Cây mộc hương đơm hoa

Thứ Năm, 09/09/2021, 15:21

Tất cả đều cũ và tàn tạ đi kể từ lần vợ chồng tôi dọn nhà khỏi chốn này. Duy cây Mộc hương lớn phổng lên và đang kỳ trổ hoa, mùi hương ngòn ngọt lan tỏa ngào ngạt khắp không gian chật hẹp. Nó khiến tâm trạng tôi chùng hẳn, mềm đi sau khi thở dài trước những thứ xộc xệch đập vào mắt. Tôi đã rất ngần ngừ với việc có nên mang cây Mộc hương đi cùng hay không. Bởi khi trồng nó xuống, tôi không ngờ ngày mình dọn đi đến sớm như vậy.

Ừ thì là một cái cây có hương thơm. Tôi không nguôi nghĩ đến nó khi một dịp công tác ngoài Hà Nội, phát hiện ra một mùi hương tinh khiết tràn ngập cả con phố. Mùi hương như một thần dược vô hình khiến mọi giác quan của tôi đang căng tức vì sự xa lạ, vì âm thanh phố thị ồn ã bỗng chùng hẳn đi, ngoan ngoãn chịu sự vỗ về. “Mùi thơm lạ lắm anh. Mà thích lắm!”. Chồng tôi chẳng hình dung được nó thơm đến mức nào, nhưng trước vẻ mặt ngây ngất, mắt long lanh, miệng ríu rít của vợ, anh quyết “cưới” về một cây qua mạng. Như thể, anh cũng có mong muốn giống tôi, muốn không gian tù đọng này được cứu rỗi bởi một mùi hương thanh tao, nhuần nhụy.

Mười năm có lẻ.

Chúng tôi cũng kịp “cưới” về nơi ở mới hai cây Mộc hương khác. Đôi khi, nhu cầu về tinh thần nó cũng cấp bách và khắc khoải như nhu cầu về những thứ vật chất thiết yếu khác. Bởi, sau những mệt nhọc lo toan, trở về chốn riêng tư cùng những thứ thuộc về riêng mình, đặc biệt không gian hoàn toàn của riêng mình cảm giác rất tuyệt diệu.

Trong thâm tâm, tôi luôn tự nhủ sẽ trở lại thăm cây vào một ngày nào đó. Thăm cây, và hai cô bé cùng tuổi con gái tôi sau mấy năm đã thành người thế nào.

*

Muỗi rất nhiều.

Khi chiều xuống, là lúc mùi cống rãnh bủa vây nồng nặc nhất. Trước cửa căn phòng 15 mét vuông của tôi, hàng trăm con muỗi bay tít mù. Dưới gian bếp tối nhờ nhờ muỗi trở nên vô hình hơn. Không ai trông con để nấu ăn, tôi đành để con ngồi vào cái ghế tập đi, buộc sát bên mình vừa làm thức ăn vừa canh chừng con. Cố làm cho nhanh nhưng khi bế con lên thì mặt, tay chân con tịt lên những nốt muỗi châm. Xót con, cuối chiều chồng tôi hy sinh niềm ham thích chơi bóng chuyền, về bế con cho vợ cơm nước. Có điều, muỗi là loài rất tinh ranh, con gái tôi vẫn bị mấy nhát cắn trộm lên làn da non nớt.

Thế nhưng, ở cái quầng cửa có hàng trăm con muỗi đang không ngừng xoay tít ấy, hai đứa con gái sinh đôi của Tèo ngồi im phăng phắc nhìn chằm chằm vào mẹ con tôi. Tôi đã quen với hai nhánh cây non ấy. Sau khi đón con về, mở cửa phòng, chỗ yêu thích của hai đứa trẻ suốt ngày mũi dãi lòng thòng, khai mù mịt là cửa phòng đặc muỗi của tôi. Mà không riêng phòng tôi, giờ ấy, nơi này, hễ phòng nào mở cửa là muỗi đều xúm xít như thế. Vài hôm đầu, xót thay cho chúng, tôi đã gọi mẹ chúng, người đàn bà to béo, suốt ngày cười hềnh hệch bế ra khỏi vầng muỗi mở hội. Không đứa nào chịu đi, vợ Tèo phát vào hai cái mông bé tẻo ấy mấy chục cái cháy khét chúng cũng cứ bấu vào cửa khóc nhành nhạch.

