Con mèo

Thứ Sáu, 22/10/2021, 09:55

Một sáng tỉnh dậy, tôi nảy ra ý định kì lạ là xem lại hình ảnh của camera phía trước nhà và chợt giật mình: trên màn hình hiện ra một bóng đen thấp thoáng, mờ như âm bản của phim vừa lẩn vào trong đêm. Thực ra, chuyện đạo chích ở các khu dân cư chẳng có gì lạ. Chúng mon men cắt khóa, leo tường để trộm vặt hoặc nhòm ngó phía trong. Có điều, hình dáng ấy gầy ngêu ngao, tóc tai bờm xơm y hệt dáng con mèo hoang hôm nọ. Tôi cảm thấy lạnh sống lưng khi để ý dưới cánh cửa, những giọt máu đã khô và thâm lại.

Một đêm về muộn, trời oi nồng và âm u huyễn hoặc, tôi ra khoảng đất trống phía sau nhà. Cả khu đô thị mới này vẫn còn một khu đất trống hình như “nặng vía” nên thế đất đẹp mà không ai mua. Tôi có cái thú rất “hoang dại” là đêm về muộn thường ra đó đi tiểu. Bữa nay vừa tận hưởng cái hứng ấy thì bỗng nhiên nghe thấy tiếng một con mèo kêu, tiếng kêu rất nhỏ rờn rợn. Quái lạ, ở những khu nhà bỏ hoang, chuyện mèo, chuột, rắn, rết trú ngụ thì chẳng có gì lạ, nhưng ở khu dân cư đèn điện sáng trưng này một con mèo ở đâu ra nhỉ? Biết thế đã. Tôi quay vào nhà, tôi còn một cái đầu cá định nấu canh chua, tôi ném vào bóng tối. Bóng tối vọng lại những tiếng nhá xương “ngoao ngoao” của loại thú ăn thịt yếu đuối. Không khéo một ngày, đến mèo hoang cũng tuyệt chủng…

Bẵng đi vài tuần, tôi lu bu với việc đi công tác, tìm kiếm được hợp đồng, rồi trở về khao chúng bạn. Hết say lại tỉnh, rồi tôi lại lao vào thử thách mới trong công việc. Ngôi nhà của tôi vẫn chưa phai mùi sơn, tất cả không gian còn thơm phức như một nàng trinh nữ khiến tôi thấy nhàm chán. Thế nên, những đêm khó ngủ tôi lại lượn ra ô đất trống ấy, hóng gió trời và đi tiểu một bãi vụng trộm. Ở phía đối diện là “khu đất vàng” với hàng quán đông đúc phía xa kia nào có ai biết được một thằng tôi đang tồng ngồng “tối cổ”, một thằng tôi ngu ngơ hừng hực với đêm đen.

z2864086549971_99df4094d59cbe1d60d996fe03ad393f.jpg -0
Minh họa: Tô Chiêm

Bỗng, một cơn mưa rào ập xuống khiến tôi dẫu co chân chạy vẫn ướt sũng. Người ta bảo ở khu vực này gần với sông nên mưa rất nhanh và cũng mau tạnh. Vừa chốt xong cánh cổng sắt quay vào thì ngay lập tức trên nền đá trắng, hiện ra trước mắt tôi một con mèo mướp đang liếm láp bộ lông xù xì của nó, nhìn nó hệt như con sâu róm lông lá, gầy nhom cuối mùa. Nhìn vào đôi mắt của nó, tôi hiểu suốt những ngày qua, nó đã phải đối mặt với kẻ thù tứ phía, đôi mắt của kẻ không có ai là bạn trên đời. Đôi mắt ấy đâu chỉ đói thức ăn, đâu chỉ khát nước, chịu rét mướt mà đói cả… niềm tin.

Trước những kẻ phiêu dạt như thế, tôi hết sức cảnh giác. Trước hết, chúng cần trấn tĩnh từ cái dạ dày, tôi mở tủ cầm một cái đùi gà còn lại trong ngăn mát ném ra xa. Con mèo không đắn đo gì, cái bụng rỗng chắc đã ra lệnh cho nó đừng nghe theo não. Nó lao đến cái đùi gà phía ngoài sân. Chỉ chờ có thế, tôi đóng sập cửa kính, kết thúc cuộc giao tiếp với kẻ hoang dã trong sự hoà bình. Tôi tắt điện và đi nằm. “Một con mèo chỉ là một con mèo”, tôi lẩm bẩm và chìm vào giấc ngủ.

