Giữ sợi dây diều
Lão nghe tim mình hồi hộp, hồi hộp hơn cả cái lần đánh trận năm xưa mà một phần thân thể lão còn gửi lại nơi đó. Một sự việc, một hiện tượng đều có một “thông số” để rung cảm khác nhau còn nếu đem so sánh, mọi thứ sẽ là khập khiễng. Lão lo hàng xóm nhìn thấy nàng tới nhà lão, biết lão với nàng nói chuyện với nhau như thế này thì sao. Nhưng không lẽ, kêu nàng về, trong lúc nàng tỏ ra có chuyện quan trọng muốn nói với lão.
1.
Lão ngang qua cánh đồng làng với dự định đến nhà ông Sơn ở xóm Mồ Ham để “thời sự” cùng người bạn vong niên của mình. Lão đang trong dòng suy tưởng về một loại lúa lẫn, lúa lộn mà người dân ở đây quen gọi là lúa lòn. Mấy hôm rày, lão theo dõi, ghi chép, phân tích tính ưu việt của loại lúa đó. Nó có thân cao và cứng, bông cho nhiều hạt... Lão nghĩ rằng, nếu đem giống lúa này trồng ở cánh đồng ngoại đê có lẽ sẽ thích hợp, cho năng suất cao, cải thiện được phần nào cho người vùng đất khó “tháo chua, lùa mặn” này. Lão sẽ thử nghiệm...
Một con diều đứt dây bay theo gió và rơi xẹt trước mắt lão, khiến lão giật mình. Đằng xa, có ba đứa nhỏ chạy lại, chúng la ó với nhau. Lão xắn quần lội xuống dưới ruộng nhặt con diều đưa cho mấy đứa rồi cười, lão xoa đầu đứa nhỏ nhất trong chúng, lão dặn:
- Phải coi dây có hư không rồi mới thả và cầm chắc cuộn nghe mấy cháu!
Mấy đứa nhỏ đồng thanh “dạ” rồi tiếp tục nâng diều thả lên, con diều lại bay vào khoảng trời chiều xuân xanh. Cánh diều sẽ mang ước mơ chúng đến nơi cao vợi nào chăng?
Xóm Mồ Ham đón lão với hai bụi tre uốn cong thành một vòm cổng. Có tiếng chó nhà nào đó sủa vang vang, tiếng con gà trống nào đó gáy lạc buổi, một tràn tiếng chuột đồng kêu réo... Lão bước qua vòm cổng xóm, tự nhiên thấy lạnh tanh và tối. Cái ánh nắng ấm áp buổi chiều đã bị hứng lại sau bụi cây. Ngôi nhà ba gian một chái của ông Sơn hiện ra song có gì đó bất an, lão tần ngần trước cổng, tần ngần vì điều mơ hồ nào đó. Lão lắng nghe âm thanh trong nhà bạn rồi quay bước lui.
Trên đường về nhà, lão nghĩ miên man. Nghĩ về chiến tranh, nghĩ về hòa bình. Nghĩ về cánh đồng ngoại đê hay bị mất mùa do ảnh hưởng triều cường, “người dân quê mình còn quảng canh và phụ thuộc thời tiết quá lận...”. Lão thở dài và cảm thấy nhưng nhức nơi vết thương xưa.
Tối đó, cơn gió Đông Bắc cuối mùa mang lại chút se se tràn qua khuya. Lòng lão trĩu xuống, buồn thiu và mơ mòng cạn kiệt, chạm tới vỉa tầng sâu cuối của nỗi cô đơn...
