Bức thư ngày 30/4
Sau ba năm tính từ ngày Đức vào chiến trường, người em trai cầm thư của Đức tìm đến nhà Duyên. Duyên đang chấm bài. Nhà cô ở một làng ven đô, ngoại ô Hà Nội. Tháng Ba hoa gạo đầu làng đỏ rực lên màu của lo âu. Ánh mắt Duyên sáng bừng đầy hy vọng, hồi hộp đợi tin người yêu. Đúng vậy! Nhưng là tin không vui.
Chuông điện thoại reo reng reng.
Bà Bích tiến tới nhấc máy.
Một giọng đàn ông trầm trầm, mông lung, như từ một cõi xa vời nào vọng lại:
- Dạ, thưa đây có phải số máy nhà ông Đức không ạ?
- Vâng, đúng rồi! Ai gọi đấy ạ?
- Tôi là bạn ông ấy. Tôi gọi từ Mỹ ạ. Cảm phiền… Bà là bà Đức phải không ạ?
- Vâng. Tôi là vợ ông Đức ạ.
- Ông ấy vẫn khỏe chứ? Bà cho tôi nói chuyện với ông nhà được không ạ?
- Dạ. Nhà tôi mới mất được hai tháng rồi ạ.

- Trời. Tôi xin lỗi… vì hôm nay mới biết. Ông bị bệnh gì, lâu chưa bà?
- Dạ, nhà tôi ốm cũng lâu rồi nhưng chỉ vài tháng cuối trở nặng nhanh quá. Bây giờ, tôi vẫn chưa có cảm giác ông ấy đã đi.
- Thế là tôi không được gặp Đức nữa rồi. Xin chia buồn với bà và gia đình ta.
- Chắc ông là bạn rất thân của nhà tôi? Xin ông cho biết quý danh.
- Vâng. Chúng tôi học cùng nhau từ bé, cuộc đời lắm ngả nên lâu rồi bặt tin nhau bà ạ. Hiện giờ tôi ở Mỹ. Xin lỗi bà vì điều kiện tôi không được phép tiết lộ danh tính nhưng nếu bà đọc hồi ký của ông nhà thì tôi… Tôi là nhân vật bóp nát quả cam mà ông ấy đã kể.
- À, đúng là nhà tôi đã nhắc đến ông nhiều lần. Ông là một người bạn đặc biệt.
Câu chuyện kết thúc, bà Bích dịu dàng mỉm cười đặt máy. Ngón tay bà chạm nhẹ lên khung hình hạnh phúc. Nụ cười của ông, ánh mắt của ông như thầm cảm ơn sự đồng hành lặng lẽ nhưng thấu hiểu của bà. Bà biết ông luôn trân trọng và coi bà là một người vợ đặc biệt!
*
Hội nghị Bình Than đã qua ba ngày, vua tôi Trần Triều khí thế như ngưu đẩu, nhưng việc quân cơ kế sách chiến hòa chưa định. Nhà vua thử lòng quân, ý các khanh nên chiến hay nên hòa? Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc tâu: Cây lớn gặp bão to cũng dễ tan cành trốc gốc, cúi xin bệ hạ phải tính cho xa. Trần Khánh Dư, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải và quần thần nắm tay trợn mắt hô “Chiến!”. Nhà vua gật gù vững tâm yên dạ. Bỗng thấy bên ngoài huyên náo, quân lính ngã liểng xiểng.
Một tráng sĩ khoảng 16 tuổi xông vào, tay cầm quả cam, hét lớn:
- Quốc vong thì gia cũng tán. Chiến chứ sao lại hòa?
Điện Tiền tướng quân Phạm Ngũ Lão quát to:
- Hoài Văn Hầu, chớ vô lễ. Nơi đây tôn nghiêm nghị sự của công thần tiền bối, không phải chỗ đánh khăng thả diều.
Trần Quốc Toản chắp tay cúi đầu: - Xin Điện Tiền tướng quân tha thứ! Tâu bệ hạ anh minh. Nhi thần tuổi tuy nhỏ nhưng chí không bé, ngày đêm chỉ mong khoác chiến bào ra sa trường, phá cường địch, báo hoàng ân. Sao triều đình ngăn cản cháu nghị sự,
Vua Trần Nhân Tông bước xuống:
- Quốc Toản à? Tuổi còn nhỏ mà lẫm liệt chí khí xứng danh dòng Đông A. Ta cho phép con bình thân nghị sự.
