An Duyên
Tôi và An yêu nhau như những cái ghe trên chợ nổi, luôn vội vàng đụng vào nhau rồi vội vã chạy đi. Chúng tôi cách nhau cả một thanh xuân, và cuộc đời nhiều khi cố gắng chơi khăm, ép cả hai bỏ cuộc. Từ khi quay trở lại sống một mình giữa thành phố đông người, tôi đã từng nghĩ mình không nên bước vào một mối quan hệ nào nữa. Cho đến khi gặp An. An không có vẻ đẹp của một cô gái đôi mươi, ở em có một chút trẻ nít, một chút già dặn, và luôn cố tình không chịu hiểu những gì tôi nói. An thích hiểu mọi thứ theo cách của mình. Và làm mọi thứ theo ý mình.
Cơn mưa đến vào lúc ngang chiều. Thành phố những ngày giãn cách, ít cả tiếng còi xe. Chỉ có tiếng lá cây đang cố nức nở đập vào cửa kính. Sài Gòn khi nào cũng vậy, những cơn mưa chẳng báo trước bao giờ. Mưa đến nhanh và rồi ào tạnh, để lại dư âm rớt trên những mái hiên. Sau mưa, trời bỗng xanh hơn, nắng như một mặt gương chiếu xuống lấp lánh. Những toà nhà, tàng cây, và cả những chiếc xe chạy trên đường như được gội rửa ướt mượt. Khuôn mặt thành phố khi ấy giống mặt người đàn bà vừa đánh mất cuộc tình đầu, mang vẻ đẹp vừa rực rỡ vừa hoang mang…
Đã gần ba tháng, thành phố vắng người. Kể từ sau kỳ nghỉ dài mừng lễ độc lập, dịch dã quay lại đột kích và tấn công dồn dập, Sài Gòn to rộng bỗng trở thành nơi của những may rủi, khi mọi người không biết lúc nào ngôi nhà đang ở sẽ bị chăng dây. Phong tỏa, cách ly, tất cả đến như triều cường, và không có quy luật. Những trái tim vốn thường khi vô lo, bỗng chốc giật mình.
Cũng đã là ba tháng, tôi chỉ gặp An vào những lúc ngang chiều. Những cái ôm rất vội. Và tránh nói về những âu lo. Nghỉ giữa ca trực, An gấp bộ đồ bảo hộ trong phòng, rồi chạy vụt vào trong xe. Chúng tôi chạy qua hầm sông, leo lên nóc toà nhà cũ. Không phải vì quán café của thành phố đều đã ngừng mở, mà bởi vì khu chung cư sắp mục ấy là nơi An đã bắt đầu cuộc sống ở Sài Gòn. An đã nương náu trong căn phòng bốn mét vuông không máy lạnh, và ngủ quên trên sân thượng vào những đêm mùa khô chao chát nóng. Và ở đó, không chỉ là ký ức, mà còn là nơi An thấy mình không còn chút ràng buộc nào. Tự do.
Sau mưa, trên nóc khu nhà cũ vẫn đọng đầy những vũng nước trong vắt. Hai chiếc ghế gỗ vẫn nguyên đó. Tôi đưa cho An ly café mua vội từ siêu thị tiện lợi. “Chú công an lại trốn trực đi gặp gái à?”, An hóm hỉnh. Tôi bật cười: “À, hôm nay anh lại… mất trinh mũi rồi, âm tính xịn luôn. Có đủ giấy thông hành đưa em về với mẹ một buổi”. An nhẹ lắc đầu. Trừ vài ngày Tết, An về thắp hương cho ba, cho quà đám nhỏ ở cù lao, còn quanh năm An luẩn quẩn bên bệnh nhân và những bài nghiên cứu. Như thể An đăng ký thường trú trong phòng trực. Và người yêu của An không bao giờ được ganh tị hay thắc mắc.
Trên sân thượng, gió thổi lồng lộng, ánh nắng hắt xuống những vũng nước tạo ra những tia màu chói sáng như cầu vồng. Chúng tôi nhìn mặt mình trong vũng nước, An bất ngờ khuấy ngón tay làm nước bắn lên, hai khuôn mặt đang cười bỗng biến dạng. Hình như An đang thở mạnh. Em bỗng ôm lấy tôi thật chặt. Nụ hôn bắt đầu từ tốn rồi bạo liệt, như thể dồn góp bao ngày để truy lĩnh. Chúng tôi đã luôn ôm chặt nhau mỗi khi được trốn khỏi những thông tin về dịch bệnh, luôn muốn được đi đến tận cùng của cuộc tình này ngay trên sân thượng, dưới ánh mặt trời này, mặc kệ thành phố phía bên kia. Và buổi chiều này, không còn tiếng xe chạy, cũng không cả tiếng máy bay lướt qua trên đầu, dòng sông chảy một mình chẳng thuyền bè neo đậu. Mặc kệ. Tôi đi vào trong em giữa thành phố hoang mang.
