Duyên kỳ ngộ

Chủ Nhật, 09/07/2023, 11:10

Thằng bé là một cơ duyên, nhưng cũng là thử thách lớn đối với chị. Nhân mặc lòng coi đó là số phận, trời không cho chị một tấm chồng nhưng lại cho chị một đứa con, cũng tiều tụy, buồn tủi như mình. Từ đáy lòng chị trào lên sự thương xót đứa trẻ tội nghiệp, tí tuổi đầu đã bị người đời mang ra quăng quật làm mồi kiếm sống. Nhân mang thằng bé ra xã làm giấy khai sinh và đặt tên cho nó là Đạt. Chị mong nó lớn lên sẽ thành đạt, êm ấm hơn mình.

Canh ba. Tiếng gà đã bắt đầu eo óc gáy từ xa. Nhân trở mình thao thức. Chị lắng nghe cái lạnh ùa về. Chiều qua đài báo có gió mùa đông bắc, chị tưởng cũng chỉ phơn phớt như mọi lần thôi, không ngờ lần này lại rét thế. Kéo tấm chăn trùm lên đầu, Nhân lẩm bẩm một mình:

- Đúng là rét nàng Bân, tháng ba rồi mà còn đỏng đảnh thế đấy!

Nằm thêm một lúc nữa vẫn không ngủ nổi. Trong lòng chị cứ như có cái gì đó cắn rứt đến sốt ruột. Chị tung chăn ngồi dậy, vơ gọn mớ tóc búi lại sau gáy, cầm chiếc đèn pin dợm bước ra sân. Quái lạ, mọi hôm vào giờ này, con gà trống choai nhà chị đã nghển cổ cất tiếng gáy le te phụ họa với lũ gà trong xóm rồi mới phải. Hôm nay nghe chừng yên ắng lạ. Có thể nó cũng biết sợ rét mà co vào góc chuồng rồi cũng nên. Ngoài trời, gió vẫn ù ù thổi. Những tàu lá chuối quất vào nhau ràn rạt. Chị quay lại vớ lấy chiếc khăn len quàng vào cổ rồi mở cửa bước ra ngoài. Gió ùa vào trong, chị tất tả nhoai người đóng cánh cửa. Vừa bước chân đi, chị đá ngay phải vật gì mềm mềm, đen đen phía dưới. Rọi đèn pin xuống đất, Nhân há hốc miệng, kêu không thành tiếng, lảo đảo ngã phịch xuống đất.

Trước mắt chị là chiếc bị cói nhỏ rách te tua, bên trong có tiếng thở khò khè, đứt quãng… Định thần lại, chị nhận ra đó là một đứa trẻ. Nó có vẻ yếu lắm rồi. Nhân huơ đèn ra xung quanh, trời đêm đen đặc, ngoài tiếng gió hú tịnh không một bóng người, không một âm thanh gì khác. Ôm cái bị cói vào lòng, lúng túng mãi chị mới mở được đôi cánh cửa. Đứa bé trai chừng ba tuổi đã tím tái, trên người chỉ có đúng một bộ quần áo mỏng đã rách. Đặt đứa bé lên giường, quấn chăn lại rồi chị pha một chút nước đường đến đổ cho nó. Thằng bé không động đậy. Chị phải cạy miệng nó ra và từ từ lấy thìa thoa nước đường lên môi. Vừa làm chị vừa nghĩ chắc nó bị cảm lạnh mất rồi, cả đêm gió lớn như thế, lại không có chăn mền gì không chừng còn bị viêm phổi nữa.

6c4d2f1b1039c06799288.jpg -0
Minh họa: Lê Trí Dũng

Nghĩ thế, chị lại cầm đèn, tất tả chạy sang nhà hàng xóm… Thằng bé được đưa đến bệnh viện ngay trong đêm. Nó bị viêm phổi nặng, thiếu chút nữa thì không qua khỏi. Được cấp cứu kịp thời, sau một tuần nằm viện, bệnh nó đã ổn định. Những ngày nằm viện, chị phát hiện thấy thằng bé không hay nói như những đứa trẻ cùng trang lứa, một chân của nó bị teo cơ, cẳng chân nhằng nhịt những vết sẹo. Bị tiêm đau, nó chỉ chảy nước mắt mà không kêu một tiếng. Ai hỏi gì nó cũng chỉ lắc đầu không nói.

