.

Tôi theo đám bạn nhao nhao ghẹo hai cô. Cả đám ồn ào hỏi hai cô có tiếc giùm đời trai khi chưa kịp được hôn ai mà đã phải đi B, để nhờ các cô giúp. Đúng là lính trẻ, gặp được các cô gái thì hành quân đang mệt mấy cũng hết. Đã thế, tưởng chỉ ghẹo cho vui, ai ngờ hai cô quay mặt thẹn thùng đấm lưng nhau thùm thụp. Anh Liên và thằng Đại đang ở phía sau bỗng tách đoàn chạy ào xuống. Hai cô cười ré lên chứ không chạy, lại còn chìa má ra cho hai chú bộ đội bạo gan hôn giữa tiếng hò reo của đám lính trẻ. Dường như, bao mệt mỏi của một ngày hành quân nhờ hai cô gái mà tan biến. Những cánh tay lại đồng loạt giơ lên chào tạm biệt, rồi đội hình lại rùng rùng tiến bước.

*

Sau giải phóng Quảng Trị tháng 5 năm 1972, đơn vị tôi đang đóng quân ở điểm cao 367 thì được lệnh hành quân về thôn Phượng Ngàn, xã Triệu Long để chống địch lấn chiếm. Cuối tháng 6, chúng tôi lại nhận lệnh hành quân vào thành cổ Quảng Trị. Màn đêm buông xuống, chúng tôi bơi qua sông để vào thành. Mùa mưa nên sông rộng và nước xiết. Tôi bình lặng sải bước bên anh Liên, mặc đạn pháo vẫn hú họa bắn khắp nơi.

dc7b6386bb051f5b461410.jpg -0
Minh họa: Bùi Quang Đức

Vừa vào bờ, tập hợp đội hình xong, trung đội tôi chia đôi, khẩu đội 1 theo Trung đội trưởng Thành ra phía Nam nhà thờ Tri Bưu có nhiệm vụ phối hợp với đơn vị bộ binh phía trước để chiến đấu. Anh Liên ở trung đoàn bộ binh, hành quân lên phía trước, theo khẩu đội 1. Tôi nắm khẩu mười hai ly bảy còn lại làm nhiệm vụ bảo vệ trung đoàn bộ và trạm phẫu tiền phương đóng ở hầm ngầm dinh tỉnh trưởng cách trung đội chỉ 1,5 km phía Tây Bắc của nhà thờ Tri Bưu.

Khẩu đội tôi gồm sáu người, nơi đóng quân khá bằng phẳng, không có cây cối hay bụi cỏ nào che đỡ. Cả một vùng rộng lớn bị cày lên bởi bom đạn, nhìn cô quạnh và lộ liễu vô cùng. Kiểu này đào hầm mà không kịp, khi trời sáng máy bay đến, chỉ có nước chết cả lũ. Tôi vội phân công Khi, Long, Toàn đi vào làng kiếm vật liệu từ các ngôi nhà đổ nát về để làm hầm. Tôi, Viên và Nhớ ở lại đào hầm. Chúng tôi khẩn trương bắt tay vào đào hầm chữ A để sinh hoạt và hầm pháo để chiến đấu, không thể đào sâu được vì trận địa được bố trí dưới ruộng để khi chiến đấu không bị vướng gác tầm và cũng bởi nếu đào sâu thì hầm sẽ ngập nước. Căn hầm thành hình chỉ có mét ba, chúng tôi đành chịu khó sinh hoạt với tư thế khom người.

Tôi âm thầm thuộc tính từng đứa để dễ bề phân công nhiệm vụ. Thằng Toàn nhát nhất, tôi giao nhiệm vụ tiếp đạn. Khi, Long, Viên, Nhớ làm nhiệm vụ bảo vệ và hỗ trợ. Một hôm, được lệnh hành quân chi viện cho Trung đội 1 thì Toàn đau bụng nằm nhà. Tôi dẫn các anh em còn lại hành quân tăng cường. Cái tin đầu tiên khi tác chiến khiến chúng tôi choáng váng: anh Liên đã đào ngũ.

Cả tiểu đội im lặng, chỉ nhìn nhau bằng ánh mắt, cái ánh mắt vừa ngơ ngác, vừa sợ sệt, vừa bàng hoàng. Về đến hầm, Toàn vẫn chưa nấu cơm, lấy lí do sợ có khói và rồi nghĩ các anh em ăn cơm bên kia nên không nấu. Tôi bỗng bực mình, tức lên ngùn ngụt vì nghĩ tới anh Liên và cũng bởi cái thái độ nhơn nhơn thách thức của Toàn. “Lấy dây”, tôi ra lệnh cho Nhớ cụt ngủn, “trói thằng Toàn lại quẳng lên nắp hầm”. Toàn xanh mặt, giãy nảy, nhưng chạm vào ánh mắt quyết liệt của tôi vội cụp lại, chả cần vứt lên, chỉ cần nghe tiếng phi pháo, với lập lòe pháo sáng là Toàn đã xanh mặt xin lỗi.

