Đường về nẻo thiện
Có dễ đến gần trăm người già trẻ lớn bé đủ cả ngồi đầy trong nhà ngoài sân lao xao khi thấy một ông bụng phệ comple màu ghi là thẳng nếp, ca vát đỏ, khuôn mặt mỡ màng đầy đặn, mắt lấp lóa sau cặp kính gọng vàng... đứng lên trịnh trọng:
- Kính thưa quan viên hai họ, tôi là chú ruột cháu Thành, được sự ủy nhiệm của bà chị tôi đây - Ông chỉ vào người đàn bà mặc áo dài đen thêu hoa rực rỡ, trên mặt đầy nếp nhăn, mắt hấp háy như bị chói đèn - Chị tôi đây là mẹ cháu Thành... Xin được báo cáo...
Tiếng người thì thào: "Nghe đâu ông này là cán bộ tận Thủ đô..."Người khác quay lại: "Thì đã đành, bên ấy nhà người ta danh giá lắm, những hai ôtô đến ăn hỏi cơ mà. Gớm. Toàn người lịch sự. Cô Nhài con ông Tăng thế mà tốt số...". Rồi người ta nghển hết cả cổ lên để ngóng.
Ông chú nhìn quanh một lượt, có ý đợi mọi người thật im lặng rồi mới nói tiếp:
- Xin được báo cáo họ nhà gái: Một là... cháu Trịnh Xuân Thành nhà tôi công tác tại Hà Nội gặp cháu Vũ Thu Nhài nhà ta cũng công tác tại Hà Nội. Hai là... trong tinh thần đạo đức trong sáng của truyền thống gia đình và tình yêu đầu đời trong trắng của tuổi trẻ thế hệ mới Xã hội chủ nghĩa... được gia đình hai bên ủng hộ vun đắp, đến nay tình yêu của các cháu đã chín mùi, tiến tới hôn nhân trăm năm hạnh phúc và đã đăng ký kết hôn. Ba là... hôm nay ngày lành tháng tốt, gia đình chúng tôi có lễ sang báo cáo với Tổ tiên, thưa với ông Tăng và họ tộc cho các cháu chính thức được nhận họ hàng, cho phép gia đình chúng tôi được nhận cháu Nhài là con cái trong nhà.
Nói xong ông quay về phía sau đưa mắt, gật đầu. Lập tức năm chàng choai choai sơ-vin áo trắng ca vát đỏ bê năm quả tráp phủ vải đỏ sắp hàng với vẻ mặt nghiêm trọng đến mức căng thẳng tiến theo đội hình hàng dọc lên đặt lễ lên cái bàn phủ vỏ chăn hoa phía dưới bàn thờ. Xong, họ lại rút về vị trí cũ khoanh tay nghiêm chỉnh.
Trước cái đội ngũ hùng hậu vừa lịch sự vừa trang nghiêm như vậy, tự nhiên ông Tăng và các ông họ nhà gái chợt thấy ngượng ngùng vì cách ăn mặc xuềnh xoàng quê mùa của mình. Riêng ông Tăng, bên cạnh sự băn khoăn còn có niềm hãnh diện với bà con chòm xóm: "Đấy, gia đình nhà trai người ta lịch sự sang trọng, giàu có vậy đấy! Ông thầm khen con gái khéo chọn chồng. Vậy nên tay chân ông lóng ngóng, cái lưng lom khom còn cái đầu thì cúi nhưng khóe mắt thì vừa như thể đang cười vừa như thể biết ơn. Ông vội đứng lên ấp úng:
- Dạ thưa ông, thưa họ nhà giai... Gia đình tôi chả biết nói gì... Dạ, chúng tôi xin nhận lễ ạ. Xin cứ gọi là đồng ý ạ. Chúng mày đâu?
Cả đám cười ồ... Ông Tăng ngượng ngùng gãi tai...
- À quên, cái Nhài đâu, ra chào... chào... cả nhà.
Đám đông lại ồ lên. Người ta thì thầm: Cán bộ tận Thủ đô có khác, nói năng đâu ra đấy, chả như bên nhà mình... Khổ! Ăn với nói chả đâu ra đâu!
