Gió qua miền nắng háp

Thứ Sáu, 14/06/2024, 09:49

Anh Ngoan không có một gia đình tròn vẹn như bao bè bạn trang lứa. Anh bị sinh ra sau một cuộc tin yêu và trao gửi của cô gái tuổi mười sáu ngây thơ. Nhưng tay thanh niên kia thì quá cáo già, biết cô gái mang thai đã bỏ trốn mất dạng. May cô gái trẻ được cha mẹ thương yêu chấp nhận để cuộc sinh nở vuông tròn. Nhưng rồi ông bà Ngoan nghèo quá, không thể bảo bọc con cháu mãi được.

Mùa hạ hanh nồng nắng háp nhưng thoảng cơn gió nhẹ mát lành mang lại một mùi hương thơm ngát của nguyệt quế ngoài góc quán. Cái màu hoa trắng muốt bé nhỏ ấy, chả biết giấu mùi thơm ở đâu mà mỗi khi gió lên cứ giũ cả túi hương rải ra khắp không gian.

Một thau đùi gà vừa chiên xong, màu vàng ươm thơm phưng phức khiến thằng Nam cố nén tiếng "ực" vì hương vị hấp dẫn ấy. Dù gì thì Nam cũng mới mười sáu tuổi, lứa tuổi của việc ăn "thủng nồi trôi rế" thì làm sao nó không đánh lô tô trong bụng khi nhìn thau đùi gà chiên giòn này.

Bếp vẫn phà phà lửa, bỏ chảo dầu xuống, cho chảo xào lên vì mấy chiếc bill đang réo món mì xào bò, miến xào hải sản, bánh lọt xào… vô cùng nhộn nhịp. Đôi cánh tay thằng Nam như diễn viên múa điệu Áp-sa-ra vậy đó. Ánh nắng ngày càng cao vút, hắt qua khung cửa kính dày càng làm cái nóng háp vào mặt, vào mắt người đứng bếp. May có chiếc quạt trần xoay 360 độ nên độ háp nóng của khuôn bếp hẹp này mới tản đi. Nếu không… chắc con Nga Mi cũng thành ông Táo luôn rồi.

Nga nhóng chân lên khuôn bếp cao định bưng chảo dầu vừa chiên xong. Nhưng có lẽ do chưa ăn trưa nên nó cảm thấy sức bưng không ổn, lại bị cơn gió tạt qua, hơi nóng háp của chảo dầu làm mắt nó nhòe đi. Nga Mi gọi, "Anh Ngoan, phụ em chảo dầu xuống bếp được không ạ?".

b0c40e0bc60c65523c1d8.jpg -0
Minh họa: Doãn Hoàng Kiên

Anh Ngoan đang tay cầm vá, tay cầm gắp để làm công việc của một nhân viên tiếp thực, đứng cách Mi một cái bàn. "Để anh. Còn gì nữa không?". "Còn ạ, cái nồi hấp, anh bưng luôn giùm em nhen".

Đôi tay con trai mười tám lực lưỡng khác hẳn với bọn "bánh bèo" mới mười bốn, mười lăm. Nhưng quả thật mấy cái nồi chảo khá nặng, lại lực từ cao nhấc xuống, sao cho không bị ngã đổ để không bị phỏng thì quả là quá sức với Nga mi rồi. Ngoan hỏi:

- Lúc anh chưa vô chỗ này, là em làm một mình luôn à?

- Dạ lâu lâu thì thằng Nam bang có phụ tí! Vì thường thì nó toàn đứng bếp chiên.

- Còn ai nữa không?

- Dạ anh "thiếu gia" cũng hay bưng phụ em nhưng ảnh bánh bèo quá, bưng xong đứng vuốt vuốt bàn tay thấy ghét lắm!

- Từ nay bưng mấy cái nồi chảo này thì kêu anh nha! Đừng cố quá, nó đổ một phát là mày quá cố luôn đó!

- Dạ cảm ơn anh! Vậy anh Ngoan ráng ngoan ngoãn làm ở đây lâu lâu để phụ em nha! Tuy ông chủ có chửi một chút nhưng mình vẫn phải làm để lãnh lương mà anh!

- Khịa hả mậy? Tao không ngoan thì ai ngoan? Tao phụ mày, vì mày bé xíu như cây kẹo vậy.

- Dạ, em làm hai năm nay rồi đó anh. Hồi mới vô thì rửa chén, lặt rau. Sau nâng cấp lên đứng nồi hấp, nước lẩu í!

