Cây đại không nở hoa

Thứ Sáu, 24/11/2023, 15:04

Ngày bố mất, mẹ trèo lên cây đại nhảy xập xình như bị lên đồng. Ai nhìn thấy đều không khỏi xót xa. Mẹ cười hả hê mà một giọt lệ rỉ ra, đùng đục. Thế rồi đêm hôm ấy, mẹ cũng bỏ anh em chúng tôi mà đi theo bố. Mẹ nằm trên ổ chó đính đầy hoa đại trắng, mắt khép hờ, chân tay co quắp. Tôi tìm thấy lọ thuốc ngủ trong túi áo mẹ và một mảnh giấy nguệch ngoạc: "Kiếp này, mẹ chưa trả hết nợ cho bố các con. Mẹ sẽ làm ma theo hầu ông ấy...".

Trước cổng nhà tôi trồng một cây đại, thân xù xì, lá cong queo, nhưng hoa chi chít nở dày và tỏa hương thơm ngào ngạt. Cuối xuân, đầu hạ, khi những bông đại nhung mềm rải trắng trên nền xi măng, mẹ tôi thường tha thẩn nhặt hoa xếp vào chiếc giỏ mây chơi đồ hàng cùng con búp bê rơm xơ xác. Chơi chán, mẹ lại nối những sợi cỏ vào nhau, xâu qua cuống hoa làm vương miện đội lên đầu rồi gặp ai tới nhà cũng hỏi: "Ta đẹp không?". Mỗi lần như thế, tôi chỉ biết úp mặt vào cánh cửa gỗ lách tách tiếng mối mọt mà khóc. Bà nội nhìn mẹ, rồi nhìn tôi, buông tiếng thở dài não nuột...

*

Trong tâm can, tôi luôn oán hận bố. Vì bố mà mẹ ra nông nỗi này. Một tuần bảy ngày thì mất đến bốn ngày, bố uống rượu say. Cứ tâng tẩng hơi men là bố kéo xềnh xệch mẹ ra giữa nhà chửi mắng, đánh đập vô cớ. Mẹ nhắm mắt cam chịu. Mười mấy năm chung sống với bố, mẹ chấp nhận làm bao tải cát để ông xả cơn tức giận. Ban đầu, mẹ còn khóc lóc van xin. Dần dà, mẹ trơ lì với những trận đòn roi dồn dập. Gương mặt mẹ không biểu lộ cảm xúc. Bố đánh mẹ mỏi rã tay thì nằm choãi ra tấm phản, ngáy khò khò. Mẹ lầm lũi xuống bếp, nấu cháo lá tía tô cho bố giải rượu, như mặc định...

Thuở bé, hễ thấy bố lảo đảo đầu cổng, anh em tôi lại chui xuống gầm giường, nín thở. Bố lực lưỡng như một người khổng lồ. Mái tóc loăn xoăn cộng với nước da ngăm ngăm đen và bộ râu quai nón loàm xoàm choán đến một phần ba gương mặt càng làm bố trông dữ tợn. Bàn tay bố khoằm khoằm, thô kệch. Cú tát của bố hẳn sẽ đau gấp mười lần cú tát của những người khác. Vậy mà mẹ vẫn hứng chịu một cách bình thản đến đáng sợ. Mặc bố vùi dập mẹ tả tơi, bà nội tôi không hề can thiệp. Dưới gian nhà ngang, bà đóng kín cửa, quỳ gối trước tượng Quan Âm, lốc cốc gõ mõ. Tiếng mõ đều đều ấy nào át được tiếng gầm gừ như cầm thú của bố và tiếng khóc ré xé lòng của anh em chúng tôi?

Một lần, không chịu được cảnh bố tẩm xăng lên tóc mẹ định đốt, anh trai tôi chạy ra chuồng trâu lấy con dây thừng buộc thành thòng lọng, lén lút quàng qua vai bố, siết mạnh để đôi tay ông bị ép chặt hai bên. Tôi ném cái hộp diêm xuống bô nước rồi chạy lại giúp anh tôi một tay, vừa giật mạnh, vừa hét thảng thốt: "Mẹ ơi, chạy đi!". Dù đang lảo đảo đứng không vững, bố chỉ vung tay một cái, anh em tôi ngã lăn dúi dụi.

