Gió mộc miên
Nụ lớn lên xinh đẹp nổi tiếng cả một vùng. Trai phố huyện thường đạp xe qua ngõ nhà nàng. Có công tử nhà giàu đi chiếc Pơ-giô láng coóng thường ngây người nhìn Nụ mỗi khi đi học về. Một mai hắn nhờ bà thím họ đánh tiếng muốn cưới Nụ về phố huyện. Nắng xuân non trên chùm hoa bưởi ngát tóc thề thanh nữ. Nụ dửng dưng trước sự rào đón của trai phố huyện nhưng sính lễ vẫn đưa tới nhà vì mẹ Nụ đã bằng lòng.
Tháng hai nhuận đa xuân. Rét lộc. Gió mùa. Trời giăng sương như ngà say. Sông bạc khói phủ. Gió thổi mạnh, hoa gạo xoay xoay rớt theo cánh gió. Hoa đỏ tựa ráng trời in bóng mặt nước. Cá đói mồi hớp bóng hoa. Ông bồi hồi nhìn hàng gạo cổ thụ rêu mốc đổ bóng xuống chiều. Tháp gạo khổng lồ thắp lửa giữa trời xuân như hút lấy ánh nhìn mệt mỏi của ông. Vài con bói cá biếc xanh vù xuống mặt nước rồi lại vút lên cành hoa gạo la đà mặt sóng.
Nhìn cánh hoa đỏ lênh đênh trôi như mảnh vỡ của thời gian khiến ông thẫn thờ thở dài... Đời người bóng câu qua cửa sổ, già hết cả rồi. Hàng gạo già nua và ông cũng còm cõi theo thời gian. Tiếng còi xe hơi đầu bến sông khiến ông giật mình. Bóng người đang thoăn thoắt leo cầu tre cùng tiếng gọi rổn rảng quen thuộc phá đi cái tĩnh mịch của chiều đỏ khiến ông phải hấp háy đôi mắt:
- Ai đấy, nhẩn nha mà đi kẻo ngã xuống sông thì khổ.
Tiếng cười giòn sảng khoái:
- Con đây mà bố. Năm nay hoa nở đẹp quá! Có đông khách đến chụp không bố? Bố vẫn khỏe chứ? U con đâu mà bố có một mình.
Nhận ra người quen, ông mỉm cười. Khuôn mặt nhăn nheo dãn ra vui sướng:
- Bà nhà tôi vào trong làng, nhờ giời tôi vẫn mạnh. Chú đi đâu mà vắng thế? Mấy năm nay mới trở lại nơi này. Đêm nay chú ở lại đây uống rượu nhé. Tôi mới đó được con chuối sộp hoa to lắm. Tí nữa tôi hấp lá sả, ông con mình đưa cay. Nói chuyện vui đáo để nhỉ.
Nhiếp ảnh gia mỉm cười, mở túi xách lấy chai rượu Vò Di nút lá chuối và gói chè đặt vào tay ông lão.
- Vâng ạ! Con biếu bố uống cho vui. Chè móc câu bạch tuyết con vừa đem trên Hà Giang về đó bố ạ! Cái này mà uống đảm bảo ngọt giọng. Còn chai rượu này tối nay ông con mình hàn huyên.
Anh ôm máy ảnh chạy theo hàng gạo dài ven con sông. Hoàng hôn đỏ tráng lệ. Gió xuân lả lướt tạo nên khoảnh khắc hoa vi diệu. Say cơn mưa hoa, anh tự hài lòng vì góc chụp hoa đẹp đến mê hồn.
Màu hoa đỏ cháy giữa khói chiều. Ma mị đẹp trong ống kính của nghệ sĩ. Cơn say hoa khiến anh bơi theo hàng gạo cho đến khi bóng tối đã phủ đầy bến sông, anh vội vác máy quay lại căn lều của vợ chồng ông lão. Mùi thơm quyến luyến. Bếp lửa rực hồng. Cá hấp sả nồng nàn, đĩa nhộng tằm ngậy ngát lá chanh. Nụ cười hiền hậu của bà lão đã níu kéo nhiếp ảnh gia sà vào mâm rượu ấm áp. Và, anh biết đêm nay anh sẽ không thể rời khỏi căn nhà của người coi hàng gạo cổ giữa miền Sơn Nam Hạ.
