Chị Đỏ

Thứ Hai, 07/04/2025, 09:02

Chị Đỏ người bé quắt, người ta bảo hồi còn thanh nữ chị là một cô gái mỏng mày hay hạt. Những người con gái mỏng mày hay hạt bao giờ cũng được cánh đàn ông con trai ưa thích, bởi những người con gái mỏng mày hay hạt là những người con gái có khuôn mặt nhẹ nhõm xinh xắn, dáng người thon thả thắt đáy lưng ong.

Chị tuy vậy nhưng lại là người ăn nói rất có văn hóa. Ví dụ như, chị không bao giờ nói “đi đái” mà nói là “đi giải”. Ví dụ như, chị không nói là “đi...” mà nói là “đi cầu”. Đại khái như thế, những lúc “cơn” lên, chị nói như gào, hai tay khua khua vẫy vẫy kiểu như cảnh sát giao thông đang điều khiển giao thông cả tiếng đồng hồ ngay trước cổng bệnh viện X, đấy là vào giờ cao điểm, người và xe cộ ra vào cổng bệnh viện, người và xe cộ lưu thông trên đường. Đường phố chạy trước cổng bệnh viện X vốn đã nhỏ những lúc đó lại càng như hẹp lại. Chị Đỏ cứ sáng sáng làm công việc như thế nhưng tuyệt nhiên không có câu nói nào tục tĩu hay nói càn, nói gắt gỏng nào. Tôi hình dung ra chị khi đó hệt như một “hoạt náo viên”, vừa gây sự chú ý cho mọi người lại vừa giúp người xe đi đứng cẩn thận hơn.

Chị Đỏ năm nay đã ngoài bảy mươi, tuổi ấy người ta gọi chị là bà, là cụ, nhưng khi nói chuyện với một ai đó cho dù người đó tuổi tác bao nhiêu thì chị vẫn một điều xưng “chị” và gọi người đối diện là “em” một cách rất chan hòa, cách nói ấy làm mọi người thích thú và dần trở nên thân thiện với chị, cảm thông với chị.

Nghe đâu, chị từng làm hộ lý ở bệnh viện này, bởi vậy nên chị mới thường xuyên xuất hiện không chỉ trước cổng bệnh viện X mà còn cả ở trong bệnh viện. Lại nghe đâu chị còn được bệnh viện phân cho một căn hộ nhỏ ở khu tập thể bệnh viện ngay gần đấy. Căn hộ đó người ta bảo chị cho thuê, hằng tháng chị từ quê ra Hà Nội để thu tiền nhà. Chị Đỏ ở chơi Hà Nội vài ba hôm rồi lại về quê nương nhờ nhà của đứa cháu ruột. Có người bảo: “Sao không thu tiền theo quý, theo năm cho đỡ đi lại cách rách?”. Chị không nghe lời khuyên ấy mà cứ đều đều mấy ngày đầu tháng nào cũng đến thu tiền nhà. Chị nói với người đã khuyên: “Chả nhẽ cứ ru rú ở quê mãi sao. Lên Hà Nội cho nó sáng chứ”.

z6469714067606_5bf537536fc16fa20a8e5d9096484340.jpg -0
Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Những lúc chị Đỏ đứng trước cổng bệnh viện X để “gào”, để khua tay, chừng như mươi mười lăm phút, khi cảnh xe cộ, người ngợm chen chúc trên đường đã vãn thì chị đến ngồi quán nước chè trước cổng bệnh viện. Chị ngồi đó trông rất hiền lành, hứng lên thì chị hát. Chị hay hát những câu dân ca như: “Lúa thu xanh mượt cánh đồng/ Lân kha chớ vội nở đòng chàng ơi/ Mến chàng thiếp đã ra chơi/ Xin chàng chớ vội ngỏ lời nước non...” hay như câu: “Trống quân ai lập lên đây/ Áo dải làm chiếu, khăn quây làm mùng/ Đùa vui hát dưới trăng trong/ Lòng ai như chan chứa tình yêu thương”. Người ta bảo đó là những câu hát trong điệu “Trống quân Dạ Trạch” của quê chị.

