Bóng nắng

Thứ Năm, 25/07/2024, 07:01

Giọng anh run run ngập ngừng đến tội nghiệp. Tôi lặng đi. Anh ôm choàng lấy tôi vỗ về. Nụ hôn bỏng rẫy sượt nhanh qua má, tôi cắn chặt môi để khỏi bật ra tiếng khóc. Khi quyết định làm vợ một chiến sĩ Công an, tôi biết mình sẽ thiếu thốn tình cảm, nhưng tôi không nghĩ mình phải chịu thiệt thòi sớm như vậy. Lẽ ra đêm nay sẽ là đêm tân hôn của chúng tôi. Vậy mà vì nhiệm vụ, anh phải bỏ lại tôi bơ vơ ngay đêm đầu tiên về nhà chồng thế này.

Khi quyết định chọn Phong làm bến đậu cuộc đời mình, tôi tâm sự với anh Kiên, anh họ tôi và là bạn thân của Phong, anh bảo: “Được rồi, trước sau anh vẫn ủng hộ chuyện của hai đứa. Nhưng anh sẽ đưa cô đến thăm nơi công tác mới của nó, sau đó quyết định thế nào thì tùy cô”.

Hai anh em tôi đến thăm Phong vào một ngày cuối tuần. Trụ sở Công an xã là dãy nhà cấp bốn bé tẹo dựa lưng vào đồi keo tai tượng, phía trước là cánh đồng lúa xanh rì, muốn lên phố phải chạy xe mất hai mươi phút qua quãng đường mới trải đá răm lạo xạo. Gần hai tháng trời chưa gặp nhau, Phong tiếp đón chúng tôi với ánh mắt lấp lánh hồ hởi nhưng xen lẫn chút e ngại. Trong bữa cơm, khi mấy anh đồng nghiệp hỏi về “đám cưới của hai đứa”, tôi có cảm giác Phong thoáng gượng gạo, cười trừ rồi nói lảng sang chuyện khác. Chẳng hiểu vì chút men của ly bia hay vì ánh mắt ngập ngừng của Phong mà tôi có cảm giác chênh chao suốt buổi chiều hôm ấy. Trên đường đưa tôi trở về, anh Kiên dè dặt:

- Anh thấy Phong về đó chẳng có tương lai gì cả. Mà đợi cơ hội mấy năm nữa xin chuyển về thị trấn rồi mới cưới thì cũng không ổn, con gái có thì. Nếu quyết định lấy nhau, anh nghĩ cô sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi đấy. Hai đứa cứ tính cho kĩ…

167fbbb0ca9d6fc3368c11.jpg -0
Minh họa: Lê Tâm

Tiếng anh bạt đi trong gió nhưng vẫn xoáy vào lòng tôi nỗi trăn trở miên man. Theo anh, việc Phong “bị” điều chuyển từ Công an tỉnh về làm Công an xã là “thất thế”. Địa giới thành phố mở rộng, cái xã nơi Phong về nhận công tác sắp được quy hoạch lên phường nhưng vẫn là một vùng quê heo hút. Anh bảo: khu này cũng nằm trong vành đai công nghiệp của tỉnh, nhưng mới là dự án trên giấy, còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác. Mà sợ nhất là giai đoạn giao thời từ quê lên phố, biết bao vấn đề phức tạp nảy sinh. Một Công an xã chân ướt chân ráo như Phong chắc hẳn sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách.

Tôi tâm sự với mẹ, mẹ giãy nảy: “Nhà đó mấy đời đàn bà cô độc cô quả, biết rõ vậy mà sao còn yêu nó hả con? Bấy lâu mẹ đồng ý cho nó qua lại là để nâng cao giá trị của mày. Chứ lấy nó rồi lại một đèn một bóng nuôi con. Tương lai của nó thì mù mịt ở cái nơi khỉ ho cò gáy ấy. Ngoài cái mẽ cao to đẹp trai, nó được cái gì? Đừng mơ mộng hão huyền nữa con ơi”.

