Bước qua ranh giới

Thứ Sáu, 06/05/2022, 11:12

Ba tháng sau bố mới biết bí mật. Những ngày tháng qua ông vẫn nhắn tin qua messenger, nhờ Viện phó giữ tôi ở lại. Viện phó vâng dạ cho qua chuyện. Khi bố biết, điều đầu tiên là đánh chết con chó ông đã hành hạ nhừ tử, chỉ còn da bọc xương. Cái đầu nó đã bị cạo đi cạo lại nham nhở. Bàn tay hằng ngày chỉ quen việc ký tá giấy tờ và ký trong không khí, nay vung lên chém thêm vào lồng vẹt, nó loạch choạch điên đảo, cửa lồng bung ra, con vẹt nắm lấy cơ hội, chuồn luôn.

1

Động tác khum khum bàn tay mũm mĩm nhiều lông ngang ngực rồi đưa qua đưa lại như vẽ một vòng tròn của ông khiến bà giúp việc chú ý. Nó quá thuần thục khiến bà Lan tưởng ông Tảng tập thể dục. Nhưng không phải. Có lúc cũng động tác ấy, nhưng ông có cầm bút. Mà phải dạng bút cao cấp chuyên dùng ký tá. Mạo muội hỏi thì ông quắc mắt: “Chẳng là gì!”. Sau cùng bà giúp việc phát hiện cái việc tuyệt vời mỹ mãn ấy là một thói quen cố hữu đã ăn vào từng tế bào ông khi ở ghế cao nhất của viện X.

Từ ngày về hưu, ông giữ thói quen ký vào không khí như người bền bỉ tập thể dục rèn luyện sức khỏe. Nhưng thay vì thanh thản thì mặt ông lúc nào cũng khó đăm đăm. Lắm lúc quát mắng vô cớ. Buổi sáng nọ bà giúp việc đi chợ về liền bị mắng té tát. Bà giúp việc không hiểu chuyện gì xảy ra, hỏi lại: “Cháu đã xin ông là đi chợ mua đồ”. “Thế đã có chữ ký của tôi chưa?”. Bà giúp việc tức lộn ruột nhưng cố nuốt cười. Bà bấm bụng bảo, ông ơi ông giàu có thế mà cũng hâm thế. Có đận, bà nghe thấy chuyện ông mắng vợ. Cơn cớ là vợ ông đã nói với ông, bà đi gặp mấy người bạn. Cuối chiều đó bà trở về liền bị ông quăng hai chiếc cốc thủy tinh vào mặt. Đường đi của hai chiếc cốc không uốn hình cầu vồng lãng mạn mà vẽ hình cánh cung đầy sát khí. Ông quát: “Bà đi thì đã có giấy cho phép của tôi chưa?”. Bà vợ chẳng vừa: “Ông hâm thật rồi. Còn giấy với tờ nữa?”.

2

Ý định từ bỏ công việc ở viện X., nơi bố tôi từng là Viện trưởng là một quyết định bạo liệt mà tôi phải nhận về sấm sét. Trước hết công việc đó là do bàn tay bố tôi bố trí. Tôi học không đến nỗi nào nhưng nếu cứ mang tiếng dựa hơi bố thì thật ê chề. Lúc chuẩn bị nghỉ hưu bố đã bảo định đưa tôi lên chức Trưởng phòng. Khi đó tôi đang ở chân Phó phòng và đến giờ vẫn là phó. Tôi hết mực từ chối và hiểu rằng nếu cố đấm ăn xôi, bố sẽ lo trót lọt nhưng bố đi rồi, tôi ở lại kẻ cười người chê. Hôm đó ông tím mặt mắng tôi một trận tơi tả. Cũng bởi bố muốn cái ghế của tôi vững và lớn dần. “Vâng cảm ơn bố nhưng con không thể nhận. Còn nhiều người xứng đáng hơn con”. Ông tát tai tôi: “Mày ngu thế thì chỉ có ăn cám. Là tao nghĩ cho mày. Ở đời này chẳng cái gì chuẩn chỉ trăm phần trăm cả. Mày cứ nguyên tắc, giữ cái lương tâm thì bọn khác nó sẽ cưỡi lên lương tâm mày”.

