Đất nứt
Bà Bòng tự tử. Nhưng bà ta còn sống. Má Đẹt thì chết rồi. Trong cơn chấp chới mê sảng mỗi đêm, Đẹt luôn thấy khuôn mặt trắng bợt của má. Người má lạnh tím tái. Má treo Đẹt lên sợi dây thừng trong cái lều ba hắn dựng trên cánh đồng để bẫy chim, cò. Giựt mình sực tỉnh, hắn liền bật điện sờ cổ, coi thử có vết hằn bầm tím nào không.
- Mi biết tin chưa, hồi tối con mẹ điên đó nhảy cầu tự tử kìa.
- Chưa có chết!
Đẹt cúp máy, là cuộc điện thoại thứ tư trong vòng một buổi trưa. Phiền chết đi được! Toàn bọn rỗi hơi bày trò chọc tức hắn.
Hắn dừng ở đầu con đường mòn hẹp cong vòng băng ngang cánh đồng mênh mang gió, dắt bộ xe máy tiến vào cái lều che bạt phủ tấm thảm xanh giả cỏ. Mỗi lúc chuyện nọ xọ chuyện kia rối nùi, hắn lại ghé chỗ này, nơi cuối cùng hắn nhìn thấy má. Khẽ khàng, im ắng. Hắn ngồi trong lều với cả chục lồng sắt hồi hộp nhìn ra ngoài trời hanh ráo chờ đợi. Hoàng hôn buông tiếng thở dài, ánh chiều lênh loáng sắc cam sẫm xen lẫn xám ngắt.
Con cò có bộ lông trắng muốt nhắm tịt đôi mắt tròn nhỏ vì những vết khâu, ngậm chặt miệng do loại keo dính cứng, đứng bất động bởi sợi dây nhựa đỏ cột chân trên cây cọc tre cắm giữa cánh đồng. Đôi cánh rã rời không còn thiết tha đập quẫy. Mùa nước dâng ngập đồng, ruộng trơ những gốc rạ nửa khô nửa xanh xen lẫn cỏ mọc phơn phởn. Trên gốc rạ gắn vài con cò xốp trắng phau, xung quanh chi chít ốc, sò móc chặt vào lưỡi câu hoặc bẫy kẹp tre bôi đầy keo.
Đẹt bật công tắc, chiếc loa cột ở một góc cánh đồng phát ra những tiếng kêu líu ríu được thu sẵn. Đàn cò theo cơn gió hiu hiu bay về, sà xuống ruộng tìm mồi. Dính bẫy. Ngơ ngác. Hoảng loạn. Gió chếnh choáng khói chiều, không nâng nổi những đôi cánh giãy giụa. Đẹt vội vàng tiến ra gỡ hết đám chim trời cho vào lồng. Chẳng được mấy đồng, nhưng Đẹt thấy đã, cái cảm giác tim đập dồn dập căng mắt canh ngó con mồi và hí hửng nhanh tay thu bẫy. Cò trắng được dân nhậu khoái hơn bọn cò đen cò ruồi thịt tanh và thường bị nói là thứ cò ma. Mũi chích ngứa ran bắp chân, Đẹt vẫn ráng im thinh, kiên nhẫn chờ tới nhập nhoạng tối để săn mấy con vạc ú nu, béo thịt và thơm ngon hơn đám cò ốm đói.
Hồi còn mặc quần rách đáy, Đẹt đã tí tởn theo chân ba đi bẫy chim, cò. Hắn thừa hưởng từ ông Bốn Quèn cặp mắt cú vọ nhìn rõ những cánh vạc xác xơ trong đêm tối lầm bước. Hắn rành cách thả mồi đặt bẫy trước khi biết mặt chữ, dõng dạc đếm số cò vạc trong lồng để làm phép tính toán. Hắn đã lớn lên nhờ tước đi những cánh chim từ khoảng trời tả tơi nghèo. Hoặc hỉ hả xách đi khắp xã Xay Xát rao bán cho mấy tên bợm nhậu, hoặc đem về cho má rô ti, bữa cơm thêm miếng thịt queo quắt bám chặt cọng xương bé tí thay vì ăn mắm cái. Ông Bốn Quèn thường ưu ái cho hắn hai cái đùi, phần còn lại ông làm mồi nhắm rượu, gật gù cụng chén ngoài mé hiên tới khi sương đêm rải ướt đẫm áo.
