Gió Đông Phong

Thứ Bảy, 09/07/2022, 16:28

Sực nhớ, cách đây hơn 10 năm, một người bạn nhỏ đã tặng mình cuốn sách này. Nguyên trở dậy, lục lọi. Cuốn sách hơi bụi, ngủ im trên giá sách của cô, nhưng tên truyện đảo chiều: “Kiếp trước em đã chôn cất cho anh”. Nguyên chụp, bấm send. Bàng hoàng, trong cô một niềm gì đó dội về. Con tim có lý lẽ riêng của nó, cô đã yêu, một tình yêu hoang vu. Có lẽ những mịt mờ xa xăm từ tiền kiếp đã đưa đến hạnh ngộ giữa anh và cô, để hàn vá những dang dở.

Đà Lạt buổi sớm thật dễ chịu, sương núi se se, bảng lảng như một tấm áo mong manh, diễm lệ mà tạo hóa ưu ái cho con người, nhất là với du khách lần đầu tiên đến thung lũng xanh, một vẻ đẹp đến hoang đường, mơ ảo.

Nguyên dậy sớm. Sau giấc ngủ vùi dưỡng sức qua chặng hành trình dài mệt mỏi, như thể cái nắng hè gay gắt của miền Bắc chưa từng xuất hiện trong đời, dù cố giấu đi sau lớp kem chống nắng thì nó vẫn hiện diện trên gò má vương vương vài nốt nâu ưu mang thời gian của cô. Từ phòng tắm bước ra, cô thấy một sự dễ chịu đang vỗ về mình. Nước trong vắt, ấm áp, vài giọt đậu trên chân tóc cô như ngọc, nhỏ xuống bờ vai mảnh. Tự thẳm sâu, Nguyên biết rằng mình đã được tẩy trần. Thiên nhiên như một phép ban, để delete những kí ức u hoài, đeo bám dai dẳng mười mấy năm.

Cô trang điểm rất nhẹ, thoa chút son lên khóe môi kiêu hãnh như một vành trăng non, khoác lên mình bộ váy trầm điểm hoa vàng li ti. Không nhận ra mình trong gương, đó như thể một dải nắng hanh vàng sống động của ban mai núi rừng. Lấy lọ nước hoa khẽ xịt, một mùi thơm nồng nàn ôm lấy cô. Nước hoa, thời trang, kem son là một thứ nghi lễ đàn bà.

Phố núi quanh co uốn khúc, như trườn nhẹ vào lớp sương giăng giăng màu khói non. Có đoạn, dốc dâng lên cao, hết con dốc thoải đến dốc đứng, cô đi, như thu vào mình một sự tái sinh màu nhiệm. Bất chợt lưng chừng dốc đứng những cụm hoa ùa ra. Màu ánh lên như tro của hoa hồng dưới tay lá xanh mướt, khoe cánh như đính vào ban mai những ánh mắt thiên nhiên lấp lánh. Nguyên ngồi thụp xuống, vòng tay nhẹ xung quanh khóm hoa. Cánh hoa rung rung khẽ cọ vào má cô như một lời hàm ơn trước sự độ lượng. Cô hít vào lồng ngực một làn hương lạ lẫm. Thiên nhiên ban sơ tẩy trần con người, khiến cô run rẩy, trong tim như có hạt mầm khẽ cựa, rồi chợt ân hận vì mùi nước hoa đã ngăn phần nào cái tinh khôi của ngày mới đang loang tràn, len lỏi khắp nơi. Bỗng cô thấy xây xẩm mặt mày và hình như cô bị lôi đi, quăng vào giữa những khóm hoa.

Nguyên tỉnh dậy trong căn phòng trắng tinh, mùi thuốc sát trùng xộc thẳng vào khứu giác, cô nhìn quanh ngơ ngác, không biết mình đang ở đâu. Lúc đó có một người lạ ngồi trên chiếc ghế màu xanh ở góc phòng bật dậy:

- Em tỉnh rồi.

- Anh là ai? Sao em lại ở đây?

Đó là một người đàn ông trạc tuổi cô, trong bộ đồ thể thao khuôn vừa người, mái tóc húi cao sạch sẽ. Thì ra buổi sáng nào anh cũng đạp xe trên những con dốc ngoằn nghèo, và cú xây xẩm mặt mày của cô, chính anh là thủ phạm, cái xe mất phanh, lao tuột từ trên dốc xuống.

