Di nguyện
Các cụ kể, ngày xưa, cứ độ vài năm nhà vua lại hạ chiếu cho quan quân về làng Dôi tuyển lựa mỹ nữ vào cung. Vận nước lụi tàn, giặc tràn về, một cung nữ đem theo ấu chúa lánh nạn về đây. Giặc truy đến, người cung nữ ôm ấu chúa nhảy xuống cái giếng ấy tự trẫm. Giặc cho chèn lên miệng giếng bằng tảng đá xanh lớn. Thương xót, người dân lập cái am nhỏ phía trên tảng đá xanh để hương khói cho hai người xấu số.
Cái hôm hắn trở về, cả làng Dôi xôn xao. Từ trẻ con tới người già, liền ông tới liền bà hăm hở lũ lượt kéo nhau đến cổng, ngó ngó nghiêng nghiêng, xì xào bàn tán y như cái ngày hắn bị công an đến bắt đi tù.
Làng Dôi nằm bên bờ sông Lô, con sông chảy từ phía Bắc về đây bốn mùa hiền hòa, đến đoạn bãi bồi nhô ra cuối làng thì đổi dòng hòa vào sông Đà hùng vĩ. Người ta nhớ đến làng Dôi bởi con gái làng này đẹp nức tiếng trong vùng. Các cô có làn da trắng như trứng gà bóc, lại khéo léo, đàn ông quanh vùng mà lấy được gái làng này thì coi như cuộc đời đã có nửa trọn vẹn. Từ xưa, người dân vùng này vẫn truyền tai nhau câu thơ:
"Nhai trầu cho miệng đỏ môi
Lấy vợ thì đến làng Dôi mà tìm".
Mẹ hắn nhiều người theo đuổi, có tối bà ngoại phải đun đầy cả nồi nước nấu với chè xanh để đám con trai tới chơi. Cho đến những năm cuối xung đột biên giới, bộ đội về đóng quân trong làng, mẹ hắn đem lòng yêu một người lính trong đoàn quân ấy, họ chỉ có lời hẹn ước hết chiến tranh sẽ về cưới nhau. Nhưng, khi chiến tranh kết thúc, người lính không trở về, mẹ hắn ngóng trông cùng cái thai đang lớn dần, tiếng khóc của đứa trẻ bên dòng sông mùa nước đầy nhấn chìm sự đợi chờ. Chẳng ai đến với mẹ nữa, mẹ và bà ngoại nuôi hắn lớn khôn.
Hắn lên năm tuổi thì lão Trợn xuất hiện, bà ngoại không ưng nhưng mẹ đã phải lòng những lời tán tỉnh của lão, người đàn ông gần bốn chục tuổi, từng qua một đời vợ hứa dang tay che chở bảo vệ mẹ con hắn. Trước khi vào lớp một, lí lịch của hắn đủ tên cha mẹ. Hắn từ nhỏ đã ngang bướng, bảo thế nào cũng không bao giờ gọi lão Trợn là bố, là dượng, từ khi mẹ lấy chồng, hắn ngủ với bà ngoại. Lão đâu có ưa gì thằng con của vợ, lão hay đánh hắn, bất kể lí do to nhỏ, câu "thằng con hoang" cửa miệng lão cào cấu, bám chặt da thịt hắn, đau đớn hằn trên những vết lằn của đòn roi. Mẹ can ngăn, lão đánh cả mẹ; đòi li dị, hắn dọa đánh cả bà.
Nhà hắn ở đây từ đời nào không rõ, mặt tiền hướng về phía chiếc am cổ, lưng quay ra bờ sông. Cứ độ ra Tết, gió xuân và gió sông quyện lấy nhau, thông thốc thổi vào căn nhà năm gian cũ kĩ, gió lùa cửa chính, gió luồn cửa sổ. Người ta nói đất này dữ, hướng nhà lại khắc với thế đất, lưng quay hoạt thủy, tối kị trong ngũ hành nên thường sinh ra gió độc, dễ gặp tai ương.
