Đàn chim cuối chân trời

Thứ Ba, 13/02/2024, 11:12

Câu chuyện được kể bắt đầu vào buổi trưa một ngày cuối năm, ở "Đăng Đàn quán". Cứ theo lệ như các năm thì lúc này đã gần hết mùa đông nhưng trong quán, mấy cái quạt trần vẫn thi nhau chạy vù vù. Ngoài cửa, chỗ chiếc bàn chắn ngang lối vào, vợ chồng Đăng Đàn và Minh Cò ngồi nín thở, nhìn chằm chằm vào tờ giấy có dấu đỏ kèm chữ kí đặt trên mặt bàn, bốn góc chèn bốn cái chén tống.

Một lúc sau, Đàn ngẩng lên trước, nghi ngờ hỏi thật hả? Đăng hớn hở: "Lại chả thật!", rồi quay sang giục: "Cò! Đọc lại cho chị cậu nghe! To, rõ ràng vào!".

Minh Cò đứng thẳng, hai tay giơ giấy lên trước mặt, dọn giọng mấy tiếng, đang định đọc thì chợt nhớ ra, chạy về phía giàn loa đài tăng âm để khách hát Karaoke góc quán, vơ lấy cái mic bảo để em làm hẳn quả này cho cả làng cùng biết, không lại bảo mình ấm ớ vớ huy chương: "Cộng hoà xã hội… Ủy ban nhân dân huyện… Giấy mời… Kính gửi ông Đoàn Xuân Đăng, chức vụ phụ trách văn hóa xã… đúng 7h30 phút, ngày… tháng… năm…, đến tại hội trường Ủy ban nhân dân huyện… để dự lễ tổng kết và trao thưởng cho các tổ chức và cá nhân có thành tích nổi bật trong phong trào xã hội hóa truyền thông…". Đến đây thì loa tắt.

untitled-1.jpg -0
Minh họa: Lê Trí Dũng

Cả làng Cồn Rạng trở về vẻ yên tĩnh trọng thể rất không bình thường của một buổi trưa tháng cuối năm. Cái yên tĩnh này vốn có nguyên nhân của nó, xin phép được nói sau. Bây giờ chúng ta quay trở về chủ đề chính: ba người và cái giấy mời.

Minh Cò đứng, vừa nói vừa vung tay chỉ đạo. Đăng Đàn ngồi, chăm chú nghe, nhất nhất gật, thi thoảng giơ tay xin phát biểu. Đến quá trưa hội thảo mới kết thúc. Minh Cò xách tích nước, ngửa cổ tu mấy hơi, nhìn hai người trước mặt, hất hàm hỏi kế hoạch ấy được chưa? Đăng gật bảo được quá ấy chứ, bài bản, bước nào ra bước ấy. Đàn hãnh diện bảo cậu Cò nhà mình trình độ đại học có khác, tính toán kinh dị như thần. Nhưng đầu tiên như nào ấy nhỉ? Nghe đến cuối quên mất cả đầu… Minh Cò đang ngửa cổ ngắm bốn xung quanh tường quán, nghe hỏi đến câu thứ hai, cáu quá, gắt, đứa nào hát chịu, uống nợ thì một xu bà cũng không quên đâu… Bước một là "truyền thông". Bà yên đấy! Để tôi vào, nó mới khách quan.

*

Thế là ngay buổi tối hôm ấy, tại "Trạm phát thanh lão Thiểm", Minh Cò đứng trực sẵn ngoài cửa buồng phát sóng, sốt ruột nhìn lão Thiểm soi gương, chỉnh tóc, áo áo, quần quần chuẩn bị cho bản tin tối, phát đúng giờ vàng.