Nhà vua giang tay hô to:
- Sơn hà nguy biến, hòa hay chiến?
Theo tín hiệu của thầy giáo chủ nhiệm, một học sinh vung dùi trống hết sức đánh một hồi dài mở đầu cho bài hát:
- Quyết chiến! Quyết chiến!
Dàn đồng ca của các thanh niên, học sinh trong trường huyện như gầm lên. Tiếng vang trai trẻ, tiếng trầm người già, tiếng lanh lảnh các cô gái hợp thành một hòa âm hào hùng, truyền cảm của những người con miền Trung năm ấy, thể hiện tinh thần sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Vở kịch của đoàn trường đã kết thúc nhưng khán giả, thầy trò còn ở lại râm ran nói chuyện không muốn về.
- Nam hôm nay nhập vai giỏi quá, y như Trần Quốc Toản thật.
Nam cười:
- Lúc đó, tớ tập trung tinh thần nên đã bóp nát quả cam lúc nào không biết.
*
Nghệ An, cái mảnh đất nghèo khó hiếu học ấy là nơi Đức và Nam sinh ra. Nhà cùng xóm, họ là đôi bạn thân từ thuở để chỏm. Lớn lên, hợp nhau mọi sở thích, quan điểm về cuộc sống. Cùng trường, cùng là những cây văn nghệ và là cán bộ nòng cốt. Nam là Phó bí thư đoàn trường, Đức là Bí thư chi đoàn lớp. Hai gia đình đều có truyền thống yêu nước, trong dòng họ có nhiều người tham gia phong trào Cần Vương, Việt Nam Quang Phục Hội của cụ Phan Bội Châu... Sau là phong trào Tân Việt Cách mạng Đảng.
Đức thường được nghe cha kể về ông nội của mình. Trong ký ức của Đức, ông nội là một nhân vật trung nghĩa can trường, ông là yếu nhân của Đông Du, sang Nhật học trường quân chính, sau về nước hội tụ nghĩa quân đánh Pháp ở Tà Lùng. Khởi nghĩa thất bại, ông bị Pháp bắt, xử tử. Ông đã ra đi ở tuổi 42 nhưng tinh thần của ông còn để lại những câu thơ ái quốc cho nhiều thế hệ.
Tuổi thơ của Nam và Đức gắn liền với con sông Lam đỏ rực và những triền đê xanh ngát. Mỗi chiều hôm, vạn cánh cò bảng lảng chập chờn trên sóng như anh linh hào kiệt ngàn đời về phù hộ cho lũ thiếu niên. Nơi ấy, những chàng trai 16 tuổi cảm nhận được về một thế giới khắc nghiệt mà lãng mạn, một quê hương gian khó mà hào hùng. Các bạn cùng tuổi, lớp thì tòng quân, số thì ra Hà Nội chuẩn bị đi học nước ngoài. Nhìn ra cửa sổ lớp mà hồn như nghe vó ngựa phiêu diêu khắp miền giục giã.
*
Pháp tăng cường tấn công ATK của Việt Minh nên thầy trò phải tản cư lên vùng rú phía tây Nghệ An. Trường mới là nhà tranh vách đất nhưng thầy trò vượt mọi khó khăn. Hiệp định Geneve đã ký, Bắc Nam kẻ ở người đi, lòng người vời vợi. Đức cảm thấy người bạn của mình có điều gì suy nghĩ. Dù cho Đức gặng hỏi thế nào, Nam cũng chỉ im lặng. Mỗi lần từ quê quay lại trường thì Nam càng xa lánh mọi người.
Sau một lần về thăm nhà, Nam biệt tích luôn, không một lời chia tay, nhắn nhủ. Bạn bè, nhà trường nháo nhác, bàn tán. Lớp học sắp bế giảng, tất cả học sinh miệt mài ôn thi lấy bằng rồi sau đó mỗi người mỗi ngả.
Sau tốt nghiệp cấp III, Đức làm giáo viên kiêm cán bộ Đoàn ở quê.
Thế rồi, một tin đột ngột: Nam không mất tích, mà trốn vào Sài Gòn theo địch. Thật khó tin nhưng có người làng vào đó làm ăn đã nhận ra anh ta vào làm ở Sở Thông tin của chính quyền ngụy.