Cũng từ đó tôi nghiêm khắc dần, bởi nghiêm khắc và kỉ cương là việc làm luôn cần thiết nơi cái chết ngày nào cũng có thể xảy ra với bất kì ai. Chưa đầy một tháng, chỉ còn lại tôi và Toàn là lính cũ, lính mới bổ sung liên tục, anh em thương vong rất nhiều, quân số đơn vị lúc này thay đổi liên tục vì phi pháo, có đồng chí mới nhận đơn vị buổi tối, anh em chưa kịp nhớ mặt và gọi tên thì sáng ra đã hy sinh.

Bầu trời lúc nào cũng mờ mịt khói đạn, thuốc nổ. Tôi nhớ làm sao cái khoảng trời xanh trong của những ngày ở nhà. Cũng vẫn còn chiến tranh, vẫn phải trốn máy bay dưới hầm nhưng khoảng trời cũng có lúc bình lặng mênh mông, vang tiếng hát, tiếng hò của thanh niên xung kích, cái bầu trời mà ai cũng gọi là hòa bình đó dường như không hiện hữu ở đây, biết bao giờ mới hiện hữu ở đây?

*

Khẩu súng cao xạ tôi nắm giữ gần hai tháng trời đến chai cả vai, đến mòn tay máy, thuộc đến từng tiếng động, từng con ốc, chỗ nối, đến từng cử chỉ để thao tác nhanh gọn, vậy mà ngắm bắn chỉ có thể vuốt đuôi mấy cái máy bay chứ không thể bắn hạ tại chỗ được cái nào. Trong khi đó, thành cổ dường như bị phong tỏa bởi tiếng máy bay gầm rú, nó bay một ngày đến hàng trăm lượt. Thăm dò có, ném bom có, đạn pháo có hoặc có khi chỉ bay vu vơ như vô tình, có cái táo tợn bổ nhào xuống, vậy mà tôi vẫn không thể canh để bắn rơi tại chỗ được. Tin tức chiến trường ngày càng nóng bỏng, địch muốn tháo tung các chốt bên này của ta, hất ngược về bên kia sông Thạch Hãn.

Chưa được huấn luyện trực chiến thật, những ngày đầu chiến đấu tôi cứ lúng túng vì không biết cách xác định tốc độ cũng như cự ly máy bay địch là bao nhiêu để ngắm bắn cho chính xác. Cứ ước lượng mãi mà không xong, đường đạn cứ mất tăm ở đâu, không làm nổ tung được cái máy bay địch, đã thế địch còn tăng cường loại máy bay bổ nhào AD6 suốt ngày nã đạn hai mươi ly rát ràn rạt vào khẩu đội chúng tôi. Tôi thử nhiều cách, ngắm nhiều lần nhưng vẫn không được.

Một hôm, đang ngắm bắn, nhìn đường đạn tôi giật mình nhớ ra là mình có hai loại đạn, một là đạn vạch đường, hai là đạn xuyên cháy. Đạn mà nhìn thấy được đường bay là đạn vạch đường, còn đạn xuyên cháy thì không kịp nhìn đường đạn, tôi thử lắp cứ một viên vạch đường và một viên xuyên cháy vào băng đạn, viên vạch đường bắn trước để nhìn đường đạn và điều chỉnh góc bắn, phát tiếp theo nhờ dấu khói của đạn vạch đường vừa bắn, nã thêm phát xuyên cháy là chắc chắn sẽ trúng đích. Phấn khởi với phát hiện mới, tôi gọi anh em lại và nhắc anh em là lắp băng đạn cứ một viên vạch đường là một viên xuyên cháy xen kẽ với nhau để tôi thử.

Ngay hôm đó, chiếc máy bay AD6 trờ tới, vẫn ngổ ngáo ầm ào như mọi khi. Tôi ép sát mình, mắt ngắm không rời nó, tay và vai tì gọn cứ rà sát khẩu pháo theo hướng bay quần đảo ngược ngạo. Nín thở. Loạt đạn đầu tiên tung vào không trung, cái đuôi khói của đạn vạch đường đánh dấu tầm đạn lệch trái, nhắm mắt đồ chừng tốc độ của máy bay với tầm đạn pháo của mình. Tôi rùng mình, xốc lại khẩu pháo, nín thở rà lên đón đầu, áng chừng nơi tiếp nhiên liệu.

