Chùm truyện cực ngắn của Phạm Ngọc Tiến

Thứ Hai, 16/12/2024, 15:31

Đận ấy Cò đi Trung học Quân sự. Việc chăm sóc Vàng rơi vào tay lão Bọng. Nể con nhưng thái độ xa lạ của con Vàng khiến lão Bọng khó chịu. Hôm đó, Chủ nhật, trong chiếu tổ tôm của đám bạn lão ai đó chép miệng ước được chầu thịt chó. Nảy ngay ý định hóa kiếp Vàng trong đầu lão Bọng. Việc tiếp theo quá dễ dàng.

Đổi kiếp

Con Vàng là chó lạc không biết từ đâu dạt về ngõ Giếng. Cạnh ngõ Giếng còn sót lại một nghĩa trang được quây tường nằm giữa các khu chung cư cao tầng. Vàng quẩn quanh ở đó và thi thoảng lượn vào ngõ Giếng kiếm ăn.

Thằng Cò, con lão Bọng, đang năm cuối phổ thông là người duy nhất trong ngõ có thể tiếp cận con Vàng. Cò hay mang thức ăn cho Vàng bằng cách đem vào nghĩa địa. Chỉ vài ngày là Vàng đã biết đánh hơi Cò để tìm về tận cổng. Vì thế, chả khó khăn gì Cò xích Vàng lại để nuôi. Vàng ngoan ngoãn chấp nhận chức phận mới nhưng nó chỉ phục tùng Cò, còn cảnh giác gầm gừ với tất cả.

Đận ấy Cò đi Trung học Quân sự. Việc chăm sóc Vàng rơi vào tay lão Bọng. Nể con nhưng thái độ xa lạ của con Vàng khiến lão Bọng khó chịu. Hôm đó, Chủ nhật, trong chiếu tổ tôm của đám bạn lão ai đó chép miệng ước được chầu thịt chó. Nảy ngay ý định hóa kiếp Vàng trong đầu lão Bọng. Việc tiếp theo quá dễ dàng.

Vàng bị chịt mõm, treo ngược ở gốc bưởi trong vườn. Chính lão Bọng làm chân cắt tiết. Đúng lúc lão đang vạch cổ Vàng để rạch dao tìm tia máu thì chẳng hiểu sao sợi dây chịt mõm Vàng bị tuột. Chỉ oẳng một cái, cổ tay lão Bọng đã bị Vàng đớp trúng. Máu rịn ra đau điếng, điên tiết, lão Bọng quăng dao, vớ hòn gạch gần đấy đập mạnh.

- Chết m... mày đi.

Chùm truyện cực ngắn của Phạm Ngọc Tiến -0
Minh họa: Lê Tiến Vượng

Vàng toác sọ, ngật cổ chết tươi, lưỡi thè ra đỏ lòm, răng nhe, rớt dãi lua nhua rỏ, nhìn phát khiếp. Kém vui một chút nhưng bữa thịt chó vẫn rôm rả hoàn thành. Cò về giận bố bỏ ăn mất một ngày rồi khuyên bố đi tiêm. Lão Bọng từ hôm giết Vàng bỗng mắc bệnh sợ nơi đông người, cứ ở rịt trong nhà. Ám ảnh cú ngật đầu rớt dãi của Vàng, lão Bọng chịu đi bệnh viện tiêm phòng.

Được non tháng, lão Bọng sợ nước, sợ ánh sáng. Lão Bọng được đưa đến bệnh viện kiểm tra, may mà xét nghiệm không hề có virus dại. Cả nhà yên tâm nhưng riêng lão Bọng thì không. Lão mắc thêm bệnh sợ người và luôn cố thủ trong buồng ngủ. Hãi lắm, lão cứ thu lu ngồi ở góc buồng, miệng lẩm nhẩm gì đó không rõ. Lão không dại nhưng cả nhà phát rồ vì lão. Thằng Cò ân hận đã dụ con Vàng về nhà gây họa. Cuối cùng, buộc phải đưa lão Bọng vào trại tâm thần điều trị.

Ở trại, lão Bọng bình thường không phá phách như những người điên khác. Lão chỉ tìm chỗ ẩn nấp và rúc vào xó nhà ngồi chồm hỗm, giấu mặt. Có ai đó lại gần, lão lẩm nhẩm thành tiếng:

- Vào đây, bố mày đ... cắn đâu mà sợ.

