Xác chết bên sông

Thứ Sáu, 02/10/2020, 16:45
Vào thời Gia Khánh, một xác chết nổi trên sông cạnh thôn Tinh Tử, huyện Nam An đã hai ngày mà không có người nhận. Đến ngày thứ ba, ông Phạm Vinh người giàu nhất huyện Nam An lên huyện báo rằng thi thể này là người nhà ông tên là Vu Thục Chân, ông ta còn nói rằng Vu Thục Chân chắc chắn đã bị chồng là Lý Tông giết hại yêu cầu Tri huyện phải trừng phạt kẻ sát nhân.


Tri huyện Thành nghe ông Phạm Vinh nói ngay lập tức cùng sư phụ Vương Phong đưa người khám nghiệm tử thi là Dương Đồng đi ngay.

Khi Vương Phong và Dương Đồng ra bên ngoài, Phạm Vinh ngăn hai người lại lấy ra hai thỏi vàng đưa cho Vương Phong nói: "Thi thể nổi trên sông đúng là người nhà họ Vu, tôi nghĩ là ông sẽ không có ý kiến khác!". Vương Phong liếc nhìn thỏi vàng và trả lời: "Chúng tôi còn chưa kiểm tra làm sao có thể biết được!", Vương Phong không nhận vàng của Phạm Vinh và đi thẳng về thôn Tinh Tử.

Khi hai người đến nơi thì thấy cái xác chết đã phân hủy nên rất khó nhận dạng nhưng dựa vào kinh nghiệm của mình Dương Đồng kết luận rằng đây là thi thể nam giới. Xong việc, hai người trở về nha huyện báo cáo kết quả khám nghiệm tử thi cùng với chuyện Phạm Vinh hối lộ hai thỏi vàng cho Tri huyện Thành biết. Tri huyện hỏi: "Hai người thử nghĩ xem tại sao Phạm Vinh lại hối lộ chuyện này?". Vương Phong nói: "Có thể là Vu Thục Chân vẫn còn sống và có mối quan hệ mờ ám với Phạm Vinh? Nếu tìm thấy cô ta thì mọi chuyện sẽ được đưa ra ánh sáng!".

Minh họa: Doãn Hoàng Kiên

Tri huyện Thành gật đầu và ra lệnh cho Vương Phong đi tìm tung tích của Vu Thục Chân.  

Sau khi điều tra, Vương Phong biết được rằng trước khi Vu Thục Chân lấy Lý Tông cô ta đã có mối quan hệ với mờ ám với Phạm Vinh. Sau này, khi gia đình Phạm Vinh chuyển đến huyện Thành thì mối quan hệ với Vu Thục Chân tạm thời bị cắt. Thời gian này, Vu Thục Chân tình cờ gặp thiếu gia họ Lý đang đi tìm vợ, thông qua mai mối cô nhanh chóng kết hôn với Lý Tông nhưng hai người không hợp nhau, cách đây nửa tháng hai người đã có một trận cãi nhau lớn và Vu Thục Chân bỏ nhà đi hiện nay không biết đang ở đâu. Liệu Vu Thục Chân có đến với Phạm Vinh không, Vương Phong sẽ đi điều tra việc này. 

Nhưng không ngờ ngày hôm sau, Tri phủ Tuyền Châu là Triệu Kiệt (huyện Nam An trực thuộc Tuyền Châu) đích thân xét xử vụ án này. Triệu Kiệt nhận khoản hối lộ lớn của Phạm Vinh đi cửa sau với quan trên và xử vụ án này theo ý của Phạm Vinh. Đầu tiên ông ta cho người đào ngôi mộ chôn người đàn ông chết trên sông  tiến hành khám nghiệm tử thi rồi kết luận xác này chết này là phụ nữ và còn nói rằng ở phía sau đầu có một vết dao chém. Tiếp theo Triệu Kiệt ra lệnh bắt Lý Tông, Dương Đồng, Vương Phong và Tri huyện Thành rồi thăng đường xét xử vụ án.   

