Biển thở

Thứ Năm, 13/10/2022, 14:45

Nguyên thấy mình là đứa trẻ chạy chân trần dưới khu vườn cổ tích bao la trong trí tưởng tượng thơ ngây. Cô kéo tay anh ngồi xuống một phiến đá, biển đã tỉ mỉ gọt đẽo, sóng xô ì oạp, nước bắn lên môi vị mằn mặn. Trăng soi vào ngực cô, từng mảnh li ti tí hon in ngần trên những vệt nước mà biển hào phóng tặng. Biển thở dài từng cơn, sóng đánh ì oạp, xô đuổi nhau đến tận mí cát, những vỏ sò lăn lóc nhấp nhoáng dưới trăng màu tinh khôi, từng tầu dừa đung đưa đung đưa!

Mưa quất ràn rạt vào mặt, biển hắt muối mặn chát, từng giọt từng giọt đựng đầy trong hốc mũi và mắt Nguyên. Chưa bao giờ cô thấy biển rưng rưng như thế, vần vũ, trần trụi trong cơn thiên di của thời tiết.

- Về đi anh.

- Không, anh muốn nghe biển thở.

Nguyên biết, Tùng thích mùi biển. Cô mặc kệ cho những giọt mưa xói vào kí ức của mình, tựa hẳn vào anh. Nguyên im lặng. Thấy xung quanh những sợi nước kéo dài từ mắt trời như dệt nên tấm thảm huyền hồ của vũ trụ bất tận. Mây như sụp xuống đen rầm, biển với trời một sắc, khung cảnh chạy vụt về quá khứ, trì níu hiện tại, cô không còn biết đến xung quanh nữa. Trái tim cô trân trối như bị biển dốc cạn, từng cơn, từng cơn phập phồng.

Khi Nguyên mở mắt ra, bầu trời sạch làu tinh khôi, từng cụm mây xôm xốp màu hồng hồng trắng như sữa, đơm hoa trên đầu cô, mặt biển trong veo, xanh ve như một tấm gương khổng lồ. Sóng rất nhẹ, vờn vờn, ve vuốt Nguyên. Thiên nhiên xóa sạch cơn giận dữ bất chợt, tịnh không còn dấu vết của trận mưa ngang qua bình minh, những file buồn trong tim Nguyên đã xếp lại. Im lìm, im như những lần Nguyên cất giấu cơn cớ của mình sau khi nhấp môi ly vang chát.

Khi hai người lên bờ, túi cá vừa mua ngoài cảng đã biến mất, cả hộp sữa nữa. Chúng như chưa từng tồn tại, như cái cách biển bắt đầu cơn cớ của mình trước đó. Họ níu tay nhau trở về. Mưa gột rửa Nguyên. Mưa là hơi thở của biển với Tùng.

“Trúc quán” nằm trên con đường bê tông Khuất Duy Tiến bụi bặm, ban ngày nhìn loang lổ, bụi trúc trồng ghé vào cái nắng gắt gỏng đặc trưng của mùa hạ miền Bắc. Ban đêm, tất cả trần trụi, mấp mô biến mất, ánh neon và dây đèn trang trí đã khoác cho nó tấm áo lộng lẫy. Đó là tụ điểm quen thuộc của sinh viên đại học Tổng hợp Hà Nội. 

Tối nào cũng chật căng, ồn ào, náo nhiệt, Nguyên đang ngậm viên đá lạnh trong miệng, chợt thấy cổ áo mình một luồng buốt chui tuột xuống ngực. Thủ phạm là một viên đá trắng tinh. Nguyên quay sang, thấy từ chiếc bàn cách đó không xa, ánh mắt tinh nghịch của một người quen. Viên đá ấy nằm lại trong kí ức của Nguyên, im lìm. Cho đến một ngày nó thức dậy sau một chặng dài mấy mươi năm có lẻ.

z3793291139232_1174edbd197f17fbf819a7a4adfc46ca.jpg -0
Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Tùng tìm được cô từ một nhóm zalo. Anh và bạn cô đã có hai trận thư hùng từ cú ném viên đá vô tình ấy. Cách dò đường dài hơn hai thập kỉ. Cuộc đời có những cách gặp gỡ thật kì lạ.

