Cánh buồm màu trắng

Thứ Sáu, 18/11/2022, 15:50

Chúng tôi trở về lúc làng chài đang thiêm thiếp giấc trưa. Nắng thênh thang rực rỡ không trùm lấp được vẻ hoang lạnh. Diêu chạy chân trần ra đón chúng tôi. Tôi nhìn làn da thiếu nữ căng ánh màu mật ong, hai má đỏ như rặng mây hồng. Tôi mê chết mùi tỏa ra từ người Diêu, thứ mùi đặc trưng của biển mà lâu nay đi xa tôi ám ảnh. Mùi của hơi nước nhờn ẩm, nắng và gió khô tanh, bầu trời lạnh, những cánh buồm căng phồng hứng nước.

Tôi trở lại làng chài sau nhiều năm cách xa. Mùi vị cùng cảnh sắc hầu như không khác nhiều những gì tôi in dấu trong trí nhớ. Rẻo đất ven biển vẫn tiêu điều xác xơ, trơ những bụi cỏ úa vàng trên nền cát khô rang, bên đường thưa thớt vài nóc nhà lợp tôn bạc phếch oằn dưới nắng thiêu. Ngày rời nhà đi, Dương còn rất nhỏ. Tôi không còn chút ký ức gì về ngày ấy, Dương cũng chẳng bao giờ nhắc lại chuyện đã qua. Sau bao năm ở miền đất khác, tôi đã sớm quên đi ngôi nhà cũ, chỉ có Dương vẫn muốn trở về. Càng gần ngày giỗ mẹ, thằng nhỏ càng u buồn. Rốt cuộc chúng tôi về lại làng chài vì chiều theo ý em.

Ngày mẹ sinh em Dương, biển đục và âm u lắm. Cha hậm hực gỡ mấy con cá mối thưa thớt mắc trong lưới. Từ giữa đêm hôm trước, cha đã neo thuyền ở miết ngoài phá, cố vớt vát mẻ cá cuối vụ. Nắng xói lập lòe trong cặp mắt cha phừng phừng lửa giận. Nắng vỡ rạn trên đầu lúc tôi mải miết chạy từ phá về nhà. Lần đầu tiên tôi biết cảnh sinh nở của phụ nữ. Năm ấy, tôi còn đang giữa tuổi thiếu niên.

Cảnh tượng ấy đủ in ngập nỗi kinh hoảng vào óc tôi cho đến hết đời. Mẹ quỳ trên đất bẩn, hai tay run rẩy ôm cái bụng nhô cao. Máu như của hàng trăm con cá mẹ mổ mỗi buổi chợ sáng, chảy lênh loang giữa bắp đùi còn dính cát. Vũng máu huyết bị nắng hun, vấy lên mùi tanh khẳm váng óc. Nỗi kinh hãi làm tôi cứng sững người. Lúc tôi đón Dương từ hai bàn tay run rẩy, mẹ không còn đứng lên được nữa. Chỉ còn cặp mắt vẫn sống động, trao gửi cho tôi sự phó thác đầu đời. Lần đầu tôi cảm nhận nỗi căm giận cha ngấm dần trong người như một liều thuốc độc. Ngay cả khi hơi thở xanh xao của mẹ tan trên tóc tôi, cha vẫn không về. Hôm ấy nắng trời như dính máu.

*

Chúng tôi trở về lúc làng chài đang thiêm thiếp giấc trưa. Nắng thênh thang rực rỡ không trùm lấp được vẻ hoang lạnh. Diêu chạy chân trần ra đón chúng tôi. Tôi nhìn làn da thiếu nữ căng ánh màu mật ong, hai má đỏ như rặng mây hồng. Tôi mê chết mùi tỏa ra từ người Diêu, thứ mùi đặc trưng của biển mà lâu nay đi xa tôi ám ảnh. Mùi của hơi nước nhờn ẩm, nắng và gió khô tanh, bầu trời lạnh, những cánh buồm căng phồng hứng nước. Dương rụt rè nép vào tôi, cố trốn ánh mắt Diêu. Nhưng Diêu không chú ý đến thằng nhỏ, mà mải mê kể chuyện làng chài.