Bắn. Vai tôi giật mạnh. Khẩu pháo vẫn nhả từng loạt một. Vẫn nín thở, tôi và cả đội hồi hộp theo dõi con chim sắt, không có vệt khói nào để xác định là đường đạn tiếp theo này có trúng đích hay không. Nhưng kìa, cái nảy mình khe khẽ của con chim sắt. Bất ngờ, sát bên tai tôi, tiếng thằng Tiến rú lên: “Trúng rồi, anh em, trúng đạn rồi, nó đảo cánh rồi kìa, trúng rồi, nó cháy bên cánh rồi kìa”. Cả trung đội vỡ òa.

Tôi thở hắt ra, vung tay đấm dứ vào không khí, nhủ thầm có thế chứ, cuối cùng cũng trúng, mắt vẫn nhìn theo, khói bắt đầu bốc trên thân máy bay, xám nhạt, rồi bùng cháy. Máy bay lao nhanh về phía biển, thoát khỏi tầm pháo, hai chiếc dù đỏ bung ra, thằng Toàn gào muốn vỡ lồng ngực, theo tay lia pháo của tôi: “Không kịp rồi, nó nhảy dù ra biển mất rồi, không bắt được thằng giặc lái rồi”.

Chưa kịp la thêm, một máy bay AD6 lại bổ nhào tới, đất đá bắn lên rào rào. Thằng Ba lại gào tướng: “Mẹ, đứa nào ném đá vào mặt tao, đau quá”. Tôi vừa xoay kịp khẩu mười hai ly bảy về chiếc máy bay đang nhào tới, mặt Ba be bét máu. Tôi gào lên: “Thay người”. Thằng Tiến cúi xuống, tôi rẹt theo loạt đạn. Văn nhảy lên kéo Ba vào trong hầm. Toàn lập tức lao ra lắp đạn.

Tôi quẹt ngang khẩu pháo, nã tiếp, chiếc thứ hai hút chết, quay ngược lại lần nữa. Mím môi, ghì chặt khẩu pháo vào vai, mắt không rời khỏi bụng chiếc máy bay, loạt đầu tiên sượt vào cánh, tôi rà lại lần nữa, vẫn hụt. Giật mạnh khẩu pháo, tôi nghiến bạnh quai hàm, mồ hôi nhỏ giọt xuống mặt, bàn tay lại lạnh toát. Bắn. Tôi nín thở. Những ngón tay cứng đờ lại. Chiếc máy bay hộc lên.

Thằng Tiến lại gào lên: “Trúng rồi, cháy rồi, cháy rồi, anh em ơi!”. Tôi duỗi thẳng người, cố lia thêm loạt đạn nữa như để ăn mừng chiến công đầu tiên của đội. Thấy rơi hai máy bay đợt tấn công của địch dãn ra rồi dừng lại. Mặc dù không bắn máy bay rơi tại chỗ và bắt sống được giặc lái do gió mạnh thổi tốc cả xác máy bay và dù lái trôi ra biển, tôi và cả đội vẫn âm ỉ mừng, chiến công khiến chúng tôi thỏa mãn đến nỗi quên cả mệt nhọc.

*

Anh, em mơ thấy em bị trúng bom. Thằng Toàn ngọ ngoạy nói. Còn thảm hơn mấy đứa trước, em thấy tay em văng lên chỗ thằng Khi, chân em văng lên miệng hầm, còn đầu thì văng ra chỗ hòm đạn, nát bét. Em sợ lắm, mà thằng Khi thì chết rồi, thế mà nó còn cười, cầm tay, cầm chân lắp lại cho em nữa. Căn hầm lập lòe pháo sáng, bom đạn đã ngừng từ lúc đêm. Chắc chỉ còn hai đứa nên Toàn mới mạnh dạn than thở.

Vớ vẩn, tôi vội mắng át đi, người ta nói mơ là ngược lại đấy, mày sẽ sống nhăn răng đến ngày về, chả sứt mảy da. Có thật không anh, thằng Toàn chồm dậy, ngồi hẳn lên, hai mắt nó lấp lánh trong đêm, dường như có cả những giọt nước, nó khào khào tiếp lời, em cũng nghĩ vậy, em với anh như có lũ nó bảo vệ. Toàn nghẹn lại một chút, giọng hơi sệt, trầm xuống, giờ chỉ còn em với anh là lính cũ, mới có ba mươi ngày thôi mà em thấy lâu lắm rồi. Em thèm được tắm, hôm bơi qua sông để sang đây nước mát lắm, em đã tắm được một tí, giờ thèm tắm quá, anh.