Ngày bố mẹ chia tay, là ngày đứa bé lớp năm gan bướng như Tùng bật khóc. Tùng dúi vào tay em gái con búp bê:

- Cầm lấy, sang nhà mẹ, nếu có đứa nào đánh, cứ nói cho anh.

- Em có 1 nghìn bà nội mừng tuổi, cho anh để thuê truyện.

Mẹ lôi thênh thếch con bé đi. Tùng đứng ngẩn dưới mái nhà giấy dầu nóng rãy của khu tập thể bệnh viện. Trên đầu nó, phượng đỏ rọi từng vầng, từng vầng như từng vốc máu. Lan vừa đi vừa ngoái đầu lại, bàn tay bé xíu vẫy vẫy về phía Tùng, cái đuôi tóc mọi ngày lí lắc, nay buộc thành túm nhỏ xíu sau gáy như chọc thẳng vào trái tim bé bỏng của Tùng. Tùng khóc giàn giụa, cái khóc hơn cả những trận roi của bố cộng lại.

Khi Tùng vào đại học, bố gửi tiền ở nhà bác ruột ở quận Hoàng Mai, mỗi tuần đạp xe đến đó để lấy tiền ăn một lần. Từ kí túc xá Mễ Trì đến đó phải đạp xe đến 10 cây số, có hôm gặp mưa, khi bác lại vắng nhà, nỗi ấm ức từ cơn cớ tuổi thơ thiếu thốn bóng dáng mẹ, đến cái đói lửng thửng của tuổi trẻ, khiến cậu trai 19 tuổi dằn dỗi quay xe. Có đến nửa năm Tùng không nhận trợ cấp của bố. Ông bố khắc kỉ, cậu con đầy tự ái, ở giữa là những cơn đói sinh viên giày vò. Chẳng bên nào chịu đầu hàng.

Tùng tìm cách tá túc ở một số người bạn và kiếm sống bằng những chuyến buôn bán lặt vặt. Con đường Lương Thế Vinh, café Lâm, những quán cầm đồ quen thuộc khu kí túc xá Mễ Trì, nhập nhèm, cáu bẩn và con phố Tôn Thất Tùng của cánh sinh viên đại học Y Hà Nội đã trở nên quen thuộc với Tùng. Để sau này, mỗi lần ra Hà Nội là mỗi lần tim Tùng nao nát đi trên hè phố bụi bặm, trong những vòng ôm chân thành của những tình bạn từ thuở sinh viên cho đến khi đầu đã nhuộm khói sương thời gian và những góc khuất của số phận để lại hình hài.

“Anh đừng tìm em. Em đã có kết quả trúng tuyển Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh khoa Kinh tế đối ngoại. Em lớn rồi, không muốn sống trong sự thiếu hụt tình cảm gia đình nữa. Cứ mỗi lần mẹ chăm chút thằng Sinh (đứa em mẹ sinh với dượng) là hình ảnh chia tay của anh em mình trong cái nắng mùa hạ dữ dội năm ấy lại hiển hiện trọn vẹn, em không thể chịu đựng được thêm nữa, dù em biết, người lớn có lý do của họ. Anh đừng khuyên em gì nữa, em sẽ ở hẳn trong này. Anh nhớ giữ gìn sức khỏe và chịu khó học nhé. Em gái bé bỏng của anh”.