Từ ngày tôi đi, ngôi nhà hầu như không thay đổi chút gì. Diêu trở về rồi, tôi mới đẩy cửa vào nhà. Bức ảnh mẹ trên ban thờ đã bị phủ mờ sau lớp bụi. Suốt bao nhiêu năm sống cùng cha, mẹ vẫn luôn nhìn cha bằng cặp mắt như thế, bình thản, trong suốt, nhưng cả khuôn mặt vẫn đóng băng trong nỗi buồn. Chỉ có tôi biết bên trong mẹ lúc nào cũng ủ sẵn một ngọn lửa âm thầm, tha thiết, chỉ dành cho tôi.

Những lúc nhà chỉ có hai người, gương mặt mẹ bỗng sáng bừng lên như được nắng chiếu rọi. Mẹ ấp tay lên má tôi, chăm chú ngắm vầng trán trẻ thơ bằng cái nhìn ngầm ngập âu yếm, như muốn kiếm tìm lại những mảnh ký ức đẹp đẽ qua hình hài tôi. Mẹ nói, tôi là hóa thân của những gì mẹ từng yêu dấu. Tôi lâng lâng như được gió thả giữa trời, ngập trong thương yêu dâng đầy mí mắt mẹ.

Phút êm ái chỉ tắt vụt khi bóng cha bước qua ngưỡng cửa. Cha thoáng thấy nụ cười mẹ còn ấm trên tóc tôi, mắt đanh lại và cơ bắp dường như săn lại dưới tấm áo sũng nước. Cha ngó tôi chằm chặp như khi ngồi trên thuyền rình cá mắc lưới. Tôi không chịu nổi cái nhìn như xói thịt ấy, phải vội vàng ngoảnh mặt lên cửa sổ. Tôi ngơ ngác không biết tội lỗi mình, vừa muốn nằm trong lòng mẹ âu yếm, vừa sợ đổi lại sự hằn học từ cha.

Nắng hun không khí quanh ba người chúng tôi, miên man đặc quánh. Những hồi tưởng đó chợt xẹt qua óc tôi và để lại một nỗi xót xa tê dại. Chuyến đi rút cạn sức lực thằng bé. Tôi nhìn Dương đang ngủ gục trong lòng mình. Nó nhẹ bẫng, yếu ớt. Sau bao năm đi xa, tôi đã trở thành thằng con trai cường tráng nóng nảy như hằng muốn, chỉ có Dương mãi không lớn lên nổi. Trong tay tôi chở che, nó như ở lại mãi hình hài của đứa bé tám tuổi, mớ tóc quăn mềm, làn da thơm sữa, vẫn trong veo như một trái táo ngọt. Tôi mang Dương vào trong. Gian buồng vẩn lên mùi bụi bặm bị giam hãm lâu ngày. Dương ngủ ngon lành trong quầng sáng mờ tối ấy.

Chiều phủ ráng vàng trên các mái tôn nhấp nhô bên xóm chài. Mặt nước loang loáng vệt nắng vàng sóng sánh. Diêu cười rộn lên lúc thấy tôi lóng ngóng cầm mái chèo, làm nước bắn lên ướt ngực áo. Diêu biết rằng ngày còn ở đây, tôi chưa bao giờ biết chèo thuyền, không biết bơi, thả vó đánh cá hay câu mực. Tôi là nỗi nhục nhã của cha. Trẻ con làng chài thường lao vào sóng nước mà sớm lớn lên, chỉ có tôi mãi là kẻ lạc loài.

311285716_438904258412375_8431505893417434032_n.jpg -0
Minh họa: Đỗ Dũng

Trời bớt oi bức lúc tôi hối hả trở về nhà. Dương ngồi trên giường, hai bàn chân nhỏ xíu đung đưa. Ánh mắt xao xác của nó sao mà giống mắt mẹ. Nắng le lói sắp tắt kéo vệt trên gò má xanh xao, bờ vai bé như lút chìm trong tà dương nhạt úa.

- Sao Ngạnh đi lâu thế? Nhà không có điện. Em sợ lắm mà em không biết thắp đèn. Em sợ bóng đèn làm bỏng tay em!