Đêm chìm trong tĩnh lặng. Sông trở mình vì tiếng cá ăn đêm. Vài cánh chim kiếm mồi rít từng hồi lanh lảnh. Đêm vắng càng vắng hơn. Cuối dòng sông chập chờn le lói ánh đèn của người đi bỏ đó đêm. Chén rượu này vơi thì chén kia lại đầy. Ông chạm môi vào chén Vò Di ngát hương mà như chạm vào niềm ân tứ. Đôi mắt người già ngà say, giọng kể nhỏ đều như lời độc thoại nội tâm. Thi thoảng, ông lại lên tiếng hỏi:
- Chú còn thức được nữa không? Thức để nghe hết câu chuyện của lão già này nhé!
Nhiếp ảnh gia cũng ngà ngà vì anh đâu uống được nhiều nhưng vẫn say sưa lắng nghe câu chuyện của chủ nhà.
*
Chiều cuối năm rét cắt da cắt thịt. Hoàng hôn xám loang trên con đường đồng không bóng người qua lại. Anh bộ đội bước thấp bước cao nhấp nhô chiếc ba lô bạc phếch, mệt mỏi lê bước chân vượt con dốc cao. Anh mừng rỡ khi nhìn thấy hàng gạo ven sông. Những cây gạo quen thuộc được ông nội anh trồng giờ già nua trong bóng chiều. Hàng gạo đã gắn bó với tuổi thơ anh mỗi mùa hoa. Anh nhớ như in bóng của cái Nụ hàng xóm thường tha thẩn theo anh ra cánh đồng nhặt từng sợi bông gạo. Hàm răng sún, má lúm đồng tiền của cô bé hàng xóm vẫn thì thầm vào tai anh:
- Anh ơi! Em muốn có cái gối bằng bông gạo lắm, khi nào quả gạo khô nở tung bông, anh cho em theo ra đồng với nhé. Em muốn nhặt thật nhiều bông để nhồi một cái gối. Nếu nhiều hơn em sẽ làm một chiếc áo bông thật ấm và nhẹ. Em nghe người lớn bảo nếu được gối đầu lên chiếc gối bông gạo thì mình sẽ gặp nhiều may mắn.
Anh mỉm cười cái lí lắc rất đỗi ngây thơ của cô bé. Hai anh em thả trâu trên cánh đồng, ngước mắt nhìn một trời hoa đỏ, lắng nghe con sáo mỏ ngà chí chách mổ trên cành hoa. Thiên đường của anh là đôi mắt trong veo của cô bé tám tuổi đội vương miện hoa đỏ trên mái tóc non tơ. Tháng ba hoa gạo gọi trời. Tháng ba anh uống những lời yêu thương. Tháng ba sắc tím hoa xoan vương trên đường làng thì anh có lệnh nhập ngũ. Nụ chưa kịp thành thiếu nữ với giấc mơ tìm đủ sợi bông gạo để làm thành chiếc áo tặng anh thì anh đã phải vào chiến trường. Chẳng kịp từ biệt cô bé nhà bên, anh đâu biết được cô đã khóc nức nở sau giậu râm bụt, không dám ra gặp anh vì tối qua mẹ cấm:
- Này, nghe bu dặn này. Mày đừng có khóc lóc ỉ ôi gì trước mặt anh Thuận nghe không. Tao nghe nói đợt này anh ấy đi B đấy. Anh mày vào chỗ đạn lửa, mày không được khóc. Người ta kiêng. Để anh ấy đi chân cứng đá mềm và còn về nữa chứ. Bu đã thổi bơ gạo nếp đỗ xanh cho anh ấy mang theo ăn đường. Mày đừng ra tiễn nữa nhé! Bu là bu cấm tiệt nghe chửa. Trẻ con khóc lóc ỉ ôi rối lòng người đi xa, nhớ chưa.