Có vẻ hợp lý. Gia đình Nam vốn là địa chủ lớn, lo sợ chế độ mới nên anh ta từ bỏ lý tưởng, quê hương, chạy đi con đường khác, hoặc Nam tìm một giấc mơ vinh hoa phú quý hơn là chịu khổ lam lũ nơi quê nhà.
Nhiều năm sau, Đức vẫn nhớ ánh mắt Nam nhìn như định nói lại thôi. Đức bực mình: “Thế mà cũng đòi đóng vai Trần Quốc Toản”.
*
Đất đai đang liền sẹo. Những cánh đồng lại xanh mướt như xưa, khói hoàng hôn lững lờ buông trên các mái rạ. Rồi Đức ra Hà Nội học đại học. Ra trường, được phân về một tờ báo lớn. Có vốn khá về ngoại ngữ, nên anh được cấp trên trọng dụng, đồng nghiệp yêu quý.
Hòa bình thoáng chốc đã 10 năm nhưng chưa yên. Tiếng phản lực Mỹ trên trời và hạm đội 7 rình rập ngoài biển. Lâu lâu lại có đám thanh niên kín đáo đến chào rồi lên đường, những gương mặt trẻ tươi roi rói. Họ được tin tưởng chọn đi B, trên con đường xuyên đất nước cùng tuổi hai mươi gió tràn trong ngực trẻ.
Rồi vinh dự gọi tên Đức. Cuộc chia ly thật đơn giản vì tính chất bí mật. Bữa cơm gia đình hôm ấy thật đặc biệt. Vài lạng thịt chắt chiu từ tem phiếu, cá khô mặn từ xứ Nghệ gửi ra. Bữa cơm có bố mẹ Đức và hai em trai. Đặc biệt hơn cả là có sự xuất hiện của một người con gái có đôi mắt sáng như biết cười và suối tóc dài đen nhánh.
Để ra mắt gia đình, cô giáo Duyên đã cẩn thận chọn chiếc áo len màu thiên thanh, tóc cặp trễ bằng chiếc cặp ba lá. Cả nhà Đức đón Duyên bằng một thái độ rất ân cần, nhưng giấu sau đó là tâm trạng không yên. Lần chia ly cùng lời ước hẹn này ai cũng hiểu là một khoảng cách mơ hồ. Trong bữa ăn không ai nói về nơi anh sẽ đến, ngày nào gặp lại.
“Em sẽ đợi anh! Hai bác cho con đợi anh ấy nhé!”.
Đức khẽ xoay nghiêng người nắm chặt bàn tay người yêu. Đôi mắt Duyên long lanh ầng ậng nước. Ông giáo già, cha của Đức thở dài, mái tóc bạc trắng của ông xòa xuống vầng trán. Chiếc bàn nhỏ cũ kỹ như rộng thêm ra.
Hai cậu em ngước mắt về phía anh cả giọng đầy ngưỡng mộ:
- Anh Đức đi hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc nhé. Chiến thắng trở về, đám cưới thật to để chúng em còn đốt pháo.
Chỉ có Đức cố gắng bình thản, mặc dù anh cũng chưa mường tượng ra nơi anh sẽ đến cũng như nhiệm vụ của anh sẽ đảm nhận thế nào.
*
Sau khi đi tàu hỏa và chuyển qua ô tô, Đức và các đồng đội được đưa đến miền tây Quảng Bình. Từ đây họ bắt đầu leo Trường Sơn. Càng đến gần chiến trường các binh trạm càng thưa dần, lương thực cạn, bệnh tật hành hạ, thuốc men thiếu. Đó là chưa kể thám báo rình mò từng con suối, cánh rừng. Anh em tuyệt đối tránh chạm súng để tuyệt đối bí mật.
Có đêm, Đức lê đôi chân sưng tấy, gắng để không bị tụt lại. Khi anh đói quá, mở ba lô, còn sót một hạt gạo, cho vào mồm nhai cho quên cảm giác cồn cào. Vị ngòn ngọt thơm nồng của hạt gạo khiến anh nhớ về bữa cơm nhà từ tay mẹ nấu, tiếng cười của hai cậu em, ánh mắt nửa như cười nửa như có nước mắt của Duyên.
*
Đoàn đã tới đích sau ba tháng đi bộ. Họ dừng lại ở chiến khu gần biên giới Campuchia. Nhiệm vụ của Đức là viết báo, lấy thông tin, biên tập và chuyển lên cấp trên. Khi địch càn thì tham gia chống càn cùng quân giải phóng. Ở đây thư từ Bắc vào có khi mất 6 tháng mới đến. Có lá thư đẫm máu đã khô của người giao liên.