Người con gái chạy về phía người lính, nàng chạy với tất cả bình sinh, nàng vấp lăn mấy bận, nàng lao về phía căn hầm để trú ẩn. Toán lính hay một bầy thú hoang nào đó đuổi theo, những khẩu súng lăm lăm, những móng vuốt ghê rợn, chúng đang bằng mọi giá bắn, bắt cho được nàng... Cánh tay chàng trai đưa ra che chắn sự sợ hãi, cứu lấy nàng. Tiếng nổ vang trời, mảnh đạn lạc vèo bay xuyên không, xuyên qua mấy tầng thời gian, xuyên qua sự thực làm đứt thân thể chàng. Máu xối lên gương mặt nàng đỏ ối... Lão giật mình tỉnh giấc. “Trời, là mơ, là mơ... nhưng răng mơ lạ ri? Răng lại có gương mặt Hoa hè?”, lão bâng khuâng tự hỏi và nhiều phần lấy làm khó hiểu.
Hoa là đứa con gái lớn gia đình ông Sơn. Người con gái hay lam hay làm, luôn giúp đỡ người khác. Nàng đã ngoài ba mươi song vẫn chưa có chồng. “Gái ba mươi tuổi như sừng trâu tra”, mặc dầu người ta thường ví von vậy song với nàng, người ta lại nghĩ khác. Có lẽ, cái đức tính và sự trẻ tươi nơi nàng toát ra làm cho người đối diện cảm thấy thoải mái, thích thú và cả mến phục.
2.
Tiếng lành đồn xa nhưng tiếng xấu thì đồn nhanh. Người ta đồn Hoa có thai. “Ơ, có thai thì có chi sai? Thêm một thành viên gia đình, thêm một tế bào cho xã hội kia mà!”. Sai là sai ở chỗ, ba đứa bé trong bụng nàng là ai. Người ta thắc mắc, nghi vấn, sự thắc mắc ấy khiến kẻ đầu xóm hỏi người cuối xóm, người xóm trên truyền xóm dưới, xóm ngoài nói với xóm trong... Đàn bà toe toe chửi rủa, đàn ông gườm nhau cười nụ ngụ ý. Nhà ai có con gái lớn, họ kêu ra dặn dò, dạy bảo.
Riêng lão, lão bị cuốn vào cơn lốc tin đồn. Người ta đinh ninh tác giả bào thai kia là lão. Chỉ có lão vì lão là bạn ông Sơn bố cái Hoa, lão không vợ không con tối ngày qua lại nhà ông Sơn to nhỏ chuyện trò rồi thậm thụt cua luôn con gái ông Sơn là cái chắc. Bên ế vợ, bên quá thì gặp nhau! Sáu mươi năm cuộc đời mà lão ta chưa từng biết mùi, nay cũng kệ và mừng cho lão, với lại đôi khi lại được đứa con nối dõi tông đường về sau cũng nên. Ôi, dà! Chơi với bạn, lấy con bạn thì nhục, nhục lắm, nhục không thể nói.... Đó là những câu chuyện đàm tiếu của một vài nhóm người tụ chuyện dưới cây bồ đề bên nhà họ Nguyễn bật lên và loang vào vũ trụ. Tần sóng đó - thứ năng lượng “mê hoặc” chuyển hóa vào tai, vào tim, vào tâm hồn những định kiến rồi loang đi ra xa.
Lão buồn, buồn cái buồn vớ vẩn, không đáng nhưng lại vẫn cứ buồn theo một nghĩa khác. Đúng hơn là lão thương Hoa. Thương người con gái nết na, hy sinh cho gia đình, lo cho các em mình lớn lên thành đạt còn nàng thì trở nên quá lứa, lỡ thì. Nay lại thành tiếng đồn cho miệng đời. Lão hiểu ra, buổi chiều lão tần ngần trước nhà ông Sơn, tiếng cha mẹ la rầy Hoa, tiếng Hoa khóc thút thít... Trái tim lão nhói đau, lão ngồi thừ ra nơi bờ ruộng.
- Răng ngồi mãi đó rứa eng Dồng? - Một nông dân thăm ruộng bờ bên vọng sang.
- A à, eng Bách đi thăm ruộng đó à? - Lão ngập ngừng giây lát mới thốt lên câu hỏi lại cho phải phép.