Tôi ngỡ ngàng. Thì ra bấy lâu nay mẹ tôi niềm nở với tất cả các chàng trai đến nhà tôi là để mẹ luôn tự hào với xóm giềng có cô con gái là giáo viên thùy mị xinh xắn nên được nhiều người để ý. Tôi biết trong số đó, mẹ ưng nhất là Việt, anh chàng vừa đi xuất khẩu lao động Nhật về, nhà có cửa hàng vàng bạc to nhất thị trấn. Mẹ rủ rỉ: “Lấy nó rồi sẽ trở thành bà chủ, đi dạy chỉ là cho vui thôi”. Suốt mấy ngày sau đó, tôi hết năn nỉ rồi đến dằn dỗi khóc lóc vẫn không thuyết phục được mẹ. Tôi biết mẹ còn gọi điện cho anh Kiên, ý chừng “đổ vạ” vì anh mà tôi và Phong yêu nhau.

Ông nội Phong là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ. Bố Phong mất vì tai nạn lao động. Giờ nhà Phong có ba người đàn bà sống với nhau. Bà nội Phong đã gần chín mươi, lúc tỉnh lúc lẫn, nói ra rả cả ngày. Mẹ Phong dáng người nhỏ thó, quanh năm uống thuốc xương khớp. Chị gái Phong lấy chồng Lạng Sơn gần chục năm mà chưa có con, năm ngoái phát hiện chồng có con riêng nên ly hôn, về đây mở cửa hàng bán đồ may sẵn ở đầu làng.

Mẹ tôi bảo đàn bà góa chồng ai cũng khó tính khó nết. Bà sợ đứa con gái mà mình vẫn cưng như trứng mỏng sẽ không chống đỡ nổi. Và nhất là mẹ không muốn tôi lại phải sống cảnh một đèn một bóng nuôi con như chính cuộc đời mẹ. Bố tôi là bộ đội biên phòng, cả năm mới về thăm nhà một lần. Mình mẹ gánh vác giang san nhà chồng. “Mang tiếng có chồng mà khác nào gái góa”. Mẹ vẫn than thở như thế mỗi lúc công việc ngập đầu mà bố tôi thì cứ biền biệt.

Tôi không dám kể với Phong việc mẹ phản đối chuyện của hai đứa. Tôi hiểu rằng về môi trường công tác mới anh sẽ vất vả nhiều. Tôi không muốn chuyện ấy khiến anh cảm thấy áp lực hơn. Thường thì tôi không dám gọi anh bất chợt. Lúc nào rảnh, anh sẽ chủ động nhắn tin cho tôi. Những tin nhắn vội vàng dè sẻn gấp gáp, nhiều khi chỉ là những icon trái tim mặc định. Tôi nuôi dưỡng tình yêu của mình trong trạng thái dằng dặc đợi chờ, mơ hồ lo lắng. Thật lòng, đôi lúc tôi cũng cảm thấy có chút dao động khi nghe mẹ so sánh Phong với những anh chàng đang kiên trì theo đuổi tôi. Nhưng cứ nghĩ về những kỉ niệm của hai đứa, nhớ về ánh mắt nụ cười ấm áp của Phong, tôi lại tự bồi đắp thêm niềm tin cho tình yêu của mình.

Cái lý của mẹ là nỗi lo lắng và tình yêu thương vô bờ dành cho đứa con gái duy nhất. Còn tôi có cái lý của trái tim mình. Tôi yêu Phong từ khi học Sư phạm năm thứ hai. Tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp và thấy âm thầm kiêu hãnh mỗi dịp Phong đến thăm tôi ở kí túc xá. Và ngay cả bây giờ, thi thoảng Phong về phép, sự xuất hiện của anh cũng khiến các chàng trai đang tán tỉnh tôi luôn nhìn với ánh mắt ghen tị. Tôi không mơ mộng hão huyền như mẹ nghĩ. Tôi yêu Phong đâu chỉ bởi cái vóc dáng cao to vạm vỡ, rắn rỏi của anh. Tôi tin vào rung cảm của mình. Phong trầm tính, điềm đạm. Khuôn mặt vuông chữ điền, đôi mắt sáng cương nghị dưới cặp lông mày xanh mượt của anh khiến tôi luôn có cảm giác tin cậy. Nói như Huyền, cô bạn thân nhất của tôi, gương mặt Phong hiện lên hai chữ “tử tế”.

Tôi phải huy động hết tâm lực của các dì các bác để làm lung lay định kiến ấy của mẹ. Sau cùng thì mẹ cũng xuôi xuôi, không ngăn cản quyết liệt nữa nhưng vẫn ngấm nguýt: “Cố lấy cho bằng được, sướng khổ mai này tự chịu. Đừng có bế con về đây ăn vạ tôi”. Tôi ôm mẹ cười đấu dịu: “Con gái mẹ đâu dễ đầu hàng hoàn cảnh thế. Có chăng thi thoảng về đây xin mẹ ít trứng gà hay rau trái sạch thôi ạ”.