278752238_361922692645813_7233274304202212111_n.png -0
Minh họa: Đặng Tiến

Biết tin tôi dọt dẹt nhen nhóm ý đồ chuyển cơ quan, bố ào đến viện nói với Viện trưởng: “Các ông đừng cho con tôi đi. Nó là một trong những hạt nhân. Dù là con nhưng tôi cũng phải khẳng định nó có năng lực”. Viện trưởng gật đầu như bổ củi: “Bác yên tâm ạ, năng lực cậu Hùng thì cả viện X. đều nể”. Bố tôi cũng chẳng ngại nói thẳng vào mặt Phó Viện trưởng: “Cậu đừng quên ngày xưa tôi cất nhắc cậu từng nấc thang cuộc đời. Con tôi, tôi giao cho cậu”. Ông Viện phó khúm núm, rưng rưng suýt khóc, tâm hồn chan chứa hàm ơn.

Tôi đã làm bố thất vọng khi từ chối chức tước. Càng làm ông thất vọng hơn khi tôi xin chuyển từ viện X. sang một công ty liên doanh. Tôi không muốn giẫm lên vết chân bố đã đi vì bước vào đó tôi chỉ thấy sự run rẩy mất tự tin. Tôi không muốn chỉ quẩn quanh trong sự kiềm tỏa của bố. Nhưng hồ sơ lại mắc. Hôm nay đến cơ quan, Viện trưởng gọi tôi lên bảo: “Bố cậu không muốn cậu chuyển. Bọn tôi cũng không muốn. Viện X. mất bao công đào tạo, cử đi tu nghiệp mất đống tiền của để có một con người làm việc, tại sao lại “cho” một công ty liên doanh?”.

Vậy là tôi bị ách. Tôi hiểu, biết làm con sau này mới biết làm cha, nhưng vẫn thấy bức bối.

Nghe mẹ kể, ngày bé khi trông con, bố thường vẽ cái vòng to như cái nia và đặt tôi ngồi vào đó. Bò ra sẽ bị quật. Các em tôi không ngoại lệ. Ông muốn ngay từ trứng nước, con cái bị kiềm tỏa bởi cái vòng tròn cố định nghiệt ngã. Nghiêm ngắn. Tròn trịa. Nhưng ai oán.

3

“Bà Lan này, tôi phong cho bà chức Tổ trưởng Tổ Nội trợ nhé? Chức đấy tưởng nhỏ, nhưng quan trọng lắm. Chăm lo cơm nước, sức khỏe cho cả gia đình cơ mà”.

Một buổi sáng mát giời, ngồi ngắm con vành khuyên trong lồng, ông nghiêm trọng hiền từ nói với bà giúp việc.

Bà giúp việc vốn xởi lởi, biết bệnh của ông nên khúm núm nhận lời.

“Dạ, ông cho cháu chức gì cũng được. Chức nào thì cháu cũng phục vụ ông bà, gia đình thật tốt”.

Câu nói của bà giúp việc từ nhà quê lên phố, mang theo cái nhu mì cần kiệm, nay được ngấm thêm vẻ hoạt bát của đô thị, lại được lòng ông chủ. Ông gật đầu. Được lắm.

“Bà nhiệt tình. Làm tốt tôi tăng lương, thăng chức cho”.

Vợ ông ngồi mé bên, bĩu môi. Ông khục khặc ho và đi tè quên xả nước. Bà vợ thấy bốc mùi, quát:

“Ông lại quên giội cái khắm khú”.

“Bà làm gì mà trừng mắt lên. Mát mẻ lên thì tôi phong chức cho”.

“Chức tước cái con khỉ!”.