Gió thổi rào rạo giữa vòm lá mênh mang gió. Tôi choàng dậy lúc nghe tiếng bước chân trên khoảng sân lát gạch. Tiếng chân nhẹ và ướt. Mùi cá ươn tanh tưởi, mặn gắt chợt quanh quẩn sau cửa sổ. Tiếp đến là tiếng đập cửa dồn dập, thô bạo, gấp gáp, giống hàng chục nhát búa nện vào óc tôi rung lên. Tâm trí bỗng trôi tuột về thuở nhỏ, về những đêm âm u, cha đột nhiên quay về nhà, mình mẩy ướt đầm sau cả chiều giăng lưới. Nếu tôi không kịp ra mở cửa, sẽ bị tống ngay một cú đá vào bụng. Cha sấn tới, dấn vào tôi sức mạnh đàn ông, liên tiếp, thô bạo, cho đến khi tôi nằm co quắp trong góc nhà. Tôi không gượng dậy nổi, không còn cả kịp choáng váng. Hình như Dương cũng nghe thấy, nó giật thót mình.

- Cha về phải không, anh Ngạnh?

Nó rúc vào tôi. Như con cá nhỏ muốn lặn sâu vào nước.

- Không. Đồ nhát chết. Chắc là gió đấy. Cứ ngủ đi, tao thức canh chừng. Nếu cha về, tao sẽ đuổi lão.

Dương bớt run. Gan bàn tay tôi cũng ứa mồ hôi lạnh, của cả sự căm hận và khiếp hãi. Nó thì thào:

“Ngạnh cũng đừng sợ. Mình chỉ ở nhà đến ngày giỗ mẹ thôi - Nó bảo - Hôm nay em thấy đảo bên kia biển rồi. Ngày xưa anh nói nó là đảo gì nhỉ? À, đảo Yến. Đảo ấy to thật, to hơn nhiều lần nhà của mình. Trên đảo có một cái nhà sơn trắng, cửa sổ màu xanh dương. Ở đấy không có cha. Mai kia chỉ có mình ra đấy cùng nhau thôi. Mình không cần phải sợ cha nữa”.

*

Ngày thứ ba trở về, Ngạnh ra vịnh cùng tôi với cặp mắt đỏ ngầu, hằn đầy tơ máu.

Ngạnh mang đôi mắt của mẹ. Đôi đồng tử mở to, mênh mang như chứa cả một đại dương đầy sương mù. Khi mới qua tuổi mười bốn, tôi đã yêu cặp mắt ấy đến độ mỗi lần thấy Ngạnh qua nhà, tôi đã bối rối quay đi ngay, môi run lên vì xáo động đầu đời.

Gần nhau đến vậy, thế mà tôi vẫn không dám hỏi vì sao Ngạnh đột ngột quay về sau chừng ấy thời gian, sợ chạm vào vết thương bên trong vẫn còn âm ỉ buốt nhức. Ngạnh trở nên kì lạ từ ngày về ở nhà. Mỗi lúc ngồi cạnh nhau, Ngạnh vẫn rùng mình lúc tôi ve vuốt dọc cánh tay, vậy mà tâm trí vẫn đang chơi vơi ở một thế giới khác, không phải hiện thực mà chúng tôi đang sống. Tôi đã tưởng Ngạnh sẽ vĩnh viễn rời bỏ làng chài, không quay về nữa.

Ở đây, nắng đổ chang chang suốt tháng và trùm không khí oi nồng lên làng chài mỗi ngày một thêm xác xơ. Mặc cho nắng tưới đẫm làn da, sáng sáng Ngạnh vẫn ra ngồi trên bãi đá, hướng mặt ra đảo. Tôi không dám chạm vào tấm lưng mỏi mệt cô quạnh ấy, chỉ lặng ngắm cái gáy dầy chắc hồng ửng lên trong nắng mai. Có lần tôi kiếm cớ ngồi sau Ngạnh, xem phía ấy có gì mà bữa nào Ngạnh cũng ngóng trông bằng cặp mắt quá đỗi tha thiết. Tôi thấy vài cụm rau muống bò lan trên cát, sóng lăn tăn tấp vào bờ vỏ ốc và rác rưởi, mặt biển thênh thênh loang nắng, những con sứa lửa dềnh lên theo thủy triều, một con thuyền bập bềnh đơn độc tít phía xa... Cả đời mỏi mòn bám vào lòng biển, vậy mà làng chài cứ mãi nghèo.

