Hồi ức đêm giao thừa

Thứ Năm, 02/02/2023, 07:00

Trời rét ngọt trong hơi lạnh quẩn thêm mùi nếp mới, mùi đỗ xanh, hạt tiêu hăng hăng, mùi thơm ngậy của thịt ba chỉ, mùi lá dong lạt giang còn tươi mới cùng tiếng cười rổn rảng của đám trẻ đang nô đùa náo nức ngoài sân. Tết đủ đầy đầm ấm nhưng hình như vẫn còn thiếu vắng điều gì trong nét mặt ngẩn ngơ của mẹ.

Tết năm nay thiếu ngày, 29 vắt làm 30. Cây đào bố trồng năm nào bé tẹo giờ đã vươn cao hơn đầu người đến nửa mét. Những cánh đào phai phơn phớt hồng không còn e ấp nữa mà đã tung tẩy xòe cánh khoe sắc.

Trời rét ngọt trong hơi lạnh quẩn thêm mùi nếp mới, mùi đỗ xanh, hạt tiêu hăng hăng, mùi thơm ngậy của thịt ba chỉ, mùi lá dong lạt giang còn tươi mới cùng tiếng cười rổn rảng của đám trẻ đang nô đùa náo nức ngoài sân. Tết đủ đầy đầm ấm nhưng hình như vẫn còn thiếu vắng điều gì trong nét mặt ngẩn ngơ của mẹ.

Chiều 29 con cháu xa gần đã tề tựu đông đủ. Con dâu của mẹ làm mâm cơm cúng Tất niên. Sau một tuần nhang mâm cỗ hạ từ ban thờ xuống. Trước khi bữa cơm Tất niên bắt đầu, mẹ trịnh trọng so đôi đũa đặt lên chiếc bát xếp ngay ngắn trong mâm. Chắp hai tay trước ngực mẹ nói:

- Cả nhà mời ông về ăn bữa cơm Tất niên năm Nhâm Mùi. Ngày tháng nhanh quá ông ơi. Ông đi đã 3 năm 2 tháng 6 ngày rồi đấy. Tết năm ông mất, ông còn kịp ăn với mẹ con tôi cái Tết năm ấy...

Giọng mẹ trầm hẳn: Cả nhà ai cũng nhớ ông... ông biết không? Tôi thương, tôi nhớ ông từng ngày.

Chiều cuối năm chùng xuống, nghe như có tiếng gió se sắt ngoài vườn.

*

Các cụ bảo “cái duyên trời se...” câu nói này quá đúng với bố và mẹ.

Mẹ gặp bố tại Mường É trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Giữa những ngày bom đạn khốc liệt nhất, sự sống và cái chết mong manh trong từng hơi thở.

Hồi ức đêm giao thừa -0
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Buổi tối hôm ấy sương mù dày đặc, một màu trắng đục bảng lảng phủ kín núi rừng. Trời rét buốt, cái rét đặc trưng của mùa đông Tây Bắc. Bố được Trưởng Ban vận tải tiền phương cử đi hộ tống thương bệnh binh, từ mặt trận Điện Biên Phủ gửi về. Trên tuyến đường bố đi bố được Đoàn dân công hỏa tuyến tiếp đón, chị Tuấn, Trưởng đoàn có thân hình thon thả nước da xanh mái dẫn bố vào các lán dân công rồi nói to:

- Có anh chị em nào bị bệnh gì báo cáo để sơ khám và xin thuốc.

Một số người từ các lán lần lượt đến, sau khi sơ khám và phát thuốc xong, bố còn nấn ná ngồi chơi với đoàn một lúc lâu. Bỗng nhiên có một anh dân công tên Kha hỏi bố:

- Anh đã có vợ chưa? Để tôi làm mối cho.

Bố khẽ cười lắc đầu. Sau cái gật đầu của bố anh Kha đi như chạy ra khỏi lán. Chỉ vài phút sau anh Kha quay lại đi cùng anh là một cô dân công rất trẻ. Anh Kha miệng cười cười rồi chỉ tay vào cô gái nói:

- Đây tôi làm mối cho anh cô này, năm nay 17 tuổi, chưa đủ tuổi đi dân công hỏa tuyến mà cứ nhất quyết nằng nặc đòi đi. Bố nhìn cô thiếu nữ trẻ (người mà sau này là mẹ) thấy mẹ cúi đầu dáng vẻ thẹn thùng, hai gò má đỏ ửng như trái đào chín dưới nắng. Bố nhìn mẹ thầm nghĩ: người đâu mà đẹp lạ lùng.

Tim trong lồng ngực bố đập gấp. Bố yêu mẹ ngay giây phút định mệnh ấy.