Vụ đó, tôi nhỏ tuổi nhất nên được bố tha tội. Còn anh tôi và mẹ bị bố đổ mật mía lên người rồi dùng chính con dây thừng đó, trói chân treo ngược lên cây đại, lửng lơ, chấp chới. Lát sau, tôi giật mình nhận ra trên ngọn cao cỏ một tổ kiến lửa đen sì, to bằng cái bát tô. Những con kiến li ti đang nối nhau xếp hàng, hành quân tiến lại gần nút buộc của sợi dây.

- Xin bố hãy tha cho mẹ và anh!

Bố co cẳng đạp tôi ra, quát:

- Diệt cỏ phải diệt tận gốc!

*

Mình mẹ bươn chải với hơn mẫu ruộng mà năm nào cũng vậy, chưa đến mùa giáp hạt đã hết gạo ăn. Cái nhà này, thứ gì có giá trị, bố đều mang bán dần, từ bao tải thóc cho tới cái ti vi đen trắng, chiếc quạt điện gãy cánh. Bố hể hả ném tiền vào những cuộc rượu suốt sáng, thâu trưa. Còn anh em chúng tôi, đến cái áo trắng chỉn chu mấy chục ngàn mặc chào cờ mỗi sáng thứ hai, mẹ phải đắn đo mãi mới mua được. Rau rau, cháo cháo qua loa rồi cũng quen. Tôi chỉ mặc cảm nhất khi ra đường, bị người ta chỉ chỉ, trỏ trỏ: nhà nó thế này, nhà nó thế kia. Những câu nói thương hại chẳng ra thương hại, khinh bỉ chẳng ra khinh bỉ ấy như lưỡi lam cào xước tâm hồn tôi...

25f46ce43f5de903b04c1.jpg -0
Minh họa: Lê Tâm

Ở lớp, cô giáo thường phân tích cho chúng tôi nghe về tác hại của bia rượu. Cô lấy dẫn chứng về một số người trong xã tôi bị chết oan vì con ma men quái ác. Khi đó, tôi tự hỏi, sao bố tôi càng uống rượu lại càng khỏe mạnh, vũ phu hơn lúc bình thường? Sao bố không chết quách đi để mẹ con tôi được sống yên ổn? Rồi cô giáo nhìn tôi: "Về nhà nhớ khuyên bố cai rượu, các em nhé!". Cả lớp "ồ" lên thật to. Dù cô giáo đã dùng từ "các em" thay vì từ "em", nhưng bọn bạn tôi vẫn biết cô đang ám chỉ bố tôi, người đàn ông nổi tiếng uống rượu nhiều hơn uống nước. Mặt tôi bất chợt đỏ bừng...

Nếu ngày trước, say rượu, bố chỉ vầy vò mẹ thì giờ, bố chuyển sang hành hạ cả anh trai. Bố nghĩ ra hàng chục thứ cực hình tàn ác. Khi thì bắt mẹ và anh nằm sấp giữa nền nhà để ông đứng lên lưng, giày xéo. Khi thì quấn tóc mẹ vào cổ anh rồi thô bạo cụng trán họ vào nhau. Khi thì bóp cổ từng người dìm xuống máng cám lợn. Khi thì cầm cái ống điếu phang thẳng vào đầu. Tôi như con cún co quắp trong gầm giường, chứng kiến những cảnh đó, khóc không dám khóc, kêu không dám kêu. Mà có khi, mấy mẹ con tôi không bằng một con chó!