*

Bọn nó ai cũng có hoàn cảnh cả. Những hoàn cảnh có thể là sẽ không xảy ra nếu chúng có đủ cha mẹ yêu thương và chăm sóc. Chứ lứa tuổi cuối cấp 2, đầu cấp 3 này thì ra đường làm gì ăn?

Thế nhưng… không làm thì không có ăn là cái chắc luôn!

Con Nga Mi tên thật là Ngọc Nga, còn Mi thì do tụi nhỏ đặt nick name cho thôi. Vì nói nhỏ con, nhỏ tuổi nhưng ai động tới là sẵn sàng… đánh lộn. Dữ dằn và ham đánh nhau như mấy bà phái Nga Mi trong phim cổ trang võ thuật nên tụi nhóc cho Nga thêm nick name vậy thôi. Mẹ Nga vừa mất hơn năm nay, do đột quỵ. Cấp cứu bệnh viện thành phố sáu ngày mất bảy mươi triệu mà mẹ cũng ra đi. Nợ đó chất lên vai cô bé mười bốn tuổi. Bởi dù cha của Nga mượn nợ, nhưng bây giờ ông cũng đang bị tai nạn giao thông nằm một chỗ. Nga không trả nợ thì ai trả?

Hồi mẹ còn sống thì cả gia đình ở nhà trọ. Ủa sao ở nhà trọ, hai vợ chồng trong lứa tuổi lao động, chỉ có một đứa con thì sao phải ở nhà trọ? Hay là ăn to xài lớn dữ lắm?

Ủa hỏi kì quá nha, mình đã là người ta chưa mà vội phán xét vậy? Thời buổi đất chật người đông, mật ít ruồi nhiều. Nam nữ lớn lên muốn lập gia đình nhưng cha mẹ hai bên nghèo quá, chả có cục đất chọi chim nào để cho. Làm dâu cũng không được, ở rể càng không xong. Thì tân lang và tân giai nhân dắt nhau ra nhà trọ xây tổ uyên ương chứ sao! Ăn nhiều chứ ở bao nhiêu, rồi từ từ mà làm lụng, rồi "ông bà ngó lại" là giàu mấy hồi. Mua đất cất nhà mấy hồi!

Nhưng khổ là ông bà thường phi nước đại về miền cực lạc chứ hông rảnh ngó lại. Nên họ làm hoài mà chẳng có dư. Nào mất việc, nào thất nghiệp, nào bị chủ vỡ nợ mất lương, cả bản thân đau bệnh ngặt nghèo nên chưa dư được như mong ước.

Chưa dư được cũng tốt, thì đủ cũng được. Ai dè uýnh thêm một khúc nợ rồi bỏ lại cõi trần gian này một sinh linh để "theo ông theo bà" về miền khói hương bảng lảng.

Mẹ mất vì đột quỵ, đến cha tai nạn giao thông nằm viện. Vậy là Nga kiếm chỗ làm gần bệnh viện để tiện chăm sóc cha và đi làm luôn. Thời gian biểu làm việc của quán Sakura này từ 8 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Được nghỉ trưa hai tiếng đồng hồ. Vậy nên Nga sắp xếp được thời gian vừa vào bệnh viện chăm cha, vừa đi làm là vậy. Lương tháng năm triệu tư, chủ bao ăn hai bữa. Nga bảo mức lương đó là không dám mong ước nữa vì ban đêm được ngủ lại quán, khỏi tốn tiền nhà trọ hàng tháng cũng đỡ lắm.

Lúc Nga Mi tâm sự với anh Ngoan thì thằng Nam bang chạy bang bang từ trước ra sau bưng chồng dĩa từ khu vực rửa chén lên bàn bếp vì bà Hai rửa chén vừa già vừa mập, để bà bưng chén dĩa từ ngoài khu vực rửa vào khu vực bếp cũng tội lắm. Mười sáu tuổi, gầy như cây que củi, cái tên Nam kì cục, làm như không tên Nam thì người ta nghĩ nó là nữ vậy. Màu da đen thui như ông Táo, bàn tay to bè thì nam là chắc rồi nha!

- Anh Ngoan không biết thôi chứ cái quán này mười lính, đã hết chín đứa sợ cái tánh hung dữ của con Nga Mi rồi đó! Đứa nào cãi là nó sẵn sàng đập cái vá nước lẩu lên đầu á!

- Còn đứa thứ mười thì sao?

- Đứa thứ mười là em nè! Nhưng em ngu gì để bị đập, em né trước rồi!