- Cho anh xin lỗi vì sự cố này. Nhưng anh không nghĩ là em lại sợ thế, chết ngất đi. Giờ em thấy trong người sao rồi?

Nguyên quê ở một thị xã nhỏ ven sông. Tuổi thơ cô gắn với những con đường rợp bóng xà cừ. Thân cây to, ngạo nghễ, rễ cây trằn lên mặt đất như những con rắn túa đi tìm thức ăn. Nguyên thuộc làu con đường tới mức nhắm mắt cô cũng không đi lạc. Xà cừ cất vào vòm lá của nó khúc ngân bất tận của thiên nhiên. Mùa xuân, cành non lộc nõn trổ trổ vào nền trời những vầng xanh óng ánh như dát vàng thinh không. Hạ chói chang, bẳn gắt, nhưng tầng lá chen kín, khiến đứa bé là Nguyên cố lắm cũng không bắt nổi giọt nắng nào.

Hôm nào đi học, trong cặp nó cũng có một cuốn truyện đọc dở. Nó rất mê cái mũi của “Chú người gỗ” - một tác phẩm nổi tiếng của Nga dành cho thiếu nhi. Đến độ, một buổi trưa đi học về, nó trèo lên chạc cây to mà vòng tay đứa bé lớp 5 là Nguyên ôm cũng không xuể. Trên đầu, vầng lá xúm xít che mát, mặc cho cái nắng cuối tháng tư như vỡ vụn bầu trời, dưới đất, nước mặt sông thổi lên mát rười rượi như quạt hầu. Nó nằm giữa ân huệ của đất trời, ngả hẳn người ra, 2 chân đung đưa thích thú, chiếc cặp vứt chỏng chơ giữa bãi cỏ xanh, tay lật cuốn truyện đọc say mê. Đến đoạn chiếc mũi của Buratino dài ra, nó huơ tay thích thú, chẳng ngờ trượt chân, nửa người bị hất khỏi cây, rơi xuống giữa bãi cỏ xanh. Sẽ là cú tiếp đất an toàn, nếu như dưới đó không có nửa viên gạch vỡ, đầu nhọn như một mũi dao. Đầu đứa bé va vào gạch, máu nhểu ra từng giọt. May có một bà bán hàng, tan chợ về nhìn thấy, đưa nó về nhà. Từ đó, cứ nhìn thấy máu là Nguyên ngất xỉu.

Cú va chạm mạnh sáng nay khiến cô trầy xước hai đầu gối, mất một phần thịt, máu tuôn ra từ vết thương hở. Chỗ đó giờ được băng kín. Nguyên thầm hỏi: “Không biết phần da thịt của mình đang chơi với loài hoa nào ở thung sâu này”.

Anh tên là Đông. Bố anh rất thích con gái. Sau khi hạ sinh hai cậu con trai, mẹ Đông lại hoài thai. Bố làm nghề địa chất, ở rừng đi núi đến chồn chân, thi thoảng cắt phép về với vợ con. Trong một lần đi sâu vào rừng, ông đã nhìn thấy những sợi tơ trắng mong manh đơm từ cây sung rừng già cỗi, trên từng sợi mảnh là những núm chuông màu trắng ngà, lấp lánh. Bàng hoàng, ghé sát mắt nhìn kĩ, trước mắt ông là những đóa hoa ưu đàm - hoa kết tinh từ cõi Phật, nghìn năm mới nở, điềm lành với những ai nhìn thấy nó. Trong giây phút, sự ham muốn đã khiến ông tham lam định bứng lấy những ánh sáng vô thường kì diệu kia. Nhưng ông kịp dừng tay. Cái đẹp nguyên bản chỉ thực sự phô hết vẻ nhiệm màu khi được tự do sống với thế giới của nó. Ông tháo ba lô, lấy cuốn sổ bìa da đơn sơ cài sẵn chiếc bút bi: “Ngày… tháng 9…năm, anh đã thấy sự hiển linh của vũ trụ. Con mình sẽ là con gái, tên con là Đông. Đông Phong, ngọn gió nghinh xuân em nhé”.