- Coi năm ni, lúa cũng tốt chơ hè? - Bác nông dân đưa mắt nhìn ra xa cách đồng, nó đang vào mùa ươm đòng và trổ bông.
- Dạ eng, thấy cũng mừng nhưng lại sợ cái tiết nàng Bân ủ buồn ni nó trúng vô trổ đại trà thì hư... - Lão nhìn lên nền trời ủ dột mây mà lòng không mấy “êm yên”.
- Ừm, hy vọng “trời yên biển lặng” cho thì mừng. À mà thấy eng dạo ni ghi ghi chép chép, thăm nom chi nhiều đó, bộ làm kỹ sư nông nghiệp luôn hả?
- Dạ có mô! Tui chỉ theo dõi mùa vụ chút thôi, eng có thấy cây lúa lòn ni không, nó trội với lại khá ngắn ngày lắm luôn.
Hai tuần sau, cái rét nàng Bân cũng dứt, lão hí hửng với niềm đam mê của mình, lão đi xin cắt lúa lòn. Khi lão ngỏ ý xin cắt lúa lòn trên ruộng nhà người thì ai nấy đều cười, tưởng lão đùa nhưng lão tỏ ra nghiêm túc nên mọi người đồng ý. Họ mừng vì gia đình họ đỡ tốn công, tốn sức phải loại bỏ thứ lúa hoang hại kia.
Dân làng kháo nhau rằng lão thiếu ăn, lão đói nên đi xin cắt lúa lòn để qua ngày giáp hạt. Kẻ khác bảo lão gây ra chuyện động trời, làm cho con người ta chửa hoang mà không chịu cưới về nên thấy áy náy, hối hận; bị xóm giếng xa lánh nên muốn kiếm việc gì đó để an ủi chính mình, cũng như làm thân thiện lại trong mắt người đời. Người nghĩ xa hơn một tí thì thấy hình như lão có một dự định hay kế hoạch nào đó với thứ lúa kia. Quan sát cho am tường thì loại lúa này hao hao với các lúa địa phương: Hẻo Rằn, Nước Mặn, Nàng Hương... gọi giống địa phương là để phân biệt với giống nông nghiệp trồng ở nội đê.
Lão thấy vui vui với công việc cắt lòn. Tay liềm, vai bị, chân lội từ thửa này sang thửa khác trên cánh đồng nội đê, mắt tìm kẻ cao cao có dé nhiều và lông dài là cắt ngay, là “vặt cổ” mang về. Buổi đầu tiên, lão thu hoạch cũng kha khá, tầm một bao đầy. Vòng xe về nặng bánh lăn trên đường cái quan; trông cũng còn sức “trai tráng lắm”. Lão bâng khuâng hát câu hát của thời tải đạn... Gió nồm từ phá nước lợ thổi qua cánh đồng vào mát rượi. Xa xa, tiếng đám trẻ thả diều vọng lại, chúng vô tư la hét, chạy nhảy thỏa sức bình sinh hoặc đứa chăm chú nhìn cánh diều lên cao. Lão nhoẻn miệng cười vào không trung, nụ cười mơ màng cởi mở.
Thân lão rã rời sau buổi chiều bì bõm, đạp lúa tách hạt khỏi dé nhưng tinh thần vẫn đang “cao”. Lão ước gì có người để nghe lão nói, nghe lão phân bua, nghe lão vẽ vời kế hoạch trong nay mai... Cái bóng trên tường in hình lão cũng ra điều nghĩ ngợi, lộ nét xương xương. Cái bóng trông lành lặn và trẻ hơn lão. Nó giấu đi mái tóc ba phần bạc, giấu những vết thương cơ thể và cả vết thương sâu thẳm trong tâm hồn. Lão nghĩ về ông Sơn, nếu không có sự cố - người ta đồn lão với con gái ông, thế nào sáng, nếu chậm hơn là tối mai lão sẽ “phăng lối” sang nhà bạn mà “thời sự”. Lão thèm, thèm bè bạn, thèm đến tận cùng cực hạn. Giá mà hồi ấy không chiến tranh, giá mà ông trở về khi người yêu cũ còn chưa “pháo nổ heo kêu”, giá mà không... Lão chợt nghĩ đến Hoa, một sự buồn vui xen lẫn và mênh mang khó tả.