Thò đầu ra là chết mà tắm cái nỗi gì. Tôi trở người, ngửa mình nhìn lên nóc hầm. Tối u. Nhìn qua vẫn thấy mắt thằng Toàn ánh lên như mắt mèo, tôi hơi gợn. Tao cũng thèm được tắm, nay mai mà hòa bình, về tắm sông thỏa thích. Sông quê tao các bà, các cô ra tắm gội nên thơm lắm.

Bất giác, tôi nói lại lời anh Liên, không biết bây giờ anh thế nào. Có về được quê không hay cũng chả có lối về. Chẳng biết từ bao giờ, tôi cũng nói từ hòa bình trơn tru đến thế để dỗ người. Im ắng. Tưởng Toàn đã ngủ, tôi lại xoay mình nhìn ra ngoài. May vẫn còn tí pháo sáng làm bạn giữa mịt mùng đêm tối, nếu không, cái thần kinh căng thẳng của những ngày dài chiến đấu sẽ đứt mất.

Khi chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, tôi lại nghe tiếng thì thào. Em sợ, anh ạ. Tiếng Toàn chùng xuống, em sợ như tụi thằng Khi, thằng Long lắm. Có mấy lần em muốn bỏ trốn, em muốn về với mẹ, với cái Quyên người yêu em. Nhưng, em sợ về rồi thì người ta bảo đào ngũ thì nhục với cả làng, cũng chả sống được, mà ở đây, cứ đạn pháo suốt thế này, nếu may mà bị thương như thằng Nhớ để về nó còn vinh quang, chứ không thì...

Tôi nhổm dậy, cơn buồn ngủ nặng nề biến mất, to tiếng mắng át nó. Mày cứ vớ vẩn, mạng tao với mày to lắm, chả chết được đâu. Ra quân, nhớ dẫn tao về quê, tao làm chủ hôn cho mày. Thằng Toàn cười khe khẽ, mắt nó dịu cái đốm sáng lại, dựa lưng vào thành hầm, tuột lại xuống chỗ nằm. Nó túm tay tôi lầm rầm, anh nhớ đấy, anh mà về là em giới thiệu anh cho em gái em, nó hiền và đẹp lắm. Nó chưa yêu ai cả, chỉ thích các anh bộ đội thôi. Ngủ đi. Tôi day mặt vào trong. Yên ắng quá làm tôi khó chịu, cố nhắm mắt dỗ giấc ngủ, chưa gì tôi đã nghe tiếng ngáy ro ro đều đều của Toàn. Cái thằng đến lạ, vừa cứng đầu ương bướng, lại vừa chết nhát, nhưng càng chiến đấu, lại càng bình tĩnh và hết mình, may mà còn có nó để chiến đấu nhịp nhàng với tôi.

Vậy mà hôm sau Toàn bị thương thật, nhưng không đến nỗi như giấc mơ của nó. Đợt tiến công quá ác liệt, tôi không thể rời vị trí, chỉ kịp lệnh cho người băng bó và cáng Toàn đưa về tuyến sau, hai mắt chạm nhau chốc lát, đôi mắt Toàn sáng lên, cố thì thào khe khẽ: “Anh ơi! Được hai tháng rồi, em sống rồi, em sẽ về quê. Anh nhớ về làm chủ hôn cho em nhá!”. Đang lo lắng, tôi cũng phải phì cười. Nhớ rồi. Tao sẽ về. Nhớ đấy, không là em không cưới đâu. Thằng Toàn rên lên, tôi vội quay lại đội hình, không kịp trả lời nó. Bắn. Tiếng tôi lại vang vang một mình. Vậy là chỉ còn mình tôi là người cũ.

Không biết điều gì có thể đưa tôi bình yên ra khỏi tám mốt ngày đêm khói lửa ấy. Đó là số ngày tôi không đếm được, bởi mọi thứ cứ trôi qua, trôi qua dồn dập. Mở mắt ra là bám vào súng, vào pháo, vào đạn. Mở mắt ra là dán mắt lên bầu trời để canh máy bay địch, đến khi nào tối mịt không nhìn thấy thì lại vào hầm ngủ. Thời gian và không gian không có thực. Chỉ có đạn pháo, chỉ có thương vong là thực. Và, chỉ có tôi, vẹn nguyên chứng thực những ngày tháng ấy không phải cổ tích, mà những ngày tháng ấy phải là huyền thoại. Phải, chỉ có huyền thoại mới có thể gọi tên được những con người đã đứng đấy chiến đấu, đã ngã xuống, đã cống hiến biết bao xương máu cho những ngày tháng ác liệt ấy.

Truyện ngắn của Lê Thị Kim Sơn
.
.