Gió Đông Phong -0
Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Nhưng tạo hóa khéo trêu cợt, ba tháng sau, ở nhà, vợ ông đón thêm một bé trai. “Tam nam bất phú”. Quan niệm hủ nho đã đeo bám ông. Đang là trưởng đoàn, ông đã bị giáng chức, vì trong một lần đi khảo sát, không may có thành viên trượt chân sa xuống vực. Anh được cứu chữa kịp thời nhưng chân trái đã bị dị tật, thương tích 30%. Ông bị cấp trên cáo buộc, vô ý xảy ra sự cố. Con đường thênh thang của ông khép lại từ đó. Ông ở mãi vị trí phó đoàn. Đứa trẻ mà ông hy vọng là một bé gái, dù được đặt cái tên rất đẹp: Phương Đông, cũng không tô đẹp cho sự nghiệp của bố.

Thi thoảng, ông nhắc: “Từ ngày có cu út, công việc của bố chững lại”. Đông lúc đó đã vào lớp một, chẳng hiểu hết ý nghĩa từ “chững lại”. Nhưng nó nhớ như in, vào một đợt trả phép, những buổi chiều muộn bên hàng hiên bố ngồi hút thuốc trước hiên nhà. Ông thả những vòng khói xa xăm, ánh mắt ngó lơ, đôi vai vuông vức của bố hơi so lại, hoàng hôn dừng lại ở đó.

Đông từ đó ít nói, cứ mỗi lần bố về, dù rất mong, nó cũng chỉ mon men không dám lại gần. Quà của bố đôi khi là vài phong lương khô, hay ít mật ong rừng, hoặc túi kẹo cứng đanh. Nhưng với ba anh em, đó là một kho báu. Lần ấy, khi bố đi công tác, Đông rụt rè cầm một gói giấy nho nhỏ, bọc rất vụng:

- Bố ơi, bố cầm đi ăn đường.

- Cái gì thế con trai?

- Ở nhà sáng nào mẹ cũng hâm cơm nguội cho con rồi. Đường xa thế, mẹ không nấu cơm cho bố được.

Ông bố nhướn mắt lên nhìn con trai lạ lẫm, rồi ôm chặt nó vào lòng, cạ cạ trán mình vào đôi má non của con. Lần đầu tiên được bố ôm chặt đến thế, Đông đứng im tận hưởng.

Hôm Nguyên được ra viện, Đông đến rất sớm. Anh vào làm thủ tục xuất viện cho Nguyên, kèm theo túi thuốc bác sĩ kê, thêm một túi bông băng và vài vỉ kẹo ngậm ho. Đà Lạt sớm và tối lạnh, Nguyên vừa mới đến sẽ không quen, anh nghĩ vậy. Vết đau vẫn chưa lành lại ở vị trí không cố định được, Nguyên đi rất chậm. Mái tóc cô bay bay trong gió sớm, chiếc váy vàng buổi tối hôm trước vẫn nhàu, chưa kịp giặt, được mặc lại. Trông cô như một đóa hoa vừa mới rũ sương, vừa có nét mỏi của một đêm mộng mị lại hân hoan vì thoát khỏi mùi thuốc sát trùng. Anh mở cửa xe, đỡ cô bước lên, ghế bên kia, một bó hoa dã quỳ vàng rực bọc cẩn thận trong lớp giấy nâu, cột ruy băng. Anh ngồi ghé vào một bên ghế, hai tay cẩn thận đưa bó hoa cho cô vẻ ngượng nghịu: “Tặng em”. Cô bật cười: “Anh chưa tặng hoa cho ai bao giờ à?. Anh chỉ tủm tỉm, cô thấy loáng qua trước mắt mình một mái tóc cứng, đen thẫm, cạo chỉn chu. Anh bật nhạc. Trong khoang xe, giọng Quang Dũng trầm buồn: “Anh còn nợ em chim về núi nhạn, trời mờ mưa đêm…”. Thoáng trước cửa kính, từng hạt mưa lất phất. Đà Lạt phong gói trong những đóa vàng rợp cúc quỳ, những giọt mưa nhè nhẹ như nụ hôn gió gửi vào thổn thức giai điệu nhạc.

Lần cuối cùng anh được gặp bố, cũng là lần đầu tiên anh được bố ghì trong vòng tay mạnh mẽ. Chuyến đi ấy, và mãi mãi sau này, bố không về nữa. Đông nhớ mãi, khi đi học về, cũng vào một buổi trưa tháng 12, trời khô, nắng ửng như màu cúc quỳ, nhà chật kín người. Đông chen vào, ngơ ngác không hiểu điều gì đang diễn ra. Nó thấy trên ghế, mẹ ngồi như bất động, tay ghì lấy cái balo cũ sờn, mắt vô hồn nhìn vào khoảng không, như thể trước mặt không có sự hiện diện của ai. Nhưng thấy Đông, bà gào lên: “Đông ơi, lạy bố đi con”. Đông nhìn ra xung quanh, ai nấy mắt ngấn lệ.