Cô dâu mặc áo dài đỏ, đội mũ Nam Phương Hoàng hậu đỏ, cúi đầu từ trong buồng đi ra. Chú rể Thành comple ca vát đứng ở cửa buồng đợi sẵn. Cô bẽn lẽn đi bên Thành chào mọi người. Các vị trong họ nhà trai giương mắt nhìn đánh giá, rồi gật gật đầu vừa như đáp lễ vừa như tỏ ý bằng lòng.
Ông chú của chàng rể đang ngoảnh lại thì thào với bọn choai choai đứng đằng sau, thấy cô dâu chú rể đến thì mới quay lại. Tự nhiên thấy mắt ông trợn lên sau cặp kính, khuôn mặt thất thần, mồm ông vọt ra:
- Ôi giời... Đ. mẹ nó! Chết tôi rồi...
Bà chị ngồi bên cạnh thất kinh:
- Chú... sao thế chú?
- Chị ra ngoài tôi bảo. Ra ngay!
Rồi ông xô ghế đứng dậy, xăm xăm ra ngõ. Bà chị lút cút chạy theo. Mọi người trong đám ngơ ngác không hiểu có chuyện gì. Thoáng có người thì thào: "Người trên Thủ đô mà nói tục ra phết nhẩy", rồi họ im lặng ngồi đợi. Đến dăm phút trôi qua vẫn không thấy hai người quay lại. Đám nhà trai cũng không hiểu tại sao. Họ lục tục đứng dậy, từng người xin phép ra ngoài. Trong đám chỉ còn trơ lại toàn họ nhà gái. Chú rể Thành vội chạy ra ngõ để mặc cô dâu đứng như trời trồng giữa nhà. Tiếng ô tô nổ máy, tiếng cánh cửa xe đóng sầm sầm. Rồi tiếng ôtô xa dần để lại vài tiếng còi toe toe gắt gỏng thay cho lời chào.
*
Nhài là con gái lớn ông Tăng. Đang học lớp cuối cấp ba cô phải bỏ học lên Hà Nội làm ăn bởi bà Tăng ốm liệt giường. Từ ngày cô đi làm thì hoàn cảnh mới đỡ chật vật. Rồi bà Tăng mất, Nhài về chịu tang, sắp xếp việc nhà ổn định cho bô,ë cho em trai rồi lại đi làm tiếp. Mọi người trong xóm luôn miệng trầm trồ khen nhà ông Tăng có cô con gái đẹp người, đẹp nết lại hiếu thảo biết lo toan. Tin Nhài lấy chồng cũng làm ở Hà Nội, nhà chồng ở ngay huyện bên, cách có chục cây số làm cả xóm mừng rỡ. Ông Tăng càng mừng hơn. Vì vậy ông đã chuẩn bị chu đáo cho ngày vu quy của cô con gái rượu. Ông dự kiến làm bốn chục mâm, lợn trong chuồng, gà ngoài vườn, hôm nay nhà trai sang đặt lễ, ngày mai xuống ao vét dăm chục cân cá. Hai vại dưa cải muối xổi cũng đã xong, ngày kia vào đám là vừa chua.
Nhưng cái sự việc hôm nay làm ông bất ngờ! Ông bắt con gái ra tìm con rể vào hỏi, để cho rành mọi nhẽ. Anh con rể vào nhà ấp úng: "Con cũng không biết! Khi con ra ngõ thì mọi người lên xe về cả rồi... Gọi điện cho ông chú thì được nghe câu gọn lỏn: Mày về ngay! Về rồi biết! Hủy hôn, hủy hôn".
Minh họa: Lê Trí Dũng. |
Đám nhà gái chưng hửng, người đoán già người đoán non chắc bên nhà trai có người phải cấp cứu. Bàn tán mãi lại ngại ông Tăng buồn nên mọi người tản dần, ai về nhà nấy. Căn nhà trở lại như ngày vừa đưa bà Tăng ra ngoài đồng, ngoài sân đèn vẫn sáng soi rõ cảnh bàn ghế chỏng chơ, dưới nền gạch đầy rác rưởi vỏ bánh kẹo thuốc lá. Ánh đèn hắt vào nhà, bóng mấy cái quả khem phủ vải đỏ lù lù ngất nghểu lên tường như những nấm mộ.
