Hoa tường vi tỏa hương

Thứ Sáu, 27/12/2024, 10:15

Tự dưng Thắm thèm một bờ vai để tựa, một vòng tay để ôm đến nhường nào. Cô nhớ Minh, một nỗi nhớ cuộn cào, da diết. Nếu anh còn sống chắc bây giờ đã chuyển về công tác gần nhà, những lúc thế này, Minh sẽ chẳng cho Thắm đội mưa đội gió ra ngoài giữa trời đêm. Nghĩ thế mà nước mắt Thắm trực tuôn, là đàn bà dù có mạnh mẽ đến nhường nào thì có lúc yếu lòng, cũng cần một bờ vai mà dựa.

Mùa mưa năm nay đến sớm hơn mọi năm, từ đầu tháng những cơn mưa cứ nối nhau không ngớt. Bầu trời lúc nào cũng đen kịt. Theo dự báo thì năm nay bão nhiều.

Thắm về đến nhà, cởi chiếc áo mưa tiện lợi rách bươm vì gió đập, toàn thân ướt sũng, cô nhẹ nhàng mở hé cửa, nghiêng người lách qua cánh cửa vào nhà. Con trai nghe tiếng động biết mẹ về nên vội lấy chiếc quạt kế bên quạt để lửa rực thêm cho mẹ sưởi ấm. Đêm nào cũng thế, hai bà cháu cũng ngồi bên bếp cho đến khi Thắm trở về. Cô sà đến bếp, vừa hơ hơ đôi bàn tay nhăn nheo vì dầm mưa lâu rồi áp lên má, vừa hít hà thở.

- Hai bà cháu vẫn chưa ngủ ạ?

- Ừ, chị chưa về sao mẹ ngủ được.

- Con vẫn thường về muộn thế mà mẹ. Hôm sau mẹ đừng đợi con nhé!

- Mẹ có lạnh lắm không? - Thằng bé hỏi.

- Mẹ không.

- Mẹ phải mặc ấm mỗi khi ra ngoài!

Nói rồi, thằng bé ngồi dậy, ra khỏi giường cùng chiếc khăn nó đã ôm vào lòng từ khi lên giường choàng vào người Thắm. Thằng bé thường nói và làm những cử chỉ giống hệt bố. Minh dạy con tự lập từ bé, có lẽ thế mà trong thằng bé lúc nào cũng như già hơn mấy tuổi, nhất là từ ngày Minh ra đi.

Mẹ chồng cô lặng lẽ lên giường.

Thắm cũng thay đồ rồi nằm xuống cạnh hai bà cháu. Phía ngoài song cửa gió vẫn rít ran từng hồi. Người nói phả cả hơi vào mặt nhau. Mưa càng lâu càng mù mịt, như khối băng giăng giăng ôm lấy những ngôi nhà. Lạnh tê tái.

Gió len qua song cửa vào nhà. Thắm rùng mình kéo chăn lên cao hơn. Cô khục khặc ho.

edb897adec42511c08536.jpg -0
Minh họa: Lê Trí Dũng

- Mùa năm nay lại mất trắng! - Mẹ chồng cô nói.

- Mong là đêm nay mưa ngớt, nước rút!

- Mưa thế này chắc cái hồ vỡ mất. Nuôi mãi mới được chục cá để Tết...

- Nhà mình cao chắc không sao đâu, mẹ.

Nói thế nhưng Thắm cũng chẳng thể yên tâm mà ngủ, cô nằm lật qua lật lại một lúc rồi vén màn dậy.

- Giờ này còn đi đâu?

- Con ra xem hồ cháo thế nào.

- Mưa gió thế này, đừng...

Khi mẹ chồng chị chưa dứt câu thì Thắm đã đẩy cửa đi. Ngoài trời mưa vẫn trút ào ạt. Chị đội chiếc đèn soi lên đầu rồi ra sức cuốc đất đổ vào những chiếc bao cám cò, chất thêm lên mép hồ để phòng đêm mưa to, nước dâng, không yên tâm, Thắm giăng thêm lớp lưới chung quanh, nếu lỡ có vỡ hồ thì cá cũng vướng lưới không ra được. Thắm nghĩ thế nhưng lũ mà đã tràn qua thì cá nào giữ được. Xong đâu đó, chị trở vào.