Đến chỗ này, người kể cũng xin nói rõ, "Trạm phát thanh" là sáng kiến của Đăng từ khi được giao phụ trách văn hóa xã, cũng là nguyên nhân dẫn đến cái giấy mời đã nói ở trên. Quyết Tiến có bốn làng, sáng kiến của Đăng là mỗi làng đặt một trạm phát sóng, phụ trách một mảng, phát những khung giờ khác nhau. Xã này vốn là vùng ven sông, địa thế rộng nhưng dân tình cũng không phân tán, chỉ mỗi Cồn Rạng - chỗ các nhân vật của chúng ta đang ở bây giờ - là tách biệt, cách rách sông đò.

Đa số dân Cồn Rạng truyền đời sống bằng nghề đánh bắt. Trẻ con trước kia đi học cũng chỉ cốt nhận mặt số để đọc mệnh giá tiền. Sau này, khi có cây cầu phao nối Cồn Rạng với bờ vui thì việc học tiến thêm một bước là lấy bằng tốt nghiệp cấp hai để đủ điều kiện đi tuyển công ty ngoài huyện. Nói như thế để thấy rằng, việc Đăng tốt nghiệp trung cấp văn hóa và em vợ Đăng là Minh Cò - đang theo dở Viện Đại học Mở trên tỉnh - trở thành hai sự kiện lớn, dẫu chưa đến mức "chấn động địa cầu" nhưng cũng đủ lừng lẫy bốn bề xóm làng.

"Danh tiếng vụ này còn nổi hơn phao ấy chứ! Nói cậu biết, thời buổi bây giờ học hành vớ vẩn, bằng cấp nhiễu nhương, chứ ngày xưa mà có giấy trên về thế này là đón rước kinh lắm, không kiểu cấp sắc thì cũng bái tổ vinh quy… Mà vài hôm nữa, anh Đăng lên huyện, cái chức ở xã này lại truyền cho anh chứ cho ai. Thế thì cứ phải gọi là danh gia vọng tộc… Lão kia thật là có số mà không biết hưởng, cứ thích đi vầy bùn…".

Lão Thiểm nói xong câu này thì cũng soi gương xong, quay sang: "Alo, đây là Đài phát thanh Quyết Chiến. Bản tin văn hóa đặc biệt của chúng tôi xin phép được bắt đầu. Thưa bà con "Chiều nay tin đến bất ngờ. Cồn Rạng muốn mở hội thơ chào mừng. Lòng người ai cũng rưng rưng. Khi nghe ngoài huyện tưng bừng cờ hoa. Giấy mời gửi đích xã ta. Tuyên dương khen thưởng, đài loa đón chào. Anh Đăng văn hóa tài cao. Làm cán bộ xã đi vào lòng dân. Trăm năm mới có một lần. Xin kính báo để nhân dân biết cùng…".

Sau đây, đài chúng tôi xin được nhắc lại bằng văn xuôi. Tức là trên huyện có gửi giấy mời xã nhà và anh Đoàn Xuân Đăng, chồng cô Đàn, con ông Sò, hiện đang ngụ tại Cồn Rạng ta, sáng ngày kia ra huyện dự lễ tuyên dương khen thưởng. Dự đoán, đại lễ sẽ diễn ra buổi sáng nên đầu giờ chiều, mời bà con ra bến đón đoàn lĩnh thưởng trở về. Xin lưu ý, lễ đón không ở đầu cầu mà ở bến Cồn Rạng vì anh Đăng đi đường cầu, về đường đò, mục đích để tri ân dòng sông quê, bến đò ngang và những người ngày xưa chở anh qua sông đi học rồi có được công danh ngày nay…".

Lão Thiểm kết thúc bản tin quay sang Minh, bảo thế được chưa? Minh Cò gật lia lịa, thán phục ra mặt bảo bài thơ của bác ngang thần thánh. Người được khen hãnh diện bảo ngày xưa thầy tôi mà cho tôi đi học như bè bạn năm châu thì tôi cũng chức vụ như anh Đăng, kém gì… Mà anh bảo mai đọc lại lần nữa y này hử? Cái này phải mấy lần ấy chứ. Nhưng y thế nào được. Phải thay từ "ngày kia" bằng "ngày mai"…

Nói rồi hai bên chào nhau. Minh Cò bảo thế bác cứ quản khâu truyền thông hộ cháu nhá. Giờ cháu về chuẩn bị. Ngày kia nhanh lắm, đùa đâu…

*

Thế rồi hai hôm sau, vào lúc xế chiều, ở bến sông Cồn Rạng.

