Cây cầu cổ bị mất cắp
Người dân trong khu Phụng Hiền ở Thượng Hải đang sôi nổi bàn tán về một chuyện kỳ lạ: Cây cầu đá cổ Phong Lạc Kiều là di tích văn hóa nặng hàng chục tấn đã biến mất một cách kỳ lạ ...
Cây cầu đá ở thôn Trần Nghi Thượng Hải là một cây cầu cổ. Cây cầu này được xây dựng vào năm Quang Tự thứ 33, đời Thanh. Năm 1907 cầu được đặt tên là cầu Phong Lạc, cây cầu bắc qua con sông nhỏ Trúc Lịch để tiện cho việc đi lại của nhân dân vừa là cảnh quan làm tăng thêm vẻ đẹp cho thị trấn cổ Phong Hiền.
Cây cầu được người xưa xây dựng rất đẹp, ở chính trung tâm có ba chữ “Phong Lạc Kiều”. Cây cầu bắc qua con sông nhỏ Trúc Lịch theo hướng từ Đông sang Tây dài 17,5 m rộng 1,2 m được làm hoàn toàn bằng đá hoa cương. Do giá trị lịch sử và giá trị thẩm mỹ nên năm 2011 nó được công nhận là di tích văn hóa cần được bảo vệ.
Cây cầu cổ đã yên vị ở đây hơn 100 năm nên nó mang theo nhiều cảm xúc và ký ức của người dân, sau nhiều năm tháng dãi dầu mưa nắng và thăng trầm cùng tuế nguyệt nó đã biến mất một cách bí ẩn.
Sáng ngày mùng 8 tháng 10 năm 2018 giám sát viên di tích văn hóa của thị trấn Phong Hiền là Tạ Sở Quyền đã đến đồn cảnh sát báo tin: Cây cầu đá cổ Phong Lạc, một di tích văn hóa của thị trấn đã không cánh mà bay, thời gian bị mất ước tính là khoảng giữa tháng 9 năm 2018. Sau khi nhận được báo cáo phía Cảnh sát rất coi trọng vụ án này. Cảnh sát khu vực và Cục bảo vệ văn vật đã thành lập ban chuyên án gồm một lực lượng Cảnh sát có kinh nghiệm để điều tra vụ án. Đồn trưởng Nguyễn Ký Long đồng thời là Trưởng ban chuyên án đã dẫn Cảnh sát đến ngay hiện trường và sau đó các trinh sát đã tỏa các khu vực xung quanh để tìm hiểu tình hình, truy tìm manh mối. Do sự phát triển của xã hội và đô thị hóa nên nhân dân các thôn lân cận cây cầu đã rời làng quê lên thành phố làm ăn, hiện tại quanh khu vực cây cầu không có người ở và cây cầu đá cổ này từ lâu đã bị lãng quên.
Đã hơn một tháng mà vẫn không có bất kỳ manh mối nào, tất cả là trùng trùng khó khăn đang ở phía trước nhưng trinh sát của ban chuyên án vẫn không sợ những khó khăn cản bước, họ vẫn tin rằng chỉ cần phát hiện được manh mối là có thể phá được vụ án. Đúng là trời đã không phụ công lao họ, thông qua một tuần “mò kim đáy biển” cuối cùng các trinh sát đã lần ra được một manh mối có giá trị, manh mối đã mang đến tia hy vọng cho ban chuyên án. Trong khi đi phỏng vấn người dân có người công nhân xây dựng làm việc gần cây cầu nói rằng buổi sáng một ngày giữa tháng 9 có một nhóm người đi trên một chiếc xe tải lớn đến tháo dỡ chiếc cầu rồi chở đi. Vì tính tò mò nên anh có đến gần xem họ làm, chính vì tính tò mò mà anh cũng mang máng nhớ được chiếc xe mang biển số Thượng Hải.
Thông qua manh mối về chiếc xe do người dân cung cấp, sau hai tuần trinh sát đã tìm ra được chiếc xe tải và người lái xe là Vệ Hòa. Vệ Hòa nói rằng anh chỉ là người lái xe thuê, chủ xe tên là Trương Cương. Hôm đó một người An Huy tên là Hồng Bưu đã liên hệ với chủ xe là Trương Cương thuê xe chở cây cầu đá đi Tô Châu với gía 500 tệ. Qua lời khai Trương Cương, tối ngày 20 tháng 12, Cảnh sát ban chuyên án đã bắt giữ Hồng Bưu. Qua thẩm vấn anh ta khai ra một tên đồng phạm chính nữa là Vương Thắng, đến ngày 23 tháng 12 thì Vương Thắng cũng bị bắt tại nơi cư trú trên đường Trạch Phong Thượng Hải. Qua khai thác các tên tội phạm, các tình tiết đằng sau cây cầu cổ bị mất dần dần lộ ra.
Người đầu tiên nhắm tới cây cầu là Hồng Bưu, hắn sinh năm 1972 ở An Huy. Hồng Bưu làm công việc điều hành các phương tiện giao thông ở thị trấn Tuyên Kiều nhưng có một cửa hàng kinh doanh đồ đá ở Tô Châu. Hồng Bưu luôn có mộng ước được phát tài và luôn suy nghĩ để tìm ra con đường làm giàu, sau này hắn phát hiện ra rằng ở đâu cũng có thể làm giàu. Hắn thấy đá cũng rất có giá trị đặc biệt là những phiến đá hoa cương lớn, thị trường đang có nhu cầu nên có giá rất cao, do đó hắn đã mở một cửa hàng kinh doanh đồ đá. Hắn thường lái xe đi rong ruổi khắp nơi tìm kiếm con mồi. Một ngày, hắn lái xe đi qua khu vực cầu Phong Lạc khi nhìn thấy cây cầu mắt hắn sáng lên: Cây cầu này làm toàn bằng đá hoa cương mà là đá nguyên khối rất lớn, nếu lấy được thì bán rất có giá. Cây cầu bắc qua con sông nhỏ để người dân đi lại thì làm thế nào để ra tay được, mặt khác cây cầu này là cây cầu cổ thuộc diện nhà nước quản lý nếu mạo hiểm thì sẽ ngồi tù?