“Ơ cái bà này. Chuyện quan trọng chứ đâu phải đùa. Tôi bảo bà nhá, ở ngoài đời đã lắm chuyện rồi. Về nhà chúng ta cứ tạo cho nhau một cái trò chơi vui vẻ không được à? Còn muốn về nhà lúc nào cũng căng thẳng à? Không thích cười chỉ thích mặt nặng mày nhẹ ư? Thôi nhé, bà là Phó Giám đốc kiêm Trưởng ban Tài chính của nhà ta. Không nói nhiều”.

Mặt ông đỏ như cắt tiết.

 “Thôi được rồi, cẩn thận kẻo tăng huyết áp lại khổ trái tim non nớt của ông”.

Ông rót nước, uống thuốc, đi nằm và ngắm lũ chim trong lồng, nghĩ cách quy hoạch gia đình. Mỗi người phải có một cái chức. Ông là Giám đốc. Hạnh - con gái cả - là Trưởng ban Ngoại giao. Thằng Hùng làm Trưởng ban Phát triển thị trường, còn thằng Thành ương bướng, ngang ngạnh cho làm Trưởng ban Thi đua khen thưởng, kiêm Trưởng ban Giám sát. Thằng cháu nội của ông, cu Bin, làm gì nhỉ? Nó còn nhỏ quá, cũng hay lý sự với ông, cãi ông chem chẻm. Thằng cháu đích tôn làm Đội trưởng Đội Thiếu niên nhi đồng, quản lý luôn cả hai đứa cháu ngoại - con cái Hạnh. Ông gật gù tự nhủ mình đã phân công nhiệm vụ một cách khoa học.

4

Tôi biết bố cũng dạy con cái theo cách riêng, nên bao cái chăm chút được chắt thành sự gắt gao đến nghiệt ngã. Ông muốn phủ hai bàn tay áp đặt lên viện X., rồi xòe ra để nó phủ luôn gia đình. Người đàn ông, trụ cột gia đình thường chỉ dùng bàn tay và nghị lực để chở che tổ ấm, tránh gió bão. Còn bố muốn dùng bàn tay ấy bắt mọi người vâng phục. Mẹ tôi trước đây đằm thắm hòa nhã, nhưng vì chịu đựng bố quá mà có lúc stress, ngấm cái bực dọc vào giọng nói và khuôn mặt. Tôi động viên mẹ, chị Hạnh và Thành. Kệ bố. Tính bố như vậy không thay đổi được gì đâu. Là con gái, chị Hạnh không muốn nói nhiều và đối nghịch bố. Bố đặt đâu chị ngồi đó cho yên chuyện. Có lúc chị co vào, rúm ró, tội nghiệp.

Ngày còn ở viện X., bố quan tâm đến người ta quá, như kẻ mua việc vào người. Lời xun xoe của cấp dưới đôi khi lại làm mát cho những bực dọc của ông. Nhưng những xun xoe ấy lại vun xới cho chức tước của họ. Tôi biết, cấp dưới chỉ nịnh ông theo kiểu bằng mặt không bằng lòng. Thậm chí còn giấu trong tay áo những mưu mô tai ương chờ cơ hội hạ bệ Viện trưởng. Bố tôi không hay biết, hoặc có thể ông biết nhưng chẳng quan tâm. Biết mà vờ như không mới gọi là…

Toàn cơ quan có tám phòng, bao giờ ông cũng cố gắng đề bạt đủ chỉ tiêu lãnh đạo cấp phòng. Kèm theo đó mỗi phòng ông để thêm “hàm phó”, hoặc “tương đương phó phòng”. Tuy không có quyết định nhưng anh em đều được ông bổ nhiệm miệng. Những người chức tước vớt vát không có phụ cấp theo quy định thì viện X. trích quỹ khen thưởng. Gọi là có tí chút khích lệ. Bố bảo vậy và gói ghém các khoản chi để anh em mừng lòng. Có thể chưa đúng quy định nhưng làm kin kín, ta biết với ta thôi. Các “tương đương phó phòng” hả hê nhưng những năm tháng đó hai viện phó tức tối hậm hực. Lãnh đạo giỏi là người len lỏi, luôn chăm lo đời sống nhân viên. Cấp dưới càng ca ngợi Viện trưởng thì Viện phó càng đau.

