Dưới tán cọ xanh
Trước khi đám cưới diễn ra, Chon lầm lì như đá ở bến sông. Không ai biết Chon nghĩ gì. Ngày rước dâu, thầy mo bắt đầu cúng cắt khẩu ở nhà Chon, rồi nhập khẩu vào nhà ông bà Luông, mế Luông đội áo lên đầu Chon để nhận mặt con dâu. Khoảnh khắc ấy, Chon vô tình trông thấy chiếc áo của mình treo trên cái sừng hoẵng ở góc nhà, Chon như sực tỉnh, cô òa khóc nức nở.
Chái Nọi về tới đầu cầu treo phía đường lớn đúng lúc Chái Cà đang bị công an dẫn đi. Một đám người mặc quân phục vây quanh, đưa Chái Cà tách khỏi đám đông, bước rầm rập trên cây cầu sắt. Sự cộng hưởng của hàng chục bước chân khiến cầu treo rung lắc dữ dội. Cả bản nháo nhác trước việc Chái Cà bị bắt.
Đoàn người hộ tống đưa Chái Cà ngang qua, một vài đôi mắt giật mình khi nhìn thấy Chái Nọi. Họ vội vàng kiểm tra lại người đang đeo còng số 8, sợ bắt nhầm người. Nhưng Chái Cà đã nói: “Đó là em trai tôi. Không biết gì về chuyện này”.
Chái Nọi bàng hoàng nhìn xe chở tù vội vã rời đi.
Trái ngược với không khí ngột ngạt bủa vây, bầu trời cao xa vời vợi, nửa tha thiết với cõi xanh riêng có, nửa dịu dàng soi mình xuống dòng sông Chu thơ mộng. Nhưng, Chái Nọi không có tâm trạng đâu để ngắm nghía nữa. Anh bước thấp thỏm trên từng bậc đá dẫn lối về nếp nhà thân thương sau mấy năm xa cách.
Đến cổng, anh giật mình. Hai cây cọ xanh tươi đã không còn, thay vào đó là hai cột bê tông dựng đứng. Cánh cổng bằng sắt nặng trình trịch án ngữ lối ra vào. Một cảm giác mất mát dâng lên trong lòng. Cũng có thể vì những hình ảnh thuở nhỏ đọng lại ở nơi sâu kín nhất. Ngày ra đi, anh ngoái lại ngôi nhà chìm trong mưa chỉ còn thấy dáng hai cây cọ lêu nghêu, mưa gió khiến chúng lắc lư như vẫy chào. Sau đó, tất cả bị bỏ lại, giữa anh và ngôi nhà bị cơn mưa trái mùa tách đôi đến tận hôm nay.
Khi mế Luông gọi điện bảo anh về nhà gấp, Chái Nọi chần chừ. Mế vừa nói, vừa khóc: “Vợ chồng như quần áo, anh em như chân tay. Mày giận hờn gì anh mà để bụng để dạ. Mày định đợi pò mế chết mới về à con ơi!”.
Mới có ngần ấy năm, mọi thứ đã đổi khác. Nhất là bản Mạ.
Trong tiếng Thái, mạ có nghĩa là ngựa. Xưa kia, Cầm Bá Thước dựng cờ khởi nghĩa, bản là nơi nuôi giấu và tập hợp ngựa cho nghĩa quân, cái tên bản Mạ từ đó mà thành. Bản nằm xinh đẹp dưới chân đồi, bên bờ sông Chu. Con sông trong xanh, hiền hòa ôm lấy chân đồi tạo thành một đường cong mềm mại như vồng ngực thiếu nữ. Đó là một thế giới thu nhỏ, hoàn toàn tách biệt với bên ngoài, qua lại đều bằng bè nứa. Mùa nước cạn, cảnh vô cùng thơ mộng, hữu tình. Dưới bến sông, các bà, các mế tắm giặt. Thấp thoáng những bóng người thả lưới lúc chạng vạng trên chiếc bè lững lờ mặt sông. Vào mùa lúa chín, ruộng bậc thang nối nhau cao lên. Những đồi luồng, đồi keo, đồi cọ phủ quanh che chở bản Mạ. Sự duyên dáng của bản đã lọt vào tầm mắt của những người làm du lịch sinh thái cộng đồng, nhất là khi cây cầu treo được xây dựng. Bản Mạ bước ra khỏi cuộc đời hoang sơ, biệt lập để hòa mình vào nhịp sống mới, giống như một người con gái đẹp đẽ, thanh thuần bắt đầu phải làm lụng, mưu sinh.