*
Má Đẹt không ăn được chim, cò. Nhà nuôi đàn gà để đẻ trứng ấp con đem bán chớ nào được làm thịt. Má thà húp miếng canh lõng bõng rau dền, rau bầu đường nấu với mắm cái, nhất quyết không đụng tới những loại thịt lạ. Đợt hàng xóm chia cho phần thịt con mang săn được trong rừng, dù đã xào ớt sả thơm nức mũi, má vẫn ói tới động thai, sanh Đẹt non ngày nên người có chút éc. Bữa ông Bốn Quèn kéo con chó hoang bị xe tông ngoài đường vào sau hè nhổ lông, má vừa đào củ riềng vừa đổ mồ hôi tái mét.
Đẹt giống ông Bốn Quèn y đúc, nhà nghèo đói ăn ròm riết, nên có được món nào là hắn nhai sạch bách. Tới khúc xương còn phải hút cạn tủy mới nhả miếng bã ra. Ăn kỹ tới chó cũng ghét. Cái hồi Đẹt còn nhỏ xíu, ông Bốn Quèn đã đi khắp đồng ruộng lùng bắt cóc về làm thịt bồi bổ cho hắn. Lời thổi lỗ tai, chỉ cần cho trẻ con ăn thịt cóc, sài đẹn còi cọc cỡ nào đều sẽ mập ú khỏe khoắn liền. Thời đó, bọn cóc trốn người còn hơn người trốn hủi. Những tiếng “ọc ọc” mỗi bận trời mưa đã đứt quãng vô vọng giữa mùa chao chát đói. Má Đẹt nhìn ba hắn lột lớp da sần sùi đen sì của con cóc mà rùng mình nổi da gà, mãi sau này luôn bịt tai lại mỗi khi thoáng nghe người ta rao ngoài đầu ngõ: “Ai thịt cóc đây, ai cóc làm ruốc đây!”.
Nết ăn nết ở trái ngược nhau, ba má Đẹt vẫn vin nhau sống qua ngày tháng. Nếu không có sự xuất hiện của bà Bòng, chắc mọi thứ cứ êm đềm trôi như con sông Ràng hiền hòa chảy ngang xã bao đời. Bà Bòng là kẻ mà lâu nay làng trên xóm dưới chẳng ai dám nhắc tới. Kể từ lúc bà bỏ nhà đu trai phố đi biệt xứ ngay trong đêm trước ngày đám cưới với ông Bốn Quèn theo sắp đặt của hai bên gia đình. Tiếng nhơ xào xạc trên cành lá bụi tre già đầu xã, người ta len lén chỉ trỏ sau lưng chớ im re tắt giọng khi thấy mặt ba của bà Bòng. Ông cấm, ai nhắc ông cầm rựa dí. Đứa con gái nuôi trầy nuôi trật mới đẹp gái nở nang nhất xã, ông coi như nó đã chết đường chết chợ. Miễn ông còn sống, con Bòng đừng hòng mò đầu bước chân về nhà. Bẵng đi mười mấy năm, cơn gió mùa cũ đã thôi xì xào, chuyện mới thay thế chuyện xưa, thì bà Bòng xách gói quay về.
