Hoa giấy

Thứ Sáu, 01/09/2023, 09:12

Ông Hiền không nói gì, lặng lẽ đứng dậy rồi bước ra vườn, để bà Thanh ở lại với ly trà nghi ngút khói. Đây là lần thứ 3, việc bà Thanh muốn bàn với chồng đều kết thúc một cách nhanh chóng, trong im lặng. Bà Thanh nhìn ra phía vườn, cơn gió đầu mùa mưa đang vật lộn với những cành hoa giấy, từng mảnh đỏ hồng cuộn lên cao rồi ngã xuống đất như làm vỡ cả buổi chiều.

Góc vườn nhà ông Hiền phủ trùm những bụi hoa giấy, có cây trồng ở chậu, có bụi mọc trên đất, đủ các kích cỡ và hình thù nhưng nổi bật với một màu: là màu đỏ. Trước đây còn có cả hoa hồng, nhưng giống hồng Đà Lạt dường như không phù hợp với thổ nhưỡng Sài Gòn, chúng nhanh chóng lụi tàn khi không có bàn tay người chăm sóc. Chỉ hơn 1 tháng, sau ngày Minh hi sinh, các loại hoa khác trong vườn đều xơ xác đi, chỉ có loài cây dai sức như hoa giấy mới có thể vươn mình lên mạnh mẽ, bất chấp thời tiết và sự bỏ rơi của con người.

Minh, con trai duy nhất của ông Hiền và bà Thanh là một người yêu hoa, đặc biệt là những loài hoa có màu đỏ, tất cả cây cảnh trong vườn đều do Minh trồng. Minh đã tạo dáng cho nhiều cây, cắt tỉa chúng thành những chậu kiểng đẹp, thậm chí vào năm Minh học lớp 11, cậu con trai đã kiếm về cho bố một số tiền kha khá từ việc buôn bán hoa Tết. Minh dõng dạc nói với ông Hiền:

- Sau này con nhất định trở thành một kỹ sư nông nghiệp hoặc chủ nhà vườn nức tiếng.

Vào lúc ấy, ông Hiền chau mày, nói chuyện nghiêm túc với con trai:

- Gia đình này chỉ cần thêm 1 người lính, không cần kỹ sư nông nghiệp.

Điều đó trở thành số phận của Minh và là định mệnh cho cả gia đình.

fa2c2e06f6a824f67db91.jpg -0
Minh họa: Tô Chiêm

Ông Hiền lại mang lý lịch của gia đình kể cho Minh nghe, đó là câu chuyện thường được nhắc trong mỗi bữa ăn, Minh đã thuộc lòng. Bắt đầu từ ông nội, người đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ, đến ông ngoại là sĩ quan quân đội về hưu, đến nữa là chú hai, cô tư, dì út cũng đều là công an, bộ đội. Và bà Thanh, khi đó cũng là một nữ điều tra viên nổi tiếng của Phòng Cảnh sát hình sự. Về phần ông Hiền, trong lần sửa lại mái nhà, ông không may ngã từ trên cao xuống. Vụ tai nạn làm một chân của ông thương tật vĩnh viễn, nó tạo thành dáng đi một nặng một nhẹ rất đặc trưng khi ông mới 17 tuổi. Thế là con đường đi vào lực lượng vũ trang khép lại, ông buồn lắm. Ngày Minh ra đời, ông Hiền đem tất cả mơ ước mà mình chưa thực hiện được gửi vào tiếng khóc của con...

Trong bữa tiệc tiễn Minh lên đường vào học ở Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, ông Hiền vui đến nỗi uống say nằm ngủ luôn trên ghế sofa. Họ hàng đến chúc mừng, tiếng chạm ly và những ánh mắt tự hào cứ tìm đến Minh. Dường như Minh sợ hãi, Minh ra sau vườn ngắm những chậu hoa. Chàng trai trẻ đứng đó, chỉ những cơn gió và màu hoa mới thấu cảm được cuộc chia ly này.

Là một người có trách nhiệm - như tính cách của ông Hiền, Minh cố gắng rồi cũng hết 5 năm đại học. Ra trường, Minh được điều về Đội Cảnh sát hình sự của Công an Quận X. Bà Thanh có ý định xin chuyển con trai về làm công tác hồ sơ, bởi hơn ai hết, bà hiểu được sự vất vả của nghề, và, bà hiểu con. Ông Hiền can ngay: “Làm lính phải chấp nhận sự điều động của tổ chức. Sợ khổ mà đi xin xỏ, người ta cười cho”.