- Chắc không phải tự nhiên mà nó đập mày hả?

- Dạ vì em nói nó là bà chằn lửa. Làm việc trong bếp đã bị nóng lửa, nóng dầu chiên, nóng nước sôi rồi mà còn nóng tánh thì… Mới mười lăm tuổi nên già háp giú khí đá luôn là vậy đó!

- Kệ tui. Anh lo mà bưng cho lẹ, để khách la rồi ông chủ chửi là lên đường đó!

Câu nói của Nga mi hình như có uy lực ngầm nên Nam bang im ỉm bưng mấy tô mì đi ngay. Anh Ngoan cười rằng Nga "chằn lửa" thiệt, là nỗi ám ảnh cuộc đời thằng Nam hay gì á.

Nga bảo, Nam không sợ em, mà sợ bị đuổi việc, vì đã một lần bị đuổi rồi. Cái tội ham làm "bà tám" mà quên trước quên sau khiến khách mắng vốn vì tính tiền lộn của người ta. Ông chủ cho lãnh lương và lên đường ngay. Rồi khóc lóc năn nỉ mãi mới được làm lại đó anh!

Khác với Nga Mi sống với ba. Nam bang sống cùng mẹ. Nhưng hai đứa có điểm chung là đều phải làm việc hết sức mình để trả nợ phụ cha mẹ.

Ba của Nam đã nằm ở dưới lòng sông của cây cầu Xóa Nợ sau mấy cuộc cờ bạc và để lại cho vợ con một số nợ dài hàng trăm triệu. Từ một thằng con trai, một học sinh giỏi nhiều năm liền thì khi đang học lớp 9 thằng Nam đã phải nghỉ học vì nợ kéo đến nhà vây kín.

Những tờ giấy mượn nợ chìa ra, họ tên người mượn nợ, họ tên vợ con, địa chỉ nhà… Không còn gì sai chạy. Ngay cả tấm giấy đỏ duy nhất của gia đình cũng bị người đàn ông ấy đem thế chấp cho "anh em xã hội" mất rồi.

Không trả nợ cũng quá dễ. Thì mỗi sáng, sẽ nhận được hàng chục túi rác, bọc chất thải ném vào sân, vào quán nhé!

Không trả nợ thì quá dễ, nhưng điện thoại người mẹ luôn bị réo khiến tâm trí thằng học trò không còn tập trung học được nữa.

Rồi họ hăm dọa rằng sẽ chặt cái gì đó của hai mẹ con, rồi cũng có thể đầu ở Át-lan-tít, đít ở Át-lan-ta chẳng hạn.

Mà nhà Nam bán quán cà phê. Làm sao mẹ không dùng điện thoại?

Vậy là chỉ còn phương án hẹn trả dần. Mà trả dần bằng con số cụ thể chứ không phải bằng cụm từ "có bao nhiêu trả bấy nhiêu" nha. Con số đó ấn định là sáu triệu đồng một tháng.

Vậy là phải giữ quán cà phê làm sinh kế mà cũng là nơi trú ngụ của hai mẹ con. Nam nghỉ học, đi làm, lấy tiền lương trả nợ cờ bạc cho cha, để mẹ con được bình yên mà sống.

May "anh em xã hội" cũng hiểu chuyện nên đồng ý giải pháp này.

Vậy là từ một cậu học trò chín năm liền học sinh giỏi, mê bóng chuyền, chân cao như sếu, giỏi nấu ăn, Nam đã trở thành đầu bếp của quán Sakura sau một cú thay đổi của cuộc đời do cha mình bài bạc mà ra.

*

Sakura là cái bếp thứ sáu anh Ngoan trụ lại sau bốn năm trong nghề bếp. Xin đừng thắc mắc tại sao mới mười chín tuổi mà có thâm niên tới bốn năm làm bếp. Không đi học à? Ham làm kiếm tiền để ăn xài tự do à? Hay trốn học đi làm?

Nếu cuộc đời ai cũng được sinh ra rồi lớn lên được đi học, được ra trường đi làm với bằng cấp hẳn hoi thì làm gì còn gọi là "cuộc đời" được nữa. Vì nó trơn tru quá, không có sóng gió bão bùng thì làm sao biết được bình yên khi trời quang mây tạnh.

