Cổ tích mọc trên cánh đồng
Tôi muốn mình mãi là một đứa trẻ chăn trâu mơ mộng, vô tư như những cánh diều ước mơ chúng tôi thả lên bầu trời lộng gió mỗi buổi hoàng hôn. Nhưng, từng ngày trôi qua, tôi nhận ra mình đang dần trở thành một chàng trai thực thụ. Sợi dây diều mỏng manh chẳng thể giúp tôi buộc chặt thời gian để níu giữ tuổi thơ ở lại. Tuổi mười bốn, tôi từng thổn thức nơi lồng ngực khi ngửi thấy mùi bồ kết thoang thoảng phả ra từ mái tóc suôn mềm buông hờ sau lưng chị...
Có lẽ, đó là những ngày êm đềm nhất trong ký ức tuổi thơ tôi. Chiều chiều chăn trâu trên cánh đồng làng rộng mở như trang sách khổng lồ, chị Ngần thường rủ rỉ kể chuyện cổ tích và giúp đám trẻ mục đồng chúng tôi làm nhiều thứ đồ chơi ngộ nghĩnh. Nắm đất sét, chiếc lá đa, vài cọng cỏ, thoắt cái, qua bàn tay thanh thoát của chị sẽ trở thành búp bê, con trâu, vương miện. Chị đã khéo tay, lại rất dịu dàng, nên chúng tôi, ai nấy đều quý mến.
Chúng tôi chờ chị như ngóng dáng mẹ về từ những buổi chợ phiên. Hễ thấy bóng chị lùa trâu ra đồng, cả lũ sẽ ríu ran: “Chị Ngần! Chị Ngần! Chị Ngần!”. Và, trong chiếc nón lá của chị luôn giấu sẵn một thức quà gì đấy, khi thì bắp ngô, củ sắn, lúc thì túm bỏng, quả cam. Chị Ngần ngày càng xinh đẹp. Vẻ đẹp ấy làm bao trai làng bổi hổi đứng ngồi không yên...
Tôi muốn mình mãi là một đứa trẻ chăn trâu mơ mộng, vô tư như những cánh diều ước mơ chúng tôi thả lên bầu trời lộng gió mỗi buổi hoàng hôn. Nhưng, từng ngày trôi qua, tôi nhận ra mình đang dần trở thành một chàng trai thực thụ. Sợi dây diều mỏng manh chẳng thể giúp tôi buộc chặt thời gian để níu giữ tuổi thơ ở lại. Tuổi mười bốn, tôi từng thổn thức nơi lồng ngực khi ngửi thấy mùi bồ kết thoang thoảng phả ra từ mái tóc suôn mềm buông hờ sau lưng chị...
Một chiều mùa đông, ngồi sưởi bên chiếc lò than tự chế bằng bùn đất đượm ấm lửa hồng, chị Ngần nhỏ nhẹ:
- Mai chị lên thành phố. Chắc một năm nữa mới về.
Mấy đứa bạn tôi nháo nhác:
- Ôi, chị đi thật ạ?
- Chị bỏ chúng em ư?
- Ai sẽ chơi ú tim và đọc sách cho chúng em nghe?
Tôi im lặng, lòng hẫng hụt xiết bao. Mặc cho lũ bạn níu áo chị Ngần nũng nịu, tỉ tê đủ thứ chuyện, tôi vẫn chẳng hé nửa lời. Đầu óc tôi rối bời như mạng nhện. Cầm que củi nhỏ, tôi di di trên nền đất trống những hình thù không rõ nét. Mùi khoai nướng sém vỏ đang dậy lên, thơm điếc mũi. Nếu là hôm qua, hôm kia, hay những hôm trước nữa, tôi đã xông vào tranh nhau với lũ bạn để giành lấy củ to nhất phần chị Ngần. Nhưng, hôm nay, tôi không buồn nhúc nhích. Chị Ngần bẻ khoai chia cho tất cả mọi người. Cuối cùng, chị cầm một nửa củ khoai trứng gà, thứ khoai mà tôi thích nhất, đặt vào lòng tay tôi:
- Dịnh ốm à? Sao hôm nay ít nói thế?
Tôi thụng thịu dỗi hờn:
- Chị lên thành phố làm gì?