Trên mặt đê, lù lù một đống những trống phách, loa cờ.

Dưới chân đê, lố nhố một đoàn, kẻ đứng, người ngồi, ngóng sang bờ bên kia. Đàn nhấp nhổm bảo sao lâu thế nhỉ, bảo quá trưa là về cơ mà? La cà quen thói. Lão Thiểm nãy giờ vẫn nằm vắt chân trên mặt cỏ, thư thái bảo cứ bình tĩnh! Bây giờ chú ấy nổi tiếng, báo đài người ta còn xếp hàng phỏng vấn chứ có phải thường. Nhà cô đừng có rộn lên, chú ấy sốt ruột, trả lời nhầm là chết…

Đàn im bặt. Chui đầu vào sau cái dải tua xanh đỏ của lá cờ thần, tránh cái nắng xiên chéo cuối đông mà rát như hè. Một lúc sau, nhổm phắt dậy, hớn hở vừa chạy xuống bến vừa reo kia rồi, kia rồi các ông các bà ơi!

Từ bên này sông nhìn rõ bóng hai người bên kia vừa xuống đò, mang vác những gì, lỉnh kỉnh mà nghe chừng nặng lắm…

*

Hai người đó chính là Đăng và Minh Cò.

Cái đống lỉnh kỉnh nặng ấy là một lũ bao dứa, trong đựng đầy khung ảnh. Trên tay Đăng còn khư khư ôm cái giấy khen lồng trong khung nhựa mạ vàng, dưới nắng trông càng lấp lánh tợn. Minh Cò ngắm nghía, gật gù bảo đúng rồi, anh cầm đúng chiều này thì nó không bị ngược. Ừ, cứ đứng y thế. Trông oách cực! Rồi mở đống bao, nhòm vào, chừng đắc ý, bảo tuyền ảnh đẹp anh ạ. Em dặn thằng thợ ảnh cứ chụp nhiều vào, canh các góc chết ấy, nghĩa là chụp cái nào chết cái ấy đấy, mình rửa ra mỗi kiểu vài cái, sau này treo ở nhà, ở quán hay chỗ nào tuỳ ý. Đời người mấy nỗi… Đăng cũng gật gật, hạ giọng kiểu tâm sự, bảo nói thật, lúc sáng đi tôi cứ có cảm giác bâng khuâng, kiểu như tráng sĩ lên đường ra trận ấy! Minh Cò phản đối, bảo tráng sĩ ngày xưa đi có mấy ai về, anh kiểu thế làm sao được? Phải như này!

Rồi đứng lên phía mũi thuyền, giơ hai tay hướng sang bờ: "Gió hiu hiu hề. Nước Cồn Rạng mát ghê. Anh Đăng sáng đi chiều lại về…".

Tiếng trống, tiếng hô phía bên kia ngày một rõ.

Cờ giương, khẩu hiệu cũng đã đọc được. Chữ đỏ trên nền vàng: "Anh Đăng ơi, phút giây này. Cả làng Cồn Rạng ở đây đón chào!".