Trong dịp hai gia đình gặp gỡ, mẹ Phong bảo rằng đám cưới của chúng tôi phải đón dâu hai lần làm phép như “đi hai lần đò” thì mới “đứng số” được. Như dự tính thì sau lễ ăn hỏi, chúng tôi ra xã đăng kí kết hôn và bên nhà trai sẽ đón dâu lấy ngày. Tôi sẽ được đón về ở bên đó một đêm, rồi sáng hôm sau sẽ lẳng lặng đi về nhà mình. Mẹ tôi tỏ thái độ không hài lòng. Theo ý mẹ, nếu có khúc mắc lỡ dở là ở phía Phong, chứ tôi xinh xắn, phúc hậu lại có nghề nghiệp ổn định như thế thì làm sao mà phải “hai lần đò”. Thôi thì vì yêu nên trăm chỗ lệch cố kê cho bằng, tôi lại phải lựa lời năn nỉ thuyết phục mẹ.

Phong chỉ được về nghỉ tranh thủ hai ngày để làm lễ ăn hỏi. Mỗi gia đình cử mấy người đại diện và một nhóm thanh niên bạn bè đưa chúng tôi ra ủy ban xã. Lúc cầm cây bút kí tên vào tờ giấy đăng kí kết hôn, bất giác tôi ngẩng lên nhìn Phong, một chút e dè hoang mang khi sắp sửa bước sang một trang đời mới. Bến đậu của đời tôi, người đàn ông tôi sắp trao thân gửi phận là anh, ánh mắt lấp lánh yêu thương kia liệu có sưởi ấm trái tim tôi, bờ vai vạm vỡ kia liệu có là chỗ dựa vững chắc cho cuộc đời tôi? Mất vài giây, tôi ngây nhìn anh như định hình lại sự lựa chọn của trái tim mình, anh mỉm cười và khẽ gật đầu. Một cảm giác yêu thương tin tưởng dâng lên ngọt ngào, tôi cúi xuống kí tên mình vào tờ giấy.

Bên nhà Phong làm mấy mâm cơm thân mật để đón tiếp đám rước dâu. Khi tất cả đang quây quần cười nói chúc tụng vui vẻ thì anh xin phép đi ra ngoài nghe điện thoại. Tôi nhìn theo Phong, trông cái cách anh vừa nói chuyện điện thoại vừa thi thoảng liếc nhìn về phía tôi, tự dưng tim tôi đập thình thịch, linh cảm có chuyện bất thường. Và dự cảm của trái tim người con gái đang yêu chẳng mấy khi sai. Anh quay lại mâm cơm gượng cười cáo lỗi rồi nháy mắt ra hiệu bảo tôi đi vào trong nhà. Tôi bước theo anh vào căn phòng nhỏ, tổ ấm hạnh phúc của mình mà chân cứ ríu lại.

- Cơ quan có lệnh triệu tập gấp, anh phải đi ngay bây giờ, phối hợp với bên y tế và chính quyền khoanh vùng truy vết trường hợp một gia đình có người mới phát hiện nhiễm COVID ở thôn anh phụ trách. Thông cảm cho anh, đừng buồn em nhé. Đợi anh…

Giọng anh run run ngập ngừng đến tội nghiệp. Tôi lặng đi. Anh ôm choàng lấy tôi vỗ về. Nụ hôn bỏng rẫy sượt nhanh qua má, tôi cắn chặt môi để khỏi bật ra tiếng khóc. Khi quyết định làm vợ một chiến sĩ Công an, tôi biết mình sẽ thiếu thốn tình cảm, nhưng tôi không nghĩ mình phải chịu thiệt thòi sớm như vậy. Lẽ ra đêm nay sẽ là đêm tân hôn của chúng tôi. Vậy mà vì nhiệm vụ, anh phải bỏ lại tôi bơ vơ ngay đêm đầu tiên về nhà chồng thế này.

Sau khi tiễn Phong đi, thấy tôi lủi thủi quay vào mắt đỏ hoe, chị gái Phong có nhã ý xin phép bà nội và mẹ cho tôi trở lại bên nhà, nhưng mẹ chồng tôi không đồng ý. Bà nhẹ nhàng khuyên tôi rằng có thờ có thiêng có kiêng có lành, hai đứa đã thuận tình thì cũng nên nghe theo sự sắp đặt của người lớn, cố gắng ở lại một đêm, cứ ngủ thiếp đi một giấc là đến sáng. Mắt tôi ngân ngấn. Âm thanh rộn rã trữ tình của bài hát “Thuyền hoa” phát ra từ chiếc loa ngoài sân càng khiến lòng tôi nặng trĩu.