- Chị đi làm công nhân kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Cái Tẹt nhà chị đã lớn, từ mai nó đi chăn trâu hộ chị, các em nhớ cho nó chơi cùng nhé. Tôi chỉ đáp lại một tiếng “vâng” lí nhí rồi lại đuổi theo những hình vẽ bâng quơ. Trên đồng, gió bấc đang tràn về lạnh buốt. Chị Ngần chụm đôi tay ấm áp bọc lấy tay tôi, giục tôi ăn khoai đi kẻo nguội. Tôi bẻ từng miếng nhỏ cho vào miệng. Nghẹn bứ. Chị Ngần cười e ấp, nhưng đôi mắt ươn ướt muộn phiền...
*
- Con Ngần nhà ông Lâm yêu thằng Tùng nhà bà Thược đấy.
- Nhưng, thằng đó mới phát hiện bị suy thận. Rồi cũng chẳng đi đâu về đâu...
- Chắc vì thế mà con bé bỏ lên thành phố.
Câu chuyện ngồi lê đôi mách của hai bà hàng xóm đi ngang ngõ vô tình lọt vào nhà khiến tôi nhớ chị Ngần khắc khoải. Chị Ngần yêu anh Tùng, tôi là người rõ nhất. Mối tình thầm kín đó, chị cố giấu nhẹm trong tim, nhưng tôi vẫn tinh ý phát hiện ra thông qua những lần chị nói về anh ấy bằng sự ngưỡng mộ dâng lên nơi đáy mắt. Tôi thì không thích anh Tùng, đơn giản bởi anh ta là kẻ đa tình. Nhiều lần, tôi bắt gặp anh tình tứ ôm ấp chị Nga sau lũy tre làng. Tôi từng muốn kể tường tận cho chị Ngần những chuyện tai nghe mắt thấy, nhưng lần lữa thế nào lại thôi. Tôi sợ chị buồn và khóc.
Anh Tùng tốt nghiệp trường trung cấp nghề, về quê mở quán sửa đồ điện. Cái quán bé tẹo tèo teo mà suốt ngày tấp nập kẻ vào, người ra. Có lần chị Ngần xuýt xoa: “Chiếc tivi đen trắng nhà chị bị sập màn hình, tưởng phải vứt đi rồi. Ai dè, anh ý tháo tháo, lắp lắp một hồi đã thấy hoạt động bình thường”. Anh Tùng giỏi giang, nhiệt tình, tháo vát, tôi không phủ nhận. Bằng chứng là trong xã, quán sửa đồ điện mọc lên tua tủa như nấm rơm sau mưa, nhưng quán anh vẫn luôn đắt khách nhất. Trời cho anh thêm cái khiếu nói chuyện hóm hỉnh. Thành thử, ai gặp anh thì phải công nhận cười vui hơn cả xem hài, một lần ghé quán là một lần muốn quay lại. Nếu không chứng kiến những cảnh gai mắt kia, hẳn tôi đã cho rằng anh Tùng và chị Ngần là một cặp xứng đôi, vừa lứa. Không đời nào chị Ngần lại bỏ anh Tùng mà đi vì lý do anh ấy bị suy thận. Tôi đinh ninh như vậy. Tôi suy đoán rằng, rất có thể chị Ngần đã phát hiện ra anh Tùng lăng nhăng, hai người chia tay nhau, chị Ngần phẫn chí nên đột ngột lên thành phố. Chứ anh Tùng đang khỏe như voi, mới tháng trước, tôi còn thấy anh ấy uống bia ở quán xép ven đê, ai làm gì mà bệnh với chả tật. Vả lại, chị Ngần sống nặng tình trọn nghĩa thế nào, tôi là đứa em thân cận mấy năm qua vẫn hằng đi chăn trâu cùng chị lẽ nào lại không hiểu sao.
*
Nửa tháng sau, chị Ngần gọi điện về máy bàn nhà tôi. Nghe giọng chị, tôi hồi hộp thiếu điều tim muốn vọt ra khỏi lồng ngực. Chị bảo, chị đã được nhận làm công nhân cho một công ty giày da. Và, hiện đang trọ tại nhà một người họ hàng xa. Rồi chị hỏi thăm tôi và đám bạn chăn trâu nghịch như quỷ sứ của tôi. Chị nói nhanh, có vẻ như đang rất bận. Khi chị định dập máy, tôi đánh bạo hỏi:
- Chị và anh Tùng nhà bác Thược sao rồi?