Nhân xin cho nó xuất viện. Về nhà, chị tạm thời không đi làm than nữa mà chuẩn bị hành lý, cất công đi dò hỏi tung tích đứa bé. Một mình bế đứa bé trên tay, chị đi khắp các xã trong huyện mà không ai hay biết về lai lịch của nó. Chị đưa nó ra thành phố. Ở chợ trung tâm, người ta nhận ra nó là thằng bé ăn xin vẫn được mẹ nó mang đến chợ, trải cho một chiếc chiếu nằm bên cạnh cái ống bơ để người đi qua thương tình bố thí cho ít tiền. Làm xong công việc ấy, mẹ nó lỉnh đi đâu mất. Ngày hai buổi, quá trưa và chiều muộn mới lại thấy bà ta ghé tới chỗ nó nằm. Mỗi lần như vậy, mẹ nó lại sà xuống chỗ đặt chiếc ống bơ, dốc ngược đổ tiền ra đếm. Sau đó bà mới đặt thằng bé lên miếng ván có cái bánh xe tự chế, kéo nó về nhà trọ. Nghe đâu thằng bé đen nhẻm, ốm o này không phải là con đẻ của bà ta. Bà ta mua lại của một người đàn bà hoang thai khác để làm công cụ kiếm ăn. Bị bỏ đói thường xuyên, phơi nắng, phơi mưa ngày này qua ngày khác, thằng bé ngày càng tiều tụy đến khốn khổ. Dân kẻ chợ kháo nhau hơn nửa tháng nay không thấy bà ta lôi thằng bé đến đây hành nghề nữa. Họ những tưởng thằng bé đã chết…

Nhân quyết định đưa thằng bé về nhà. Chị từng là công nhân về nghỉ mất sức lao động. Bố mẹ chị qua đời đã lâu, các em cũng đã trưởng thành. Nhân được thừa hưởng căn nhà hương hỏa cha mẹ để lại. Chị tìm kế sinh nhai bằng cách đi làm thuê, đóng than tổ ong cho người khác. Vốn đã không có sức khỏe, lại làm công việc nặng nhọc, suốt ngày hít bụi than nên trông chị chẳng béo tốt mỡ màng gì. Bệnh đau lưng cố hữu và viêm họng mãn tính là hai người bạn đồng hành thường xuyên hành hạ chị, nhất là vào những ngày trái nắng trở trời. Cơ hội xây dựng một mái ấm gia đình cứ trượt khỏi cuộc đời chị.

Thằng bé là một cơ duyên, nhưng cũng là thử thách lớn đối với chị. Nhân mặc lòng coi đó là số phận, trời không cho chị một tấm chồng nhưng lại cho chị một đứa con, cũng tiều tụy, buồn tủi như mình. Từ đáy lòng chị trào lên sự thương xót đứa trẻ tội nghiệp, tí tuổi đầu đã bị người đời mang ra quăng quật làm mồi kiếm sống. Nhân mang thằng bé ra xã làm giấy khai sinh và đặt tên cho nó là Đạt. Chị mong nó lớn lên sẽ thành đạt, êm ấm hơn mình.

Đạt bị teo cơ đi lại rất khó khăn, chật vật lắm nó mới bước được một bước. Nhưng, cứ một bước tiến thì lại hai bước lùi. Được chăm bẵm bằng cả tấm lòng bao dung của người phụ nữ hiếm hoi, Đạt hồi phục khá nhanh. Chị dành thời gian kiên trì tập luyện cho thằng bé. Tóc nó bắt đầu đen trở lại mà không khét nắng, rối bù như trước. Đôi mắt nó thôi không còn đờ đẫn, cái miệng đã bắt đầu tập nói những lời ngọng ngịu mà trước đây ai gặp nó cũng tưởng nó không biết nói. Ngày ngày nó theo Nhân đi làm than. Chị đặt nó ngồi vào cái thúng dưới bóng cây trứng cá, không quên hái cho nó vài nắm quả chín:

- Con ngoan, ngồi đây để mẹ làm việc nhé!

Đạt mấp máy môi. Mắt nó long lanh ngước nhìn Nhân:

- Mẹ…mẹ…

Cái miệng nhỏ xíu, hồng hồng của thằng bé thoát ra những lời bập bẹ đó khiến Nhân sung sướng vô cùng. Lòng chị phơi phới, ngân nga như có tiếng hát.

Cứ thế, hai mẹ con rủ rỉ nương tựa vào nhau. Căn nhà của chị ấm lên bởi những tiếng cười, tiếng nói bi bô của con trẻ. Thêm một miệng ăn, Nhân vất vả hơn, luôn chân luôn tay làm lụng. Ban ngày đi đóng than, tối về chị ngồi chằm nón. Bàn tay đen đủi, chai sần của chị thoăn thoắt trải lá đâm kim lên những chiếc nón trắng mềm mại không kém dân chuyên nghiệp.