Cây mộc hương đơm hoa -0
Minh họa: Lê Trí Dũng

Thôi kệ, kiểu gì cũng là chịu đựng. Cho hai đứa trẻ ốm nhách ngồi yên đấy vẫn dễ chịu hơn những gì tôi vừa chứng kiến. Vợ chồng tôi quý con như vàng, nên thấy những đứa trẻ khác không được chăm sóc tử tế cũng lấy làm rất bận lòng. Thậm chí mang thêm nỗi lo bâng quơ, chúng sẽ thành thứ gì giữa không gian và những con người khiếm khuyết ấy. Hầu như, lần nào đứng dậy khỏi khuôn cửa đầy muỗi của tôi, chúng cũng để lại một thứ chất thải từ cơ thể chúng. Chúng lại thường xuyên tiêu chảy trời ạ. Vợ chồng tôi từng nổi đóa lên, đương nhiên, vì không gian này chúng tôi phải trả tiền hàng tháng. Nhưng chẳng thay đổi được gì. Vợ chồng Tèo là những kẻ thiểu năng, đẻ ra những đứa con thiểu năng, mình chấp được với họ sao?

Có chăng, thỉnh thoảng bắt gặp cảnh ấy, ông bố đẻ của Tèo – người tạo nên mối nhân duyên của con trai nhẫn nhục quét dọn, vừa dọn vừa chửi đổng, vừa thông cảm vợ chồng tôi rối rít. Chẳng ai mong muốn sẽ sinh ra một đứa con không bình thường. Ông Hóa có 4 thằng con trai, 3 người đều khôn ngoan có công ăn việc làm ổn định. Duy mình Tèo chậm chạp, dài dại từ bé, người làm cha như ông ăn không ngon ngủ không yên khi thấy con một ngày một lớn, bản thân ngày một già đi. Anh em kiến giả nhất phận, sau này ông bà chết, nó kém cỏi thế, làm sao sống được ở đời? Ông đã rất hy vọng ở đứa con dâu xem chừng đơ đỡ hơn con trai ông một chút, có thể lo liệu được cuộc sống riêng của hai đứa nó. Biết đâu, chúng đẻ ra đứa con khôn ngoan sau này có thể chăm lo được cho cha mẹ chúng.

Nhưng, cuộc hoài thai giữa hai đôi trẻ mang đến cõi đời này tới hai đứa trẻ bất hạnh.

Chúng yếu ớt, còi cọc và thiểu năng ngay từ điệu cười dài dại bà mụ dạy đầu tiên. Lúc phát hiện điều ấy, người khôn ngoan rách trời như ông Hóa nhận ra mình sa vào vũng lầy không lối thoát. Quản một mình thằng Tèo thiểu năng đã mệt, giờ phải quản tới bốn đứa chẳng biết làm gì. Hai đứa lớn – tức là con trai và con dâu suốt ngày đánh chửi nhau chí chóe. Hai đứa cháu thì suốt ngày khóc, đòi ăn và đái ỉa. Chúng chỉ lặng yên được khoảnh khắc ngắn ngủi là lúc ngồi chầu hẫu trước cửa phòng tôi. Thương chúng, tôi không nỡ đóng cửa, cũng không nỡ đuổi đi. Có thể, ở đâu đó trong tiềm thức mù mịt ấy, chúng nhìn ra ở mẹ con tôi điều gì đó khiến chúng thích thú. Mà tôi, một người đàn bà đa cảm, tự nhủ lòng thôi thì coi như mình làm phúc vậy.