Ông Tăng ức đến nghẹn cổ, máu bốc rần rật lên mặt. Thì ra nhà nó cậy giàu coi chúng tao như con vật, muốn mua hay không cũng được sao, muốn cưới thì cưới, không cưới cũng được sao? Mình là người nghèo bảo sao phải nghe vậy sao? Ông thét to: "Khốn nạn!". Rồi ông điên tiết: "Này thì cưới, này thì hủy, này thì...", cứ mỗi "này thì" là một quả khem đỏ bay ra vỡ tan tành. Hết năm quả khem vẫn chưa nguôi cơn giận, ông chạy xuống nhà dưới bê hai vại dưa muối ném tiếp. Choang, choang, tiếng cái vại vỡ kèm theo rau cải muối cùng nước dưa tràn ra sân. Trên sân tung tóe bánh kẹo thuốc lá lẫn với rau dưa, rượu đổ lênh láng hòa nước dưa và những mảnh chai vỡ lẫn lộn mảnh vại sành lô nhô nhọn hoắt như chông dưới ánh đèn nhìn mà rợn. Mùi rượu quyện với mùi nước dưa chua thành cái mùi hỗn độn nồng nặc xộc thẳng lên mũi làm người ta muốn phát nôn...
*
Ông Tăng nghĩ mà nhục. Ai ngờ lại xảy ra sự việc con gái bị hủy hôn ngay trước hôm cưới. Nhục với làng xóm, nhục với vong linh của người đã khuất. Điên lên, ông đập phá đồ đạc nhà cửa tan hoang. Nhài sợ quá trốn biệt sang nhà hàng xóm. Nó định bỏ đi nhưng lại sợ bố nhục quá, uất lên rồi mệnh hệ nào thì gánh chịu sao nổi, nhất là còn thằng em trai đang học cấp ba ai nuôi.
Ông Tăng đang ngồi một mình thì hai đứa vào nhà. Nhìn thấy chúng, ông sôi máu định vác ghế phang cho hai đứa chết đi cho hết tội, hết nhục. Nhưng ông vừa đứng lên thì chúng nó đã quỳ xuống. Con Nhài ôm chân ông, thằng Thành quỳ rạp: "Chúng con xin bố tha tội, chúng con xin bố tha tội".
Lúc ấy nghe chúng nó cầu khẩn vậy thì ông Tăng đành nuốt giận để hỏi cho ra nhẽ. Gì thì gì phải hỏi ngay cái sự việc xảy ra chiều nay: "Thằng này! Tại sao gia đình nhà mày lại bỏ về rồi cho người sang bảo hủy hôn?".
Thằng Thành ấp úng chưa trả lời thì con Nhài đã vội nói: "Bố ơi là do tại con!". "Sao lại tại mày?". Con Nhài liếc nhìn sang thằng Thành rồi quay lại bảo với cha: "Tại con năm trước đi với ông ấy...". "Ông nào?". "Ông chú anh Thành í ạ!". "Đi đâu?". "Dạ dạ...". Thằng Thành lúc ấy mới mở mồm: "Để anh nói... Dạ thưa bố trước khi quen con thì Nhài làm ở nhà hàng, rồi phải chiều khách...". "Thì đã đành, không chiều khách thì chó nó vào nhà hàng à!". "Không, không phải chỉ như vậy mà chiều là... ngủ với người ta...".