Từng đêm chị miệt mài ngồi làm nón, bên cạnh cu Đạt ngủ say, nhoẻn miệng cười vu vơ làm lòng chị dấy lên nỗi khao khát mãnh liệt. Chị thầm nhủ phải chữa tiệt nọc căn bệnh viêm phổi mãn mà Đạt mắc phải từ những năm tháng lê la làm cọc tiêu sống để ăn xin ngoài đường, phải cho nó đến trường học. Bằng mọi giá chị phải nuôi nó nên người bởi nó là đứa con mà ông trời khéo sắp đặt mang nó về cho chị. Nó là niềm vui, là sự an ủi nỗi cô đơn của Nhân. Nó đền bù cho những ẩn ức sâu thẳm của người đàn bà trong chị.

Đêm đêm Nhân mơ màng nghĩ đến một ngày nào đó chị sẽ có đủ tiền đưa cu Đạt đi phẫu thuật chỉnh hình, cho nó những bước đi ngay ngắn, vững chãi trên đường đời mà không phải dặt dẹo dựa vào cây gậy như hôm nay.

Đạt cựa mình ngủ mơ, miệng líu ríu gọi mẹ. Nhân ngừng tay, quay sang ôm con vào lòng. Bàn tay chị vỗ nhè nhẹ trên lưng nó và cất giọng khàn khàn hát ru. Thằng bé dụi đầu vào ngực chị ngủ ngon lành. Tay nó rờ rẫm sờ vào bụng Nhân. Chị run run đặt tay con lên bầu ngực còn con gái của mình. Thằng bé ôm chặt lấy như sợ buông ra thì bầu ngực ấy sẽ không còn là của nó nữa… Cảm giác nhồn nhột nơi đầu vú khiến mặt chị bừng đỏ trong đêm tối. Chị thấy mình thật hạnh phúc. Cảm xúc ấy len lỏi trong huyết quản, chạy thẳng tới trái tim nhân hậu của chị. Nước mắt Nhân chảy dài, rơi trên má thằng bé. Nó vẫn say ngủ. Miệng tóp tép cười…

*

…Thấm thoắt, cái đêm thằng Đạt về nhà chị đã được hai mốt năm. Nó đã trở thành một chàng trai thực thụ. Gương mặt đầy mụn trứng cá lại lún phún mấy sợi ria mép toát lên vẻ lanh lợi, thông minh. Cậu đã tự mình đi lại được mà không cần có cây gậy hỗ trợ. Giờ đây nó lại là lao động chính trong nhà. Học hết cấp hai nó xin mẹ cho ở nhà làm than nhưng chị Nhân không đồng ý. Chị bảo:

- Sức con yếu, phải học một nghề gì đó phù hợp con ạ!

Không cần biết thằng bé có bằng lòng hay không. Có bao nhiêu vốn liếng tích cóp được chị bèn mang hết ra đầu tư cho Đạt đi học nghề sửa chữa điện tử. Lúc đầu thằng Đạt không muốn học nghề, nó bảo tiền ấy phải để dành chữa bệnh cho mẹ nhưng bị chị gạt đi:

- Chỉ cần con học được một cái nghề, biết lao động bằng chính sức lực của mình là mẹ khỏe, mẹ vui rồi.

Nhìn mẹ Nhân rơm rớm nước mắt. Thằng Đạt khẽ nhoài người đến, lấy tay áo lau nước mắt cho mẹ:

- Mẹ ơi, con xin vâng lời mẹ. Mẹ đừng khóc nữa.

Trời phú cho cậu con trai tật nguyền của Nhân một khối óc khá thông minh và đôi bàn tay khéo léo. Đạt chăm chỉ học hành, chịu khó mày mò, nghiên cứu, để ý xem các thầy thao tác. Xong khóa học, cậu xin ở lại thực hành thêm một thời gian nữa rồi mới chịu về quê. Quý tấm lòng hiền lành, chất phác lại chịu thương chịu khó của cậu học trò nghèo có hoàn cảnh éo le, người thầy giáo thương binh trong trường đã tặng cậu hẳn một bộ đồ sửa chữa để hành nghề.

