Vầng trăng trên đỉnh Ta Lư

Thứ Hai, 29/08/2016, 08:10
Thoáng một chút giật mình, Tùng cúi mặt vội vàng quay xe lao ra ngoài. Giọng Trà My nghẹn ngào vang lên: "Anh Tùng", tiếng gọi âu yếm của một thời đã khiến cho trái tim Tùng như lửa đốt. Dừng xe lại, Tùng đưa tay ra phía sau nghẹn ngào: "Trà My ơi, em về ngay đi được không?". "Không!" - Tiếng Trà My kiên quyết. Trà My lao tới ôm chặt Tùng vào lòng...

Người phụ nữ có vẻ đẹp quí phái tìm đến trại điều dưỡng thăm Tùng.

Tùng thấy hơi lạ. Người phụ nữ kia là ai? Tùng vừa đẩy chiếc xe lăn vừa băn khoăn tự hỏi. Khi cô nhân viên mở cánh cửa phòng chờ, Tùng nhận ra vị khách chính là Trà My, cô người yêu đầu đời thời sinh viên của Tùng.

Thoáng một chút giật mình, Tùng cúi mặt vội vàng quay xe lao ra ngoài. Giọng Trà My nghẹn ngào vang lên: "Anh Tùng", tiếng gọi âu yếm của một thời đã khiến cho trái tim Tùng như lửa đốt. Dừng xe lại, Tùng đưa tay ra phía sau nghẹn ngào: "Trà My ơi, em về ngay đi được không?". "Không!" - Tiếng Trà My kiên quyết. Trà My lao tới ôm chặt Tùng vào lòng.

Bất chợt Tùng khẽ đẩy Trà My ra giọng nghèn nghẹn: "Trà My ơi, anh bây giờ không còn là người nữa đâu. Anh đã sắp sửa quên được em rồi. Em đến đây làm gì nữa. Em về ngay đi Trà My".

"Em biết hết rồi anh Tùng ơi. Anh đuổi em cũng không về nữa đâu - vừa nói Trà My vừa đẩy chiếc xe lăn của Tùng vào giữa phòng khách rồi tiếp tục - Em xin lỗi vì tờ giấy ghi địa chỉ quê, anh để lại hôm anh đi bị mưa ướt không đọc được. Em chỉ nhớ tên huyện Tương Dương và tỉnh Nghệ An thôi. Vì thế em quyết định làm từ thiện tất cả 24 xã quê anh. Sau chuyến từ thiện ở xã thứ 13, em mới tìm được nhà anh. Em đã gặp cha mẹ rồi anh ạ.

Sau chiến tranh, em bỏ nghề văn, lấy nhà của mẹ em lập công ty buôn bán các trang thiết bị phục vụ cho ngành y tế. Nhưng không hiểu sao sau ngày giải phóng, có anh bộ đội đem đến cho em tập nhật kí của anh với tin anh đã hy sinh ở mặt trận phía Tây Nam trong một trận càn của địch. Khi hay tin, em gục xuống không còn biết trời đất là gì nữa. Đến lúc tỉnh dậy, anh bộ đội đã ra đi không một lần quay lại. Tại sao vậy anh?". Tùng kéo Trà My về phía mình ôm nàng thật chặt để giấu đi những giọt nước mắt đang bắt đầu tuôn chảy.

Kỷ niệm về một thời tuổi trẻ bỗng ùa về…

                         *

Một buổi sáng đầu hè, Tùng ra hiệu sách Tràng Tiền tìm mua được bộ tiểu thuyết "Chiến tranh và Hoà bình" của đại văn hào Li-ép Tôn-xtôi để phục vụ cho chương trình viết luận văn cuối năm. Vừa mới thanh toán tiền xong, Tùng quay ra gặp ngay một cô gái trẻ, có vóc dáng thanh thoát và khuôn mặt đẹp rạng ngời bước vào hỏi cô nhân viên hiệu sách: "Chị ơi ở đây có bộ tiểu thuyết "Chiến tranh và Hoà bình" không ạ?". Cô nhân viên trả lời: "Bộ sách duy nhất đó vừa mới bán cho anh sinh viên đang đứng phía sau chị ấy".