*

Anh tôi đỗ cấp ba trường tỉnh, mẹ gửi hẳn anh cho ông bà ngoại chăm sóc. Tôi mừng cho anh bao nhiêu thì lại buồn cho chính mình bấy nhiêu. Cuối cùng, anh đã thoát ly khỏi cái căn nhà ngổn ngang bi kịch này. Còn tôi, dẫu chưa một lần bị bố áp dụng những thứ cực hình kinh khủng ấy, vẫn ước ao cao chạy, xa bay. Bà nội luôn dặn tôi hãy gạt bỏ mọi tạp niệm, chuyên tâm học hành để mau chóng thoát thân như anh trai. Nhưng làm sao tôi có thể tiếp thu kiến thức vào đầu khi bên tai luôn văng vẳng tiếng chửi bới, tiếng gậy gộc? Bà lần tràng hạt, giảng giải chuyện đời cho tôi bằng đạo lý Phật pháp. Tôi nghe lúc hiểu, lúc không. Tôi thắc mắc:

- Sao bà không bao giờ bênh vực mẹ cháu?

Bà chắp tay thành kính nhìn tượng Quan Âm:

- Nam Mô A Di Đà Phật! Mọi thứ diễn ra trong cuộc đời này đều xoay quanh quy luật nhân - quả. Bà có thể bênh vực mẹ cháu lần một lần hai, nhưng không thể bênh vực nó cả đời.

Anh trai tôi thường xuyên liên lạc với tôi bằng những lá thư dài. Thì ra, anh không sung sướng, thanh thản gì hơn tôi. Đêm nào anh cũng gặp ác mộng. Tỉnh giấc, anh cứ trằn trọc, phấp phỏng ruột gan khi nghĩ về gia đình dưới quê: "Dạo này, mẹ có bị bố đánh đập nữa không em? Anh nhớ mẹ, nhớ bà nội, nhớ em nhưng ông bà ngoại không cho phép anh về thăm nhà. Đây là tiền tiêu vặt hằng ngày bà ngoại và các dì cho anh, em cứ cầm lấy, thích mua gì thì mua!".

Đọc đến đâu, tôi khóc đến đấy làm ướt nhẹp lá thư dài bốn trang giấy. Ngay trong đêm, tôi chong đèn, viết thư hồi âm gửi anh trai. Trong thư, tôi bịa rằng, bố vẫn uống rượu nhưng ít đánh đập mẹ hơn. Đôi khi, cao hứng, bố còn giúp mẹ chở phân ra đồng bón ruộng. Tôi còn vẽ ra bao cảnh tượng yên bình, tốt đẹp khác để anh tôi trên ấy được an lòng. Viết mãi đến mười hai giờ đêm thì chữ đầy hai trang. Tôi gấp thư vuông vắn bỏ vào phong bì. Và khi đã cuộn mình trong chiếc chăn chiên, tôi chợt nghĩ, ngộ nhỡ anh tôi tin những điều tôi kể là thật rồi trở về thăm nhà thì nguy hiểm quá. Thế là tôi lồm cồm mò dậy, tái bút: "Nhưng anh đừng về nhà nghe anh. Đợi lúc thích hợp, em sẽ báo".

*

Sáng ra, tôi mở ngăn cặp thì ba trăm nghìn anh trai tôi kẹp trong lá thư đã không cánh mà bay. Số tiền ấy tôi định sẽ đưa cho mẹ trả tiền thuốc còn nợ cô y sĩ ngày trước. Thế mà... Chắc chắn là bố tôi đã lấy... Tôi ngồi thụp xuống, vò đầu bứt tai. Trời ơi, có ai ngu hơn mình không? Bên ngoài ô cửa, sương se sẽ tan. Mẹ tôi đang rửa lại những bó rau muống chuẩn bị mang ra chợ bán. Mỗi bó rau muống có giá hai nghìn đồng. Vậy ba trăm nghìn đồng sẽ bằng một trăm năm mươi bó rau muống. Phép tính đơn giản ấy khiến tôi càng thêm ấm ức.