Đăng càng xúc động tợn, rớm rớm nước mắt. Rồi sực nhớ ra, lấy tay chùi khô, bảo Minh Cò, giọng vẫn nghèn nghẹn: "Suýt quên, anh Toản bên truyền thanh huyện mấy hôm nữa về đấy. Có khi tôi được làm cái phóng sự. Cậu thiết kế cho tôi cuộc đón tiếp này cái. Khâu  tổ chức cứ cờ hoa biểu ngữ như kia cho hoành tráng…". Minh Cò trầm ngâm bảo kiểu phóng sự làm cập rập thế là phát luôn Tết này đấy…. Sau phen lên tivi này anh có khi sang huyện chứ đùa. Làm cán bộ phải to thế mới thích… Rồi ngẫm nghĩ, bảo dân phố về Cồn phải thấy được những đặc trưng của Cồn. Để em lập kế hoạch rồi cứ thế vận hành…

*

Kế hoạch đón đoàn phóng sự đã lập, đã vận hành, nhưng trơn tru hay không mới biết "muôn sự tại giời". Phần sau của câu chuyện này có liên quan đến cái yên tĩnh trọng thể được người viết nhắc đến vào buổi trưa hôm nhận giấy mời và người "có số không biết hưởng, cứ thích đi vầy bùn" mà lão Thiểm nhắc đến hôm nào…

Buổi tối hôm ấy, vẫn ở "Đăng Đàn quán", mấy cái bàn ăn được xếp lại gần nhau, bên trên bày la liệt khung ảnh, Minh Cò đứng trên thang tre, ướm lên ướm xuống, hỏi thế này được chưa? Đàn đang giữ thang, ghé đầu nhòm qua chân Cò rồi quay ra hỏi Đăng chuẩn đúng giữa cửa chiếu vào chưa? Đăng gật, nhưng có ý băn khoăn, bảo chỗ đấy là cái giấy khen, bên phải là ảnh trao thưởng, còn bên trái là cái gì cho nó liền mạch mà ý nghĩa nhỉ?

Minh Cò bảo hay ta treo cái giấy mời?

Không thấy trả lời, quay nhìn thì thấy Đăng đang đứng ngẫn ra. Rồi sực nhớ gì đó, chạy về phía tủ lạnh lấy trong ngăn đá một cái chìa khóa, huỳnh huỵch lên nhà trên, mở tủ quần áo, lục từ đáy lên mặt mấy lượt, cuối cùng thất vọng, kêu ầm lên rõ ràng là để đây mà, đâu mất rồi không biết? Đàn cũng hốt hoảng nhao vào lục thêm lượt nữa, hỏi mất cái gì? Tiền hở? Có nhiều không? Mà của nả riêng tây kinh nhỉ, giấu trong tủ quần áo mới tài! Đăng cáu, bảo của gì, là cái giấy chứng nhận gia đình văn hóa. Cái bằng ấy tao nhớ nhà mình được cấp đợt đầu tiên ở xã này. Giờ treo lên, vừa thể hiện sự kế tiếp truyền thống gia đình, vừa để xa gần khách khứa biết nhà mình có văn hóa… Rõ ràng ngày xưa tao nhớ để ở đây mà. Giờ tự nhiên mất, thế có giết người không… Nhà này như kiểu có ma ấy…

Đăng vừa dứt lời, ngoài cửa có tiếng lộc cộc, rồi một cái đầu thò từ ngoài vùng tối vào khoảng sáng đèn. Đàn giật mình, kêu ầm lên úi bu, con trông cứ y ma. Sau chữa lại bảo quên, ma mà được như bu thì đã phúc. Bu đi đâu?

Người được hỏi chính là mụ Sò, mẹ chồng Đàn. Mụ bảo có việc mới phải đi đêm chứ tao giờ mắt lợn mắt quạ, ban ngày không cẩn thận còn ngã chổng vó nữa là nhập nhoạng như này. Đăng hớn hở reo, bảo may quá, bu cầm hở? Biết ngay mà… Đâu, bỏ con xin, treo luôn cho nóng. Mụ Sò ngạc nhiên bảo xin cho, treo buộc cái gì? Cái gia đình văn hóa hử? Ừ, ngày xưa tao nhớ có, nhưng lâu lắm rồi… Từ ngày thầy mày còn ở nhà cơ… Mà tiện nhắc đến thầy mày thì nói luôn, tao ra đây là để bảo chuyện ấy. Tết nhất đến nơi rồi…