Chị Thủy bảo sẽ ngủ lại nhà cùng tôi cho đỡ buồn. Đêm đó với tôi là một đêm trắng. Chị rí rách kể những kỉ niệm vui thời thơ ấu của Phong nhưng chẳng khiến tôi nhẹ lòng hơn chút nào. Trong bóng đèn lờ nhờ của căn phòng nhỏ lẽ ra là phòng tân hôn hạnh phúc của chúng tôi, tôi cố gượng cười đưa đà theo những câu chuyện của chị nhưng nước mắt cứ nhè nhẹ thấm gối. Một lát, chị ngập ngừng quờ nắm tay tôi bóp nhẹ như an ủi. Bàn tay chị gầy xương khô ráp. Người ta bảo phụ nữ có bàn tay khô như thế là số phận long đong lận đận. Ở gian ngoài thi thoảng có tiếng bà nội rỉ rả nói một mình, tiếng trở mình thở dài khe khẽ của mẹ chồng. Bốn người phụ nữ đơn độc, bốn trái tim cô đơn lỗi nhịp, thấu hiểu nỗi lòng nhau mà chẳng thể sẻ chia. Tôi nằm nghe tiếng dế réo rắt vọng lại từ góc vườn, chưa bao giờ thấy đêm trôi qua nặng nề, ảo não như thế.

Ngày cưới đã định mà tình hình dịch dã nơi anh công tác càng lúc càng căng thẳng. Có khi mấy ngày anh không gọi điện cho tôi. Nhiều tin nhắn tôi gửi tới, anh “đã xem” mà không hồi đáp khiến tôi có cảm giác hụt hẫng, vừa giận lại vừa thương. Anh cứ ngập trong công việc như thế thì làm sao có thể về đưa tôi đi thử váy cưới và chụp ảnh dã ngoại được. Chuyện hôn sự cả đời chỉ có một lần, không thể qua loa đại khái. Không muốn đám cưới của mình diễn ra trong hoàn cảnh ngặt nghèo gấp gáp như vậy, chúng tôi quyết định xin phép hai gia đình hoãn đám cưới lại đến năm sau. Họ hàng làng xóm xì xào bàn tán. Tôi buồn vì xa anh một phần mà nẫu lòng bởi những tiếng thở dài của mẹ đến hai phần. Cũng vì thương con mà không ít lần mẹ buông lời dằn dỗi đay nghiến tôi, rằng tôi ngu dại, biết thừa lấy đám ấy rồi sẽ khổ mà còn cố đầm cố chì đòi cưới bằng được. Tôi chỉ biết khóc, nhưng cũng có lúc bất lực mà vùng vằng cự lại mẹ: “Mẹ thấy con chưa đủ khổ hay sao mà còn chì chiết để con đau lòng thêm”. Thế là mẹ lại thở dài lặng lẽ quay đi.

Đêm muộn, Phong tranh thủ nhắn cho tôi mấy lời yêu thương, gửi vài tấm ảnh chụp lúc anh đang trực chốt hoặc cùng anh em phục vụ trong khu cách ly. Vẫn nụ cười và ánh mắt ấm áp ấy nhưng tôi xót xa khi thấy anh gầy hẳn đi, cặp mắt trũng sâu, râu ria xanh rì vì mấy ngày chưa kịp cạo. Cái điệp khúc “đợi anh nhé, đừng buồn nhé!” cứ lặp đi lặp lại khiến tôi cảm thấy bải hoải rã rời. Nhưng có lần anh nhắn một câu: “Em có hối hận khi quyết định làm vợ anh không?” thì tôi lại luống cuống vội vã thanh minh. Tôi chẳng còn tâm trí để giận dỗi anh nữa. Vừa lo cho anh lại vừa thương mình, tôi chỉ biết vun vén cho niềm tin về tình yêu của hai đứa. Tôi sống trong chuỗi ngày nặng nề ảo não đến thắt lòng. Đến nỗi cứ mỗi chiều đi dạy về, nhìn thấy mẹ khuôn mặt bừng bừng căng thẳng, vừa làm vừa lầm bầm điều gì đó, tôi lại thấy phập phồng bất an.

