Hai mươi ngàn

Thứ Sáu, 10/11/2023, 13:20

Lão bị kìm kẹp ở giữa, lão cố trốn chạy nhưng chạy phía nào cũng bị tay sai của mấy con ngáo ộp chồm ra bắt lại. Bọn chúng dí tệp vé vào mặt lão thúc giục và cười cợt. Trong ánh sáng mờ ảo lão thấy những khuôn mặt lươn lẹo đang nhảy múa như những bóng ma, cái cổ to tướng của bọn chúng nhe hàm răng trắng trợt cạp phăm phắp vào mảng ký ức của lão, lão thấy từng mảnh thời gian vỡ ra rồi biến mất.

1. Sáng nay khi lão đang bằm chuối ném cho con lợn nái già và bầy con của nó nằm khoan khoái đủng đỉnh ăn dưới mái nhà sàn thì thấy vợ lết chiếc đòn gỗ loẹt xoẹt bước tới. Thấy vợ đến lão hốt vội đống chuối bào sẵn ném hết cho lũ lợn, lão nhìn vợ với tay lấy chiếc ấm trên bếp đã tắt ngúm từ lâu rót đầy một cốc nước rồi ngửa cổ uống cạn.

Sao nào? Bà có chuyện gì muốn kể với tôi à? Vợ lão ầm ừ một lát rồi nói. Ông à! Hôm nay đài thông báo ngoài huyện có tổ chức lễ hội gì vui lắm. Hình như ngày hôm nay công bố huyện mình giờ trở thành khu "du lịch Quốc gia" thì phải. Hay… ông ra đó chơi một chuyến nhé.

Nhìn mớ công việc còn ngổn ngang lão định gạt đi nhưng thấy thái độ hồ hởi của vợ lão lại im lặng chăm chú nghe bà nói. Vợ lão với đôi mắt lờ mờ, bàn chân trái cụt lên tận bắp vế huơ huơ cái gậy một cách hào hứng, ông đi nhé, hãy đi rồi nhớ cho kỹ rồi còn về kể cho tôi nghe nữa, gần 20 năm nay tôi chưa một lần ra đó chơi rồi còn gì!

Hai mươi ngàn -0
Minh họa: Lê Tiến Vượng

2. Từ khi bà bị một quả bom sót lại sau chiến tranh lấy đi gần như đôi mắt và chiếc chân trái lão trở thành điểm tựa của vợ. Vợ lão, ngày ấy là cô thanh niên xung phong xinh đẹp với bao nhiêu lần cõng đồ tiếp tế cho du kích, cả ngàn lần san lấp hố bom, chạy lướt qua bao họng súng và bom mìn mà chiến tranh không thể nào khuất phục được. Vậy mà sau khi chiến tranh kết thúc cả chục năm, vợ chồng lão lấy nhau, cứ ngỡ cuộc sống sẽ êm đềm trên bản làng vốn dĩ như bao cặp đôi khác thì một điều không may đã xảy ra.

Lão nhớ như in buổi chiều hôm đó trời vàng quạch một màu quái dị và ngột ngạt. Hai vợ chồng đang cặm cụi cuốc xới trên mảnh rẫy khô khốc trên đỉnh đồi, vợ lão đang cố gắng nhổ một bụi sắn già lâu năm, từng củ sắn trồi lên như những con trăn cuộn thít lấy mặt đất một cách lỳ lợm. Sau khi cúi gập người để nhổ, từng thớ đất khẽ nứt toác ra nhường chỗ cho những củ sắn mỡ màng sau bao tháng ngày ẩn mình ngấu nghiến những dưỡng hàm trong đất.

Chợt bụi sắn khựng lại cứng ngắc như mắc một vật gì níu lấy không tài nào nhổ được, vợ lão cúi xuống moi đất bỗng nhiên mặt rúm lại xám ngắt. Cái lạnh lẽo tanh tưởi này đã quá quen thuộc đối với một nữ thanh niên rà phá bom mìn. Nhìn thấy vợ đứng im trân trối lão định chạy lại để giúp sức thì vợ lão chợt hét lên:

- Mình đừng lại đây! Đừng…

 Kèm theo đó là một tiếng nổ bùm chát chúa dội lên, lão hoa mắt ù tai và gục xuống. Trong cảm giác lờ mờ đó lão nhìn thấy một hình ảnh nhỏ bé quen thuộc bay lơ lửng trong không trung. Hôm sau lão tỉnh dậy với cái đầu đau nhức nhưng còn vợ lão, lão nhìn quanh quất không thấy vợ đâu. Cô y tá vội nói vợ lão bị nặng lắm đã chuyển cấp cứu lên tuyến tỉnh rồi, nhờ phát hiện kịp thời đã giữ được tính mạng, nhưng...