5

Cu Bin dù sợ nhưng vẫn là đứa thích thú với chức ông nội ban cho. Đội trưởng Đội Thiếu niên nhi đồng cơ mà. Một hôm nó hỏi ông nội:

- Chức của cháu thì có gì oai hả ông?

- Quản lý chị Bông với chị Bống nhà bác Hạnh còn gì!

- Nhưng mà hai chị ấy không biết thiếu nhi là gì. Hôm cháu bảo là, hai chị phải vâng lời em. Hai chị bảo, Bin có gì cho chị ăn là vâng lời hết, ông ạ.

Ông Tảng cười:

- Vậy tốt quá rồi. Cháu càng dễ quản.

Thằng bé vẫn gãi đầu. Nó hỏi tiếp:

- Thế bố Hùng cháu làm chức gì trong gia đình ta hả ông?

- Làm Trưởng ban Phát triển thị trường. Chức nào cũng quan trọng đấy ông mãnh.

Cu Bin cũng được ông nội áp đặt lối dạy dỗ như ông đã từng. Cái vòng tròn trở thành vòng kiềm tỏa không bao giờ nó dám thoát ra. Lời ông nội vẫn là tối thượng. Những cái quất roi vào bàn tay mỗi khi nó quờ quạng qua vòng tròn phấn trắng luôn ám ảnh. Nhiều điều nó khoe với ông nhưng không khoe với bố.

Lúc ông mở máy tính, soạn thảo văn bản gồm các chức danh của gia đình ông đã đề bạt thì vô tình nhìn thấy ảnh ông Thế Huyễn trên “phây”, nhận hoa và quyết định bổ nhiệm một chức vụ to khủng khiếp. Máu ông Tảng sôi lên, bốc hỏa toàn thân.

Thế Huyễn trước đây là đệ tử ruột của ông Tảng, được cất nhắc chức Phó viện trưởng Viện X.. Chẳng bao lâu ông ta xin ông Tảng cho chuyển đơn vị, đến nơi có thể sải cánh rộng hơn. Thế Huyễn khéo ăn nói nên ông ta được lòng cấp trên, đường quan lộ thênh thang. Khi có ý định chuyển đi là tâm địa ông ta đã trổ ra những mầm toan tính và rải dưới chân mình thật nhiều âm mưu. Một ngày oi ả Thế Huyễn về thăm, hứa với “ông anh” em sẽ có cách ưu ái viện mình, quan tâm hơn đến vị thế của anh và kết nối để anh không chỉ dừng lại ở chức Viện trưởng Viện X.

Một ngày đẹp giời, Thế Huyễn lên chức cao hơn cả Viện trưởng Viện X., nhưng ứng xử kiểu qua cầu rút ván. Trong mấy cuộc họp quan chức ngành, Thế Huyễn tỏ ra lạnh nhạt, bắt tay lỏng lẻo, như chưa từng là đàn em, được ông Tảng quan tâm cất nhắc. Cay cú, ông Tảng mua về một con chó nhỏ, cạo một khoảnh lông trắng hếu, viết tên Thế Huyễn lên lưng nó rồi xích vào đánh. Chưa đủ, ông còn cạo trọc đầu con chó, khiến nó bệ rạc, còm nhom thảm hại hơn!

6

Doanh nghiệp liên doanh gọi lại, cho tôi một tuần suy nghĩ. Tôi nhấp nhổm muốn đi. Lúc lòng dạ rối bời người ta ít muốn làm việc. Làm sao thoát khỏi vòng tay bố, khi ông đã niêm phong hồ sơ của tôi ở Viện X. bằng sự ưng thuận của ông Viện trưởng và Viện phó hiện tại? Nỗi đau khổ của tôi chỉ đồng nghiệp trong phòng hiểu. Họ thấy lương bổng èo uột nhưng tràn lan thói đố kỵ. Tôi lên gặp Viện trưởng.