Việc hoãn cưới khiến tâm trạng của tôi chưa kịp dịu xuống thì một chuyện khác xảy đến khiến cả họ ngoại nhà tôi cứ nháo nhác cả lên. Chẳng là anh Kiên cùng một đoàn cán bộ của tỉnh về xã nơi Phong đang công tác để khảo sát thực tế chuẩn bị tiến hành dự án xây dựng nhà máy sản xuất đồ nhựa tái chế quy mô lớn. Hôm đó Phong phải trực nên dù anh Kiên gọi điện hẹn mà hai anh cũng không gặp được nhau.

Công việc khảo sát và kế hoạch xây dựng nhà máy diễn ra suôn sẻ khả quan, anh Kiên ở lại liên hoan với một gia đình người quen rồi trong lúc vui quá chén đã cùng mấy người đàn ông trong xóm ngồi chơi bài lá ăn tiền. Đã có lần tôi nhắc anh đừng sa vào mấy trò đỏ đen ấy, bởi anh em tôi đều hiểu tính ông ngoại, người đàn ông chuẩn mực và gia trưởng ấy coi trọng thể diện hơn bất cứ điều gì. Anh Kiên bảo đâu có dại mà ham hố, chỉ là thi thoảng chơi giải trí xã giao thôi.

Trớ trêu thay, trong đêm hôm đó, tổ công tác phòng chống tệ nạn xã hội của Công an thành phố đi tuần tra bất ngờ. Anh Phong và hai đồng chí Công an viên được chỉ định đi cùng đội tuần tra. Và họ đã phát hiện ra đám bài bạc ấy. Tất cả bị đưa về trụ sở Công an thành phố. Sáng sớm hôm sau cái tin “thằng Kiên bị thằng Phong bắt” đã bay về đến làng tôi. Một đồn mười, mười đồn trăm. Mẹ anh Kiên tất tưởi chạy sang nhà tôi, trách móc, kêu khóc vật vã. Mẹ tôi sau phút bàng hoàng đã quay sang trút tất cả mọi sự giận dữ vào tôi.

Tôi gọi điện cho Phong thì chỉ nghe tiếng lập trình khô khốc “thuê bao…” Lòng tôi rối như tơ vò. Một cuộc họp gia đình được triệu tập khẩn cấp ở nhà ông ngoại. Tôi chỉ biết khóc, hứng chịu mọi lời trách cứ của các bác, các dì. Ai cũng trách Phong là kẻ cạn tình, vuốt mặt không nể mũi, muốn qua sông mà chẳng biết luỵ đò. Ông ngoại tôi hết mắng nhiếc vợ chồng bác cả không biết dạy con, rồi mắng đến mẹ tôi là “nuôi ong tay áo”. Và cuối cùng ông chỉ vào mặt tôi tuyên bố: “Trả trầu cau, không cưới xin gì hết”. Ông không chấp nhận thằng cháu rể tương lai lại đang tâm lập biên bản bắt thằng cháu đích tôn của ông, dù gì Kiên cũng là cán bộ Sở, làm như vậy thì mất mặt quá.

Anh Kiên và mấy người trong đám chơi bài đó chỉ bị phạt hành chính và được về ngay buổi sáng hôm ấy vì tang vật của cuộc chơi không nhiều và ai cũng mới chỉ vi phạm lần đầu. Anh trở lại cơ quan giải quyết công việc. Ông tôi sốt ruột gọi điện cho anh liên tục. Tối đó, ở nhà ông ngoại, các bác, các dì lại tấp nập đến hỏi thăm. Anh Kiên đứng ra thanh minh cho Phong nhưng vẫn không làm cơn giận của mọi người nguội ngay được, nhất là ông tôi. Ông vẫn gằn giọng: “Không thể chấp nhận cái ngữ bạc phước ấy làm rể nhà này”. Mọi người dần tản mát ra về nhưng vẫn xôn xao bàn tán. Chỉ có mẹ con tôi ở lại sau cùng. Anh Kiên lại từ tốn phân trần với ông. Anh bảo lúc chạm mặt Phong, anh thấy xấu hổ hơn là lo sợ. Mình mắc sai phạm thì mình phải chịu. Việc Phong làm cũng là vì chức trách nhiệm vụ. Nếu ai là Công an cũng bao che dung túng cho người nhà thì xã hội còn đâu kỉ cương pháp luật nữa. Tiếng ông ngoại vẫn sang sảng quyền lực, bác trai dằn dỗi trách móc, bác gái rền rĩ lo lắng. Tôi và mẹ ngồi lặng im chịu trận. Anh Kiên quay sang động viên tôi: “Tốt nhất hai đứa cưới nhau đi, cứ trì hoãn kiểu này mệt mỏi lắm, rồi lại buông xuôi thì khổ”.