Nụ cắn chặt môi không khóc nhưng mắt đỏ hoe, tiếng nấc trong lồng ngực thơ dại cứ ập òa chỉ chực trào ra.
Mỗi lá thư gửi về nhà anh đều hỏi thăm cô bé nhà bên nhưng sao chả thấy hồi âm. Đi qua bao chiến dịch ác liệt, nhờ phúc ấm tổ tiên hôm nay anh được trở về nhà với một chân gỗ bước thấp bước cao.
Hàng gạo rụng lá đóng đinh vào gió bấc. Anh bồi hồi nhìn thấy cái bóng dật dờ quanh gốc gạo. Tiếng cười hăng hắc điên dại cất lên, anh rùng mình ớn lạnh. Tiếng than khóc của người đàn bà réo gọi tên anh nghe thật gần và thật quen thuộc:
- Ối anh Thuận ơi! Sao anh không về với em... Anh Thuận ơi... Em khổ lắm anh biết không.
Tiếng hờ khóc, bóng trắng ẩn hiện quanh hàng gạo, không hiểu sao anh không còn sợ hãi nữa mà tim nhói đau. Một cái gì đó như vô hình đưa anh lại gần bến sông có cây gạo to nhất. Bình tĩnh, anh lấy chiếc đèn pin trong túi cóc balo. Ánh đèn bật sáng rọi thẳng vào khuôn mặt người con gái đang hờ khóc. Tiếng khóc im bặt, đôi mắt điên dại mở to. Chăm chú nhìn khuôn mặt người lính đội mũ sao vàng hốc hác đang tái đi vì cái lạnh của gió bấc. Cô gái trẻ điên thất thần:
- Chú bộ đội ơi... Chú có gặp anh Thuận cháu không? Anh Thuận vẫn nhặt hoa gạo kết hoa cho cháu cài đầu. Chú bảo anh ấy về với cháu đi. Cháu nhặt đủ bông gạo rồi. Cháu sẽ làm chiếc áo cho anh Thuận cháu. Hu hu. Anh Thuận ơi! Sao anh không về với em.
Tiếng khóc xé gió buốt làm tim tái tê, anh đau đớn khi nhận ra cô gái điên chính là Nụ. Con bé Nụ hàng xóm nhà anh. “Không chết người trai nơi khói lửa” mà em sao lại điên dại thế này, Nụ ơi? Chiếc áo bông bộ đội được cởi ra khoác lên vai người con gái điên trong chiều gió buốt:
- Anh Thuận về rồi đây này, Nụ ơi! Bình tĩnh lại đi em. Ta về nhà nào.
Ánh mắt ngây dại nhìn anh đăm đắm. Đôi vai người điên như lả đi trong vòng tay gầy guộc của người lính Trường Sơn. Họ rời hàng gạo trong giá buốt. Chậm chuội bước chân của người lính ấy cũng đưa được Nụ trở về ngôi nhà xưa.
Nụ lớn lên xinh đẹp nổi tiếng cả một vùng. Trai phố huyện thường đạp xe qua ngõ nhà nàng. Có công tử nhà giàu đi chiếc Pơ-giô láng coóng thường ngây người nhìn Nụ mỗi khi đi học về. Một mai hắn nhờ bà thím họ đánh tiếng muốn cưới Nụ về phố huyện. Nắng xuân non trên chùm hoa bưởi ngát tóc thề thanh nữ. Nụ dửng dưng trước sự rào đón của trai phố huyện nhưng sính lễ vẫn đưa tới nhà vì mẹ Nụ đã bằng lòng. Trước cái đêm đón dâu, mặc nước mắt con gái ướt đầm cánh tay áo, bà vẫn đay nghiến:
- Bu cấm mày khóc nữa nhé! Mắt sắp sưng bằng quả bàng rồi đấy. Người ta là chỗ giàu có sang trọng, con về làm dâu nhà họ thì ăn trắng mặc trơn không phải lo đến bát cơm manh áo. Thời buổi loạn lạc chiến tranh, tên bay đạn lạc biết đâu mà chờ đợi. Rõ trẻ con, đã hứa hẹn gì đâu mà khóc lóc chờ đợi. Bu là bu cấm ra cái hàng gạo trồng ở ngoài đồng làng nhé! Yếu bóng vía ma nó theo về thì khổ cả đời đấy con ạ!