Bữa đó, thôn dưới xã Xay Xát rền rĩ suốt ba ngày hai đêm. Thằng Đẹt mười hai tuổi theo đám choai choai thôn trên loi nhoi đi coi đám. Một chặp trống đánh thùng thùng kéo theo kèn rên ò e í e não ruột. Hương khói ngút trời. Đám ma ông thầy thuốc nam chữa bệnh mát tay nhất xã, người đưa tiễn xếp hàng chật ních từ nhà ra tới đầu đường. Chen giữa hàng người, bà Bòng rón rén ngả nón ngồi thụp trước cái hòm gỗ bịt kín. Nước mắt nhòe nhoẹt trên gương mặt nhiều nếp gấp sương gió dù chưa tròn bốn mươi. Cả trăm con mắt dán vào tấm lưng xương xẩu của bà Bòng, bụm miệng ráng nuốt xuống cổ họng câu cảm thán “cá không ăn muối cá ươn…”. Và họ lia tia nhìn chòng chọc sang Đẹt, kẻ chép miệng, người thở dài. Buổi tối trong bữa cơm, khi Đẹt ngu ngơ hỏi má về bà Bòng, đột nhiên ba hắn buông đũa bỏ ra ngoài mé hiên ngồi ngó sao rụng.
*
Hè thỏa sức nhả lửa xuống những cánh đồng ở Xay Xát, đất nứt toác từng mảng. Gió thổi mấy gò cát trắng tung bụi mù xám, thổi rát rạt da thịt, thổi khô ran lòng người. Thằng Đẹt nổi sảy đầy lưng, ngứa rần rần gãi xước da nên mặt luôn quạu đeo. Càng bực mình hơn khi hè gọi bọn ve sầu tới, kêu ran đinh tai nhức óc từ sớm sớm tới khuya lơ. Khác với đám trẻ con trong xóm thích bắt ve chơi, thằng Đẹt chỉ muốn đám côn trùng đó im miệng. Nhưng Đẹt không làm được, cũng như chẳng bịt nổi miệng thế gian đang râm ran chuyện ba Đẹt tằng tịu với bà Bòng. Tình cũ không rủ cũng tới, dễ má Đẹt mất chồng như chơi.
Có vẻ bà Bòng hợp với xứ này, mới về được bốn, năm tháng, da dẻ liền căng hồng, thân mình mập lên thấy rõ. Chưa kể, phía trước chắc mẩy bưởi, đằng sau tròn lẳn đào, thằng đàn ông góa vợ hay ế vợ nào mà chẳng thèm. Bốn Quèn nằm ngoài đám đó. Ông là chồng hụt, là con trai của người bạn thân nhất được ông thầy thuốc nam năm nào cứu sống. Nên dù ngược đường, Bốn Quèn vẫn chở cô Bòng về nhà giữa khuya khoắt trên chiếc xe đạp má Đẹt mua cho. Dù nhà bận đám giỗ, Bốn Quèn cũng sang giúp cô Bòng vun mấy luống đất tỉa đậu phụng. Mỗi chiều hè, ba Đẹt bận nhổ đám chó đẻ, cỏ cú, cỏ mần trầu giùm cô Bòng, đặng phơi khô bán cho tiệm thuốc nam, nên đâu còn thời gian ra ruộng bẫy cò bắn chim với Đẹt nữa. Và đôi khi bữa cơm tối chỉ còn hai má con Đẹt vì ông Bốn Quèn đang nhậu cùng bọn đàn ông ở nhà cô Bòng.