Thư em gái đến, cùng lúc với thông báo của khoa: Tùng phải học lại môn Kinh tế quốc tế do bỏ học quá nhiều. Đêm ấy Tùng say mèm nôn cả vào lưng áo thằng bạn thân, sinh viên Đại học Y Hà Nội. Đời Tùng còn một trận say đã đời như thế mãi sau này, khi cuộc hôn nhân của anh vào hồi thất bát. Trong căn nhà Tùng, anh vẫn giữ vẹn nguyên không gian của hai đứa con. Có nhiều đêm, ăn cơm trong ánh đèn khuya một mình, trở về phòng ngủ, anh lại đưa tay chạm nhẹ vào con gấu nhỏ đã bị mất một bên tai- món đồ chơi mà bọn trẻ từng rất thích. Những thứ đồ vật khuyết thiếu, cũ kĩ, đôi khi lại kể một câu chuyện ý nghĩa nhất về sự đủ đầy.

Nguyên loay hoay trước khu đô thị mới trổ mặt ra biển Vũng Tàu, tầng thượng thứ 25 trong veo dưới bầu nắng rạng rỡ giữa tháng 7. Tùng chờ cô ở đó đã lâu. Ngoài kia, hai làn đường thong dong xe chạy, ở giữa là bồn cỏ xanh mướt và những bóng cây cần mẫn tỏa rợp. Nắng nhảy nhót reo vui, gió thốc vào mặt, ôm trọn lấy cô, lồng lộng. Gió ở đây như phun sương, mềm mát và ve vuốt, khiến cô có cảm giác dịu lành, không gắt gỏng, oi cáu như ngoài Bắc.

Tối đó, Tùng dẫn cô ra biển, Nguyên tưởng mình đang bồng bềnh, bồng bềnh trôi giữa mùa trăng. Trên vòm trời thăm thẳm, bí mật, bao vì tinh tú nhấp nháy ánh sáng vũ trụ, một vầng tròn đầy rạng rỡ, kiêu hãnh phô hết sức mạnh huyền bí của đêm. Cô được bao bọc bởi màu vàng như chắt ra từ muôn hồng ngàn tía, vỉa sâu đại dương, nham thạch nóng chảy, gió núi ào ạt, hương khuya thầm thĩ. Tất cả nạm bằng thứ trang sức tự nhiên lóng lánh.

Nguyên thấy mình là đứa trẻ chạy chân trần dưới khu vườn cổ tích bao la trong trí tưởng tượng thơ ngây. Cô kéo tay anh ngồi xuống một phiến đá, biển đã tỉ mỉ gọt đẽo, sóng xô ì oạp, nước bắn lên môi vị mằn mặn. Trăng soi vào ngực cô, từng mảnh li ti tí hon in ngần trên những vệt nước mà biển hào phóng tặng. Biển thở dài từng cơn, sóng đánh ì oạp, xô đuổi nhau đến tận mí cát, những vỏ sò lăn lóc nhấp nhoáng dưới trăng màu tinh khôi, từng tầu dừa đung đưa đung đưa!

Co ro trong chiếc áo vai trần, gió vờn tóc, thầm thĩ vào tai Nguyên những lời bí ẩn của đại dương. Và như là phép màu kì lạ, từ mặt nước thăm thẳm, trăng đội sóng nhô lên, đẹp như vầng hào quang của đại dương xôn xao. Lần đầu tiên cô thấy trăng tròn đầy viên mãn kiêu hãnh giữa biển đêm sóng tung bọt trắng ào ạt!

Vũng Tàu được thiên nhiên ân điển cho một nền khí hậu nguyên sơ, trong mát. Tùng chở cô bằng xe máy đi dọc chiều dài Bãi Trước. Buổi sớm, biển như một tấm gương xanh ngun ngút. Bên trái là biển, bên phải là núi. Gió gió ve vuốt. Đá đá lô xô. Phi lao hùng vĩ. Chen vào một làn hương của loài hoa đại. Cánh tròn, trắng vàng ngà, xòe viên mãn. Không hiểu vì sao ở đây người ta trồng nhiều loài hoa này như vậy. Nó làm nên một mùi riêng, rất Vũng Tàu. Nguyên hít căng lồng ngực mình vị biển. Biển ở đây bao la và hùng vĩ, giản dị và kiêu hãnh. Là thứ phong cảnh đời người lần đầu tiên Nguyên được ghé môi vào uống trọn vị lạ lẫm. Tùng kéo cô xuống biển. Làn nước mát như mời mọc. Mặt biển tựa dải lụa, trào lên, trào lên từng hơi thở ấm áp. Biển thở như cánh mũi phập phồng của Nguyên. Xa xa, những tia nắng đầu tiên rọi xuống, từng vầng hào quang óng ánh. Xung quanh cô, những nụ cười thân thiện rám nắng của người vùng biển.