Dương Đồng bị đưa ra thẩm vấn đầu tiên, vốn là người ngay thẳng khi Triệu Kiệt hỏi về cái tử thi anh ta to tiếng nói: "Thưa đại nhân, cái thi thể rõ ràng là nam giới, vậy ngài muốn tôi khai ra điều gì?".

Triệu Kiệt sợ Dương Đồng bóc trần sự thật, sai nha dịch đánh Dương Đồng đến chết. Tiếp theo, Lý Tông bị đưa ra công đường, Triệu Kiệt mắng anh ta: "Ngươi âm mưu giết vợ của mình, bằng chứng như sơn, nếu ngươi không muốn tan xương nát thịt thì mau khai đi!". 

Lý Tông cũng to tiếng kêu oan, Triệu Kiệt thấy anh ta không nhận tội nên lại sai nha dịch đánh anh ta rất dã man. Lý Tông không chịu được đau đành phải nhận bừa là có tội. Triệu Kiệt tuyên án Lý Tông phạm tội giết người, bị tội chết, Tri huyện Thành phạm tội che giấu kẻ sát nhân bị bãi chức, Vương Phong bị đánh 50 trượng đuổi khỏi nha môn. Sau khi vụ án kết thúc dân chúng huyện Nam An đều tỏ ra bất bình với cách xử của Triệu Kiệt.

Sau khi bị đuổi khỏi nha môn, Vương Phong ở nhà tĩnh dưỡng được vài ngày và chợt nhớ ra Tri huyện Tấn Giang ở huyện bên cạnh là người ngay thẳng nên quyết định đến nhờ ông giúp đỡ. Trên đường đi, Vương Phong tình cờ gặp bà Dương là người đỡ đẻ. Bà Dương nói với Vương Phong rằng tối hôm trước cô con dâu thứ ba nhà họ Phạm khó đẻ nên nhờ đến bà, khi đến đó thì thấy tình thế cấp bách nên bà bảo con a đầu tìm một người giúp mình, a đầu vỗ vỗ vào bức tường gọi hai tiếng "Phu nhân" thì có một phụ nữ trẻ bước ra từ cánh cửa bí mật, bà Dương nhận ra người này là Vu Thục Chân nhưng vì Vu Thục Chân không biết bà Dương nên bà không nói gì.

Bà Dương biết có quá nhiều người bị oan trong vụ án của Vu Thục Chân nên bà mới cho ông biết chuyện này. Vương Phong nghe được tin này thì rất mừng, sau khi từ biệt bà Dương ông đi thẳng đến huyện Tấn Giang. Tri huyện Tấn Giang khi nghe Vương Phong trình bày vụ án, ông nói: "Cấp trên đã cử quan Ngự Sử đến giám sát việc hành quyết Lý Tông, ngày mai tôi cũng đến huyện Nam An để xem vụ này". Vương Phong vội quỳ xuống trước mặt Tri huyện cầu xin ông hãy giải nỗi oan cho họ. Tri huyện nói: "Vẫn còn một cách, nhưng ngươi đành phải chịu đau khổ về xác thịt". Sau đó, ông bảo Vương Phong viết một đơn kiện về vụ án xác chết nam giới huyện Nam An mang theo bên người.

Sáng hôm sau, khi chiếc kiệu của quan Ngự Sử tiền hô hậu ủng tiến vào huyện thành Nam An thì Vương Phong chạy đến trước kiệu quan Ngự Sử quỳ xuống giơ tờ đơn kiện ra kêu oan. Mấy tên nha dịch thấy có người ngăn kiệu xông đến đánh Vương Phong, nhân cơ hội này Vương Phong kêu lên rất to, quan Ngự Sử nghe thấy tiếng kêu mở rèm ra nhìn thấy cảnh tượng trước mặt xua tay hỏi: "Ngươi có nỗi oan gì sao không tới nha huyện mà kiện?". Vương Phong nói: "Tri phủ của chúng tôi không chính trực, oan tình đã được viết trong đơn kiện này xin quan Ngự Sử đèn trời soi xét".