- Chị bận rồi, nhóc học bài đi.
Hôm sau, tôi mang chiếc nồi cơm điện ra quán anh Tùng sửa thì thấy cửa khóa im ỉm. Hỏi ra mới biết anh Tùng nghỉ làm cả vài tuần nay để đi chữa bệnh. Anh Tùng bị suy thận thật? Chị Ngần đã biết chuyện này chưa? Nếu biết anh Tùng như vậy, sao chị ấy đành lòng ra đi? Tôi lân la hỏi dò thêm vài người nữa và đều nhận được câu trả lời giống nhau. Đầu tôi hơi trĩu xuống...
Tôi lại tiếp tục công việc của tôi, hằng chiều cưỡi trâu ra bãi. Đám bạn tôi nhắc đến chị Ngần bằng những câu nói mỉa mai, những cái bĩu môi khinh rẻ. Tại sao chúng có thể trở mặt nhanh đến vậy? Tất cả chỉ là tin đồn! Chỉ là tin đồn thôi! Chúng hùa vào nhếch mép cười chê tôi dở hơi. Tôi cố dùng mọi lý lẽ bao bọc chị Ngần nhưng đều bị chúng chọc thủng bởi những mũi tên dẫn chứng đầy sức xoáy:
- Mẹ tao bảo ấy à, chị Ngần ngày xưa thấy anh Tùng ăn nên làm ra thì sấn vào. Giờ anh ấy ra nông nỗi này thì chuồn lên thành phố.
- Chị Nga đang học đại học báo chí gì đó ở Hà Nội cũng bảo tận mắt trông thấy chị Ngần đi với một người đàn ông. Nghe đâu người đó có cả ô tô, nhà lầu, gái nào chả mê.
- Nhắc đến cái ngữ phò phạch ấy làm gì? - Thằng Vĩnh xấc xược cắt ngang - Lo nướng khoai đi kẻo cháy xừ giờ.
Câu nói của thằng Vĩnh như mồi lửa bén vào tâm trí tôi. Tôi vòng tay điền vào mắt nó một cú đấm thật lực, gầm lên: “Mày bảo ai là phò phạch?”. Nó nhanh chóng túm lấy tóc tôi ghì mạnh. Hai chúng tôi lao vào trận đánh lộn chí tử. Những đứa còn lại khoái chí cổ vũ thằng Vĩnh bằng những tràng hò reo không ngớt. Cái bãi cỏ may lún phún bị chúng tôi lăn qua lăn lại đến phẳng băng. Lúc thằng Vĩnh thở phập phò như con bò sặc cám và tôi hãy còn hừng hực khí nóng như chú ngựa ô trường sức thừa thắng xông lên chiếm thế thượng phong thì lũ lâu la kia kéo bè, kết cánh cứu thua cho thằng Vĩnh. Năm, sáu đứa tấn công một đứa không chột hay què mới lạ. Lũ hèn! Hậu quả, thằng Vĩnh bị tím mắt, tôi bị xây xát chân tay. Cái Tẹt núp sau gốc gạo, đợi bọn chúng đi hết mới dám cầm nắm lá rau má lấp ló bước ra:
- Anh Dịnh! Đắp vào vết thương đi! Máu đang chảy kia kìa.
Tôi ngước nhìn Tẹt. Mùi bồ kết trên tóc cô bé tỏa nhẹ khiến tôi nôn nao nhớ chị Ngần nhiều thêm. Tôi bối rối đáp:
- Cảm ơn Tẹt!
Cái Tẹt e ngại:
- Em học lớp sáu rồi. Anh gọi em là Hân nhé.