Trưa ấy, bố lại say rượu. Và tấm thân còm cõi của mẹ tôi tiếp tục oằn cong hứng những trận đòn khốc liệt. Bố đánh mẹ vì tội "nhìn ngứa mắt". Bố ngứa mắt thì bố cứ gãi, mắc mớ chi đi đánh mẹ con? Tôi đã định thét gào lên như vậy. Đúng lúc đó, có tiếng chó ăng ẳng sủa ngoài sân. Ông bạn rượu của bố đến nhà, giọng cũng đã rè rè hơi men. Quờ tay vơ vội mớ tóc vừa bị bố xõa tung, mẹ búi lại sơ sài. Bố ngồi vắt chân, lọc rọc rít một hơi thuốc lào thật sâu, xem như chưa có sự gì xảy ra. Ông bạn bố đặt tờ tiền một trăm nghìn lên bàn, cười khà khà:

- Mấy đứa nhà tôi lớn tướng cả rồi. Chú không cần phải khách sáo thế đâu. Thôi, tôi gửi lại chú.

Bố tôi vẫn sĩ diện:

- Có gì đâu bác. Mấy hào bạc lẻ nào đáng là bao.

Núp đằng sau tấm rèm, tôi hiểu ra ngọn ngành câu chuyện. Bố tôi đúng là hết thuốc chữa! Máu trong người tôi sôi lên sùng sục, cuộn thành cục tức bứ nghẹn nơi cuống họng. Chả nhẽ tôi lại lao ra và vạch trần bộ mặt thật của bố trước vị khách kia. Bố rút chai rượu dưới gầm bàn, sai tôi xuống bếp kiếm xem có cái gì làm mồi nhắm được không. Tôi miễn cưỡng phục tùng. Mở vung nồi thịt kho dừa, tôi liếc mắt nhìn bố và ông khách rồi lừng khừng mãi. Năm thì mười họa, chỉ hôm nào may mắn bán đắt hàng, mẹ mới dám mua thịt. Vậy mà giờ phải mang lên đãi khách. Ức quá, tôi bèn nghĩ cách đổ thêm nước mắm đảo đều cho thịt thật mặn rồi mới múc vào bát mang lên nhà trên.

Tôi không ngờ mình đã gây ra tai họa cho mẹ. Mẹ vừa bước vào nhà, bố ném thẳng cả bát thịt còn lõng bõng vài miếng mỡ vào đầu mẹ, dằn hắt:

- Muối đang rẻ hả? Đồ ăn hại!

*

Tôi từng hỏi bà nội tôi rằng tại sao bà hiền lành thế mà lại sinh ra bố tôi ác ôn, du côn đến vậy? Bà xoa đầu tôi, giọng khàn đục:

- Cha mẹ sinh con, trời sinh tính, cháu ạ. Bố mày xưa kia đâu đến nỗi nào.

Theo lời bà tôi thì hồi còn trai tráng, bố tôi hiền như hòn đất. Ngày ngày, bố chỉ biết dắt trâu ra ruộng đi cày. Tuổi hai mươi, bố chưa tìm nổi mảnh tình vắt vai. Gặp con gái trong làng trêu ghẹo, bố còn đỏ mặt. Hôm ấy lên thị xã, qua cây cầu gỗ, bố bắt gặp một cô gái trẻ chới với giữa dòng nước chảy cuồn cuộn. Tức tốc, bố nhảy xuống, bơi ra kéo cô lên bờ. Cô gái ấy chính là mẹ tôi. Chưa đầy một tháng, để đền ơn cứu mạng và cũng vì quý mến cái tính cách thật thà, chất phác của bố, mẹ đồng ý làm vợ bố. Rồi sau đó, gia đình tôi gặp cơn sóng gió, bố tôi thay tính, đổi nết. Tôi hỏi lại bà:

- Sóng gió gì vậy bà?

- Thôi, cháu đi học bài đi. Có những chuyện, con nít chưa nên biết sẽ hay hơn - Bà tôi lại lần tràng hạt, lầm rầm tụng kinh - Nam Mô A Di Đà Phật!

Một làn gió nhè nhẹ đưa hương hoa đại đầu mùa òa vào gian nhà, phưng phức. Tôi ra đứng dưới gốc đại, xòe tay đợi những bông hoa tinh khôi bung biêng rơi xuống. Tự dưng, lòng xốn xang những năm tháng ấu thơ. Anh em tôi lớn dần lên theo từng mùa hoa đại. Hoa nở, hoa tàn theo quy luật tự nhiên nhưng kỷ niệm thì vẫn vẹn nguyên trong trái tim, thao thức.