Chị tuy vậy nhưng lại là người đàng hoàng. Ví dụ như, chị uống trà đá ở quán ông Nghĩa hay quán cậu Ninh thì chị đều trả tiền sòng phẳng. Ví dụ như, chị mua điếu thuốc lá nào thì trả tiền điếu thuốc đó. Chị bảo: “Chị có ối tiền. Nợ nần làm gì cho mang tiếng, lại thêm phần áy náy”. Thành thử, chị ăn nói hay uống nước cứ nhẹ tênh tênh chẳng khi nào mang ơn ai cả.

Người ta bảo: “Cái nhà chị Đỏ này quê ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội một dải đê sông Hồng về phía cuối dòng”. Người ta còn nói thêm: “Quê cái nhà chị Đỏ này có huyền tích về Dạ Trạch, có nghĩa là “Đầm một đêm”. Quê nhà chị Đỏ ngoài câu chuyện “Chử Đồng Tử - Tiên Dung” còn có điệu hát dân gian gọi là “Trống quân Dạ Trạch”, nức tiếng một thời chẳng những ở Phủ Khoái mà còn cả ở tỉnh Hưng Yên nữa.

Người ta lại bảo: “Theo truyền thuyết kể lại, vào đời Vua Hùng thứ ba, công chúa Tiên Dung trong một chuyến du ngoạn trên thuyền dọc theo sông Hồng đã có mối duyên kỳ ngộ với chàng trai nghèo Chử Đồng Tử. Đôi vợ chồng không môn đăng hộ đối ấy đã cùng người dân cải tạo cả một vùng lau sậy bạt ngàn và những bãi cát phù sa hoang sơ thành làng quê trù phú. Công chúa Tiên Dung đã dạy cho dân làng cách trồng lúa, cách ươm tơ, cách dệt vải và dạy cả điệu hát trống quân. Tương truyền thì điệu hát trống quân ra đời từ dạo đó”.

Có một lần chị Đỏ ngồi uống trà đá ở quán nước của cậu Ninh, đối diện cổng bệnh viện X, sau khi hút hết điếu thuốc lá Thăng Long loại bao mềm thì chị bất ngờ quay sang nói với tôi. Chị bảo: “Em có biết không? Hát trống quân là lối hát đối đáp giao duyên đấy em ạ”. Tôi nghe chị nói thế thì hơi giật mình, bởi lẽ cứ ngỡ chị chẳng biết gì hết, người ta bảo chị bị điên mà. Chị cười cười: “Lối hát đó như chị được các cụ cho hay thì nó thuộc loại hình diễn xướng”. Ánh mắt chị sáng rực lên, đầy vẻ háo hức như sắp bước vào lễ hội vậy. Chị nói tiếp: “Vào ngày lễ, tết dân làng chị kéo nhau ra sân đình hát đối đáp, vui lắm, còn vui hơn cả tết ấy chứ”. Chị Đỏ với với tay kiểu muốn kéo tôi lại gần hơn: “Khi nào em về quê chị chơi nhé. Để chị dẫn đi xem hát trống quân ngoài đình làng”. Tôi thấy chị khi nói về điều ấy mặt mày vừa tươi roi rói lên, lại vừa có một chút bẽn lẽn của những cô gái làng đến tuổi cập kê vậy.

Chị Đỏ lại rít một hơi thuốc dài, rít xong lại vời tay tôi nói tiếp: “Điệu hát trống quân ấy á, các cụ quê chị bảo nó mang đậm nét dân dã với lại sự mộc mạc của làn điệu đã làm đời này qua đời khác nhớ mãi, lưu truyền mãi, em ạ”. Về điệu hát “Trống quân Dạ Trạch” thì tôi cũng đã vài lần được nghe tới, chả là quê vợ tôi ở huyện Khoái Châu mà, có lần về chơi quê vợ vào dịp đầu xuân tôi đã được đi xem hát và được giảng giải: “Điệu hát này không chỉ là âm nhạc dân gian đơn thuần, bởi điệu hát đối đáp nam nữ ấy vừa thể hiện sự trí tuệ, tài hoa, linh hoạt trong sử dụng ngôn từ, câu chữ của những chàng trai cô gái làng chân chất”.

Tôi nghe giải thích và được nghe chị Đỏ nói thêm nên hiểu ra rằng: “Lời câu hát phong phú của điệu “Trống quân Dạ Trạch” được chắt lọc từ chính phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, triết lý nhân sinh của người dân vùng đất bồi phù sa ven sông Hồng”. Người ta bảo: “Hát trống quân gắn liền với sinh hoạt cộng đồng làng xã trong suốt chiều dài lịch sử của người dân quê nhãn Hưng Yên”.