Khi cả hai rời biển, Tùng thấy trên ghế đá sát lề đường, người đàn ông tóc muối tiêu, gầy gò, xanh xao, nét mặt ngơ ngác thoảng một nỗi sợ hãi, mất mát chạy qua. Chai rượu bên cạnh, thi thoảng lại dốc ngược vào cái cổ họng, cục yết hầu giật giật. Chợt một người phụ nữ chạy đến hổn hển:

- Về thôi anh, em còn bao việc ở công ty, nay đi xa vậy, em tìm mãi.

Nguyên nhìn đăm đăm người phụ nữ mập mạp, rắn rỏi, mái tóc ốp sát vào khuôn mặt góc cạnh, đôi mắt sáng cương nghị. Cô mặc chiếc quần sooc cao. Nguyên sững lại, dưới đầu gối cô là một vết bớt nhỏ màu hồng như vẽ hình đóa hoa đại. Đã bao lần cô chạm tay vào vết bớt như vậy trên chân Tùng. Khi ấy giọng anh trầm ngâm trong nỗi nhớ về Lan - đứa em gái cũng mang vết bớt giống anh. Lần này, Tùng từ Sài Gòn vào Vũng Tàu, còn thêm mục đích đến thăm nhà em gái.

- Tùng, anh nhìn xem.

Nguyên giật giật cánh tay anh, chỉ vào bắp chân người phụ nữ trước mặt. Sửng sốt, Tùng ngẩng lên nhìn.

- Lan.

- Anh Tùng.

- Ai đây em?

- Anh không nhận ra chồng em à? Khánh bị như vậy một năm rồi, sợ anh lo, nên em đã giấu.

Khánh, chồng Lan khi ấy đã là chủ một công ty khai thác hải sản nhỏ với bảy đầu tàu đánh bắt xa bờ. Khánh có nghề đi biển từ nhỏ, quê anh ở Hải Phòng, thời đại học lại là sinh viên Trường Hàng hải. Thi thoảng anh theo thuyền công ty để thăm nắm trữ lượng đánh bắt và tìm mùi biển quê hương. Chưa chuyến nào tàu đánh được nhiều cá như thế. Những mẻ lưới trĩu nặng. Mắt cá tròn xoe hứng bình minh, anh ngắm say sưa những vừng trời tí hon, lòng chộn rộn như mỗi lần theo cha ra vụng ngầm đánh cá. Nhưng bất chợt anh thấy biển lặng tờ đầy khả nghi, trời vẫn xanh thẳm rười rượi, bất chợt chạy qua mũi anh một luồng gió tanh tao, nỗi bất an xộc vào tim anh. Khánh vội yêu cầu đoàn tàu thu lưới trở về. Nhưng không kịp nữa rồi. Mới đi được vài hải lý, biển trở mặt dữ dội, gió thốc buốt lộng óc, mưa quất như dao đâm bốn phía, thuyền chòng chành, nôn thốc tháo nước từ phía mỏ neo. Khánh hô anh em thả hết cá xuống nước, những đồ nặng cũng cho trôi ra biển, mọi người mặc hết áo phao, thủ thế chấp bão.