Sau đôi lần ái ngại, ông Hoá xem việc cháu mình đái ỉa trước cửa phòng tôi là chuyện đương nhiên, ông xem chuyện tôi phải tự cọ rửa như là bổn phận của tôi đối với hai đứa trẻ ấy vậy. Riêng Tùng thì khá là lạ, thường anh ta ít khi về vào giờ ấy. Nhưng hôm nào về thì chỗ của hai đứa trẻ lại dịch chuyển sang cửa nhà Tùng. Giờ thì tôi đã hiểu, cả dãy chỉ tôi và Tùng là hay cho chúng kẹo, bánh hay đồ ăn gì đó. Và sau rốt Tùng cũng phải chịu hậu quả như chúng tôi phải chịu. Lạ là, Tùng không cáu gắt hay càu nhàu, cứ lẳng lặng dọn rửa, chẳng thấy biểu cảm gì. Ban đầu chồng tôi rất bực, sau thấy thái độ Tùng như vậy, anh cũng đành nhẫn nhịn theo. Nhưng, tôi biết, với anh nó không chỉ là vấn đề ai làm việc ấy mà quan trọng nhất là vấn đề vệ sinh. Môi trường sống của chúng tôi ô nhiễm tứ bề, từ khứu giác, thính giác đến thị giác. Tất tật, khiến cho chúng tôi luôn trong trạng thái ức chế.

“Phải nhanh chóng thay đổi em ạ, sống thế này khỏe mấy cũng sinh bệnh mà chết”. Chồng tôi nhìn con mương đen ngòm, hôi sặc trước nhà lẩm bẩm.

Hôm ấy, vừa ngớt một cơn mưa rào. Con mương trước nhà nước dềnh lên. Mùi hôi thối được mưa xối xuống, quậy đều càng trở nên sặc sụa. Chúng tôi chết sững với hai vật thể ngoi lên từ làn nước đen ngòm ấy. Không phải chuột, chuột không to như thế. Là người, thì thật khó tin bởi làm sao chúng có thể ngụp lặn chán chê trong làn nước ấy, mà không sao cả?

Nhưng, là người. Hai cô bé nhỏ nhoi vừa chơi trò cóc nhái. Từ đầu đến chân như được trét một lớp hắc ín mỏng. Tôi oẹ thốc tháo khi múc nước xối cho chúng. Vợ chồng Tèo thản nhiên đứng nhìn, cười hềnh hệch, thiếu điều muốn nhảy xuống mương nước chơi cùng con. Không cần ngẩng lên, nhưng tôi biết, ông Hoá đang đứng trong cửa sổ nhìn ra. Vừa đi đâu về, Tùng cũng xắn quần lao ra trợ giúp.

Kỳ lạ, dưới bàn tay tôi và Tùng, hai đứa trẻ bỗng dưng ngoan ngoãn và đáng yêu như thể chúng chưa từng bị thiểu năng bao giờ. Từng đứa đứng yên cho tôi kỳ cọ, chốc chốc nhoẻn miệng cười tươi rói. Nụ cười ấy cứa vào lòng tôi nỗi xót xa tuyệt vọng, tôi chỉ là một người mẹ đang có cuộc sống khó khăn mới phải chui rúc chốn ngột ngạt này, lo cho con mình chưa xong, sức đâu lo cho những đứa trẻ tội nghiệp. Ước gì, có phép màu nào đó... Tôi đờ ra trước hai đứa trẻ bây giờ đã sạch sẽ, trần như nhộng. Khi chúng bắt đầu cấu nhau thì tôi sực tỉnh, ngẩng lên ông Hoá đã đứng đó với hai bộ quần áo trên tay. Hình như ông cũng khóc.

- Hai cháu đừng nghĩ bác lợi dụng, chỉ là... bác muốn chúng nó được cảm nhận sự dịu dàng từ các cháu mà thôi...