Với tôi, biển buồn đến độ hình như cả chục năm trước có một trận gió đã quét qua đây và đến giờ vẫn đứng lặng thinh ủ ê trên bãi. Dưới những tán phi lao lào xào gió, mọi sinh hoạt diễn ra trong âm thầm cần mẫn, vì thế những chuyện lạ làm người ta nhớ rất lâu. Thím Hòa vẫn còn kể chuyện nhiều năm trước, có một người đàn bà lạ đã đến đây, với nước da trắng xanh và cái bụng nặng nề, gần như lả đi trên bãi đá. Buổi sáng chú Sinh đi thu lưới, người ấy gọi theo xin một ngụm nước. Chẳng biết hai người nói gì sau đó, mà chú đã dìu được người ấy về ở mãi trong ngôi nhà lợp tôn liêu xiêu, cuối xóm chài. Ngạnh không phải là đứa con của biển. Sợi dây nối kết Ngạnh với nơi này cũng lỏng lẻo như cuộc gặp gỡ của chú Sinh buổi sáng ấy. Ngạnh chỉ thật sự thuộc về làng chài từ khi có thêm Dương.

Đó cũng là lần đầu ở bãi xảy ra xô xát. Buổi sáng, chú Sinh neo thuyền ở miết ngoài phá, Ngạnh còn kịp vẫy tay với tôi lúc hối hả chạy từ phá về nhà. Sau cả đêm lênh đênh ngoài khơi, đám đàn ông lại uống rượu trên thuyền, chú Hòa nhìn bả vai chú Sinh cuồn cuộn trơn nhẫy mồ hôi, tăc lưỡi, người như thế mà phải nuôi con thằng khác. Một người đế thêm, vợ thì mềm như bún, trắng nõn trắng nà, ở với lão chồng cục cằn, khác nào trăng rằm chảy xuống cống. Chú Sinh đứng phắt dậy, tia mắt dữ dội phóng thẳng vào đám đàn ông. Nếu thím Hòa không kịp chạy đến khóc van, có thể chú Sinh đã giằng lấy mái chèo, đánh người đến vỡ óc.

Chú Sinh thô bạo đến thế nào, cả dân bãi đều biết. Tôi luôn thấy Ngạnh ra khỏi nhà với một bên má tím bầm. Đôi khi, sau những cơn giông bão, người ta không thấy chú dong thuyền về nữa. Nhiều người tưởng chú Sinh đã bỏ xác ngoài khơi. Nhưng đến lúc không ngờ, chú lại trở về, khỏe khoắn và hung bạo, giống như ngấm thêm sức mạnh của những đêm giông và sấm sét. Vậy mà cũng vào một ngày không ngờ nhất, người ta cất được xác chú Sinh đã trương phềnh lên trong vó, người vẫn nồng mùi rượu đế. Cả bãi xôn xao bảo chú Sinh uống rượu say quá ngã xuống biển, tôi sợ không dám đi xem người chết. Ngạnh lặng lẽ bỏ đi sau ngày đó và cũng chẳng nhắn lại tôi một lời nào.

Tôi muốn bù đắp cho Ngạnh gấp nhiều lần những mất mát đã qua. Tôi yêu mặt biển đêm như yêu mê đôi mắt Ngạnh. Đêm rằm, trăng dìu dịu chảy đầy thuyền nơi chúng tôi nằm sóng đôi. Tôi nhấc tay, phác trong bóng trăng đường nét cơ thể Ngạnh dẻo dai rắn chắc, múi bụng gồ cao, bắp thịt đỏ au vồng lên sau lớp áo. Gió đêm mơn man như làn lụa mỏng, lướt trên da thịt chúng tôi ôm xiết lấy nhau rồi nở bừng trong mê đắm. Mắt Ngạnh thật sự thỏa mãn lúc ngón tay và đầu lưỡi chúng tôi yên lặng khám phá nhau.

