Góc trời xô lệch
Đúng như đã hẹn, ngày ấy, Hòa một thân một mình bước lên tàu đến làng Vịnh Xá thăm người yêu. Lần đầu tiên đi tàu, mọi thứ đều lạ lẫm với cô. Hòa như một nàng công chúa kiều diễm lạc vào thế giới cổ tích tình yêu đầy ngọt ngào. Cô ngơ ngác tìm chỗ ngồi của mình rồi khẽ nhắm mắt, đắm chìm trong tiếng "xình xịch" như đang lắng nghe một nghệ sĩ khơi lên giai điệu violon đầy du dương của bản giao hưởng tình yêu đầy lãng mạn được viết riêng cho cô và Hợp.
Tia nắng ấm áp xuyên qua ô cửa sổ nhỏ, loáng thoáng lúc ẩn lúc hiện trước mặt Thanh như đang trổ tài thực hiện những bước nhảy điêu luyện, lả lướt của điệu samba đầy lãng mạn với đóa hoa thủy tiên được đặt ngay chính giữa chiếc bàn gỗ trên toa tàu. Trái tim nhỏ bé của Thanh reo vui, rung lên từng nhịp rộn ràng hòa vào âm thanh "xình xịch" phát ra theo từng vòng quay bánh xe của con tàu. Thanh khẽ vuốt những lọn tóc xoăn tít, bồng bềnh như những cục kẹo bông gòn của mình. Cô chống cằm, ngước nhìn cảnh vật bên ngoài ô cửa, khẽ nở nụ cười mỉm. Bên ngoài ô cửa trong suốt bé nhỏ, lướt qua trước mắt Thanh là bức tranh khung cảnh làng quê đầy tươi đẹp với những ngôi nhà ba gian, mái ngói đỏ thắm nằm rải rác bên cạnh những cánh đồng xanh rì, thơm phức mùi mạ non.
Thanh đang yêu. Đối với người con gái, khi họ đã say đắm trong tình yêu thì hệt như những chú ong thợ chăm chỉ mê đắm, khám phá thứ mật ngọt lịm từ đóa hoa tình đầy kì bí. Trước mặt Thanh, mọi cảnh vật xung quanh bỗng chốc trở nên vui tươi, xinh đẹp một cách lạ lùng. Thậm chí, ngay cả tô mỳ tôm khô khốc, thường ngày cô nàng đã chán ngán đến tận cổ họng nhưng nay cũng đột nhiên trở thành mỹ vị trần gian khi thêm vào một chút hạt nêm tình yêu. Thanh gắp một đũa mỳ rồi khẽ lắc lư đầu, nghêu ngao theo bài hát đang phát ra trên điện thoại: "Ôi tình yêu! Tình yêu đẹp lắm ai ơi. Những dòng thư tay viết vội, những lời ngây ngô đầu môi".
Nhìn thấy thái độ hồn nhiên vô tư của con gái, bà Hòa nói đùa:
- Này! Chuyến này về làng Vịnh Xá là để bàn chuyện cưới hỏi cho cô đấy nhá! Lớn rồi mà y con nít như vậy sao mà cưới chồng hả con?
Thanh soi gương rồi dặm lại lớp son môi bị phai màu:
- Đâu phải con nít đâu mẹ! Cái này gọi là yêu đời đấy chứ! Con nghe nói cưới chồng xong rồi thì không còn những ngày tháng vui tươi nữa mà phải dành trọn thời gian cho gia đình. Do đó, còn độc thân ngày nào thì phải vui cho hết ngày đó chứ mẹ!
Nghe Thanh lý luận, bà Hòa lắc đầu:
- Thôi đi cô ơi! Cô nhà tôi phải trưởng thành lên đi!
Bà Hòa căn dặn:
- Chút nữa đến nhà người ta, ráng ăn nói cho chững chạc vào! Đừng có nhí nha nhí nhố thì người ta cười vô mặt cho đấy!
Thanh miễn cưỡng vòng tay ra vẻ vâng lời:
- Dạ! Con biết rồi mà!