Thế là từ hôm đó, tôi và Hân thường rủ nhau đi chăn trâu ở những cánh đồng xa, cách ly hoàn toàn với lũ bạn bẩn tính kia. Hân có nhiều nét giống chị Ngần. Đôi mắt tròn thẳm khiết. Mái tóc mượt mà chấm lưng. Những ngón tay thon thả búp măng. Tính cách thì lành hiền quá đỗi. Những chiều nắng ấm, Hân thường mang theo cuốn vở ra đồng để nhờ tôi dạy kèm môn Toán. Đến lớp, tậu được tập truyện nào, tôi đều mang cho Hân mượn. Cô bé ép vào trang giấy những cánh hoa dẻ mong manh thơm ngào ngạt rồi thủ thỉ: “Em học theo cách làm của chị Ngần ngày trước đấy”. Trong câu chuyện nào của chúng tôi mỗi chiều, dù là chuyện bịa hay chuyện thật, chuyện vui hay chuyện buồn, chuyện cũ hay chuyện mới cũng đều không khỏi nhắc tới chị Ngần. Chị ở thành phố có nhớ chúng tôi? Chị Ngần đã hứa Tết sẽ về. Phải đợi chờ bao lâu nữa cho một cuộc hạnh ngộ?
*
Tin tức chị Ngần thưa thớt dần. Tôi hỏi Hân, cô bé bảo chị vẫn khỏe, nhưng do thường xuyên làm tăng ca, bận đầu tắt mặt tối nên hiếm khi liên lạc về nhà. Chị khỏe là tôi an tâm rồi. Đã mấy tháng không gặp, bất giác, tôi tự hỏi, chị giờ béo hay gầy? Chị mà béo lên hẳn gương mặt sẽ đầy đặn, tròn trịa lắm. Lại hình dung nếu chị gầy đi một chút thì vòng eo sẽ nhỏ hơn cả eo con kiến. Tôi muốn chị Ngần mãi mãi là chị Ngần của tôi ngày xưa, không thay đổi. Còn tôi? Tôi thì mỗi ngày một khác: chân dài ngoẵng, vồng ngực nở, da rám nắng. Lúc trở về, liệu chị Ngần có nhận ra thằng em hay hờn dỗi ngày nào?
Làng tôi rất nhỏ, nhỏ đến nỗi nhà cuối làng nghe rõ mồn một tiếng rít thuốc lào sòng sọc của nhà đầu làng trong đêm thâu. Dạo gần đây, dân làng lại râm ran chuyện chị Ngần với anh Tùng. Đại khái, người ta đồn thổi rằng vì chị Ngần bội tình, bạc nghĩa bỏ anh Tùng trong lúc tai họa ập xuống đầu anh mà anh sinh thói đổ đốn. Bị suy thận nhưng anh Tùng chẳng đến bệnh viện điều trị. Nghe mẹ anh Tùng than thở với mẹ tôi tiền chạy thận tốn kém lắm. Biết mình sớm muộn gì cũng không qua khỏi, anh Tùng ngày ngày ngập ngụa trong bia rượu.
Mẹ tôi nghe thế chỉ biết an ủi: “Ráng khuyên nó ăn uống, nghỉ ngơi điều độ. Biết đâu sẽ có phép màu, chị ạ!”. Làng tôi trước nay có ngót nghét bốn người bị mắc bệnh này. Cả bốn đều không qua khỏi. Tôi trộm nghĩ, phép màu nhiệm chỉ có trong những câu chuyện cổ tích hồi xưa chị Ngần vẫn hằng kể cho đám trẻ chăn trâu chúng tôi nghe thôi. Chứ anh Tùng giờ bên ngoài mắt hõm, da thâm; bên trong thận suy, gan yếu, khó lòng thắng nổi số phận!
Hôm rồi, đi chăn trâu, cái Hân kể với tôi, bố cô bé gọi điện mắng chị Ngần một trận lôi đình. Chị đi làm thuê ba tháng mà chẳng gửi về lấy một xu nào. Bố chị đang cần lợp lại cái mái chuồng lợn dột nát nhưng chưa đủ tiền. Chị Ngần ợm ờ giải thích mấy tháng đầu học việc, đồng lương thắt ngặt, chỉ vừa trang trải chi phí thuê trọ, điện, nước. Bố chị thất vọng, dằn hắt: “Con người ta làm đấy ra tiền trăm, tiền triệu. Con mình thì tay làm hàm chẳng đủ nhai”, rồi gay gắt dập máy. Cái Hân hồn nhiên:
- Giá mà những đồng tiền lá ổi chúng ta thuở bé chơi đồ hàng có thể mua được tất cả mọi thứ, anh Dịnh nhỉ.
