Bàn tay khỉ

Thứ Năm, 09/06/2022, 10:39

Một hôm thằng Lâm đang ngồi ăn cơm chấm gan lợn trộn với bột thuốc màu xanh đậm, bỗng nhiên nó hét lên. Bàn tay con khỉ màu lông đỏ treo lủng lặng trước ngực bỗng nhiên co duỗi được như chưa bị chặt đứt lìa khỏi cánh tay. Những ngón tay bám vào cúc áo thằng bé không chịu buông ra. Mai sợ  quá, vội vàng tháo dây lôi bàn tay khỉ quẳng ra ngoài sàn nhà. Một cơn gió to ập đến cuốn bàn tay khỉ biến mất.

Con nhà người ta được sinh ra lớn nhanh như cây chuối mọc lên từ lớp mùn mục, cả năm không biết đến viên thuốc, ống kim tiêm. Chẳng bù cho thằng Lâm. Từ lúc sinh ra, số ngày thằng Lâm ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà. Thuốc Tây thuốc ta, thuốc Nam thuốc Bắc, bói toán kết hợp đủ rồi mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Mỗi lần có người mách ở bản kia có ông thầy giỏi là cô Mai mẹ Lâm địu con đến với thầy. Hình như mọi thứ bệnh tật đều đổ hết vào người thằng Lâm, chữa khỏi bệnh này bệnh khác đã tới. Ở bệnh viện mấy tháng ròng về nhà được tháng trời, những tưởng từ giờ nó không còn phải chịu những căn bệnh giày vò. Nhưng số nó khổ lại mắc bệnh cam.

Để cho thằng bé chắc chắn khỏi bệnh hoàn toàn thì ngoài việc dùng thuốc chế từ các loại lá rừng ra, cô Mai cần phải tìm được thứ này về đeo cho thằng bé. Đó là bàn tay con khỉ có bộ lông màu đỏ. Nó là con khỉ chuyên canh gác cho đàn khỉ xuống thung lũng trộm ngô, khoai, bí đỏ. Có được thứ này thì không cần phải dùng thuốc mà chỉ cần đeo vào người đủ bảy bảy bốn mươi chín ngày thì bệnh nặng mấy cũng sẽ tiêu tan. Thầy Pứn nhắc đi nhắc lại đến mấy lần. “Sao cứ phải con khỉ chuyên canh gác? Bàn tay của những con khỉ khác không có tác dụng làm thuốc ư? Khỉ chuyên canh gác thì hay ngồi trên mỏm núi cao nhất chỉ huy bầy đàn thì làm sao lấy được?”. Mai hỏi thầy. Nhưng thầy Pứn đã không nói gì thêm.

Mai trở về nhà lòng trĩu nặng. Đôi vai không gánh gì nhưng sao cô cảm thấy có một khối đá tảng nặng ngàn cân đè xuống? Càng nghĩ cô càng thấy bí. Con khỉ canh gác khó mà lấy được. Trong túi cô lại không có tiền. Tiền đã đổ vào thuốc cho con cả rồi. Sao cái số cô lại khổ thế này cơ chứ.

*

Mai nghe người ta nói bệnh cam chữa bằng lá thuốc nhanh khỏi hơn dùng thuốc Tây. Cô đã đến nhiều thầy bốc thuốc. Nhưng bệnh của nó chẳng hợp với thầy thuốc nào cả. Có người nói đến thầy Nơm ở mãi làng Sộc Hóa biên giới xa xôi. Cô lại hăm hở lên đường, tin lần này nhất định bệnh cam của thằng Lâm sẽ được thầy chữa khỏi. Nhưng vừa bước chân vào đến đầu làng, hỏi thăm nhà thầy Nơm thì mới biết thầy vừa mất được ít hôm.

Cô trở về lòng nặng trĩu, đôi chân như đeo đá tảng. Thằng Lâm không thể mù lòa đôi mắt được. Mai tự trấn an lòng mình. Nhất định sẽ tìm được thầy giỏi, hợp thuốc. Cả đời vợ chồng Mai không làm chuyện ác hại người bao giờ. Đến con trâu con bò kéo cày không nghe lời chủ cũng không dám đánh đòn, nhờ người làng về đào hố chôn cột xỏ mũi nó phải tội. Đường xa chân bước, không bước nhanh về nhà sẽ tối, thằng Lâm đang mong mẹ về. Trên con đường mòn đi qua đồi qua lũng, Mai chỉ muốn có được người bạn đồng hành cho vững cái tâm. Mai chỉ muốn gặp người quen để chào nhau một câu. Và cái chính là để hỏi thăm về thầy thuốc hay có thể chữa được bệnh cam cho con.