"Bao năm rồi có làm sao đâu mà sợ gió độc", bà ngoại bảo hắn thế.
Có đám người lạ từ đâu tìm đến nhà, họ nghe nói bà hắn có giữ một thứ cổ vật từ tận ngày xưa nên hỏi mua. Bà đuổi về, chửi đổng từ nhà ra ngõ. Mấy hôm sau đám người lại đến, bà cầm đòn gánh đuổi ra tận đầu làng. Lão Trợn phải ra nói chuyện với đám người lạ kia, họ mới không đến nhà nữa. Bọn trẻ con trong làng hay nói với hắn rằng bà mày trông giếng cổ, giữ ấn vua.
Các cụ kể, ngày xưa, cứ độ vài năm nhà vua lại hạ chiếu cho quan quân về làng Dôi tuyển lựa mỹ nữ vào cung. Vận nước lụi tàn, giặc tràn về, một cung nữ đem theo ấu chúa lánh nạn về đây. Giặc truy đến, người cung nữ ôm ấu chúa nhảy xuống cái giếng ấy tự trẫm. Giặc cho chèn lên miệng giếng bằng tảng đá xanh lớn. Thương xót, người dân lập cái am nhỏ phía trên tảng đá xanh để hương khói cho hai người xấu số. Bà hay kể cho hắn câu chuyện về chiếc giếng cổ phía trước mặt nhà mình.
"Giếng này là giếng cứu vua, đến một ngày người xưa sẽ về".
"Về làm gì hả bà?". Hắn hỏi, bà chỉ nhoẻn miệng cười. Tuổi thơ và cả trong giấc mơ của hắn chưa bao giờ được thấy những điều bà kể, chỉ thấy những đêm rằm, ánh trăng vằng vặc soi bóng dáng một người đàn bà ngồi tụng kinh bên thành giếng.
*
Lão Trợn làm trên xã. Có lần thằng Hải, bạn thân của hắn trộm xe máy bị lão Trợn bắt được. Đám thanh niên nghịch ngợm, lêu lổng trong xã nghe đến lão đã thất kinh. Gặp nhà nào có điều kiện thì lão phải moi bằng được tiền người ta. Việc thằng Hải trở về mà người mảy may chả có vết bầm tím nào làm hắn ngạc nhiên. Hải nói.
"May nhờ dượng mày".
Thời gian sau, Hải rủ hắn lên thành phố làm nhân viên phục vụ cho quán hát. Hắn nói với mẹ sẽ tu chí làm ăn, nhờ chịu khó mà hắn cũng tích góp được số tiền kha khá. Trong một dịp về nhà, khi vừa đặt ba lô xuống đất thì công an ập vào, khám trong ba lô thấy một bọc nhỏ, sau hắn mới biết đó là ma túy, số lượng đủ cho hắn bóc lịch trọn năm tháng thanh xuân. Bi kịch tới với hắn quá đột ngột, khi bị hỏi cung, hắn chẳng nhớ gì ngoài việc đêm trước hôm về thăm mẹ, đám bạn tới phòng trọ tụ tập, uống rượu đến tận khuya. Người ta nói hắn làm nghề ấy để tiện cung cấp ma túy cho khách, mọi thứ đều chống lại hắn.
*
Đã cuối chiều, Lam Hà vẫn ngồi trong căn phòng lưu hồ sơ của Công an huyện. Cô không ăn uống gì từ sáng, dường như những suy nghĩ về tình tiết trong các vụ án đã trở thành thứ nuôi nấng đam mê vốn dành cho phái mạnh. Tuy mới ra trường được vài năm, nhưng với sự nhạy bén, thông minh và đặc biệt là khả năng phán đoán tài tình, nắm bắt diễn biến tâm lí tội phạm đã giúp cô trở thành một trong những cán bộ cốt cán của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.