“Mỡ để miệng mèo” mà không ăn thì phí quá. Hồng Bưu suy nghĩ rất nhiều và quyết định tìm người khác làm, như vậy mình vừa kiếm được tiền mà tránh được nguy hiểm. Một ngày tháng 8 năm 2018, Hồng Bưu tìm gặp Vương Thắng. Vương sinh năm 1979 người An Huy làm nghề kinh doanh cây xanh. Hồng bàn với Vương về chuyện lấy cắp cây cầu, cũng ngay hôm đó Hồng đưa Vương đến xem cây cầu. Đến nơi Vương nhìn cây cầu đá thấy có hoa văn, trông cổ kính biết là thuộc hạng văn vật, là tài sản quốc gia nếu động vào là đi tù như chơi.
Mặc dù vậy, sự hấp dẫn của đồng tiền làm cho Vương khó lòng từ chối nên Vương đồng ý sẽ cùng làm ăn với Hồng trong vụ này. Vương nói với Hồng rằng Vương sẽ lo chuyện dàn xếp với cán bộ địa phương và trong quá trình tháo dỡ xảy ra chuyện hắn sẽ lo lót. Thực ra hắn chỉ nói dóc thôi chứ hắn chẳng có quen biết ông cán bộ địa phương nào cả, có chăng là quen mấy tay xã hội đen. Hồng thỏa thuận trả cho Vương 3 vạn tệ, trả trước 1 vạn, 2 vạn sẽ trả sau khi xong việc.
Vương cho rằng việc tháo dỡ cây cầu ban đêm là càng lộ ra sự mờ ám và chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”, cần phải có cách “quang minh chính đại” để tháo dỡ cây cầu giữa ban ngày, hắn suy nghĩ mọi cách để lấy cắp được cây cầu và cuối cùng hắn cũng tìm ra được cách “hợp pháp hóa” tháo dỡ cây cầu mà hắn rất đắc ý.
Đầu tiên Vương tìm một người làm giấy tờ giả và đã chi cho người đó 150 tệ làm giấy chứng nhận di sản văn hóa giả để chứng minh đây là cuộc tháo dỡ bảo hộ di sản, như vậy danh chính ngôn thuận hắn có thể hiên ngang tháo dỡ mang cây cầu đi.
Ngày hôm sau Hồng gọi cho Trương Cương lái xe tải biển số AP 5402 đến khu vực cầu, trên đường đi Hồng gọi 3 công nhân cộng với anh rể của Hồng tất cả là 6 người đến tháo dỡ cây cầu. Việc đánh cắp cây cầu cổ chỉ có Hồng và Vương biết. Hai người đưa ra có giấy tờ giả nói với công nhân rằng họ tháo dỡ cây cầu cổ tiến hành việc bảo hộ di sản. Vương bảo mọi người đội mũ bảo hộ trông giống như những nhân viên môi trường đô thị để người đi đường tưởng là công nhân thi công công trình công cộng. Bằng cách này bọn chúng hiên ngang tháo dỡ từng phiến đá một dùng dây cáp kéo lên xe, tất cả có 16 phiến đá lớn có độ dài, ngắn khác nhau rồi chở đến khu Tuyên Kiều thuê xe cẩu dỡ xuống. Xong việc Hồng trả cho 3 công nhân mỗi người 120 tệ, trả Trương Cương 500 tệ, trả lái xe cẩu 300 tệ. Sau đó Hồng lắp cây cầu ở cửa hàng đồ đá Tô Châu và dự định bán với giá cao.
Cả quá trình tháo dỡ ăn cắp cây cầu không có ai ngăn cản, không có ai hỏi han nên bọn chúng cho rằng “thủ thuật che mắt” đã rất thành công, nhưng dù xảo quyệt đến mức nào thì cũng lộ chân ngựa. Tại công trường xây dựng gần đấy một số công nhân đã tận mắt chứng kiến quá trình cây cầu bị tháo dỡ đánh cắp và họ đều tưởng rằng đơn vị bảo vệ di tích tháo dỡ cây cầu nhưng sự việc này không qua được con mắt cảnh giác người công nhân họ Tiền. Chính nhờ manh mối quan trọng này mà cảnh sát đã phá được vụ án.
Cây cầu cổ được thu hồi gồm 16 phiến đá hoa cương ghép lại nhưng có điều không may là một phiến đá đã bị vỡ trong quá trình bọn tội phạm phá dỡ cầu. Theo các chuyên gia việc lắp ráp và sửa chưa cầu sẽ tiêu tốn khoảng 45 ngàn tệ. Chính quyền địa phương đã phân bổ một ngân sách đặc biệt để lắp ráp phục hồi lại cây cầu. Phía cơ quan bảo vệ di sản đã mời khoa thiết kế cầu của Trường Đại học Giao thông Thượng Hải làm việc này. Hy vọng rằng trong tương lại gần cây cầu cổ sẽ có diện mạo như lúc đầu nằm lặng lẽ, bình yên trên con sông Trúc Lịch xinh đẹp như trong tranh.
Nguyễn Thiêm (dịch)