*
Sau ba năm tính từ ngày Đức vào chiến trường, người em trai cầm thư của Đức tìm đến nhà Duyên. Duyên đang chấm bài. Nhà cô ở một làng ven đô, ngoại ô Hà Nội. Tháng Ba hoa gạo đầu làng đỏ rực lên màu của lo âu. Ánh mắt Duyên sáng bừng đầy hy vọng, hồi hộp đợi tin người yêu. Đúng vậy! Nhưng là tin không vui. Cuối thư Đức viết:
“Vì tình hình chiến tranh còn lâu dài, sống chết không biết thế nào, nên Duyên đừng chờ anh nữa!”.
Lời lẽ trong thư của anh vừa cứng rắn nhưng vừa trân trọng, dịu dàng. Duyên khóc! Tiếng khóc như nghẹn lại, bao nhiêu dự định, bao nhiêu yêu thương sao nói quên là quên được. Đức còn gửi cho cô vài chục đồng tiền lương phóng viên của anh với một lời xin lỗi. Cái cách anh gửi lương cho cô giống như gửi quà cho một người em gái khiến cô vừa đau lòng vừa thương anh vô hạn.
Duyên cắn chặt môi, giấu đi tiếng khóc, dúi vào tay người em trai cái áo len cô mới đan cho anh và một chiếc bút máy có khắc dòng chữ: “Thân yêu tặng anh Nguyễn Văn Đức”.
Món quà của Duyên đã có một hành trình rất khó khăn và may mắn. Hành trình xuyên suốt chiều dài đất nước qua bom đạn mới có thể đến được với chiến khu của Đức.
…Rất dài và rất xa là những ngày mong nhớ/ Nơi cháy lên ngọn lửa, là trái tim yêu thương…
*
Giai đoạn chiến tranh đặc biệt, địch càn quét chiến khu. Đây là trận đầu tiên địch thử nghiệm chiến thuật trực thăng vận. Đức được lệnh xuống gặp đại đội chủ công để lấy tin cho bài viết.
Nhưng khi làm xong nhiệm vụ của một phóng viên chiến trường thì bất ngờ đơn vị bị bao vây tứ phía. Thì ra địch xua từng bầy trực thăng UH -1, “Chuối bay” H21 phành phạch đổ quân phía sau lưng ta. Một trung tướng Mỹ trực tiếp chỉ huy trận càn. Anh em thương vong khá nhiều.
Đức bỏ sổ tay vào xà cột, gỡ khẩu AK của một chiến sĩ vừa hy sinh, nổ súng. Vài cái bóng rằn ri đổ xuống, rống lên.
Chính trị viên trúng đạn gục xuống. Đức bình tĩnh giữ vững vị trí, chặn đứng nhiều đợt tấn công. Lợi dụng màn đêm xuống, quân ta rút. Đức cùng một vài đồng đội chặn hậu, và rút sau cùng. Khi dìu đồng đội bị thương về căn cứ, anh đã để rơi mất chiếc bút máy khắc tên mình.
Sau trận chống càn đó, Đức được cấp trên khen thưởng. Và anh em đồng đội yêu quý đặt cho biệt hiệu “Tay súng - Tay bút”. Vì thất lạc mất cây bút có khắc tên anh mà sau này có tin Đức đã hy sinh. Tin Đức hy sinh bay ra Hà Nội như một tiếng sét đối với những người yêu thương.
*
Mùa khô 1967, nhiều tin xôn xao sắp đánh lớn. Đúng như linh cảm, gần Tết Nguyên đán, cánh phóng viên chiến trường được thủ trưởng gọi lên giao từng nhiệm vụ riêng biệt. Một xe hơi chở anh cùng một vài người dân chạy nạn về Vũng Tàu. Trú tại Vũng Tàu vài ngày trong một gia đình ngư dân, một xe bán tải chở anh lên Sài Gòn. Cơ sở là nhà của một thương gia nằm trên đường Hồng Thập Tự. Đức nhập vai một người khách. Thật ngạc nhiên vô cùng, người ra đón khách là chị Ngọc, chị ruột của Nam. Chị Ngọc thay đổi hoàn toàn cách ăn mặc cũng như kiểu tóc; duy có ánh mắt thì vẫn trong veo. Ngọc cũng bất ngờ khi nhận ra Đức, nhưng hai người đã không mảy may để lộ ra ngoài. Chủ nhà ở tầng trên tránh tiếp xúc. Hàng ngày có một viên thiếu tá lái xe hơi đến đón Đức và đưa đi chơi các phố xá của Sài Gòn, xuyên qua các bốt gác ngang dọc mà bình thản như không.