Ông Tăng tối tăm mặt mũi. Đầu choáng váng, bên tai có tiếng u u. Có nhẽ hai đứa thấy ông như vậy thì vội đứng dậy đỡ ông lên giường. Con gái mình làm đĩ... Con gái mình làm đĩ ư... khốn nạn quá... Hình như ông khóc, có dễ lúc ấy ông khóc thật. Nhưng sao lại vậy được? Ông gầm lên: "Con kia, sao mày khốn nạn thế. Tao tưởng mày lên Hà Nội làm ăn chứ ai ngờ mày lại đi làm đĩ. Ai bảo mày, ai xui mày?". Ông nhổm dậy định tát vào mặt đứa con gái khốn nạn nhưng người tự dưng rã rời đành thõng tay xuống bất lực. Thằng Thành ngồi bên trái đỡ ông, tay nó quàng qua lưng giữ cho người ông dựa vào nó còn con Nhài ngồi bên phải. Nó kể với ông rằng thì là hồi ấy mẹ ốm nặng, thấy bố phải đôn đáo vay chạy chữa bệnh cho mẹ nên nó phải lên Hà Nội làm việc. Làm nghề rửa bát cho nhà hàng... Rồi người ta cho bưng bê phục vụ bàn. Rồi đứng hầu bàn khui rượu, rót rượu cho khách. Hôm ấy ông chú thằng Thành cùng một số quan chức đến ăn nhậu. Con Nhài phải phục vụ bàn. Ông chú thằng Thành đưa tay bóp vú con bé. Con này ngượng. Thì lần đầu tiên có người đàn ông chạm vào. Mà lại là một lão già. Vậy là nó phản ứng tức thì, cho vào mặt tên dê già một phát tát nảy đom đóm. Tên dê già vừa tức với con bé vừa ngượng với đám quan chức đi cùng. Một lãnh đạo cấp nhớn mà bị đứa con gái nó tát vào mặt thì quá nhục! Lão hằm hằm đứng dậy đến quầy đòi gặp chủ hàng. Chả biết lão nói gì, thấy chủ nhà hàng gọi con bé Nhài vào đuổi việc ngay tức thì.
Con bé bị đuổi thì bơ vơ ngoài đường. Lấy gì sống, lấy đâu tiền chữa bệnh cho mẹ. Vậy rồi có một người đến gặp bảo rằng thì là em đến nhà hàng của chị. Biết đi đâu? Vậy là tặc lưỡi. Vậy là hỏng! Người phá đời con gái của nó chính là lão dê già chú thằng Thành.
Thế rồi oan gia ngõ hẹp, nó gặp thằng Thành. Thằng này làm thợ xây đến xây thêm nhà cho khách sạn, chả biết thế nào mà chúng nó yêu nhau...
Ông Tăng điên tiết:
- Sao thằng này ngu thế, không biết con tao là ca ve à, sao lại đâm đầu vào? Thành ấp úng:
- Con thương Nhài... Nhài cưu mang con. Em ấy tốt nhưng hoàn cảnh bất đắc dĩ mới phải làm vậy, mấy lị con cũng chẳng tốt đẹp gì.
- Vậy mày ăn cắp, ăn cướp, đầu gấu hử?
Thằng Thành bảo:
- Con... trót... trót dính ma túy!
Ối giời ơi... Ông lão lại như bị quả đấm nữa. Chó chết! Vậy mà chú nó, mẹ nó tưởng rằng con nhà họ tử tế lắm. Chắc có lẽ nhà họ không biết. Tổ sư bố nó, cái sự xấu xa, cái sự mất dạy nó nằm ở ngõ ngách nảo ngõ ngách nào, nhìn ngoài thì cứ ngỡ đều lương thiện cả... Ôi giời ơi, sao lại đôi lứa xứng đôi thế nhỉ! Một thằng nghiện và một con đĩ yêu nhau. Thằng nghiện bám vào con đĩ để lấy tiền chích hút. Mà sao lại có sự khốn nạn vòng quanh: Thằng ăn cắp tiền dân nuôi con đĩ, con đĩ lại nuôi thằng nghiện là cháu thằng ăn cắp. Không kìm nổi, ông lão vùng dậy tống vào mặt Thành: "Cút, mày cút khỏi nhà tao".
Cả hai đứa lại quỳ xuống xin tha. Chúng bảo rằng chúng con đã sắp có con... Em Nhài đã có bầu... Lại còn thế nữa. Ông Tăng gào lên rồi ngồi thụp xuống khóc, khóc thật chả giấu. Thà rằng ông đánh ông chửi thì chắc sự thể sẽ khác, nhưng ông lại khóc, khóc vì nghĩ mình nhục nhã quá.