Đã hơn 20 năm trôi qua nhưng mỗi khi nghe nhắc đến ngôi làng ấy, bà ám ảnh vô cùng. Làng Vịnh Xá đã đem đến cho bà một niềm đau giấu kín không bao ngờ nguôi ngoai. Bà Hòa sợ làng Vịnh Xá. Bà còn sợ cả những con người ở đấy nữa. Khi nghe tin Thanh đang quen một cậu con trai ở cái làng ấy, bà đã tìm mọi cách ra sức cấm cản nhưng đều bất thành. Cô nàng đã quá say đắm trong tình yêu nên bà Hòa càng tìm cách cấm cản thì chuyện tình cảm của Thanh càng tiến triển nhanh hơn. Nghĩ đến cảnh Thanh lao vào tình yêu nồng cháy như một con thiêu thân đang lao mình vào đám lửa hừng hực mà không thiết nghĩ đến bản thân, bà Hòa đâm lo lắng. Nhiều đêm liền bà thức trắng, trằn trọc, mất ngủ.
Dường như, nỗi sợ hãi ấy cứ bám dính lấy tâm trí của bà như một con đỉa to lớn, đen lòm đang cắm chặt những chiếc răng nhọn vào thùy thái dương của bộ não gây ra nỗi đau kéo dài dai dẳng trong suốt cuộc đời bà. Trông thấy Thanh sắp lấy được tấm chồng như ý nguyện của con bé, bà Hòa tuy vui mừng nhưng trong lòng lại chất chứa nỗi lo lắng khôn nguôi. Trước đây, bà cũng từng là một người con gái đáng yêu, hồn nhiên, vô tư, vô lo hệt như Thanh bây giờ. Nhưng chính cái làng Vịnh Xá ấy đã mang lại nỗi đau giày xéo tâm can bà suốt hơn 20 năm qua. Bà đâm ra lo sợ rằng chính Thanh cũng sẽ có kết quả như bà khi dính líu đến ngôi làng oái ăm này. Trái ngược với sự phấn khởi đang khơi dậy rộn ràng như đóa hoa xuân nở rộ trong lòng của Thanh, ruột gan bà Hòa cứ nóng bừng như lửa đốt. Bà ngồi bần thần, hướng mắt ra ngoài ô cửa nhìn cảnh vật quen thuộc của làng Vịnh Xá lướt nhanh qua mắt, hai ngón tay cái bấm chặt vào nhau, lòng thầm nghĩ: "Giá như bé Thanh quen người ở nơi khác thì hay biết mấy! Tại sao lại bám dính lấy cái làng này vậy trời!".
Bất chợt, Thanh níu tay khiến bà Hòa giật nảy mình:
- Trời! Cái con bé này! Làm gì vậy con?
Thấy thái độ của bà Hòa, Thanh phì cười:
- Mẹ làm gì mà thơ thẩn dữ vậy! Bộ thấy chú đẹp trai nào lướt qua hả mẹ?!... Tàu đến ga nãy chừ rồi mà còn chưa xuống nữa! Xuống tàu thôi mẹ ơi!
Bà Hòa ngạc nhiên:
- Ủa? Tàu đến rồi à!
Nói xong, bà đứng dậy, lật đật lấy vali rồi khệ nệ bê chiếc thùng xốp bên trong đựng dăm kí-lô hải sản làm quà gặp mặt được bà cẩn thận để trong ngăn hành lý lúc mới lên tàu. Nhìn thấy bộ dạng vội vàng, luýnh quýnh như gà mắc tóc của bà, Thanh trêu đùa:
- Ôi! Kiểu này chắc lo lắng không biết đi thăm nhà phải nói gì với người ta đây nè! Thôi được rồi! Mẹ để con phụ cho.
Bà Hòa và Thanh rời ga tàu, bắt xe đến thôn Lâm An Đông.
Thanh đề nghị:
- Đoạn từ ga đến thôn khá xa. Hay là mẹ con mình đi xe buýt cho đỡ tốn chi phí mẹ nhỉ!
Nghe lời đề nghị của Thanh, bà Hòa gật đầu đồng ý. Tuy nhiên, khi vừa nhìn thấy khung cảnh nơi trạm xe buýt, bà Hòa bỗng chóng mặt dữ dội. Một tay bà ôm đầu, một tay bà nắm chặt lấy tay của Thanh.
- Sao mẹ đau đầu quá con ơi! - Dứt lời, bà Hòa ngã quỵ xuống mặt đường nóng bỏng. Tất cả cảnh vật bỗng trở nên mờ ảo, ký ức ngày xưa chợt ùa về trước mắt bà.