Có lần gặp Đức ở phòng khách, chị Ngọc nói khẽ:
- Tôi không thể nói nhưng chắc Đức chưa quên tôi là ai… Nam ở cách đây không xa. Hiện Nam đang bị chính quyền Sài Gòn nghi vấn cho mật vụ theo dõi, nên không thể gặp cậu. Mong cậu hiểu và thông cảm nhé.
Sau nhiều ngày chờ đợi, cuối cùng giờ G cũng đến. Đêm giao thừa, đầu tiên là những tiếng nổ rất lớn ở Đại sứ quán Mỹ. Tiếng nổ gầm lên như là hiệu lệnh cho bản giao hưởng chiến tranh bắt đầu. Tiếng pháo kích, súng trường, AK, đại liên M60, M79, Chống tăng B40, AR15… xen nhau. Thật khó phân biệt chiến sự đang xảy ra ở vùng nào.
Hai tuần trôi qua, chiến dịch không thành công như ta mong muốn. Quân Sài Gòn với hỏa lực Mỹ đã phản kích dữ dội. Quân Giải phóng phải rút để bảo toàn lực lượng. Cấp trên quyết định đưa Đức ra. Xe của viên thiếu tá đến đón Đức đi về hướng Vũng Tàu. Chị Ngọc tiễn Đức ở trước cửa nhà. Chị bình tĩnh dặn: “Xe đi tới ngã tư thứ hai thì dừng lại. Lái xe sẽ ra ngoài, giả bộ sửa chữa gì đó. Cậu hãy bước ra. Nhìn lên ngôi biệt thự màu hồng, trên lầu có một người tưới cây ở bao lơn. Đó chính là Nam. Nhớ là chỉ nhìn thôi không được nói gì, hai người có một phút, rồi xe sẽ đi luôn”.
Đúng như chị Ngọc dặn, xe dừng ở ngã tư, trong lúc tài xế giả bộ lúi húi sửa cái gì đó ở mũi xe, Đức bước ra lơ đãng nhìn trời ngắm đất và cuối cùng hướng cặp mắt vào lưng người đang tưới hoa ở trên lầu, ở số 12 đường Tự Do. Anh ta quay lại nhận ra, nhìn thẳng vào mắt Đức. Hai người nhìn nhau, nghiêm trang, trân trọng, trao gửi nỗi niềm thân thương.
Nam chững chạc, có phần bệ vệ, gương mặt nhiều nếp nhăn, duy đôi mắt vẫn sáng như xưa, ánh nhìn rắn rỏi, như mới chia tay hôm qua. Thoắt cái đã hai chục năm chìm nổi, thời gian như ngừng lại. Lái xe ngước mắt ra dấu, còn khoảng mười giây nữa. Nam mở to mắt nhìn Đức như ghi nhớ gương mặt người bạn thân, khẽ gật nhẹ rồi lơ đễnh quay đi tiếp tục tưới cây. Xe nổ máy, thành phố lùi dần lại sau, khoảnh khắc gặp mặt ngắn ngủi lùi lại phía sau…
Sau nghe tin nhóm tình báo của Nam bị lộ, lần lượt bị bắt. Báo chí Sài Gòn đưa tin ầm ĩ, trong số đó có người Đức biết như ông Huỳnh Văn Trọng, Vũ Ngọc Nhạ… nhưng không có tên Nam. Có thể Nam hoạt động đơn tuyến chăng? Hay là địch không đủ tang chứng? Đức rất lo lắng nhưng không thể liên lạc. Anh chỉ biết cầu mong cho Nam luôn an toàn, mạnh giỏi và may mắn nơi hang beo, miệng cọp.
*
Đầu tháng 3/1975, Buôn Mê Thuột vỡ, binh bại như núi đổ. Sáng 30/4/1975, Dương Văn Minh ra đài tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Một ngày bằng hai mươi năm là vậy. Đức và một đồng nghiệp chở nhau trên chiếc Honda 67, phóng về Sài Gòn. Anh có mặt ở Dinh Độc lập. Trong phòng họp lớn, nội các vẫn ngồi chờ đại diện chính quyền. Minh lớn trong bộ đồ ký giả màu xám, Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo mặc áo màu tím than, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu comple nghiêm cẩn.