Có lần Lam Hà cải trang thành một gái bán hoa cả tháng chỉ để bắt một kẻ biến thái chuyên ép phụ nữ sử dụng ma túy khi mua dâm. Sau lần ấy, cô gầy rộc người vì thiếu ngủ, đồng hồ sinh học của cơ thể bị đảo lộn, nhưng đổi lại, chuyên án đã kết thúc mỹ mãn. Rồi, phải kể đến một lần khi bị vây ráp, đối tượng bắt cóc yêu cầu đổi con tin bằng lái xe là nữ cho dễ uy hiếp, Lam Hà xung phong làm nhiệm vụ nguy hiểm ấy. Đi được gần trăm kilômét, không hiểu bằng cách nào cô đã thuyết phục được đối tượng buông súng trước khi đến điểm lực lượng Công an đón lõng.
Dũng cảm, thông minh có thừa nhưng suýt có lần Lam Hà bị phơi nhiễm. Mẹ cô khóc lóc, bắt con gái phải xin chuyển công tác sang bộ phận khác, không thì phải lấy chồng ngay, bà nghĩ cô sẽ vì gia đình mà bớt liều lĩnh trong công việc. Lam Hà gật đầu đồng ý, rồi đâu lại vào đấy. Cấp trên, đồng đội trân trọng những cán bộ như Lam Hà, cô như hạt giống đỏ của đơn vị, nên chỉ những nhiệm vụ cần thiết mới cần đến, không cho ở tuyến đầu như trước, mặc cô nài nỉ.
Mấy năm công tác ở Cục, Lam Hà được tiếp xúc với các vụ án, tội phạm khác nhau, từ bé tới lớn, từ nghiêm trọng tới đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp xét hỏi những tên tội phạm nguy hiểm, nhưng chưa có vụ án nào làm cô suy nghĩ đau đầu như vụ án về người thanh niên làng Dôi hơn mười năm trước. Cán bộ thụ lí ngày ấy đã mất, việc củng cố hồ sơ còn có khâu chủ quan, chưa chặt chẽ, quyết liệt, công tác tố tụng của viện kiểm sát còn có sơ hở, căn cứ kết tội chưa hẳn thuyết phục.
Trong đầu cô luôn suy nghĩ, anh ta không thể có lí do gì mang chỗ ma túy ấy bên người khi về quê, quán anh ta làm việc trước giờ chưa có hiện tượng khách đến sử dụng chất kích thích..., cứ đặt câu hỏi là thấy mâu thuẫn, chắc chắn có uẩn khúc, nhưng nút thắt ở chỗ nào lại là một câu chuyện khác, chưa có lời giải. Trước khi anh ta được ra tù, Lam Hà xin lãnh đạo các cấp đưa cô về tăng cường xã ấy một thời gian. Khuôn mặt bi thương, tiếng kêu oan ai oán của anh ta trong phiên tòa ngày nào cứ ám ảnh, bám riết cô suốt những năm tháng qua. Lam Hà có niềm tin vào sự tử tế trong người thanh niên ấy, mặc dù hình ảnh hiện tại của anh ta khiến trong cô đầy mâu thuẫn.
Người cán bộ quản giáo nói với Lam Hà, ngày mới nhập trại, cậu ta như một kẻ mất phương hướng, cứ gặp cán bộ là kêu oan. Đám phạm nhân cũ khó chịu, ngứa mắt rồi đánh, anh em vào kiểm tra thấy người có vết bầm tím, hỏi nhưng cậu ta nhất định không nói, sau đó có chuyển buồng cho cậu ta. Những năm cuối, cậu ta như một thầy tu mặc áo kẻ sọc lầm lì, ít nói, lao động về là chỉ ngồi một chỗ, chẳng chuyện trò với ai. Sau khi nghe tin mẹ tự tử, cậu ta như rồ dại, rồi xuất hiện những hành vi không bình thường, có khi lăn đùng ra giãy đành đạch. Vào viện, bác sĩ kết luận cậu ta có triệu chứng tâm thần mức độ nhẹ.