Bạn gái đầu không chịu nổi những chuyến công tác và thời gian thất thường của Minh nên đã chủ động chia tay. Khó trách lắm, phải là người ở trong nghề mới có được sự cảm thông mà tính đến chuyện lâu dài. Bà Thanh buồn, vì thấy con trai ngày càng lầm lũi. Không biết từ lúc nào, Minh trở thành một người cam chịu, Minh không trách bất cứ ai, Minh chỉ thở dài rồi đi ra vườn, những cơn gió và cành hoa sẽ xoa dịu tâm hồn bị tổn thương ấy.

- Con trai nhà này lo gì ế vợ. Để đấy, tôi lo - Ông Hiền xua tay khi bà Thanh tỏ ra lo lắng vì môi trường công tác sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc sau này của Minh.

Thế là Hoa - một cô giáo trẻ, cấp dưới của ông Hiền được chọn là người sẽ nên chuyện vợ chồng với Minh. Bà Thanh đoán được điều này từ sớm, bởi ông chồng khó tính của mình rất ít khi khen một ai, nhưng Hoa là ngoại lệ. Hoa nhỏ hơn Minh 4 tuổi, là hàng xóm từ thuở bé với Minh. Bố của Hoa mất sớm, mẹ làm công chức ở phường với đồng lương ít ỏi. Nhìn cảnh mẹ chống chọi với biến chứng tiểu đường nuôi 2 chị em còn đang độ tuổi ăn học, Hoa quyết định vứt bỏ tà áo dài trắng để tìm việc làm thêm trang trải cuộc sống. Ông Hiền là Hiệu trưởng thời Hoa học cấp 2, chính tay ông đã trao quà học sinh giỏi nhất khối cho Hoa 4 năm liền, nên khi nghe câu chuyện cô gái lớp 10 bỏ học để phụ giúp gia đình, ông bàn với bà Thanh sang nhà Hoa ngay.

Việc học của Hoa từ năm cấp 3 đến lúc xong Đại học Sư phạm và trở về chính ngôi trường của ông Hiền làm Hiệu trưởng để giảng dạy đều nhờ sự giúp đỡ của vợ chồng ông. Hoa xem ông bà Hiền là ân nhân, là cha mẹ… Không chỉ riêng trường hợp của Hoa, nhiều gia đình học sinh khó khăn khác cũng được ông giúp đỡ. Ông Hiền trở thành hình mẫu Hiệu trưởng tốt bụng và trách nhiệm, uy tín và danh tiếng của ông cũng vang xa.

- Cái Hoa thông minh, giỏi giang và hiểu chuyện, công việc cũng ổn định, nhà lại gần, cả hai đều quen nhau từ bé, con hãy an tâm phấn đấu cho sự nghiệp, chuyện trong gia đình sau này đã có người chăm lo - Ông Hiền nói như đọc quyết định cho cậu con trai.

Minh có yêu Hoa không? Đến Minh cũng không thể chắc chắn. Còn Hoa, Hoa đến với Minh bằng tình yêu của sự báo đáp. Và, một bé trai chào đời, Minh đặt tên con là Phong. Ông Hiền khen hay, “phong” có nhiều nghĩa, một trong những nghĩa đó là “mũi nhọn” hoặc “thịnh vượng”, nhất định cháu trai ông sẽ làm rạng danh họ tộc. Minh rải tiếng khóc của con ra vườn, tiếng khóc như vuốt ve những chùm hoa đỏ, với Minh, Phong đơn giản là một cơn gió, một cơn gió tự do...

Khi Phong được hơn 1 tuổi thì biến cố xảy ra. Trong lúc làm nhiệm vụ, Minh và đồng đội đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của 2 đối tượng buôn ma túy. Viên đạn lẽ ra không chọn Minh làm điểm đến, nhưng trong khoảnh khắc đó, Minh chọn lấy tấm thân mình che cho đồng đội. Cả tổ công tác đều bất ngờ vì sự manh động và trang bị tận răng của hai tên tội phạm vừa mới qua tuổi vị thành niên. Khi ông Hiền đến được bệnh viện, Hoa đã ngất dài trên băng ghế lạnh, bà Thanh nắm tay con dâu òa khóc, những bóng áo xanh đứng chật cứng lối vào. Ông Hiền lên cơn nghẹn, cái chân bị tật giật mạnh, thân người ông rơi tự do, giọt nước mắt nhăn nheo chạm đất, vỡ tan...