Từng hột sảy cắn Đẹt ngứa ran, càng cào cấu càng đỏ rát. Ba Đẹt bắt má hắn nấu nồi nước tắm với ngải cứu, kinh giới mà ông đem về từ vườn thuốc nam thôn dưới, nhưng Đẹt nhất quyết đem đổ. Đồ của bà ta cho, dù ba cầm roi dâu quất nát mông, hắn cũng chẳng thèm nhận. Trên lưng sảy mọc tràn lan, trong tim đá đè nghẹt thở. Đẹt ghét bà Bòng, ghét ba, ghét cả má nữa. Tại sao má cứ nhịn nhục, sao không kêu bọn đầu gấu chợ đi quánh ghen như mấy bà vợ khác trong xã. Má có biết khi hàng xóm can bà vợ kia đừng túm tóc xé áo bà Bòng, họ đã nói gì không? Họ biểu, các bà khỏi phải lo, ông Bốn Quèn mới là chồng hờ của bà Bòng, có ổng trấn cửa ở đó, ai dám mon men làm bậy chớ. Đẹt ấm ức lắm. Ba hết thương Đẹt rồi. Ba bỏ nhà mình đi làm chó giữ nhà người khác…
Đẹt đá thúng đụng nia chưa đã nư thì thôn trên truyền tin xuống thôn dưới, bà Bòng vừa đi trạm xá đẻ con. Bà Bòng tài thiệt, có bầu tám, chín tháng mà cái bụng nhỏ xí, hay cố nịt buộc lại để người ta không phát hiện. Từ ngày đẻ tính ngược lại thời điểm có chửa, vừa khít lúc quay về xã Xay Xát, vừa khít lúc gặp lại ông Bốn Quèn. Còn ai ngoài ổng nữa. Thằng Đẹt nay có em trai rồi hê, sướng hê. Đẹt bịt tai nhắm mắt nhắm mũi, nhưng không sao ngăn nổi những lời dao găm đâm thẳng vào tim. Đêm rớt ngoài đồng, Đẹt sè sẹ mở cửa cầm đèn pin chạy xé gió ù ra trạm xá len lén nhìn mặt thằng con hoang của ba, thấy nó vừa xấu vừa phiền, nằm khóc oằn oặt trong phòng như mấy đứa trẻ khác. Tới khi Đẹt lểu thểu quay về, giựt mình cái đụi bởi má đang chù hu ngay mé hiên mà trước đây ba thường ngồi nhậu. Trời tối thui tối mù, Đẹt vẫn nhìn rõ nước mắt đang dìm má tới ngộp thở.
*
Đẹt với tay kiếm nguồn phát tiếng chuông từ mớ điện thoại nằm lăn lóc trên giường, bộ dạng nhăn nhó bởi chưa ngủ đủ giấc. Mới năm giờ sáng, ông Bốn Quèn đã gọi. Chắc chiều qua lại nhậu với mấy ông già trong xóm. Đẹt như nghe được hơi rượu phả ra từ giọng nói.
- Mi khôn hồn đem tiền về liền đi. Còn trốn nữa ta sẽ bán nhà trả cho người ta.
- Ông bị điên à!
Đẹt hét lên rồi cúp máy trong cơn hậm hực, đá đè ngang ngực hệt như buổi tối cách đây hai chục năm. Hắn lại thấy má ngồi ở mé hiên chờ ba quay về trong sương khuya dằng dặc. Bà Bòng sanh đứa con đầu khi đã gần bốn chục tuổi, mất máu nhiều nên cơ thể yếu nhớt, cần người chăm sóc, trông nom. Ông Bốn Quèn là “người thân” duy nhất còn lại của bà ở xã Xay Xát. Tuyệt nhiên chưa từng thấy mặt thằng đàn ông người thành phố mà bà Bòng đu theo tới nỗi bỏ ba má, bỏ quê xứ, bỏ chồng sắp cưới. Đứa nhóc bà sanh ra là con của ông Bốn Quèn hay thằng đàn ông kia, đâu có quan trọng chi. Dù sự thật như nào thì Bốn Quèn đã chăm bà Bòng từ trạm xá về tới nhà suốt mấy tháng ở cữ.
Đẹt biết ba hắn không dọa cho vui. Bất kể chuyện gì liên quan bà Bòng, ông Bốn Quèn đều nhảy đông đổng lên như đụng ổ kiến lửa. Phải chi hồi Đẹt bị bọn cho vay tiền nóng dí sát đít đòi nợ, ông cũng sốt sắng vậy, thì có khi hắn không làm những chuyện bị ông cho là thất đức. Phải chi lúc má xảy ra chuyện, ông kịp thời ở nhà để ngăn chặn, hoặc rỏ giọt nước mắt xót thương. Chừng ấy năm qua, liệu ông có bao giờ ân hận chưa? Nay dám sờ tới căn nhà của má để lại cho Đẹt. Ông có phải là ba ruột của Đẹt không? Bà già kia quan trọng tới mức đó à. Trước đây, lúc nào ba Đẹt cũng viện cớ trả nợ cho nhà bà Bòng ơn cứu mạng ông nội, rồi biện minh rằng giúp đỡ bạn cũ. Đẹt nghe tới phát ói.