Mỗi lúc đằm mình giữa mặt biển rười rượi váng trăng, tôi lại muốn đôi môi mơ màng của Ngạnh trên môi mình. Ngạnh nói hơi thở tôi, làn da tôi mặn hơi muối. Tôi muốn truyền cho Ngạnh vị mặn mòi ấy. Hôn, tôi bắt Ngạnh há miệng, như bón cho Ngạnh từng ngụm sự sống. Từng chút, từng chút một, cho đến khi hai đứa đầy ứ mùi biển, lịm người trong tay nhau. Sau dáng vóc cường tráng, phần đơn độc bất lực trong Ngạnh làm tôi xót xa, tôi không biết làm gì để xoa dịu cho Ngạnh ngoài những nụ hôn đẫm ướt.

*

Đã từ lâu tôi không được ngủ một giấc tròn vẹn. Có lúc mỏi mệt làm trĩu nặng mí mắt, nhưng nỗi âu lo khiến tôi phút chốc bừng dậy. Ngày nào tôi cũng sống trong một nỗi sợ hãi mơ hồ. Sợ trong giấc mơ mê mỏi, cha sẽ trở về, mang Dương đi mất.

Những ngày ở làng chài dài lê thê hơn bao giờ hết. Khoảng không gian quanh nhà hâm hấp nắng trưa, nghe rõ cả tiếng vỡ tách đột ngột của vỏ cây dưới nắng khô cháy. Ngôi nhà im vắng như đang phơi mình chờ chết, tẻ ngắt nhợt nhạt không còn chút sinh khí nào. Từ ngày trở về, mắt Dương càng thêm buồn. Càng xanh xao vàng vọt như chẳng còn sức sống. Có những buổi chiều ngột ngạt váng vất, chúng tôi không nói với nhau tiếng nào. Ban ngày, thời gian chậm trôi, yên ắng đến điên người.

Thế mà khi đêm về, tôi không sao chợp mắt nổi. Tâm thần luôn căng như sợi xích, bởi dường như cha vẫn lẩn quất quanh chúng tôi. Giữa khuya, bốn bức tường rùng rùng những bàn tay kéo đến bấu cào đến tróc vôi, chỉ có Dương ngủ mê man chẳng hay biết gì. Buổi sáng tôi như vẫn thấy từng dấu chân ướt mờ cuồng loạn đi quanh nhà. Ngay cả chiếc giường tôi nằm cũng biến thành đại dương thẳm sâu dằn dữ. Chúng chênh chao, cuộn xoáy trong đêm, chúng kéo tuột tôi vào ác mộng tuổi niên thiếu.

Ngày ấy Dương còn chưa ra đời, chỉ có tôi và mẹ. Những chiều bị cha bắt theo thuyền đi lưới, tôi kêu thét, níu lấy cánh cửa, chấn song, bất cứ thứ gì trong tầm tay với. Bởi tôi biết cha có thể tàn ác tới độ nào. Đến quãng nước ngập quá đầu, cha thích thả tôi xuống giữa biển, bắt tự bơi đến thuyền. Lòng biển tối âm âm như vòm miệng loài thủy quái, tôi chới với giữa mặt bể bốn bề tung sóng. Tôi cuồng loạn giãy dụa, tôi co rút thân mình, chỉ sợ có bàn tay nhợt nhạt từ lòng biển vươn lên, kéo tuột tôi vào tối tăm sâu hút.

Nước xộc vào mọi kẽ nứt trên người khiến tôi thấy mình như con cá mắc lưới nằm đợi chết. Khi được kéo lên, tôi bò rạp nôn như tháo gan tháo ruột, rồi kiệt sức nằm như đã chết trên khoang thuyền. Nỗi sợ hãi của tôi như liều kích thích cơn cuồng vọng trong cha. Hình như cha hài lòng với ý nghĩ sinh mệnh của chúng tôi mãi mãi do cha nắm lấy.

Khi Dương tám tuổi, nghe tôi kể lại, thằng nhỏ có vẻ sợ lắm. Nó rùng mình lắc tay tôi:

- Em sợ. Em không theo cha ra thuyền đâu!

Tôi trấn an Dương, nói rằng không bao giờ để nó trải qua chuyện ấy. Dương là hóa thân bé bỏng của tôi. Tôi không để thằng nhỏ đi qua tuổi thơ giống mình. Dương có vẻ rất thích Diêu, dù Diêu hầu như không chú ý gì đến nó. Nó giục tôi đi với Diêu luôn luôn. Tối nào cũng vậy, khi trăng vừa lên quá bãi, nó đã đẩy tôi ra cửa, cười tinh quái.