Điều Chái Nọi ngỡ ngàng nhất là sự xâm lấn của cuộc sống hiện đại. Trước kia, giữa các nhà trong bản luôn là hàng rào nứa thưa mỏng, chỉ cần vạch hai tấm phên đan là có thể bước qua nhà nhau. Nhưng, khi đất bắt đầu có giá, hàng gạch bi được xây lên, nghến chân hết cỡ cũng không thấy chái bếp nhà khác trong bản. Những cây cọ, cây cau, cây dừa, quế, sim... đồng loạt biến mất khỏi những khu vườn, thay vào đó, nhà lá, quán bi-a, hàng quán bán đồ lưu niệm và những thứ chẳng rõ từ đâu đem đến, gắn mác người Thái.
Ngôi nhà sàn của pò mế cũng nằm trong xu thế ấy. Chái Cà cho xây một dãy nhà cấp bốn để cả nhà sinh hoạt, còn nhà sàn cải tạo lại cho khách du lịch thuê, nhất là những đoàn khách thích trải nghiệm cảm giác mới mẻ. Ván thưng giữa các gian được dỡ hết. Gỗ cũng ánh lên màu véc-ni vàng rực. Ở mỗi cây cột, Chái Cà treo một đầu thú rừng. Những chiếc sừng hươu, nai, hoẵng với đôi mắt giả nhìn trừng trừng về phía Chái Nọi. Mỗi khi nhắm mắt, một đàn muông thú như xông thẳng vào anh, dù đó là những loài hiền lành nhất. Đêm đầu tiên trở về, Chái Nọi ngủ trên sàn nhà mình mà chống chếnh. Cảm giác vừa quen thuộc, vừa xa lạ như người đàn bà đã từng thân thiết.
*
Chái Cà ngồi dựa vào bờ đá, chân gác lên một gốc cụt, tợp mạnh những ngụm rượu. Khi chai rượu đã vơi đi quá nửa, Chái Cà mơ hồ nhìn về phía bến sông, nơi có bóng người con gái đang giặt váy. Hắn mường tượng ra đôi bàn tay mảnh khảnh, trắng ngần vắt nhẹ những chiếc váy thêu kì công hình voi, hổ mà những người đàn bà Thái mất cả tháng trời tỉ mẩn, chăm chút. Bóng dáng ấy dù chỉ bé bằng trái bồ quân trên mặt nước loang loáng ánh chiều tà nhưng hắn vẫn nhận ra đó là Chon, người con gái hắn yêu. Nhưng, Chon lại không yêu hắn.
Chon có thể yêu bất cứ người con trai nào ở bản Mạ này nhưng không thể là hắn, hắn biết vậy, dù anh em hắn và Chon cùng một lứa lớn lên, cùng trèo non lội suối. Sự ngang tàng của hắn ai cũng biết. Yêu một kẻ coi trời bằng vung sẽ có niềm vui được bảo vệ, che chở nhưng lấy kẻ đó không khác gì đánh bạc, chưa đánh đã biết mình thua. Đám con gái ở bản dè dặt hắn, lánh xa hắn, coi khinh hắn. Hắn buộc phải nghĩ cách để giành lấy thứ hắn ưa thích.
