Bản án của địa ngục
Bệnh viện Ánh Dương những ngày cuối thu trở nên âm u hơn thường lệ. Không phải vì trời đất chuyển mùa, mà bởi không khí nặng nề bao trùm các dãy nhà xám lạnh - nơi tập trung hàng trăm bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Từng tiếng rên khe khẽ vang lên trong đêm khuya vắng khiến cả y, bác sĩ lâu năm cũng phải rợn người. Người ta bảo, ở nơi đây, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ là một cái chớp mắt.
Phòng bệnh số 405 trở nên lạnh lẽo sau 3 ngày kể từ khi ông Vũ Văn Thành, 63 tuổi, nguyên là cán bộ kỹ thuật về hưu, sống hiền lành, giản dị, chưa từng làm hại ai - trút hơi thở cuối cùng vì căn bệnh ung thư gan ác tính, phát hiện muộn. Ông ra đi trong lặng lẽ, không lời trăng trối, không người thân bên cạnh. Thi thể đã được đưa đi hỏa táng, nhưng linh hồn ông vẫn vất vưởng giữa tầng 4, như thể còn điều gì đó chưa thể buông bỏ.
Đêm đó, một bác sĩ trực ca kể lại rằng có người thấy bóng trắng thấp thoáng trên hành lang, có lúc nghe tiếng khóc rấm rứt phát ra từ nhà vệ sinh cuối dãy. Một y tá trẻ run rẩy kể: “Tôi thấy đúng là ông Thành. Mắt ông ấy đỏ ngầu, da mặt sạm đen, đứng nhìn vào phòng bệnh cũ của mình, rồi lặng lẽ biến mất”. Nhưng, điều không ai ngờ tới, là 3 ngày sau đám tang, một số bệnh nhân cùng phòng 405 lại đồng loạt kể về một bóng người xuất hiện mỗi đêm: dáng gầy gò, mắt trũng sâu, miệng không nói nhưng gương mặt chất chứa oán hận.

“Là ông Thành... Tôi thấy rõ mà!” - Một bệnh nhân thì thào.
Bác sĩ trực ban lúc đầu nghĩ bệnh nhân mắc chứng ảo giác, nhưng chính họ cũng bắt đầu thấy bóng người ấy lướt qua hành lang khu nhà D vào lúc 3 giờ sáng. Bầu không khí trở nên lạnh lẽo khác thường. Một y tá trẻ đêm nào cũng mếu máo trong mơ, miệng nói: “Ông ấy không siêu thoát... Ông ấy vẫn ở lại chốn này...”. Không ai hay biết rằng linh hồn của ông Vũ Văn Thành đang lang thang giữa hai cõi. Ông không muốn đầu thai. Ông còn nỗi uất ức chưa thể nói thành lời.
Trong căn phòng âm u nào đó giữa cõi trung giới, ông ngồi thẫn thờ, ánh mắt như xuyên qua hư không. Một thực thể lạ xuất hiện - nói với ông bằng giọng khàn đục:
- Nếu ông còn oán hận, hãy bước vào “Cửa Gương Nghiệp Báo”. Ở đó, ông sẽ biết ai đã khiến mình ra nông nỗi này.
Không đắn đo, ông bước vào cánh cửa màu đen như mực. Trước mắt ông là một màn chiếu phẳng, nơi mọi ký ức, mọi sự kiện xảy ra trong cuộc đời ông được tái hiện không sót một chi tiết nào. Và rồi, mọi thứ diễn ra trong mắt ông... Từng bữa ăn mà vợ mua từ chợ đầu mối: rau cải xanh mướt được phun thuốc tăng trưởng chỉ vài giờ trước khi bán; thịt heo được tẩy trắng từ loại ôi thiu, nhập về từ xưởng chế biến của một tập đoàn thực phẩm lớn. Những gói xúc xích, đồ ăn nhanh mà ông và đứa cháu nội thường ăn mỗi sáng - chứa đầy phụ gia và chất bảo quản nằm trong danh mục cấm. Tất cả, từng thứ nhỏ nhoi tưởng chừng vô hại ấy, lặng lẽ gặm nhấm gan ông suốt nhiều năm ròng.