Diêu run rẩy lúc tôi đưa tay cởi áo. Làn da chúng tôi áp vào nhau, khe khẽ thì thầm, cọ sát êm đềm đầy sinh thực. Một cách dịu dàng, Diêu thâu lại tất cả vẻ đẹp mềm mại của biển. Tôi muốn ủ đôi môi mình khát cháy lên hai đầu vú nhỏ nhắn, cứng cáp, thơm nhè nhẹ ấy. Muốn miết bàn tay qua thân thể em thon mảnh rám hồng. Tôi là con thuyền chao đảo trong bão, tôi muốn đắm ngập trong tấm thân em như vùi mình trong bến bờ ấm dịu. Tôi rướn người lên, gấp gáp đến độ thô lỗ dấn mình vào khoảng tối thẳm sâu, các bắp thịt căng cứng mỏi nhừ như sắp rã ra, tan thành nước.

Người tôi cũng tan thành nước lúc thấy bóng cha lừng lững đi trên sóng. Tôi bỗng thấy bải hoải rã rời như vừa bị một màn sương xám lạnh vây phủ tâm trí. Tôi đuối giữa hai chân Diêu giữa lúc mê cuồng nhất. Tôi như con cá mắc cạn nằm chết lặng trên cát ướt, không thể vùng vẫy, không thể bơi đi. Cha sẽ ám theo chúng tôi cho đến hết đời.

Dường như bước chân cha vẫn theo tôi trở về nhà. Tôi ngửi thấy mùi cá tanh phảng phất, cả hơi thở đầy giận giữ, hực lên phả sau gáy. Tôi vẫn bước đi, chỉ chờ cha bổ vào mình, nghiền nát tôi như bao lần cha nghiến chân lên cát mịn. Chưa khi nào tôi bình thản như đêm rằm ấy, biết rằng bản thân bất lực, một phần sức sống trong tôi đã chết, chẳng thể vãn hồi. Màn sương xám lạnh theo tôi đến tận cửa nhà mới tan, bởi Dương đã đứng đó chờ sẵn.

Thằng nhỏ chìa cho tôi xem những bức tranh nó từng vẽ hồi còn ở nhà. Tranh vẽ hòn đảo xanh, ngôi nhà trắng, ô cửa sổ màu xanh dương. Những hình ảnh chúng tôi đã bao lần cùng nhau mơ đến. Nó hơi nhíu mày giống một ông cụ non, như sắp đưa ra một quyết định trọng đại:

- Ngạnh ơi. Đây là nhà của anh với chị Diêu đấy.

- Em ở đâu, Dương?

- Em đâu thể ở với Ngạnh mãi. Ngạnh phải có cuộc đời khác thôi.

Không. Sao Dương không hiểu, tôi không cần cuộc đời khác. Cuộc đời của tôi ở đây, chúng tôi nối kết với nhau bằng tình thân ruột thịt. Tôi đã mất đi tất cả những gì thân yêu, nên chẳng còn gì làm tôi sợ hãi. Tôi nghĩ nay mai sẽ lại mang Dương bỏ làng chài mà đi, lần này là đi đến hết đời.

*

Bình minh lộng lẫy và tĩnh lặng. Tôi thu mình đi trong gió sớm, mặt biển sạch tinh không gợn một cánh buồm bởi lúc này thuyền còn chưa về bến. Chuyện hồi đêm khiến tôi xốn xang không chợp mắt nổi. Tôi xô cửa tìm Ngạnh. Ngôi nhà vắng thênh và lạnh như biển, đồ đạc ngổn ngang trong ánh sáng mờ nhòa. Hàng trăm bức tranh vụng về vung vãi khắp nhà, ào ra trước mắt tôi la liệt những cánh buồm trắng. Chúng hiển hiện trơ trọi như vừa bị kéo giật khỏi một giấc mơ hoang đường. Chúng chồng chéo nhau, xóa nhòa nhau đến độ không còn phân biệt nổi hình khối. Chỉ còn một màu trắng tịnh mịch phủ đầy không gian, trắng đến gai mắt.