Cả chuyến đi, cô hầu như nằm lì trong phòng bởi sự cố của cái chân. Đông tận tụy, như thể đó là sự hối lỗi duy nhất để anh cảm thấy đỡ bị day dứt với cô. Sáng sáng Đông đến gõ cửa phòng, đưa đồ ăn cho cô, buổi trưa anh gọi người ship cơm, buổi tối anh tự tay làm bữa cho cô. Sang đến ngày thứ hai, Nguyên thấy bất tiện quá:

- Thôi em tự đi ăn được.

- Chân em đã lành đâu, Đông băn khoăn.

Và như thường lệ, cô chỉ ở trong khách sạn, Đông chuẩn bị cho cô tất cả. Tự dưng, có lúc thoáng xuất hiện ý nghĩ trong Nguyên: có khi nào cô lại cảm ơn vết đau kia trên cơ thể mình chăng? Vết đau ngọt ngào.

Tối đó Đông đến, trên tay anh chẳng có gì cả, Nguyên ngạc nhiên lắm. Anh ngượng nghịu:

- Anh mời em đến nhà anh dùng bữa tối nhé. Nhà có anh và mẹ thôi.

- Eo, em thấy bất tiện sao ấy…

- Nếu em thấy phiền thì thôi, nhưng nhà anh ngay đây, anh chuẩn bị hết đồ ăn rồi.

Đó là một biệt thự cổ, nằm dưới vòm lá thấp, hoa đón chân hai người từ cổng. Những cụm hồng thả từ trên cao, chạm vào vai Nguyên bằng cánh hoa mềm mướt, len lỏi trong khứu giác một mùi thơm dìu dịu. Cạnh mỗi bụi hoa là một ngọn đèn treo cao cao trên cái cột màu đen im lìm, cần mẫn tỏa thứ ánh sáng vàng nhạt. Xung quanh cơ hồ là sự bình yên của buổi tối mà sương đã bắt đầu buông lơi trên từng cụm hoa, cành cây. Nguyên hít rất sâu bầu khí quyển lạ lẫm này và thu vào mình vẻ sinh động của những cánh hoa nhỏ bé. Vẻ mong manh của hoa khiến hồn cô run rẩy.

Mẹ Đông là một người đàn bà đẹp. Bà trạc 70 tuổi, mái tóc đã lốm đốm sợi bạc, thu lại trong một búi nhỏ đặt sau gáy. Khuôn mặt hiền, ấm áp, những nếp nhăn sinh động trên đôi mắt, khiến gặp lần đầu mà Nguyên thấy không có vẻ xa lạ.

Bữa ăn được bày biện rất khéo và ấm cúng dưới ánh sáng của cây đèn cổ góc nhà, trên tường, ánh nê ông sáng xanh. Nguyên khá là ngạc nhiên khi thấy món nào cũng được chế biến từ hoa, thịt không nhiều, khiến cô thấy như thể mình đang thưởng vị Đà Lạt bằng cái lưỡi mềm tinh nhạy, rất ngọt. Ăn cũng là một bài học thú vị.

Bà nói không nhiều, chỉ giục cô ăn và tỏ ra ái ngại về sự bất cẩn của con trai. Có lẽ sự đón tiếp đặc biệt nhưng giản dị này để bà chuộc lỗi với cô vậy.

Ngày cuối cùng lưu luyến phố núi, cô còn kịp đến chào bà. Sáng đó Đông xin nghỉ. Nguyên suy nghĩ về món quà tặng mẹ Đông. Rất may, trong hành lý của cô còn một hộp bánh đậu xanh và một gói trà búp (cô nghiện trà), cô để vào trong chiếc túi giấy đỏ có đính dải nơ màu trắng duyên dáng như đóa hoa hồng treo cao trên mái cổng rêu phong của ngôi biệt thự. Cô không ngờ bà mừng đến thế trước món quà giản dị. Bà bảo: “Hồi còn sống, bác trai rất thích uống trà búp và ăn bánh đậu xanh, cảm ơn cháu đã nhắc lại kỉ niệm của gia đình cô”. Rồi bà thở dài, ánh mắt nhìn ra ngoài vườn, Đông đang lúi húi cắt hoa. “Nó sống một mình mấy năm rồi cháu ạ. Vợ đi tu nghiệp ở Nhật, mang cả con theo, Đông ở nhà vì cô đã già và vì công việc”. Trong cô có điều gì nhoi nhói, cô cũng sống không có đàn ông đã mấy năm. Những người có chung hoàn cảnh, thường cảm nhận nỗi thiếu hụt của người khác rất nhạy. Nguyên nhìn người đàn bà, thoáng thấy tiếng thở dài chạy qua mắt bà.