“Không ai cảnh báo. Không ai kiểm soát. Kể cả cơ quan quản lý an toàn thực phẩm. Tại sao?” - Ông gào lên trong vô vọng.
Gương nghiệp báo tiếp tục soi chiếu. Hình ảnh một người nông dân - bà Tám - đang rải thuốc trừ sâu đậm đặc lên ruộng rau muống. “Không phun thì sâu ăn hết, không bán được thì chết đói à?” - Bà cằn nhằn. Gần đó là kho hàng của ông Trần Khôi - giám đốc nhà máy thịt đông lạnh - nơi công nhân đang rửa nội tạng hỏng bằng hóa chất tẩy trắng trước khi đóng gói gửi đi các cửa hàng tiện lợi khắp thành phố.
Và rồi... là cảnh một bác sĩ đeo kính trắng đang vội vã khám cho ông Thành, chỉ trong chưa đầy 3 phút, vạch ra một phác đồ điều trị sai lệch, kê đơn hóa trị liều cao bất chấp sức khỏe yếu ớt của ông. Trong khi đó, phía sau, tiếng gõ cửa nhẹ: “Dạ, em gửi anh phong bì chè nước...”. Linh hồn ông Thành run rẩy. Không phải ông chết vì số trời đã định, mà vì sự vô cảm, tham lam và tắc trách của những kẻ từng mang danh lương y như từ mẫu.
Từ ngày trở thành một hồn ma, ông Thành không còn cảm nhận được thời gian. Ngày hay đêm, mưa hay nắng, tất cả đều là một dải màu đen xám xịt. Nhưng, có một điều khiến ông không đơn độc: ông không phải người duy nhất mang nỗi oán hận quay về Bệnh viện Ánh Dương. Trên tầng 5 - khu phẫu thuật, ông gặp một cô gái mặc chiếc áo choàng bệnh nhân, tóc dài xõa rối, đôi mắt mở trừng trừng như phơi bày nỗi uất hận. Cô lặng lẽ ngồi trước phòng 506, tay giữ chặt bên ngực trái như sợ ai đó chạm vào.
- Cháu tên gì? - Ông Thành hỏi.
Cô gái quay lại, giọng lạnh lẽo:
- Thảo Lan. 35 tuổi. Cháu chết cách đây 2 tháng.
Giọng cô chùng xuống, pha lẫn oán trách và đau đớn:
- Cháu bị ung thư vú giai đoạn 3. Ban đầu có thể điều trị bằng hóa trị và xạ trị kết hợp, không cần cắt bỏ. Nhưng, bác sĩ nói: “Nên phẫu thuật, để chắc ăn”. Cháu sợ xấu, sợ mất một phần cơ thể, họ bảo: “Sẽ giữ được thẩm mỹ”. Cô em cháu đã đưa cả phong bì để họ quan tâm kỹ hơn. Nhưng... ca mổ thất bại. Họ cắt bỏ toàn bộ tuyến vú trái vì... “phát hiện tổn thương sâu bất thường trong lúc mổ”. Một tháng sau, cháu bị nhiễm trùng máu, rồi tử vong trong uất nghẹn.
Cô cười lạnh:
- Họ còn ghi nguyên nhân cháu bị nhiễm trùng máu là do sức đề kháng yếu.
Ông Thành lặng người. Một mạng sống bị xé nát không phải bởi số phận, mà bởi “căn bệnh tắc trách làm cho xong chuyện”, “giữ thành tích”, bởi những chiếc phong bì trượt tay vào túi blouse trắng.