Anh Ngoan không có một gia đình tròn vẹn như bao bè bạn trang lứa. Anh bị sinh ra sau một cuộc tin yêu và trao gửi của cô gái tuổi mười sáu ngây thơ. Nhưng tay thanh niên kia thì quá cáo già, biết cô gái mang thai đã bỏ trốn mất dạng. May cô gái trẻ được cha mẹ thương yêu chấp nhận để cuộc sinh nở vuông tròn. Nhưng rồi ông bà Ngoan nghèo quá, không thể bảo bọc con cháu mãi được.

Khi Ngoan ba tuổi thì có người nói thương yêu mẹ Ngoan, hứa sẽ chấp nhận nuôi cả đứa con riêng của vợ. Một đám cưới nhỏ diễn ra, mẹ Ngoan về nhà chồng còn đem theo một cục "của hồi môn" độ tuổi biết đi biết nói. Cha dượng thì chấp nhận, nhưng ông bà nội thì không vui vẻ gì khi có đứa cháu nội ngang hông là Ngoan.

Mọi việc dùng dằng đến khi mẹ Ngoan sinh em bé thì sự phân biệt đối xử đã vô cùng độc ác với thằng bé lên năm khi nó bị so đo từng miếng bánh, hộp sữa, đôi dép, chiếc quần dài...

Biết sao được, đời đã nói "khác máu tanh lòng". Mẹ Ngoan khóc lóc vì không thể gửi con cho cha mẹ ruột như lời cha mẹ chồng yêu cầu. Bởi chị không thể để thằng bé con đã thiếu cha giờ còn vắng mẹ.

Cha dượng của Ngoan thương vợ quá nên anh ấy quyết định "ra riêng" bằng cách đưa vợ con ra nhà trọ sống để được bình yên cho gia đình nhỏ.

Rồi năm sau, mẹ Ngoan "vỡ kế hoạch" nên sinh đôi hai em bé nữa. Nhà năm con người lít nhít trong căn trọ mười sáu mét vuông thật là bức bí. Một đứa vào lớp 1, hai đứa còn tã sữa. Thật là khốn khó cho người làm cha.

Vậy mà cha dượng của Ngoan chưa một lần mắng mỏ đứa con riêng này của vợ. Ông đi câu cá thì dắt Ngoan theo, dạy cho con móc mồi, thả câu. Ông nấu ăn thì nhờ thằng bé nhặt rau, bào vỏ, xắt hành…

Chắc tại thằng nhỏ tên Ngoan nên việc gì ba dạy cũng làm theo đúng ý. Lại còn biết đấm lưng cho ba, lấy nước ba uống, giặt những bộ quần áo đầy mùi vôi vữa của ba cho mẹ đỡ tay. Căn trọ nhỏ mà đầy tiếng cười đến khi Ngoan học xong lớp 6 thì trong một lần đi làm, ba của Ngoan đã bị tai nạn lao động và phải ngồi xe lăn từ đó.

Tay nách ba đứa con nhỏ, mẹ Ngoan phải làm việc gấp đôi, gấp ba nhưng rồi cũng không đủ sống.

Vậy mà cơ trời còn éo le thêm cú nữa, người đàn ông bỏ cô gái mười sáu mang thai của mười tám năm trước, giờ quay lại tìm con. Ông ta sang trọng và giàu có. Chiếc xe bốn bánh ông đi láng mướt, đôi giày tây ông mang có giá mấy triệu đồng, chiếc điện thoại ông cầm được dát vàng cái ốp lưng.

Đặc biệt gương mặt Ngoan giống ông ta như phiên bản photo hoàn hảo nhất!

Bà con xóm trọ chia làm hai "phe". Người bảo Ngoan hãy về với cha ruột đi, khoản tiền hai trăm triệu ông hứa cho mẹ Ngoan nếu "trả" Ngoan lại cho ông, thật là con số mà cả đời mẹ Ngoan không có được.

Người thì bảo, nếu như ngày xưa, lúc ông ta "quất ngựa truy phong", cô gái trẻ với cái bụng bầu đã làm liều nhảy sông tự tử cho đỡ nhục thì bây giờ còn thằng con mười tám tuổi cho ông về mà nhìn không?

Ừ mà cha dượng nó đã nuôi nó từ năm 3 tuổi tới giờ, nhân lên mười ba năm, tính bằng lương cơ bản nhà nước coi có hơn hai trăm triệu không?

Tất nhiên Ngoan không về với cha ruột. Vì xa lạ quá, không thấy thiện cảm gì.