Lão cúi xuống giấu vội giọt nước mắt sắp đùn ra trên khuôn mặt khắc khổ. Lão hiểu lắm chứ, vợ lão thính tai lắm, lão không muốn làm vợ phải buồn mà cho dù có muốn cũng không được phép. Lão thầm nghĩ, được rồi lão sẽ đi một chuyến, lão muốn chứng kiến cái tuổi thơ nhọc nhằn đến những tháng năm máu lửa và cả hồi ức đẹp đẽ về mảnh đất lão đang sống.

3. Sau khi dọn dẹp mọi thứ tươm tất và cơm nước đầy đủ cho vợ, lão quyết định đi ra huyện một chuyến, chọn cho mình tấm áo thổ cẩm đẹp nhất. Trưa đứng bóng. Cái nắng hanh hao gay gắt của mùa hè xé toạc cả những tán lá cây dày dặn. Ông mặt trời thỏa sức phả cái nóng khó chịu lên đầu lũ người đang nhôn nhao trẩy hội. Trên mặt đường bê tông xuất hiện ảo ảnh khi luồng khí nóng chui ra rồi bốc hơi loang loáng, khiến đôi mắt chập chờn đom đóm như bị xông hơi.

Hôm nay không biết dòng người ở đâu kéo về đông nghịt, hàng trăm chiếc xe ôtô, xe máy đua nhau chạy khiến khói bụi cuộn lên từng đống bụi mịt mù. Lão hoảng hốt tay run rẩy nắm chặt cây gậy. Thỉnh thoảng lại giật bắn mình vì những tiếng còi xe và tiếng chửi rủa lầm bầm của những tên tài xế thò đầu ra cửa kính nạt nộ, tấm thân gầy gò liêu xiêu khiến lão chực ngã.

Lão bặm môi lại, bàn chân trần gân guốc đen trũi với những ngón chân nứt nẻ bám chặt vào mép đường, chiếc áo thổ cẩm màu đen có thêu những dòng hoa văn còn mới tinh mặc từ lúc sáng giờ đã loang lổ bụi đất, mồ hôi trộn với khói bụi tạo thành những đường vằn vện trên cổ và mặt. Lấy ống tay áo lau vội những giọt mồ hôi cay xè chực tràn vào mắt lão bước thấp, bước cao một cách cặm cụi, nắng quá thì nép vào rừng thông ven đường nghỉ tạm, khát thì lấy ống nước lồ ô ra uống.

Cuối cùng cũng tới nơi. Tiếng thác nước quen thuộc hiện ra, lão cảm nhận được tiếng cười giòn giã hào sảng của nó, tuy không còn âm vang mạnh mẽ như ngày xưa nhưng đúng là nó rồi. Con thác nhỏ nhắn như réo gọi mời mọc cố nhân tìm về sau bao năm xa cách. Lão sướng lắm, lão lập cập chen vào dòng người lũ lượt cũng đang chen chúc nhau vào con thác.

- Hai mươi ngàn!

Lão ngơ ngác nhìn quanh quất.

- Ông già nhìn gì vậy? Mua vé ở đây nè.

Ông già ơi vé vào cổng hai mươi ngàn. Ờ giờ thì lão đã rõ, cậu thanh niên xòe tay vung vẩy tệp vé vào cổng trước mặt lão hỏi. Lão lắp bắp... tui chỉ vào xem thôi ạ. Không được ông ơi, phải mua vé mới được vào. Lão rờ túi, lão làm gì có tiền mà rờ rẫm. Trong túi chỉ có ít cơm nếp nương nguội ngắt, dăm miếng thịt chuột cong queo bọc trong mấy lớp lá chuối và chai nước đựng trong ống lồ ô. Không có à? Không có vé thì ông đi ra đi ạ. Nhanh!  Đi ra! - Cậu thanh niên đưa bàn tay ấn lão sang một bên rồi nhanh nhảu bán vé cho hàng người tấp nập phía sau. Tiếng người, tiếng còi xe oang oang ép lão co rúm vào mép đường.