Bu chửi thì kệ bu. Sáng hôm sau, trời còn đẫm sương, Nụ đã chạy ra đồng làng. Cả một trời hoa đỏ đẹp tới não nùng trong lòng nàng. Hoa gạo đỏ thắp lên nỗi nhớ da diết. Nước mắt cứ òa ra như suối. Ba mươi sáu cây gạo đã bị bom đánh trụi ba cây. Gốc gạo ứa máu thẫm đen lại. Nụ đi hết hàng cây, không hiểu sao tới chỗ cây gạo to nhất có cô dân quân bị trúng bom ở đó thì không đi tiếp được nữa. Nụ cứ luẩn quẩn bên gốc cây và cười si dại. Đôi bàn tay múa lên. Họ nhà trai tới đón dâu thì cô dâu mất tích. Mẹ và họ hàng chạy ra cánh đồng thì Nụ đã ngây dại và luôn miệng gọi: anh Thuận ơi...
Bà đau đớn ôm lấy con. Đám cưới bị hủy bỏ. Tháng ba hoa đỏ rụng bờ đê. Có một người đi mãi chẳng về. Dòng hoa đỏ cứ chập chờn trong tâm thức Nụ nhưng cái tên Thuận thì luôn được nàng gọi lên trong chan chứa yêu thương.
Đám cưới của anh thương binh Thuận và cô Nụ điên được cả làng đến mừng. Nụ như tỉnh hẳn cơn mơ, ngoan hiền xinh đẹp bên Thuận. Hai đứa con trai lần lượt ra đời. Vườn cây, ao cá bố mẹ để lại cùng tiếng trẻ bi bô học bài hằng đêm làm Nụ ngày càng đẹp ra. Cuộc sống đã mỉm cười với họ khi cả hai đứa con đều vào đại học. Thằng lớn tốt nghiệp xong lại vi vu nơi xứ người. Chúng gửi của về biếu bố mẹ. Nhà tầng sân gạch tường hoa, vật dụng không thiếu gì, đề huề, sung túc, bao kẻ ước ao không có được. Ấy vậy mà dân làng hạ lại bất ngờ thì thào to nhỏ:
- Cái nhà ông Thuận bị điên hay sao mà nhà cao cửa rộng không ở lại ra cánh đồng làm túp lều mà ở. Rõ dở hơi. Làm đâu không làm, lại dựng lều dưới gốc cây gạo to đầy ma. Kinh quá cơ chứ. Sống với người không thích lại cứ thích ở với ma.
Mặc lời ra tiếng vào. Ông Thuận kệ. Chiếc vó bè được thả xuống sông. Chiếc võng dù ông mang từ Trường Sơn về kẽo kẹt trước cửa lều. Bà Nụ cũng ra ở cùng chồng vì sợ ông mỗi khi trái gió trở giời. Thằng cả không bằng lòng, thằng hai cũng bực mình khi đánh xe về thấy nhà cửa vắng tanh. Chiếc xe hơi đã phóng ra tận cái lều của bố mẹ. Tiếng nói như van xin:
- Con lạy bố mẹ đấy. Nhà cao cửa rộng không ở, bố mẹ ra đây làm gì? Mang tiếng cho chúng con. Bố không sợ dân làng cười chê là chúng con bất hiếu à?
Bà Nụ ngùi ngùi nhìn con trai, nhưng ông Thuận thì cười sảng khoái:
- Các anh đi Tây đi Tàu nhiều. Làm sao mà hiểu được cái thú của tôi với mẹ anh. Đấy, anh xem từ ngày mẹ anh theo tôi ra đây, bà ấy khỏe ra đấy. Cái chân thấp khớp không còn đau nữa nhé. Cái bệnh đau đầu cũng như mất hẳn. Điều đặc biệt là nơi đây chứa đầy kỷ niệm tuổi thơ của bố mẹ, gặp nhau, yêu nhau rồi bặt tin nhau nhưng cuối cùng vẫn tìm thấy nhau, bố mẹ biết ơn bến sông, hàng gạo cổ nơi này, các con ạ...