Vợ người điều tra viên quá cố sụt sùi nước mắt. Cô kể, khi còn sống, ông ấy có nói với cô về một tai nạn nghề nghiệp, dù hồ sơ vụ án đó đã khép lại nhưng ông ấy không được sống thanh thản nên khi chết cũng phải mang theo một lương tâm dằn vặt. Mấy chục năm công tác, chồng cô luôn tự hào là người làm việc đúng trách nhiệm và cẩn trọng, mà bằng linh cảm nghề nghiệp, vụ án người thanh niên làng Dôi chưa làm đến nơi đến chốn, vì cần một thành tích để thuận lợi cho việc bổ nhiệm, nên đã vội vã chủ quan kết luận. Mỗi khi nhớ lại vụ ấy, chồng cô luôn cảm thấy có lỗi với nạn nhân, với nghề, với chính bản thân mình. Về hưu, ông ấy âm thầm ghi chép lại thông tin, chờ một ngày đưa ra ánh sáng nhưng việc chưa thành thì bạo bệnh ập đến.
"Xin hãy giúp chú ấy làm nốt công việc còn dang dở", người vợ sụt sùi sau khi đưa cho cô cuốn sổ tay cũ của chồng,
*
Thuở trước, bà Lam Hà có một người bạn ở làng Dôi thường sang chơi, hai bà thân nhau lắm, cái gì cũng tỉ tê, tâm sự với nhau, nhiều lần còn ngủ lại hôm sau mới về. Bà thường dắt theo một đứa cháu trai hơn tuổi cô, cậu ta dễ mến, hay dắt Lam Hà ra cánh đồng thả diều, nhưng thích nhất vẫn là hun chuột vào mùa gặt, chuột dính khói chạy tán loạn khỏi hang, hai đứa hò hét đuổi theo, chân giẫm nát cả khoảng đồng đầy rạ. Chuột đồng con nào con nấy nần nẫn, nướng lên ăn béo ngậy, thơm lừng, đó là món đặc sản của miền quê khi có đám.
Bây giờ, khi thèm món này, cô lại nhớ đến vị món chuột của cậu bé ấy làm, cái cảm giác nướng ăn luôn tại chỗ bao giờ cũng ngon hơn trên mâm cỗ. Có một lần thò tay vào hang chuột, cô bị cắn nhói ở tay, cậu bé nhìn biết ngay vết răng của rắn độc. Không có dây, ngay tức khắc cậu bé xé vải từ chiếc áo đang mặc garo tay cho cô bé, rồi cõng đến trạm y tế. Sau khi bà ấy mất, cô không còn gặp lại cậu bé ấy nữa, cho đến cái ngày tòa tuyên án, bà cháu cô ở bên ngoài, nghe tiếng kêu oan thảm thiết từ xa mà hai bà cháu chỉ biết ôm nhau khóc. Ngày ấy, Lam Hà mười ba tuổi. Năm năm sau, cô thi đỗ vào một trường cảnh sát.
Đêm xuống. Trăng lên. Lam Hà ngồi trong phòng làm việc suy nghĩ tính toán về những bước tiếp theo. Cô mới nhận được thông tin từ cơ sở bí mật báo có một nguồn ma túy an thần đang được đứa cháu của lão Trợn mua gần một tháng nay, mọi thứ như đang được hé mở, nhất là sau khi nghiên cứu những thông tin trong cuốn sổ tay của người điều tra viên. Lam Hà nhớ lại thái độ thay đổi bất ngờ của người thanh niên hôm trước, rồi gạt đi sự hôi hám, gạt đi cái lo nghĩ rằng liệu anh ta sẽ làm gì, cô dìu con người còn đang đau đớn lên giường trong khi lão Trợn đi ra ngoài. Bàn tay thâm tím của anh ta bám vào bờ vai cô, cảm giác bàn tay ấy như đang muốn bấu víu, cầu cứu vào sắc xanh cô đang mặc. Khoảnh khắc ấy, cô thấy cơn gió nhè nhẹ từ cánh đồng mùa hun chuột thổi về.
