Chiếc bóng bên song

Chủ Nhật, 17/09/2023, 14:11

Chúng tôi ngồi lặng nhìn ra cuộc vui không xa trên bờ biển, mà không ai nhìn vào, cũng không ai nhận ra chúng tôi. Nàng mặc váy mịn, ngực nở như huyền thoại miên man. Tôi nhìn khuôn mặt. Nhớ hồi xưa sáng nào nàng cũng bưng cà phê ra đặt xuống cả những điếu thuốc ưa thích của tôi, nhưng tôi không nhận ra nàng một cách sâu sắc như bây giờ.

Buổi triển lãm trong gian nhà xưa gần bờ sông Hương, tác phẩm nghệ thuật ở nhiều lĩnh vực, khách chật kín vào buổi chiều có nắng ấy. Tôi góp vào bức tượng điêu khắc về người phụ nữ bồng con nhìn ra biển, từ phía sau, với một bút danh ít người biết. Gần cuối buổi, phòng triển lãm có dọn rượu vang và trái cây để nâng ly chúc mừng nhau; tôi cứ nấn ná bưng lên đặt xuống, bởi thành phố đang trong thời điểm đo nồng độ cồn gắt gao. Nhưng mọi người đều nâng ly, tôi cũng nhấp rồi nói chuyện cho qua, rồi vờ nghe điện thoại.

Bước chưa khỏi phòng tôi đã gặp nữ họa sĩ có tranh triển lãm bưng ly đến giơ trước mặt. “Mời anh, em nhận ra tác phẩm của anh dẫu không ghi tên thật nha”. Tôi cười. Cụng ly và dốc, cũng không hiểu sao mình lại uống ngon lành vậy. Tôi nói chuyện với nữ họa sĩ nhiều thêm về phòng tranh, về mảng khối và sắc độ màu của một số tác phẩm, vừa với tay qua bàn bưng một dĩa trái cây điềm nhiên ăn, còn cô họa sĩ thì điềm nhiên dấn vào tôi một ly vang nữa.

Trời nhá nhem, đèn cao áp bên đường bắt đầu tỏa. Tôi phanh giật đứng, anh cảnh sát giao thông ra hiệu dừng lại. Không gian đêm, ánh đèn cũng pha màu vàng với da mặt nên cũng không ai nghĩ tôi có uống, nhưng anh cảnh sát đã đưa máy thổi nồng độ yêu cầu tôi thực hiện; rồi anh giơ xem, nhìn tôi...

- Anh Khang!

Một giọng nói nhẹ, và cô gái bước đến bên tôi như cuộc gặp này hoàn toàn rất tự nhiên. Tôi ngớ người, dần dà mới nhận ra, bắt đầu là khuôn mặt đã lưu sắc nét trong ký ức, sau đến là cái tên thường gọi ở nhà của nàng.

- Xí…

Xí, kiểu như nhỏ xíu; cũng kiểu như xấu xí, bởi nàng đẹp nhường ấy nên gọi cho xấu bớt để an lành như quan niệm thường tình.

Anh cảnh sát nhìn khuôn mặt vui tươi của nàng, lại nhìn tôi.

- Hai anh em quen nhau?

Tôi chợt nhớ đến sự vụ trước mắt. Sự có mặt của nàng khiến tôi càng thêm tự tin về mình. Tôi cần tỏ ra là người can đảm nhận lỗi nếu có. Tuy tôi cũng trình bày:

- Báo cáo anh là hôm nay triển lãm tác phẩm nghệ thuật tại bảo tàng văn hóa… Tôi là tác giả góp mặt, có uống ly rượu vang chúc mừng nhau.

Anh cảnh sát nét mặt vui hơn, nói chậm:

- Nồng độ của anh suýt soát ở mức phạt.

9cee45856d5cb802e14d4.jpg -0
Minh họa: Đỗ Dũng

Tôi bây giờ mới thấy rõ nàng hơn trong bộ đồng phục cảnh sát giao thông. Nàng hồi nãy đứng gần ngã ba bùng binh điều tiết ùn tắc, lúc đi lại với đồng nghiệp thì nhận ra tôi ngay.