*
Tôi gặp anh Tùng tại quán xép ven đê quen thuộc, khi đang định tạt qua quầy tạp hóa mua mấy thứ linh tinh. Anh mặc chiếc áo ba lỗ màu rêu nhạt. Sức vóc anh xuống cấp trầm trọng như chiếc xe đứt phanh lao dốc. Bọc lấy khung xương khòng khèo của anh là làn da trắng bềnh bệch, nhão nhớt như cơm nguội ngâm nước qua đêm làm nổi bật thêm những nốt đỏ li ti nhâm nhít đính đầy cổ, vai, ngực. Chai rượu trắng trên bàn đã vơi bớt một nửa. Chẳng cần rót ra chén, anh ngửa cổ tu ừng ực rồi nằm sấp mặt trên bàn, miệng lảm nhảm: “Ngần ơi! Ngần ơi!”. Chạnh lòng, tôi tấp xe bên gốc phượng, tiến đến lay lay anh:
- Anh Tùng, anh bị làm sao thế?
- Sao, trăng thắp sáng xa, gần - Anh nấc cụt rồi ngâm nga tiếp - Trên cao có thấy em Ngần của tôi!
- Khổ quá. Bây giờ đang là mười một giờ trưa, lấy đâu trăng, sao? - Tôi kéo tay anh vòng qua cổ mình - Em đưa anh về.
Trên đường đèo anh về nhà bác Thược, tôi lại cồn cào nghĩ tới chị Ngần. Tôi không tin những điều tiếng thiên hạ lao nhao bàn tán những ngày qua. Nhưng, kỳ thực vẫn hoang mang, dao động: Ngọn nguồn mọi chuyện thực hư thế nào? Tại anh Tùng mà chị Ngần bỏ đi hay vì chị Ngần mà anh Tùng hư hỏng? Đôi lần tôi định gọi điện hỏi chị, song không đủ can đảm đặt ngón tay trỏ vào phím số. Để rồi, giờ đây, đầu óc nhiễu loạn tin đồn. Dân làng cố bôi xấu chị Ngần mà đâu hay anh Tùng cũng không phải dạng tử tế gì. Nghĩ anh Tùng say khướt khườn khượt, lúc tỉnh lại sẽ không nhớ gì hết, bực quá, tôi xổ vào mặt anh ta: “Anh thì có gì tốt đẹp mà chị Ngần tôi mê anh thế chứ? Chị Ngần ơi, bộ trên đời này hết đàn ông rồi sao? Dịnh mà lớn tuổi hơn một chút thì...”.
Lòng tốt của tôi đã đặt nhầm chỗ. Hôm sau, say rượu, anh Tùng dặt dẹo mò sang nhà tôi. Hơi thở ngái nồng, anh ta choang choác: “Mày thích con Ngần, phải không Dịnh?”. Tôi bừng mặt, tía tai, lập bập: “Anh... nói... nói xàm gì vậy?”. Anh Tùng chĩa cái cổ chai vào tôi: “Tao nói này, mày đừng có ngu. Con Ngần là hạng cave rẻ tiền!”. Sự giận dữ dồn tụ hết vào bàn tay, tôi tát anh ta ngã uỵch xuống sân. Mấy tấm ảnh trong túi áo anh Tùng văng ra. Ảnh chị Ngần! Anh ta cười nhạt: “Đấy, mày xem người trong mộng của mày đi!”. Tôi cúi xuống nhặt lấy một tấm. Tay tôi rụng rời. Trong ảnh, chị Ngần dìu một người đàn ông bước ra từ nhà nghỉ...