Tôi sững sờ, hóa ra tôi hiểu lầm ông ư? Nhưng mà, tại sao biết cháu cần sự dịu dàng cả ông cả vợ ông không thể dịu dàng với chúng? Tùng thì không nói không rằng, mở cửa phòng rồi đóng cửa ở luôn trong đó. Anh ta luôn thế, lầm lỳ ít trò chuyện với bất cứ ai.

Chúng tôi dọn nhà như một cuộc tháo chạy. Khi sớm tinh mơ mở cửa phòng, Tèo ở truồng nồng nỗng rượt vợ chạy vòng quanh, con vợ vừa chạy vừa chửi véo von. Người lớn kẻ nhăn mặt, người lắc đầu. Đám trẻ con vỗ tay hò reo. Bao giờ cũng vậy, trẻ con là đối tượng bị ảnh hưởng nhanh nhất. Ngay ngày hôm sau, bé con nhà tôi cầm cây roi, thỏ thẻ nhắc lại vanh vách những câu đối thoại chửi rủa của vợ chồng Tèo. Chồng tôi sững sờ nhìn con, mặt anh tái nhợt như bị trúng gió, rồi anh quát ầm ĩ khiến con bé sợ hãi khóc thét. Xót con, tôi cũng gào lên với chồng, cả ba chúng tôi bị cuốn vào cơn lên đồng tập thể, nước mắt nhòe nhoẹt và run rẩy.

“Phải đi thôi” – anh lẩm bẩm khi đã bình tĩnh trở lại. Mình chẳng thể cứu rỗi được không gian này thì tốt nhất đừng làm nó tồi tệ thêm.

Và rồi, chúng tôi đi, thoát khỏi chốn bức bí để quàng lên mình ách nợ khổng lồ cho một nơi chốn mới. Chúng tôi đã vượt rào kế hoạch định sẵn. Cứ phải bột phát liều lĩnh như thế để khi nhìn lại mới khâm phục chính mình kinh khủng.

Ngày chúng tôi đi, Tùng gã trai độc thân cạnh phòng u buồn nhìn chúng tôi không một lời đưa tiễn. Cái nhìn như trách móc, như hờn dỗi, kiểu như: các người đi mình tôi làm sao thở giữa chốn u ám này? Nhưng, chúng tôi không có nhiều thời gian để nghĩ lâu về cái nhìn đó, khi những bận rộn và áp lực nợ nần nhanh chóng phủ dày ký ức.

*

Hơn 10 năm rồi nhỉ. Trong hơn 10 năm đó, thỉnh thoảng chúng tôi có những giấc mơ về chốn cũ. Giấc mơ nào cũng nặng nề. Giấc mơ nào cũng có hai đứa trẻ tội nghiệp đưa những cánh tay gầy nhẳng bíu lấy áo tôi đòi được dịu dàng. Chồng tôi có lần nằm mơ con gái tôi bị Tèo bóp cổ, sự hãi hùng theo anh suốt một thời gian dài. “May mà mình đi khỏi đó sớm”, anh lẩm bẩm rồi âu yếm ngắm cô con gái đang vào tuổi dậy thì, trầm tư:

- Hai con bé nhà Tèo cũng trạc tuổi con mình nhỉ. Chẳng biết chúng lớn lên thế nào?