Cũng đâu đó gần mười năm rồi, nàng mất hút và tôi cũng không biết nàng về phương nào, lấy ai làm chồng. Có dịp ngang qua tôi cũng ngó vào nhà nàng, mọi sự đã khác và nó không gợi cho tôi sự lưu luyến gì. Ngày trước cái sân nhà làm quán cà phê nhỏ, còn bây giờ nó mất dấu hoàn toàn, gia đình nàng cũng không cho ai thuê buôn bán gì. Tôi nghĩ nàng đã theo chồng đến một thành phố rất xa. Chứ không lẽ trong thành phố Huế nhỏ xinh này mà gần chục năm trời tôi không hề gặp nàng, tính cả những lần tôi ngang qua ngôi nhà xưa ấy mà nó luôn đóng cổng.

Tôi nhận lại giấy tờ xe, cảm ơn anh cảnh sát và có ý chào nàng hẹn gặp. Tôi cũng không quên rút điện thoại. Điều bất ngờ xảy ra, nó khiến tôi vừa ngạc nhiên vừa thấy thương thương; nàng chộp điện thoại trên tay tôi và tự nhập số của mình, lưu tên vào đó. Tôi nhìn nàng, nhìn nụ cười chưa nở nhưng toát đầy khuôn mặt. Nàng là đây ư. Người con gái với khuôn mặt buồn rất đẹp ngày xưa giờ như bông hoa trong sương…

*

Ngoài những buổi sáng hồi xưa ấy nàng bưng cà phê ra, rất hiếm hoi tôi có cuộc gặp gỡ thật sự với nàng. Mà cuộc gặp nào cũng khó tả, chính vì nó rơi vào trạng huống khá lạ lùng.

Một thời gian dài đến độ rêu phủ kín bức tường mới, giờ gặp lại nàng tôi bỗng nhớ đến người bạn vong niên của mình. Tôi nhớ ông một cách sâu sắc. Ông cách nhà tôi dăm ngõ, ngay dưới con dốc cắt với đường khác. Hồi mới đến mua đất ở đây, ngày đầu tiên làm nhà, vì tôi quên báo cáo nên tổ trưởng cùng với bên địa chính phường đã đến ngưng xây, thu cả dụng cụ của tốp thợ. Ông đi qua, ghé vào can thiệp. Họ trả đồ lại cho thợ xây, nói là mai tôi cần lên tường trình, làm giấy tờ xin phép xây ngôi nhà cấp bốn này.

Thỉnh thoảng tôi đến uống trà với ông, và ông cũng ghé vào khi thấy tôi ngồi trước hiên. Ông xem tranh, vài tác phẩm điêu khắc; ông còn xem kỹ giá sách của tôi. Ông hỏi tôi đã đọc cuốn này cuốn kia chưa, ông cho mượn. Thú thực ngày trước tôi đọc sách nhiều, còn vào thời điểm quen ông thì ít hơn, chỉ khi bạn bè tặng sách mới đọc, nhạt thì bỏ giữa chừng. Có một bữa ông mang qua mấy cuốn sách cũ, màu giấy ố và xẩm đen nữa. Nhưng tôi thấy là mê, rất thích dạng sách cũ bây giờ không tìm đâu ra như thế. Đó là cuốn “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, đã mất bìa và trang lót, không biết xuất bản năm nào, chỉ ước so với giấy những cuốn sách khác mà ba tôi để lại, thì có lẽ nó in sau những năm tám mươi. Trên trang đầu tiên, có viết hai câu thơ: “Tiếng rên tuyệt vọng đêm khuya vắng/ Não nuột buồn tênh một cõi lòng”, phía dưới ghi chú: “Những ngày nằm viện mổ t.”, thêm dòng ngày tháng, ký tên; nhờ đó tôi biết tên ông. Tôi hỏi ông đã lành chưa, ông không nói gì, điềm tĩnh nhìn xa. Nhiều lúc tôi vẫn nghĩ con người này không đơn giản, chính bởi giọng nói từ tốn, chắc, chỉn chu về nhiều phương diện khác nhau. Ông nói, tặng chú đó. Tôi mừng quýnh.