Hắn ưa Chon lắm. Người đâu mà đẹp, lại nết na. Chái Cà đã trù tính bao kế hoạch. Hắn sẽ khiến những kẻ đến gần Chon trở nên què cụt, hoặc sẽ khiến Chon chán ghét mà rời bỏ, hoặc kẻ đó sẽ phải bán xới đi đâu đó mất tăm mất tích. Nhưng, làm những việc ấy chẳng phải cũng liên lụy đến mình sao? Song, hắn không thể chần chừ được nữa. Chái Cà nghe láng máng hình như có người sắp đến xin cưới Chon. Hắn tợp thêm vài ngụm rượu để lấy can đảm, quẳng cái vỏ chai vào bụi cỏ lau ven đường rồi khật khưỡng đi về phía bến sông. Không dùng cách của người trần thì dùng cách của ma quỷ vậy.
Hai tháng sau.
Hôm ấy trời vần vũ mây đen. Chái Cà đi uống rượu ở đâu về, chếnh choáng say, đứng giữa sân tuyên bố:
- Tôi sẽ lấy vợ. Pò mế chuẩn bị cưới vợ cho tôi.
- Anh lấy ai?
- Chon.
Chái Nọi lặng người, định nói gì đó nhưng kịp thời giữ lại trong dạ.
Chái Cà và Chái Nọi là hai anh em sinh đôi. Cà là anh, Nọi là nhỏ. Sinh được hai đứa con trai đầu lòng, trắng trẻo, mũm mĩm, ông Luông cho giết lợn mời cả bản ăn mừng. Thế nhưng, hai đứa con ông cách nhau có vài phút mà Phạ đã nặn hai người như nước với lửa.
Chái Nọi tính cách ôn hòa, uyển chuyển. Chái Cà ngược lại, vô cùng mạnh mẽ, đến mức ngang ngược. Khi hai anh em học trường nội trú tỉnh, Chái Cà thường xuyên trốn học, trèo tường đi uống rượu ốc. Nhiều lần bị phạt lao động, Chái Cà không chịu phạt mà bỏ đi chơi, Chái Nọi sợ anh bị đuổi học nên đi làm hộ. Cũng chẳng thầy cô nào phát hiện ra vì hai đứa giống nhau như đúc. Đến khi Chái Cà đánh nhau to quá, nhà trường phải kỉ luật. Chái Cà về huyện học nốt cấp ba rồi chấm dứt học hành tại đó.
Về sau, Chái Cà theo những đoàn người đi khai thác trộm đá thạch anh ở tận rừng sâu, vượt qua đất Nghệ An, sang tới Lào. Có bận đi cả năm trời, da xanh xao, râu tóc tua tủa, không ai còn nhận ra chàng trai mười tám, đôi mươi vạm vỡ. Những viên đá đẹp nhất bị Chái Cà giấu đi. Lão chủ nghi ngờ, lôi Chái Cà ra trước mặt mọi người, lấy búa đập nát ngón tay đeo nhẫn để dằn mặt. Chái Cà nghiến răng chịu đựng. Đến khi xảy ra vụ tai nạn sập hầm, hai người trong đội bỏ mạng, lão chủ bỏ trốn, đội đào đá thuê tan rã. Chái Cà về bản Mạ, tiếp tục ấp ủ giấc mộng đổi đời theo những cách chẳng giống ai.
*
Chái Nọi lên rừng cọ.
Anh đã gắn bó với cọ từ thuở ấu thơ. Những ngày hè oi ả, Chái Nọi thả trâu nhẩn nha gặm cỏ, còn mình chặt một lá cọ rải xuống đất, nằm ngửa mặt lên nhìn trời xanh. Cây cọ mướt mát quanh năm. Nắng xuyên qua khoảng trống giữa những tán cọ, chiếu thẳng xuống đất. Lá cọ cắt hình tỏa tia rõ rệt trên nền xanh lơ của bầu trời. Lá để lợp nhà lớn nhà bé. Đám cưới, đám ma đều cần lá cọ, ở bản nhà nào cũng trồng ít nhất vài cây. Quả cọ như tuổi thơ bùi bùi, chẳng dễ dàng quên.