*
Cả buổi chăn trâu, tôi như người mất hồn. Cái Hân gắng bắt chuyện nhưng tôi chỉ trả lời qua quýt. Hân nhờ tôi trông hộ trâu để cô bé chạy ù về nhà có chút việc. Tôi gật đầu. Bóng Hân khuất sau thôi đê, tôi trải lưng ra vạt cỏ xanh mượt, dưới bóng cây ổi dại, mắt mơ màng nhắm. Gió từ cánh đồng thơm mùi lúa cuộn đòng tràn lên man mát. Khi thời tiết, thiên nhiên ưu ái thế này, lẽ ra, tôi đã đánh tròn một giấc thảnh thơi. Nhưng, bức ảnh kia cứ chập choạng ẩn hiện trong não bộ tôi như những con dòi lúc nhúc tranh nhau đục xuyên quả ổi chín nẫu. Nơi tâm khảm, niềm tin về chị Ngần đã lung lay đôi chút. Trước nay cứ tự cho là mình hiểu rõ chị, nhưng thật ra, tôi cũng chỉ là kẻ mù quáng đứng từ xa nhìn tảng băng trôi mà nào hay phần chìm vốn nhiều hơn phần nổi. Mải nghĩ ngợi lung tung, đến lúc cái Hân hô to trâu đang ăn lúa, tôi mới giật mình, quáng quàng bật dậy.
Tôi lội xuống ruộng, cào bùn nâng đỡ những cây lúa ngổn ngang, xiêu vẹo. Mọi việc thuôi thuổi, tôi mở lời:
- Đây là ruộng lúa nhà bác Thược. Sáng mai anh sẽ sang xin lỗi bác ấy.
- Nhớ rủ em đi cùng.
Sáng sớm, tôi gọi Hân sang nhà bác Thược. Cửa mở toang, sao không ai ở nhà? Chợt, một tiếng choang phát ra từ căn buồng nhỏ như tiếng đồ sứ vỡ. Hân bám chặt lấy tay tôi. Cố rướn ánh nhìn qua khe cửa sổ, tôi hoảng hồn khi thấy anh Tùng giãy đành đạch trên giường như con chạch bị xát muối, miệng sùi bọt mép nhễu nhệu. Chiếc bơm kim tiêm nằm lăn lóc bên cạnh. Ngay lập tức, tôi quay sang Hân: “Thôi chết, anh Tùng bị làm sao ấy”, rồi giương cổ hô hoán hàng xóm lân cận đến giúp.
Anh Tùng được đưa vào trạm y tế xã chừng mười lăm phút thì tắt thở... Mắt anh cứ mở trừng trừng, ai vuốt cũng không nhắm lại. Hình như anh ấy còn chờ đợi một người... Người ấy giờ đang ở cách cái vùng quê này hơn hai trăm cây số. Tôi và Hân buồn bã ra đứng ngoài hành lang, nước mắt đồng loạt rơi xuống lặng lẽ. Sau lưng, người ta lại nhắc đến chị Ngần bằng những lời lẽ không hay. Bác Thược quằn quặn bên thi hài con trai, gào khóc thảm thiết:
- Tùng ơi, sao con lại bỏ mẹ mà đi vội thế, con ơi?
Chiều tháng sáu, mưa tầm tã cơ hồ như ông trời cũng cảm thương mà đổ lệ không ngừng. Đám người đưa tang anh Tùng đội mưa, đội gió nối dài trên con đường đê quanh co dẫn ra nghĩa địa. Tiếng khóc ai oán, tiếng mưa rồ rồ, tiếng lội nước lõm bõm quyện vào nhau tê tái. Có những cặp mắt tò mò thi thoảng lại lách dòng người ngóng tìm ai đó. Chị Ngần vắng mặt. Người ta xì xào: “Con Ngần đâu nhỉ? Từ đấy về đây có mấy tiếng đồng hồ. Con Nga học ở thành phố cũng về kịp đấy thôi!”. Bên chiếc xe tang, chị Nga đỡ lấy bác Thược, khóc lên khóc xuống. Nghĩa tử là nghĩa tận, dù gì cũng đã có những tháng ngày nồng thắm với nhau, vậy mà chị Ngần ở đâu? Sao chị ấy không về? Ai mới thực là người yêu anh Tùng? Chị Ngần, chị Nga hay một cô gái nào khác?
*
Bốn chín ngày anh Tùng, chị Ngần về. Chị hốc hác, tiều tụy quá. Tóc chị thưa thớt. Trán có một vết sẹo lồi. Chân đi hơi liểng xiểng. Chị rủ tôi cùng cái Hân sang nhà anh Tùng thắp cho anh ấy nén hương. Tôi miễn cưỡng đồng ý vì tôi còn giận hờn chị vô cớ. Thế mà, chẳng mấy, tôi đã quên hết, lại xởi lởi nói chuyện với chị như một thời ấu thơ xa cũ:
- Sao ngày anh Tùng mất, chị không về?