Ngạnh ngơ ngác bước ra từ buồng tối. Mới qua một đêm, tôi xót xa nhận thấy Ngạnh giống như người vừa lưu lạc nhiều năm ròng. Râu cằm mọc lởm chởm, mắt trũng sâu, hai má không còn sắc đỏ của máu. Ngạnh mới hơn hai mươi tuổi, vậy mà sự sống trên người đã mất tăm không chút dấu tích. Ngạnh cuồng dã đêm qua vụt biến đâu mất. Ngạnh đờ đẫn đi về phía tôi như người mê.

- Dương đang ngủ - Ngạnh vò tóc - Đi ra bãi đá được không, Diêu, nếu không nó tỉnh dậy mất.

- Ngạnh!

Tôi nghe tiếng mình cất cao rồi rơi xuống mặt nước lao xao vụn vỡ. Căn nhà bỗng chốc phơi mở thênh thang, rộng mênh mông như biển. Có phải Ngạnh bị nhấn chìm trong thế giới ấy quá lâu, nên không tìm được bến bờ? Qua bậc tam cấp, tôi mở cửa bếp, dắt Ngạnh đi vào. Ngạnh thập thững bước sau tôi, trắng bệch như hình nhân bằng giấy.

Tôi trỏ cho Ngạnh thấy tấm lưới rũ trên nền nhà. Tấm lưới mà chú Sinh từng bao lần trói tay Ngạnh, thô bạo kéo Ngạnh ra biển trước cái nhìn của cả xóm chài. Tấm lưới mà nhiều năm trước cha mẹ tôi từng dùng để bọc em Dương, vào buổi sáng vớt được cơ thể em xanh xao dạt vào bãi đá.

Sóng lăn tăn trong đáy mắt Ngạnh, rồi tan ra, ào ạt ngợp trời của nỗi đau vừa vỡ.

*

Luồng sáng nhờ nhợ trước bình minh như vừa bị ai cầm chổi phũ phàng quét sạch, tôi thấy mình vụt đứng giữa một buổi trưa nắng cháy cát. Cha sầm sập xông thẳng vào nhà, gọi tên Dương, bắp chân đỏ au còn dính vảy cá. Cha thô bạo ghì đầu tôi vào vách tường ám khói, hơi rượu cay nồng xông lên từ khuôn miệng gằn gừ, nhễ nhại mùi cá tanh khẳn, bật ra chuỗi âm thanh rin rít đầy cáu giận. Từ ngày không còn mẹ, cha càng đối với chúng tôi như hai kẻ lạ trong nhà. Tôi biết cha lại muốn mang chúng tôi ra thuyền cho cha xem trò giải khuây. Tôi đã quen với điều ấy, nhưng Dương còn quá nhỏ. Tôi vùng xô cha ra bằng cả sức mạnh.

Cha ngẩn người trước sự phản kháng sau chót, rồi bổ vào tôi bằng cơn giận dữ vừa bung. Tấm lưới khô rũ trong góc nhà, giờ bỗng vụt sống dậy theo cánh tay cha chụp lên đầu tôi như quăng một mẻ lưới. Nó tanh tưởi, mặn ướt, tôi mở trừng mắt, thấy mình trơ trọi như con cá mắc cạn. Vẳng lại trong ánh nắng nhớp nhúa, tôi nghe tiếng van khóc của Dương non nớt đứt quãng, vỡ tan thành từng mảnh vụn. Nước mắt của nó không làm cha động lòng. Hai cánh tay cuồn cuộn vẫn vung cao, quật xuống tới tấp cho đến khi tôi rũ trong góc.

Lúc cha bỏ lên nhà ngủ, tiếng khóc của Dương vẫn quanh quẩn bên tôi. Bấy giờ tôi mới ngấm trong mình trận đòn tàn bạo ban nãy. Dương bò lại gần tôi, nó nấc lên từng tiếng, mí mắt sưng mọng, xoa xoa lên những vết thương bật máu bằng bàn tay trẻ thơ non nớt. Thằng nhỏ ra sức thổi lên tấm thân bầm dập của tôi, nói rằng thổi thổi rồi sẽ không đau nữa.

- Em đi ra thuyền với cha, thì cha không đánh anh nữa, phải không?