Sau khoảnh khắc gặp nhau ngắn ngủi ấy bố sang khu lán của đoàn dân công tỉnh khác. Trời đã bắt đầu tối. Đêm mùa đông lạnh cóng và đen kịt. Bố đang đi bỗng nhiên có tiếng kẻng báo động gay gắt từng hồi. Một tràng đạn liên thanh nổ chát chúa xé toang màn đêm tĩnh lặng. Trên trời chiếc máy bay Privalteur đen sì lao vút xuyên đêm tối lạnh. Bố vội vàng nằm lăn ra bãi cỏ, nằm úp mặt xuống đất. Đạn nổ làm tóe lửa mặt đường. Sau phút sáng lóe chết chóc ấy trở lại là một khoảng không đen ngòm của đêm ngột ngạt đến nghẹt thở.

Cái chết tưởng chừng đến với bố trong gang tấc nhưng lúc ấy trong đầu bố vẫn còn tưởng đến một giấc mơ nồng. Gương mặt non thơ hai má hồng như trái đào chín của cô dân công mới tròn 17 tuổi đã chiếm trọn tâm trí bố.

Bố chợt nghĩ:

“Ngày mai nàng đi vào mặt trận rồi làm sao có thể gặp lại nàng, ảo tưởng, ảo tưởng phải không? Ta với nàng còn chưa một lời trao gửi nếu loạt đạn lúc ấy bắn vào ta thì vĩnh viễn lờita muốn nói với nàng sẽ chỉ là trong suy nghĩ”.

Nhưng đúng là duyên phận đã trói sợi tơ hồng ngay lần đầu gặp gỡ của mẹ và bố.

Ngay hôm sau, bố lại gặp mẹ tình cờ ở bìa rừng trên đường mẹ ra mặt trận chiến dịch.

Không còn kịp nghĩ thêm điều gì, bố chạy ào tới nắm chặt hai bàn tay mẹ mà nói trong hơi thở gấp gáp.

- Đồng ý làm vợ anh nhé!

Mẹ vẫn vừa đi nét mặt e ấp ngại ngùng rụt rè đáp lại:

- Phải hỏi thầy, bầm em.

Bố đi vượt lên sóng đôi với mẹ nắm lại tay của mẹ rồi trao mẹ ánh nhìn đầy khao khát hứa hẹn. Bố xin địa chỉ của mẹ rồi hẹn ước rằng:

- Hết chiến dịch anh sẽ về quê tìm em xin thầy, bầm cho chúng mình nên duyên chồng vợ.

Chỉ một lời hẹn ước vu vơ thế thôi mà mẹ chờ bố đằng đẵng sau 3 năm kể từ khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc. Phải đến tận mùa xuân năm thứ tư bố mới lần tìm được về quê mẹ. Vậy là hai người đã nên duyên trăm năm như thế.

*

Thời gian của đôi lứa yêu nhau, thương nhau qua nhanh như mây bay gió cuốn. Giờ bố đã 80 xuân đời còn mẹ 76. Cả hai ông bà dù con cháu đầy nhà nhưng tình cảm dường như chưa bao giờ phôi pha. Hễ nói gì hỏi gì, bố bao giờ cũng rất âu yếm:

- Mình ơi... Em ơi...

Còn mẹ thì:

- Dạ... Vâng anh...

Có đận đứa cháu đích tôn đùa rằng:

- Ông bà già rồi sao cứ gọi nhau là anh em, cháu tưởng phải là ông bà chứ?

Nghe nó hỏi thế bố đáp lời ngay:

- Sao lại không anh em? Ngày xưa ông bà gặp nhau xưng hô thế nào giờ phải mãi thế chứ! Ông bà gặp nhau trong mưa bom đạn lửa tàn khốc chỉ cần một viên đạn lạc đã vĩnh viễn mất nhau. Ông cũng đã có hai lần bị thương tưởng bỏ xác ở trong chiến dịch. Ông yêu bà ngay lần đầu gặp mặt, cả đời ông nâng niu yêu thương bà còn chưa đủ đấy.

Cả một đời làm vợ bố, mẹ chưa bao giờ phải ấm ức điều gì. Dạo mẹ sinh anh cả bố không nề hà thức đêm chăm con thay mẹ, giặt tã lót đồ vệ sinh riêng của mẹ. Bố chăm mẹ từ miếng cơm ngụm nước. Bố và mẹ có với nhau tận năm người con, bao nhiêu gian khổ của thời bao cấp đói rách “vĩ đại” cả hai đều nắm tay nhau đi qua những gian khó của đời người. Người ta bảo đến bát đũa còn có khi xô chứ nói chi đến đời sống vợ chồng, nhưng với bố mẹ thì điều đó chưa bao giờ xảy ra.

Thỉnh thoảng bố nói vui:

- Bố chưa bao giờ búng mẹ các con một cái.