Suốt cả đêm ông Tăng thức trắng nghĩ đủ kiểu để tìm lối thoát. Đến sáng hôm sau ông gọi hai đứa: "Bây giờ tao quyết định thế này: Từ nay cái Nhài ở nhà không Hà Nội hà ngoại gì nữa. Còn thằng Thành cũng ở bên này... Tao sẽ cho chúng mày làm vợ chồng". Thì cũng đành vậy chứ biết làm sao, chúng nó đăng ký rồi, thành vợ thành chồng rồi, mình găng lên là nó dắt díu nhau đi thì vừa mất con vừa mang tiếng nhục suốt đời. "Nhưng thằng Thành phải cai nghiện. Chiều nay tao trói mày vào giường, đến bữa tao cho ăn, bao giờ cai được thì thôi. Rồi ở đây làm ăn, bao giờ chúng mày chí thú công việc thì lúc ấy tao mới cho về bên nhà... Nếu đồng ý thì viết giấy cam đoan ký vào, kẻo bên nhà mày, họ hàng làng xóm hai bên bảo rằng tao hành hạ, tao bóc lột mày. Nếu không đồng ý thì mày cút khỏi nhà tao ngay lập tức. Tao cấm chỉ bén mảng, chỉ cần đến xóm này thôi chứ chưa cần đến nhà là tao sẽ hô mọi người đập chết đứ đừ. Còn con Nhài ở nhà làm ăn. Người ta cười ba năm chứ chẳng ai cười cả đời. Chịu đằng nào thì nói".
Thằng Thành không cần nghĩ ngợi, nó cam đoan luôn. Ông bố vợ cũng đã mừng mừng. Rồi ông trói chặt con rể vào giường. Gớm mà lúc lên cơn nó vật mới kinh, mắt mũi trợn ngược, bọt dãi sùi hai bên mép như thể chó điên... Rồi ỉa vung vãi cứt đái dầm dề. Ông bố vợ phát nôn ọe nhưng vẫn bịt mũi cố chịu đựng. Con Nhài cũng chịu khó nhẫn nhục thu dọn. Mà đôi trẻ yêu nhau thật, những lúc thằng Thành vật thuốc mệt quá nằm thiếp đi thì con bé ngồi bên cạnh. Lúc Thành mở mắt thấy Nhài vẫn ngồi bóp chân bóp tay xoa mình mẩy cho nó thì nước mắt giàn giụa. Nhìn hai đứa mà thương, có lúc ông bố ngã lòng: "Hay là cởi trói cho nó", nhưng rồi ông kìm được bởi phải nghĩ về lâu về dài.
Có dễ đến bảy tám ngày thì thằng này mới cắt được cơn. Ông Tăng biết giai đoạn sau mới khó. Cắt cơn thì dễ nhưng lại mắc lại ngay như chơi nếu có người rủ rê. Vậy là ông cấm cửa không cho hai đứa ra ngoài. Hễ thằng này có vẻ nhớ cơn thì con bé xoa dịu. Có lúc cái Nhài dọa lấy chày đập vào bụng cho bung cái thai thì thằng này mới yên. Thì ra thằng này cũng chưa đến nỗi nào.
Phải đến gần ba tháng giời ông Tăng cấm cung vợ chồng Thành - Nhài, lọm khọm thân già phục dịch bồi dưỡng cháo lão thuốc men tẩm bổ cho con gái con rể. Rồi hai đứa bắt đầu đi làm. Bà con hàng xóm biết chuyện, họ thương ông lão, thương đôi vợ chồng trẻ nên có việc gì đụng đến xây dựng thì gọi làm. Thằng chồng thợ xây, con vợ phu hồ. Nhài chiều chồng nhưng cũng rất nghiêm khắc: Chồng đi một bước nó theo một bước... Lúc nó đẻ thì thằng chồng phải nghỉ làm ở nhà, con vợ không cho ra ngoài nếu không có nó đi cùng. Có việc gì cần thì ông bố già lại phải lụt cụt chạy... Khốn khổ ông lão cứ tất bật vừa chạy vừa thở mà chẳng kêu ca phàn nàn lấy một nửa lời! Cũng may ở xóm không có đứa nào nghiện, vả chăng mà thằng Thành không tiếp xúc được với ai ngoài bà con trong xóm. Vậy nên nó dứt được.