Sáng hôm sau thì An đi. Sân bay Tân Sơn Nhất không còn cái đông đúc thường ngày. Những đôi mắt lo âu trôi rất nhanh qua cửa an ninh. Tôi muốn chạy lại ôm lấy An. Cái đầu ngắn cũn vừa tỉa. Và đôi mắt kính mới tôi tặng dịp sinh nhật An đã lấy ra dùng. An tình nguyện đi vào tâm dịch. Tôi trốn mình trong lớp áo bảo hộ và khẩu trang, chỉ để An không phân vân. Và để giấu đi rằng mình đang khóc…
Khi tôi lái xe quay trở về thành phố thì tin nhắn của An dội về. “Đừng có mà khóc nhè, chú công an. Đừng theo đuôi em như thế. Đoàn mấy trăm người cơ mà. Tiêm hai mũi vaccine cả rồi. Còn có cả rượu tỏi của anh. Em sẽ cho anh biết em khoẻ như thế nào”. Tôi mường tượng như An đang ngồi ghế phó lái, nhìn tôi trêu chọc như thường ngày. Tự cười, tay gạt giọt nước mắt rớt xuống màn hình điện thoại, bỗng vô tình gạt vào bàn phím, đẩy đi cái tin nhắn tôi do dự suốt đêm qua mà chẳng dám gửi cho An: “Chúng ta không bao giờ được bỏ rơi nhau đâu, em hiểu không?”. Đáp lại tôi là tấm hình An chu môi qua tấm khẩu trang, ánh mắt ấm áp đang cười. Cô gái ngốc, chỉ cần em giả bộ khóc, thì tụi mình trông cũng giống phim tình ái của người ta rồi…
An đi rồi, thành phố bước vào những ngày quên báo động, nhưng ngập tràn những hoang mang. Đơn vị chúng tôi chia làm hai ca trực, để đảm bảo luôn có lực lượng an toàn làm việc và chống dịch. Một sĩ quan nhiễm bệnh từ vợ, cả khu phố bị chăng dây như đảo nhỏ. Mỗi ngày một đầy hơn những tin báo về những con đường không được phép đi qua. Trên mạng xã hội, hàng trăm nghệ sỹ kêu gọi người hâm mộ giữ sức khoẻ, cùng nấu cơm đem phát cho người vô gia cư không có ai tiếp tế. Đường phố đêm đến chỉ có tiếng còi cấp cứu cùng những chiếc xe lao đua với thời gian. Những cuộc họp bất thường diễn ra nhiều hơn và tôi gần như quên mất việc phải thay quân phục để về nhà. Tôi đã quên, mình và An từng có bao dự định tươi đẹp khi dịch chưa tới. Và chúng tôi buộc phải lãng quên những niềm vui, để lao vào cuộc chiến không mong đợi này.
Tôi và An yêu nhau như những cái ghe trên chợ nổi, luôn vội vàng đụng vào nhau rồi vội vã chạy đi. Chúng tôi cách nhau cả một thanh xuân, và cuộc đời nhiều khi cố gắng chơi khăm, ép cả hai bỏ cuộc. Từ khi quay trở lại sống một mình giữa thành phố đông người, tôi đã từng nghĩ mình không nên bước vào một mối quan hệ nào nữa. Cho đến khi gặp An. An không có vẻ đẹp của một cô gái đôi mươi, ở em có một chút trẻ nít, một chút già dặn, và luôn cố tình không chịu hiểu những gì tôi nói. An thích hiểu mọi thứ theo cách của mình. Và làm mọi thứ theo ý mình.
Ngày An dẫn tôi về nhà, mẹ An nấu một mâm cơm rất đầy, bắt hai đứa ăn no. Bà nhìn tôi rất lâu, rồi cười buồn. Dường như bà biết, đứa con gái của bà sẽ gặp tiếp một đa đoan trong đường tình duyên, mà bà không biết phải làm gì cho nó. Khi ấy, An đã đi xuống nhà tình thương của sắp nhỏ cù lao, chỉ còn tôi với bà ngồi trước bậc thềm rớt đầy hoa giấy đỏ. “Tui cưới ba con An khi ổng ngang tuổi cậu bây giờ. Đàn ông bốn mươi phong độ lắm, lại biết chiều chuộng đàn bà. Ngặt nỗi, tụi tui yêu nhau thì cưới nhau. Chứ giờ cậu với con An, sao mà cưới?”.