Tôi chỉ là một phụ nữ viết văn nửa mùa, lòng trắc ẩn luôn sẵn nhưng không biết điều đó có giúp ích gì cho cuộc đời này không. Như cái cách tôi quan tâm đến số phận của hai cô bé ấy mà chẳng nghĩ ra được điều gì giúp đỡ. Vật lộn kiếm sống và chống đỡ với những lo toan luôn khiến tôi thấy mình bé mọn. Nhiều khi gặp những thân phận rách nát, chìa bàn tay lem luốc xin từng đồng tiền lẻ, tôi chỉ có thể đặt vào đó chút tiền ít ỏi rồi ngậm ngùi quay lưng. Trước họ, tôi luôn thấy mình bất lực, một nỗi bất lực nặng nề. Đôi khi tôi tự vấn, hành động ấy liệu có phải mình thương xót họ thật sự hay là cách tôi đang mua cho mình tấm vé thanh thản trong hành trình đến tương lai? Cho nên tôi một mình lặng lẽ trở về chốn cũ sau thắc mắc vô tình của chồng. Có thể anh chỉ hỏi thế thôi rồi tức khắc quên đi, vùi mình trong vô vàn toan tính khác. Và tôi, trở lại mà không rõ mục đích chính yếu của mình là gì, tôi cứ ghé đã, vậy thôi!

Ông Hoá già nhiều đến mức tôi nhìn mãi mới nhận ra ông. Thời gian có thể bất lực với người này nhưng vô cùng nghiệt ngã với người khác. Thường thì với đàn ông, đến một cái tuổi nào đó, họ hầu như ít bị già đi nếu điều kiện sống tốt, thanh thản. Nhìn ông Hóa, sự nhọc nhằn có lẽ ngày một nặng thêm khiến ông oằn xuống.

- Một đứa đơ đỡ tôi cho đi học chị ạ, đúp lên đúp xuống rồi nghỉ hẳn. Đến giờ thì đánh vần một trang sách nửa ngày vẫn chưa xong, đứa còn lại thì vô phương…

Đôi mắt lèm nhèm của ông Hóa tràn ra hai giọt nước đùng đục.

- Tôi khổ tâm lắm chị ơi! Biết thế này, ngày xưa tôi đừng cố lấy vợ cho thằng Tèo.

Trong căn phòng xập xệ ngày xưa, giờ đã được thay mái tôn thành mái ngói cho đỡ nóng bức. Hai cái cũi sắt được khằng hai góc cách nhau vài bước chân. Một chứa Tèo, một chứa vợ Tèo, cả hai đều không một mảnh vải trên người, đầu cạo trọc lóc. Và, mùi xú uế từ cơ thể hai kẻ đáng thương ấy thải ra nồng nặc. Thấy tôi và ông Hóa, cả hai người cười toe toét chìa tay xin ăn. Tôi đưa cho họ gói bánh, hai kẻ tội nghiệp vồ lấy ăn nhôm nhoam, cái này chưa xong vứt xuống nhặt cái khác, vụn bánh và nước dãi rơi lả tả. Ông Hóa kéo tôi ra khỏi căn phòng sặc mùi thối khẳm, chỉ cho tôi góc khác:

- Con bé kia lên phụ rửa bát cho quán ăn của ông bác nó. Đây là đứa ngày xưa hay bĩnh trước cửa phòng chị đây. Nó… đang có chửa chị ạ. Tôi không biết phải làm gì với đứa trẻ trong bụng đây? Bỏ thì thương, mà để cho ra đời thì… Sống một kiếp không ra kiếp người thì có nên sống không hả chị?

Ông tựa vào vách nhà, khóc ồ lên. Dường như bao nhiêu tích tụ bấy lâu bây giờ ông mới được dịp bung xả. Tôi là gì? Chỉ là một kẻ ít tiền, cần thuê nhà giá rẻ mới tìm đến ông. Hơn mười năm tôi một đi không trở lại, cố quên chốn ngột ngạt này mà không thể quên được. Sao ông lại khóc với tôi? Ai đã nỡ làm cho cô bé thiểu năng ấy có con được chứ?

 Cô bé gầy nhẳng ngày xưa, giờ lại mang vóc dáng của một người mẫu mới trêu ngươi cuộc đời. Đang vào độ dậy thì, làn da xanh lét thủa nào giờ hồng hào như phủ một lớp phấn mịn màng. Khuôn ngực căng tròn dưới cần cổ cao, trắng như ngó sen. Đôi chân thon, thẳng tắp, đỡ một vòng eo lăn lẳn. Thấy tôi, cô bé cười một cách ngây ngô rồi tập trung vào mớ vải lòe loẹt được cắt vụn trong hộp giấy.