Anh nhớ bài hát hồi đi học vẫn hát cùng lũ bạn: “Hương rừng thơm đồi vắng, nước suối trong thầm thì, cọ xòe ô che nắng, râm mát đường em đi...”. Lớp đã hát bài đó hôm chia tay ra trường, rồi ôm nhau khóc. Những học trò của trường đặc thù như nội trú tỉnh thường không biết khi nào sẽ gặp lại nhau, cho nên lần chia tay cuối cấp thực sự đáng nhớ.
Những năm ra đi, anh không nguôi nhớ thương rừng cọ. Nhớ bản Mạ. Nhớ bài hát quen thuộc của các cô gái Thái mà Chon vẫn thường hát cho anh nghe: “Em làm rẫy, làm rẫy ở chân hang. Em làm ruộng ở đồng quang. Anh có cùng em trèo đèo lội suối,...”.
Bây giờ, Chon đã là chị dâu.
Trước khi đám cưới diễn ra, Chon lầm lì như đá ở bến sông. Không ai biết Chon nghĩ gì. Ngày rước dâu, thầy mo bắt đầu cúng cắt khẩu ở nhà Chon, rồi nhập khẩu vào nhà ông bà Luông, mế Luông đội áo lên đầu Chon để nhận mặt con dâu. Khoảnh khắc ấy, Chon vô tình trông thấy chiếc áo của mình treo trên cái sừng hoẵng ở góc nhà, Chon như sực tỉnh, cô òa khóc nức nở. Hôm giặt đồ dưới bến sông, Chon tìm mãi không thấy chiếc áo cóm, cứ tưởng đã trôi theo dòng nước đi tận đâu, ai ngờ lại mắc cạn ở đây, trên cái sừng hoẵng này. Hẳn là Chái Cà đã làm bùa vào áo nên suốt thời gian qua Chon u u mê mê, tự nhiên muốn gắn bó với Chái Cà một cách kỳ lạ.
Chon không tin vào bùa yêu, thời buổi nào rồi. Nhưng, những người già trong bản vẫn truyền đời cách làm bùa chú cho hậu duệ của mình. Cái nhà mo Pỉnh ở cuối bản vẫn có người ra người vào. Họ đến xin đủ thứ bùa: bùa hộ mệnh cho sức khỏe bình an, bùa yêu cho người khác phải lòng mình, lại còn có cả thứ bùa cho những cặp tình nhân thù ghét nhau, những người vợ yếu thế, khi biết chồng có người khác thường xin thứ bùa ấy... Chon vẫn nghe mấy đứa con gái nói thế, mình không yêu người ta mà bị làm bùa thì cũng mê muội đi, rồi phải ở với nhau suốt đời suốt kiếp, đến chết cũng cùng ngày cùng tháng.
Trời ơi, Chon bị chài làm bùa thật rồi. Nghĩ thế, Chon càng khóc to hơn. Nước mắt Chon nhỏ tong tong vào chậu nước rửa chân, rơi trên bậc thang gỗ nhà chồng như những ngôi sao lệ. Chái Cà phải cùng với mế Luông dìu Chon vào làm lễ. Người ngoài tưởng cô dâu về nhà chồng nên khóc dữ dội vậy. Chỉ có Chon hiểu rằng, có thể từ thời khắc ấy trở đi, nước mắt cô sẽ lặn vào trong.
Bây giờ, cọ vẫn xanh.
Chái Cà đã bán hết những đồi keo, chỉ còn rừng cọ này.
Chái Nọi vẫn nhớ như in buổi trưa ngột ngạt ấy.
- Tổng cộng là mười lăm héc ta. Keo đã trồng được bốn năm, cây cao gấp đôi người. Hai năm nữa khai thác là đẹp. Một tỷ.