Thằng con bà Bòng càng lớn càng hao hao nét ông Bốn Quèn. Những cái nhìn tinh tường ở xã Xay Xát soi kỹ dáng mày, sống mũi, khoé môi, soi luôn nốt ruồi trên mặt. Là con rơi ông Bốn Quèn, chẳng trật xí nào. Đẹt ráng banh con mắt lên coi ngó cho rõ, ban đầu chỉ thấy “thằng em hờ” xấu đau xấu đớn, làm chi có nét nào giống ông Bốn Quèn hay hắn đâu. Nhưng tiếng gió lời chợ thổi ra bàn vào, riết nghi ngờ thiệt. Hình như, có vẻ như, mắt giống mắt, mũi giống mũi, miệng giống miệng. Và coi kìa, họ đi với nhau ra dáng một gia đình hơn khi ông Bốn Quèn ở với má con Đẹt. Bà Bòng cũng khoái mấy món chim trời, thú lạ mà ông Bốn Quèn hay nhắm rượu. Bà xào nấu xong dọn lên ngồi ăn ngon lành cùng ông và thằng con trai hay nhe răng cười nham nhở. Không như má, luôn bày ra bộ mặt kinh sợ, tội lỗi mỗi bữa ăn. Đáng lý má Đẹt đừng nên niệm kinh sám hối trước khi đi ngủ, mà phải đi kiếm bùa ngải kéo chồng quay về.
Niệm bao lời Phật, má vẫn không giữ nổi tâm mình bình an. Má treo cổ trong một đêm tối trời tại cái lều ông Bốn Quèn dựng giữa cánh đồng gió để bẫy chim cò. Bữa đó, như lệ thường, ba Đẹt đang ngồi nhậu ở nhà bà Bòng. Đẹt cứ tưởng má ngồi ngoài mé hiên chờ ba như bao khuya khác. Sáng ngày ra, hắn dựng đầu ba dậy sau cơn say mỏi nhừ, dáo dác tìm quanh, mới biết má đã đi mất rồi. Đẹt nhớ rõ mồn một khuôn mặt trắng bợt của má hắn vào buổi sáng mây mù đó. Vết hằn tím bầm tím sẫm nơi cổ má như dây thòng lọng treo trên đầu Đẹt suốt đời. Cơ thể má lạnh ngắt như ướp đá, cái lạnh lan sang bàn tay Đẹt, tới nay chưa hề ấm lại.
*
Cơn gió mùa nức nở thổi về cánh đồng Xay Xát heo hắt vắng lặng. Bà Bòng quỳ sụp xuống, nghe “bụp” một phát tưởng như đầu gối đập bể nền. Hai tay bà bấu chặt ống quần Đẹt, rồi bà ôm ghì lấy chân van lơn. Cô lạy con, con ghét bỏ chi, muốn trả thù chi cứ trút lên đầu cô. Làm ơn làm phước cho cô xin lại tiền. Không có số tiền nớ thì thằng Tuấn chết mất con ơi…
Tuấn là con trai bà Bòng, con rơi của ông Bốn Quèn, em hờ của Đẹt. Nếu năm đó Tuấn đừng xuất hiện, chắc hẳn má Đẹt vẫn còn sống. Tuấn luôn là cái gai trong mắt Đẹt, là cục đá đè ngực khó thở. Hàng trăm lần hắn xỉa xói, bao lời rủa xả tha hồ trút xuống, có ai ngờ lại thành sự thật. Đang học năm hai Cao đẳng, tự dưng Tuấn đau đầu quay cuồng. Bác sĩ chẩn đoán Tuấn bị u não, cần phẫu thuật gấp để tránh biến chứng nguy hiểm. Bữa Đẹt có tạt qua bệnh viện ngó thử, thấy Tuấn đang lên cơn ớn lạnh, người ngợm khô rạc, tóc rụng đầy giường. Bà Bòng có mỗi đứa con trai, tất nhiên không thể trơ mắt nhìn nó xảy ra chuyện được.