Nói đến đây, ông ngừng hẳn... Dường như có bí mật nào đó chạm vào huyền linh. Giọng ông nhỏ dần và im bặt, đôi mắt xa xăm trôi về miên thức.
Nắng cái mưa rào. Bọn tôm rảo nơi cửa sông theo nước lợ vào đông lắm. Trời vào khuya, ông Thuận vác đó đi dọc con sông, thả xuống, hy vọng sẽ có bữa tôm rảo đỏ au uống rượu trưa mai. Nhưng, lạ kì thay, dưới những gốc gạo đèn lồng rực sáng. Bóng đèn lồng chập chờn hư ảo. Từng đôi trai gái đang tình tự. Họ mặc áo tứ thân, thắt khăn mỏ quạ, tiếng cười giòn giã vui vẻ. Và thật kỳ lạ, khi ông nhìn lại phía cây gạo bị sét đánh lại thấy bóng cô dân quân đội mũ tai bèo đang gục đầu vào vai anh bộ đội. Những lời âu yếm dịu ngọt theo gió xuân thoảng vào tai ông rất rõ.
Ông ngây người trong cảm xúc háo hức đến lạ kỳ. Cái cảm giác sợ hãi không còn nữa. Ông đứng ngắm họ một cách say mê. Trai thanh gái lịch dìu dặt âu yếm tình tự. Cả một khoảng trời đẹp đẽ rực rỡ trong mắt ông. Chỉ khi tiếng gà gáy sáng, ông mới bừng tỉnh. Bóng đèn lồng tản dần. Hàng gạo lại im lìm trong gió sớm. Tiếng chim đi kiếm ăn trở về tổ lại bay qua cánh đồng nhắc nhở ông nhớ tới những đó tôm thả ven sông. Bần thần vác từng đó tôm ướt ròng về ngồi trước cửa lều, ông gọi khẽ không ra hơi:
- Bu nó ơi! Bà Thuận ơi... Dậy đi, tôi bảo cái này...
Tiếng nói hốt hoảng khiến bà Nụ cũng ngạc nhiên và nhìn thấy những đó tôm của ông đầy ắp hơn mọi khi rất nhiều thì bà ngẩn người bối rối hỏi chồng:
- Nhà làm sao mà cập rập vậy? Mà làm sao hôm nay tôm vào đó nhiều vậy? Toàn con to thôi. Tôi chưa bao giờ thấy ông kiếm được nhiều tôm thế? Chỗ này dễ đến hơn yến tôm ấy chứ.
Đưa mắt sợ sệt của ông nhìn về phía hàng gạo đầy huyền bí. Rồi ông chắp tay vái về phía hàng gạo:
- Đêm qua tôi gặp người đời xưa. Họ về đông lắm bà ạ! Toàn trai thanh gái tú, họ mở hội dưới tán gạo đông vui vô cùng. Họ còn tình tự hò hẹn nữa. Tôi chưa bao giờ được gặp cảnh vui tươi như thế, bà ạ!
Nhìn chồng ngây dại, bà đưa bàn tay ấm đặt lên trán chồng, dặn chồng nằm nghỉ, bà chạy ù về làng. Bà vội vàng bắt con gà trống to, đun nước làm thịt. Vào chum gạo nếp múc mấy bát thật đầy nấu nồi cơm nếp. Hối hả, bà chạy về nhà mở cổng hái rổ cam và tạt qua chợ mua mấy đinh tiền vàng. Cơm nếp chín tỏa hương thơm, gà luộc uốn hình cánh tiên đặt lên mâm xôi. Tiền vàng hương quả được chia làm ba lễ. Bà đặt dưới hàng gạo mâm xôi, con gà, Không quản ngại, bà đội thêm hai lễ tới cây gạo bị sét đánh giữa đồng. Rồi không quên mâm lễ và chai rượu cùng tiền vàng đặt dưới chân cây gạo mồ côi xa tít tắp.