Tự dưng Thắm thèm một bờ vai để tựa, một vòng tay để ôm đến nhường nào. Cô nhớ Minh, một nỗi nhớ cuộn cào, da diết. Nếu anh còn sống chắc bây giờ đã chuyển về công tác gần nhà, những lúc thế này, Minh sẽ chẳng cho Thắm đội mưa đội gió ra ngoài giữa trời đêm. Nghĩ thế mà nước mắt Thắm trực tuôn, là đàn bà dù có mạnh mẽ đến nhường nào thì có lúc yếu lòng, cũng cần một bờ vai mà dựa.

Bà nội sắp nhỏ vẫn thường nói với Thắm như thế mỗi khi nhìn cây tường vi trước sân bị gió mưa làm cho xao xác, những lúc ấy Thắm chỉ lờ đi, thương Thắm tảo tần, vất vả, đã nhiều lần bà làm cầu nối cho Bắc xóm trên sang nhà chơi, thế nhưng những lúc Bắc đến, Thắm vẫn thường kiếm cớ ra ngoài. Nhiều khi trở mình giữa đêm, bà thấy Thắm ngồi tựa cột hiên, tay ghì chặt chiếc áo của Minh trước ngực, lòng bà quặn thắt, bà hiểu Bắc chẳng thể nào thay thế được con trai bà trong lòng Thắm. Nghĩ thế mà bà thương Thắm, bà ước giá mà Thắm là đứa vô nghĩ vô lo một chút có lẽ sẽ tốt hơn.

*

Ngày Minh chuyển lên làm Trưởng Công an xã ở một xã vùng sâu, giáp biên giới Campuchia thì thời gian anh dành cho gia đình ít hẳn, những ngày phép cũng vội vàng. Có lúc đang đèo con qua mấy ngõ phố, vừa chạm cổng khu vui chơi thì anh em gọi về có việc gấp cần anh giải quyết, Minh lại phải quay trở lại xã. Nhìn gương mặt con buồn nhưng vẫn cười và nói với bố “bố đi làm nhiệm vụ mà, chơi thì không chơi lúc này mình chơi lúc khác, bố nhỉ!”, sống mũi Minh cay cay.

Nơi Minh công tác là xã nghèo vùng sâu, phòng Công an xã được trưng dụng từ một phòng của ủy ban nhân dân xã để làm văn phòng làm việc. Điều kiện đi lại khó khăn, người dân đa số là bà con dân tộc thiểu số, còn giữ nhiều tập tục sống theo lệ làng, nên ngoài những kế hoạch cụ thể thì lịch làm việc của Minh và anh em còn thêm vô số những việc không tên.

Có khi giữa đêm đang ngủ nghe tiếng đạp cửa dồn dập, mở cửa thì thấy người làng cõng con đến, đứa bé sốt tím cả da, Minh và anh em vội vàng hạ sốt cho bé rồi giữa đêm đèo thằng bé đến trạm y tế cách đó mấy cây số; có khi kiêm luôn thầy giáo dạy kèm khi có đứa trẻ nào đó nghỉ học lên rẫy mà giáo viên vùng sâu lại thiếu không thể kham hết; có lúc là một tuyên truyền viên...

Người làng Bía trước đây quen sống theo lệ làng, trẻ con học cho đủ biết cái chữ rồi đi rẫy trồng cây mì, cây ngô, ốm đau thì mời thầy mo, thầy cúng..., cuộc sống cả năm quanh quẩn ở làng, lên nương, lên rẫy cùng bố mẹ rồi lại trở về nhà. Lớn lên chút thì xuống phố xin phụ bán quán cà phê, quán ăn... kiếm chút tiền phụ bố mẹ, đến tuổi lại lấy chồng, lấy vợ.

Từ ngày đến xã nhận công tác, Minh cùng anh em trong đội phối hợp với bộ đội biên phòng và cán bộ xã tuyên truyền, vận động, đến tận nhà dân để làm cùng dân, sống cùng dân, người làng nơi đây mới bỏ dần những tập tục lạc hậu, không phá rừng làm nương rẫy, hay đốn gỗ rừng về làm củi, dựng lán..., người ốm, phụ nữ sinh đẻ cũng tìm đến trạm y tế để gặp bác sĩ.