Đăng đang lúi húi giũ từng cái áo, ý chừng xét xem thứ mình cần tìm có lẫn trong ấy không, nghe mụ Sò nói thế thì cáu lắm, quát tướng lên bảo kệ, nhà có không ở, ra ngoài bãi cắm sào ở với muỗi, thích thì chiều, ai hơi đâu mà nói cho nhọc. Tôi còn bao việc. Còn chuẩn bị cho phóng sự nhân rộng điển hình văn hóa chứ đùa. Muốn thì bu tự mà đi, tôi không rảnh…

*

Người được hai bu con nhắc đến ở đây chính là lão Sò, bố đẻ của Đăng. Từ ngày thầu được gần mẫu nửa ruộng nửa bãi vốn bỏ hoang của xã, lão ở liệt vị ngoài ấy, thi thoảng mới nhảo về. Hai thầy con cách nhau có quãng đường với mấy cái đầm cỏ lác mà suốt từ đầu thu đến cuối đông chưa gặp. Hôm đón giấy khen của huyện, trống giong cờ mở đến thế mà lão cũng biệt tăm. Đàn bảo cóc chết ba năm quay đầu về núi, khéo thầy anh gở bệnh già, ngày xưa bị đẻ rơi ở đầm nên giờ về chốn cũ. Đăng gật lại chả thế, lẫn từ hồi bỏ hết tiền dành dụm ra thầu cái quãng đồng chua nước lợ, có nuôi cỏ trâu nó cũng không thèm ăn. Mà người ta còn đồn giờ đang quay sang trồng tre mới lại quai đê chắn sóng cơ… Thật chẳng được cái tang dạng gì… Đàn bảo công nhận, chả nhờ được cái gì mà còn báo con báo cháu ấy chứ. Đợt này anh mà lên làm cán bộ huyện thì phải bắt về, không cho ở ngoài ấy nữa. Mang tiếng ra…

*

Ý của Đăng trước sau như một, vẫn là theo kế hoạch, mặc kệ lão Sò, cứ chờ đón xong đoàn phóng sự đâu đấy rồi mới ra xem tình hình như nào. Thế mà không ngờ hai thầy con lại suýt gặp nhau, sớm hơn dự tính.

Hôm ấy là buổi sáng, trước cái hôm đoàn về. Ở chỗ bãi soi nhô lên giữa đầm nước rộng, cách chân ruộng thầu của lão Sò non cây số, Đăng và Cò ngồi chầu hẫu trong đám cỏ cú cao lút đầu, nhìn chằm chằm ra cồn đất. Chỗ ấy đã cắm dăm cây sào, giăng mặt lưới cao ngang đầu người, kéo ra tận ngoài mép sóng. Đăng thì thào bảo bẫy chỗ này chuẩn nhất đấy, bọn tu huýt về ăn mồi chỉ cần giật ụp xuống là hàng trăm con. Minh Cò cãi trăm thế nào, ngày trước, có mẻ em được vài trăm ấy chứ. Em đã bảo rồi, dân phố về cồn thì phải đãi đặc sản. Mà đặc sản Cồn Rạng mình còn gì hơn chim trời. Đăng hớn hở gật thì thế, các anh ấy bảo chỉ thích món chim nướng mọi. Đúng nghề anh em mình nhá! Phen này chỉ cần ụp một cái là nướng nhòe.

Đăng nói thế là bởi vì trước giờ, cứ tầm tháng 12, những đàn chim trời lại từ các đảo xa ngoài sông Sặt bay về, dựa vào Cồn Rạng với đầm bãi tre pheo và cánh đồng trơ gốc rạ sau mùa gặt để tránh rét. Người Cồn Rạng vì thế cũng có nhiều người bẫy chim thành nghề. Một vụ chim là rủng rỉnh tiêu xuyên Tết đến tàn giêng chưa hết.