Cây gạo có từ thời ông thân sinh bà còn sống. Nghe người già dẫn tích lại rằng có gã thầy thuốc người Tàu đi qua vùng này nhìn thấy cây gạo to mồ côi giữa đồng, trên thân cây có nhiều cây tầm gửi. Gã mừng rỡ vác bao và dao trèo lên cây gạo. Bàn tay của kẻ làm thuốc Bắc gỡ những cây tầm gửi ném xuống gốc. Và, không ngại ngần, con dao sắc của kẻ buôn thuốc thoăn thoắt lột vỏ cây gạo cho vào bao. Cụ gạo mồ côi ứa nhựa như nước mắt nến trong cái nhìn hể hả của kẻ kiếm được món lợi.
Nhưng, kì lạ thay, gã người Tàu không bước lên đường trở về mà lại bước xuống sông. Cả người và bao vỏ gạo chìm nghỉm. Phúc bảy mươi đời nhà gã là có ông đi đánh ống lươn gần đó đã cứu sống. Nhưng, cái mồm gã thì méo xệch và tay thì bị liệt luôn. Nhớ tới đó, bà Thuận rùng mình. Đặt mâm lễ xuống gốc cây, bà vái lạy thành kính.
- Con lạy các thần linh, con lạy ông tiền chủ bà tiền chủ đất này, con lạy các tôn thần cai quản ở khu vực này. Chúng con nên vợ nên chồng cũng từ nơi đây. Chúng con yêu bến sông này, yêu hàng gạo cổ, vợ chồng con chỉ xin được cuối đời ra dựng túp lều nơi bến sông này sống với thiên nhiên cỏ cây, chăm sóc hàng gạo cổ với tấm lòng thành kính không dám đơn sai.
Nước mắt rơi. Đôi bàn tay vái lạy. Lòng đầy thành kính...
Bà về nhà nhìn rổ tôm to, miệng lẩm bẩm:
- Sao lại được nhiều tôm thế này? Chắc là đông các vong linh tề tựu nên đó nhiều tôm phải không ông?
Xua xua đôi bàn tay, ông Thuận giảng giải:
- Chuyện nào ra chuyện ấy. Bà đừng mê tín quá. Mấy tuần nay hoa gạo rụng nhiều, hoa ủng ra, phân hủy trên mặt nước, phù du nảy nở nên tôm cá ùa về ăn thôi. Bà ngại ăn thì cứ mang ra chợ bán hết cho tôi nhá. Tiền ấy sau này tôi có việc cần.
Bà Thuận ngần ngại nhưng rồi cũng cắp rổ tôm tươi ngon ra chợ.
Chiều buông, bà bắt ông dọn dẹp về làng. Nhưng, chỉ mấy ngày sau lòng ông lại như có lửa đốt. Ông như không chịu được cái ngột ngạt của ngôi nhà mái bằng, không chịu được cái kín cổng cao tường bề thế mà hai thằng con trai thiết kế cho thợ xây lên kiên cố cho cha mẹ ở. Đêm ông không ngủ được khi nghe tiếng cãi nhau của hàng xóm vì mất con gà mái chiều qua. Ông thèm nghe tiếng tôm rảo búng trăng, thèm nghe tiếng chẫu chuộc trên dòng sông... Thèm được nghe tiếng lộp độp của những bông gạo rụng nơi bến sông vắng... Mùi bùn ngai ngái, mùi hoa dành dành đầu hồi nhà... Thèm cái không khí ngát hương của hoa cỏ đêm tháng ba.
Ông bật dậy cầm đèn pin trở về ngôi lều ngoài cánh đồng bên những hàng gạo cổ thân thương, nơi đó có dòng sông, có những đêm trăng bời bời ông bà ngồi tí tách chuyện trò thâu đêm bên ấm trà thơm ngát. Ông quen với khung cảnh nơi đây, nơi mối tình với bà tuổi ấu thơ nhen nhóm và cũng là nơi ông gặp lại bà, gặp được mối duyên lành tưởng đã đứt gãy, ai ngờ có hậu đến thế khi bà lành bệnh, sinh cho ông mấy người con ngoan ngoãn thành đạt hiếu thảo. Nơi đây, ông thấy vô cùng thoải mái với cuộc sống thôn dã lồng lộng sông nước cây cối hữu tình.