- Cậu quyết tâm, tôi hiểu tính của thanh niên. Nhưng bố cậu dặn đi dặn lại rồi. Tôi không dám trái lời. Tôi sợ tên mình bị viết lên lưng chó…

Toàn thân tôi nhũn ra. Nó đã rệu rã chục năm qua, từ tấm bé, hay từ khi cái đầu biết nghĩ? Tôi cũng không biết nữa. Cái bóng của bố quá lớn và đầy khắc nghiệt. Sao bố không lơi tay cho con cái dễ thở?!

Nói chuyện này với Thành, nó gắt lên, bảo anh cứ chuyển đi, sợ gì ông già, chức Phó phòng ở đó là cái đinh gỉ.

- Sợ chứ, tính ông cụ chú còn lạ gì. Hồ sơ bị niêm phong rồi.

- Vậy họp gia đình, mọi người cùng cương quyết, bố sẽ phải nhũn thôi.

Thành có lý. Tối. Cuộc họp được diễn ra, với sự ủng hộ của các thành viên, trừ bố. Ông nạt: “Mọi người định đấu tố tôi ư? Đừng hòng. Thằng Hùng, mày cứ làm ở cái viện đó thì mày chết à? Sao cứ phải thay đổi công việc?...”.

Tôi thưa: “Kìa bố. Bố đừng nặng nề như thế. Chúng con lớn cả rồi, có con cái và rồi cũng sẽ già. Bố cũng không thể chăm chút cho chúng con mãi được và chúng con phải tự đi trên đôi chân của mình. Con làm ở viện và tốt lên, cơ hội đến con có thể lên được tới chức Trưởng phòng, sau nữa là Viện phó. Dù thế con vẫn không tự tin vì cái bóng của bố”.

Mẹ tôi vốn vừa cam chịu, vừa bất cần, có lúc tỏ ra chẳng sợ bố, bênh tôi. Chị Hạnh tiếp: “Không phải chúng con bất kính với bố. Nhưng cách dạy con cái của bố không còn phù hợp. Chúng con biết bố mẹ yêu thương, chỉ muốn điều tốt, không muốn chúng con chịu thiệt thòi, nhưng đừng làm quá”.

Cuộc họp gia đình tan tành. Thằng Thành vẫn chưa tung chiêu. Nó mỉa mai nhìn bố trong điệu bộ đau khổ. Tôi bỏ lên phòng, đầy bất lực.

Hôm sau đến cơ quan, Viện phó gọi tôi lên phòng, rót vào tai: “Tôi bàn với Viện trưởng rồi, sẽ tạo điều kiện để cậu đi. Chúng tôi ủng hộ các cậu trẻ, dù biết là rất tiếc vì cậu có năng lực thật sự”.

Tôi hơi choáng vì bất ngờ. Tôi nói lời cảm ơn, song cũng không quên hỏi lại:

- Nhưng bố em đã nói chuyện với các anh là đừng để em đi, các anh bỏ qua lời hứa đó ư?

Viện phó chiêu ngụm nước, mặt dãn ra, nghiêm giọng:

- Biết không nghe lời bố cậu là có lỗi, vì đã hứa. Dù sao ông ấy cũng là Thủ trưởng cũ của chúng tôi. Nhưng đường của cậu còn dài. Ở đây cậu vẫn tiến. Nhưng sẽ không thỏa chí. Anh em người ta cũng sẽ xì xào, nên cậu cân nhắc kỹ đi, muốn đi thì chúng tôi làm bí mật, đến lúc bố cậu biết thì chuyện đã rồi. Người như cậu phải vươn tới đại dương bao la.