Chao ơi, thế mà người ta cứ bảo là chị Đỏ bị điên, người điên gì mà ăn nói có hiểu biết sâu sắc đến như thế thì chắc trên đời này có mỗi mình chị Đỏ mà thôi? Tôi khi nghe chị Đỏ nói như vậy thì bỗng có cảm tình với chị, hình ảnh một người đàn bà dở điên dở dại trong tôi tan biến. Chị Đỏ, theo như tôi nghĩ, thì đâu có bị điên, chắc chuyện này có uẩn khúc gì thôi, vả lại chẳng qua người ta thấy chị đứng trước cổng bệnh viện mà “gào” lên, mà khua tay rối rít, giọng sang sảng, giọng lảnh lót giữa chốn đông người qua lại mà toàn là người xa lạ nên họ “vu” cho chị là “điên”, chứ thực tình điên mà hiểu biết như chị thì mấy người “tỉnh” có được.

Có lần tôi đã nói với mấy người ngồi uống nước bên cạnh nói thầm vào tai nhau: “Chắc hồi trẻ cái nhà chị Đỏ này xinh xắn phải biết và hát trống quân cũng ngọt ngào lắm đây”. Mấy người còn thì thầm tiếp: “Không những hát hay mà cái nhà chị Đỏ này còn rất thấm từng câu hát, rất sâu từng lời hát”.

Chị Đỏ người bé quắt, người ta bảo hồi còn thanh nữ chị là một cô gái mỏng mày hay hạt. Những người con gái mỏng mày hay hạt bao giờ cũng được cánh đàn ông con trai ưa thích, bởi những người con gái mỏng mày hay hạt là những người con gái có khuôn mặt nhẹ nhõm xinh xắn, dáng người thon thả thắt đáy lưng ong. Người ta bảo: Những người mỏng mày hay hạt thường có tính tình dễ chịu, chẳng giận ai bao giờ nên cũng chẳng có ai giận”. Người ta còn nói thêm: “Những người con gái mỏng mày hay hạt thường được người con trai đem lòng yêu mến ngay từ cái nhìn đầu tiên”.

Năm 1970, khi vừa tròn 17 tuổi, chị Đỏ đi thanh niên xung phong. Đơn vị thanh niên xung phong của chị đóng quân ở một cung đường thuộc loại trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Những ngày tháng của năm 1970 đó, cung đường do đơn vị thanh niên xung phong của chị Đỏ đảm nhiệm hầu như chẳng lúc nào ngớt tiếng bom Mỹ. Bom Mỹ dội xuống cung đường suốt ngày. Những tiếng bom nổ chát chúa đinh tai nhức óc ấy vậy mà chẳng làm những cô thanh niên xung phong trẻ chùn bước. Ngớt tiếng bom nổ là các cô nhào vội ra đường, nhanh chóng san lấp hố bom, đánh dấu những vị trí có bom nổ chậm. Ác liệt thế mà chẳng ai thấy sợ. Có lần chị Đỏ bảo: “Nghe bom nổ mãi cũng quen. Quen rồi nên thấy chẳng có gì ghê gớm cả”.

Người ta bảo: “Gia đình chị Đỏ thuộc loại neo người. Thầy u chị đẻ những mấy người con nhưng đều có sinh mà không có sống. Mấy anh chị của chị Đỏ thường mất ngay khi sinh, cùng lắm thì cũng được vài ba tháng rồi tự nhiên phát bệnh mà chết. Mãi cho đến khi những người trong làng mách bảo thì thầy u chị mới nhờ thầy cúng đến nhà cúng bái nhờ giải vía tiệt diệt. Nghe đâu, khi u có thai thì thầy u chị đã nhờ thầy cúng “đặt” tên cho con ngay từ trong bụng mẹ để gọi là đứa trẻ sinh ra được thành người. Người anh của chị Đỏ được thầy cúng đặt tên là “Mực”. Cái tên nghe tối om om, lại có vẻ như cái tên đó người làng dùng để chỉ con chó đen, nên cả làng Dạ Trạch chẳng có ai đặt tên con lại “tối tăm” tên gọi con chó đen như vậy. Họ hay tin ông thầy cúng đặt tên như vậy thì cứ lắc đầu, cứ chạnh lòng mà nghĩ không biết có thành người được không?”.