Hai linh hồn đứng bên nhau, giữa hành lang Bệnh viện Ánh Dương tối mù, chứng kiến từng dòng người đến rồi đi. Những bệnh nhân vừa biết mình ung thư, ánh mắt thất thần. Những người nhà mệt mỏi vì tiền bạc cạn kiệt. Và, phía sau là dãy xe tải lặng lẽ chở thịt, cá, rau củ - những thực phẩm nhiễm hóa chất - trút xuống căng tin bệnh viện mỗi sáng sớm. Ông Thành và Thảo Lan bắt đầu những chuyến “vi hành” kỳ lạ ban đêm. Họ bay qua mái nhà tôn, lướt qua các khu chợ, nhà máy, ruộng đồng... và nhìn thấy tất cả.
Một chủ lò mổ tiêm nước pha thuốc an thần vào heo cho “tươi lâu” trước khi mổ.
Một công ty bánh kẹo trộn bột mốc với hương liệu tổng hợp để tận dụng hàng tồn...
Một vị lãnh đạo ngành y, khi được phỏng vấn về thực phẩm bẩn, chỉ cười nhạt: “Chúng tôi vẫn đang kiểm soát tốt”.
Mỗi cảnh tượng là một nhát dao đâm vào trái tim linh hồn ông Thành.
Mỗi lời biện minh là một bàn tay đẩy thêm người vào cửa tử.
Và, ông bắt đầu phán xét.
- Ai cho họ quyền tước đoạt sinh mạng người khác?
- Ai cho họ cái cớ để biến đồng loại thành nạn nhân vì lòng tham?
Ông Thành không còn là linh hồn bình thường. Cơn oán hận của ông, kết hợp với niềm uất ức từ hàng trăm vong hồn khác từng chết oan trong bệnh viện, đã biến thành một nguồn năng lượng u ám tích tụ quanh nơi này. Mỗi đêm, tầng 4 lại vang lên những tiếng rên xiết, những hình bóng bất định chập chờn trên cửa kính, trên mái nhà như lời cảnh tỉnh từ địa ngục.
Một đêm cuối tháng, Bệnh viện Ánh Dương xảy ra sự cố toàn bộ hệ thống điện tầng 4 bỗng dưng tắt ngóm. Máy phát dự phòng cũng đột nhiên hỏng không khởi động được. Cả dãy hành lang chìm trong bóng tối đặc quánh, chỉ có tiếng gió rít lên như tiếng người rên rỉ. Các bác sĩ trực đêm nghe rõ từng bước chân ai đó lê qua nền gạch lạnh, kéo theo những tiếng khóc ai oán vang lên giữa không gian... Một y tá nữ hoảng loạn chạy xuống phòng bảo vệ:
- Trên đó... có ma... Tôi thấy bóng một người đàn ông mặc áo bệnh nhân đi lại...
Bóng ma đó là ông Thành hiện về - không còn gầy gò như lúc nằm trong viện, mà mang một diện mạo lạnh lùng, ánh mắt sáng quắc, tay cầm bản cáo trạng viết bằng máu. Phía sau ông, hàng chục linh hồn hiện hình: bà cụ chết sau ca phẫu thuật ẩu; một đứa bé 7 tuổi tử vong sau lần truyền dịch nhiễm khuẩn; một thanh niên mất mạng vì bác sĩ chẩn đoán nhầm từ viêm dạ dày thành ung thư, hóa trị khiến suy gan hoàn toàn...
Tất cả đều giữ im lặng.
Sáng hôm sau, một bác sĩ nổi tiếng của bệnh viện - người từng trực tiếp phẫu thuật cho Thảo Lan - đột quỵ trong phòng làm việc. Miệng ông vẫn còn nhắc mơ hồ: “Tôi... đã... làm đúng... phác đồ...”. Vị trưởng khoa ung bướu - người từng trả lời báo chí rằng “ung thư là số phận” - bị phát hiện mất tích.
Tin đồn về “hồn ma tầng 4” lan khắp bệnh viện. Có người lặng lẽ xin chuyển công tác. Có bác sĩ lục lại hồ sơ bệnh án cũ, khóc vật vã trong đêm khi thấy tên những người từng cầu cứu ông ta nhưng bị từ chối vì “hết giường”, “không đúng tuyến” hoặc đơn giản vì... “không có phong bì”. Trong một căn phòng tối nhỏ, ông Thành ngồi đối diện trước chiếc gương vỡ. Ông đọc cáo trạng từng người bằng giọng trầm lặng:
- Nguyễn Văn T., chủ cơ sở thịt đông lạnh, sử dụng chất bảo quản độc hại vượt 200 lần cho phép.