Trong một lần xuống làng vận động chị em phụ nữ tham gia chương trình tập huấn hướng dẫn về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cùng chị cán bộ dân số xã, Minh đã hoảng hốt lao tới giằng lấy đứa bé sơ sinh từ già làng khi ông chuẩn bị ném nó xuống hố để chôn sống cùng người mẹ xấu số không may qua đời khi sinh con.

Lận ấy, dân làng rất giận, già làng cũng rất giận. Minh thuyết phục mãi mới được mọi người đồng ý cho đội anh đưa đứa bé về nuôi với điều kiện Minh phải đổi lấy một con trâu to cho làng cúng Giàng để tạ tội. Thời gian thấm thoắt trôi đi mà chẳng có xui rủi nào đến với làng Bía sau việc Minh xin đưa đứa trẻ về nuôi, tập tục chôn sống con theo mẹ nếu lỡ người mẹ qua đời khi sinh dần được người làng Bía quên đi.

Những đứa trẻ ở làng rất thích Minh, nhất là mỗi khi biết cán bộ về xuôi lên, thấy anh đằng xa, chúng ùa đến và được anh chia cho vài chiếc kẹo, có khi là chiếc áo lạnh, cái mũ hay đôi dép... Người lớn thì thi thoảng được Minh sẻ cho gói muối hay gói mì tôm và họ cũng đáp lại anh em Minh bằng củ mì, bó rau. Họ dần quên việc mời thầy mo, thầy cúng mỗi khi nhà có người bị ốm.

Về công tác được một thời gian, Minh cùng anh em gây dựng được ba lớp học đặc biệt ở ba làng của xã. Anh em Công an xã phối hợp với cán bộ đoàn, giáo viên công tác nơi đây mở lớp dạy thêm buổi tối cho người dân tộc thiểu số chưa biết đọc, biết viết. Mỗi lớp học ban đầu tầm ba đến năm người rồi đông dần lên. Những lớp học ấy bắt đầu từ 8 giờ tối, khi người lớn đã xong việc nhà và kết thúc tầm 9 giờ. Học được cái chữ mà không mất tiền, bà con vui lắm, tiếng lành cứ thế đồn xa, nhiều xã lân cận cũng theo mô hình của Minh mở được nhiều lớp xóa mù chữ cho bà con như vậy. Dần dần, bà con coi anh như con của làng, bà con ơn anh lắm, ấy vậy nhưng trong lòng Minh vẫn canh cánh những trăn trở rằng phải làm được nhiều hơn thế.

Có những buổi chiều, Minh thường trầm ngâm bên bờ suối, châm điếu thuốc hút cho vơi đi nỗi nhớ con, đám trẻ làng thấy thế thường chạy đến sà vào lòng anh, mang tặng anh chùm dũ dẽ hay nắm trâm rừng chúng vừa hái ở bìa rừng. Minh thấy lòng mình ấm hẳn.

*

Cứ mỗi mùa mưa về, lòng Thắm lại nhói đau như có ai đó đâm kim vào tim. Mùa mưa năm ấy, cũng ngót mười năm rồi. Anh đã hẹn cuối tháng được nghỉ phép sẽ đưa cả nhà về quê ngoại, cho con trai du lịch một chuyến để thằng bé khám phá miền biển. Ấy vậy mà, anh lại lỡ hẹn.

Sáng ấy, ở nhà Thắm và mẹ đang dọn lại sân vườn sau đêm mưa bão, anh gọi điện về dặn dò Thắm và hỏi han tình hình như bao ngày. Nơi anh ở, tiết trời sắt lạnh, lũ mới bắt đầu tràn về.

Không gian đặc quánh lại bởi gam màu nhờ nhờ bạc đục ôm trùm lấy cây cỏ. Đường từ xã xuống làng bết dính đất đỏ bởi đang mùa mưa, những đôi giày tuần tra như nặng thêm bởi lớp bazan quyện dính.

Minh ghé qua quán của cô Lâm lấy bao gạo, mấy hôm trước anh nhờ cô mua hộ khi cô xuống thị xã. Gọi là quán nước nhưng thực ra chỉ là cái chòi vách bằng gỗ, mái che tạm bằng tôn cũ, cô dựng lên để bán nước, thuốc lá, mấy thứ lặt vặt cho anh em cán bộ ở các trạm, chốt, lâm trường cao su...