Cô gái quay lại, thoáng ngỡ ngàng vì thấy Tùng, một thanh niên lịch lãm, đẹp trai nhìn mình với ánh mắt thân thiện: "Cô cần bộ sách này lắm phải không?". "Vâng tôi cần lắm vì tháng sau tôi phải viết khoá luận về bộ sách này anh ạ". "Xin cô cho biết quý danh và trường cô đang theo học?". "Tôi tên là Trà My, đang học năm thứ hai khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội". "Thế là chúng mình đồng môn rồi đấy. Tôi tên là Tùng, Nguyễn Tùng đang học lớp văn năm thứ ba Đại học Tổng hợp. Cuối năm tôi mới cần bộ sách này để viết luận văn tốt nghiệp".

Vừa nói, Tùng vừa tiến tới đặt luôn túi ni lông đựng bộ tiểu thuyết vào tay Trà My rồi tiếp tục: "Cô đọc trước đi. Đúng ngày này, giờ này vào tháng sau, cô đến đúng chỗ này trả tôi nhé". Không đợi Trà My đáp lễ, chàng trai bước nhanh ra bên ngoài đi như chạy về phía hồ Hoàn Kiếm. Trà My thoáng mỉm cười: "Cái anh chàng này hay thật đấy".

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Rồi ngày ấy cũng đến. Đúng giờ hẹn, Tùng ăn vận bộ đồ màu ghi sáng xuất hiện sau quầy thanh toán tiền như đã qui định. Từ trong gian hàng sách, Trà My bước ra chào và phủ đầu ngay bằng câu hỏi đã chuẩn bị trước: "Thế anh không sợ sẽ bị mất bộ sách này sao?". Tùng cười, nụ cười duyên thân mật: "Nhìn người là biết, mất làm sao được". Trà My đe: "Lần sau nhớ đừng quá tin người như thế nhé!". Tùng vui vẻ: "Anh đồng ý nhưng trừ em ra". Biết sẽ không đối đáp lại được với Tùng, Trà My trả sách và mời chàng về nhà chơi .

Gia đình Trà My chỉ có hai mẹ con ở căn biện thự do ông bà tổ tiên bên chồng để lại rộng hơn hai trăm mét vuông ngay phố Phan Chu Trinh. Mẹ cô là dược sỹ. Bố cô đã hy sinh tại mặt trận Điện Biên Phủ. Bắt đầu từ đây, tình yêu đầu đời giữa Tùng và Trà My thăng hoa. Càng về cuối cuộc chiến tranh, tình hình chiến sự ở Miền Nam diễn ra quyết liệt. Tùng xung phong đi lính lần thứ ba với lá đơn viết bằng máu và đã được cấp trên chấp nhận…

*

Biết Tùng đang xúc động, Trà My cứ yên lặng ép đầu vào ngực Tùng thổn thức. Đứng lâu trong tư thế bị thành chiếc xe đẩy ngăn cách, Trà My cựa mình và thấy Tùng đang nới rộng tay. Trà My gọi khẽ: "Anh Tùng! Anh Tùng!". Lúc này, Tùng đã tỉnh. Tùng buông tay và nhìn Trà My đắm đuối.

Tùng biết chỉ có anh mới trả lời được câu hỏi của Trà My vì chính anh là tác giả của "vở kịch" này. Tùng bị thương trong trận địch phục kích làng Xoài, nơi Tùng hoạt động bí mật ven sông Vàm Cỏ Đông trước ngày giải phóng đúng ba tháng. Tùng bị mất một chân lên đến phần giữa bẹn và bị một mũi lê đâm vào đầu đã để lại di chứng khủng khiếp, cứ vào ban ngày khoảng 4h chiều lại lên cơn điên có thể gây án mạng cho bất kì ai, kể cả bố mẹ đẻ nếu giáp mặt.

Cơ quan và Trại điều dưỡng đã nhiều lần đưa ra các bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, 108 để chữa trị nhưng không kết quả. Tùng biết mối nguy hiểm đó nên âm thầm lánh xa Trà My và dựng ra "vở kịch" mình đã hi sinh để giải thoát cho Trà My. Vậy mà… Tùng đưa tay lau nước mắt, giọt nước mắt dồn nét sau biết bao âu lo và buồn tủi.

Tùng thầm thì vào tai Trà My: "Chỉ một lúc nữa thôi Trà My ơi, anh sẽ trở thành con thú". "Em biết rồi và em cũng đã có kế hoạch giúp anh chữa khỏi căn bệnh này rồi, nên cứ yên tâm anh nhé".