Trước khi qua đời thầy Nơm đã truyền lại bài thuốc cho thằng Tú, con trai út. Nó là người chỉ có một đường hoa tay đi ngang bàn tay. Ông trời thương tình đã cho người kế nghiệp bốc thuốc của bố. Tú có tính cẩn thận. Làm người thầy thuốc mà không có tâm có đức, cẩn thận có thể sẽ gây ra những hệ lụy khó lường. Người bạn ở làng Chộc Vóa đã nói như thế khi Mai hỏi đường đến nhà thầy. Thằng Tú có thể bốc thuốc trị bệnh cam cứu người. Nhưng trên đầu nó vẫn còn đội khăn tang trắng. Phải đợi đúng một trăm ngày sau khi làm lễ nhuộm khăn tang màu chàm nó mới có thể bốc thuốc được. Tang cha chưa đủ trăm ngày không bốc thuốc được đâu.

Bàn tay khỉ -0
Minh họa: Đặng Tiến

Ôi, một trăm ngày ư? Mười ngày Mai còn cảm thấy dài vô tận. Con Mai không thể đợi đến hơn ba tháng trời mới có thể trị bệnh. Lâm sẽ không đợi được, dù nó còn sống thì đôi mắt cũng sẽ bị mù lòa. Phải đi tìm thầy thuốc khác thôi. Mai tin còn nhiều thầy thuốc giỏi chữa được bệnh cam cho con. Mai vừa đi vừa nghĩ chân vấp phải hòn đá làm bật móng chân cái. Băng tạm ngón chân lại Mai vội bước tiếp.

Xa xa nơi chân rừng vẳng tiếng mõ ting tong, lốc cốc của đàn trâu bò bản Pác Rằng đang kéo nhau về chuồng. Vượt qua bản này đi thêm hai quả đồi nữa Mai sẽ về đến nhà. Đàn bò đang đi về phía Mai mỗi lúc một gần. Mai đứng sau tảng đá ven đường chờ cho đàn bò đi qua rồi mới đi tiếp. Một người đàn bà trạc bảy mươi tuổi vác một bó củi trên đôi vai còng theo sau đàn bò. Nghe có người chào hỏi, bà dừng lại nghiêng đầu nhìn Mai. Nhận ra bá Sánh, Mai chợt reo lên. Bá Sánh vẫn còn khỏe, hằng ngày vẫn theo được đàn bò vào đồi cỏ lau, lại còn được cả bó củi đem về nữa.

Bá Sánh biết Mai đi tìm thầy thuốc chữa bệnh cam cho con, đã mách bảo cô tìm đến thầy Pứn ở bản Lang Lài xem sao. Bá nghe nói thầy này đã chữa được rất nhiều người khỏi bệnh cam rồi. Ở bản Pác Rằng này cũng đã có bốn năm đứa trẻ nhờ thuốc thầy Pứn mà khỏi bệnh đấy. Được người mách bảo đường đi nước bước Mai đã cảm thấy vui mừng lắm rồi. Bây giờ Mai đâu còn biết trông chờ vào phép màu từ trên trời rơi xuống nhà làm cho thằng Lâm tự hết bệnh. Ngày mai Mai sẽ đến gặp thầy Pứn. Cô mong thầy Pứn sẽ có bài thuốc hợp với bệnh cam con cô mắc phải.

Thầy Pứn nghe Mai kể về bệnh tình của thằng Lâm thì tỏ ra đăm chiêu. Người gầy như tua pat mắt vàng là bệnh nặng lắm rồi. Thuốc do tay thầy bốc hợp với người này không hợp với người khác. Pứn đã chữa cho bao nhiêu người khỏi bệnh cam, nhưng thầy cũng bó tay với không ít trường hợp. Pứn ngẫm nghĩ trong lòng, cứ cho thuốc từ các loại lá cây rừng được thầy chế thành bột hợp với bệnh cam của con Mai thì chưa chắc có thể trị dứt điểm cho nó. Không thể để mất uy tín trong mắt mọi người được. Pứn bốc năm thang thuốc cho Mai bảo về nhà hòa vào thức ăn, nước uống của con.

