Câu chuyện không lời kết
Tôi hay đến thăm ông hơn để động viên, an ủi ông. Dù rơi vào hoàn cảnh "cái chết đã được báo trước", nhưng ông vẫn tỏ ra là người có bản lĩnh, trước mặt mọi người không bi quan, ảo não, vẫn giữ được tính hài hước, hóm hỉnh vốn có. Ông nói với tôi là ông bị "quả báo" vì bị chính chất độc da cam mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam giết hại.
Trong nhiệm kỳ ngoại giao ở Mỹ, tôi có người bạn Mỹ rất đặc biệt. Ông còn nói tiếng Việt rất giỏi không chỉ vì vợ là người Việt mà còn vì ông là sĩ quan tình báo CIA, huấn luyện các toán biệt kích để tung ra phá hoại miền Bắc.
Một lần, trong lúc nhậu lai rai, tôi hỏi:
- Ấn tượng đẹp nhất của ông về đất nước tôi?
- Là vợ tôi, không chỉ là ấn tượng mà đó là món quà đẹp nhất của Việt Nam tặng tôi.
- Ấn tượng xấu nhất?
- Là lần nào khi đến thăm nhà nàng, tôi cũng phải chạy qua một quán thịt chó, treo cái đầu bị thui, nhe răng, lủng lẳng, kinh đến bây giờ.
- Thế... ấn tượng của ông với "Việt cộng" hồi chiến tranh?
Ông xoa xoa mái đầu tóc bạc, nhỏ nhẹ:
- Lần thứ hai sang Việt Nam, tôi còn một việc đặc biệt khác là khai thác tù binh. Lúc đầu, tôi cũng hết sức ngạc nhiên vì "sự lì lợm, cứng đầu cứng cổ" của họ.
- Anh có kỷ niệm nào sâu sắc cụ thể không?
- Có chứ! Nhiều lắm!
Rồi ông thủ thỉ kể với tôi mà như tâm sự với chính mình.
Đó là giữa năm 1965, Tổng thống Mỹ Johnson cho tiến hành chiến lược quân sự "Tìm và diệt" ở miền Nam Việt Nam do Westmoreland vạch ra. Quân đội Hoa Kỳ sẽ là lực lượng chủ lực phối hợp quân đội Sài Gòn để "bẻ gãy xương sống Việt cộng" ở địa bàn chiến lược Tây Nguyên....
Vấn đề cần phải nắm rõ là lực lượng và chủ trương đối phương ở Tây Nguyên lúc đó như thế nào? Đúng lúc đó, tôi nhận được tin bắt được một tù binh nghi là lính trinh sát của sư đoàn chủ lực mới đến Tây Nguyên. Quá tốt, tôi và đồng nghiệp lên ngay Pleiku để khai thác. Trước khi tôi hỏi cung, đồng nghiệp của tôi đã làm những gì có thể nhưng chưa lấy được thông tin gì có giá trị cả. Người ta đang đặt kỳ vọng vào sự khôn khéo của tôi.
Đó là một người lính còn rất trẻ, gầy và đen, bị bắt do ở lại chặn cho hai đồng đội chạy thoát.
Tôi hỏi tại sao lại đến miền Nam. Anh ta nói đơn giản là họ đã làm theo lệnh của cấp trên. Không cần hỏi quê, tôi chộp luôn giọng nói của anh ta, bảo quê xứ Nghệ phải không? Anh ta hơi giật mình liếc nhìn tôi như lời thú nhận. Rồi tôi hỏi dồn dập những câu quen thuộc:
- Anh có vợ chưa?
- Chưa.
- Anh bao nhiêu tuổi?
- Hai mươi!
- Đi lính lâu chưa?
- Ba năm.
- Anh tập ở đâu?
- ...
- Anh đã quen với Tây Nguyên chưa?
- ...
- Anh ở đơn vị nào?
- ...