*
Ngày trước, bà Hòa từng là một cô giáo viên xinh đẹp.
Trong một lần trên đường đến trường để giảng dạy như thường ngày, xe của Hòa không may bị hỏng, chính Hợp là người đã chở cô đến lớp. Đấy là lần đầu tiên cô tình cờ gặp Hợp và nhanh chóng bị thu hút bởi vóc dáng cao to cùng khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú của anh. Cả hai thường xuyên trò chuyện, giữ liên lạc với nhau qua những buổi hẹn hò cà phê, ăn uống. Vốn cùng chung sở thích và có nhiều điểm tương đồng nên Hòa và Hợp cũng bắt đầu yêu nhau từ lúc nào không hay.
Một thời gian sau, Hợp được điều động công tác về quê nhà tại Vịnh Xá. Khi hay tin, Hòa rất mừng cho Hợp nhưng trong lòng cô canh cánh bao niềm lo lắng về tương lai mù mịt của tình yêu đôi lứa. Dù vậy, nhưng Hòa luôn tỏ vẻ vui tươi, lạc quan. Cô tựa đầu vào vai anh:
- Cuối cùng sau bao ngày xa cách gia đình, anh cũng được về nhận công tác tại quê nhà như mong muốn rồi nhé!
Dường như, với giác quan thứ 6 nhạy bén, Hợp nhìn thấu những suy nghĩ trên khuôn mặt của cô. Anh ôm cô vào lòng và lên tiếng về việc cưới hỏi:
- Mình cưới nhau đi em! Dẫu sao chúng mình cũng xác định với nhau rồi! Em tình nguyện về quê nhà anh làm dâu hiền dâu thảo nha em!
Nghe Hợp nói, Hòa e thẹn gật đầu:
- Dạ! Em cũng mong tình yêu chúng ta có kết quả tốt đẹp.
Hợp nói tiếp:
- Tuần sau, anh phải nhận công tác tại đơn vị mới rồi. Cuối tuần sau, anh đặt vé tàu mời em ra quê anh chơi một chuyến cho biết nhé!
Nói là làm ngay, Hợp liền đạp xe thẳng ra ga tàu mua liền một vé để Hòa ra thăm quê anh.
Đúng như đã hẹn, ngày ấy, Hòa một thân một mình bước lên tàu đến làng Vịnh Xá thăm người yêu. Lần đầu tiên đi tàu, mọi thứ đều lạ lẫm với cô. Hòa như một nàng công chúa kiều diễm lạc vào thế giới cổ tích tình yêu đầy ngọt ngào. Cô ngơ ngác tìm chỗ ngồi của mình rồi khẽ nhắm mắt, đắm chìm trong tiếng "xình xịch" như đang lắng nghe một nghệ sĩ khơi lên giai điệu violon đầy du dương của bản giao hưởng tình yêu đầy lãng mạn được viết riêng cho cô và Hợp.
Thấm thoát đã một ngày trôi qua nhưng đối với cô như chỉ vừa mất vài giây ngắn ngủi. Cuối cùng, tàu đã đến ga. Hòa bước xuống ga với đôi mắt long lanh, mong chờ chàng bạch mã hoàng tử của mình xuất hiện, chạy đến bên cô như những lời kể trong những cuốn truyện tình cảm lãng mạn mà cô thường đọc trong thư viện nhà trường thời còn là sinh viên sư phạm. Không phụ lòng mong mỏi của cô, Hợp đã đợi từ trước. Nhìn thấy Hòa, anh lao như bay đến, ôm chặt lấy cô:
- Cuối cùng em cũng đến rồi! Anh đã đợi ở ga cả ngày trời rồi đấy!
Hòa đỏ ửng mặt. Cô tựa vào vai người yêu e thẹn.
Tiệm bánh canh với vài bộ bàn gỗ và dăm chiếc ghế đẩu được bà chủ bày bán ngay trên đường ray tàu lửa chạy qua nên được mọi người đặt cho cái tên khá lạ lùng "bánh canh đường ray". Điểm đặc trưng của quán là mỗi khi tàu hú còi báo hiệu sắp chạy ngang thì mọi người đều đứng dậy, nhanh chóng phụ nhau khiêng bàn ghế nép sát qua một bên cho đến khi tàu qua hẳn thì mới bày ra lại.