Đẹt đâu giữ chi tiền của bà Bòng. Mới hè năm ngoái, tự dưng vùng ven biển quê hắn lên cơn sốt đất, mấy chủ đầu tư trong Nam ngoài Bắc về tìm mua nhiều lắm. Những người giàu thường một bụng tính toán. Chỉ mấy chốc, xã Xay Xát sẽ mọc lên mấy nhà nghỉ, khách sạn, resort thu hút khách Tây khách ta tới tắm biển, nghỉ dưỡng. Đẹt làm “cò đất”, lý nào bỏ qua miếng bánh ngon vậy được. Chẳng phải bà Bòng sở hữu nguyên vườn thuốc nam do ba của bà để lại đó sao. Đẹt nhắm ngay chớ để yên thì kẻ khác cũng hốt liền. Bà Bòng đâu biết bốc thuốc chữa bệnh, chỉ có thể trồng mấy cây thảo dược đem bán cho tiệm thuốc, nhưng càng già càng nản. Bỗng nhiên trên trời rớt xuống mấy tỷ đồng, mảnh vườn khô cằn um tùm cỏ tưởng chừng vô dụng nay lại giúp bà đổi đời sang trang. Bà Bòng gật đầu cái rụp dù ông Bốn Quèn cản ngăn cỡ nào, tiếc rẻ ra sao. Bà quăng mồi lửa, vườn thuốc nam cháy phừng phừng, như muốn đốt hết quá khứ trói mình ở cái xứ phải chịu nhiều tai tiếng này.
Nhờ tiền hoa hồng thu được sau khi bán mảnh vườn cho bà Bòng, Đẹt xoay sở trả xong số nợ vay mượn bạn bè trong đợt dịch COVID-19. Dư ra một khoản kha khá, hắn đầu tư đi học một khóa lấy chứng chỉ môi giới bất động sản. Thời buổi làm ăn khó khăn, tới cái đứa đầu toàn sỏi như Đẹt cũng khó ngóc lên nổi. Phải kiếm đường khác ổn định hơn. Thay vì nhấp nhổm tự xoay một mình, hắn nhắm tới vị trí giám đốc trong một công ty bất động sản mới nổi ở phố. Hắn sẽ được bán những căn biệt thự mấy chục tỷ, những cánh rừng hàng trăm hecta. Biết đâu chui vào đó làm một thời gian, hắn sẽ học hỏi bỏ túi được thêm bí kíp.
Công ty giao cho Đẹt dự án đất nền khu dân cư đô thị mới. Theo cam kết, sau ba tháng gọi vốn, dự án sẽ hoàn thành hạ tầng, nửa năm giao nền và một năm sau có sổ. Người tới nườm nượp, cả “chim mồi” mà công ty gài vào lẫn khách có nhu cầu mua. Thật thật giả giả, kẻ cọc mười phần trăm, người tranh suất bằng năm mươi phần trăm hợp đồng. Đẹt lờ mờ đánh hơi thấy mùi gian dối xung quanh dự án của công ty, nhưng tiền hoa hồng nhét ngập mồm khiến hắn lờ lớ lơ mọi thứ. Đời mình còn lo chưa xong, rỗi hơi đâu lo chuyện thiên hạ. Hắn về xã Xay Xát, tìm mấy chủ vườn cũ vừa bán đất ven biển, nắm trong tay bạc tỷ. Hắn bôi mật lên miệng, dụ bà Bòng vào tròng. Tin tưởng Đẹt lần trước đã giúp kiếm được mối ngon, đợt này bà Bòng chốt luôn chín mươi phần trăm giá trị lô đất, hớn hở nghĩ tới viễn cảnh thoát khỏi xã Xay Xát, trở thành công dân thành phố.