Anh đưa cô ra sân bay, dúi vào tay cô túi quà nho nhỏ kèm theo bó hồng hái ở vườn nhà. Những cánh hoa chúm chím còn ngậm sương, nhìn cô như nói lời từ biệt. Anh chào cô rất lịch sự rồi ra xe. Nhìn theo hút cái bóng dong dỏng và mái tóc của anh đi lẫn vào ánh nắng buổi sáng, lưng anh nắng vương. Nguyên thoáng chút gì mơ hồ như là tiêng tiếc về năm ngày đã trôi vèo như một cái chớp mắt. Một cơn gió ngang qua, thổi tung vạt váy, cọ vào vết đau Đông vô tình găm vào. Nguyên chợt nhớ đến phần da thịt nhỏ bé của mình để lại Đà Lạt. Cô mong nó sẽ núp dưới sự che chở của một khóm hoa dịu dàng.

Chuyến đi dài đã khép lại bằng giấc ngủ vùi mê man, sớm sau tỉnh dậy hơi muộn, bật điện thoại, tin của Đông đến: “Em đi làm chưa? Hoa mang về còn tươi chứ em?”. Cô chạm vào tin nhắn của anh, lòng bồi hồi. Nguyên gửi cho anh mấy bông hoa hồng đỏ rực bên hiên nhà. “Hoa của em nở mỗi ngày”. Nguyên bật cười, sực nhớ đến câu chuyện bố anh bắt gặp hoa ưu đàm trong rừng, cô soạn: “Hoa ưu đàm nghìn năm mới nở nên anh cô đơn”. Nhưng Nguyên cũng có hơn gì Đông đâu.

Đêm, Nguyên thường bị đứt giấc. Bật điện thoại, Đông gửi cho cô một video clip. Đông ôm đàn ngồi hát trong phòng làm việc. Khuôn mặt dù chỉ gặp vài ngày nhưng bắt sâu vào cô, trán rộng, trắng trẻo, ánh mắt ấm nhưng cất buồn, giọng anh trong, kéo nốt trầm hơi ủ ê: “Anh còn nợ em chim về núi nhạn, trời mờ mưa đêm…”. Nguyên thấy tim như hẫng vào khoảng mơ hồ, run rẩy.

Thế rồi, giữa hai người là một khoảng trống. Vài tháng trời, anh không nhắn, Nguyên cũng im lặng. Công việc cơ quan bộn bề, Nguyên lại là phụ nữ.

Mùa thu năm nay đến vội vã, rét như vừa chớm đông, nắng vàng chới tựa một vệt lộng lẫy mà bầu trời bỏ quên trước hiên nhà, lòng Nguyên bị vạt nắng lay động. Đêm thu với người đàn bà cô đơn, nỗi buồn không rõ rệt. Đã lâu rồi, buồn vui cũng không thức dậy nổi niềm hoang vu trong cô. Nguyên đã chấp nhận nỗi an phiền. Chợt điện thoại rung khẽ:

- Anh luôn nghĩ về em.

- Anh đã không ngăn được suy nghĩ của mình.

- Em còn đau chân không?

Nguyên ứa nước mắt. Đông và cô, ai cô đơn hơn ai?

- Kiếp trước có lẽ anh là chồng của em.

- Anh là người chôn cất cái xác chết ven đường của em sao?

- Ừ.

Sực nhớ, cách đây hơn 10 năm, một người bạn nhỏ đã tặng mình cuốn sách này. Nguyên trở dậy, lục lọi. Cuốn sách hơi bụi, ngủ im trên giá sách của cô, nhưng tên truyện đảo chiều: “Kiếp trước em đã chôn cất cho anh”. Nguyên chụp, bấm send. Bàng hoàng, trong cô một niềm gì đó dội về. Con tim có lý lẽ riêng của nó, cô đã yêu, một tình yêu hoang vu. Có lẽ những mịt mờ xa xăm từ tiền kiếp đã đưa đến hạnh ngộ giữa anh và cô, để hàn vá những dang dở.