*
Trăng xuống thấp lắm.
Gió ôm lấy mặt sông, tiếng sóng pha ánh trăng ngân lên như những điệu nhạc chốn cung đình. Hắn tỉnh giấc giữa cơn mộng mị, lảo đảo bước ra hiên nhà, một cảnh tượng rực rỡ vương quyền trước mắt, đám quân lính gươm giáo sáng quắc đứng xung quanh tốp thiếu nữ ăn mặc kì lạ như thời cổ xưa đang nhảy múa, khoan thai đầy mê hoặc bên cạnh chiếc am cổ, hắn thấy mẹ đang đứng đó, đôi tay bồng một cậu bé mặc áo thêu hình rồng. Đứng như chết lặng, hắn nghe giọng ai như tiếng bà ngoại văng vẳng bên tai mình.
"Người xưa về đón vua, người xưa về đón vua".
Tiếng nói như ma lực kéo đôi chân hắn bước từng bước chậm rãi về phía trước. Nhưng, càng đến gần, đám người càng mờ đi, bước vài bước nữa thì tan biến hẳn, xung quanh hắn chỉ còn lại vệt trăng nhuộm vàng trên thành am cổ và vài nốt nhạc còn rơi rớt lại. Cái bát hương trong am bùng lên, lửa cháy cạn chân nhang, một vật hình vuông cỡ lòng bàn tay lấp lánh như ngọc hiện ra giữa đám tro tàn. Hắn nghĩ đến chiếc ấn. Khi tay vừa chạm vào, trong đầu hắn bỗng xuất hiện hình ảnh một người đàn ông đón một đứa bé và chiếc ấn từ tay người cung nữ. Người vợ của anh ta lấy tấm vải thêu hình rồng từ đứa trẻ kia, bọc cho đứa con đẻ mình rồi khóc nấc, xót xa. Đoạn, người cung nữ quỳ lạy cặp vợ chồng rồi vội vàng ôm đứa bé trên tay người mẹ chạy đi, cố tình cho đám giặc đang truy lùng trông thấy, rồi gieo mình xuống giếng... Hắn bỗng rùng mình.
Mây bỗng như dìm trăng xuống đáy sông, đêm đen đặc quánh. Hắn ngơ ngác gọi tiếng bà trong vô thức, nhưng bị mắc lại ở cổ họng, không thoát ra được, hắn giãy giụa chấp chới như một kẻ đang kiệt sức vì thiếu oxy. Trong vô thức, hắn cảm nhận một cặp mắt đỏ phừng phừng, trợn trừng nhìn hắn như muốn ăn tươi nuốt sống.
Góc nhà, lão Trợn đứng đó, tay cầm thanh gỗ, mặt lạnh lùng như một kẻ sát nhân.
"Mày nói gì với đứa cảnh sát?". Lão vừa tra hỏi, vừa vung tay vụt mạnh vào lưng người con trai đang nằm co quắp.
"Mày nghĩ nó cứu được mày sao? Mày không bao giờ thoát khỏi tay tao. Tao sẽ làm cho mày người không ra người, ngợm không ra ngợm, sống không bằng chết".
Hết câu, lão lại vụt xuống, những cái vụt man rợ, tàn độc, không có tính người nổ bôm bốp trên da thịt. Người con trai lúc này như một đứa trẻ khóc lóc vì đau đớn, tiếng khóc rưng rức làm lão hả hê.