Đùng một cái, thằng Tuấn con trai bà Bòng phát bệnh, cần tiền chữa trị gấp. Dù bà năn nỉ lạy lục Đẹt bao nhiêu, hắn làm chi giải quyết được. Bút sa gà chết, hợp đồng ký xong, tiền đã chuyển, người ta nuốt trộng chớ dễ gì nhả ra. Bà Bòng đi đòi sổ, chỉ cần lấy được đất đem bán lại thì cũng gom được tiền. Mới biết, mọi thứ chỉ nằm trên giấy tờ, dự án là ảo, không lô đất nào có giá trị pháp lý cả. Bữa đó, công ty chật ních người khóc lóc rên rỉ, đập phá chửi rủa. Đầu sỏ bỏ chạy, người ta chỉ biết nắm đầu đòi nợ Đẹt - cái đứa trung gian tiếp tay cho kẻ ác.
*
Bà Bòng tự tử. Nhưng bà ta còn sống. Má Đẹt thì chết rồi. Trong cơn chấp chới mê sảng mỗi đêm, Đẹt luôn thấy khuôn mặt trắng bợt của má. Người má lạnh tím tái. Má treo Đẹt lên sợi dây thừng trong cái lều ba hắn dựng trên cánh đồng để bẫy chim, cò. Giựt mình sực tỉnh, hắn liền bật điện sờ cổ, coi thử có vết hằn bầm tím nào không. Từ ngày má mất, hắn lao vào đá gà, rồi thua độ bị bọn cho vay nặng lãi đập một trận tơi tả. Tình cờ bán giùm anh họ nửa mảnh vườn được cho mớ tiền, đang lúc sốt đất nên hắn nhảy sang làm cò luôn. Chỉ vài ba năm đã trả xong nợ, tiền bạc che mờ mắt, hắn đã lừa biết bao nhiêu người. Phải chăng hắn lạc đường từ đoạn đó, dù vốn dĩ hắn là kẻ rành mọi đường sâu ngõ hẹp ở xã Xay Xát. Ngay cả trăm ngàn ngã rẽ trên thành phố mà hắn còn nắm trong lòng bàn tay.
Không! Hắn chẳng làm chi sai. Mọi lỗi lầm là do ông Bốn Quèn, do ả nhơn ngãi ở thôn dưới và thằng con hoang của hai người.
Chạp trút mưa ngập đồng Xay Xát, Đẹt chạy từ quê ra phố ướt nhèm nhẹp. Ngày thường chỉ cần hai giờ đồng hồ đã tới nơi, nay gió thổi mạnh đường trơn nước, hắn rề rà mất ba tiếng mới vào được trung tâm thành phố. Hắn ngồi co ro ở hàng ghế chờ suốt buổi. Kệ xác mưa, kệ thây lạnh, lòng hắn còn đóng băng nữa da thịt. Bán nhà thì bán nhà, Đẹt đâu thiết tha chi nữa. Có lẽ ba hắn đã chết vào năm hắn mười hai tuổi, ngay bữa mà xã Xay Xát rền rĩ đưa tang ông thầy thuốc nam. Hoặc là ông chết trong đêm hắn nín thở chạy băng sương lướt qua mấy con ma tưởng tượng để tới trạm xá nhìn mặt thằng em hờ. Hoặc có thể ông chết vào khuya say rượu ngoắt ngoẻo mặc kệ má treo sợi dây lên xà ngang của cái lều lộng gió giữa đồng. Ba Đẹt đã chết trăm, ngàn lần trong đầu hắn như thế. Hắn không nợ nần chi bọn họ hết. Nhưng có một điều hắn phải xác nhận cho rõ ràng.
Đẹt cầm tờ phiếu kết quả xét nghiệm, cười ha hả như lên cơn điên trong sự ái ngại của bao người ở bệnh viện, ứa nước mắt nhìn trân trân vào dòng chữ in đậm ở cuối. Từ đâu đó xa xa vọng lại, một con chim tu hú cất tiếng kêu nghe xao xác cả trời chiều.