Tam Trinh 11/6/2024

Bệ đỡ

Vầng sáng chói lòa từ cột đèn. Họ nhà bướm dập dờn bay lượn. Cà cuống bay đến. Chúng lượn những vòng hư ảo đầy hãnh diện. Bất chấp sự có mặt của bướm, cà cuống coi như đó là lãnh địa của mình. Có không ít con bướm bị va phải những chiếc cánh xòe của cà cuống, rớt xuống mặt đất. Bướm chúa lên tiếng phản đối lập tức nhận lại lời miệt thị của cà cuống đầu đàn.

- Đồ bướm thối xấu xí. Phắn!

Những con bướm yếu đuối lặng lẽ rời khỏi vầng sáng đậu xuống mặt đất chấp nhận thua cuộc.

Cà cuống bay thấm mệt, lả tả đáp xuống. Khi chúng lại sức, bám đen chân cột đèn để tiếp tục cuộc chơi thì một tai họa ập đến. Những con cà cuống lần lượt bị người thợ săn tinh dầu thộp cổ cho vào giỏ. Loài cà cuống vốn không thể tự đáp lên được từ mặt đất mà phải leo lên độ cao nhất định rồi buông xuống tự rơi để xòe cánh lấy đà mới bay được vào không trung. Vì thế mà gặp họa không thể chạy trốn. Khi cả đàn cà cuống nằm gọn trong giỏ thì bướm chúa đậu ở miệng hom vọng vào:

- Thối xấu xí nhưng chúng tôi tự mình cất được cánh, không cần bệ đỡ. Thế nhé.

Cả giỏ cà cuống im lặng dù cay đến tận đít. Vầng sáng của cột đèn vẫn chói lòa. Họ nhà bướm lại dập dờn bay lượn. Không ai nhớ nơi đây vừa xảy ra bi kịch lớn cho một bầy đàn không thể cất cánh nếu chẳng có bệ đỡ.

Hà Nội 29/3/2017

Lẻ và chẵn

1- Bác sĩ trẻ thăm khám bệnh nhân. Bệnh nhân chừng 3 tuổi sốt cao vào viện cấp cứu đã mấy ngày. Người mẹ rúm ró phờ phạc, mắt thâm quầng ở cuối giường bệnh. Khám cho y lệnh xong, bác sĩ quay sang người mẹ:

- Cháu đỡ sốt rồi, chị đừng lo lắng nữa, nghỉ ngơi đi kẻo ốm cùng con, tội ra. Mà sao người nhà đâu chỉ thấy có mình chị?

Điều dưỡng đế vào:

- Chị ta chỉ có một mình. Tiền tạm ứng vào viện còn chưa đóng.

Bác sĩ nhẹ nhàng:

- Việc của chúng ta là chữa bệnh.

2- Đoàn xe tang đi qua cổng bệnh viện. Những tờ tiền lẻ được rắc xuống đường từ xe tang. Người mẹ bệnh nhi tay cầm cặp lồng đứng nhìn theo những tờ tiền vương vãi trên đường. Một thoáng ngần ngừ rồi chị ta kéo cao cổ áo cố che mặt và cúi xuống nhặt những tờ tiền vương trên đường cho vào cặp lồng. Rất nhiều ánh mắt nhìn thiếu phụ. Đủ đầy mọi trạng thái, nhiều nhất là khinh khi, coi thường. Bác sĩ trẻ đứng nhìn hút theo người mẹ bệnh nhi đang cắm cúi xa dần. Anh dắt xe quay trở lại bệnh viện.

3- Người mẹ bệnh nhi về phòng bệnh. Cặp lồng cháo bốc hơi nghi ngút. Chị đặt cặp lồng cháo lên mặt tủ bệnh nhân. Đang định gọi con trai đang thiêm thiếp ngủ dậy ăn cháo thì mắt chị chạm vào chiếc phong bì đặt ngay cạnh gối con trai. Phong bì trắng không có chữ đề. Chị mở phong bì.

Trong đó là những tờ tiền chẵn. Bất giác, chị xòe tay. Những tờ tiền lẻ đã được xếp lại gọn ghẽ chợt rơi ra. Trên nền nhà phòng bệnh bây giờ là những tờ tiền chẵn, lẻ vương lẫn vào nhau.

Tam Trinh 3/11/2024

Nhiều cuộc đời

Anh sáu tư, em năm chín, đã hai ông già. Em trước, anh sau. Toòng teng ở giữa là chiếc tiểu sứ đựng cốt phủ vải đỏ.