Mai làm theo lời thầy dặn. Sáng sớm tinh mơ đã có mặt ở chợ để mua gan lợn tươi đem về xào nấu, trộn với thuốc cho con ăn. Mọi lần chỉ ngửi thấy gan lợn trộn với thuốc lá cây rừng là nó kêu ngấy không ăn được. Nhưng lần này ngửi thấy bát thức ăn trước mặt nó liền khen thơm lắm. Con thấy ngon thì gắp ăn nhiều vào cho nhanh khỏi bệnh. Lâm vừa xúc cơm vừa gắp những miếng gan đưa vào miệng ăn ngon lành. Chỉ trong chốc lát bát gan lợn chỉ còn lại mấy miếng. Mai mừng thầm trong lòng “lần này tìm đúng thầy đúng thuốc rồi, hy vọng là nó sẽ mau chóng khỏi bệnh”. Nhưng thằng Lâm ăn được một lúc thì kêu đau ở hai con mắt. Đôi mắt của nó đau nhức như muốn nổ tung. Phải làm sao bây giờ? Lòng Mai rối như cuộn chỉ rối. Phải quay lại nhà thầy Pứn hỏi thôi.

Trái ngược với sự lo lắng của Mai, thầy Pứn lại tỏ ra bình thản. Thằng bé ăn thuốc vào người có phản ứng như thế là rất tốt. Có phải khi cô đến đây bốc thuốc mà trước đó vẫn còn sử dụng thang thuốc của thầy khác bốc cho đúng không? Là do hai loại thuốc tác dụng lên nhau thôi cô không cần phải lo lắng đâu. Còn về chuyện thằng bé sau khi dùng hết năm gói thuốc có khỏi được hoàn toàn bệnh cam hay không bây giờ chưa thể khẳng định được. Cam gầy, cam tay chân thì không lo, nhưng cam vào mắt là chữa hơi khó khăn cô Mai ạ. Thằng bé dùng thuốc của ta kết hợp với thứ này nhất định sẽ hoàn toàn khỏi bệnh. Nó không những khỏi bệnh cam mà các bệnh khác cũng sẽ tránh xa thằng bé.

*

Thầy Pứn có một đám rẫy được bao bọc bởi những ngọn núi. Muốn vào đám rẫy đất đỏ phải leo lên những tảng đá nhỏ sắc như răng mèo. Không một ai trong làng bước chân vào đám rẫy đó ngoài thầy Pứn. Thầy đi vào đó làm gì không ai biết. Có đám khỉ vàng là ghé thăm đám rẫy của Pứn. Pứn muốn diệt hết lũ khỉ đáng ghét đó nhưng chưa biết phải làm sao.

Thêm một mùa rẫy Pứn lại trở về tay trắng. Những cây nàng tiên ra hoa đủ sắc đã bị lũ khỉ vặt gần hết. Không lẽ chúng nó ăn hoa sao? Lũ khỉ đáng ghét, nếu không phải chúng nó thì còn ai vào nơi này? Pứn trồng cây này để làm thuốc chữa bệnh. Mấy mùa trót lọt, Pứn đã thu về không ít tiền. Trong làng không ai nghi ngờ Pứn, mỗi lần lão đi lên núi lúc trở về đem theo tầm gửi nghiến, phăng phja, và cả cây nghìn tim. Nhưng từ khi có đàn khỉ từ đâu tới sinh sống ở vùng núi này thì Pứn đã thất thu, ngay cả những quả khô để làm giống cũng bị chúng vặt ăn hết hạt. Những quả bí đỏ cũng bị khỉ chén sạch.

Từ khi ăn hạt những cái quả khô, màu lông của những con khỉ thay đổi hẳn. Nhiều ngày theo dõi, Pứn thấy có một con khỉ màu lông đỏ. Nó là con chuyên ngồi trên mỏm đá cao nhất để quan sát bốn hướng. Nó lấy tiếng hú, ngôn ngữ đặc trưng riêng của loài khỉ để ra hiệu cho đồng bọn về mức độ an toàn hay nguy hiểm có thể đến với chúng. Mỗi khi lũ khỉ đem được của lên núi, nó được chia phần nhiều nhất. Phải chăng ăn nhiều quả khô nên màu lông nó chuyển sang màu đỏ như máu? “Tao sẽ tiêu diệt lũ chúng mày. Mất con khỉ canh gác cả đàn sẽ tan”. Pứn nghĩ thầm.