Nhưng, chính nhờ cái tên “Mực” đó mà người anh của chị Đỏ sinh ra không mất như những người con trước. Anh Mực sống và khỏe như bao đứa trẻ khác. Bảy mươi tuổi vẫn còn vác cày ra đồng như trai tráng. Lại đẻ sòn sòn đủ ba trai, ba gái. Dân quê lại đông con nên “anh Mực” cũng nghèo túng. Người ta bảo: “Chị Đỏ phải đỡ đần vợ chồng con cái giúp người anh trai”. Đấy cũng có thể là lý do chị chưa bao giờ lấy chồng cho dù người ta bảo trong làng có ối chàng trai thích chị”.

Lại nói về chị Đỏ, người ta bảo khi mang thai chị thì u chị cũng nhờ thầy cúng đến nhà đặt tên cho. Ông thầy cúng dường như cũng có chút “ân hận” về cái tên không sáng sủa của người con trước nên lần này đặt tên cho đứa trẻ trong bụng mẹ tên là “Đỏ” cho nó sáng sủa hơn. Chị sinh ra được thành người nhưng nghe đâu ông thầy cúng có phán: “Nó sẽ sống nhưng cuộc đời không son đâu”. Thầy u chị nghe phán vậy cũng chẳng hiểu ra sao, họ chỉ mong đứa con được sinh ra, được sống là phúc lắm rồi.

Cái tên Đỏ nhưng cuộc đời không son đúng là vận vào chị. Xinh xắn, hát hay, được nhiều trai làng để ý, nhưng chị Đỏ đến tuổi cập kê lại xung phong vào tuyến lửa làm thanh niên xung phong. Cuộc đời chị “vất vả” ngay từ dạo ấy. Những câu hát trống quân thể hiện tình yêu nam nữ ấy vậy mà với chị Đỏ hầu như nó chẳng vận vào người chút nào.

Những lúc “tỉnh”, chị Đỏ lại ngồi uống trà đá và hát: “Có đám mây xanh/ Trên trời... thời... có đám mây xanh/ Ở giữa... thời... mây trắng... ấy... chung quanh mây bên vàng... ư…/ Ước gì... thời... anh lấy được nàng thì anh... này.../ Mua gạch... ấy.. Bát Tràng đem về xây... ư”. Chị Đỏ vừa hát, vừa đứng múa theo điệu hát. Nhìn chị múa dẻo ơi là dẻo, mấy ai nghĩ chị Đỏ dở người, người ta đang nghĩ đến một cô văn công bộ đội nào đấy. Chị Đỏ ngừng lời hát, với tay châm điếu thuốc lá, rít một hơi dài, ngửa đầu lên trời phả hết khói rồi lại hát tiếp: “Xây dọc... thời... anh lại xây ngang... chứ... xây hồ... thời... bán nguyệt... ấy... cho nàng chân rửa chân... ư…/ Nên chăng... thời... tình ái nghĩa ân/ Chẳng nân... này... phi giả... ấy... về dân Tràng Bát Tràng”.

Chị Đỏ sáng nay lại đứng trước cổng bệnh viện X mà “gào”, mà khua tay rối rít. Bấy giờ tôi mới để ý xem chị Đỏ gào lên những câu gì. Thú thực, mấy lần trước tôi không để ý chỉ vì tiếng gào của chị cứ lảnh lót ong tai nên tôi vội lảng đi chỗ khác. Lần này thì tôi chú tâm lắng nghe, chị Đỏ khua tay rối rít, miệng gào lên “Đồng chí lái xe kia ơi, cho xe chạy nhanh lên, chúng nó lại sắp quay lại ném bom đấy!”. Tôi láng máng câu gào to của chị, hình như chị Đỏ đang nhắc lại chuyện ngày xưa thì phải. Nhất là có lúc chị Đỏ lại gào lên sang sảng “Chỗ đó có bom nổ chậm đấy. Anh lái xe ơi, chạy vòng sang bên trái đi”.