Chái Cà nói một cách mạnh mẽ.
- Chúng tôi xem địa hình đồi keo, khi khai thác rất khó khăn, mất khá tiền để mở đường, kéo dây điện.
Chái Nọi vừa từ đồi keo về tới nhà, thấy ồn ào, liền hỏi mế Luông:
- Có chuyện gì thế mế?
- Anh mày bán hết keo. Mế cản không được.
- Sao phải bán? Bán để làm gì?
Chái Nọi vội lên nhà trên, chân anh mỗi bước sải tới ba bậc cầu thang.
- Anh không được bán, ai cho anh bán?
Chái Cà trừng mắt:
- Không đến lượt mày quyết. Tao là anh cả.
Rồi quay sang vị khách mua từ dưới xuôi lên:
- Anh về đi, thống nhất vậy nhé.
Tiễn khách ra đến cổng, Chái Cà quay lại:
- Mày đừng có làm hỏng chuyện, tao lo việc lớn, cần tiền nhiều. Sau này tao sẽ không để mày thiệt.
- Tôi không cần sau này. Tôi không đồng ý. Pò, sao pò lại để anh ấy bán?
- Pò để tao quyết rồi.
Chái Nọi vùng vằng:
- Bây giờ anh ấy bán rừng, mấy nữa bán nhà, pò mế ra rừng mà ở à?
Pò Luông, như thường lệ, không nói câu nào, lẳng lặng ngồi xuống bên bếp lửa, rít một hơi thuốc lào. Khói thuốc lẫn vào khói bếp. Chẳng biết pò ho vì thứ gì. Cái thằng Chái Cà, nó là con pò thật đấy nhưng bụng nó khó ưa, pò bảo nó không nghe nữa, cái măng đã quá đầu người, cây gỗ đã quá tầm uốn rồi. Mế Luông cũng thôi không gấp những tấm thổ cẩm. Những nếp nhăn xô lại trên khuôn mặt.
Việc hai đứa con trai bà dứt ruột đẻ ra gầm gừ với nhau quen thuộc đến nỗi ông bà Luông chẳng còn bận tâm nữa, chúng nó tự giải quyết. Chửi nhau, đánh nhau chán lại thôi, anh em ruột rơi chín bến không lìa, sao mà bỏ nhau được. Việc duy nhất mế kịp làm là sang tên đồi cọ còn lại cho Chái Nọi. Coi như chia xong, sau này chúng nó làm ăn ra sao mặc Phạ định đoạt. Cuối cùng thì mười lăm héc ta keo cũng bị bán đi. Chái Cà đứng tên, lại cầm sổ đỏ. Thế thì còn ai làm gì được.
*
Sau những ngày nắng nóng kéo dài, dự báo thời tiết là những ngày mưa liên tục. Cơn bão số hai hình thành ngoài Biển Đông, sẽ ập vào đất liền nội ngày mai.
Chái Nọi leo lên mái tranh, gia cố lại nóc và lấy bao tải chặn quanh mái. Anh xuống bờ sông, chằng lại quán cà phê Hương Rừng. Chái Cà đã cho xây quán theo kiến trúc bán sơn thủy, một nửa trên bờ, một nửa làm bằng nhà luồng nổi trên mặt sông. Phải thừa nhận rằng, ngồi trên nhà nổi khi bình minh hoặc hoàng hôn thi vị hết sức. Có lẽ vậy mà quán đông khách du lịch ghé vào. Đêm. Trời bắt đầu mưa ràn rạt. Rồi gió. Gió mạnh khiến căn nhà sàn rung lắc dữ dội. Có tiếng xoang xoảng của mái pờ-rô-xi-măng lợp chuồng trâu. Mưa gió không ngớt. Suốt đêm.
Sáng sớm. Toàn bộ bản Mạ vẫn chìm trong mưa. Bưởi trái lớn trái bé lăn lông lốc trên mặt đất. Cây lá rũ rượi sau một đêm vật mình trước bão. Mưa vẫn chưa ngừng lại.