Nhưng tay đàn ông bẩn tính ấy đã chơi bài cao hơn. Ngày nào ông ta cũng lái xe tới nhà trọ của mẹ Ngoan, ngồi ở quán cà phê đối diện nhà trọ, những điếu xì-gà đốt rồi bỏ dở, những lon "bò cụng" nửa uống nửa bỏ lăn lóc dưới chân. Sự sang trọng kệch cỡm đối lập với cuộc sống nghèo nàn làm cha dượng Ngoan khó chịu. Ông muốn dọn nhà đi nơi khác! Nhưng cái chân ngồi xe lăn của ông, nhúc nhắc còn khó huống chi dọn nhà.

Ngoan bảo mẹ rằng gia đình mình không cần dọn đi đâu cả, các em ở đây quen rồi, trường lớp cũng gần. Người ra đi sẽ là con, con đi làm xa, không lộ diện ở khu trọ này nữa, thế là ông ta không thấy con, sẽ không tìm đến nữa. Hàng tháng con đi làm xa nhưng sẽ gửi tiền về phụ mẹ nuôi em.

Mẹ Ngoan lau nước mắt:

- Mẹ xin lỗi nhưng con không có thiện cảm gì với ba ruột con sao? Nhìn hai gương mặt, con không thấy là con giống ông ấy lắm sao?

- Con đang giận vì tại sao mình lại có gương mặt giống ông ta đây! Phải chi ông ta chỉ cần nói muốn tìm lại con, cho cha con được gặp gỡ trò chuyện, tạo sự thân thiết rồi mọi việc tính tiếp. Đằng này ông muốn "mua đứt" con bằng hai trăm triệu. Mà mẹ chắc là ông ta sẽ đưa cho mẹ hai trăm triệu không? Ngày xưa ông còn có thể bỏ mẹ con mình được, thì ngày nay chắc dễ ăn hai trăm triệu của ông à? Dễ ăn vậy, mối ăn hết rồi mẹ ơi!

Mẹ Ngoan chỉ biết lau nước mắt. Đứa con bé bỏng ngày nào đã lớn thật rồi.

*

Vậy nên Ngoan về bếp của Sakura mà làm việc. Ngoại hình đẹp, tác phong nhanh nhẹn, ăn nói chững chạc nên anh chàng được chủ quán giao công việc quán lý kiêm tiếp thực.

Rảnh tay Ngoan khi lạng vào bếp phụ mấy đứa nhỏ nhấc cái nồi, bưng thau đồ chiên còn nóng hực giúp các bạn nhỏ.

Con Nga Mi huyên thuyên rằng trời ơi hoàn cảnh anh Ngoan xem bộ cũng lâm li bi đát như mấy bộ phim Hàn Quốc mấy trăm tập à nhen! Em mà là anh đó hả, em bảo ông cha ruột hãy "chồng" hai trăm triệu trước đi. Rồi em lấy tiền đó em đưa cho mẹ em, xong em lặn không sủi tăm một cú cho ổng trèo cây chuối có trét dầu cặn luôn cho ớn!

Nam gật gù bảo, em cũng nghĩ như con Nga, đời phải có qua có lại. Hồi đó ông bỏ tui, giờ tui hốt lại của ông hai trăm triệu rồi tui trốn luôn cho ông chơi trò đuổi bắt mệt óc chơi. Chứ ai lại bỏ nhà ra đi như anh, ông cha ruột anh mà biết, ông nói anh sợ ổng đó!

Anh Ngoan gắp miếng mực chấm vào chén tương ớt, nói hai đứa mày hay quá hén! Ngon về gặp ổng lấy hai trăm triệu hộ tao cái! Dễ ăn tiền của ổng thì mối đã ăn hết rồi nha! Tụi bây không nghĩ là ổng đem tiền ra để dụ mẹ tao mà bắt tao à? Tao mà lọt vô tay ổng rồi, thập diện mai phục ổng bắt tao, làm sao tao đi làm phụ mẹ? Thôi nha, để cho tao bình yên mà đi làm phụ mẹ nuôi em nha. Dù sao thì ba Hiếu của tao cũng rất tốt rồi. Tao không cần ba nào nữa. Giờ chỉ cầu mong cho cái chân ba Hiếu mau lành để ổng đi làm thôi.

Ba đứa trẻ, chưa đứa nào hai mươi tuổi mà nắng gió cuộc đời đã cháy háp cả khung trời tuổi trẻ. May có cái quán Sakura này làm luồng gió mát thổi qua đời bọn trẻ cùng những âm thanh của vá chảo lanh canh và mùi dầu chiên ngầy ngậy, mùi nước lẩu nồng nồng.

Truyện ngắn của Đào Phạm Thùy Trang
.
.