Khi bão tan, cũng là lúc gia sản của Khánh chui hết vào bụng biển. Quân của anh tan tác, mạnh ai nấy sống. Sóng cướp thuyền nhưng cũng rộng lòng không nỡ ăn thịt người. Sóng đưa họ dạt vào bờ. Khi người nhà ra biển ứng cứu, nhiều người trong số thủy thủ đoàn đã chết ngất đi, cánh tay xám ngắt vẫn ôm chặt phao nhỏ. Những thứ còn sót lại của thân tàu, kẻ những đường trơ trọi trên cát. Bảy con thuyền đồ sộ giương gió ra khơi hôm nào, ngày trở về chỉ còn là thứ rác rưởi của biển cả. Trong phút chốc, gia sản tiêu tán, Khánh ngơ ngác, trống rỗng và hoảng loạn. Những đêm trắng, gió lùa tứ phía và rượu đã khiến anh trong hình hài mà Tùng và Nguyên chứng kiến. Hầu như sáng nào, Lan cũng tìm chồng dọc bãi biển. Khánh thất thủ hoàn toàn. Anh phó mặc cho vợ thu xếp công việc và gia đình. Anh ôm chai rượu đi khắp bình minh tìm mình của ngày cũ. Lan là người bản lĩnh và có khiếu kinh doanh. Cô vực dậy gia đình, đi bên thất bát của chồng, còn Khánh mãi mộng du trong cơn thịnh nộ của biển.

Biển bao la như lòng mẹ, biển cũng chôn cất bao phận người. Biển sự sống, biển mất mát.

Thế là Tùng và Nguyên đến thăm nhà Lan sớm hơn dự định. Ngôi nhà dưới triền núi đá vòi vọi. Nó kiên cố và mát lành, thoang thoảng mùi hoa đại. Ngồi ở phòng khách, Tùng khựng lại trước tấm ảnh đen trắng lồng trang trọng vào khung gỗ nâu thẫm. Một thời hạnh phúc đủ đầy hiển hiện. Dáng cao lớn của bố trong bộ quân phục đứng cạnh vẻ phúc hiền của mẹ. Bố bế Tùng, mẹ ôm Lan. Chao ôi là thèm nhớ quá khứ. Nguyên thấy Tùng lặng đi, bàn tay với những ngón thon dài của cô xiết chặt lấy tay anh, những ngón tay đàn ông của Tùng run run. Bữa cơm ngồn ngộn hải sản hôm đó, hầu như không ai động đũa. Nguyên thì sợ béo nên không ăn nhiều. Tùng chỉ chăm chăm vào món muối vừng và rau muống luộc.

- Anh nhớ mùa này mẹ thường giã muối vừng, bố thì thích rau muống chấm mắm cáy, nước rau bỏ sấu.

- À, anh đợi em một lát nhé.

Lan chạy vào trong rồi quay ra ngay, trên tay cô là một con búp bê cũ kĩ nhưng có vẻ được chủ rất nâng niu. Bất giác, Tùng chụp lấy nó trên tay Lan, tay kia anh rót đầy chén rượu, dốc thẳng vào cổ. Mắt anh như nhòa đi. Anh nhìn thấy Lan lũn cũn theo mẹ còn mình thì đứng mãi dưới mái hiên nắng xé. Mấy mươi năm rồi, nỗi đau vẫn vẹn nguyên, kí ức bất chợt xé đôi Tùng. Một nửa nôn nao mùa hạ của khu tập thể bệnh viện ngày nào, nửa còn lại như đóng băng anh trong hiện tại. Phía bên kia mâm, Khánh nhìn mọi người, cười ngơ ngác. Bất chợt miệng Khánh méo đi, khuôn mặt anh xô lệch, bàn tay xương xẩu chỉ ra ngoài ô cửa:

- Bão kìa.

Cả bốn người lớn như bị đóng băng. Một cơn gió bỗng đi ngang qua, mang chút nồng nẫu vị biển. Thời gian thẳng đứng, rót đầy.