À. Phải có tiền mới mua vé được. Lão hiểu rồi. Cái nơi ngày xưa lão theo cha săn bắn, làm rẫy, cùng cha vùng vẫy trong con thác sau những chiều bẫy thú giờ không thể tự do vào được nữa. Lão nhắm mắt tưởng tượng về con thác, về những bậc thang bằng đất mà lão đẽo gọt, thời trai trẻ cùng bạn bè vui chơi hái tìm quả mọng, đốt lửa nướng thịt thú rừng trong những đêm trăng lễ hội mùa màng.

Lão tò mò cố nhòm người nhìn qua khe cổng, ở trong đó đoàn người đang ăn uống nhồm nhoàm, những gương mặt núng nính đỏ ửng vì bia rượu, cái miệng bóng nhẫy mỡ gà, các cặp đôi trai gái xinh đẹp đủ mọi tư thế đang xúm xít quanh thác nước, hồ cá, vườn hoa. Những cái điện thoại tham lam đang nuốt trọn mọi khoảnh khắc của cái đẹp giả tạo được con người tô vẽ diêm dúa. Hai bên đường dẫn vào con thác hàng cây sim, dẻ vàng và cây đỗ quyên sần sùi bị nhổ bỏ và được trồng thay thế những cây hoa lạ hoắc mà từ trước tới nay lão chưa từng thấy, có mấy đứa trẻ leo trên lưng con nai làm từ xi măng cứng ngắc đang khóc lóc vùng vằng sợ hãi, cái cảnh nhốn nháo này làm cái đầu lão râm ran khó chịu. Cái niềm hân hoan nhìn ngắm để về kể lại cho người vợ ở nhà tan biến. Không vào được lão buồn lắm. Lão thở dài…

Không sao, lão nghĩ, ta vẫn còn nhiều thứ để kể cho bà ấy mà. À! ta sẽ tìm cái hồ đó, ta sẽ kể cho bà ấy về nơi đầu tiên lão hẹn hò, yêu đương, về những cây dẻ cổ thụ, phiến đá, và cái nắm tay quyết liệt khi lão cố gắng đổ giỏ hạt giẻ vào giỏ của người sau này thành vợ lão. Ta sẽ kể cho bà ấy cái hồ nước mà buổi chiều năm đó sau khi tắm táp bà đổ ập vào ta thế nào. Mái tóc mùi hương dẻ thoang thoảng của vợ rịt vào khối cơ bắp căng tròn của lão. Lão tủm tỉm cười tưởng tượng ra khuôn mặt rạng rỡ của vợ, lão lầm lũi bước.

Đây rồi đường vào quen thuộc quá, có vẻ mùi hương cây săng rừng, mùi hương hoa dẻ đã nhạt nhẽo hơn xưa, không còn nghe thấy tiếng chim cu gáy, bìm bịp đuổi bắt nhau nhởn nhơ bay qua mặt người không sợ hãi, những ngôi nhà lớn, trang hoàng đầy màu sắc gấp nhiều lần cái nhà sàn của lão đan kín con đường lão đi, mùi những cây thông mà lão đã từng trồng cũng đậm đặc hơi người hơn, đâu đó một số cây rất lớn còn bị chặt trơ lại gốc, nhựa ộc ra vón thành từng cục. Lão khựng người, nhưng sao thế này. Cái nơi lão đi ngày xưa đã bị bít kín, phiến đá hình mặt trăng và hàng sim mua rực rỡ màu hồng nhạt không còn nữa thay vào đó là một mảng bê tông sơn dòng chữ vàng chóe, lũ người lần lượt đi qua. Lần này lão cũng cố chui qua theo sau hàng người đó.

- Vé... hai mươi ngàn?

- Ơ... tôi!

- Ơ gì? Không có đi ra!

- Lại tiền à?

- Lại không được vào à? Lão nói như mếu.