Chỉ cần người lính trinh sát đó trả lời một trong những câu tôi gài vào là tình báo Mỹ đã có cơ sở để xác định được điều rất hệ trọng gì đó. Nhưng sau một buổi khai thác, tuyệt nhiên, tôi không hề thu được một thông tin gì đáng giá cả. Phải dùng biện pháp mạnh. Trước hết tôi thử tra tấn tâm lý, man rợ một tí nhưng đã từng đem lại hiệu quả. Tôi bảo với một cộng sự là người lính quân báo của Việt Nam Cộng hòa:
- Lấy cật nứa để bắt tên tù binh này tuốt cho nát tươm mười đầu ngón tay...
Nghe vậy, bất giác tôi khẽ rùng mình, ớn lạnh, làm cho ông ngừng lại, khẽ đưa bàn tay to và mềm úp lên tay tôi, tiếng trầm xuống, xin lỗi anh, chiến tranh mà... Tôi bảo không sao, anh kể tiếp đi. Vâng! Ông gật gù rồi tiếp.
- Tôi vừa nói vừa kín đáo liếc xem sự phản ứng của người tù binh. Thấy anh ta cũng khẽ rùng mình như anh vừa rồi, tôi đoán biết là người này sẽ không chịu nổi những cú đòn tra tấn rợn người này. Nhưng tôi đã nhầm... Người lính đó đã thắng dù sau đòn tra tấn anh ta đã ngất đi với mười ngón tay tươm như hai miếng giẻ thẫm máu ...
Sau trận Pleime mà quân đội Mỹ thua thảm hại, cơ quan ông được lệnh chuẩn bị tung thêm một toán biệt kích ra hậu phương miền Bắc. Lần này ông rất cẩn trọng, tuyển chọn, huấn luyện rất kỹ, toàn những người theo ông từ lâu. Khác với những lần trước, ông cũng thay đổi cách làm và trực tiếp cùng nhóm năm người di chuyển qua Thái Lan rồi đi trực thăng đến gần biên giới Việt - Lào ở khu rừng núi vô cùng hoang vắng.
Ông sẽ trực tiếp cùng toán biệt kích vượt qua biên giới, ở trong một hang đá sát đường biên để thăm dò, và chỉ huy anh em thâm nhập vào địa bàn Việt Nam, có động lại rút qua Lào. Nhiệm vụ của ông là sau khi nắm chắc tình hình, chắp nối được cơ sở cũ nằm vùng, sẽ gọi máy bay chở hai người còn lại và khí tài, lương thực thả dù xuống nhập bọn, sau đó ông sẽ trở lại Sài Gòn.
Họ ở trong một hang đá, xung quanh có mấy bản cũ bỏ hoang do chiến tranh hoặc thói quen sống du cư. Một lần có một con chó hoang đói xác xơ, mon men đến tìm thức ăn. Mấy người lính biệt kích của ông mừng lắm, định bẫy nó giết thịt. Vốn yêu chó từ nhỏ, nên ông cấm mọi người làm hại nó, ông lại còn cho nó ăn. Con chó dần quý mến ông, ông đi đâu nó cũng theo. Nhưng rồi mấy anh em trong toán biệt kích đã làm một việc mà ông không bao giờ tha thứ cho họ.
Hôm đó, ông bảo ba người ở lại hang cùng con chó, chờ lệnh. Ông cùng hai cộng sự leo lên một đỉnh núi cao để quan sát và chỉnh lại tọa độ trên bản đồ cho khớp với thực địa. Lúc trở về, qua ống nhòm từ mỏm cao cách nơi ở chừng ba bốn trăm mét, ông thấy con chó đang ăn gì đó ở cửa hang, còn ba người lính biệt kích của ông đang ngồi xem, có lúc còn vỗ tay có vẻ thích thú lắm. Nghĩ là họ đã theo ông, yêu quý chó nên ông thấy vui vui. Khi về đến nơi, ông thấy chó vẫn đang choãi chân, liếm lấy liếm để thứ gì đó giữa tàu lá chuối. Thấy lạ, ông hỏi:
- Các anh cho chó ăn gì mà mãi vẫn chưa hết?