Hai người đang ngồi chúi trong đám cỏ kia cũng trưởng thành từ phong trào ấy. Đăng bảo cái giống chim nào cũng thế, nhưng nhất là bọn se sẻ với lũ tu huýt, cứ vặt lông sống xong xiên que, đem nướng mọi, chấm muối ớt thì thịt cứ ngọt như đòng đòng, xơi liền lúc được vài chục con ấy chứ. Mình chuẩn bị khâu tiếp đón, lễ nghi, phong bì bồi dưỡng chu đáo rồi, nhưng nó là cái thủ tục chung, ai cũng như ai, nhạt nhòa lắm. May cậu nghĩ ra món này, vừa hay các anh ấy cũng thích. Mai ta xong đâu đấy thì lên thuyền, vừa giong ruổi vừa nướng chim ăn, lại chả ấn tượng, bản sắc quá! Nhưng quái lạ, sao mãi mà vẫn chẳng thấy con nào nhỉ? Cứ im thin thít thế nhỉ?

Minh Cò thò hẳn đầu ra ngoài đám cỏ, ngó nghiêng một hồi, bảo đúng thế, mấy nay chỉ thấy tiếng không thấy hình em đã nghi nghi. Tầm này mọi năm chim về rợp trời cơ mà. Đăng cãi rợp thì điêu quá, không nhiều đâu, mỗi năm một ít đi thì chuẩn. Năm ngoái bẫy của tôi chỉ đủ ăn thôi, có bán được mấy đâu… Để chờ thêm tí nữa…

Hai cái đầu lại thụt vào đống cỏ.

Cái im lặng trọng thể lại trở về với Cồn Rạng, y như cái im lặng cảm nhận được ở "Đăng Đàn Quán" buổi trưa hôm Đăng nhận được giấy mời.

Rất lâu sau, Minh Cò lấy khuỷu tay huých huých, quay sang Đăng, hất hất đầu. Đăng mắt sáng rực, hơi chồm dậy gật gật, bảo đúng rồi, phía ấy! Hình như có tiếng chim đàn!

Phía ấy, như lời Đăng nói, là phía đầm lão Sò (chỗ này, như đã nói, nửa đầm nửa ruộng nên từ giờ ta cứ gọn lại là đầm) có đám tre đang trổ ngọn vươn lên như những chiếc cần câu khổng lồ buông câu vào nền trời cuối năm đùng đục mây. Minh Cò bảo thảo nào, hóa ra chúng nó dồn hết về đấy! Hóa ra thầy anh âm mưu phết, đấu thầu cả cái cánh nửa đầm nửa ruộng mà rẻ như bèo ấy là để độc quyền chim. Bộn tiền đấy! Anh sướng nhá! Thật là làm giàu không khó mà! Đăng gật, ừ nhỉ, có lí! Nhẽ thế thật! Cò hớn hở đứng phắt dậy bảo thế bẫy làm gì, ra đấy mà xin cho sớm chợ. Đăng gạt đi, bảo tính tôi là tự lực cánh sinh đi bằng chân của mình đã. Vũ khí đây rồi, gọi vài hơi là chụp hàng đàn, nhờ vả nó yếu người đi. Rồi rút trong túi áo cái ống cao su, cấu cái lá cỏ, gấp gọn, đút vào lỗ nhỏ cuối ống. Tiếng kèn gọi chim vang lên. Tiếng ri đá. Rồi tiếng sẻ đồng…

Những âm thanh rộn rã nhưng đơn độc.

Đàn chim vẫn không về. Chỉ nghe thấy từ đầm lão Sò văng vẳng tiếng kèn chim vọng lại. Người thường không phân biệt được, nhưng có nghề như Đăng thì nhận ra ngay. Cái giọng chim cần thanh có thanh, muốn đục thành đục, lúc khắc khoải, cô đơn, lúc náo nức gọi bầy ấy cả Cồn Vành, giả được, chỉ có duy nhất lão Sò.