Điều ngạc nhiên hơn là vào một chiều, tôi cuốc bộ xuống ông với niềm vui vừa hoàn thành tác phẩm, tôi muốn chung ấm trà, và còn nghĩ sẽ rủ ông làm mấy chai Huda, chắc ông không từ chối dẫu tôi chưa hề thấy ông uống bia ở nhà như tôi thỉnh thoảng. Tôi vừa đến cổng thì thấy chiếc xe đạp màu hồng quen quen, từng thấy nó ở đâu. Bước thêm vào, thì tôi nghe tiếng chào.

Tôi chưa hề tưởng đến việc này. Hóa ra trái đất nhỏ hẹp thật. Nàng cũng có phần ngạc nhiên, hỏi: “Nhà anh gần đây à?”. Tôi gật đầu và chỉ tay vào nàng như cần một lời giải thích. Nàng nói bác em. Nàng thì quay xe dắt ra ngõ.

Ông đang rửa rau bên giếng sau nhà. Tôi hỏi ngay về nàng. Ông nói, không phải bác ruột, là bác lại. Nó hồi nhỏ ở đây suốt, lớn rồi ít hơn, còn từ khi nhà mở quán cà phê sáng thì lo bán, chiều tối lo học; chắc mơi mốt lấy chồng thì quên ngõ này luôn đó. Ông cười cười, rửa tay. Tôi khoe về tác phẩm đã hoàn thành, tin chắc là ông thích.

*

Bây giờ bức tượng vẫn đặt nơi góc, bụi phủ trắng. Nó được tạc từ phần gốc và rễ mít tôi mua trong xóm này. Nhớ cái gật đầu trầm tư của ông khi xem bức tượng ngày nào. Buổi đó ông uống với tôi kha khá, hỏi nhiều về quê quán, anh em tôi, công việc hiện tại. Tôi cũng hỏi ông nhiều. Có một điều hơi tiếc là tại sao lúc đó tôi không nhớ đến nàng để hỏi hết những điều tôi luôn muốn biết.

Sáng hôm sau, lúc tôi mới đạp xe từ quán cà phê của nàng về, thấy ông ngồi bên bàn trà ở hiên hút thuốc, cùng một cuốn sách dày. Ông nói tặng thêm chú cuốn này. “Mà chú nhớ đọc nha. Tặng chú toàn sách hay đó”. Tôi vui ra mặt, chưa biết có liều không mà trả lời, “dĩ nhiên rồi ông, con sẽ đọc hết”. Lúc ông về tôi cầm sách xem, ngần ngại đọc vì quá dày. Bìa cứng, đã sờn góc và xộc xệch do lật giở nhiều. Khổ lớn với gần bảy trăm trang sách, quả thực tôi hơi ớn, nhưng nhớ lời hứa với ông nên tôi không đặt nó lên giá sách, mà để ở bàn, dạng như lúc nào ông qua thì cũng nghĩ là tôi đọc đều. Tên của nó: “Người im lặng”, tác giả là một nhà văn rất nổi tiếng.

Tôi mở sách đọc được vài trang đầu, thì nàng nhắn. Lần đầu tiên nàng nhắn mà như đã quen với dạng tin này hàng ngày giữa đôi bên: “Anh nhận giấy mời chưa?”. Tôi chưa hiểu gì, chợm nghĩ có ai đó nhắn nhầm chăng. Tin này qua zalo, tôi mở trang nàng ra mới biết. Nàng để cái ảnh đại diện với khuôn mặt hồi xưa ấy, có thể trước cả thời gian tôi đến uống cà phê ở quán. Bây giờ nàng đầy hơn, dĩ nhiên hấp dẫn, tuy tôi vẫn rất thích khuôn mặt thoảng buồn cuốn hút thuở đó.