Mẹ Nhân thôi không đi làm than nữa. Chị ở nhà quanh quẩn giúp con trai làm việc bởi sức khỏe của chị mấy năm nay không được tốt lắm. Bệnh viêm họng từ lâu đã chuyển thành bệnh phổi, nhưng chị giấu không cho con biết. Từ ngày mở được cái quán nhỏ sửa chữa đồ nghề Đạt không muốn cho mẹ đi làm. Nó kiếm cớ cần người giúp những việc như bê cái ti vi, lấy cái đài… để buộc chị ở nhà. Chị Nhân vui vẻ, xăng xái phụ việc cho con. Lúc thì chị lấy cái khăn lau những giọt mồ hôi túa trên trán Đạt, khi thì chính thằng con đưa tay ra đấm lưng, bóp vai cho mẹ. Hai mẹ con tha thẩn bên nhau suốt ngày trong sự yên bình, thanh thản và sự đùm bọc chở che của xóm làng. Người ta đã quên đi gốc gác của thằng bé, mặc nhiên coi nó là đứa con mang nặng đẻ đau của Nhân.

Thằng Đạt dường như không hề biết nó từng có một quá khứ đau lòng. Trong trái tim nó chỉ có hình ảnh mẹ Nhân đêm đêm chong đèn ngồi làm nón rồi nắn nót từng bước đi cho nó, cõng nó đến trường. Nó nhớ những lần nó bị sốt, mẹ Nhân lo lắng chạy ngược chạy xuôi, nước mắt đầm đìa cầu xin người ta ra tay cứu giúp… Không bao giờ cậu quên được đôi mắt nồng nàn cháy lên những tia nhìn ngỡ ngàng đầy yêu thương, khuyến khích của mẹ Nhân khi lần đầu tiên nó quyết định rời bỏ cây gậy để từng bước bước lên phía trước mà không hề lùi lại như mọi khi. Cậu ưỡn ngực, chậm chạp nhấc đôi chân tật nguyền lên rồi đặt xuống, nhịn thở để giữ thăng bằng. Xong mỗi bước, nó lại toét miệng cười… một nụ cười méo xệch!

Một hôm nhân lúc rảnh rỗi, chị Nhân bảo Đạt nhặt tóc sâu cho mình và ướm hỏi:

- Đạt lớn rồi, phải lấy vợ đi thôi!

Cậu đỏ mặt, lúng búng sau vai mẹ:

- Ai người ta lấy con hả mẹ? Con chỉ cần có mẹ thôi!

- Phải lấy vợ chứ, mẹ rồi sẽ già, ai lo cho con được…

- Lúc ấy hẵng hay mẹ ạ. Giờ con muốn làm việc để xây cho mẹ một căn nhà đã.

- Mẹ con mình cứ ở như thế này được rồi. Để mẹ tìm xem có cô gái nào hợp với con không nhé?

Nói thế nhưng chị đã dấm cho Đạt một đám ở cuối làng. Con bé Lan bằng tuổi Đạt cũng có hoàn cảnh gần giống với mẹ con chị. Nhà nghèo, bố mất sớm, Lan phải nghỉ học ở nhà làm ruộng. Nó cũng ngoan ngoãn, hiền lành. Đi làm ruộng qua đây, Lan thường ghé vào nhà chị xin nước uống. Dần dà thành quen, khi thì nó bắt cho hai mẹ con chị mấy chục con cua, lúc lại mang cho nắm rau trong vườn nhà. Chị Nhân để ý thấy con bé có vẻ quyến luyến với thằng Đạt, nhưng hình như cu cậu chưa nghĩ tới. Có thể là do nó mặc cảm với đôi chân của mình cũng nên. Ướm hỏi con như thế để đo lòng nó, chứ chị biết nếu chị sắp đặt thì thằng bé nhất định sẽ bằng lòng. Lâu nay bệnh của chị có vẻ nặng thêm. Chị không đi khám nhưng những tiếng ho khan hầu như suốt đêm đã mách bảo điều chẳng lành cho chị. Nhiều đêm thấy mẹ nằm ở buồng trong cố kìm nén tiếng ho lại, Đạt đau lòng lắm. Nó bắt chị phải đi bác sĩ. Chị lại gạt đi, bảo chưa cần, con cứ lấy vợ là mẹ khỏe ngay.