Còn nhớ có lần, vì tôi muốn sở hữu chùm hoa đại đẹp nhất để cắm vào chiếc bình gốm sứt miệng mà anh tôi cố gắng trèo lên cây vươn tay hái cho bằng được. Cành cây anh tôi bíu rất giòn. Hậu quả, anh bị ngã trẹo khớp. Tôi quýnh quýu lục lọ cao sao vàng xức lên vết bầm cho anh nhưng không giảm. Biết chuyện, mẹ tất tả đèo anh ra trạm xá. Còn bố mua dây thép gai về quấn quanh thân cây đại rồi ra lệnh cấm chúng tôi bén mảng lên đó.

Bà tôi bảo, đại là loài cây của cửa Phật. Ngắm hoa đại để lòng nhẹ đi. Ngửi hương đại để tâm tĩnh lại. Cuộc đời vô thường, hư thực đan xen. Không phải cứ trắng là sạch, cứ thơm là quý. Lời bà nói sâu xa, ẩn ý. Nghe xong, tôi chỉ mơ hồ hiểu đôi phần nghĩa bóng.

*

Anh tôi từ thị xã trở về, lễ phép chào bố, nhưng bố lừ đừ không đáp. Bố lẳng lặng bỏ đi. Căn nhà tạm thời giảm bớt đôi chút không khí nặng nề, u ám. Tôi sung sướng vít cổ anh trai mà hôn hít. Anh béo hơn, cao lên, da dẻ thêm trắng hồng, láng mịn. Anh mở ba lô, lấy ra cơ man nào là áo quần, sách vở cho tôi. Như lạc vào giấc mơ, tôi nhanh nhảu ướm thử chiếc áo kẻ ca - rô thơm mùi vải mới. Ruột gan tôi bâng lâng, náo nức. Ngắm nghía tôi một lát, anh gật đầu cười:

- Anh chọn chuẩn đấy chứ?

- Anh trai tuyệt vời!

Gặp lại mẹ, nét mặt anh bỗng nhiên thay đổi, đẫn đờ. Mẹ mặc chiếc áo vá xiên vá xẹo, quần xoắn ống thấp, ống cao. Mặt mẹ sẹo ngang, sẹo dọc. Trên mái đầu lưa thưa tóc của mẹ, vết rách từ cái hôm bị bố ném bát thịt kho đã khô lại thành mảng màu nâu nâu. Chạy tới đỡ cái rổ rau đầy lúp trên tay mẹ, anh thốt lên: "Mẹ!".

Bữa cơm đoàn tụ thiếu bố tôi. Bố lại bơi trong cuộc rượu ở một quán hàng nào đó. Anh tôi rầu rĩ trách tôi sao lại nói dối anh? Bà tôi đỡ lời:

- Em nó sợ cháu phân tâm chuyện học hành đấy.

Chưa ngồi ấm chỗ, anh lại phải tức tốc đi ngay trong buổi chiều cho kịp chuyến phà. Anh chẳng dám mang theo thứ gì, dù chỉ là một bông hoa đại. Tiễn anh ra chân đê, đột nhiên có cảm giác anh sẽ không trở về nữa, nước mắt tôi chảy ầng ậng. Hôn nhẹ lên trán tôi, anh dỗ dành: "Nín đi em". Chuyến phà rời bến để lại những đợt sóng bàng bạc oàm oạp xô dạt đám lục bình tan tác...