Tôi nhắn, “Chào Xí của ngày xưa. Giấy mời gì em?”. Nàng không nhắn lại; một lúc, tôi nhận được ảnh chụp giấy mời, tên họ đầy đủ, chính tôi. Đơn vị của nàng tổ chức Trại sáng tác văn học nghệ thuật “Công an Thừa Thiên Huế - Vì bình yên cuộc sống”. Một lời mời trực tiếp, họa sĩ tôi. Tôi nhớ ngay đến buổi triển lãm vừa qua với bức tượng mẹ bồng con nhìn ra biển từ phía sau, cùng những ly rượu vang, rồi tiếng còi của cảnh sát giao thông, sau nốt là cuộc gặp với nàng.

“Lúc nào rỗi để anh mời Xí cà phê?”. Nàng bảo, “xuống quán em hí”. “Ờ, thì cuốc bộ về ký ức vậy”. Nàng thả cái mặt cười lên dòng tin tôi và bảo: “Sớm mai tầm sáu rưỡi nha anh, có cái quán hay hay em sẽ nhắn sau”. Tôi thả xuống đó một trái tim. Tất cả trở lại yên ắng. Những kỷ niệm về cái quán nàng xa xôi chợt hiện. Tôi cũng nhớ đến chiếc xe đạp màu hồng của nàng từ bờ chè tàu nhà ông.

Chạm tay phải cuốn sách, tôi cầm đọc và suy nghĩ nhiều hơn về ông. Sao ông lại nói tôi nên đọc một cuốn sách dày như thế này, về tình báo. Về một nhân vật “giấu mặt” lẫy lừng. Tôi nhớ ông chỉ là nhân viên văn hóa bình thường, trước đó nữa ông làm ở cơ quan khác cũng vậy. Những hình ảnh của nàng và ông cứ ẩn hiện. Tôi nhớ lại đám tang ông, vào những ngày mưa dầm. Vài lần tôi đến đã gặp nàng ở đó, và nàng thường thay đồ tang chạy xe đi mua sắm. Trong số đến viếng ông, có một đoàn khiến giờ tôi suy nghĩ nhiều, với những vị cao cấp… Dạo đó tôi không để ý gì, nhưng giờ thì khác. Tôi có một tín hiệu lạ khi đọc cuốn sách "Người im lặng" ông tặng và nhắn ẩn ý đến tôi này. Tôi đọc được chừng mươi trang thì cơn buồn ngủ kéo đến. Tôi vào nằm giữa nền nhà, tiếp tục đọc, hé cánh cửa vừa đủ một vạch sáng loang vào trang sách. Mỏi tay, mỏi mắt, tôi đã ngủ lúc nào không hay. Ngủ mà như thức. Vì trong giấc mơ của tôi như là tiếp nối sự thật mới vừa…

Tôi đứng dậy, xem lịch, và rảo bước. Tôi đến thẳng nhà ông, giờ vợ chồng đứa con út ở đó, họ đều biết tôi là bạn vong niên thân thiết của ông. Tôi nói muốn thắp hương cho ông, sắp đến ngày giỗ rồi. Gian nhà ông ở giờ thành nhà thờ, cô dâu mở cánh cửa của ngôi nhà rường cổ, đến kéo bức rèm chuỗi trúc buộc về hai bên ban thờ rồi đi ra. Còn tôi với bức ảnh ông. Tôi thắp nhang, cứ đứng ngẩn nhìn ông. Cắm nhang rồi, tôi bước lại sát vách tường, nơi treo rất nhiều những bức liễn chồng lên nhau; tôi bắt đầu lật từng cái lên đọc dòng chữ trên đó. Như tôi đoán, có những bức liễn của cơ quan an ninh đặc biệt. Tôi đã đoán không nhầm chăng, ông là một chiến sĩ tình báo?

Tôi bước ra ngồi ở hiên, ngày xưa ông vẫn ngồi đó. Có những con người hiền khô như ông, lặng lẽ như ông, im lặng như ông, làm một người dân như ông; một bình thường rất sang; một bình thường mà những người tự xưng bình thường như tôi đến hổ thẹn. Tôi trở về, pha trà, hút thuốc, lặng yên tưởng nhớ đến hình bóng của ông. Thật lạ, là nàng lại thoáng hiện trong tâm trí tôi, trong làn khói huyễn mộng phiêu bồng.