Tô bánh canh thơm nức mũi nhưng Hòa và Hợp không mảy may để ý đến. Hai người họ cứ mải mê chuyện trò, tâm sự với nhau về cuộc sống thường nhặt đến khi ngoảnh lại thì 2 tô bánh canh đã nguội ngắt. Cả hai đành nhìn nhau cười xuề rồi ăn vội vài miếng để tạm lót cái bụng trống rỗng trước khi lên đường về nhà Hợp.
Sau khi ăn xong, Hợp dắt Hòa đến trạm xe buýt gần ga tàu để đợi bắt xe về nhà. Đang ngồi tình tứ bên nhau, bỗng chuông điện thoại của Hợp vang lên. Anh lấy trong túi ra chiếc điện thoại to bằng một thẻ gạch đỏ với cây ăng-ten dài ngoằng
- Alo ạ!
Bên kia đầu dây, giọng của anh Đội trưởng đơn vị nơi Hòa công tác vang lên:
- Này Hợp! Trung tâm chỉ huy vừa nhận được tin báo khu vực đèo núi Lĩnh ngay gần ga có một nam thanh niên lái xe máy tông vào thanh chắn và rơi xuống vách núi, cậu cùng mấy anh em qua gấp bên đấy xem thế nào báo lại tôi ngay!
Ngay lập tức, Hợp quay qua nói với Hòa:
- Chết rồi! Anh có việc gấp của đơn vị gọi và phải đi ngay, em đợi anh ngay quán cà phê ở trạm xe buýt nha! Xong việc, anh sẽ quay lại ngay.
Nói xong, không đợi Hòa kịp phản ứng, Hợp vội vã rời chạy bộ về phía trụ sở Công an huyện gần ga tàu. Ánh mắt cô dõi theo anh trong sự ngỡ ngàng xen lẫn chút tuyệt vọng.
Thời điểm lúc ấy, điện thoại là một món hàng không đến mức xa xỉ nhưng đối với những người có mức thu nhập vừa đủ sống như Hòa thì chỉ là điều mơ ước xa xôi. Không điện thoại, không mối quan hệ, Hòa không thể liên lạc với anh. Nhằm tiết kiệm số tiền mang theo, cô cũng không vào quán cà phê mà ngồi thẫn thờ chờ đợi tại trạm xe buýt. Lúc bấy giờ, bao cảm xúc tiêu cực như một vũng lầy tăm tối dần dần nuốt chửng tâm hồn mỏng manh của cô. Hòa ngước nhìn khung cảnh trước mắt cứ chầm chậm, lặng lẽ trôi qua trong vô vọng. Từ khi dòng người tập trung đông đúc, buôn bán nhộn nhịp nơi ga tàu đến khi tất cả ngôi nhà xung quanh ga tàu đều đóng cửa, tắt điện tối om. Lúc này, cái bóng đen kinh hãi kia đã há miệng nuốt chửng lấy cô gái Hòa nhỏ bé. Trong bóng đêm mịt mờ, Hòa bật khóc. Cổ họng cô nghẹn đắng, giọng run run, Hòa tự trách bản thân:
- Tại sao mình lại nghe lời anh ta ra đây để rồi bị anh ấy bỏ rơi nơi trạm xe vắng vẻ này chứ! Mình thật ngốc quá đi!
Tối ấy, Hòa một mình lủi thủi nơi ga tàu lạnh lẽo. Phía con đường tăm tối trước mặt, chỉ có lũ chuột cống gặm nhấm ổ bánh mỳ dịu quặt với những vết răng cắn đầy nham nhở dưới đất làm bạn, đồng hành cùng với cô. Hòa ngồi co ro trong bóng tối với cái bụng đói cồn cào đang réo lên òng ọc. Có lẽ, chỉ có nước mắt mới có thể xoa dịu cô lúc này. Nghĩ vậy, cô lại khóc.