Đêm đã dày sương trên lá cỏ, trăng cao trên mái hiên; tiếng con chim Quốc Quốc từ lùm cây nào đó lại da diết... len vào yên lặng, lén vào thao thức.
3.
Đã qua rằm mấy hôm nhưng trăng đêm ấy còn sáng, sáng lắm! Sáng đủ thấy cái bóng người phụ nữ từ xa đi lại trên đường nội đê. Dáng người có vẻ ngập ngừng, hơi chậm rãi.
Lão không ngồi yên được trong nhà để nhìn qua cửa sổ nữa. Lão chạy ra trước cổng mà lòng thầm nghĩ: “Hoa, trời Hoa thiệt rồi, răng Hoa tới đây, có chuyện chi chắc”.
- Chào chú Dồng, chú khỏe không? Lâu ni không thấy qua...? - Nàng như nghẹn nghẹn trong cổ nhưng lão đủ hiểu ý nàng nói gì, lão đáp:
- Chào o Hoa, tui khỏe! Răng đêm hôm ni mà... - Chính lão cũng ngập ngừng.
- Dạ, cho cháu vô nhà rồi mới thưa chuyện với chú luôn được không?
Lão nghe tim mình hồi hộp, hồi hộp hơn cả cái lần đánh trận năm xưa mà một phần thân thể lão còn gửi lại nơi đó. Một sự việc, một hiện tượng đều có một “thông số” để rung cảm khác nhau còn nếu đem so sánh, mọi thứ sẽ là khập khiễng. Lão lo hàng xóm nhìn thấy nàng tới nhà lão, biết lão với nàng nói chuyện với nhau như thế này thì sao. Nhưng không lẽ, kêu nàng về, trong lúc nàng tỏ ra có chuyện quan trọng muốn nói với lão.
Lão mời Hoa ngồi vào bàn và không quên vặn sáng ngọn đèn dầu. Gương mặt buồn của Hoa sáng lên hiện rõ nét bầu tròn điềm tĩnh. Có lẽ Hoa mập hơn so với hồi mùa đông, hồi còn con gái... Lão đan chéo các ngón tay vào nhau và cố gắng lên tiếng:
- Rứa, eng và chị bên nhà khỏe không?
- Dạ thưa, vẫn thường! Có điều...
Không gian lại im lặng, tiếng ếch nhái, côn trùng ngoài cánh đồng vọng vào, trăng vẫn vằng vặc nghiêng qua song.
- Cháu, cháu...
- Xin hãy nói đi, có chi mà ngại, chỉ có hai chú cháu!
Nàng im lặng một lúc rồi lên tiếng:
- Người ta đồn chú với cháu... Chú có ghét bỏ cháu không?
- Làm răng chú ghét cháu được, cháu luôn là người con gái ngoan và dễ thương trong lòng chú.
- Rứa, rứa... chú thương thì cho cháu qua đây... ơ ... ở với chú được không? Cháu khổ tâm quá! - Nàng úp mặt xuống bàn và nấc lên thành tiếng.
4.
Lão đưa Hoa lên trạm xá sinh bằng chiếc ghe nan mới đan còn thơm mùi dầu rái, trông cảnh cũng ngồ ngộ. Lão vốc mái xuống dòng nước bạc sau lũ bằng mái chầm gấp gấp. Hoa tuy đang đau nhưng thấy lão cũng phì cười và trêu:
- Không chi phải lo quá rứa mô, đủ và đúng thời khắc cháu mới ra chào ông được lận.
- Ngồi cho vững để tui bơi. May mà lụt qua rồi không thì...
- Trời thương mà lo chi, có phước... - Nàng chưa nói hết câu, đứa bé trong bụng quẫy làm nàng phải rên lên.