Người ta bảo: “Hồi còn là thanh niên xung phong, chị hăng hái nhiệt tình lắm. Vào cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” nên tuy dáng người mỏng mày hay hạt ấy vậy mà chị rất khỏe. Cứ chạy đi chạy lại, cứ gọi to suốt ngày mà không hề thấy mệt. San lấp hố bom xong, cùng chị em quay về lán, ăn vội bát cơm là chị đặt lưng xuống võng ngủ liền. Nhưng, hễ nghe xa xa có tiếng máy bay là chẳng cần ai đánh thức, chị Đỏ cùng các chị em bật dậy. Họ nhấp nhổm trong hầm chữ A, mắt ngóng lên trời nhìn bầy máy bay Mỹ quần thảo. Bom nổ thì rụt đầu vào hầm, bom ngớt lại ngóng lên trời, miệng lẩm nhẩm”.

Người ta bảo: “Các chị lẩm nhẩm như vậy là nghe xem có bao nhiêu tiếng bom nổ”. Người ta còn bảo: “Lúc ngóng mắt lên nhìn trời, các chị đã nhẩm đếm số bom máy bay Mỹ thả xuống”. Ví dụ như các chị đếm được máy bay Mỹ đã thả mười quả bom chẳng hạn nhưng chỉ nghe thấy có bảy tiếng nổ tức là còn ba quả bom chưa nổ. Đó là những quả bom nổ chậm, rất nguy hiểm một khi có chiếc ô tô nào của bộ đội ta chạy qua. Các cô thanh niên xung phong ngớt tiếng bom là nhao lên mặt đường, chân đi dò dẫm, mắt liếc tinh tường, phát hiện vị trí có quả bom nổ chậm đang nằm im lìm, đang lẩn trốn dưới đất. Các cô thanh niên xung phóng vội đến vị trí đó xác minh rồi cắm lá cờ nhỏ, đánh dấu chỗ đó có bom nổ chậm.

Người ta bảo: “Đơn vị thanh niên xung phong của chị Đỏ toàn những cô gái tuổi mười tám đôi mươi. Trẻ trung và nhiệt tình. Họ chẳng sợ chết mà chỉ lo không san lấp đường cho kịp những chuyến xe chở hàng vào mặt trận. Người ta còn đồn: “Suốt những năm sống chỉ toàn con gái với nhau nên các cô thanh niên xung phong thường bị mắc chứng “hysteria”. Họ còn đồn rằng: “Những bữa các cô lên cơn “hysteria” thì kinh hãi lắm. Các cô ấy lên cơn co giật, cơ cứng sững sờ rồi vật vã, la hét, rồi đập giường đập võng, rồi kêu khóc. Khi ấy, những cô còn khỏe phải xúm nhau đè người lên cơn nằm xuống, vừa xoa xoa bóp bóp, vừa òa khóc tức tưởi vì thương bạn. Phải cho đến khi có anh lái xe nào chạy xe qua vội dừng lại đến bên nắn nắn khắp người một hồi thì các cô ấy mới trở lại bình thường”.

Người ta còn đồn thêm: “Đó là bệnh thiếu hay bệnh thèm đàn ông. Khi lên cơn “hysteria”, nếu được bàn tay người con trai nào đó đến bóp vú nắn ngực thì nhanh khỏi. Khỏi là các cô thanh niên xung phong lại nhao vội lên mặt đường hì hụi san san lấp lấp hố bom như chưa hề có chuyện gì xảy ra”. Người ta còn nói thêm: “Các anh bộ đội lái xe đã quá quen với chuyện lên cơn “hysteria” như thế nên mỗi khi chạy xe qua cung đường có các cô thanh niên xung phong đảm nhiệm lại ngó đầu ra khỏi cửa xe gọi toáng lên những câu như: “Em Xoan yêu quý của anh ơi” hay “Cúc ơi. Anh về rồi đây”. Những câu nói ai cũng hiểu là trò đùa tếu táo nhưng các cô thanh niên xung phong thì thích ra mặt. Các cô bấu vai nhau cười rinh rích rồi cũng đùa lại: “Em vẫn chờ anh quay về đấy” hay “Các anh đi an toàn nhé. Đã có chúng em lo chuyện đường sá với phá bom nổ chậm rồi”.

Có lần tôi nghe chị Đỏ hát thầm thì “Anh sắm cành đa/ Tháng bảy anh sắm cành đa. Hẹn nàng tháng tám nàng ra chốn này/ Bây giờ trông thấy nàng đâu/ Hay là nàng bỏ chốn này... đi... nàng đi”. Câu hát nghe như lời trách cứ, nghe như lời chàng trai đang dỗi hờn với cô gái mà mình thầm thương trộm nhớ. Người ta bảo: “Hình như chị Đỏ hồi thanh xuân có anh bộ đội lái xe nào đấy hứa hẹn thì phải”. Người ta còn nói thêm: “Mà đâu như chính chị Đỏ là người đã bỏ lời hẹn ước ấy. Có thế bây giờ kiểu như “nghĩ lại”, chị mới hát lời than vãn của người con trai xưa ấy?”.