*

Chúng tôi được xe của ban tổ chức đưa đi thực tế ở huyện Phú Lộc với vùng đầm phá mênh mang. Sẽ nghỉ lại đêm ở khách sạn gần biển, tạo cho thành viên dự trại sáng tác có cảm hứng về biển, về những con thuyền nhấp nhô, về sự mênh mông nghìn trùng của sóng, mở không gian suy ngẫm về biển đảo quê hương. Tôi vẫn nhớ đến tác phẩm điêu khắc của mình, người mẹ bồng con nhìn ra biển từ phía sau. Có thể, tôi sẽ vẽ lại một bức tranh tương tự, về người đàn bà trước biển, với khuôn mặt hao hao nàng chăng? Tôi tưởng đến cảnh cùng nàng bước trong hơi lạnh, trời sáng dần từ những vệt đỏ của vầng mặt trời loang dưới biển.

Tôi và ông bạn nhiếp ảnh đi dọc hai vòng trên bãi, gặp mấy người ngủ trên cát. Khi trời đã có tín hiệu của ánh sáng, tôi chủ động bước ngược lại rồi cứ nhìn về những bậc thềm có ánh điện tỏa ở đó, không thấy nàng. Tôi quanh quẩn mãi đợi nàng. Nhưng cho đến khi nắng đã nhuộm vàng bãi cát, tiếng sóng không còn trong nữa, nhiều người gọi nhau vào ăn sáng để cuộc đi thực tế đúng thời gian, tôi mới chắc nàng không ra biển. Mới biết nàng cũng không ở lại khách sạn, mà về hồi đêm, khi cuộc lửa trại sắp tàn.

Tôi cố tư duy về tác phẩm của mình. Tôi soạn ra trong đầu những gam màu, những khoảng không, cả sóng gió bên những con thuyền. Về một người đàn bà chơ vơ… Và sẽ không ai thấy nỗi bơ vơ của chính tác giả.

Đoàn đến thực tế ở một trại giam. Tôi cố định không gian bức tranh của mình ở biển, nên ít quan tâm đến chất liệu sáng tác nơi này, nhưng có ông bạn nhà văn rủ vào ngồi cùng, nên theo. Trước mặt chúng tôi là một chiến sĩ công an, bên cạnh là hai phạm nhân.

Người thanh niên hơi gầy, điển trai, từ tốn chia sẻ hoàn cảnh phạm tội của mình, có đôi chỗ sao đó mà anh ta nói lại, nhờ nhà văn đính chính. Tôi hỏi anh thường thì mấy tháng vợ con đến thăm một lần. Anh lắc đầu, buồn bã nói cô ấy đã gửi đơn ly hôn… Tôi hỏi cô ấy muốn lấy chồng chăng? Anh ta cúi xuống yên lặng, như không biết, như không muốn trả lời.

Tôi lặng nhìn anh ta kỹ hơn. Một con người đã thật lòng, với đôi mắt ấy, với nỗi niềm toát lên khuôn mặt hơi gầy nom khá phong độ. Tôi nhìn ra cửa, rồi đứng dậy bước đến một gốc cây hút thuốc.

Một nữ phạm nhân nhổ cỏ cách đó từ hàng rau thứ ba, nhìn tôi. Thoáng sững trước sắc đẹp ấy, đoạn tôi làm lơ. Cô gái thả nắm cỏ, vẫn nhìn tôi như muốn nói: Anh không nhận ra ai nữa à!

Tôi cố tưởng tượng ra một tình huống khác đi. Cô ta bước tới, e dè hỏi nhỏ:

- Anh là nhà gì đó phải không?

Tôi gượng cười. Chợm nghĩ cô gái muốn kể về những góc khuất tình duyên trong đời chăng.

- Không em! Anh… một người bình thường thôi.

Trời gắt, nhưng trong. Mây trắng ngần giữa nền xanh.

*

Tôi nhớ đến nàng trong đêm giao lưu. Sau đó là cuộc đốt lửa trại, tiếp tục giao lưu văn nghệ cho đến khuya, trên bãi biển. Tôi không ra đó, chỉ ngồi nhìn, vòng người nối nhau vây quanh ngọn lửa, hát và nhảy.