Bà thấy ông ra bến sông ở, thương chồng một mình nhỡ đâu trái gió trở trời, cái chân cụt có bề gì thì sao, mai sớm bà lại lúc cúc đi tìm ông. Và, bà lại cùng ông đêm đêm ngắm nhìn khoảng trời rực sáng dưới gốc gạo. Lắng nghe lời ngọt ngào tình tự của bao đôi lứa ở làng kéo nhau ra ngồi tâm sự dưới trăng khuya.
Các con mỗi lần trở về nhà thăm bố mẹ, ngạc nhiên thấy bố mẹ khỏe hơn ngày trước rất nhiều. Còn hàng gạo nơi bến sông nhập nhoạng âm dương qua lời đồn thổi nên những cây gạo không bị bọn trộm vỏ đến bóc nữa.
Người ta nhổ lúa đi trồng cải để vườn cải nở hoa vàng rực cánh đồng. Người ta thuê máy xúc móc đầm trồng sen. Thiên hạ lũ lượt về thuê vườn, thuê đầm chụp ảnh. Thiên hạ đua nhau làm nhiếp ảnh gia nên hàng gạo rực thắm thắp một trời cổ tích của ông bỗng nhiên có giá. Cầu tre qua sông được bắc lên. Khách nườm nượp kéo về. Quán nhỏ bán bánh đa kẹo lạc nước chè dưới gốc gạo của bà không lúc nào vãn khách.
Mùa tiếp mùa. Năm qua năm. Sáo mỏ ngà dẫn nhau về mở hội trên những cây mộc miên được ông Thuận trồng nối dài khắp ven sông.
Chiều nay rét nàng Bân tê tái và buốt giá. Hoa mộc miên rụng tơi bời phủ lên túp lều nhỏ ven cánh đồng. Những cánh mộc miên lênh đênh giọt buồn. Mưa mộc miên ngùi ngùi. Gió mộc miên đỏ như màu máu tiễn đưa một người vừa nằm xuống. Màu đỏ của hoa thắm trên nấm mộ của người suốt đời gắn bó với hàng gạo làng quê. Sau đám tang của ông Thuận, người ta tìm thấy cuốn sổ nhỏ ông để trong chiếc ba lô lính. Những tờ giấy ố vàng ghi chép tỉ mỉ từng ngày người đến chụp hoa gạo cùng số tiền thu được. Cuốn sổ tiết kiệm cùng đồng lương thương binh và tờ di chúc ông Thuận gửi lại cho các cụ phụ lão trong làng. Ông Thuận thiết tha nhờ các cụ hãy trồng thêm những hàng gạo để bến sông quê nơi cánh đồng làng ngày một đẹp hơn, xanh tươi, đầy sức sống hơn, và cũng để phòng khi hàng gạo cổ lâu năm qua đời thì có hàng gạo mới tươi non thay thế.
Tháng ba năm sau, hoa mộc miên thắm đỏ bến sông quê. Nhiếp ảnh gia lại dẫn những cô nàng yếm thắm tới chụp ảnh. Người ta nhớ ông Thuận, nhớ chiếc cầu tre cũ của ông, nhớ quán gianh nhỏ nơi bà Thuận bán nước. Bà Thuận thì đã theo con trai về Hà Nội, để lại căn lều cho các cụ phụ lão trông coi hàng gạo. Dân làng Hà vẫn thì thầm với nhau rằng những đêm trở trời người ta vẫn nhìn thấy trai thanh gái tú thắp đèn lồng dưới gốc gạo tự tình. Nhập nhoạng âm dương chả biết đâu mà lần. Cụ lão trông cây còn nói là nhìn thấy cả ông bà Thuận nữa. Chả biết đúng hay sai nhưng nhiếp ảnh gia thì ngỡ ngàng khi thấy những cây mộc miên non mới trồng năm trước đã thấp thoáng vài búp hoa đỏ thắm trong nắng xuân...