*

Thi trượt trường tỉnh, tôi ngậm ngùi học một trường cấp ba tư thục cạnh nhà. Tất cả những người đặt niềm tin vào tôi - cậu trò nghèo vượt khó chín năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, nhất là cô giáo chủ nhiệm vô cùng sửng sốt. Nói ra có lẽ ít ai tin, nhưng kỳ thực, tôi đã cố ý làm sai đáp án hai bài Toán dễ nhất để... bị trượt. Bởi lẽ trước buổi thi, tôi đắn đo rất nhiều. Nếu cả tôi và anh đều trọ học xa nhà, mẹ tôi sẽ sống ra sao? Tôi biết rằng tôi không giúp được gì nhiều cho mẹ. Song, tôi tin, tôi là điểm tựa tinh thần của mẹ cũng như mẹ là điểm tựa tinh thần của tôi. Và ánh mắt mẹ nhìn tôi sau khi xem qua tờ giấy báo điểm như muốn nói: "Vì mẹ mà con phải chịu thiệt thòi". Tôi ấp đôi bàn tay mình lên hai gò má sần sùi sạm nắng của mẹ...

- Con xin lỗi mẹ!

Sự lựa chọn của tôi chẳng vẹn toàn như ý nghĩ. Học phí trường tôi rất đắt đỏ. Vì thế, nhà tôi đã nghèo lại càng túng quẫn bội phần. Mẹ làm việc quần quật suốt ngày không đủ nuôi bốn miệng ăn. Thương mẹ, tôi sáng đi học, chiều xách giỏ ra đồng mò ốc, bắt cua. Cộng với tiền anh trai làm gia sư gửi về hằng tháng cũng tạm lấy chỗ này đắp chỗ kia. Bố tôi bắt đầu có những dấu hiệu bệnh tật: bọng mắt sưng húp, da mặt vàng khè, lưng lâm nhâm mụn nhọt. Bà tôi khuyên:

- Con ơi, mày định sống vất vưởng thế này đến bao giờ hả, con? Mày xem kìa, con mày lớn cả rồi. Chả lo chí thú làm ăn còn nuôi chúng ăn học!

- Thân thằng nào thằng ấy tự lo - Bố tôi choẳn ngoẳn - Thằng này không có trách nhiệm lo cho đứa nào hết!

Bố tôi bị bệnh viêm loét dạ dày. Mẹ chạy vạy khắp nơi vay nóng sáu triệu đồng mua thuốc. Được đúng bốn hôm kiêng cữ, bứt rứt trong người, bố mò ra quán rượu. Tôi lựa lời phỉnh nịnh:

- Bố ạ, bố muốn sống lâu dài để hưởng lộc cháu con sau này thì bố hãy nghe lời bác sĩ mà bỏ rượu đi thôi.

- Thôi thôi, phúc phần, lộc lá ấy để mẹ mày hưởng - Bố khoát tay - Tao bệnh thì tao chết. Khi ấy tao mồ yên mả đẹp rồi!

Nói thế cho sang mồm chứ bố tôi là chúa sợ chết. Bố muốn sống, nhưng không dễ cắt đứt cơn thèm rượu. Rượu đã ngấm vào từng mao mạch của bố. Thèm là uống, uống cho bằng được. Cái hôm nổi cơn đau bụng dữ dội, ông rỉ rên than oán, bắt mẹ con tôi đưa lên bệnh viện tỉnh ngay trong đêm:

- Đau gì mà đau thế hỡi trời. Đưa tao đi viện gấp! Cấp cứu! Cấp cứu!

Sau một vài hôm điều trị lại lẽo đẽo dắt nhau ra về chờ gom đủ tiền. Nguôi nguôi cơn đau, bố tranh thủ tìm rượu với lý do: "Làm đôi chén cho dễ ngủ". Mẹ tôi sinh chán đời, ngồi ì một chỗ, không làm lụng, không quỳ nhà này, lạy nhà kia vay mượn gì nữa. Rồi nợ nóng đã đến hạn trả. Bố tôi đánh mẹ chẳng kể lúc say hay khi tỉnh. Giọt nước tràn ly là cái lần bố cầm kéo hớt ngang búi tóc của mẹ tính mang ra chợ bán lấy tiền đổi rượu, mẹ đã giằng lấy cây kéo sắc nhọn, vùng dậy:

- Mày giết tao luôn đi. Cả hai cùng chết.