"Chẳng ai cứu được mày đâu, đến cả thằng bạn thân của mày còn phản mày, không tao cho nó tù mọt gông vì tội ăn cắp". Nói rồi lão tì gậy lên người, vén tay áo lên, lão rút ra một cái xi lanh rồi cắm phập vào tay, người con trai rú lên đau đớn rồi lịm dần.
Xong xuôi, lão hằm hè. "Có trách thì trách bà và mẹ mày đi, nếu giao cái vật đó cho tao sớm thì mày không phải đến nỗi này".
Trong đầu lão nghĩ đến cái ấn vua mà lão nghe đồn bà mẹ vợ giữ, bọn buôn cổ vật đã tìm đến lão, trả một cái giá rất cao mà lão không tưởng tượng được đời này lão sẽ có nhiều tiền đến thế. Cứ tưởng người vợ sẽ đưa lão bán để cứu đứa con trai, nhưng lão không đạt được mục đích, có lẽ vợ lão không biết về nó thật. Cay đắng, lão thường xuyên đánh đập vợ, cái chết của vợ cũng do lão quá mạnh tay xô vào thành am trước nhà. Lão mưu tính, làm mọi cách để người dân tin là vợ lão tự tử.
Bao nhiêu năm nay, lão tìm kiếm, lục lọi trong nhà này mà không thấy, lão chỉ biết trút giận vào thằng con này từ khi nó đi trại về. Dường như mỗi lần hành hạ thằng con khiến lão cảm thấy sảng khoái, cái thứ lão tiêm vào người thằng con mỗi đêm sẽ làm cho một kẻ yếu đuối như nó chẳng bao giờ có thể tỉnh táo mà phản kháng hay trò chuyện với ai được. Lão chốt cửa, lững thững đi ra cổng trở về căn nhà riêng, lão lấy trong túi ra miếng trầu đưa vào miệng nhai tóp tép mà không biết một sự căm hờn rực lửa đang lớn dần trong bóng đêm.
*
Xong bữa sáng, lão Trợn mãi không thấy đứa cháu mang cơm cho thằng con quay lại, điện thoại cũng không liên lạc được. Lão hậm hực, ì ạch dậy mở cổng, lững thững đi vào làng. Từ xa, lão thấy đám đông đứng lố nhố trước cổng ngôi nhà cũ, nhìn thấy lão hùng hổ bước tới, đám đông dạt ra.
"Cút hết".
Lão quát. Trong sân, mấy thằng cháu lão đang ngồi bệt ngoài sân, hai tay bị còng vắt ra phía sau, đứng bên cạnh là Lam Hà và ba cán bộ công an. Lão sấn sổ bước tới, chưa kịp nói thì Lam Hà đã lên tiếng:
"Chúng tôi có bằng chứng về việc cậu thanh niên này tiếp tay cho một hành vi tội ác của ông, mời ông lên trụ sở Công an xã làm việc".
"Vu khống, tôi chả có tội gì, các người đi tin cái đứa bố láo này à?". Lão trợn mắt, quát tháo. Thằng cháu mắt cúi gằm nhìn lão lén lút.
Lam Hà nhìn thẳng lão, đanh thép. Lão hơi chột dạ nhưng mặt cố tỏ vẻ bình tĩnh. Lam Hà nói tiếp:
"Cơ quan điều tra đã có đầy đủ chứng cứ buộc tội ông, ông có nhận ra người này không?".
Sững người, hướng mắt nhìn theo người nữ cảnh sát vào phía nhà, lão giật mình thốt lên:
"Thằng Hải!".
Ánh mắt như đang khóc của nó từ trong nhà bước ra làm lão Trợn thấy rõ mình đang nguy hiểm, rõ ràng đám công an đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Khuôn mặt đang hùng hổ của lão liền tái dại. Thằng con trai lão hành hạ mỗi ngày đang nằm co ro, đôi mắt ẩn sau đám tóc, lão bần thần khi thấy cái miệng nó như đang mỉm cười.
Một cán bộ công an tiến lại gần, tay lão liền hất ra.