Một lúc sau, cô nhân viên trại điều dưỡng đi vào thông báo: "Đã đến giờ G rồi anh Tùng ơi". Tùng buông tay nhìn Trà My âu yếm: "Thôi em về đi, lần sau vào thăm anh nhé". Trà My vòng tay ôm hôn Tùng rồi lặng lẽ bí mật theo phía sau anh một quãng đủ để anh không phát hiện ra. Khi sắp vào khu điều trị, bác sỹ trưởng trại bước ra ngăn Trà My lại nhẹ nhàng khuyên: "Đối với những người yếu tim, vào đó nguy hiểm lắm cô ạ".

Trà My chủ động tiết lộ câu chuyện riêng giữa Trà My với Tùng và đề nghị được vào tận mắt chứng kiến nỗi đau của Tùng để chia sẻ. Bác sĩ trưởng trại cảm động trước mối tình của Trà My và Tùng. Bác sỹ giúp Trà My hoá trang thành cô y tá đứng ở mép cửa căn phòng để quan sát.

Từ xe lăn, Tùng bước xuống nằm lên chiếc giường gỗ lim đặt trên bộ khung bằng bê tông dính với nền đất chắc như lô cốt thời Pháp. Cô y tá cho vào miệng Tùng tấm lót an toàn và choàng vào đầu Tùng chiếc mũ bảo vệ lót đệm bông khá đẹp. Ở phía dưới, hai y tá nam lắp hệ thống đai bảo vệ giữ toàn thân cho Tùng không thể cử động được.

Và giờ G đến, Tùng bắt đầu gồng mình quằn quại. Toàn thân Tùng rung lên như điện giật. Miệng Tùng phát ra tiếng kêu a...a.. tắc nghẹn. Nhìn Tùng giãy giụa một cách đau đớn đến gần hai giờ đồng hồ, lòng Trà My nhói buốt như có hàng tá mũi kim châm. "Anh Tùng ơi, anh khổ sở như vậy ư ?" - Trà My bật khóc thành tiếng.

*

Trở về Hà Nội, Trà My cử ngay nhóm xây dựng đi làm nhà cho bố mẹ Tùng, thay cho căn nhà lá dột nát mà Tùng đã ở từ thủa ấu thơ. Bản thân Trà My điện ngay cho cô bạn đối tác là bác sỹ trưởng khoa thần kinh của bệnh viện thần kinh Tôkyô Nhật Bản đặt vấn đề chữa trị giúp Tùng. Tiếp đó cô trực tiếp gặp Tổng Cục trưởng Tổng cục Ngoại biên (đơn vị quản lý Tùng) đề xuất nguyện vọng muốn đưa Tùng sang Nhật Bản chữa trị.

Phía đối tác Nhật Bản đồng ý nhận điều trị cho Tùng và Trung tướng Xuân Đăng, Tổng cục trưởng Tổng cục Ngoại biên không những đồng ý với đề xuất của Trà My mà còn chủ động giúp kinh phí, lo hộ chiếu cho Tùng và cử bác sỹ đi theo.

Chuyến đưa Tùng sang Nhật Bản thành công vượt ra ngoài mong muốn của Trà My. Người của Tổng cục Ngoại biên quá thành thạo trong các khâu đối nội, đối ngoại nên mọi việc cứ như đã có lập trình. Riêng Tùng, nghị lực phi thường đã giúp anh vượt qua ca mổ được dự báo là vô cùng khó khăn. Hai bác sỹ mổ nổi tiếng khoa thần kinh và ba y tá giàu kinh nghiệm phụ giúp nhịp nhàng chuyền tay nhau các dụng cụ đặc biệt.

Ca mổ bắt đầu từ 9h sáng kéo dài đến 12h trưa đã kết thúc tốt đẹp. Bác sỹ trưởng ca mổ nét mặt rạng ngời bước ra hành lang phòng mổ, khẽ vươn vai thư giãn. Trà My tiến tới nhẹ nhàng hỏi: "Tình hình thế nào thưa bác sỹ?". "Rất tốt, cô cứ yên tâm" - Bác sỹ vừa trả lời vừa đi về phía phòng trực.

Phải mất khoảng một tuần mới có kết quả cụ thể. Thời gian làm chân giả và luyện tập để có thể đi lại phải mất thêm vài ba tháng nữa. Trà My phải trở về lo những công việc cần thiết mà cô đã vạch ra như xây nhà cho gia đình Tùng và chuẩn bị các thủ tục cần thiết cho đám cưới ngay khi Tùng trở về.