Một hôm, thấy tôi đi bộ về nhà, bà Tổ trưởng tổ dân phố gặp tôi ở ngay đầu đường với một câu nói thẳng tưng của dân đô thị mới:

- Nhà chú có mèo đấy hả?

Tôi vâng dạ cho qua chuyện bởi nghĩ bụng đầy nhà còn nuôi thú cưng, nhưng bà ta nói tiếp:

- Chú nuôi gì thì nuôi nhưng nếu mà có định chứa chấp con mèo hoang thì tôi phải nói cho chú biết, nó từng cắn chân cháu nhà… phải đi tiêm, cào tay bà… sưng vù lên, con mèo này độc lắm mà rình mãi chưa đập chết được.

Hai từ “đập chết” vang lên trong đầu tôi ghê rợn. Thực ra ngày bé, tôi từng đập vỡ toác đầu gà, vịt, chó và cá quả. Những con vật giãy giụa chết một cách vụng về khiến tôi thấy sốt ruột và bực mình. Bổn phận của chúng sinh ra để làm thực phẩm, tôi đâu có bận tâm gì nhiều đến chúng. Nhưng chẳng rõ cơn cớ nào từ khi về ngôi nhà mới này tôi như bị ám thị.

Ban đầu, tôi có ý nghĩ vứt bỏ mọi đồ dùng cũ, kể cả quần áo mang theo - đấy có thể chỉ là hội chứng của sự sang chảnh. Rồi tôi bắt đầu cảm giác không mấy hứng thú với các món mặn, có đôi lần còn ói mửa sau khi ăn. Cho đến một ngày có người bạn nói với tôi: “Đất lành sinh lòng hiếu sinh cũng nên”. Lòng hiếu sinh ấy đã khiến tôi ghê rợn tất cả ư? Nó không giống với cá tính của tôi cho lắm. Tôi từng loáng thoáng đọc một cuốn tiểu thuyết hình như có tên là “Totem sói” của nhà văn tên là Khương Nhung người Trung Quốc. Đại loại, tôi thích cái lập luận sát là cội nguồn thúc đẩy sinh, là cách để cân bằng sinh học, là cách để tạo lập bản lĩnh, gì gì đó u minh nhưng thuận lý…

Từ ngày cánh cổng nhà tôi được hàn kín bằng những tấm sắt, tôi không còn phải nhìn thấy cả những người hàng xóm đi bộ phía ngoài đường nữa. Sáng kiến này được tôi nghĩ ra không phải chỉ để ngăn mèo, chó vào sân tè bậy mà còn để ngăn những cặp mắt soi mói của những người nhàn rỗi. Có điều, cũng từ hôm đó, cứ vào tầm nửa đêm hay có những cơn mưa nhỏ. Sau này, có hỏi các nhà hàng xóm, họ đều nói rằng chưa từng thấy mưa vào quãng đó. Mùa này mới ra tết, cũng chưa vào hạ, đất trời hanh khô, chung chiêng thì lấy đâu ra mưa? Tôi nghĩ có thể chuyện đã lâu nên họ không còn nhớ rõ, có thể giờ ấy họ đều đã đóng cửa đi ngủ sớm nên không thể nghe được tiếng gì phía ngoài cửa. Một hiềm nghi như người đi  đến ngõ cụt. 

Chỉ biết rằng, ngày đó, trong tiếng mưa lạo xạo trên mái tôn, trên lá cây, tôi nghe mơ hồ như có cả tiếng con mèo cào vào cửa, tiếng con mèo gọi tôi trong một cuộc truy đuổi thảm khốc. Cơ hồ như nghe được cả tiếng móng vuốt của nó cào vào cửa sắt. Tiếng cào xồn xột như bong tróc cả lớp sơn phủ bên ngoài để lộ ra lớp sơn phía trong đỏ như máu.

Một sáng tỉnh dậy, tôi nảy ra ý định kì lạ là xem lại hình ảnh của camera phía trước nhà và chợt giật mình: trên màn hình hiện ra một bóng đen thấp thoáng, mờ như âm bản của phim vừa lẩn vào trong đêm. Thực ra, chuyện đạo chích ở các khu dân cư chẳng có gì lạ. Chúng mon men cắt khóa, leo tường để trộm vặt hoặc nhòm ngó phía trong. Có điều, hình dáng ấy gầy ngêu ngao, tóc tai bờm xơm y hệt dáng con mèo hoang hôm nọ. Tôi cảm thấy lạnh sống lưng khi để ý dưới cánh cửa, những giọt máu đã khô và thâm lại.