Khi bố mẹ có tuổi một chút để đảm bảo tròn giấc cho cả hai, bố mẹ ngủ riêng. Bố yêu cầu các con kê hai cái giường song đôi trong phòng ngủ. Cứ đến bốn giờ chiều, bố đã mắc màn rồi giắt màn cẩn thận cho mẹ. Sau bữa cơm tối, cả hai cùng xem chương trình thời sự cùng đàm đạo thời cuộc. Có lúc cao hứng bố hát bài hát của nhạc sĩ Tử Phát để nhớ lại thời hai người còn tham gia chiến dịch cho mẹ nghe:

Dừng chân trong mưa bay

Liếp nhà ai ánh lửa

Im lặng đứng trước nhau

Em, em nhìn về đâu…

Hay bài "Thu trên sông" của nhạc sĩ Việt Lang nổi tiếng thời bấy giờ.

Ánh trăng ngà ngập hồn chinh biến

Gió sớm quê gửi lời đưa duyên

Rung mái chèo khuất dòngtâm tư

Lá rơi rơi về bến đâu xưa

Năm anh chị em trưởng thành lấy vợ gả chồng con cháu đầy nhà, cuộc sống luôn biến đổi từng ngày từ trong gia đình đến ra ngoài xã hội, ấy vậy mà bố với mẹ vẫn bền bỉ son sắt vui buồn luôn có nhau. Tình yêu của bố, mẹ giản dị nhưng sâu sắc hiếm có.

*

Ngày mồng 6 Tết năm 20xx, trời chuyển tiết xuân, mưa phùn bay lất phất không khí ẩm ướt khiến đất trời rét tê tái hơn.

Bệnh bố chuyển nặng.

Giờ phút biệt ly đôi mắt bố như sáng lên cứ nhìn mẹ đăm đắm. Đột nhiên dồn hết sinh lực bố kéo mặt mẹ sát vào, rồi mấp máy môi thì thào trong hơi thở đứt quãng. Bố nói một câu gì đó, mẹ gật gật đầu rồi khóc nấc lên từng hồi không dứt.

Bố trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của mẹ và các con trai con gái cháu chắt đông đủ. Cây đào bố trồng năm ấy cũng đột nhiên trở chứng không ra hoa chỉ có lá xanh ngăn ngắt phủ dầy.

Mẹ mất bố như người lạc hồn vía mãi tận đâu, nhìn mắt mẹ ai cũng hiểu được nỗi đau chia xa bố chẳng có gì bù đắp nổi.

Trong nhà có một cô giúp việc bầu bạn nhổ tóc sâu cho mẹ. Trong nhà luôn đầy ắp tiếng cười, tiếng chí chóe của mấy đứa cháu đang ở độ tuổi hiếu động nhất. Trong nhà có mấy cái tivi, mẹ muốn xem chương trình nào cũng có. Thỉnh thoảng vợ chồng con trai mẹ tổ chức ăn uống để anh em con cháu gặp nhau cho mẹ vui.Trong nhà chỉ thiếu có mình bố với mẹ như thiếu vắng đi tất cả. Bởi bố là vũ trụ của mẹ.

Cả một thời gian dài mẹ ngồi tựa cửa nhìn ra ngoài đôi mắt buồn thẳm trống vắng xa xôi.

Có những buổi chiều, mẹ ngồi nhìn bóng nắng từ khi ánh nắng còn chói chang cho đến khi tia nắng chỉ còn vài vệt nhảy nhót yếu ớt ngoài sân vườn. Mẹ lại nhớ bố, nhớ những ngày hạnh phúc ấm êm đã qua giờ còn mình mẹ đơn lẻ.

Một hôm vui, mẹ tiết lộ điều bí mật hôm bố mất nói thì thầm vào tai mẹ:

- Kiếp sau mình vẫn là vợ anh nhé!

Thảo nào mẹ gật đầu nhiều thế.

Mẹ nhắc lại lời bố dặn dò đôi mắt cứ long lanh rớm lệ.

Ôi! Tình yêu của bố và mẹ.

*

Giờ khắc chuyển giao giữa năm cũ năm mới đã đến. Thành phố tổ chức bắn pháo hoa.

Mẹ đứng ở ban công ngước nhìn lên cả một trời xuân rực rỡ lung linh muôn sắc màu. Mẹ ngỡ như nhìn thấy bố đang bay trong bầu trời xuân ấy.

Kìa, bố giơ tay đón mẹ.

Mẹ nắm chặt tay bố cả hai cùng bay lên, lên cao mãi...

Bố nhìn mẹ âu yếm, còn mẹ lại thẹn thùng e lệ y như cái thuở lần đầu gặp gỡ.

Bố là tình yêu của mẹ.

Mẹ là tình yêu của bố.

Mãi mãi là như thế!

Mùa xuân đi để mùa xuân trở về.

Truyện ngắn của Đặng Lưu San
.
.