Thầy Pứn nói với Mai tốt nhất nên lấy được bàn tay con khỉ có bộ lông màu đỏ trong mùa xuân. Mùa xuân bao lá non chúm chím nở, mùa xuân bao nhiêu loài hoa khoe sắc, lũ khỉ đó ăn những thứ tươi ngon sẽ có tác dụng thuốc tốt nhất. Khởi đầu tốt sẽ có hậu vận tốt.

Đêm xuống, Pứn nhanh chóng chìm vào giấc mơ. Pứn mơ thấy con khỉ toàn thân đỏ rực như máu xông vào cào cấu xé mình. Nó biết nói tiếng người. Nó nói nó là linh hồn thằng Mộc kết thành. Người đã ngã xuống núi chết trong lần cùng Pứn đi lên núi kiếm tầm gửi quý về làm thuốc. Pứn bị đá sắc làm bầm dập tay chân mất nhiều máu. Miệng Mộc khát khô đòi uống miếng nước. Pứn biết cho bạn uống nước thì bạn sẽ mất mạng ngay. Lúc này chỉ cho bạn uống ngụm nước tiểu thì mới có cơ may giữ được mạng sống. Nhưng Pứn nghe người già nói, nếu cho người khác uống nước tiểu của mình khi người khỏi thì mình sẽ trở nên gầy ốm. Pứn đã đắn đo không cho Mộc nước thánh của mình… Mộc phải trả thù. Bây giờ Mộc biến thành khỉ đến quấy phá việc làm ăn của Pứn. Sau khi ăn hết những cái hạt của cây nàng tiên nâu, chú khỉ màu lông đỏ đã chạy nhanh xuống chân núi vứt những cái vỏ quả ở trên tảng đá.

Pứn giật mình tỉnh lại, vội lấy đèn soi chân tay của mình có bị xây xước chỗ nào hay không? Nghĩ nhiều, mơ nhiều. Mộc đã chết mấy chục năm rồi, xương cốt mục nát cả rồi làm sao có thể biến thành con khỉ được. Đó chỉ là giấc mơ mà thôi. Pứn tự động viên mình nhưng vẫn luôn nghĩ về nó. Nó giống như một cái ung nhọt trong người cần phải chữa khỏi bằng những phương thuốc tốt.

*

Để có được bàn tay khỉ có màu lông đỏ rực, Mai đã tốn không ít tiền cho mấy thằng thợ săn bất đắc dĩ. Thằng Quỳnh, thằng Tẩu là những thợ săn một mùa. Thuê những thằng nghiện ma túy Mai thật sự không yên tâm. Nhưng bây giờ chẳng ai có súng săn. Những phường săn nổi tiếng cũng đã giải tán từ khi nhà nước kêu gọi người dân tự nguyện nộp lại súng rồi. Nhiều thợ săn nổi tiếng một thời đã chết vì già yếu. Bây giờ không nhờ mấy thằng nghiện Mai còn biết nhờ ai?

Tìm bẫy động vật hoang dã vi phạm pháp luật, mấy thằng nghiện biết điều đó. Nhưng để có tiền chúng đành liều. Mỗi ngày trôi qua Mai lại mất tiền, lại thêm sốt ruột. Thằng Lâm ăn, uống thuốc của thầy Pứn vào cơ thể khỏe hơn trước nhiều, nhưng đôi mắt của nó chưa có chuyển biến gì đáng kể. Mắt vẫn đỏ rực và có phần khó mở hơn trước nữa. Có lẽ chỉ có đeo bàn tay khỉ vào mới làm đôi mắt của nó sáng trở lại. Thế này thì không được đâu. Thuê bọn chúng theo ngày có mà ném tiền xuống sông hả Mai? Già làng Triệu Quốc Tịch nói với Mai. Cô phải giao khoán cho nó một bàn tay khỉ bao nhiêu tiền. Khi nào kiếm được bàn tay khỉ sẽ giao tiền một cục, một lần như thế mới được. Đành vậy. Năm triệu thì năm triệu. Mạng sống và đôi mắt của con Mai không thể lấy tiền ra so đo tính toán được.