Nhưng đêm sau, tôi đã tắt camera phía trước nhà, lên giường đi ngủ sớm hoặc nốc vài lon bia để ném mình vào giấc ngủ. Sớm ra, những giọt máu tung tảy như mưa phùn vẫn thâm thâm đỏ dưới cánh cổng. Tôi nghĩ ra một cách như người bị “ma đói”quấy phá, mỗi đêm tôi treo lơ lửng lên tường rào một ít thức ăn. Đành rằng có thể lũ chuột hoặc một con chó đói nào đó có thể sẽ nhanh chân hơn nhưng tôi vẫn tin con mèo nhận ra dụng ý của tôi. Điều đáng sợ sau những sáng thức dậy là chỗ thức ăn đó vẫn còn nguyên, chỉ khô đi và bắt đầu có mùi khó chịu, trong khi những giọt máu thì vẫn xuất hiện phía bên ngoài cánh cửa. Con mèo cần một điều gì hơn là kiếm mồi?

Nhưng mọi chuyện lại nhanh chóng bị lãng quên sau cái ngày tôi gặp Tuyết.

Hay nói đúng hơn, tôi gặp phải một con sói đuôi đỏ. Tuyết ngồi trên sofa, đôi mắt sắc, thân hình nanh nọc nhưng bốc lửa của nàng đã bén vào tôi từ cái lần đầu ấy. Tôi vốn không ưa gì đàn bà gầy guộc nhưng Tuyết đã không cho tôi cơ hội để chần chừ. Cả hai chẳng kịp hiểu về tính cách của nhau, chúng tôi cuốn lấy nhau bằng bản năng của loài rắn và sự bạo liệt của loài thú ăn thịt. Sau những cuộc như “hút máu” ấy tôi hiểu ra trong mỗi người đều đang tồn tại bản tính của một loài vật nào đó mà khi được bưng bít bởi bốn bức tường, khi trút bỏ áo quần mới bộc lộ.

Chúng tối quấn lấy nhau hết ở nhà Tuyết, đến nhà dì của nàng (khi họ đi du lịch và nhờ nàng đến trông) rồi đến các khu nhà nghỉ gần công ty của nàng… chỗ nào cũng đều in dấu những cuộc hoan lạc nhớp nháp nhưng miễn không phải là căn nhà thơm tho của tôi.

Một hôm, không biết trời xui, đất khiến thế nào, sau bữa ăn trưa ở cái nhà hàng mới mở gần nhà tôi, nàng kêu đau bụng và muốn nằm nghỉ. Cực chẳng đã, tôi phải đưa nàng về nhà mình và yên tâm liếc đồng hồ, cũng chỉ còn non nửa tiếng là đến giờ làm. Nhưng rồi, chỉ đợi có thế, bản năng tính dục luôn rình rập ở một con sói cái nổi lên, nàng quặp chặt lấy tôi. Tôi chẳng lạ gì mùi vị của nàng nên không mấy để tâm, đầu lan man nghĩ đến vài việc khác. Bỗng nàng chồm lên, ghì chặt tôi như một con thú, tôi nhận ra toàn thân mình ớn lạnh, tê dại, phía dưới thân mình mềm oặt… hình như không còn có nổi một chút hứng thú nào. “Vía” - thoáng trong đầu tôi nổi lên điều ấy, con người ta có thể bị át vía bởi một kẻ có vía mạnh hơn, đáng gờm hơn. Tôi đang chưa biết phải làm gì thì tiếng chuông điện thoại của nàng reo lên, một người nào đó đã gọi cho nàng và vô tình giải cứu cho sự vô vị.

Hôm sau, thật tình cờ, tôi nhận được lệnh đi công tác Tây Nguyên đột xuất. Hai tuần ở vùng cao nguyên nắng gió của bạt ngàn hồ tiêu, cà phê và những nụ cười của những cô gái Tây Nguyên ngăm đen làm tâm hồn tôi như được hồi sinh trở lại. Cảm giác như thân thể mình vừa được tiếp thêm một luồng sinh khí mới.