- Trần Thị D., nông dân, sử dụng hóa chất tăng trưởng kích nở rau củ chỉ sau một đêm.
- Lê Q.M., bác sĩ, thay đổi phác đồ điều trị bệnh nhân theo gói bảo hiểm để tối ưu hóa chỉ tiêu.
- Phạm.T.H., quan chức y tế địa phương, làm ngơ trước báo cáo kiểm nghiệm sai phạm vì “quen biết”.
Phía sau ông là Thảo Lan, lặng lẽ ghi lại từng dòng bằng máu, thấm lên những tấm phim X-quang cũ. Mỗi tấm phim là một nạn nhân. Mỗi vết máu là một lời kêu cứu.
Ông Thành nói, giọng khàn đặc:
- Đây không còn là sự oán giận của riêng tôi. Đây là bản án của địa ngục. Bản án dành cho những ai gieo độc từ cái nhìn thờ ơ, từ đồng tiền bẩn thỉu, từ việc coi sinh mạng con người như cỏ rác.
Đêm đó, cả Bệnh viện Ánh Dương lại bị mất điện toàn phần.
Giữa hành lang hun hút, một giọng nói vang vọng chua chát:
- Hỡi con người, đừng gieo điều ác dù là nhỏ nhất. Bản án địa ngục luôn chờ đợi những kẻ vô lương tâm, coi đồng tiền là trên hết .
Sáng hôm sau, Bệnh viện Ánh Dương mở cửa trở lại sau một đêm tăm tối. Tất cả các y, bác sĩ và nhân viên đều tỏ ra mệt mỏi, sợ hãi. Nhưng, điều kỳ lạ là không ai có thể giải thích được sự việc đêm qua. Sự cố điện được khắc phục ngay sau đó, nhưng ánh sáng vẫn không xua tan được cái không khí nặng nề bao trùm khắp nơi.
Hai ngày sau, một cuộc điều tra quy mô do cơ quan chức năng tiến hành đã được công bố. Hàng loạt cá nhân liên quan đến cái chết oan uổng của ông Thành và Thảo Lan - từ bác sĩ đến ban lãnh đạo bệnh viện - đồng loạt bị đình chỉ công tác. Đây mới chỉ là bước khởi đầu. Những kẻ cố tình làm sai, gây nên cái chết cho không ít bệnh nhân khác - tất cả sẽ bị đưa ra ánh sáng, đối mặt với bản án nghiêm khắc của pháp luật.
Vào một đêm tĩnh lặng, một linh hồn băng qua từng căn nhà trên từng con phố truy tìm những kẻ đã gây ra cái chết oan uổng cho những bệnh nhân vô tội. Đầu tiên là Nguyễn Văn T, chủ cơ sở chế biến thực phẩm, người đã dùng hóa chất độc hại trong thực phẩm để tăng lợi nhuận. Tối đó, anh ta không ngủ được. Những tiếng động kỳ lạ vang lên trên mái nhà, tiếng rên xiết của những linh hồn bay xuống, siết chặt cổ họng anh ta.
Anh ta vùng vẫy chạy ra ngoài, không kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, thì một bóng người cao lớn xuất hiện trước mặt. Đó là ông Thành. Linh hồn ông đứng đó, ánh mắt căm phẫn không nói một lời. Đột nhiên, thân thể Nguyễn Văn T. quặn lên cơn đau dữ dội, như thể chính chất độc mà anh ta bán ra thiêu đốt nội tạng. Anh ta ngã xuống, giọng rên la cầu cứu vọng vào không khí, nhưng không ai đáp lại.