Mặt sông từ trong xanh chuyển sang trắng xóa. Lũ về. Màu vàng đục dần dần đẩy màu xanh đen trôi về biển xa cuồn cuộn. Nước lớp trước đè lớp sau.
Bắt đầu là căn nhà luồng. Mặc dù Chái Nọi đã buộc chắc chắn vào gốc bưởi và gốc dừa chỗ chân bản nhưng sức nước quá mạnh, dòng nước dâng lên giật phăng dây thừng. Chái Nọi chạy dọc bờ sông, dưới cơn mưa như xé thịt da nhưng đành trân trân nhìn căn nhà trôi đi cùng củi mục và rác cỏ cây từ thượng nguồn tràn xuống.
Mưa đến ngày thứ ba.
Nước dâng đến nửa quán cà phê, tới chân cột cầu treo. Những thân gỗ tươi dạt vào kín cả đoạn phình ra của con sông. Bến sông dập dềnh cành lớn cành bé bị mưa bão giật gãy. Hai bên bờ sông ầm ầm sạt lở. Sau mấy ngày mưa không ngớt, thứ đất bazan trở nên nhão nhoét, động vào là tãi ra.
Dù cơn bão đã đi vào đất bạn Lào nhưng hoàn lưu của nó còn rất mạnh.
Mưa đến ngày thứ tư. Toàn bộ hoa màu đã chết ngập trong nước. Nửa đêm, Chái Nọi nghe tiếng “rầm” rất mạnh vọng về từ ngoài sông. Anh khẩn cầu điều tồi tệ đừng xảy ra. Nhưng Phạ vẫn quyền năng và hình như không nghe thấu tâm nguyện của con người. Chái Nọi khoác áo mưa, cầm đèn pin tiến ra phía con sông. Tim anh bỗng thắt lại.
Toàn bộ quán cà phê đã bị lở và trôi đi không tăm tích. Nước dâng tới sát mặt sàn cầu treo. Trụ cầu trở nên xô lệch. Một số đoạn dây cáp đã đứt. Trông cây cầu thảm thương như chiến binh bại trận mình đầy thương tích.
Chái Nọi bất lực đứng khóc. Nước mắt lẫn vào những dòng nước mưa đang chảy tràn cơ thể.
*
Cả bản Mạ gồng mình sau trận lũ lịch sử. Hầu hết những lều quán dựng lên để đón khách du lịch đều hư hỏng nặng, phần vì vật liệu là tre, nứa, luồng, phần vì mọi thứ vội vàng, tạm bợ. Cơn bão đem mưa gió tràn qua đất liền rồi lại lôi tất cả trôi ra biển xa vời vợi, làm tan luôn cả những ước mộng giàu sang của dân bản.
Kết cấu cây cầu treo trở nên lỏng lẻo, người ta phải đặt cái biển “Cầu yếu” ở hai đầu cầu, không cho xe máy qua lại như trước, chỉ có thể đi bộ từng người một. Kinh phí sửa chữa cây cầu là rất lớn nên huyện vẫn chưa thể khắc phục ngay được.
Bản trở lại như xưa. Là một thế giới gần như tách biệt với bên ngoài.
Mọi người bắt đầu dựng lại nếp sống cũ, như trước khi bản Mạ trở thành điểm du lịch cộng đồng. Pò Luông đi thả lưới trở lại. Trước kia, khi còn quán xá, pò phải ở nhà phục vụ khách du lịch, làm những việc lặt vặt như bưng bê, dọn dẹp. Bàn tay lóng ngóng, pò nói thứ tiếng Kinh pha đặc âm sắc của người miền núi, thỉnh thoảng khiến khách hàng khó chịu về sự vụng về, thô mộc.