Đặt bàn tay bảy ngón của con khỉ chuyên làm nhiệm vụ canh gác trước mặt Mai, bọn thằng Quỳnh đòi Mai đưa thêm một triệu chúng mới chịu. Quỳnh và Mai đã giao kèo từ trước. Nhưng để có được bàn tay của con khỉ có màu lông đỏ rực ngồi ở mỏm núi cao nhất ra hiệu cho đàn khỉ lông vàng xuống bẻ ngô, bí đỏ bọn thằng Quỳnh thiếu chút nữa đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Lấy bàn tay của những chú khỉ con, khỉ vàng chuyên xuống bẻ ngô thì không khó. Nhưng bàn tay con khỉ trinh sát thì đâu dễ. Nó luôn ở trên cao thấy động là hú cho cả đàn chạy lên núi cao. Phải tìm cách bẫy được mấy con khỉ vàng để bầy khỉ xua đuổi con khỉ lông đỏ rực do không canh gác cẩn thận để đồng bọn rơi vào bẫy con người. Lúc đó ta sẽ lên núi lùa nó đi vào cái bẫy giăng sẵn trên lối đi. Chỉ có như thế mới có thể bắt sống được nó thôi. Thằng Tẩu bày cách cho cả bọn.

Nhiệm vụ khó khăn. Trên núi toàn gai móc câu, đá nhọn, không đường, không lối đi, ẩn họa ở chẳng ai có thể đoán trước được. Đàn khỉ lại di chuyển liên tục, hôm nay ở núi này ngày mai đã sang núi khác, không ở một chỗ nào ổn định. Khó khăn thế này hay bọn mình bỏ cuộc cho xong. Có người thấy khó ăn đã bàn lui. Bỏ cuộc thì chúng ta làm gì bây giờ? Thóc ngô của nhà thì ngày nào cũng khuân vác thì bao nhiêu cho đủ? Chúng ta giờ mang cả một thân bệnh như vậy, người trong bản xa làng gần nhìn ghét như con chó điên. Rồi thì sao nào, hằng ngày vẫn phải ăn mà, hít bắt buộc. Chúng ta không thể thành lập nhóm để đi cướp ngân hàng được. Cả bọn muốn có tiền tiêu xài. Đúng thế. Không làm vụ này không lẽ chúng ta lại đi trộm cắp vặt?

Những lần trước bị đem ra ngoài nhà sinh hoạt cộng đồng lập biên bản, bị đánh đòn còn chưa đủ nhục nhã hay sao hả? Mấy thằng mày không xem ti vi à, ở dưới xuôi thằng trộm chó bị đánh hội đồng đến chết đấy. Cả tao và mấy thằng mày nữa chưa ai muốn chết có phải không? Chúng ta quyết tâm có thể sẽ tìm lại được cuộc sống của một con người đúng nghĩa. Không bàn nhiều nữa chúng ta bắt tay vào công việc thôi -  Quỳnh ra vẻ một người đàn anh. Mấy thằng nghe Quỳnh giảng giải thì tỏ ra ngao ngán “Chỉ có chết mới có thể giải thoát được cuộc sống đầy tủi nhục này thôi”, thằng Thuật, tên lầm lì nhất nhóm tỏ ra vẻ bi quan khi nghĩ về những tháng ngày sau đó.

Nửa tháng kiên trì phục kích, xua đuổi đàn khỉ qua những ngọn núi đá nhọn, cho đến hôm rằm giữa mùa xuân, bọn thằng Quỳnh đã bắt được con khỉ có màu lông đỏ rực. Thằng Tẩu thế mà giỏi. Nếu con khỉ này không bị cả đàn xua đuổi có lẽ còn lâu chúng ta mới bắt được nó. Chúng ta hãy đem khỉ đến cho cô Mai lấy tiền đi. Cứ thế mà đem đi à? Chúng ta chỉ giao kèo đưa cho cô Mai một bàn tay con khỉ thôi mà sao đem cả con đi. Thế phải giết chết con khỉ rồi mới chặt lấy bàn tay được chứ, cứ thế mà chặt tay của nó thì thương lắm.