Quan Ngự Sử nhận đơn kiện và sai bọn nha dịch đưa Vương Phong đến dinh thự của mình đang ở để bảo vệ ông.

Đêm hôm đó, quan Ngự Sử xem đơn kiện rồi lại hỏi Vương Phong rất kỹ càng. Khi nghe Vương Phong nói xong, quan Ngự Sử nói: "Ngày mai bản quan đến nhà Phạm Vinh để tìm Vu Thục Chân có được không?". Vương Phong nói là không thể được bởi vì Phạm Vinh vừa giàu, vừa có quyền lực, nếu biết tin này ông ta sẽ chuyển Vu Thục Chân đi nơi khác hoặc có thể giết đi để diệt khẩu. Quan Ngự Sử cho là phải và hỏi Vương Phong nên làm như thế nào thì Vương Phong nói: "Đại nhân có thể để cho Tri huyện Tấn Giang đưa người qua bắt giữ những cô gái điếm chạy trốn từ huyện Tấn Giang sang huyện Nam An rồi thừa cơ Phạm Vinh không đề phòng đột nhập vào nhà của ông ta bắt Vu Thục Chân". Quan Ngự Sử đồng ý với kế hoạch của Vương Phong sai người đưa lệnh cho Tri huyện Tấn Giang lập tức hành động ngay.

Sáng sớm hôm sau, cô a đầu nói với Phạm Vinh rằng có một phụ nữ trẻ xin được gặp ông ta. Phạm Vinh ra phòng khách thấy một người phụ nữ xinh đẹp, khi biết đây là cô gái điếm chạy khỏi huyện Tấn Giang mắt ông ta sáng lên. Khi ông ta đang định "động tay động chân" thì có người chạy vào nói rằng có viên quan dẫn một số nha dịch đi tìm bắt một cô gái điếm bỏ trốn. Phạm Vinh hoảng hốt vội cho người phụ nữ trốn vào trong bức tường nhưng ông ta chưa kịp đóng cánh cửa bí mật thì Tri huyện Tấn Giang đã xuất hiện ngay trước mặt đẩy Phạm Vinh ra và bắt Vu Thục Chân đang trốn ở bên trong, lúc này Phạm Vinh mới biết mình đã trúng kế nhưng mọi thứ đã muộn rồi.   

Sau khi bắt được Vu Thục Chân, Tri huyện Tấn Giang dẫn quan Ngự Sử đi thẳng đến Nha huyện Nam An. Quan Ngự Sử ra lệnh tước áo mũ bắt giam Tri phủ Triệu Kiệt đồng thời mở phiên tòa xét xử lại vụ án xác chết trên sông. 

Ở Công đường, Vu Thục Chân nhìn thấy Lý Tông bị tra tấn dã man cô ta đã khóc: "Tôi đã làm hại anh, tôi xin lỗi". Sau đó, cô khai mối quan hệ mờ ám của mình với Phạm Vinh và đã câu kết với ông ta để đưa Lý Tông vào chỗ chết bằng cách mượn một xác chết vô danh. Tại công đường, Phạm Vinh, Triệu Kiệt và người khám nghiệm tử thi đều thú nhận tội lỗi của mình. 

Kết thúc phiên tòa, Lý Tông vô tội được tự do, Tri huyện Thành được phục hồi chức vụ. Dương Đồng được lập bia và người nhà được đền bù, Vu Thục Chân bị kết án 5 năm tù, Phạm Vinh và Triệu Kiệt bị xử hình và vụ án oan được giải quyết, người dân huyện Nam An vỗ tay hoan hô quan Ngự Sử đã xử một vụ án có lý có tình..

Nguyễn Thiêm (dịch)
.
.