Lẽ ra, Hòa đang định mang món quà bất ngờ đến cho Hợp rằng cô đã mang thai được 2 tháng nhưng đối diện với sự thật như một tảng đá lớn đè bẹp, vùi dập lấy đóa hoa tình yêu đang hé nở đầy rực rỡ của cô khiến tâm trạng của một người con gái đầy hồn nhiên, vô tư tựa một tờ giấy trắng tinh khôi như Hòa bỗng chốc vỡ vụn thành từng mảnh và bị cơn gió vô tình cuốn đi mất.
Cô đặt tay lên bụng, buồn bã nói:
- Con ơi! Ba bỏ mẹ con mình rồi con ơi! Mẹ xin lỗi con! Mẹ sẽ tự tay nuôi nấng con thành người!
*
Bất chợt, bà Hòa tỉnh dậy trong vòng tay của Thanh. Đầu óc bà quay cuồng trong tiền thức u ám. Thấy bà ôm đầu mệt mỏi, Thanh sốt sắng hỏi thăm:
- Mẹ ơi! Mẹ có sao không? Mẹ bị gì mà ngất xỉu khiến con lo quá!
Bà Hòa nói lảng sang chuyện khác với giọng yếu ớt:
- Mẹ không sao đâu con! Trời nắng quá mẹ chỉ bị chóng mặt chút thôi! Bây giờ, mẹ đã khỏe lại nhiều rồi!
Bà gượng người dậy, nói tiếp:
- Nãy thấy con nói đi xe buýt mẹ cũng ừ nhưng mà nghĩ lại thì mình đã ra tới đây rồi thôi thì đi grab hay taxi gì đi con! Đi xe buýt chi cho nó cực mà trời lại nắng nóng nữa!
Nghe bà Hòa nói, Thanh đồng ý nghe theo:
- Dạ! Vậy thôi con bắt grab cho mẹ con mình đi nha! Nhà anh Tú cũng cách đây không xa!
Một lát sau, cả hai lên xe ô tô đến nhà của Tú, người yêu của Thanh. Ngồi trên xe ô tô, thấy Thanh bấm gọi cho Tú liên hồi mà vẫn không liên lạc được, bà Hòa nóng hầm trong lòng. Vì lo sợ cho con gái nên cả quãng đường di chuyển, tim bà cứ đập thình thịch, chân tay run cầm cập. Mặc dù, tài xế đã bật điều hòa nhưng trên trán bà Hòa, mồ hôi tuôn ra ướt đẫm, lạnh tanh. Mãi cho đến khi bước xuống xe, vào đến nhà của Tú, bà Hòa mới thực sự an tâm.
Vừa bước xuống xe, Tú liền chạy ra đón. Trước mặt bà Hòa là một anh chàng điển trai với khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú cùng vóc dáng cao, to trong bộ đồ quần tây, sơ-vin đầy lịch lãm. Vừa mới gặp mặt, Tú đã vội vàng cúi đầu xin lỗi:
- Cho cháu xin lỗi cô và em ạ! Cháu sơ suất làm rơi, vỡ màn hình điện thoại nên dù thấy cuộc gọi của Thanh nhưng không tài nào bấm nghe máy được!
Tú nói tiếp:
- Bố mẹ cháu vừa mới lái xe đi đón cô và Thanh nhưng cô và em đã đến đây rồi! Thôi! Cháu xin phép mời cô và em vào nhà xơi trà, lát nữa bố mẹ cháu sẽ về ngay ạ!
Thấy thái độ của Tú, bà Hòa liền ưng bụng trong lòng. Bà và Thanh theo Tú vào nhà. Vừa bước vào sân, bà và Thanh nhìn thấy một người đàn ông tầm ngũ tuần đang ngồi trên xe lăn trước hiên nhà. Thanh dò hỏi Tú:
- Ai đấy à?
Tú đáp lời:
- Bố nuôi của anh đấy! Ông bị cụt một chân, liệt nửa người, không thể nói rõ và phải có người chăm sóc hơn hai mươi năm nay rồi!
Bà Hòa tiến lại gần, cúi đầu chào hỏi:
- Chào anh ạ!
Vừa ngẩng mặt lên, bà giật thót tim khi nhìn thấy khuôn mặt của người đàn ông nọ. Trên khuôn mặt với nụ cười đầy méo mó như mảnh thủy tinh vỡ ấy, trong lòng bà Hòa gợi lại bao cảm giác vô cùng thân thuộc. Bà dụi mắt để nhìn kĩ thêm một lần nữa. Vẫn ánh mắt ấy, vẫn khuôn mặt ấy. Đấy là khuôn mặt của người mà bà Hòa không bao giờ quên được. Bà hét lên rồi ngồi sụp xuống đất:
- Anh Hợp! Trời ơi!