Mọi lời của ông Viện phó rót vào tai tôi đều đáng cảm kích. Lâu rồi tôi không hàn huyên sâu. Bỗng nhiên hôm nay giọng điệu đàn anh chí khí, anh khiến tôi nể vài bậc. Tôi sắp thoát khỏi cái vòng của bố. Một cái vòng vô hình được quây thành bức tường khép kín, cao, không cửa. Suốt những năm tháng tuổi thơ tôi răm rắp nghe lời bố, không dám quờ tay qua vòng phấn. Giờ sắp vượt ra khỏi vòng tay bố rồi.

Tôi liên hệ với cơ quan mới. Lòng bồn chồn hy vọng. Chuyện chuyển hồ sơ, sinh hoạt, bên cho đi, bên đón nhận đều tạo điều kiện. Mọi chuyện êm xuôi.

Ba tháng sau bố mới biết bí mật. Những ngày tháng qua ông vẫn nhắn tin qua messenger, nhờ Viện phó giữ tôi ở lại. Viện phó vâng dạ cho qua chuyện. Khi bố biết, điều đầu tiên là đánh chết con chó ông đã hành hạ nhừ tử, chỉ còn da bọc xương. Cái đầu nó đã bị cạo đi cạo lại nham nhở. Bàn tay hằng ngày chỉ quen việc ký tá giấy tờ và ký trong không khí, nay vung lên chém thêm vào lồng vẹt, nó loạch choạch điên đảo, cửa lồng bung ra, con vẹt nắm lấy cơ hội, chuồn luôn.

Bố gọi tôi về. Tôi biết sấm sét sẽ lại giáng xuống tổ ấm. Về đến nhà thì ông vừa kịp gọi ship thêm một con phốc khác. Dự kiến sẽ là con chó mang tên Viện phó.

- Mày có biết thằng Viện phó tuổi Ngựa, chuyên đá hậu không? Tao dặn nó, nó vâng dạ nói phải giữ mày lại bằng mọi giá, nhưng hai chúng nó bàn với nhau, giấu tao. Mày biết nó ngầm tạo điều kiện cho mày đi, là muốn dọn sạch những gì tao tạo dựng không? Mày trúng mưu nó rồi.

Trường đời và những mưu chước hiểm nguy, khó lường hơn tôi tưởng. Bây giờ lời bố bung ra, nỗi canh cánh trong tôi cũng được sáng tỏ. Không phải Viện phó muốn tốt cho tôi. Gã muốn tôi và bố mâu thuẫn. Cái gã mắt ti hí, lưng dài chân ngắn thế mà thâm độc.

- Con xin lỗi bố vì chuyện này. Nhưng thôi bố ạ, đằng nào thì con cũng muốn đi…

- Mày ngu lắm con ạ. Thế còn chị mày, chúng nó mà tìm cách tống cổ nốt con Hạnh ra đường, thì nó có chịu được cú sốc không? Mày ở lại còn có chị có em. Nhưng giờ thì không quay lại được nữa rồi.

Tôi vớt vát:

- Các anh ấy bảo con muốn quay về lúc nào cũng được, cửa luôn để ngỏ.

Giọng ông trầm trọng:

- Chúng hứa suông đấy. Lời tao nó còn nuốt nữa là… Ôi thôi chết, hỏi con Hạnh xem chúng nó có vận động nó đi cơ quan khác không?

Tôi bốc máy gọi cho chị Hạnh. Chị bảo cả Viện trưởng và Viện phó đều động viên chị đi cơ quan Y.. Thôi đúng rồi. Bố nói không sai. Tôi hốt hoảng: “Chị đã đồng ý chưa?”. “Dại gì. Chị nghĩ chán rồi. Chị chả đi đâu cả. Chị cứ ở đây, đúng lĩnh vực và là chuyên môn của chị. Không đi thì họ cũng chả làm gì được, vì năng lực của chị quá tốt”. Tôi thở phào: “Vậy thì tốt rồi, em và bố cứ tưởng…”.