Anh từng nói, tình cảm của hai người là tri kỷ, vượt lên cái đời thường của tình yêu nam nữ. Nguyên không biết nữa, nhưng đi suốt chiều dài hơn 40 năm, lần đầu tiên cô gặp một người như anh, và có lẽ là duy nhất. Những hưng cảm anh mang đến, khiến cô chìm trôi vào cõi mơ hồ, huyền giao, tận cùng từng tế bào, run rẩy. Cô đôi khi muốn gặp anh, nhưng hầu như là không muốn. Suy tư về nhau, có không? Hơn cả thế, anh chạm khảm cả thế giới diễm lệ trong cô. Có lúc Nguyên cũng tự hỏi, liệu anh có trêu cợt với trái  tim hoang vu của cô không nhỉ? Nguyên nhắn cho anh: “Đôi khi em tin anh, không hẳn vì anh hoàn toàn đáng tin như em nghĩ, mà bởi, khi được ai đó đặt niềm tin, ta sẽ sống đẹp hơn. Nên niềm tin sẽ cứu cả hai. Nó là chỗ an trú dễ chịu nhất.” Cô những muốn cả hai sẽ giữ trong nhau hình ảnh trong trẻo và đẹp nhất.

Đêm, có lần cô gặp Đông trong mộng mị, nhưng chỉ là khoảnh khắc. Anh ôm và hôn cô. Khi bừng tỉnh, cô thấy một cảm giác rất lạ lẫm. Lát cắt gặp gỡ ấy như là chút mơ hồ mà tâm thức ân điển cho cô, kẻ táo bạo, nhút nhát và sợ hãi trong nỗi hoang mê loang tràn. Cô nhớ ngón tay anh, khi anh chụp cho xem vết đau kẹt cánh cửa xe, cô tưởng ra mái tóc cứng húi cao, sạch sẽ của anh. Khi tay và tóc anh lướt những kí tự mơ hồ trong thế giới tưởng tượng của Nguyên, thấm dần, thấm dần, cô chìm trôi như diễu con thuyền mình trên sông trăng. Anh ngồi hát, chậm, sâu, miên man, khúc xa xăm từ thuở hồng hoang. Họ cúi xuống đời nhau, trong những cơn mê bất tận chạy ra từ đỉnh núi cô đơn ngạo nghễ. Nguyên nằm xuống cỏ, gối đầu lên đùi anh, bầu đêm lộng lẫy, dải Ngân Hà lấp lánh, anh hát. Có ngôi sao nào rơi vào đáy mắt cô, lộng lẫy giọt lệ tủi hờn, ấm yêu thiếu phụ, cô quạnh mà da diết ngạo nghễ qua ngót 20 năm chưa khô. Nguyên hờn anh, quẫy đạp điên cuồng, mơ sâu mê man, những ngón tay cô, ma quái, bấu ngực anh đau rát. Anh luống cuống, anh ào ạt, anh lạ lẫm, mênh mang vỗ về. Cô nằm hẳn xuống cỏ, qua cơn kích động. Ngủ mê man.

Sáng tinh sương, Nguyên đi bộ, ra đúng triền cỏ ấy. Khoảng không đêm qua đã rơi vào cơn yêu ma, mị hờn, tủi khổ của cô. Cỏ rạp xuống, những giọt sương vắt trên đầu lá óng ánh. Giọt lệ cô độc trong mắt Nguyên cũng chỉ đẹp đến thế mà thôi. Bãi cỏ đêm qua nâng niu anh và cô hay phép duyên trùng trùng kiếp kiếp, mở toang huyệt đạo, luân xa vũ trụ tràn vào thế giới của cô? Nguyên thấy từng miếng tâm hồn mình được bàn tay anh vá víu. Ánh hào quang của ngày đi rất khẽ, trên đôi chân của Nguyên thả xuống mí nước. Mấy con cá nhỏ bơi qua, cụm lục bình dập dờn trôi, cỏ hây hẩy trong hừng đông ửng hồng. Khi cô trở về, con đường xuyên giữa làng, người họp chợ đã đông kín. Nguyên đi khỏi giấc mơ, ồn ào trong thế giới thực tại của mình.

Truyện ngắn của Nguyên Tô
.
.