Năm cuối cùng đại học, Tùng vẫn chưa thôi dằn dỗi với kỉ luật hà khắc của bố. Bố vẫn rót tiền cho con trai như năm đầu tiên. Đói đầu gối phải bò, Tết năm ấy, Tùng cùng lũ bạn xoay xở tiền buôn mai. Chưa năm nào người Hà Nội sốt mai như thế. Chuyến hàng nào xuống tàu là hết chuyến ấy. Mải bán mai đến độ bỏ học triền miên, đến mức quên cả thời gian, khi bán hết chuyến mai cuối cùng, ngẩng lên, tờ lịch tối 30 đã hiển hiện. Bạn hùn vốn người Hà Nội, xoa tay trở về với mâm cơm đoàn viên, còn Tùng, không chuyến xe nào đợi anh nữa.

Bác xe ôm tận tình đưa anh ra ga tàu, chuyến tàu vét cuối cùng như là thương, vẫn chờ người hành khách cuối cùng mua tấm vé còn sót lại. Khi Tùng lên tàu, chiếc balo tồng tênh sau lưng và trên tay anh là một chậu mai trắng. Nhành xuân phương Nam trong veo, tinh khôi nhìn xứ Bắc ngơ ngác. Nhưng xuân ở đâu cũng vậy, không mùa và ban ân lành cho tất cả. Cả toa đổ dồn ánh mắt vào anh. Vừa hay, trên khoang tàu đang diễn ra chương trình phát sóng trực tiếp đón giao thừa trước thềm năm mới. Khi ống kính của phóng viên chĩa vào Tùng, cũng là lúc pháo nổ tung trời. Xuân đến còn Tùng vẫn tha hương trên chuyến tàu vét, dù hầu bao đã kha khá tiền với một cậu sinh viên nghèo và rộng bạn như anh. Sau này lũ bạn kể với anh rằng, tất cả đều khóc khi nhìn thấy Tùng trên tivi. Đến tận giờ, Tùng vẫn còn nguyên cảm giác ấy: hạnh phúc, chua chát, ngọt ngào, xót xa. Một thứ tâm trạng của hành khách cuối cùng trên chuyến tàu xuân, tha hương vào đúng khoảnh khắc mùa và nỗi niềm gia tài tuổi thơ chia hai không bao giờ ngủ yên trong anh. Xuân khởi sinh tất cả, cả hạnh phúc và đớn đau.

Lan trong mùa xuân ấy đã là sinh viên năm nhất, đón xuân giữa phố phường tấp nập của Sài Gòn hoa lệ. Giữa đường hoa Nguyễn Huệ, vô tình ngước lên màn hình công cộng, thấy Tùng. Lan ngồi thụp xuống, tay ôm chặt lấy cột đèn cao áp. Má cô dán vào cột, tai ù đi. Sài Gòn ồn ào mà cô chỉ thấy quanh mình bóng nắng chang chang hắt vào khuôn mặt người anh trai, đứng như bất động trước thềm nắng hiên nhà. Con búp bê tuổi thơ bỗng cựa quậy. Tim Lan nhoi nhói. Mùa xuân đặc biệt với nỗi khóc của hai anh em ở hai miền Tổ quốc, mãi mãi là một hành trang lịch sử trong vỉa trầm tích tâm hồn của Tùng.