Đám cưới mùa dịch diễn ra đơn giản và chóng vánh. Ở nhà được ba ngày thì Phong phải trả phép. Buổi trưa, anh cố đợi tôi từ trường về. Đứng đón vợ ở cổng, mắt anh nhìn như xoáy khiến má tôi nóng ran. Rồi anh đi vội vã, chẳng kịp ăn cùng vợ thêm một bữa cơm. Tôi đứng nhìn theo vệt khói sau xe anh, có cảm giác chới với như vừa rơi hẫng từ một giấc mơ đẹp, lững thững quay vào nhà như người mất hồn. Những người đàn bà trong nhà cố xua đi cái không khí trầm lắng bằng tiếng lanh canh của bát đũa và mùi thơm phức của các món xào nấu. Từ nay, đây là cuộc sống của tôi, còn tôi sẽ là hậu phương vững chắc của anh, là sợi dây kết nối hạnh phúc của mọi người.

Bà cụ già lặng lẽ ăn cơm, không càm ràm như mọi bữa. Mẹ chồng tôi đon đả gắp thức ăn đầy ú ụ vào bát con dâu. Tôi cố tỏ ra ăn uống bình thường mà sao cứ nghẹn lại. Chị Thủy nháy mắt: “Chiều nay nếu em không phải đi lớp, chị em mình đi chùa Bà Tấm nhé”. Tôi ngỡ ngàng, sao chị hiểu tâm trạng của mình như thế. Thì ra người đàn bà cô đơn nào cũng muốn tìm đến những nơi thanh tịnh để mong lòng mình dịu lại. Tôi tin rằng mình sẽ sống hạnh phúc bởi tình yêu ấm áp và sự chia sẻ chân thành của những trái tim nhân hậu trong ngôi nhà nhỏ này.

Nhá nhem tối, từ chùa Bà Tấm về, chị đưa tôi ghé qua nhà mẹ chơi. Mẹ kéo tôi vào trong buồng thì thầm: “Chiều mai sang đây, mẹ đưa lên nhà ông lang Cao cắt mấy thang thuốc bắc. Nhất định mày phải có con trai. Đẻ liền mấy đứa cũng được, chứ con gái họ Vũ nhà đó có ai sướng đâu”. Tôi cười xòa: “Mẹ để con rong chơi vài tháng đã chứ. Mà thời này ai còn quan trọng chuyện con trai con gái nữa đâu ạ”. Rồi tôi vin vào lý do có đoàn thanh tra của Sở sắp về trường để lần khân từ chối mẹ.

Hơn một tháng sau Phong mới được về nghỉ tranh thủ. Hai vợ chồng sang bên nhà thăm mẹ tôi. Thấy mẹ đang ngồi gọt quả xoài xanh, tôi sà xuống nhón mấy miếng ăn ngon lành. Mẹ nhìn xoáy vào mắt tôi: “Mày có rồi phải không con? Chẳng nghe mẹ, chưa kịp thuốc thang gì cả. Nhưng thôi, thế cũng may, chứ như chị Thủy...”. Biết mình lỡ lời, mẹ bỏ dở câu nói, tất tả chạy ra hiệu thuốc đầu làng rồi về dúi vào tay tôi hộp quickstick. Lúi húi trong nhà vệ sinh, tôi nhìn thoáng qua ô cửa kính thấy Phong cứ loay hoay nhấp nhổm bên ngoài. Trông cái dáng vẻ bồn chồn ấy của anh, lòng tôi rưng rưng ngập tràn hạnh phúc. Mang chiếc que thử có hai vạch hồng mờ mờ ra phòng ngoài, tôi cười rủm rỉm: “Thế là kế hoạch đi cắt thuốc bắc với mẹ bị lỡ rồi”. Mẹ cười, lườm yêu tôi. Đợi mẹ đi khuất vào bếp, Phong ôm chầm lấy tôi thì thầm: “Cảm ơn em…”.

Ngoài sân, nắng đầu thu vàng ươm, tràn ngập hiên nhà, lấp lánh những tia vui… 

Truyện ngắn của Tạ Thị Thanh Hải
.
.