Mấy người không trả lời, len lén nhìn ông rồi lủi vào trong hang đá. Ông đến tận nơi, kinh ngạc thấy bên dưới tàu lá chuối là một ống luồng đặt trong hõm đất nhầy nhụa những máu là máu. Con chó lúc ấy đã quỵ xuống, thè lưỡi đỏ lòm, hai mắt trắng dã nhìn ông như không hiểu chuyện gì đang xảy ra với nó... Ông xây xẩm cả mặt mày. Thì ra người ta đã bẫy nó, dùng cật nứa găm vào giữa tàu lá chuối rồi bôi ít mỡ vào đấy. Chó đói liếm mỡ, bị tứa máu lưỡi, nó lại liếm cho sạch máu, càng bị cật nứa cứa lưỡi, máu càng chảy nhiều hơn cho đến khi gục chết.
- Tôi rợn gáy, nhìn họ như nhìn lũ man rợ, hỏi: "Ai bày cho các anh trò thế này?". Lúc đầu, họ xem chuyện đó là rất bình thường, sau thấy tôi giận dữ quát: "Ai bày cho các người cái trò này?". Họ hoảng quá, đùn đẩy nhau trả lời. Một người lí nhí: "Vì vì... - hắn chỉ vào tôi - Vì chúng tôi học được ở người Mỹ các ngài...". "Cái gì? Người Mỹ nào?". "Thì... thì chính ngài chẳng lấy cật nứa để... để... tra tấn...". Ôi Chúa ơi... Sau này tôi mới biết ở nước các anh có câu: "Liếm như liếm máu chó" vì con chó thấy máu chảy là nó sẽ liếm mãi cho kỳ hết mới thôi... Tôi bủn rủn hết cả người.
Chuyện đó cứ ám tôi mãi, không chỉ hành động man dại của mấy lính biệt kích giết chó tội nghiệp, mà là cái ác đó họ lại bảo học từ tôi... Mà cũng không sai... Quả báo mà...
*
Một lần khác, ông lại thì thầm với tôi về một bí mật của chính ông, là ông đang bị chết dần vì bệnh tiểu đường và huyết áp cao. Ông bảo lý do là vì chất độc da cam ông bị nhiễm từ thời tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Thấy tôi có vẻ hoài nghi, ông bảo, đó là bi kịch của đời ông. Từ ngày ra khỏi cuộc chiến, ông đã làm những gì có thể để đấu tranh cho công bằng, bắt chính phủ Mỹ phải công nhận mình là thủ phạm và phải đền bù cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam. Cái đó khó lắm anh ơi... Vì Mỹ không bao giờ dám công nhận cả, phải đấu tranh. Tôi sẽ dành phần đời còn lại để đấu tranh, đời tôi chưa được thì con tôi phải tiếp tục, vì đó là công lý, là nhân đạo...
Tôi rất cảm kích vì biết ông đã dốc tâm huyết và cũng đã làm rất nhiều việc như vận động trong giới quan chức Mỹ, trong Hạ viện, Thượng viện và nhiều tổ chức xã hội ở Mỹ phải có trách nhiệm, phải đền bù cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam do họ gây ra ...
Tôi nhận được email ông viết là "có chuyện rồi", gần đây ông thấy hơi mệt, đi kiểm tra bác sĩ thì người ta xét nghiệm cho hay là đang nghi ông bị ung thư phổi. Mới chỉ nghi thôi, hy vọng họ nhầm. Gia tộc ông có gen sống rất lâu, trên dưới 100 tuổi, chưa ai bị thứ bệnh này cả. Nếu thế thì do chất độc da cam rồi vì hồi chiến tranh Việt Nam ông nhiều lần đi vào vùng rải thuốc diệt cỏ... Lại quả báo rồi... Nhưng ông dặn tôi đừng vội nói với ai, lỡ vợ ông biết lại mất vui, vì ông đã có kế hoạch đưa bà ấy đi du lịch ở Nam Mỹ...
Sau chuyến đi du lịch của vợ chồng ông, chúng tôi vẫn gặp nhau, ông vẫn vui vẻ, còn pha trò nhiều hơn trước mặt vợ. Tôi biết là ông đang gồng lên vì vợ con. Nhưng chẳng được bao lâu, ông phải trị xạ và được chăm sóc đặc biệt tại nhà.