*

…Nghe tin chị Nhân đánh tiếng hỏi cái Lan cho thằng Đạt, ai cũng mừng cho mẹ con chị. Họ bảo cái Lan khỏe mạnh lại chỉn chu, lấy thằng Đạt hơi yếu một chút nhưng thông minh, có nghề nghiệp đàng hoàng chắc chắn cuộc sống của chúng sẽ hạnh phúc. Chị Nhân vui lắm. Vậy là cũng đã đến lúc chị được đứng ra dựng vợ cho con. Chị không mơ ước gì hơn là cho con một mái nhà bình an. Niềm vui làm cho chị khỏe lên và trẻ ra mấy tuổi…

Ngày cưới đã đến. Bà con lối xóm tưng bừng, hỉ hả đến chúc mừng. Quà quê chất đầy bàn. Chú rể xúng xính trong bộ comple, ngực cài bông hoa trắng. Cô dâu tha thướt trong chiếc áo dài, tay ôm bó hoa đồng nội, nét mặt rạng ngời hạnh phúc. Hai đứa đang làm lễ gia tiên thì có người nháy chị Nhân ra ngõ.

Một người đàn bà luống tuổi, khá đẫy đà tay xách chiếc túi nhỏ đứng chờ chị ngoài cổng. Nhìn thấy chị Nhân, bà ta òa khóc:

- Chị, chị cho em được nhìn…, nhìn… cháu một lúc…

- Chị là ai? Chị muốn nhìn ai mới được chứ?

- Thằng bé, thằng bé…là con em….Chị! chị, em là…là mẹ…ruột của nó…

Chị Nhân ngơ ngác, nhìn người đàn bà xa lạ từ đầu đến chân:

- Chị nói gì, tôi không hiểu?

- Em, em chính là người đàn bà… khốn nạn đã bán con mình cho kẻ ăn xin ngày xưa… Em biết, cháu được cưu mang ở cửa chị, nhưng không dám về thăm. Chị làm ơn…

- Chị đi đi. Thằng Đạt là con tôi!

Nói xong, chị Nhân quày quả quay vào nhà. Người đàn bà giữ tay chị lại:

- Chị ơi, em đội ơn chị lắm lắm. Chỉ xin chị cho em được nhìn con một lúc thôi rồi em sẽ đi ngay.

Tình mẫu tử trào lên. Chị Nhân nhìn người đàn bà xa lạ mà cảm thấy chua xót. Cũng là con người mà sao bà ta lại nhẫn tâm, vô tình, vô nghĩa đến thế. Ngay đến con đẻ của mình mà cũng dứt ruột vứt đi, bao nhiêu năm không hề lai vãng… chắc bà ta phải có nỗi đau nào đó không dễ gì hóa giải?

Suy nghĩ rất nhanh, chị đưa chiếc khăn cho người đàn bà kia lau nước mắt rồi dắt tay bà ta vào nhà. Tiếng cười nói râm ran, tiếng cốc chén chạm nhau lách cách. Không ai để ý tới sự có mặt của người đàn bà lạ. Cô dâu, chú rể dìu nhau đi chúc rượu từng người. Đến trước mặt người đàn bà đó, hai đứa cúi đầu khẽ chào. Bà ta luýnh quýnh dúi cái phong bì vào tay chú rể:

- Cô mừng cho các cháu!

Nói rồi, người phụ nữ vội vã bước ra cổng. Vợ chồng Đạt ngẩn người nhìn theo chiếc xe taxi chở người đàn bà khuất dần sau rặng tre đầu xóm.

…Hơn một năm sau, bé Hậu ra đời. Bé bụ bẫm, xinh xắn, dễ thương nằm lọt thỏm trong lòng bà nội. Hạnh phúc tràn ngập trong ngôi nhà bé nhỏ của họ. Bà Nhân quyết định nói với các con về sự xuất hiện của người đàn bà lạ trong đám cưới. Đạt ôm vai mẹ thủ thỉ:

- Mẹ ơi! Mẹ đừng buồn Đạt chỉ có mình mẹ là mẹ thôi, chúng con yêu mẹ, không bao giờ rời xa mẹ cả. Mẹ nhìn này, bé Hậu chỉ có mỗi bà nội thôi, phải không nào?

Hậu nhoẻn cười, ngón tay bé xíu cựa quậy trong bàn tay bà nội. Lòng đầy thanh thản, bà Nhân ôm cháu vào lòng cưng nựng, nâng niu như nâng một đóa hoa nhỏ xíu.

Ngoài hiên, những nhánh hoa Mận trắng muốt nở bung. Từng làn gió xuân nhè nhẹ thổi, Đạt đưa tay đón những cánh hoa xinh xinh thả vào lòng bàn tay con gái. Ánh mắt cậu ngời sáng long lanh.

Tết đã về!

Truyện ngắn của Vũ Kim Liên
.
.