Địa điểm thứ hai mà Đức muốn đến gặp là số 12 Đường Tự Do nhà Nam. Đến nơi thì thấy bộ đội ta đã đóng đầy trong ngôi nhà. Đồng chí đại úy chỉ huy, nước da sốt rét, mặt khắc khổ, trả lời: “Cơ sở báo chủ nhà đã di tản rồi”. Đức tưởng giây phút này hai người có thể ôm nhau, sau bao xa cách, hiểu lầm. Khi Đức quay sang ngôi nhà của chị Ngọc thì chị nhận ra anh ngay. Chị vồn vã tiếp Đức. Chị hơi trầm xuống khi Đức hỏi về Nam:
- Nam mới đi sáng nay. Cậu ấy xuống Vũng Tàu, rồi ra biển. Biết thế nào em cũng đến tìm, nên nhờ chị đưa em bức thư viết trước khi đi - Bức thư viết nắn nót trên giấy pơ-luya:
Sài Gòn ngày 30/4
Đức thân mến.
Những tưởng sẽ gặp lại Đức sau mấy chục năm xa cách, giờ đây đất nước đã hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà. Lẽ ra mình có thể ở lại để hưởng trọn vẹn vinh quang, sau nhiều ngày nơm nớp sống trong lo sợ, tính toán cân nhắc từng cử chỉ, nửa đêm thức giấc… Nhưng rồi mình lại phải đi tiếp. Trong bao năm qua, những lúc cam go nhất, mình vẫn giữ lòng tin vào lý tưởng mà chúng ta hằng theo đuổi từ thuở thanh xuân. Giờ đây, mình có thể tự hào nói rằng mình không phản bội lại dân tộc.
Con đường của mình còn dài và mình sẽ luôn nhớ tới Đức
Chúc Đức mọi điều tốt lành
Thân ái!
Đức cầm lá thư không có tên người gửi trong tay, một làn hơi nghẹn lại nơi cổ, mắt hướng nhìn về nơi xa phía Vũng Tàu.
*
Hai mươi năm sau, một doanh nhân Hoa Kiều, sõi tiếng Việt, tới thăm Đức tại Hà Nội. Anh tự giới thiệu là con rể của bạn ông tại Mỹ. Anh nói: “Ba cháu muốn nói với bác rằng Việt Nam và bạn luôn luôn là động lực để ba cháu tiếp tục những cống hiến của cuộc đời mình”.
Sau mười năm, kể từ ngày chú Đức tôi (chú Đức là con chú con bác với bố tôi) nhận được bức thư đặc biệt, có một doanh nhân Hoa Kiều thông qua chú xin được tài trợ xây một trăm ngôi nhà cho nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thái Bình. Nhà tài trợ mời đích danh chú đôn đốc và giám sát. Tôi, đứa cháu trai mà chú luôn dành nhiều tình cảm cũng may mắn được đề nghị đi cùng để viết tin lên báo. Trong hồi ký chú có viết, cha tôi chính là nhân vật đóng vai nhà Vua Trần Nhân Tông trong vở kịch năm xưa. Ngôi trường ấy, nơi cha tôi làm hiệu trưởng, đã sản sinh ra những con người trung nghĩa. Vở kịch ngày ấy, chính là sợi dây nối đôi bờ hư thực của biến cố lịch sử và cuộc đời hôm nay…
Chú tôi vẫn đau đáu nhớ về người bạn phương xa, nhớ về những ký ức đẹp đẽ thời thanh niên của họ, nhớ về những lý tưởng, nhớ về bức thư. Biến cố lịch sử đã khiến cho người bạn của chú tôi chỉ có thể làm một người yêu nước mà giấu tên. Ông ấy trao tặng những ngôi nhà và để rồi ông ấy cứ mong muốn mãi mà vẫn chưa thể về nhà…
Biến cố cuộc đời khiến cho những người yêu nhau phải xa nhau, dù kỷ niệm về nhau thì chưa bao giờ phai nhạt. Nó vẫn xanh biếc như màu xanh của cánh đồng lúa, nơi có một chàng trai dắt tay cô gái, nói lời hẹn ước trước ngày ra trận.
…Một đất nước trải qua rất nhiều thương đau vẫn kiên cường bất khuất bởi có những sự hy sinh thầm lặng! Và những bức thư không có tên người gửi...