Lần này lão đã bớt ngạc nhiên hơn. Lão lần vào túi như bản năng, nước mắt hậc lên, sống mũi cay xè. Giá như lúc sáng lão chịu cầm mấy đồng tiền cuối cùng của vợ đưa cho. Lão đã lắc đầu từ chối. Bà để mua thêm ít thịt. Chiều nay có xe ở dưới xuôi lên đó. Lão cười chỉ vào túi thức ăn, thế này được rồi, tôi chỉ nhìn ngắm những kỷ niệm, ký ức thôi mà không phải mất tiền đâu? Vậy mà giờ đây…

Lão khụy xuống, một nỗi cay đắng tủi hổ đan xen, chiếc gậy rung lật bật trong tay. Ta phải kể với bà ấy thế nào đây... lão nghĩ lẩm nhẩm... Lão quay cuồng... chẳng lẽ tất cả những gì thuộc về ngày xưa của lão, lão phải mua ư, lão chỉ muốn nhìn ngắm thôi mà, lão làm gì có tiền.... đầu lão quay cuồng, lão cố lục lọi trong trí nhớ xem còn chút kỷ niệm nào miễn phí nữa không... ờ… ta còn gì không nhỉ, sao lại như thế này. Lão mơ hồ, ồ chắc chắn vẫn còn, ừ nhỉ cái nhà sàn đó, cái hồ đó. Đúng rồi, cái nơi lần đầu tiên lão tập bơi cho đứa con trai bé bỏng vắn số, nơi lão săn được con nai đầu tiên, nơi đó... lão nhớ ra rồi cái hồ nước lớn có cái nhà sàn ngạo nghễ đó. Lão đứng phắt dậy bước đi một cách phấn khởi. Chỉ cần đến đó cũng được rồi. Chỉ cần đến đó cũng đủ kể cho vợ lão nhớ về "thiên đường kỷ niệm của lão".

Đây rồi, nó kia rồi, ôi đẹp quá, nước trong xanh quá, cái gì đỏ đỏ vàng vàng kia? Hoa à? Kệ hoa gì cũng được. Ngựa à? Ngựa cũng vui. Mùi gì thơm quá. À gà nướng, à cơm nướng ống tre, người ở đâu đông quá, chen chúc nhau, uốn éo đủ kiểu. Một chiếc cầu cong cong sơn xanh đỏ đi qua, hay nhỉ, lạ thật. Gì cũng được miễn không mất tiền. Lão nghĩ. Lão muốn chạy một vòng quanh hồ cho mọi buồn bực trong ngày tan biến, cho mọi day dứt kìm nén và sự ngạc nhiên về thay đổi cái nơi người ta gọi là truyền thuyết này.

- Đứng lại.

- Một giọng ồm ồm vang lên. Lão suýt ngã.

- Hai mươi ngàn!

Lão thần mặt ra. Nhìn kỹ mới thấy có cái cổng nhỏ trên chiếc cầu chắn mất lối vào.

- Muốn vào hai mươi ngàn nha bố già - Gã canh cổng với chiếc mũ sùm sụp gằn lên.

- Cái gì xảy ra thế này? - Lão rón rén lùi lại...

Lần này thì lão sợ thật sự.

Trời ơi. Cái nơi bập bẹ đầu tiên, cái tuổi trẻ rồi tới cái trưởng thành của lão. Lão phải trả tiền để mua ký ức ư. Lão sụp xuống, khuôn mặt khắc khổ của lão dúm lại, những vết nhăn sâu hoắm chằng chịt đan kịt lại, đôi mắt đục ngầu vì bụi và sự tủi nhục, lão ôm mặt nức nở. Lão sợ, lão hoảng hốt. Dòng người vẫn vô tư ăn cơm lam nhai gà nướng, từng xâu thịt xé ra chạy tuột vào những khuôn miệng đỏ chót xinh đẹp, mặc kệ. Chả ai thèm quan tâm đến lão.

Chẳng ai biết đến lão đang nghĩ gì, chẳng ai muốn biết vợ lão cần gì. Không gian ngưng bặt xung quanh lão. Ánh chớp sáng loang loáng bắn vào mặt lão, chói lóa và chập chờn, chói lóa và ma quái. Tạch - Tạch- Tạch. Lão nghĩ hay lão đang mơ, mà hóa ra lão mơ thật. Lão thấy lũ đầu trâu mặt ngựa và mấy con ngáo ộp đang uống rượu với nhau, lão nhìn thấy những cái bắt tay giật giật, lão thấy thằng đầu trâu đang đưa vật gì đó vuông vuông cho ngáo ộp. Lão thấy ngáo ộp nựng yêu vào mặt đầu trâu, thằng mặt ngựa xun xoe vỗ tay hỉ hả lắm.