5 giờ sáng mùa đông, tha ma vắng lặng và đen kịt. Em đi trước cầm đèn pin. Vệt sáng ngoằn ngoèo trên lối đi đầy cỏ.

- Anh cẩn thận kẻo trượt, trơn lắm.

- Yên tâm, nhẹ mà, chỉ hơi lắc.

Lắc lư thật. Anh phải xích đòn vai để tay túm được búi dây thừng treo làm quang cho tiểu khỏi lắc. Em dò dẫm lựa đường từng bước một.

Thay áo đưa mẹ về nhà mới, tha ma chỉ một đoạn ngắn là đến huyệt mộ đã xây nhưng sao xa thế. Cứ nặng dần, nặng dần, xoắn cả cơ cổ. Nặng tựa hồ đó không phải là chiếc tiểu nhỏ.

Rồi mãi cũng đến nơi, cả anh và em thở dốc. Túm dây thừng làm quang treo bị xoắn vặn gần đứt.

- Sao nặng thế? Tựa ngàn cân ấy nhỉ. Dạo mẹ còn sống gầy yếu.

- Cõng mẹ mà. Cõng mẹ...

- Ừ, cõng mẹ. Cả đời mẹ cõng, giờ cộng lại...

- Nặng là phải. Linh hồn bao giờ cũng nặng.

Linh hồn mẹ. Mẹ không chỉ là một cuộc đời. Là nhiều cuộc đời gộp lại.

Phía Đông hừng rạng. Lại sắp một bình minh.

Xâm Dương 24/11/2019

Thỏ nâu vô địch

Thỏ nâu nổi tiếng ở cánh rừng vì tài chạy nhanh và chạy khỏe. Không một con thú lớn nào, kể cả sư tử, có thể đuổi kịp thỏ nâu để săn mồi.

Ngay từ nhỏ, thỏ nâu đã được mẹ truyền dạy kỹ năng sinh tồn bằng phương pháp chạy. Thỏ nâu nhớ như in những lời mẹ dạy. Loài thỏ được sinh ra vốn hiền lành, chỉ ăn rau cỏ, không làm hại bất cứ một loài nào và chúng cũng không có khả năng làm hại được ai. Thói đời, kẻ không làm hại được ai thì đổi lại, ai cũng có thể ăn hiếp và bắt nạt được. Bởi vậy, thượng đế sinh ra loài thỏ cho chúng biệt tài chạy nhanh để tồn tại tránh những con thú ăn thịt làm hại. Thấm nhuần bài học kỹ năng từ mẹ, thỏ nâu ra sức luyện tập và trở thành một quán quân về chạy ở cánh rừng. Thỏ nâu luôn hãnh diện với biệt tài chạy nhanh này và tự tấn phong mình là thỏ nâu vô địch.

Vốn đã nhiều lần bị đám thú lớn quần thảo buộc phải trốn chạy thành công, thỏ nâu càng ngày càng tỏ ra tự mãn. Không sợ hãi chui lủi như đồng loại, thỏ nâu còn dám chủ động bỡn cợt trêu chọc đám thú. Từ linh cẩu đến báo vằn hay sư tử chúa sơn lâm đều bị thỏ nâu vờn mặt khiến chúng vô cùng tức giận ra sức đuổi bắt để trừng trị nhưng đều thất bại trước những bước chạy dẻo dai nhanh nhẹn của thỏ nâu.

Hôm ấy, thỏ nâu gặp may vớ được một vạt củ cải bên suối bèn chén no kễnh bụng. Nó khoan khoái thầm nghĩ cuộc đời thật đẹp đẽ và hạnh phúc. Gặp một bầy sư tử đói đang đi kiếm mồi, thỏ nâu hứng chí bèn chạy qua chạy lại giỡn mặt. Điên tiết, bầy sư tử dàn trận quây thỏ nâu. Quá nguy hiểm nhưng rồi thỏ nâu vẫn thắng sau khi cho đám sư tử mệt phờ nằm lăn lóc ở đồng cỏ bìa rừng.

Đứng cách đám sư tử đang thở hồng hộc một đoạn, nhà vô địch thỏ nâu vểnh râu, chìa chân, vẫy cẳng thách thức giễu cợt. Đám sư tử chán nản không phản ứng nhưng bất ngờ từ trên cao, một con đại bàng lao xuống như một lằn chớp. Thỏ nâu vùng chạy nhưng không thể lại được với tốc độ lao bổ của đại bàng.