"Tôi không đi".
"Đề nghị ông chấp hành, đừng để chúng tôi cưỡng chế".
Người cán bộ công an áp sát, giữ chặt cánh tay lão. Vùng vằng, lão ném ánh mắt đỏ như máu về phía Lam Hà, lão nghĩ mới có mấy ngày xuất hiện mà cô ta làm trong đầu lão phảng phất hình ảnh cánh cửa ngục tù.
"Tất cả là do cô ta". Lão lẩm bẩm, rồi bất thình lình, lấy hết sức bình sinh, lão giật phăng tay mình khỏi tay người cán bộ đang giữ rồi lao vào người nữ cảnh sát như một con trâu điên bị dồn đến đường cùng. Lam Hà lùi ra sau theo phản xạ, mấy cán bộ công an lao theo, nhưng hai tay lão đã với được cổ Lam Hà, ép cô vào tường, rồi bóp chặt như muốn giết chết cô ngay tức khắc. Sức mạnh dồn cả vào hai ngón cái, móng tay như lưỡi dao nhọn, sắc lẹm cố cắm sâu nhất vào lớp da trắng mỏng manh.
"Chết đi" - Lão gào lớn. Sau giây phút bị bất ngờ, yết hầu bị bóp nghẹt, Lam Hà gồng cổ chịu đựng, cánh tay phải luồn ngay vào giữa hai tay kẻ thủ ác; đầu gối cô thúc mạnh..., đồng thời khuỷu tay đánh ngược vào mũi kẻ đang cố giết mình. Đòn hiểm ấy làm máu mũi lão phun ra, văng vào mặt Lam Hà, lão rú lên đau đớn rồi gục xuống. Các cán bộ công an lao đến tì đầu khóa tay, lão giãy đành đạch như con trâu điên bị cắt tiết.
Công an giải lão Trợn và đứa cháu đi, người dân xì xào bàn tán, ai cũng hả hê. Lam Hà thở phào, một cơn gió cả từ phía sông thổi vào, mạnh đến nỗi như thổi tung lớp bụi bặm lâu nay bám chặt lấy căn nhà, bật tung xiềng xích, sạch màu tăm tối... Cô thấy lòng mình nhẹ tênh.
*
Mấy tháng sau.
Buổi sáng, nắng non tắm ngập cánh đồng đang vào vụ gặt. Trong khuôn viên bệnh viện, có đôi nam nữ ngồi trên ghế đá chuyện trò vui vẻ.
"Anh ra viện, liệu còn đủ sức để chạy theo đám chuột không?" - Người con gái nói, miệng tủm tỉm cười.
"Tôi vẫn thường có những giấc mơ như thế".
"Những kẻ hãm hại anh đã nhận tội, đợi làm xong hồ sơ oan sai cho anh, rồi chúng ta cùng ra đồng nhé".
"Bà bảo hôm nào anh sang, bà sẽ gửi lại anh một thứ quý giá ngày xưa bà anh gửi, dặn sau này anh trưởng thành thì đưa lại cho anh" - người con gái chợt nhớ ra điều gì đó.
"Cái gì thế?".
"Là thứ khiến anh thấy ngục tù và tìm ra công lí".
Người thanh niên định kể cho cô gái về giấc mơ kì lạ, nhưng lại thôi, dường như trong suy nghĩ của anh đang tồn tại một điều gì đó còn quan trọng hơn thế.
Nhìn người thanh niên đang lặng đi, lòng cô gái phơi phới, bình minh đã tới dù đêm tối của người đàn ông ngồi cạnh dài dằng dặc đến cả chục năm. Họ mỉm cười, đàn chim mót thóc sà xuống rồi vút lên ríu rít cả khoảng trời, tiếng hót líu lo vọng về tuổi thơ của họ như một phép nhiệm mầu hàn gắn vết thương, có tiếng nô đùa của đám trẻ, xôn xao cả cánh đồng.