Lạ nỗi, trong suốt hai tuần ấy và cả khi sếp bắt tôi ở thêm gần mười ngày nữa, trong tôi không hề xuất hiện cái nhu cầu gần gũi với phụ nữ. Tôi lang thang học được nhiều kĩ năng sống, tìm được mối nhập macca, hạt điều, cà phê nguyên hạt giá mềm và mang theo hai lời hứa tìm lại thân nhân cho hai ngôi mộ vô danh trong trận đánh đầu tháng Ba năm 1975. Tất cả những việc đó cuốn tôi vào một thế giới khác, quên sạch những hoan lạc bấy lâu.

Sau khi trở về và đi làm, cảm giác trong tôi là rất ngại gặp Tuyết.

Có đôi lần, thấy nàng đang đứng bàn giao hàng cho xe, nàng giờ rệu rã trong chiếc sơ mi cúc so lệch và quần bò rúm ró. Nhưng lạ Tuyết càng như một cành củi khô, cảm giác thèm muốn của tôi lại càng ngùn ngụt bốc lên như lửa muốn thiêu đốt. Sau một tháng trở lại đây, tôi như lạc nhịp, càng cố gắng gần thì Tuyết càng né tránh. Tôi đã phải trơ trẽn đến mức tìm cách đứng chặn đường nàng. Tuyết đứng trước mặt tôi, e lệ bảo tôi làm ơn nhường đường cho cô ta đi. Tôi về nằm vật vã trên đống chăn đệm lạnh ngắt, cơm mấy bữa đều ăn dở bát, ngồi làm việc đầu óc bải hoải, người gây gấy sốt. Cái dáng xác xơ của nàng như chất tanh đang hành hạ một con thú đói như tôi, một cái gì đó xa xôi. Hay con người cũng thèm người? Một thứ xác thịt đầy ảo ảnh nhưng có thể ngấm vào mạch máu, tâm can.

Một sớm chủ nhật, tôi ngủ nướng thì bỗng nghe tiếng ai đó đang xì xào bên ngoài cánh cổng. Vì giờ cánh cổng đã bịt kín nên không thể biết mặt họ. Tôi uể oải bước xuống giường, qua khe cổng tôi nghe được tiếng hai người đàn ông đang nói với nhau về điều gì đó. Họ có nhắc đến tên tôi, theo một phản xạ, tôi mở cổng vì nghĩ rằng ở khu này có vọng gác, chẳng lo có kẻ xấu đột nhập, chắc chỉ có ai đó muốn tìm để trao đổi. Trước mặt tôi là hai người đàn ông đứng tuổi, dáng vẻ rất trầm ngâm, họ đều nói giọng miền Trung rất khó nghe, có vẻ muốn hỏi mua lại căn hộ này.

Nếu là một tháng trước tôi đã tống khứ họ đi bằng những lời gay gắt, nhưng với tâm trạng tôi bây giờ, ý tưởng này hoàn toàn không điên rồ chút nào. “Nếu các anh thích, giá cả hợp lý, Ok, ta sẽ bàn”.

Tôi thực sự nóng lòng không còn muốn ở căn nhà này. Chú tôi là ông chủ dự án, việc kiếm một chỗ ở mới hoàn toàn quá dễ dàng với tôi. Ba hôm qua đi, rồi một tuần, tôi ra ngóng vào trông mà vẫn không thấy mấy người đàn ông quay trở lại. Thử bốc máy gọi, họ bảo: “Tụi tau gom tiền đủ nhưng giá đó chát quá”. “Sao chớ, nhà mi âm khí nặng, giá đó là cao rồi!”. “Âm khí nặng”- lại một câu nói ném vào cuộc đời tôi như hôm nào tôi vừa ném vào bóng tối cái đầu cá cho con mèo hoang. Sao họ tìm đến đây? Tôi bắt đầu nghi ngờ ai đó gần gũi, biết tôi đang hoang mang và có ý muốn đổi nhà.