7

Bị đàn em cơ quan cũ chơi một vố đau, ông Tảng khuỵu hẳn. Thuốc uống cả vốc. Mắt đỏ vằn căm hận. Tay phải ông đưa ra phía trước, cứng đơ như cầu cứu trong bất lực. Lúc nằm, tay phải cũng đu đưa như muốn… ký. Con chó phốc đã được mang đi. Ông chủ không hành hạ được nữa. Bà Lan giúp việc đôn đáo lo chuyện ăn uống, vệ sinh cho ông ngoài bệnh viện. Chừng một tháng sau ông về nhà, tập đi. Lại một tay bà chăm lo. Bà Lan bảo: “Chăm ông là trách nhiệm của mọi người, nhưng tôi phải làm chủ yếu”. Vợ ông Tảng hỏi: “Vì sao?”. Bà Lan nói: “Vì ông phong chức cho tôi. Tôi trung thành với ông ấy”. Ông sinh bệnh hay bực tức, quát tháo ầm ĩ. Không thấy con phốc, ông gọi tất cả mọi người mà chửi. Không khí trong nhà rơi vào trạng thái luôn ngộp thở. Có lúc ông chửi cả bà Lan. Nhưng bà nhịn. Nín bặt.

Với vợ ông Tảng, giờ ai chăm chồng cũng được. Bà Lan tận tụy chăm sóc, bà càng rảnh nợ. Dù sao bà cũng đã ngộp thở nhiều năm. Giờ ông ấy yếu đi, biết đâu có ích với bà. Vợ ông Tảng xui: “Ông ấy mà chửi, bà cứ bỏ về quê, xem còn ai quan tâm”. Ông Tảng phẫn uất: “Dám ư? Không có sự đồng ý của tôi thì đừng hòng”. Ông Tảng quay sang vợ: “Bà cạn tàu ráo máng đến thế ư!”. Bà vợ bỏ lên phòng. Ông Tảng bảo bà Lan đưa một lồng chim vào chỗ nằm để ông tiện ngắm. Trong khi lũ chim loách choách nhảy nhót thì ông nhắn tin cho đàn em ở Viện X. - những người ông đã ban chức, chăm chút từ đầu đến cuối. Không ai nhắn lại ngoài ông bảo vệ. Ông nói mang ơn Thủ trưởng suốt đời. Ông bảo vệ nhắn: “Em biết Thủ trưởng thích ăn đồ quê, nay Thủ trưởng ốm, lát nữa em mua bánh đúc, bánh da bò, bánh chay… biếu Thủ trưởng”. Ông Tảng nhắn lại: “Tôi xin nghìn lần cảm ơn bác bảo vệ”.

8

Bố yếu và nhiều lúc lẫn. Ông vẫn muốn vung tay vào không trung để ký tá một cách đáng thương. Tôi dặn mọi người phải khóa cổng cẩn thận, ngộ nhỡ bố đi ra ngoài…

Tôi lấy xi măng trắng pha nước, vẽ một vòng ranh giới thềm nhà với sân. Tôi dặn: “Bố đừng bước khỏi cái vạch trắng đó. Ra ngoài nguy hiểm lắm!”. Ông không nói gì, nhưng cũng không bao giờ dám đưa chân ra khỏi vạch trắng. Thằng Bin con trai tôi hỏi: “Ông vẽ cái vạch trắng to ấy thì chúng ta đi ra ngoài làm sao được hả bố?”. Tôi bảo: “Là bố vẽ để ông khỏi đi ra ngoài, kẻo ngã”. Bin lại hỏi: “Thế bố có quật vào chân ông nếu ông đi qua không?”. Tôi sững lại, tim chợt nhói lên đau điếng, cổ họng nghẹn ứ. Tôi nhìn bố, thấy hai hàng nước mắt ông lăn dài. Từ bé đến giờ, lần đầu tiên tôi thấy bố khóc.

Truyện ngắn của Nguyễn Văn Học
.
.