- Ngày hôm qua bà nội nó phát hiện khi nó ăn gì cũng nôn, lôi đi khám thì biết bụng nó được hơn tháng rồi. Hai ông bà già không biết phải làm gì chị ạ.

Ông lại khóc ồ lên, ngày trước tôi chưa từng thấy ông khóc bao giờ. Tháng năm nhọc nhằn cùng với sự trở bệnh ngày một nặng của vợ chồng Tèo khiến ông bạc nhược yếu đuối thêm chăng?

Tôi không biết an ủi ông những gì? Những lời an ủi trước hoàn cảnh bế tắc này hoàn toàn sáo rỗng.

-              Cả dãy phòng trọ này bảo là do tôi đấy!

Tiếng mở khóa lách cách kèm giọng nói quen quen đưa tôi ra khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan. Là Tùng – gã ở kế phòng tôi đã dành cho chúng tôi cái nhìn trách móc buồn thảm ngày nào. Trời ạ! Mười năm có thể là những biến đổi lớn lao với vô số người, nhưng với Tùng lại là một sự đứng yên đến khó tin. Bộ dạng cẩu thả luộm thuộm kia cơ chừng lại là sự tụt dốc? Tưởng thoát ra được tình trạng đi không nỡ ở không xong, tôi lại lâm vào trạng thái ức chế khác.

- Thật khó tin là cậu vẫn ở lại đây chừng ấy năm!

Tôi gần như quát lên vì tuyệt vọng. Sao con người ta có thể thỏa hiệp với sự tù túng, ngột ngạt lâu đến thế? Tùng không nói không rằng, kéo vòi nước máy tiến thẳng đến chỗ vợ chồng Tèo bị nhốt. Nước xịt đến đâu, hai kẻ điên trần truồng hò reo tới đó. Một loáng hai khuôn mặt lem luốc trở nên sáng sủa, sạch sẽ. Mùi hôi thối cũng đã theo chất thải chảy qua một cái rãnh được khoét giữa nhà. Tôi nghĩ đến những trại chăn nuôi heo, cảnh tượng này chẳng khác gì lúc bầy heo được tắm cả. Dáng điệu lạnh lùng, thành thục cho thấy đây là công việc Tùng làm thường xuyên, gần như là nghĩa vụ. Tôi đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác mà không sao tìm được đáp án. Một người đàn ông khỏe mạnh, bình thường lại có thể nhận công việc chăm sóc cho hai kẻ tâm thần không máu mủ gì sao? Chắc là phải được trả lương cao lắm thì Tùng mới có thể đồng ý công việc như thế? Lạ nữa, thái độ của ông Hóa với Tùng rất thân thiết, như với ân nhân, với thánh sống.

-Anh Tùng thay áo quần rồi vào nhà chơi với chị đây nha, có chén chè bà phần anh trong tủ lạnh, ăn rồi chờ cơm.

Tùng không ra gật không ra dạ, re chút nước cho cây mộc hương xong, treo ống nước lên cây đinh, thủng thẳng:

- Chiều cháu có ghé chỗ anh đầu nhà ông, nói tình hình con Thơm. Cháu còn nói anh chị nghĩ cách giúp ông bà chứ để mặc ông bà mãi không được đâu. Bác dâu nhắn: Ông bà canh chừng con Thơm, mai bác ấy sang chở đi bệnh viện giải quyết rồi đặt vòng cho nó luôn. Chỉ có cách ấy thôi ông ạ. Con Thơm hơ hớ thế kia, suốt ngày lượn lờ trêu ngươi chúng nó, chúng nó sẽ vẫn không tha cho đâu. Trừ khi… ông xích nó lại, nhưng như thế thì tội lắm.