Tôi ngồi trên chiếc chõng tre đặt gần những bậc thềm xuống bãi biển, có lẽ cũng do nàng đã ngồi đó. Một khách sạn sang trọng đặc biệt, bãi biển liền kề, với con đường ra biển đẹp như cơn mê dài. Chúng tôi ngồi lặng nhìn ra cuộc vui không xa trên bờ biển, mà không ai nhìn vào, cũng không ai nhận ra chúng tôi. Nàng mặc váy mịn, ngực nở như huyền thoại miên man. Tôi nhìn khuôn mặt. Nhớ hồi xưa sáng nào nàng cũng bưng cà phê ra đặt xuống cả những điếu thuốc ưa thích của tôi, nhưng tôi không nhận ra nàng một cách sâu sắc như bây giờ. Điều khiến tôi thích khuôn mặt của nàng là vẫn thoảng nét u buồn, nó toát ra một mật ngữ tỏa đến tôi rười rượi. Tại sao chúng tôi đều im lặng khá lâu, mà lúc tôi lên tiếng thì lại là một câu hỏi: “Gia đình em ổn chứ?”. Nàng lặng yêu trong bóng tối phảng phất, khẽ cúi, rồi nhìn ra biển phía bên trái. Có lẽ khóc thì nàng sẽ hạnh phúc chăng. Khẽ gật đầu, rồi nàng nói: “Con em ngoan lắm...”.

Tự nhiên tôi nhớ đến ông. Nhớ trong thầm lặng, bởi nàng không phải cháu ruột của ông, mức độ thân thiết chắc cũng không quá sâu đậm. Tôi gợi chuyện, về lần gặp nàng dắt xe ra từ nhà ông, chiếc xe màu hồng tươi như môi trinh khiết. Tôi nhắc mà không còn nhớ là hình ảnh đó thật có hay chỉ là mộng mị. Một số trường đoạn trong mơ về ông, tôi vẫn ngỡ đó là thật. Nàng cười hiền, bảo “hồi ấy chắc anh chưa đến xóm ông ở, em hay đến đó. Ông định hướng nghề cho em. Có điều…”. Nàng tự nhiên im lặng. “… em tin ông, mà lại không nghe lời ông khi lấy hắn. Ông không khuyên em đừng yêu, chỉ nhắc nhẹ là ông không thích dạng người như anh ta”.

Tôi nhìn qua nàng, đôi mắt đen, sâu hơn. Sóng biển đánh sạt vào nghe chát. “Cho đến khi anh ta phạm tội, em vẫn không để ý đến lời ông như em nhớ lại bây giờ. Cũng bởi em là người trong ngành, nghĩ ai cũng dễ lầm lỗi, và có cơ hội để làm lại. Với lại anh biết sao không…?”. Nàng im lặng, quay người dứt khoát. Tôi nghĩ nàng sẽ không nói gì thêm nữa. Tôi cũng không nhìn nàng. Nhưng nàng đã nói bên tai tôi: “Tội lỗi gì cũng tha thứ được, anh ta có ở tù bao năm em cũng nhận, nhưng hắn giấu em mà ở với con khác thì… khác rồi”. Giọng nàng run và méo, tôi nghĩ nàng sẽ khóc, ít nhất là nước mắt đã duềnh lên. Sự yên lặng giữa chúng tôi khiến tất cả âm thanh rõ nét thêm, tôi nghe được cả tiếng ới nhau của dân chài từ xa nơi khoảng tối mịt. Tiếng sóng biển có những lớp âm thanh chồng lên nhau và tôi cũng tách biệt được cả những rì rào, thầm thì trên bãi ướt.

*

Tôi đang nhìn theo nữ phạm nhân còn nguyên mùa nhan sắc trên nét mặt, thì nàng nhắn: “Em công tác xa đột xuất. Số điện thoại và zalo này tạm hủy. Chưa hẹn ngày gặp lại. Nhé anh”.

Truyện ngắn của Nhụy Nguyên
.
.