Lão vui như chưa từng được vui trong hai mươi năm từ ngày hòa bình lập lại. Lão nhảy “cà tơn”, tay đấm lên trời khi cô y tá thông báo “mẹ tròn con vuông” và một “hoàng tử” kháu chào đời. Trông lão, những ai có mặt đều vui theo. Hạnh phúc là vậy, đôi khi không cần đâu xa.
Thoắt mà đã ba thu, lão Dồng, Hoa và cu Hoài đã chung dưới một mái nhà. Sau ngày đồng áng, lão lại bận bịu thêm với cu Hoài. Lão dắt nó đi chơi, lão nói chuyện, lão cười, lão làm đồ chơi, dán diều cho nó... Thằng nhỏ “mê tơi lão” và bám lão hơn cả mẹ nó. Lão đem kinh nghiệm của sáu mươi năm “phong sương” đời mình để “truyền thụ” cho thằng bé. Thằng bé như là vầng mặt trời trong nhà của lão và Hoa.
*
Lúa lòn của lão đã được thử nghiệm thành công. Vụ đầu lão cấy trên thửa ruộng ngoại đê nhà mình đã cho năng suất hơn mong đợi. Giống lúa đó có tính ưu và thích hợp với thời tiết. Qua vụ thứ hai đã có hơn mười nhà mua lúa giống của lão về trồng.
Hôm Đại hội Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hòa, lão được tuyên dương là “Nông dân giỏi”. Lão thành gương điển hình “Thương binh tàn mà không phế”... Ông chủ nhiệm hợp tác phát biểu một cách hào hứng, hóm hỉnh: “Hợp tác quyết định năm tới phần ruộng ngoại đê cấy giống Lông Dài của nông dân giỏi Hồ Văn Dồng, giống lúa có năng suất và phù hợp với thổ dưỡng địa phương. Lúa Lông Dài chính là Lai Dồng đó, thưa bà con...”. Đại hội vỗ tay ầm ầm nhưng lão vẫn điềm nhiên và khiêm tốn. Lão đang nghĩ gì đó xa xôi hoặc trong người lão cảm thấy không khỏe.
Lão xin phép rời khỏi hội trường để về sớm, lão đưa cho thằng bé cái bằng khen của lão mới nhận và dặn dò nó không được làm hỏng rồi đi nằm. Tối đó Hoa gọi lão mời cơm, lão nói không đói. Sáng hôm sau lão ngủ mãi không dậy. Lão đã về với cõi của những ngôi nhà không lửa.
5.
Hoa không khóc nhưng nước mắt từ đâu cứ tuôn ra, nước mắt tận tâm can, đáy lòng; nước mắt cho nghĩa tình xao xuyến, đột ngột và mất mát. Nàng cố giữ bình tĩnh để lo mọi việc nhưng lòng như cắt.
Thằng Hoài cứ thét lên đòi lão. Nó cứ gọi “ôn ơi, ôn dậy đi! Răng ngủ mà Hoài gọi không dậy? Hoài thương ôn, Hoài ngoan mà, Hoài nghe lời ôn nhất, ôn ơi... ôn dậy đi thả diều với cháu”. Nước mắt của các chị, các dì, các cô, các bà… ròng ròng theo tiếng khóc thét đó. Khi người ta đưa lão vào quan, thằng bé như ngất đi, nó đòi mọi người trả lão lại cho nó...
Từ ngày lão đi xa, người ta mới vỡ lẽ. Lão chỉ là “điểm tựa tinh thần thiêng liêng” cho Hoa những ngày bị xã hội lên án, bị gia đình ruồng bỏ, bị làng xóm xem như hư hỏng. Lão đã “đưa tay” níu giữ, nâng đỡ hai mẹ con Hoa. Ngoài tờ di chúc để lại đất đai ruộng vườn cho Hoa, lão còn cẩn thận ghi bốn trang giấy nói về việc lão đưa Hoa về cùng ở để cho Hoa tá túc sinh nở mẹ tròn con vuông trong sự xua đuổi của gia đình và làng xóm. Và lão cũng bật mí về khả năng làm “thằng đàn ông” của lão đã theo mảnh đạn năm xưa bay đi rồi. Một cuốn nhật ký chân thành đến xúc động và một cuốn ghi chép về đặc tính, quy trình cây lúa giống mà lão dày công tìm tòi.