Lão thấy những ngón tay bọn chúng vẽ vòng tròn chỉ trỏ trong không khí, như muốn khoát những khoảnh rừng, con suối hốt vào, hốt vào như chính bọn nó là chủ sở hữu, còn lão - chủ thể thực sự đang thoi thóp ở đây. Lão thấy ba đến bốn con ngáo ộp to nhỏ đeo những chiếc mề đay đang ngoạm lấy những miếng rừng xanh ngắt, những con suối trong veo, những mảnh đất mỡ màng, ngay cả ánh trăng bàng bạc ngày rằm hắt bóng xuống dòng sông lờ lững cũng bị chúng cố gắng nuốt.

Lão bị kìm kẹp ở giữa, lão cố trốn chạy nhưng chạy phía nào cũng bị tay sai của mấy con ngáo ộp chồm ra bắt lại. Bọn chúng dí tệp vé vào mặt lão thúc giục và cười cợt. Trong ánh sáng mờ ảo lão thấy những khuôn mặt lươn lẹo đang nhảy múa như những bóng ma, cái cổ to tướng của bọn chúng nhe hàm răng trắng trợt cạp phăm phắp vào mảng ký ức của lão, lão thấy từng mảnh thời gian vỡ ra rồi biến mất.

Lão thấy ký ức của lão bị xé vụn, lão thấy thánh địa thiêng liêng mà lão gây dựng bấy lâu nay bị người ta rọc nát, chẻ nhỏ, chia chác. Chợt lão nhận ra hình như nơi đây không còn thuộc về mình nữa hay là mình không thuộc về nơi đây. Lão vừa tủi, vừa đau, vừa căm hận, vừa sợ hãi. Lão không biết mình nên đứng yên hay chạy trốn.

Bần thần một lúc bỗng lão chợt giật mình khi nghe tiếng cười nói bên tai.

- Tạch - Tạch - Tạch!

- Ha ha! Cảm ơn lão nha. Mấy bức hình thật đẹp!

Lão ngơ ngác nhìn đám người đang chỉ trỏ vào mình.

- Không biết có chuyện gì mà khuôn mặt lão biểu cảm rất lạ nhé. Tôi đã chụp được những tấm hình để đời. Nhất định sẽ được giải quốc tế.

Bọn bạn của gã nhiếp ảnh hùa vào. Thần thái thật. Quá đẹp! Những gam màu nóng lạnh, những khoảng sáng tối, những đường nét gân guốc trên khuôn mặt, mạch máu như sôi trên chiếc trán cam chịu. Ôi nhìn xem đôi mắt lão nè vừa muốn phản kháng vừa sợ hãi, chao ôi nước mắt, nước mũi dưới ánh mặt trời thật ám ảnh... Không chừng đoạt giải Pulitzer cũng nên!

- Hôm nay may mắn thật ha ha!

- Tuyệt vời. Cảm ơn lão nha!

Lão ngước mắt lên đờ đẫn nhìn chiếc máy ảnh đang còn chĩa thẳng vào mặt lão. Gã nhiếp ảnh xoay người định đi.

- Không! Đứng lại. Lão gầm lên! Tiền. Tôi muốn anh phải trả tiền cho những bức ảnh đó!

Gã nhiếp ảnh ngẩn người... Bao nhiêu người đang nhốn nháo bỗng quay lại nhìn lão. Kệ... lão gằn từng tiếng...Tiền!

Đám người cười sặc sụa.

- À phải rồi lão đòi tiền công!

- Đúng. Tiền công?

- Lão đòi bao nhiêu?

Thái dương lão giật giật, tai lão ù ù như tiếng bom nổ. Mắt lão đỏ như máu vợ lão bắn lên không trung năm đó.

T...I...Ề...N...

Gã nhiếp ảnh rút ra một đồng bạc, đồng tiền lớn nhất của lão đây. Sướng chưa?

Lão không nói đưa tay chộp lấy đồng bạc và bóp chặt.

- Ha ha ghê chưa, ghê chưa. Gã nhiếp ảnh cười quay lại nói với đám bạn. Nhìn hiền lành chân chất vậy chứ biết làm tiền cả đấy.

- Toàn là cao thủ giả vờ thôi nhỉ... Bọn bạn hùa theo.

Lão không nói, lão tiến đến sát cổng giơ tờ giấy bạc gầm lên.

- Mở cửa...!

Gã gác cổng lớ ngớ và run rẩy.

- Dạ...dạ. Kính mời quý khách.

4. Trên đường về, lão sắp xếp trong đầu mình những câu chuyện sẽ kể cho vợ. Nhưng, có một câu chuyện khiến lão đắn đo. Kể hay không?

Truyện ngắn của Nguyễn Đức Hưng
.
.