Minh ít nói, cũng hiếm khi thấy anh cười, trong công việc rất nghiêm khắc, nhiều thanh niên trai làng hay tụ tập nhậu nhẹt, rồ ga, nẹt bô đêm khuya sau khi bị Minh mời về đồn làm việc, giáo dục đã phải khép nép mỗi khi thấy anh về làng. Cũng nhờ thế mà bà con dân bản ngày càng quý anh hơn, bởi con cháu họ sau khi bị Minh mời làm việc đã dần bỏ thói ăn chơi, sa đọa, có đứa nào hư không dạy bảo được, họ lại lấy tên cán bộ Minh - Công an xã ra để dọa. Mỗi tháng anh đều nhờ cô Lâm mua giùm anh bao gạo, mì tôm cùng ít đồ dùng, sách vở học sinh... Có lần cô Lâm tò mò hỏi:

- Cậu mua gạo làm gì nhiều thế?

Minh chỉ cười trừ rồi chào cô đi.

- Cậu đi cùng tôi có chút việc!

Minh chở theo cậu lính dưới cấp ôm bao gạo và thùng mì vòng qua mấy con đường lầy lội, thi thoảng chiếc xe Dream bị xốc ngược lên bởi cái ổ gà ngập nước, qua mấy cánh rừng cao su, anh dừng lại trước ngôi nhà lọt thỏm cuối vườn cao su. Nhìn thấy Minh, bà lão đang sưởi ấm bên bếp lửa góc nhà, vội đứng dậy.

- Thằng Quân đâu rồi má?

- Nó đi mót mủ từ sớm vẫn chưa về.

- Má coi nhắc nó học hành, có gì con phụ thêm, mưa gió thế này đừng đi ra ngoài!

- Má nói mà nó hổng chịu nghe. Nó bảo thương bố Minh lắm!

- Để hôm nào con nói chuyện với nó. Giờ con phải về rồi. Gạo và mì con để đây, má coi ăn uống vào nhé!

Trên đường về, Minh kể cho đồng đội nghe về bà cháu mà anh vừa gặp. Đó là gia đình đã cưu mang, giúp đỡ anh trong lần anh đi rừng gặp nạn. Anh nhận thằng bé làm con nuôi khi bố mẹ nó qua đời. Có lần, cũng vì chuyện này mà Thắm đã hiểu nhầm và giận anh đến mấy ngày. Ấy là lần Thắm lên chơi, thằng bé gọi điện cho anh và Thắm nghe máy. Thằng bé vô tư hỏi bố Minh đâu. Thế là Thắm không nói không rằng về quê, cả tuần trời anh không biết lí do, vì Thắm không nói. Cho đến khi thằng bé kể chuyện gọi điện cho bố và cô nào đó.

Những cơn mưa cứ thế trút tầm tã xuống mặt đất, Minh cố giữ chắc tay lái qua những đoạn đường ngập nước, về đến xã cũng là lúc Minh nhận được lệnh phối hợp với lực lượng biên phòng để tăng cường giúp dân phòng, chống lũ khi anh chưa kịp ăn bữa sáng.

Nước sông Sê San liên tục dâng, thủy điện phải xả lũ để phòng vỡ đập. Mưa vẫn không ngớt, nước từ rừng cứ thế đổ tuôn về, gió giật mạnh, hàng loạt cây cao su bị đổ gãy. Lớp mầm non ban đêm của đội 15 ở phía bên kia chốt đang bị cô lập vì nước dâng đột ngột, một phần mái bị tốc. Hiện có 3 cô giáo và 16 cháu bé đều là con của những cặp vợ chồng trẻ làm công nhân cao su trong địa bàn đang mắc kẹt trong đó. Tất cả đều không biết bơi. Cấp dưới báo cáo. Minh chỉ thị: “Hướng dẫn cô giáo trấn an học sinh, kê thêm bàn ghế để phòng nước tràn vào lớp, dâng cao!”.

Những chiến sĩ dầm mình dưới mưa, những chiếc áo mưa quân dụng được cởi ra để nhường cho bà con vùng lũ. Các anh khoác tạm những chiếc áo mưa tiện lợi, chỉ một chốc là rách bươm, ai nấy người sũng nước, vậy nhưng trong họ giờ này, có lẽ tiếp cận và đưa được người dân đến nơi an toàn là mối quan tâm duy nhất. Mặc cho mưa lạnh trút càng lâu càng nặng hạt. Mặc cho dòng nước đỏ ngầu cuốn lấy chân họ, chiến sĩ theo lệnh chỉ huy, người tập trung cứu người, người tập trung giải phóng mặt bằng, giúp dân đưa tài sản đến nơi an toàn.