Và quan trọng hơn là khi lão đã cất tiếng thì khắp vùng này chỉ còn duy nhất tiếng kèn chim của lão là thật. Bọn chim sẽ phân biệt được, không bao giờ bị lừa bởi tiếng kèn của bất cứ ai.  

"Kiểu gì ấy nhỉ?".

Đăng chui khỏi cỏ, ra ngoài bãi, vẻ băn khoăn tợn, hỏi Minh Cò. Cò bảo em cũng không biết kiểu gì nhưng bác Sò đương thổi kèn chim đấy anh ạ! Anh bảo thổi làm gì hử? Để bẫy chim chứ còn gì! Tiền từ sông bay vào, từ trên trời rơi xuống chứ ở đâu. Mình ra xem thử. Tiện xin vài lưới về, mai đãi khách luôn.

*

Thế là Đăng trước, Cò sau, nối hàng một hướng về phía đầm Sò. Đăng bảo ơ buồn cười thế, tự dưng ruộng biến thành đầm rồi này!

Đúng là chỉ ngót nửa năm mải công kia việc nọ trong công cuộc phục hưng và truyền bá văn hóa cho xã nhà, Đăng nhãng đi, đầm không ra, người không gặp mà lão Sò đã biến ruộng thành đầm thật. Đất vật lên thành bờ. Tre giâm đây bụi, kia cụm. Đôi mầm măng đã bật hết lần áo bẹ, trổ nhánh, giữa cái ruộng nước lợ ngày xưa vốn mọc toàn có lác, trông lạ mắt vô cùng. Nhưng cái sự lạ nhất là tấm biển, to bằng cái chiếu đơn, chữ nào ra chữ ấy: Đầm Sò (Mặt nước chuyển đổi - Trồng cây gây chim). Đất có chủ sở hữu. Thời hạn đến năm… Cấm xâm phạm!

"Kiểu này không biết là kiểu gì?".

Đăng thuỗn mặt ra, đọc đi đọc lại tấm biển mấy lần. Minh Cò bảo bây giờ chỉ có đi hỏi thầy anh. Trồng cây thì em biết rồi, nhưng sao "gây chim" mà không thấy con nào sất? Đăng bảo chẳng thấy người đâu cả. Minh Cò ngỏng cổ, nhìn mãi rồi reo ầm lên kia kìa, bác ấy tận ngoài kia kìa! Bác Sò ơi!

Đăng cũng gọi theo "Thầy ơi!" ầm ĩ. Nhưng lão Sò không nghe thấy, cứ lúi húi làm cái gì đó, tận cuối đầm. Tiếng chim tu huýt cũng từ đấy vọng về - là tiếng con tu huýt lẻ đôi, khắc khoải. Minh Cò bảo hay anh lội ra xem thử. Đăng thò chân xuống rồi lại rụt lên ngay, bảo thôi, trông thế này chứ đầy đỉa đấy. Mà kiểu này moi đâu ra chim. Lội phí công. Giờ có khi về, đi tìm bọn bắt chim phóng sinh. Mai xong việc rồi tính tiếp… Người nghe gật đầu bảo thế phải đi ngay, phải đặt trước cho chúng nó gom chứ hàng này không sẵn… Mà anh có biết thầy anh làm gì mà cứ tu huýt, tu huýt mãi không?

Tất nhiên là Đăng không biết.

Còn người trả lời được câu này là lão Sò thì lại không nghe thấy, vẫn vừa miệt mài thổi từng khúc kèn chim vừa cẩn trọng xúc từng xẻng đất trong lòng thuyền nan ấp vào cái mầm măng vừa bén chân cuối bãi, thi thoảng lại ngẩng lên, hóng về phía chân trời, chờ tiếng vỗ cánh của đàn chim năm cũ trở về tránh rét - những âm thanh mơ hồ nghe như tiếng mưa xa…

Truyện ngắn của Nguyễn Hải Yến
.
.