Trở về hơi muộn, từ nhà Lan, suốt dọc đường Tùng im lặng. Nguyên cũng không nói. Cô thả mình trong làn gió khuya như sương thu rơi rơi xung quanh. Đường phố không quá ồn ào mà giữ nguyên không khí của một đô thị nhỏ. Hai bên làn đường, núi và cây thẫm vào đêm, xanh um tùm đến nỗi không một ánh cao áp nào có đủ sức xuyên qua. Giá trị của Vũng Tàu là vậy, nó cưỡng lại lòng tham và khát vọng thay đổi tàn bạo của con người. Bê tông chưa thể xâm thực thiên nhiên. Xe vào hầm. Cả hai bước vào thang máy, Nguyên khẽ níu tay Tùng, cánh tay anh, gió biển đọng lại mát lạnh. Tùng mở cửa, bật đèn, phòng khách rực rỡ khác lạ. Ban công cửa kính và rèm mở tung, biển ùa vào tận lan can vi vút, hơi nước như dịu đi tất cả những cơn cớ chạy qua tim cả hai. Tùng rót hai ly vang chát. Mới chỉ cạn ly đầu, Nguyên đã thấy bung biêng. Mặt cô bừng bừng, từng chân tóc tê tê, dấm dứt. Biển ngoài xa như chảy ngược vào hồn Nguyên. Gió rất gió, đi suốt triền đời cô, lành lạnh và miên viễn, bừng bừng những chân cảm, đủ đầy và xa xót. Nguyên thấy hình như là Tùng kề vai cho cô ngả vào. Gió không ngừng làm tóc cô rối tung. Nhưng chưa bao giờ Nguyên thấy bình yên như thế. Dù Nguyên hiểu đó là những khoảnh khắc ngắn ngủi. Cô không còn nghĩ gì nữa. Biển đã nồng nàn uống trọn Nguyên.

Sáng sớm, ra biển, trong mắt Tùng và Nguyên như là màu lấp lánh. Trên bãi cát sát mí nước, những người bán hàng đã bày sẵn sản vật địa phương vừa mới vớt lên từ đáy biển. Cá, tôm, nghêu, sò tươi roi rói còn nguyên vị biển. Tùng mua một túi cá nhỏ, treo vào tay xe. Khi xuống biển, nước đã đầy bắp chân, Tùng kéo Nguyên ra xa bờ. Cánh tay anh khỏa nước mạnh mẽ, Nguyên nhắm chặt mắt, cô rất sợ tắm. Tùng ở sau Nguyên, vòm ngực vạm vỡ của anh chạm vào lưng cô dìu dịu như cái cách anh chìa vai cho cô dựa vào trong cơn say vang chát đêm qua. Biển dập dềnh như một túi khí. Nguyên nhìn ra xa, chỉ thấy ngút mắt trời và biển hòa trong một đường biên. Bất tận và miên man như giọt bình minh mà cô đang uống trong nỗi thức dậy của biển sau một đêm hào hển.

Khi cả hai lên bờ, nắng đã ôm tỏa đầy sớm mai, bung một luồng óng ánh trên cát mịn màu lấp lánh. Chợt Nguyên nhìn theo cánh tay Tùng chỉ, đứa bé chừng 6 tuổi, lấy từ tay xe của họ túi cá. Tùng bấm Nguyên im lặng, họ đi theo thằng bé. Nó bước từng bước nhanh nhẹn trên cát, để lại những dấu chân nho nhỏ xâm xấp nước biển. Rồi ra sát mí nước, mở miệng túi, nó phóng sinh bọn cá Tùng đã mua lúc trước. Cả hai vừa kịp ra chỗ thằng bé. Thấy nó vuốt ve bọn cá, vỗ vỗ nước vào đuôi cá. Cá biển mặn mòi, nước mát như hà hơi, bọn cá ngáp ngáp, vây se sẽ khua nước. Rồi trong khoảnh khắc lưỡng lự, chúng hướng ra mặt biển mênh mông. Thằng bé đứng lặng nhìn ngắm đàn cá được sổ lồng, không hề biết sự có mặt của Tùng và Nguyên.

- Con làm gì thế?

Tùng lên tiếng. Đứa bé quay lại, ánh mắt nó tròn xoe, lấp lánh màu trời lộng gió:

- Con cho cá thở chú ạ.

Bất giác Nguyên nắm lấy cánh tay Tùng. Tùng sững người nhìn đứa bé. Nó chạy vụt về phía mặt trời chói lói. Cả Nguyên và Tùng nghe trong lồng ngực hơi thở phập phồng của biển.

Truyện ngắn của Nguyên Tô
.
.