Tôi hay đến thăm ông hơn để động viên, an ủi ông. Dù rơi vào hoàn cảnh "cái chết đã được báo trước", nhưng ông vẫn tỏ ra là người có bản lĩnh, trước mặt mọi người không bi quan, ảo não, vẫn giữ được tính hài hước, hóm hỉnh vốn có. Ông nói với tôi là ông bị "quả báo" vì bị chính chất độc da cam mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam giết hại. Những ngày này tôi mới có dịp gặp con trai cả của ông. Đó là chàng trai trung niên, đẹp trai, giống ông nhiều hơn giống mẹ, đang dạy học ở tiểu bang khác. Một lần, sau khi con trai đỡ ông từ xe lăn ra ghế ngồi, ông nói với tôi:
- Thằng cả mang hai dòng máu Mỹ - Việt, nó sẽ làm tiếp những gì tôi chưa xong, nó phải góp phần đấu tranh để nước Mỹ phải có trách nhiệm, phải đòi lại công lý cho nạn nhân chất độc da cam mà nước Mỹ đã gây ra trong chiến tranh ở Việt Nam. Cái chất độc dioxin đó vô cùng nguy hại... nó có thể di truyền đến các thế hệ sau...
Ông bỗng im bặt, mặt bợt đi, hai tay run run bấu vào thành ghế. Tưởng ông bị đau, tôi định gọi con trai ông vào, nhưng ông đã trấn tĩnh lại, nhìn tôi, lắc đầu:
- Tôi ... Không sao đâu... Nhưng mà anh ơi... Liệu... điều tôi vừa nói có ứng vào nhà tôi không?
Tôi hiểu ý ông, cố động viên:
- Anh hay lo xa... À mà mọi hôm anh bảo có điều gì cần tôi giúp ấy nhỉ? Tôi hỏi, cốt để anh tránh cái cảm giác nặng nề.
- Ừ nhỉ? Ông đã lấy lại trạng thái cân bằng, chỉ tập giấy để sẵn góc bàn - Anh cầm về xem, viết tiếp được thì hay quá. Tôi ấp ủ viết một truyện ngắn bằng tiếng Việt mà mấy chục năm chưa được.
Tôi lướt qua đầu đề tập giấy đã nhàu chứng tỏ tác giả của nó đã dày vò, trăn trở nhiều lắm. Đó là một truyện ngắn được sửa chữa nhiều lần, tiêu đề là "Người đóng quan tài".
- Anh cầm về xem...
*
Tin ông mất, dù biết trước vẫn để cho tôi những hẫng hụt. Vĩnh biệt một người bạn đã từng là kẻ thù làm cho tâm trạng tôi cứ ngổn ngang trăm mối, nhưng bao trùm lên là buồn. Về nhà tôi lấy tập truyện ngắn ông viết dở ra đọc. Câu chuyện viết về một làng quê ở Hà Tĩnh trong những năm chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Gia đình nọ làm nghề đóng quan tài, khi người trong làng có người chết thì gia đình ông lại có thu nhập. Trong chiến tranh, gia đình ông phát đạt vì rất nhiều người chết bom, chết đạn, đến nỗi có lúc gia đình ông không thể đóng quan tài kịp. Rồi gỗ cũng hiếm dần, cho đến một ngày nọ, vợ con ông cũng bị chết bom, ông phải lấy cả tủ, cả cánh cửa nhà để đóng. Rồi buồn thay, một ngày nọ, ông cũng bị chết bom thì không ai đóng quan tài cho ông cả...
Khiếp quá, tôi buồn đến rợn người khi hồi ức về cuộc chiến tranh mình từng tham gia lại ập đến. Chợt có dòng viết bằng bút bi cuối bản thảo:
- Anh giúp tôi tìm cái kết câu chuyện này với, tôi viết ba mươi năm mà chưa xong vì không tìm được cái kết cho hợp lý...
Lời nhắn gửi của ông làm tôi trăn trở. Làm sao kết thúc được. Cả ông, cả tôi, cả con cháu chúng ta sẽ chẳng ai viết được lời kết câu chuyện đó cả. Cuộc chiến đã trôi qua lâu, và còn lâu nữa, nhưng chưa bao giờ kết thúc.
Hà Nội - 2023