Tôi nín lặng trước cửa nhà, không dám nhìn thẳng vô mắt bà, mặc kệ bông giấy rớt tơi bời trước mặt. Có một nỗi đổ vỡ không gọi tên được, nhưng đầy tan tác. Bà nói rồi quệt nước mắt. Chưa đầy năm mươi nhưng mưa nắng xứ này biến bà xơ xác như một cành dừa khô. Trước khi bước qua bậu cửa vào nhà, bà nói như thả vào hư không: “Tôi muốn con An nó được sống nhẹ nhàng, cậu đừng đẩy nó vào sóng gió. Chia tay được thì tốt hơn. Cho cả cậu và nó”.
Tôi không biết nói thế nào với An, trong cả những đêm đầy sao trên sân thượng, chúng tôi không còn bất cứ ràng buộc nào trên người, trong cả khi chúng tôi không đề phòng bất cứ rủi ro nào ập đến. Nhưng An luôn chủ động, và viết từng trang cuộc đời theo ý mình. “Từ giờ mình đừng gặp nhau nữa”, An nói sau cuộc làm tình đẫm mồ hôi. Tôi mặc kệ cơ thể trơ trọi giữa nắng chiều, lòng như có một vết dao rất bén. “Chỉ là, em không thể thay đổi lý lịch của ba em được, và em cũng không muốn anh từ bỏ bộ quân hàm mà anh yêu thích trên vai. Không gặp, thời gian như rêu mọc, sẽ xoá dần dấu vết của chúng ta”, An nói và nhìn thẳng vào mắt tôi. An không khóc. Như người ngấm rượu để say chỉ có thể gục xuống câm lặng, con người ta sẽ không thể khóc khi nỗi buồn đã ngấm xuống tận đáy lòng.
Chúng tôi đã không gặp nhau suốt hai tháng. Vào buổi tối, tôi lên lại sân thượng, ngồi nhìn sang bên kia sông, đường xá đang rực rỡ giăng đèn. Chỉ vài bữa nữa, cũng từ góc này, pháo hoa sẽ quăng những chùm sáng rực rỡ trên nóc nhà thành phố. Từ khắp các cửa ngõ, dòng người bắt đầu lên những chuyến xe đầy ắp quà để về ăn Tết Nguyên đán. Tôi nhớ năm trước, chúng tôi đã đi khắp những con đường Chợ Lớn, để mua đủ vị bánh mứt mà mẹ An mong. Và mua cả chiếc đèn lồng lớn để bà gắn lên cây mai cổ thụ trong vườn…
Chiều ba mươi Tết, tôi chạy xe qua những con đường cũ, tôi nghĩ rằng có thể An vừa tan ca trực, sẽ chạy đi mua bánh mứt rồi nhét mình trên chuyến xe cuối cùng về kịp đón giao thừa. Như vô thức, tôi mua những món bánh mứt mà An đã mua cho mẹ năm trước, rồi chạy xe xuôi đường về nhà.
Lúc bấy giờ đã gần tới giao thừa. Đám trẻ trong xóm đã nóng lòng chờ pháo hoa, lác đác những viên pháo sáng bắn tung giữa vườn mai vàng rực. Mẹ An đang dọn bàn thờ, con gà cúng giao thừa vừa đặt lên đĩa vẫn còn hơi nóng. “Con An nói cậu về trước hay gì?” – bà nhìn tôi dò xét. “Dạ An kẹt trực cấp cứu, nên sẽ về sau”, tôi khẽ trả lời. Mãi sau này, tôi mới biết đúng dịp Tết, An phải đi cùng một đoàn cứu trợ y tế qua biên giới. Còn khi ấy, tôi và mẹ An ngồi nhìn mâm hương cúng giao thừa tàn, và tôi buộc phải nói với bà rằng, An đang trong phòng cấp cứu nên điện thoại không gọi được.
Tôi ở lại ăn với bà bữa cơm trưa mùng một, dặm lại giúp bà mái bếp bị gió lật, rồi chở bà đi chúc tết họ hàng. Tới chiều, bà gói cho tôi và An hai bịch quà bánh và cả một cà mên canh khổ qua “để hai đứa cùng ăn, ăn nhiều vô rồi khổ nào cũng sẽ qua”. “Hai đứa bây lì như hai con trâu, cứ nhùng nhằng vầy hoài, hay bỏ ngang hết về đây mà sống”, vừa tiễn tôi ra xe bà vừa nói. Tôi chạy xe ngược lên Sài Gòn, lưu nhớ mãi ánh mắt của bà, ánh mắt nửa buồn nửa hy vọng, như thể người mẹ nghèo mong có phép màu để cứu đứa con trong nghịch cảnh, dù biết điều ấy là quá đỗi hoang đường. Tôi bất giác sợ rằng, rồi nếu như An không được an lành, nếu như chúng tôi dần thành hai kẻ lạ, thì bà sẽ mất đi niềm nương tựa cuối cùng. Khi ấy, bà chẳng còn gì để bấu víu, để tiếp tục cuộc đời mình nữa.