- Chị bận em ạ - Chị chậm rãi nói.
- Dân làng đồn đại không hay về chị...
- Em có tin những lời đồn đại đó không?
- Em... Em...
Chúng tôi vừa bước đến cổng nhà anh Tùng, những người có mặt ở đấy đã liếc xéo chị Ngần bằng ánh mắt không thiện cảm. Chị Ngần điềm đạm chào hỏi mọi người, rồi xin phép vào thắp nén hương lên bàn thờ anh Tùng. Chị đứng lặng một hồi lâu, đôi mắt rớm lệ thành kính nhìn vào di ảnh anh Tùng đang mỉm cười nho nhã. Khói hương ngun ngút lan tỏa, xông vào mắt tôi cay cay. Tay tôi run run vỗ nhẹ lưng chị:
- Anh ấy yên nghỉ rồi, chị ạ...
Cái Hân dìu chị Ngần bước ra ngoài. Bên góc nhà, bác Thược rộc rạc, ngồi ôm ngực. Người mẹ ấy giờ như cây thông trên ngọn đồi cằn sỏi bị vắt kiệt nhựa, không còn chút sức lực nào để khóc. Chị Nga đang phe phẩy chiếc nón quạt cho bác Thược. Bác nhìn chị Ngần, chua xót:
- Cháu đã về đấy ư?
- Cháu vô tâm quá phải không, bác? - Chị Ngần hơi ngửa mặt lên trần nhà để những đau đớn, đắng cay chảy ngược vào bên trong.
- Bác thông cảm cho cháu được...
Bỗng nhiên, chị Nga dừng tay quạt, bật khóc rấm rứt:
- Tất cả lỗi là tại cháu. Hôm đó, vô tình bắt gặp Ngần với một người đàn ông bước ra từ nhà nghỉ, cháu đã cố tình chụp ảnh gửi cho anh Tùng và vợ của người đàn ông ấy. Cuối cùng, Ngần bị vợ người đàn ông nổi máu ghen, thuê đầu gấu tìm đến phòng trọ đánh gãy xương đùi, phải điều trị mất hơn hai tháng nay, không đi lại được.
Chị Ngần sụt sịt:
- Lỗi không phải do Nga, mà là do chúng ta quá yêu một người... Nhưng, Nga ơi, anh Tùng đã chia tay Ngần gần một năm nay rồi...
- Vậy hả, Ngần? Sau này, tìm hiểu kĩ, Nga mới vỡ lẽ ra, Ngần ban ngày làm công nhân ở xưởng giày da, buổi tối tranh thủ làm lao công cho nhà nghỉ. Vì bất đắc dĩ mới phải dìu vị khách say xỉn ra taxi khi bảo vệ đi vắng...
Bác Thược nắm lấy tay hai chị:
- Thằng Tùng bị HIV. Nó không trụ nổi, đành phải đóng quán. Bác sợ dân làng dị nghị, xa lánh nó nên đã nói dối... Thằng Tùng đã sai khi cùng lúc lừa dối tình cảm của hai cháu. Và, bác cũng là người có lỗi lớn...
- Anh Tùng cũng đi rồi... Chúng ta đừng trách nhau nữa - Chị Ngần cố ghìm những tiếng nấc nghẹn - Cầu mong anh ấy an nghỉ.
- Bác cảm ơn tấm lòng vị tha của hai cháu... Bác Thược lấy dưới gối một bọc giấy hình chữ nhật, đặt vào tay chị Ngần, giọng rưng rưng - Tạ ơn cháu đã âm thầm cho bác vay tiền chữa trị cho thằng Tùng thời gian qua. Giờ bác xin gửi lại cháu...
Tôi lẳng lặng nhìn chị Ngần, thấy tâm hồn chị như khóm lúa mọc trên cánh đồng cổ tích. Qua ô cửa sổ, một làn gió nhè nhẹ thổi vào, kéo những sợi tóc mai mềm mại che đi vết sẹo lồi trên trán chị...