Bọn thằng Quỳnh đang bàn xem làm thế nào để lấy bàn tay khỉ thì thằng Tẩu không nói không rằng cầm dao làm một động tác dứt khoát làm cho mấy người bạn sợ dựng tóc gáy. Tiếng rú của con khỉ bị cả đàn bỏ rơi vọng vào núi làm lá cây xao động, chim chóc bay loạn xạ. Máu từ cẳng tay bị đứt không ngừng tuôn ra. Nhìn chú khỉ giãy giụa đau đớn làm Quỳnh cảm thấy xót thương. Thấy bảo con người tiến hóa từ loài khỉ mà thành. Giá mà con người cũng bị chặt đứt cánh tay thế này làm sao có thể sống nổi. Chúng ta hãy cho nó chết đi chứ hành hạ nó thế này tội lắm.

Thằng Danh nói với anh Quỳnh. Phải đấy, ta làm nó chết, cánh tay còn lại tìm người có con bị bệnh cam bán cho họ kiếm thêm tiền. Thịt khỉ chúng ta chia đều. Xương để nấu cao. Nghe nói ăn thịt khỉ lông đỏ có thể chữa được bệnh ung thư. Nhất là chữa được bệnh yếu sinh lý của đàn ông chúng ta nữa. Cao khỉ lông đỏ độc bán cũng được khối tiền. Thôi đi nào. Ai bảo ăn thịt khỉ lông đỏ chữa được bệnh ung thư, chữa được chứng yếu sinh lý của đàn ông? Đúng là chỉ biết nói tầm bậy. Cứ đem xác con khỉ về nhà, đem bàn tay khỉ đến cho cô Mai lấy tiền cái đã. Vẫn là anh Quỳnh là người có kiến thức ra vẻ ta là người hiểu biết nhất nhóm.

*

Một hôm thằng Lâm đang ngồi ăn cơm chấm gan lợn trộn với bột thuốc màu xanh đậm, bỗng nhiên nó hét lên. Bàn tay con khỉ màu lông đỏ treo lủng lặng trước ngực bỗng nhiên co duỗi được như chưa bị chặt đứt lìa khỏi cánh tay. Những ngón tay bám vào cúc áo thằng bé không chịu buông ra. Mai sợ  quá, vội vàng tháo dây lôi bàn tay khỉ quẳng ra ngoài sàn nhà. Một cơn gió to ập đến cuốn bàn tay khỉ biến mất.

Phiên chợ sau Mai đi chợ nghe nhiều người nói thầy Pứn đã chết trên ngọn Phja Đeng sừng sững. Thầy đang trên đường đi vào đám rẫy trong thung lũng núi. Khi thay quần áo để khâm liệm người nhà thấy trong túi áo Pứn có cái gì đó vo tròn. Con thầy mở cúc túi áo lấy ra một cái túi nilon màu đỏ. Trong túi nilon đó chứa hai gói hạt đựng trong hai cái túi nilon nhỏ hơn, một túi là giống hạt bí đỏ, còn túi kia là hạt giống cây anh túc. Pứn lấy hạt giống ở đâu ra chẳng ai biết được. Lẽ nào Pứn vào trong thung lũng là để gieo trồng cái cây hại người này sao? Tham lam mà hại đến thân mình bố ơi. Thằng con Pứn khóc gọi bố.

Mai còn nghe người bản Lang Lài nói, bọn thằng Quỳnh, thằng Tẩu, thằng Danh, thằng Toang hồ hởi làm lông, xẻ thịt khỉ, nấu ăn nhắm với rượu trắng. Đang ăn uống vui vẻ bỗng sùi bọt mép mắt trợn ngược lăn đùng ra giữa mâm. Khi đem đến bệnh viện bác sỹ sau khi thăm khám chẩn đoán mấy người chết do bị ngộ độc rượu.

Pứn chết rồi, Mai không biết lấy thuốc ở đâu để tiếp tục chữa bệnh cam cho con mình. Cầm ba nén hương đang rực cháy ra ngã ba đường cắm xuống đất Mai vái lạy thần linh cho thằng Lâm được sống, cho đôi mắt nó nhìn thấy ánh mặt trời. Mai khấn xong đốt sấp tiền giấy. Tàn tro giấy và khói hương bay về hướng mặt trời lên mỗi buổi sớm mai. Hướng đông đường về nhà thầy Nơm. Mai nhẩm tính bằng việc đếm đốt ngón tay, sắp đến một trăm ngày thầy Nơm qua đời. Ngày mai Mai đi chợ Phiên, trên đường về nhà sẽ qua nhà Tú thắp cho thầy nén hương.

Truyện ngắn của Nông Quốc Lập
.
.