Trưa, có tiếng chuông cửa vang lên. Tôi vội ra mở. Tuyết vai đeo túi chéo bước vào. Suýt nữa tôi đã xô Tuyết xuống sofa nhưng vẫn kịp kiềm chế bản năng ấy bởi trong lòng còn vương chút tự ái. Tuyết của ngày hôm nay lịch lãm, nhã nhặn trong bộ vét công sở, nàng đặt trước mặt tôi tấm thiệp mời có in ảnh cưới hai vợ chồng. Nhìn cái gã đàn ông đang sánh vai bên Tuyết với đôi mắt đầy mãn nguyện, trong người tôi dâng lên một cơn trào ngược như ăn phải mùn thớt. Đằng nào thì mọi chuyện cũng vượt qua tầm kiểm soát của mình.

Tôi sẽ định bụng ra mặt khinh khỉnh để giữ thể diện của phe thua cuộc thì đúng vào cái lúc ấy, mặt Tuyết bỗng đờ ra như thể bị ai đó bắt mất hồn. Nàng nhìn về phía bậu cửa, miệng lắp bắp: “Nó, nó… nó kìa”. Tôi ngoảnh lại chỉ thấy cái bóng con mèo vừa vụt qua, một mùi hôi hám xộc vào. Đúng là nó đã theo Tuyết vào nhà. Tức thì trong đầu tôi bùng lên một cơn thịnh nộ. Đồ mèo hoang, mày đem vận đen đến ám. Không hiểu sao tay tôi đã vớ được một vật gì lăm lăm trong tay. Sau này, tôi mới hiểu hết sự lợi hại của một bóng đèn ống huỳnh quang.

Đồ mèo hoang, tôi lao đến đầy hung hãn nhưng miệng lại la hét như thể đang bị hàm răng nó cắn xé. Khi chỉ còn cách con mèo chừng một bước chân, tôi vung hết sức để đập thì Tuyết kịp lao đến gạt tay tôi với một sự kinh hãi thảm thiết. Sự quyết liệt, thảm thiết ấy khiến tôi ngỡ như con mèo bẩn thỉu chính là đứa con của nàng. Khi chiếc bóng đèn huỳnh quang va phải thành cửa chuẩn bị bắn tung tóe thì Tuyết quay ngoắt lại ôm choàng lấy tôi, đôi tay nàng ghì khuôn mặt tôi vào ngực nàng. Tôi hoàn toàn sững sờ, cảm giác đan xen giữa danh dự và nhục dục.

Nếu không có Tuyết, hẳn những mảnh vỡ sẽ bắn nát đôi mắt ngầu đỏ của tôi. Tôi định đẩy nàng ra nhưng đã kịp cảm nhận được trong bàn tay mình một thứ gì ươn ướt. Máu, máu từ các mảnh vỡ của bóng đèn găm vào lưng, vào má, vào chân nàng. Con mèo như bị động kinh kêu ré lên cắn một miếng vào chân tôi rồi lao đi mất hút. Tôi hoảng hốt không hiểu chuyện gì chỉ biết nhìn Tuyết. Tuyết đưa bàn tay lau máu trên mặt và nói:

- Mèo, đó là con mèo nhà em…

Có thể thấy như thế chưa đủ để giải thích cho một gã đàn ông ích kỉ, nàng tiếp:

- Mảnh đất mà anh đang đứng, chính là mảnh vườn nhà em. Máy xúc đã chôn lấp đàn con của nó dưới lớp bê tông này. Và cha em, cũng chết vì nỗi đau mất đất, mất vườn này. Cả nhà tôi là mèo hoang đấy…

Từ hôm ấy, tôi không liên lạc được với Tuyết nữa. Có thể khi người ta đã nói ra được điều ấm ức là mọi chuyện đã xong. Dù họ có chặn số điện thoại của mình thì cũng là một cách để xóa sạch thù hận. Tôi ngày ngày gậm nhấm những giả thiết:

Hay là lúc  cái bóng đèn huỳnh quang vỡ Tuyết hoảng sợ nên ôm lấy tôi theo phản xạ?

Hay em muốn chắn những mảnh vỡ sắc cạnh ấy cho tôi?

 Và còn nữa, cả việc em nhịn nhục để xin vào làm chính công ty của chú tôi chỉ đơn giản là muốn kiếm tiền mua lại ngôi nhà hay còn âm mưu phục hận nào khác?

Càng suy đoán, tôi càng thấy đầu óc mình ngu đi. Tôi đã tháo tấm chắn các song sắt ở cánh cổng, tôi luôn mở các cánh cửa sổ, thức ăn thì luôn để tênh hênh trên bàn như cách một cô gái lỡ thì hớ hênh đợi một điều gì…

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
.
.