Từ sáng tinh mơ, Chái Nọi đã dậy mài dao. Con dao rựa lâu không được vào rừng nên chuyển sang màu thâm gỉ. Hôm qua Chái Nọi đã phải lựa rất lâu dưới bến sông mới tìm được hòn đá mài ưng ý. Tay trái ấn lên bề mặt dao, tay phải giữ chặt cán, anh đưa lên đưa xuống thành thục. Những người đàn ông lớn lên ở bản, sống dựa vào rừng luôn biết giữ con dao cho sắc. Dao để chặt cây, phát nương, làm rào, chẻ lạt. Nó như cánh tay phải của những con người quanh năm lội suối băng rừng. Chỉ mươi phút, con dao trong tay Chái Nọi đã sáng bóng, sắc lẹm. Anh chém thử ống vầu dựng góc nhà. Nhát chém làm đoạn vầu đứt đôi mịn màng. Anh lau con dao thật khô rồi tra vào vỏ.
Từ khi Nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng cho dân, pò mế Luông nhận ba quả đồi lớn, tính sơ sơ gần hai chục héc ta rừng phòng hộ. Đây là những khu rừng cấm khai thác, chuyển nhượng.
Chái Nọi lên rừng. Mỗi lần vào rừng, Chái Nọi đều giắt theo vài hạt giống. Có khi hạt cây ăn quả như ổi, mít, sim, quế. Có khi là trám, bùi, hồi, dổi... Đi đến đâu, anh vãi hạt tới đó. Để hạt nảy mầm, lớn lên, cây cối rậm rịt, làm giàu cho rừng. Để chim muông trở về ganh nhau hót. Từ bé anh đã theo chân pò Luông sục sạo từ rừng non tới rừng già, được pò dạy rằng, rừng che mưa chắn bão, giữ đất giữ nước, rừng cho con thú con măng, phải biết ơn và biết kính nể thần Rừng.
Mế Luông còn nói thêm: “Lấy cái gì của rừng thì phải trả lại thứ khác, để rừng không độc với người, con à, nhớ lấy”. Mùa xuân năm nào anh cũng cùng pò mế làm lễ cúng rừng, để không bị lạc hay bỏ mạng nơi đèo cao non thẳm. Vậy mà cuộc đời anh đã trôi dạt đất khách quê người, hít thở những ngột ngạt của nhịp sống chen chúc, xô bồ, rời xa những cánh rừng âm u. Sau khi Chái Cà bán hết đồi keo, Chái Nọi trở nên buồn bực. Lại thêm việc anh trai cưới Chon, theo cái cách mà Chái Nọi không đồng tình, lòng anh đâm khó chịu. Để thoát khỏi sự xấu xa, hèn mọn của bản thân vì đố kị, Chái Nọi đi xuất khẩu lao động. Khi anh còn đang chần chừ có nên gia hạn thêm hay không thì mế Luông gọi về.
Năm nay nắng nóng kéo dài, rừng động. Chim chóc đi đâu vắng lặng. Rừng la liệt cành lớn cành bé xung quanh những gốc cụt. Vết cưa vẫn còn rất mới. Từ trên cao nhìn xuống, chỗ những cây gỗ tạp bị khai thác như mảng tróc lở trên nền xanh thẫm của rừng già. Tất cả những ngổn ngang này là vì Chái Cà. Do thua bạc, để có tiền trả nợ, Chái Cà đã nảy ra ý nghĩ táo bạo, đó là xin giấy phép chuyển rừng phòng hộ thành rừng kiệt, sau đó sẽ chuyển sang trồng keo phủ xanh đất trống đồi núi trọc.