Tú ngạc nhiên:
- Ơ? Cô quen bố nuôi của cháu ạ?!!
Bà Hòa bật khóc rồi chạy ào đến nắm lấy tay ông. Vừa khóc, bà vừa trách móc:
- Anh Hợp! Sao anh lại trở nên thế này? Sao ngày ấy anh hứa sẽ đón em về gặp ba mẹ anh nhưng lại bỏ rơi mẹ con em? Anh có biết suốt hai mươi mấy năm qua, cuộc sống em khổ cực thế nào không? Em đã phải gánh chịu sự bàn tán, đặt điều xóm làng khi không có chồng nhưng có con. Họ nói em chửa hoang đấy anh có biết không?… Từng ngày trôi qua, em đã sống trong nước mắt anh biết không? Em vô cùng tức giận và chỉ mong ngày gặp lại anh để trút hết nỗi buồn tủi trong lòng nhưng khi gặp lại thì anh đã như thế này đây! Trời ơi!..
Trước những lời trách móc đầy đau đớn của bà, mặc dù không thể cử động hay lên tiếng nói nhưng trên khuôn mặt vô cảm như một pho tượng lạnh tanh của ông, nước mắt cứ thế tuôn trào, chảy thành dòng. Miệng ông mếu máo, đôi môi của ông run lên từng hồi. Những tiếng "thút thít!" phát ra từ trong cổ họng ông. Ông không thể nói nhưng vẫn cố gắng phát lên những âm thanh "ú ớ!" đầy đau đớn.
Thanh ôm lấy mẹ, cất giọng thảng thốt:
- Vậy là sao? Người này có quan hệ gì với con hả mẹ?
Giọng bà Hòa run run:
- Là ba của con đấy Thanh à!
Mắt Thanh trợn tròn:
- Hả? Đây là ba của con thật à? Đây là người mà mẹ nói đã bỏ rơi mẹ con mình đây hả mẹ!
Bà Hòa lau nước mắt quay qua hỏi Tú:
- Con có biết vì sao ông ấy lại bị như thế này không con?
Tú đáp:
- Cháu nghe bố cháu kể lại. Ngày ấy, mẹ cháu đang mang thai cháu và đến ngày hạ sinh. Sau khi nhận được cuộc gọi của mẹ, trên đường đi làm về, vì quá vội vàng kèm với đường đèo trơn trợt nên bố đã lái xe tông vào thanh chắn và té xuống vách núi dựng đứng. May mắn thay, một mõm đá lớn nhô ra đã đón lấy bố cháu và nhờ đó mà bố cháu đã giữ được tính mạng! Với cơ thể đầy thương tích, bố không thể tự mình leo lên được phía trên và đã gọi điện thoại cho lực lượng Công an đến cứu giúp. Lúc này, ông Hợp chính là bố nuôi của cháu đã đến hiện trường. Mặc kệ nguy hiểm tính mạng, khi xác định được vị trí bố cháu, ông đã cột dây thừng quanh eo và đu xuống vách núi cheo leo để cứu bố cháu. Tuy nhiên, sau khi đưa bố cháu lên trên, trong quá trình kéo ông lên thì dây thừng vô tình bị đứt phựt. Ông Hợp đã rơi xuống vách đá. Dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, ông chỉ giữ lại được tính mạng còn cơ thể đã bị như vậy từ ấy đến nay. Gia đình cháu mang ơn ông nên thường xuyên lui tới, chăm sóc. Ngày cháu sinh ra cũng chính là ngày ông bị nạn nên bố mẹ dặn cháu phải coi ông chính là bố nuôi và chăm sóc ông như chính bố ruột của mình!
Sau khi nghe những lời kể rành mạch từ Tú, bà Hòa bỗng ôm chặt lấy ông Hợp:
- Trời ơi! Thì ra mọi chuyện là như vậy! Bấy lâu nay, em đã trách lầm anh rồi anh Hợp ơi! Thanh ơi! Con mau đến bên ba con này! Đây là ba của con đấy!