Tôi muốn nói với Dương đừng như thế, nhưng mí mắt trĩu nặng không nhấc nổi. Tôi kéo nó về phía mình, phủ bàn tay rời rã lên mái tóc tơ ấm áp. Trong giấc mơ nặng nề, tôi vẫn thấy nước mắt nó rỏ trên ngực áo tôi, ướt đẫm. Không ai gọi tôi khi chiều xuống. Căn nhà vắng tanh lúc tôi choàng tỉnh dậy. Tôi mang tấm thân đầy thương tích, lảo đảo đi tìm cha, hai bên thái dương giần giật buốt nhức.

Ráng chiều đỏ bầm như máu. Tôi quăng mình vào từng đợt sóng chẳng còn biết sợ hãi. Dương ở đâu? Biển thẳm xanh im lìm không một lời đáp. Trên ghe, cha nằm xoãi tay chân, say đến không mở nổi mắt. Vỏ chai rượu vứt lăn lóc quanh người.

Mảnh thủy tinh tóe vụn ghê rợn, ánh mắt tôi cũng lạnh như thủy tinh vỡ.

- Dương đâu?

- ….

- Nói đi! Nói!

Cha lờ đờ nhìn tôi, như thể chẳng hề biết tôi trên đời. Cha cười hậc một cái, khô khốc, rồi chỉ vu vơ về phía mặt biển tung sóng, cả đại dương trước mặt chao đảo như một chảo nước sôi sùng sục. Dương!

Có phải ông mang nó xuống biển, rồi quên mất? Có phải? Tôi muốn gào lên tiếng gầm của con thú, nhưng rốt cuộc lại lịm người sụp xuống vực sâu. Nỗi sợ hãi này quá đầy, tôi không còn mang nổi. Tôi hóa thành kẻ khùng điên vô đạo, chỉ cần biển trả lại Dương cho tôi. Tôi ấn người say xuống mặt biển, bắt mở trừng mắt, bắt cha chỉ nơi nào có em. Bàn tay tôi rùng lên một cái cuối cùng trong nỗi tuyệt vọng man rợ. Không biết đến bao lâu, khi tôi nhấc người lên, lồng ngực đã lạnh buốt, chiếc ghe trống rỗng người, chỉ còn lại đống vỏ chai vỡ vụn.

Gió quất rạt bên má tôi nhòa nước. Lúc úp mặt vào lòng ghe, tôi nghe thấy tiếng gọi khe khẽ:

- Anh Ngạnh!

Và khi quay đầu lại, tôi thấy Dương đang lặng lẽ đứng chờ. Nó bình thản đứng trên mặt biển, hình bóng nhợt nhạt như sắp tan vào sóng.

Tôi ôm Dương trong vòng ôm hẫng hụt, trước khi hình hài nhỏ bé thân thuộc ấy chầm chậm tan đi. Tôi muốn nói với nó, đi khỏi nơi này thôi. Mình không cần đợi con thuyền nào nữa cả. Ở cùng anh, là một nửa của anh. Bên anh. Trong anh, không chia cách. Chỉ cần rời khỏi đây, sẽ chẳng còn ký ức nào cả, chẳng còn đau đớn nữa…

*

Chưa bao giờ biển lại yên lặng như vậy. Yên lặng như thể một bể muối tinh sạch nằm xếp lớp cạnh nhau bình thản chờ đợi, im phăng phắc. Thế giới đã vỡ nát, tôi gập người xuống vì một cơn choáng váng khủng khiếp vừa trào lên trong óc. Tôi muốn xẻ linh hồn thành hai nửa, nhưng hơi ấm của Diêu vẫn níu chặt lấy tôi. Những bức tranh ngày bé của Dương vung vãi, rơi lả tả đầy trời. Hình như Dương đang mỉm cười gỡ từng ngón tay tôi, dịu dàng đặt chúng vào tay Diêu, thổi thổi cho tôi những vết sẹo ngày cũ, rồi chầm chậm tan vào lòng biển. Hôm ấy mặt biển nhợt nhạt như mắt cá chết, và từ phía đảo lấp lánh xa xôi, hàng trăm cánh buồm trắng kéo về như những cánh bướm chấp chới muốn bay lên. Tôi không biết mình đang ở đâu trong cõi trắng xóa mênh mông ấy.

Truyện ngắn của Châu Sa
.
.