Tôi đã gọi gần trăm cuộc điện thoại vào số của An trong suốt một tuần. Đến khi mọi nỗ lực của tôi tưởng như bờ sông nước rút, thì An xuất hiện. “Mẹ nói chỉ cho canh khổ qua thôi, chứ cà mên thì phải trả mẹ, vì đó là cái cà mên ba em để lại, dùng mấy chục năm rồi”, An nói thản nhiên như thể chúng tôi chưa từng có chia cắt nào. “Em làm cái trò ngu ngốc gì vậy? Em cầm tinh con ma hả? Thích đi là đi, thích đến là đến…”, tôi đã không còn đủ sức để giữ lại chút điềm tĩnh cuối cùng. Nụ hôn hoà giải giữa ca trực. Và chúng tôi lại lao vào nhau như chưa hề có lúc quyết liệt xa nhau.
Cuộc tình ẩm ương của tôi và An là những lần đang giữa rạp xem phim thì lén ra về vì bệnh viện gọi, là những bữa tiệc của anh em trong đơn vị bị bỏ ngang để đi chở giúp đồ từ thiện cho bệnh nhân nghèo, thậm chí cả những cuộc làm tình lưng chừng vì một cuộc điện thoại bất ngờ từ phòng cấp cứu. An luôn chủ động sắp đặt, và kéo tôi theo thế giới ấy. An không cho tôi từ bỏ, cũng không cho tôi lựa chọn. Và tôi cũng đã quên mất, chúng tôi là một cặp đôi lâu năm. Cũng từ lâu, tôi và An không còn nói với nhau việc “sinh trộm” một đứa con để bà ngoại có cháu bồng. Chúng tôi đã sống như vậy, giữa bộn bề công việc, và cố dẹp lòng mình để luôn vui khi kịp đến cạnh nhau…
…An đi được một tháng. Những bài viết ngắn trên facebook ngập tràn những kỷ niệm, những bức ảnh hóm hỉnh trong bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình. Thời gian cầm được điện thoại đếm bằng phút. Giấc ngủ thật ngắn ngủi. Có khi đang facetime nói chuyện, An đã ngủ thiếp đi từ lúc nào. Khuôn mặt hằn vết khẩu trang, và sống mũi An bị trầy đỏ. Chúng tôi đều nói với mẹ An rằng, đó là một việc bình thường của nghề bác sĩ. Nhưng lòng tôi đã nhiều lần xót xa và trộm nghĩ, hay bỏ mặc tất cả, để lôi An biến đi khỏi những hoang mang này, mặc kệ những định kiến hay lời chỉ trích. Nhưng An thì không khi nào như vậy. An mạnh mẽ như cái cây cột đèn, đứng giữa ngã tư đường kệ mưa kệ gió, chỉ đêm ngày làm việc thắp sáng hướng tử - sinh. Dịch bệnh đang leo thang và không ai dám tự tin nói virus sẽ chừa mình ra. Những bệnh viện dã chiến được xây thêm, giới chức thành phố ngày đêm họp và đưa thêm các phương án khẩn cấp. Cả thành phố lên dây cót chống dịch. Và tôi chợt nhận ra một thứ quan trọng, những tin nhắn của An mỗi lúc một ngắn và thưa dần.
Tôi nhận tin về An khi bệnh của em trở nên trầm trọng. Tôi đứng nhìn những tàng hoa giấy nở tơi bời trên bến sông. Chẳng hiểu sao, khúc này, hoa giấy lại trắng tươi như màu áo của An thuở ban đầu. Chẳng hiểu sao, khúc này, sông cứ tơi bời cuộn sóng vào lòng mà không xuôi chảy. Chẳng hiểu sao, tiếng nói của An cứ dội vào tâm trí tôi nhiều đến vậy. “Hết dịch, hai đứa mình sẽ đi xe bus ngược sông, mình chụp ảnh đi, giả bộ là sắp cưới”. Tiếng An cứ dội vào lòng tôi, đến mức tôi quên mình đã đứng suốt cả buổi chiều, giữa cơn mưa ầm ầm như bão giật…
Tôi cùng mẹ đưa An đi trên thuyền lớn, ra tới tận cửa sông. An sẽ được tắm tưới cùng dòng nước mát lành như em mong đợi. Khi nhìn dòng nước chảy xuôi mềm như mái tóc, tôi chợt nhớ sáng sớm hôm ấy, vào giữa cơn mưa, ở tiệm nước người Hoa đông đúc, có cô gái với đôi mắt lấp lánh cười và mái tóc sũng nước tới xin ngồi ghép bàn. Tiệm nước ấy, tình cờ, tên là An Duyên…