Hơn một tháng bà Thanh không nói chuyện với ông Hiền. Đau lòng thì ai cũng như nhau, nhưng bà Thanh trách, giá mà…

Ông Hiền cũng hiểu, nếu ngày ấy ông đồng ý xin cho con trai chuyển sang bộ phận khác, thì có lẽ mọi chuyện sẽ không như thế này. Thậm chí, nếu quay ngược thời gian xa hơn và thay đổi nó, giờ này Minh vẫn sẽ ở ngoài vườn để chăm sóc những chậu hoa. Nhìn ông Hiền thẫn thờ bên di ảnh con và tấm bằng Tổ quốc ghi công, bà Thanh không nỡ bỏ rơi chồng mình tụt xuống hố sâu tiêu cực. Bà Thanh phải tạm ngưng những giọt nước mắt để vực dậy tinh thần của cả gia đình. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, ai còn đang sống thì hãy tiếp tục sống tốt.

Nhưng ông Hiền không phải là sự bận tâm duy nhất. Tối đến, bà Thanh phải vào ngủ với con dâu, giai đoạn này thật sự khó khăn với tất cả. Góa phụ trẻ nức nở ôm chặt mẹ chồng, cu Phong giật mình khóc ré lên. Tiếng khóc ấy như thanh nứa sắc cứa vào lòng hai người mẹ. Một người mẹ vừa mất chồng, một người mẹ vừa mất con. Cứ mỗi đêm như thế, tóc bà Thanh lại bạc thêm. Nhưng, đã sống thì phải ra sống. Bà Thanh nói với ông Hiền và con dâu:

- Minh ở trên trời nhìn xuống, thấy như thế này làm sao nó vui được… - Đó cũng là cách bà Thanh tự trấn an mình.

Thế là 8 năm trôi qua, sau khi về hưu, ông Hiền tìm sự bận rộn qua công việc của của tổ dân phố và những cuộc hội họp. Ông là vừa là tổ trưởng của khu phố, vừa là bí thư chi bộ, việc to, việc bé, bà con xung quanh đều tin tưởng đến nhờ cậy, hỏi han. Bà Thanh vừa chăm sóc cháu, vừa giúp việc cho chồng là cũng đủ hết ngày. Sự bận rộn sẽ khiến người ta không có thời gian để nhớ về những thứ khác. Nhưng, chừng ấy năm, chừng ấy lần giỗ, mỗi lần nhang khói, làm sao lòng không buồn.

Đã thành quy luật, trước ngày giỗ Minh, Tùng sẽ đến trước một hôm để dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa hoa quả, nhang đèn. Ngày giỗ chính, Tùng đứng chờ cửa từ sớm, bước vào nhà là tay dao tay thớt chuẩn bị mâm cúng cho kịp giờ. Đúng 9 giờ 42 phút, Tùng thắp nhang, quỳ sụp dưới nền nhà. Bà Thanh luôn là người đỡ Tùng dậy, bởi một chân của Tùng cũng bị tật giống ông Hiền, mỗi lần khụy xuống lại đau nhức nhối.

9 giờ 42 phút của 8 năm trước, Minh được các bác sĩ xác định đã trút hơi thở cuối cùng. Lúc ấy Tùng cũng đang nằm trong phòng cấp cứu. Nếu Minh không lấy thân mình đẩy Tùng ra khỏi tầm đạn ở cự ly gần, thì phía dưới dòng chữ Tổ quốc ghi công kia sẽ là tên của Tùng. Cú xô của Minh làm Tùng ngã lăn xuống bờ kè, đầu gối đập vào tảng đá, vỡ xương. Những gì Tùng thấy trước khi được đẩy vào xe chuyên dụng là máu của Minh, máu thấm ướt chiếc áo màu xanh, máu chảy tràn ra đất, máu nhuộm đỏ tươi vòng tay của những người đồng đội. Tùng khóc… Có thật nhiều lý do để khóc, nhưng vào hoàn cảnh đó, Tùng chỉ biết khóc thôi.

Tùng lớn hơn Minh 4 tuổi, phải lăn lộn từ lính nghĩa vụ sau đó mới chuyển chuyên nghiệp để chính thức vào ngành. Thật ra Tùng cũng không phải là người xa lạ với vợ chồng ông Hiền, ba của Tùng trước đây từng công tác chung đơn vị với bà Thanh, chính vì thế họ biết Tùng từ thời còn đeo khăn quàng đỏ. Hôm tang lễ, Tùng không đến được vì còn điều trị trong bệnh viện, ba mẹ Tùng thay mặt con đến lạy trước quan tài. Nợ tiền có thể trả được, còn nợ mạng thì biết phải trả thế nào? Họ đều là những người hiểu chuyện, nên một bên chỉ trách cho số phận, một bên lại thấy áy náy vì sự mất mát không thể nào bù đắp được mà con trai họ có liên quan.