Cũng vào tối hôm lão mất, một thanh niên từ chiếc xe ô tô ngoài đường chạy như bay vào quỳ sụp xuống ôm quan tài lão. Chàng nghiến răng không để tiếng khóc bật ra; mọi ấm ức của tiếng khóc hướng vào tim, hướng vào nội tâm day dứt, tan nát, đau tột cùng. Chàng thanh niên đó là Hậu, chàng trai mồ côi, siêng năng nhưng nghèo... Chính vì nghèo mà Hậu đã bỏ Hoa và cái thai trong bụng Hoa ở lại để quyết chí đỏ đi bốn năm biệt xứ không tăm tích để làm lại cuộc đời thành đạt trước khi về đón hai mẹ con. Nay Hậu về ôm quan tài người không bà con, thân thuộc mà khóc như cha chết đã làm cho dân làng và ông Sơn bố Hoài vỡ lẽ.
Sau lễ tang, Hoa và Hậu gửi con về nhà ngoại, họ khá bận vì đang chuẩn bị xây dựng một cây xăng-dầu cho mình ở ngoài quốc lộ cách làng tầm sáu cây số đường ngang.
Ông Sơn dẫn thằng Hoài ra cánh đồng để thả diều. Con diều bằng giấy từ kỷ niệm của người quá cố để lại. Thằng Hoài tự hào vì diều của nó luôn bay cao và “đứng thẳng dây” hơn tất cả các con diều bay trên cánh đồng. Nó cầm chắc tay níu giữ cuộn để cho diều “no gió”, nó thả tâm trí của mình đi xa và mơ tưởng những điều kỳ diệu trong tâm thức tuổi thơ. Nó tin rằng, cánh diều càng bay lên cao là nó càng gần với “người linh thiêng ở trên trời”, người trên trời sẽ phù hộ cho nó...
Cánh đồng ngoại đê lại sắp trổ bông, những cây lúa Lai Dồng vươn cao, xanh ngút ngàn dự báo một mùa bội thu. Ở đây, ông Sơn như thấy mình được “giao tiếp” với lão. Có khi ông lầm bầm nói như khấn: “Tui xin lỗi lão, lão là người tốt, lão là người tái sinh cho con gái tui, giữ mạng cho cháu ngoại tui; lão còn tạo giống lúa cho cánh đồng làng năng suất... thế mà tui từng trách lão, từng cho lão là kẻ đê hèn. Tui thật có lỗi, lão ở trên trời có linh thiêng hãy tha thứ cho tui ...”.
- Thôi, cuộn dây mà về nghe cháu, mặt trời sắp lặn rồi - Ông Sơn bảo thằng Hoài.
- Dạ, nhưng cháu muốn nói chuyện với ôn nội thêm tí nữa!
- Rứa a, cháu nói chuyện...
- Là nội nuôi Dồng đó! Cháu nói qua sợi dây diều...
...
Một già, một trẻ dắt nhau về xóm. Trên khoảng không dạt vài đám mây, mấy con chim vội tìm phương trú ngụ. Cá dưới phá ngoài mé cánh đồng quẫy đuôi chuyển mình. Đồng lúa rì rào, rì rào tiếng sóng. Âm thanh nào hồi tưởng, âm thanh nào vọng gọi thúc bách hối hả... Hoàng hôn chuyển dần, những vì sao bắt đầu sáng trong đáy mắt kẻ trần gian. Có vì nào là định mệnh của lão, của ông Sơn, của Hoa, Hậu, Hoài... và xóm Mồ Ham đã đang lên đèn.