Chỉ kịp nghĩ hóa ra trên đời này còn có kẻ nhanh hơn cả bước chạy vô địch của mình thì thỏ nâu đã nằm gọn trong móng vuốt của đại bàng và bị nhấc bổng lên trời xanh.

Tam Trinh 21/9/2024

Tình yêu thạch sùng

Tôi có thói quen khi ngồi viết những lúc bí tắc thường nhìn trần nhà. Thư giãn lắm. Trần trắng nhìn lâu ra hình thù những hoa văn đủ kiểu. Trí não tha hồ tưởng tượng và bay bổng. Nhất là ngắm nhìn lũ thạch sùng. Đó thật sự là cả một thế giới. Có đủ chiến tranh, hòa bình, lãnh thổ của từng cặp. Tất nhiên, cả tình yêu đực cái nữa.

Một dạo xây nhà mới. Nhà xây theo lối thời thượng có trần thạch cao đèn chùm và lưới chắn không để lọt muỗi và côn trùng vào nhà. Thế là tiệt mất thạch sùng. Cũng thiêu thiếu nhưng rồi giống người vốn bạc, chỉ ít hôm là thạch sùng chìm vào quên lãng.

Một hôm, bạn tặng thùng sách quý dù đã cũ. Bê vào phòng làm việc. Ngay hôm sau xuất hiện một đôi thạch sùng. Thì ra chúng náu trong thùng sách. Sau ít thời gian bỡ ngỡ, đôi thạch sùng trú ngụ ở hốc trần thạch cao. Tôi lại có dịp được ngửa mặt ngắm chúng theo thói quen tưởng đã mai một. Chúng bên nhau mỗi ngày theo vũ điệu đực cái. Tôi đoán thế vì chúng luôn kè kè quấn quýt. Nhưng rồi, tôi phát hiện đôi thạch sùng ngày một gầy yếu và ít rời khỏi hốc. Chúng ốm chăng. Không phải, mãi rồi tôi cũng hiểu ra chúng đói. Nhà kín mít thế kia đào đâu ra côn trùng, muỗi mắt để ăn. Tối đó, tôi bật đèn sáng, mở cửa lưới. Giây lát côn trùng đã bay vào bám đặc tường. Khỏi nói niềm vui sướng vô bờ của thạch sùng.

Nhưng rồi, cái gì kia. Một con thạch sùng béo mẫm xuất hiện. Có thể nó theo cửa sổ ngỏ lọt vào. Nó là một con đực. Biết thế vì nó tiến tới lãnh thổ đôi thạch sùng chủ nhà bằng sự hung hãn. Tất nhiên là con đực lao ra nghênh tiếp để bảo vệ tổ ấm.

Cuộc chiến khá dai dẳng. Kết cục, con đực chủ nhà rụng đuôi, thua trận và kiệt sức rớt xuống nền nhà. Tôi thấy nó thoi thóp bèn đặt nó vào một góc nhà, hy vọng nó sẽ hồi tỉnh. Đêm ấy tôi quan sát tổ thạch sùng. Không thấy con thạch sùng nào ra ngoài. Bất chợt lòng buồn vu vơ. Chẳng nhẽ con thạch sùng cái đã nhanh chóng đến với người tình mới. Vu vơ thế mà cũng trằn trọc cả đêm dài. Sáng dậy thấy trên trần chỉ có mỗi con thạch sùng mới. Nhìn ra chỗ đặt con thạch sùng thua trận rụng đuôi không thấy nó đâu nữa. Thắc mắc rồi tôi cũng quên ngay chuyện đó.

Con thạch sùng mới ăn nhiều ỉa lắm, cộng thêm chuyện hôm trước bực mình, tôi tìm mọi cách tống khứ nó ra ngoài. Nhà lại tiệt thạch sùng.

Một dạo thấy nhà có thạch sùng con. Rồi tôi bắt gặp lại đôi thạch sùng trước. Con đực đuôi mới chỉ nhu nhú. Như có lằn sét. Nó đấy, con thạch sùng cái đã cứu con đực dìu nhau đi trong đêm hoạn nạn ấy và cuộc sống đã sinh sôi với chúng. Chao ôi tình yêu, vĩ đại làm sao, tình yêu thạch sùng.

Bây giờ thi thoảng tôi lại mở cửa lưới cho côn trùng vào để tri ân một tình yêu đẹp.

Hà Nội 15/12/2016

.
.