Từ ngày đó, đoạn đường từ cơ quan của Tùng về nhà và ngược lại có thêm 1 trạm dừng là nhà ông Hiền. Trừ những khi công tác xa, còn lại đều đặn mỗi tuần 2 hoặc 3 lần Tùng đều đến thăm hỏi, khi thì quét sân, khi thì chở bà Thanh đi siêu thị, khi thì ngồi hầu cờ với ông Hiền và các bác hưu trí. Lúc đầu ông Hiền cảm thấy rất khó chịu, có hôm còn đóng cửa không tiếp. Cảm giác ấy rất khó lý giải, ông không muốn bị làm phiền, hay không muốn câu chuyện buồn lại quay về và hành hạ ông? Mọi chuyện thay đổi vào hôm bà Thanh bị hạ đường huyết, ngất xỉu trước hiên nhà. Nếu Tùng không nhìn thấy và leo cổng vào, có lẽ tình hình sẽ nghiêm trọng hơn. Tùng trực ở bệnh viện cả đêm, sốt sắng như thể đó là mẹ của mình. Ông Hiền gật gù, ông rất ít khi khen ai, ông chỉ gật gù. Dáng đi một nặng một nhẹ của Tùng như một phiên bản hoàn hảo của chính ông.

Điều quan trọng nhất, là Tùng giành được tình cảm của Phong. Sự xuất hiện đều đặn của Tùng đã hình thành thói quen của người khác. Chú bé bắt đầu nhắc Tùng, bởi những món đồ chơi mà Tùng đã mua, bởi những lần được theo bà nội và bác Tùng đi mua sắm. Nhìn cháu trai tươi cười ngồi trên chiếc xe đẩy hàng trong siêu thị, bà Thanh không nén nổi những cảm xúc mông lung, bà giả vờ rẽ sang một gian hàng khác, giấu đi đôi mắt rưng rưng.

Hoa thì sao? Tất nhiên khi mối quan hệ của Tùng với những người xung quanh Hoa đã gần đến thế, thì Hoa sẽ không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của sự việc này. Nỗ lực của Tùng đã tạo nên sự thân thuộc, sau nữa là cảm giác tin tưởng ở Hoa. Ông bà Hiền và cả Hoa đều hiểu, Tùng làm tất cả mọi chuyện chỉ vì muốn trả ơn cứu mạng, nhưng sự chân thành của Tùng đã biến tâm lý e dè, khó chịu ban đầu thành tình cảm thân thương. Mưa dầm thấm lâu, cơn mưa ấy đã kéo dài hơn 8 năm nay, đời người, được bao nhiêu lần 8 năm đâu chứ? Cu Phong từ một đứa bé nằm nôi giờ đã thành học sinh lớp 3. Hoa dần đi qua thời xuân sắc. Tùng cũng vừa nhận quân hàm Trung tá, với mái tóc đã bắt đầu pha màu muối tiêu nhưng vẫn chưa lập gia đình.

Khổ thay, những người tốt lại tự đặt ra những rào cản để làm khó bản thân mình. Tùng ám ảnh sự hi sinh của Minh đến mức thấy mình có nghĩa vụ thay Minh chăm sóc ông bà Hiền và giúp Hoa nuôi Phong đến lúc trưởng thành. Tùng không thể làm điều có lỗi với đồng đội thêm một lần, mặc dù sự việc năm xưa hoàn toàn là Minh tự nguyện. Còn Hoa, Hoa tự dằn vặt chính mình khi “rung rinh” trước sự chân thật mà Tùng mang lại. Hoa không thể phản bội người chồng đã khuất, không thể phản bội ân nghĩa, tình cảm mà gia đình này đã dành cho Hoa. Nếu không có bố mẹ chồng dang rộng vòng tay cưu mang, đời Hoa có lẽ đã rẽ theo một hướng khác.

Đôi mắt từng nhìn vào biết bao sự sống và cái chết, biết bao ngọt đắng cuộc đời của bà Thanh đã thấu suy nghĩ của cả hai. Bà nói: “Phong cũng cần thêm chỗ dựa để lớn lên, hãy nghĩ về đứa trẻ”… Hoa đang rửa chén, từng chữ vọng vào đầu Hoa như những tiếng chuông, Hoa giật mình, vuột tay… Gian bếp chợt lặng thinh, mặc cho tiếng nước chảy và những bọt xà phòng trôi vỡ...