Dường như, ông trời cảm động trước hoàn cảnh của bà Hòa và ông Hợp nên đã ban xuống một phép màu diệu kỳ. Đôi tay hơn 20 năm qua chưa từng nhúc nhích của ông Hợp bỗng run run cử động trở lại. Ông đặt tay lên tay bà. Sau vài tiếng "ú ớ!", ông Hợp bỗng thều thào:
- Hòa!... Hòa!.. Anh… xin… lỗi!
Tú ngạc nhiên thốt lên:
- Ba nuôi của con cử động rồi! Ba nuôi nói chuyện được nữa! Ba nuôi hồi phục trở lại rồi!
Nhìn thấy ông Hợp có thể hồi phục trở lại, bà Hòa nói trong nước mắt:
- Tạ ơn trời đất! Ông đã hồi phục rồi! Ông đừng xin lỗi tôi! Tôi hiểu lầm ông! Tôi mới là người có lỗi… Ông hãy để tôi chăm sóc cho ông suốt quãng đời còn lại!
Thanh hôn lên đôi bàn tay run run của ông:
- Cảm ơn ông trời đã cho con gặp được ba! Ba ơi! Bao năm tháng qua, con đã bị bạn bè trêu chọc rằng là đứa không cha! Con đã phải nén chịu bao khổ đau và chỉ mong mình có một người ba như những đứa bạn khác… Bao thời gian trôi qua là bấy nhiêu thời gian con căm hận ba vì đã bỏ rơi mẹ con con… Nay, cuối cùng con cũng gặp được ba rồi! Nghe anh Tú kể lại, con đã thấu hiểu ngọn ngành… Ba ơi! Con tự hào về ba lắm! Ba là người chiến sĩ Công an anh hùng, dũng cảm trong lòng con… Con gái rất tự hào về ba! Ba phải nhanh chóng hồi phục để còn đứng cạnh con trong ngày cưới nha ba! Con yêu ba!
Sau bao năm tháng xa cách, mọi khúc mắc cuối cùng đã được giải đáp, gia đình của bà Hòa và ông Hợp đã đoàn tụ với nhau. Mặc dù thời gian đã trôi qua, những mùa hoa tuổi trẻ không thắm lại 2 lần, để lại trong tâm khảm bà Hòa, ông Hợp và Thanh những nỗi đau không bao giờ xóa nhòa. Nhưng ở nơi tận sâu tăm tối tâm hồn đã vỡ nát, nguội lạnh từ lâu ấy nay lại le lói thắp sáng lên những tia sáng mong manh mang hơi ấm hạnh phúc trào dâng.
Một năm sau, dưới sự giúp đỡ của các y, bác sĩ, vào ngày cưới trọng đại của Thanh, ông Hợp đã có thể chống nạng, nắm chặt tay bà Hòa bước lên sân khấu đứng cạnh cô con gái yêu quý. Ngoại hình đầy khiếm khuyết của mình khiến ông vô cùng tự ti khi bước lên sân khấu tráng lệ. Thấy vậy, ngay lập tức, Thanh quay qua ôm chầm lấy ông, cô khẽ thì thào:
- Con yêu ba! Người chiến sĩ Công an của lòng con! Con tự hào về ba và tự hào cả những khuyết điểm trên người của ba nữa! Không có gì ngại ngần, tự ti cả ba à! Bất cứ lúc nào, ba mãi là người hùng của lòng con!
Ông Hợp quay sang nhìn bà Hòa rồi ông lại ngắm nhìn đứa con gái tay trong tay, hạnh phúc bên người mình yêu thương. Bất chợt, ông nở nụ cười đầy mãn nguyện. Mặc dù nụ cười của ông đầy méo mó bởi căn bệnh liệt nửa người qua thời gian dài không thể chữa hết hoàn toàn nhưng bằng một góc nhìn nào đấy, nụ cười ấy thật tươi đẹp xiết bao. Ông lại một lần nữa nhìn về phía bầu trời, ở nơi những mảng vỡ xô lệch xa xăm ấy, những tia sáng chói lọi xuyên qua những tầng mây dày đặc, đầy u tối và tạo nên chiếc cầu vồng tỏa ánh sáng rực rỡ, lấp lánh đầy tươi đẹp.
Đà Nẵng, tháng 3 năm 2023