Bà mẹ Thành khi biết sự thể sang nhà có ý dàn hòa. Đến khi có cháu nội thì sang xin vợ chồng nó về bên nhà. Ông Tăng dứt khoát không cho. Bà thông gia đành chịu.
Nhài đẻ được thằng con giai. Ông lão mừng rỡ nhưng trong bụng vẫn lo. Được ba năm thì nó đẻ tiếp thằng nữa. Khi đứa lớn năm tuổi, đứa bé hai tuổi thì vợ chồng Thành - Nhài được ông Tăng cho về bên nội làm ăn. Con vợ nó ghê lắm, bám sát chồng từng bước. Rồi thỉnh thoảng phải dọa nếu mà anh nghiện lại thì tôi sẽ uống thuốc sâu tự tử cùng với hai đứa con. Thằng này phát hoảng. Mà cũng phải thôi bởi Thành biết Nhài đã vì nó mà sống thì cũng sẵn sàng chết bởi nó.
Còn cái lão dê già chú thằng Thành thì ông Tăng không thèm nghĩ tới nữa. Quan trường sa đọa vậy sẽ phải trả giá. Nhưng mà lão ấy khốn nạn lắm, vẫn dọa bà thông gia không được nhận con bé Nhài. Thằng Thành cũng không vừa. Nó bảo tôi chưa thèm tính tội chú mất dạy hại đời cái Nhài, tôi chẳng cần tố cáo gì, chỉ cần nói với thím là chú khốn nạn như thế, như thế thì thím chẳng để yên. Lão dê già hoảng nên xoa dịu bảo thôi về bên quê, tao cho tiền chạy lấy cái bằng bổ túc cấp ba rồi tao đưa lên trên văn phòng làm hành chính loong toong, vừa làm vừa hàm thụ lấy cái bằng đại học, chú còn đủ thời gian để cho mày thăng tiến. Con Nhài không đồng ý, thằng Thành không đồng ý và ông Tăng cũng không chịu. Vậy là ông chú từ mặt thằng cháu ruột.
Đời nào bố con ông Tăng chịu. Mình là hạng cùng đinh, mình chịu đủ cái khốn nạn để có được thằng Thành ngày hôm nay. Thả nó theo lão chú khốn nạn của nó rồi nhiễm thói khốn nạn thì con mình mất chồng, công mình thành công cốc à. Thằng Thành biết nghĩ như vậy cũng mừng nhưng ông Tăng vẫn canh cánh nỗi lo. Nuôi một thằng người thì dễ nhưng cải tạo một thằng người thì khó lắm. Như cái lão dê già ấy thì có mà giời cải tạo! Thời buổi này, cái sự cám dỗ vẫn còn nhiều lắm. Để con người ta vững vàng nhiều khi cần chỗ nương nhờ thật chắc chắn. Đôi lúc ông nghĩ dại, lỡ ra mình có làm sao, cái Nhài yếu ớt liệu một mình có đủ sức, thằng Thành có kiềm chế nổi không. Lúc bấy giờ sẽ ra sao. Rồi lại nghĩ cũng thương chúng nó, thành vợ chồng, ăn ở với nhau yêu thương nhau đến vậy mà chẳng có được cái đám cưới cho bằng bạn bè...
*
Khi nghe kể chuyện này, nhiều người bảo rằng tôi viết truyện cổ tích vì đời nay không thể xảy ra. Không dám thanh minh bao biện nhưng tôi chỉ xin nói hai bạn trẻ của chúng ta nay sống rất hạnh phúc. Cùng với thời gian và những thử thách mà đôi bạn ấy đã trải qua cho tôi tin tưởng về chặng đường tiếp theo họ chắc chắn sẽ vượt qua. Bởi bên cạnh họ là những người lương thiện.