Bà tôi từ dưới nhà ngang hốt hoảng lần theo bậc thềm chạy lên. Chuỗi tràng hạt bị đứt dây, những hột nhỏ bật tung ra, văng lọc cọc khắp nền nhà. Tóc mẹ trên tay bố rơi xuống từng đợt mỏng manh, rũ rối. Mẹ phát điên từ đấy...

*

Bệnh của mẹ, bác sĩ lắc đầu. Bệnh của bố, y học bó tay. Bố bỏ hẳn rượu nhưng mọi sự đã quá muộn màng. Trong bố, không chỉ dạ dày mà gan, thận, phổi, tim... đều gánh một chứng bệnh. Anh em chúng tôi đâu biết làm gì hơn? Đành dặn nhau gạt bỏ quá khứ báo hiếu cho bố mẹ được ngày nào thì hay ngày đó. Nằm co quắp trên giường, bố tôi gầy rạc đi, nhanh như rau muống nhúng nước sôi. Mỗi ngày ông nuốt được dăm ba thìa cháo loãng. Bố ân hận về những tội ác mình đã gây ra. Ông muốn chết để tránh lụy phiền con cái...

Mẹ tôi giờ chỉ thích cười - tiếng cười kéo dài man dại. Đến mùa hoa đại, mẹ nhặt những bông trắng mềm cài lên mái tóc lớm chớm mấy năm liền chẳng mọc dài thêm rồi nghêu ngao: "Thế gian ai đẹp bằng ta/ Mặt xinh, da tỏa hương hoa thơm nồng". Bên gốc đại cỗi cằn, mẹ hát, mẹ múa, mẹ chơi ô ăn quan. Mẹ tự nhận mình là nàng Bạch Tuyết. Tôi bàn với anh trai hay chặt bỏ cây đại đi. Bà nội nghe được liền bảo, cứ giữ cây đại để níu chân mẹ. Chặt cây đại này, rồi mẹ cũng sẽ lang thang tìm tới những cây đại xứ khác mà thôi...

Ngày bố mất, mẹ trèo lên cây đại nhảy xập xình như bị lên đồng. Ai nhìn thấy đều không khỏi xót xa. Mẹ cười hả hê mà một giọt lệ rỉ ra, đùng đục. Thế rồi đêm hôm ấy, mẹ cũng bỏ anh em chúng tôi mà đi theo bố. Mẹ nằm trên ổ chó đính đầy hoa đại trắng, mắt khép hờ, chân tay co quắp. Tôi tìm thấy lọ thuốc ngủ trong túi áo mẹ và một mảnh giấy nguệch ngoạc: "Kiếp này, mẹ chưa trả hết nợ cho bố các con. Mẹ sẽ làm ma theo hầu ông ấy...".

Ngày hôm sau, trời nổi cơn dông. Sấm đùng đoàng. Sét chém dọc ngang. Gió vần vũ. Hoa và lá của cây đại lã chã rụng xuống bỏ lại những cành nhánh khô gầy, xương xẩu...

*

- Sóng gió của gia đình cháu nổi lên từ đâu ạ bà?

- Chuyện dài lắm, cháu à...

Bà tôi kể, ngày ấy, mẹ tôi từng có mối tình rất sâu đậm với một người thanh niên trong xóm. Quá tin người đó, mẹ đã gửi gắm đời con gái cho hắn. Khi biết mẹ mang thai tháng thứ hai, hắn miễn cưỡng hứa hẹn sẽ chịu trách nhiệm, rồi lẳng lặng bỏ đi biệt tích. Đau đớn, tủi nhục, mẹ trẫm mình xuống sông tìm cái chết. Nhưng định mệnh đã sắp đặt cho bàn tay bố cứu vớt cuộc đời mẹ. Mẹ đã giấu nhẹm tất cả. Đến lúc anh trai tôi ra đời thì mọi việc vỡ lở....

Tôi lặng lẽ nhìn ra khoảng sân tràn nắng. Ngoài kia, sau cái lần bị tia sét đánh trúng, cây đại mấy năm liền không còn nở hoa mỗi độ chuyển mùa...

Truyện ngắn của Phan Đức Lộc
.
.