- Cái Hoa không còn trẻ nữa, thằng Tùng cũng đã 42 tuổi rồi… - Đó là lần đầu tiên, bà Thanh gợi chuyện với ông Hiền.

- Hỏi chồng cho con dâu? Tôi chưa từng thấy chuyện lạ đời như thế - Ông Hiền chau mày, đó là câu trả lời duy nhất.

Có một lần, khi ở tiệc rượu ủy ban về, ông Hiền say, ông ra vẻ dữ tợn, ném bộ ấm trà ra cửa, ông bảo những người có học thức không làm chuyện trái với đạo nghĩa, ông sợ những người xung quanh dị nghị, đàm tiếu, ông sợ con trai mình trở thành câu chuyện cho người khác xì xào. Mà thật sự đã có người ác miệng nói: “Thằng Tùng phước nhỉ, có đồng đội che đạn, lại còn tặng cho cả vợ con”. Dù chỉ nghe thuật lại, nhưng ông Hiền ức, ông trút lên Hoa và Phong. Sau hôm ấy, ông thường xuyên khóa cổng, như một cách phản kháng. Bà Thanh hiểu trong lòng ông chỉ có một nút thắt duy nhất, đó là Minh.

Dịch COVID-19 tới Sài Gòn như một bước ngoặt, ngoài những mất mát, đau thương thì cũng là mảnh đất để tình yêu và sự sẻ chia nảy nở. Phong không may bị nhiễm bệnh, gia đình ông bà Hiền thành F1. Vào giai đoạn đầu của dịch, đây là một tin sốc. Phong phải vào khu điều trị cách ly. Hoa khóc như mưa, ông bà Hiền mắt đỏ hoe, không ai có thể hình dung được một đứa bé 9 tuổi sẽ vượt qua COVID-19 trong khu cách ly như thế nào. Bằng những mối quan hệ thân thiết và lý do hết sức thuyết phục, Tùng được các cơ quan chức năng đồng ý cho vào chăm sóc Phong. Sau 3 ngày thì Tùng cũng nhiễm bệnh và lên cơn sốt, nhưng may mắn là 2 bác cháu đã vượt qua và khỏe mạnh khi xuất viện.

Ngày đoàn tụ, cả nhà rươm rớm nước mắt khi Tùng dắt tay Phong bước ra khỏi chiếc xe chuyên chở bệnh nhân COVID-19. Họ thấy ở hai người một sự liên kết chặt chẽ, đó thật sự là tình yêu thương. Ông Hiền vồ đến, ôm chặt đứa cháu trai, ông sợ mất mát, tay ông run run, còn ráng chiều thì đỏ rực…

Một buổi sáng, có lẽ vì mệt mỏi, nên bà Thanh rời khỏi giường muộn hơn mọi ngày. Bà lần theo tiếng ồn của cu Phong, đi ra phía sau vườn. Ông Hiền đang đứng trên ghế cắt những cành bông giấy mọc lệch, để chúng trở thành một vòm hoa hoàn mĩ, đứa cháu đích tôn thì bận gom mớ cỏ dại mà ông đã nhổ ở các chậu cây. Ông nâng niu từng chùm hoa, vuốt ve từng chiếc lá… Đây là cảnh tượng bà Thanh chưa thấy bao giờ.

- Sao vườn nhà mình toàn hoa đỏ thế ông?

- Màu đỏ tượng trưng cho sự dũng cảm và hi sinh đấy cháu, ai yêu màu đỏ đều là những người dũng cảm.

- Vậy cháu cũng là người dũng cảm, ông ạ.

Bà Thanh mang nước cho 2 ông cháu, sắc diện và thần thái của ông Hiền hôm nay tràn đầy sức sống lạ thường. Dường như ông đã trút bỏ được nỗi ám ảnh bấy lâu của mình với những vòm hoa giấy, thì ra chăm sóc cây cảnh lại thú vị đến như vậy. Ông Hiền uống ngụm nước, có lẽ để lấy giọng nói với bà Thanh:

- Ngày mai bảo thằng Tùng sang giúp tôi dọn vườn...

Trời bất chợt nổi cơn gió nhẹ, đủ làm những bông hoa đỏ lăn đến rồi quấn lấy chân người. Ông Hiền nhìn cu Phong, bà Thanh nắm chặt tay ông Hiền. Nắng sớm xuyên qua vòm hoa giấy, soi rạng những mái đầu, dường như có người từ quá khứ trở về, hóa thành màu hoa đỏ, sáng nay…

Truyện ngắn của Trần Ngọc Mai
.
.