Ông Hóa ngoái nhìn đứa cháu vẫn say mê đùa nghịch với mớ vải vóc, thở dài, đôi mắt già nua đục càng đục thêm, lẩm bẩm:

“Sống một kiếp không ra kiếp người có nên để sống không?”

 Tôi không dám bàn chuyện ác hay thiện trong chuyện giữ lại đứa bé, chỉ có ai từng trải qua hoàn cảnh như ông Hóa, hoặc tận mắt chứng kiến mới có thể cảm thông.

Tôi nán lại với Tùng một lúc, vì xem ra anh ta chẳng muốn chia sẻ gì nhiều. Trong mấy phút anh ta bận nghe điện thoại, ông Hóa tranh thủ thì thầm:

- Anh Tùng lấy vợ rồi dọn đi khỏi đây sau chị nửa năm. Mới quay lại đây hơn năm thôi đấy. Tốt bụng thế mà vô sinh rồi bị vợ bỏ. Anh Tùng ra đi tay trắng, để lại toàn bộ tài sản cho vợ. Mấy năm gần đây, hết thằng Tèo đến vợ nó sểnh ra là đi, gây chuyện hết chỗ này đến chỗ khác. Có hôm bị đánh cho dập cả mũi. Anh Tùng cùng tôi, len lỏi mọi ngóc ngách lôi cổ chúng nó về. Về rồi lại đi, lần nào cũng có chuyện.

Hai cái cũi ấy là anh Tùng tự tay làm ở xưởng chở về cho tôi. Rồi chăm vợ chồng thằng Tèo như người thân. Dạo đầu tôi còn thu ít tiền nhà, giờ tôi không lấy nữa. Tôi nhận anh Tùng làm con rồi. Tội! Nghe đâu mẹ anh ấy cũng là một người tâm thần, đẻ anh ấy ra bởi một vụ hiếp nào đó. Hèn gì, cứ thui thủi, thương lắm.

Tôi ra khỏi đó như một người say, dữ liệu chiều nay ập đến trí óc tôi dồn dập đến nỗi tôi khó chấp nhận ngay nổi. Con người ta cứ ào ào mưu sinh, để mình cuốn vào những guồng quay định sẵn. Cứ tưởng như thế là sống đủ, cứ tưởng như thế là ghê gớm lắm rồi. Như vợ chồng tôi chẳng hạn. Cứ ngỡ những chuỗi ngày sống ở đây đã là địa ngục tăm tối lắm. Cứ tưởng sự bứt phá vươn lên của mình là vô cùng vĩ đại, hóa ra lại rất đỗi tầm thường với những điều vừa chứng kiến. Tùng có thể chọn cho mình một nơi ở khác, một không gian khác, nhưng Tùng lại chọn về đây, làm chỗ nương tựa cho đôi vợ chồng già và những kẻ mắc bệnh tâm thần vô phương cứu chữa. Sự lựa chọn ấy, người thường có dám chọn không? Chắc chắn họ sẽ bỏ chạy như vợ chồng tôi đã từng.

Tôi không biết mình có dám trở lại nơi này thêm lần nào nữa không. Tôi cũng không biết chồng tôi sẽ nói gì khi nghe những câu chuyện về Tùng và gia đình ông Hóa. Nhưng tôi biết thế gian này người như Tùng không nhiều. Chỉ có thể xem những người như Tùng là Thiên sứ với sứ mệnh làm dịu những khổ đau. Và tôi, tận sâu thẳm tâm can, tôi cảm thấy vừa mang ơn, vừa mắc nợ Tùng. Vì sao chứ? Tôi không có câu trả lời, nhưng tôi lại luôn luôn cảm thấy như thế. Ngay khi rời khỏi đó. Chỗ có cây mộc hương đơm hoa. 

Truyện ngắn của Nguyễn Hương Duyên
.
.