Cũng có lần chị Đỏ hát: “Trăm năm tính cuộc vuông tròn/ Anh tìm đâu được người hơn là nàng/ Anh xin gửi tấm lòng vàng/ Anh quyết yêu nàng, nàng chớ quên anh”. Người ta bảo đấy là lời nhắn nhủ của người con trai đã dành cho chị? Người ta còn nói thêm: “Những năm tháng đi thanh niên xung phong mà chị Đỏ đã bỏ lỡ cơ hội được có người yêu mình, được có người mình yêu”. Tóm lại là chị Đỏ như người ta bảo: “Cái nhà chị Đỏ này bảy mươi tuổi hơn rồi vẫn còn trinh cơ đấy”.

Tôi chợt nhớ, có lần về quê vợ chơi Tết, được nghe câu hát: “Gần xa nô nức yến oanh/ Sân đình chật ních trai thanh gái tài/ Đôi ta vào hội hát chơi/ Trước sau rồi sẽ thành đôi vợ chồng”. Thì ra, ở làng quê, trai gái đến tuổi dựng vợ gả chồng thường hẹn nhau ngày Tết ra sân đình vui hát và cũng là dịp để hẹn hò thề ước mong được về chung thầy chung u. Cái câu nói: “Nó sẽ sống nhưng cuộc đời không son đâu” của ông thầy cúng ngày trước xem ra cũng có lý.

Người ta bảo: “Bệnh dở dở điên điên của chị Đỏ hiện nay xuất phát từ sang chấn tâm lý. Chị Đỏ đâu chỉ có sang chấn tâm lý một lần mà chị bị sang chấn tâm lý những ba lần kia”. Lần sang chấn tâm lý đầu tiên là chuyện các cô thanh niên xung phong suốt ngày bị bom Mỹ nổ đinh tai nhức óc. Tiếng nổ của bom Mỹ đã làm các cô, nhất là chị Đỏ bị ám ảnh đến nỗi “phát điên”. Lần sang chấn tâm lý thứ hai là chuyện sau khi từ đơn vị thanh niên xung phong trở về làng thì chị Đỏ phải cùng vợ chồng người anh trai tất bật lo toan miếng cơm manh áo. Lo toan nặng nề đến nỗi hầu như chị chẳng có phút nào để tự lo cho chính bản thân mình.

Người ta bảo: “Chị Đỏ về hưu cũng có chút lương hưu ít ỏi. Cộng cho thuê nhà cũng có món tiền tàm tạm, nhưng số tiền đó lại được chị đem ra cưu mang gia đình người anh trai. Thành thử, chị chẳng tích cóp được đồng nào để lo cho bản thân. Người ta còn nói thêm: “Cứ quanh quẩn lo toan cho người anh trai mà chị Đỏ lỡ một thời con gái. Chị chẳng dám nhận lời một người đàn ông nào vì sợ một khi nhận lời người ta rồi thì chẳng còn lo cho gia đình người anh trai được nữa”.

Còn sang chấn tâm lý thứ ba là chuyện trai gái. Chị Đỏ lỡ thì là đương nhiên rồi. Chị héo mòn là đương nhiên rồi. Nhưng, thẳm sâu trong lòng chị vẫn là nỗi khát khao được yêu bị nén chặt. Hình như, đâu đó ở trong con người đàn bà của chị vẫn âm ỉ niềm khao khát ấy?

Chuyện này tôi tin. Chị Đỏ sau khi uống xong cốc nước trà đá, hút xong điếu thuốc lá Thăng Long loại bao mềm thì đứng dậy trả tiền sòng phẳng và chị bước đi. Dáng chị liêu xiêu, vẳng lại phía sau là một lời hát nghe ngọt ngào, nghe tủi hờn, nghe tự giận trách. Chị Đỏ hát: “Xin chàng mong mỏi làm chi/ Giữ lời hẹn ước em thì ra đây/ Hẳn là rồng được gặp mây/ Bõ đêm chàng đợi, bõ ngày chàng mong”.

2 tháng 12 năm 2024

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Văn
.
.