Cánh cửa nơi lớp mầm non đang cô lập bị cây đổ xuống chèn cứng không mở được. Minh bắc thang, luồn người qua chỗ mái bị tốc. Bên trong, cô giáo và các em nhỏ đang đứng trên bàn chờ lực lượng ứng cứu. Thấy Minh, bọn trẻ òa lên khóc to hơn, các cô giáo cũng khóc. Anh trấn an mọi người rồi từ từ đưa từng bé ra ngoài. Còn một bé cuối cùng nữa là tất cả đều an toàn.

Nhưng, khi Minh vừa luồn người ra được bên ngoài và đang định nhảy xuống thì bất chợt tiếng sét mạnh xé toạc ngang trời, bổ dọc xuống tán cây kế bên, luồng nước mạnh cuộn xiết đập vào cánh cửa, khúc gỗ bị kẹt ngang nơi cánh cửa phòng văng bật về phía chiến sĩ biên phòng đang đỡ em bé từ tay Minh, anh bật người, lấy hết sức bình sinh nhảy xô về phía người chiến sĩ, khúc gỗ đập vào sống lưng anh. Minh ngã xuống, đồng đội kịp đưa anh thoát ra khỏi vùng nước thì anh cũng ngất lịm đi.

Ở nhà, mẹ Minh và Thắm đang cố gắng neo lại mái hiên vì sợ gió mạnh tốc mái.

Đến giữa trưa thì trời ngớt mưa, nước rút từ từ. Thắm nhận được điện thoại từ đơn vị chồng.

Căn nhà nhỏ mỗi lúc một đông người. Đồng đội đứng lặng trước linh cữu Minh.

*

Mùa xuân rải những tia nắng vàng ngọt xuống sân. Cậu con trai tầm mười tuổi nhưng nom rất chững chạc đang dìu bà nội ra sân, cậu kéo chiếc ghế ngay ngắn rồi từ từ đỡ bà ngồi xuống. “Sưởi nắng vào buổi sáng rất tốt đó, nội!”. Thường ngày, cậu bé vẫn giúp mẹ chất những bắp cải, su hào... vào sọt để xuống chợ. Thắm ngồi bên cạnh nhoẻn miệng cười, cô nhìn vào trong nhà, nơi gian giữa căn nhà, tấm vải đỏ phủ tấm ảnh chân dung người đàn ông có khuôn mặt chữ điền, hàng chân mày rậm được vén lên từ lúc nào. Căn nhà nhỏ như ấm hơn bởi nụ cười trên môi người đàn ông trong di ảnh.

Mùa lũ năm nào vẫn là ký ức chẳng thể quên trong Thắm. Mùa lũ ấy, khi cô và con trai, mẹ chồng đang chèo chống qua mưa lũ ở quê nhà thì nơi vùng biên xa xôi, người đàn ông của cô đã mãi mãi nằm lại với làng bản để nhường sự sống cho người khác. Mùa xuân, con trai Thắm vẫn thường mang xe tăng, ống nhòm... những món đồ chơi được bố kết từ vỏ đạn ra ngắm nghía, lau chùi, rồi lại cẩn thận cất giữ.

- Lớn lên, con sẽ là một cảnh sát dũng cảm như bố!

Thắm cười. Nụ cười hiền ánh lên những hy vọng trong cái nắng đầu xuân chớm nở. Mùi hoa tường vi tỏa hương dìu dịu len lỏi khắp khoảng sân. Cây tường vi ấy Minh trồng lâu lắm rồi, từ dạo Minh đi mùa hoa nào cũng tỏa hương thơm ngát. Lúc buồn tủi, cô đơn hay cả những lúc nhặt nhạnh được niềm vui nhỏ trong đời thường, Thắm vẫn ra sân ngồi ngắm những sợi nắng xiên chiếu trên cánh tường vi, bên cạnh là con trai đùa vui, mẹ già ngồi nhai trầu. Thắm thấy lòng mình ấm hẳn...

Truyện ngắn của Trương Thị Chung
.
.