Tiếp theo là Trần Thị D., người nông dân đã sử dụng thuốc hóa học tăng trưởng khiến rau củ trở nên cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người. Ả ta đang chăm sóc vườn rau của mình thì thấy đất đai bất ngờ nứt ra, lộ vực sâu đen ngòm. Vườn rau mà ả trồng trọt lâu nay bỗng trở thành mồ chôn ả. Những bàn tay vô hình kéo ả xuống, nghiền nát cơ thể trong nỗi đau tột cùng, như chính ả đã làm với bao sinh mạng con người.
Cùng lúc đó, tại bệnh viện, bác sĩ Lê Q.M. - kẻ từng ngang nhiên thay đổi phác đồ điều trị của Thảo Lan nhằm tối đa hóa lợi nhuận - đang ngồi trong phòng làm việc. Đột nhiên, chiếc ghế dưới hắn bật ngửa, hất văng khỏi cửa. Toàn thân hắn tê liệt, không sao cử động nổi. Bàn tay run rẩy siết chặt bệnh án của một bệnh nhân cũ, như thể cố bấu víu vào chút lý trí cuối cùng. Một giọng nói lạnh băng vang lên, xuyên qua lớp tường bê tông:
- Ngươi đã giết bao nhiêu người... chỉ vì đồng tiền dơ bẩn?
Bác sĩ Lê Q.M. cứng họng, không thể thốt nên lời. Cơ thể hắn co giật trong cơn đau quặn thắt, gương mặt méo mó vì sợ hãi. Những âm thanh rên rỉ, uất hận vang lên khắp căn phòng như bản cáo trạng từ cõi âm - phán quyết của tòa án lương tâm dành cho kẻ phản bội y đức.
Và cuối cùng là Phạm.T.H., quan chức y tế địa phương - kẻ từng làm ngơ trước vô số báo cáo sai phạm về thực phẩm bẩn. Hắn đã không mảy may hành động, dù biết rõ hàng ngàn người dân đang chết dần vì thực phẩm ô nhiễm, vì những bệnh viện không được kiểm tra, giám sát đúng cách.
Hôm đó, đang ngồi đọc bản báo cáo dày cộp, hắn cảm thấy rùng mình, đôi tay buông rơi tờ báo cáo xuống nền nhà lạnh ngắt. Không gian quanh hắn như bị nén lại, ánh đèn trên trần vụt chớp rồi lịm tắt.
Hắn đứng dậy, toan bật đèn bàn thì bàn tay đã cứng đờ - một lực vô hình như giữ chặt lấy vai hắn. Rồi một giọng nói khàn đặc, vang lên từ phía sau, gần đến mức hơi thở lạnh toát phả sát tai:
“Ngươi... đã không còn là một con người nữa?”.
Từ bốn phương tám hướng, những ánh mắt vô hình xuất hiện - ánh mắt của những linh hồn trong Bệnh viện Ánh Dương. Họ đứng đó, im lặng mà căm phẫn, nhìn chằm chằm vào kẻ từng bỏ mặc họ chết trong tuyệt vọng. Một tiếng quát xé toạc không gian, vang vọng như sấm dội giữa tâm trí P.T.H. Hắn muốn vùng dậy, muốn hét lên, nhưng toàn thân đông cứng. Hơi thở nghẹn lại. Trái tim hắn đập loạn rồi thắt lại trong cơn hoảng hốt tột cùng. Hắn gục xuống, đôi mắt mở trừng, bất động. Bóng tối chầm chậm phủ kín thân thể hắn - như một bản án cuối cùng trả lại cho những linh hồn từng bị chối bỏ.
Cuối cùng, những linh hồn lang thang nơi Bệnh viện Ánh Dương đã thực hiện xong bản án của mình. Những kẻ mang tội đã bị trừng phạt. Nhưng, với người sống, cái giá của sự vô trách nhiệm vẫn còn đó - như một vết thương âm ỉ, không bao giờ lành.
“Địa ngục không chỉ là một nơi. Địa ngục chính là những gì con người đã gây ra cho nhau ngay trên cõi đời này”.
Những linh hồn đau đớn cuối cùng cũng được giải thoát. Nhưng, sự thật về cái giá của tội lỗi - sẽ mãi mãi còn đó.