Khi giấy phép còn đang trong quá trình xem xét, Chái Cà đã cho người mang cưa máy lên đốn hạ hết những cây gỗ lâu năm trong rừng. Giữa rừng già, tiếng cưa máy rung lên rần rật, hàng loạt cây cao đổ xuống la liệt, được cắt khúc, xếp gọn ghẽ thành từng đống. Hôm tòa xét xử vụ án khai thác rừng trái phép của Chái Cà, một đống gỗ cao quá đầu người được chất giữa sân tòa án để làm vật chứng. Chái Nọi cũng có mặt. Anh nhìn người anh máu mủ đứng trước vành móng ngựa, vừa đau đớn, vừa giận dữ. Nhưng, anh em như con trâu và cái sừng, sừng gãy chẳng thể nào thay thế được. Trước khi rời tòa án, Chái Cà xin gặp Chái Nọi, khẽ mở lời: “Thay anh chăm sóc pò mế”. Chái Nọi xa xót, cầm đôi bàn tay bị còng số 8 của anh trai, khẽ bảo: “Anh cải tạo tốt để sớm đoàn tụ với gia đình”.
Chái Nọi đi sâu hơn vào phía lõi rừng, sục tìm suối nước. Trước kia, nước được dẫn về bản bằng hệ thống ống bương. Những năm gần đây, nhà nhà bắt đầu khoan giếng, người ta chẳng còn cần đến thứ nước mát lành, trong veo rỉ ra từ kẽ đá và được dẫn về từ phía rừng sâu. Nhưng, nước suối vẫn là một thứ tinh túy của rừng. Chẳng có thứ nước nào mát như thế, trong và ngọt đến thế. Chái Nọi sửa lại đường ống dẫn nước, thay những cây bương mới vào những đoạn đã mục ải, dựng thêm nhiều chạc ba. Sau cùng, anh buộc chắc chắn đường ống vào cây cối bằng thứ lạt mềm chẻ từ cây vầu. Một tuần sau, đường nước được dẫn về tới đầu bản. Chái Nọi nằm ngửa mặt lên trời, để cho nước xối vào thân mình mát lịm. Lũ trẻ thấy máng nước ào ra nô nghịch, cười vang góc chiều.
*
Buổi tối. Tiếng cá nhảy, tôm búng tanh tách, tiếng ếch nhái vẳng từ phía bờ sông vọng lại. Chái Nọi chặt vài lá cọ trải ra giữa sân. Hồi chiều mế Luông đã rửa sạch hai cuộn lá dong anh cắt trong rừng, gạo nếp cũng đãi xong, để ráo. Chon thò tay lên với mãi không tới bó rơm nếp trên gác bếp, Chái Nọi thấy vậy liền bảo:
- Chị để tôi.
Chon nhận bó rơm, rút một nắm, châm lửa đốt. Tro rơm từ đỏ hồng nhanh chóng chuyển sang đen tuyền. Đốt đến đâu, Chon giã cùng gạo nếp đến đó. Chỉ một lát sau, bó rơm nếp đã cháy hết, gạo cũng chuyển từ màu trắng sang đen. Chon trộn đều rồi đem ra cho những người đàn ông trong nhà gói bánh chưng, thứ bánh chưng đen quen thuộc của người Thái.
Pò Luông thoăn thoắt gói, những chiếc bánh gói bằng tay, khác hẳn bánh gói khuôn cầu kỳ của người Kinh. Bánh rất bé, chỉ bằng lòng bàn tay. Pò Luông khéo tay nhất bản, bánh chưng pò gói từ hai lá dong rừng mà vô cùng vuông vắn, đẹp mắt. Pò vẫn thường được nhờ gói để chuẩn bị cho các đám cưới.
Chái Nọi lại ra đi, anh đã đăng ký một lớp học ngắn hạn về du lịch. Anh đưa Chon tờ đơn ly hôn.
- Anh tôi gửi lời xin lỗi chị. Chị không cần phải đợi anh ấy.
Chon nhìn theo bóng lưng thân thương và những bước đi chắc chắn của Chái Nọi trên cầu, sau ba lô treo lủng lẳng cặp bánh chưng. Một cảm giác vô cùng nhẹ nhõm. Nhẹ như nắng mai chạm vào mặt nước sông Chu rồi bừng sáng lên.