Ở Nhật Bản, sự hồi phục của Tùng rất nhanh. Chỉ hai ngày sau mổ, Tùng đã tỉnh và có cảm giác dễ chịu. Đến ngày thứ 5, bác sỹ kết luận, bệnh của Tùng đã được giải quyết. Tùng sẽ thoát khỏi những cơn động kinh hành hạ. Tùng cảm động vô cùng. Anh có cảm tưởng như anh vừa mới từ cõi chết trở về. Tùng bắt đầu đứng dậy dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, rồi đi dạo rèn thể lực để bước vào cuộc chiến đấu mới với chiếc chân giả.

Tùng xuất viện sau hơn một tháng nằm điều trị. Tranh thủ thời gian, bác sỹ đưa Tùng đến trung tâm làm chân giả - nơi anh đã được Trà My đưa đến làm các thủ tục đo, khám ngay từ khi mới đến Nhật Bản. Thoáng chút bất ngờ vì chiếc chân giả vừa với Tùng y như chân thật. Chỉ có điều khi lắp vào Tùng thấy vướng víu và không thể cử động được.

Lịch tập của trung tâm ghi rất rõ: Tuần đầu tập mỗi ngày hai lần sáng, chiều và mỗi lần 30 phút. Tuần tiếp theo tăng lên một giờ và tuần tiếp theo nữa tăng lên hai giờ mỗi lần. Nếu người tập tiến triển tốt sẽ theo lịch khác tăng dần đều cho đến khi đi lại bình thường. Người tập nhanh nhất phải gần ba tháng. Người tập lâu nhất bỏ cuộc vì không chịu nổi những cơn đau do sự va chạm giữa phần kim loại của chân giả với phần thịt của thương binh.

Bắt đầu vào luyện tập, Tùng mới hiểu sự đau đớn của cơ thể. Mỗi lần để trọng lực rơi vào bàn chân giả, anh thấy nhói buốt ở phần đầu nơi bị cắt. Suốt cả tuần, anh cắn răng chịu đựng nhưng không thể nào tự nhấc nổi bàn chân giả để bước đi.

Tháng đầu tiên, Tùng tập luyện một cách kiên trì và dũng cảm. Tùng cắn môi chịu đau và gồng hết sức mình vào mục tiêu tái khởi động chức năng vận động của phần cơ chân còn lại. Hết đứng lên lại ngồi xuống, Tùng lần từng bước khập khiễng lê đi trong đau đớn. Đêm về mệt quá, Tùng nằm thiếp đi. Có đêm, giấc mơ đã đưa Tùng trở về với những tháng năm khói lửa…

Chia tay Trà My, Tùng được bổ sung vào lực lượng tình báo thuộc Bộ Công an hoạt động trong lòng địch. Suốt 6 tháng trời, Tùng được huấn luyện tại một địa điểm bí mật với kỉ luật nghiêm không được liên hệ với bất cứ ai kể cả gia đình. Sau khoá học, Tùng được điều vào vùng Vàm Cỏ Đông bám dân ở một làng tập trung người di cư từ miền Trung vào năm 1954 nhằm móc nối xây dựng lực lượng chuẩn bị cho chiến dịch tổng tấn công giải phóng Sài Gòn.

Thời gian học tập, vượt núi băng rừng và lăn lộn trong vùng địch không cho phép Tùng viết thư gửi gia đình, nhất là cho Trà My. Tổ tình báo T5 ở vùng Vàm Cỏ Đông chỉ có Tùng và một chiến sỹ đã dạn dày kinh nghiệm hoạt động theo phương thức đơn tuyến nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban An ninh miền. Hình thức liên lạc chủ yếu qua hộp thư bí mật đã quy định.

Gần hai năm trời bám trụ, Tùng đã xây dựng được cơ sở vững chắc trong dân và lôi kéo thành công viên sỹ quan an ninh nguỵ, con em của làng nơi anh bám trụ hiện công tác tại cơ quan mật vụ trực thuộc Tổng thống quản lý. Chính cơ sở này đã cung cấp cho anh nhiều thông tin tối quan trọng, trong đó có thông tin "Mỹ sẽ rút quân về nước và sẽ không quay lại cả trong trường hợp quân đội Việt Nam cộng hòa bị thất bại". Loạt thông tin này từ nhiều nguồn cả trong và ngoài nước đã góp phần quan trọng để Trung ương ta mở đợt tổng tấn công giải phóng hoàn toàn Miền Nam.

 Vào một đêm trăng lu, trước thời điểm ta giải phóng Sài Gòn, một đại đội nguỵ bất ngờ mở đợt tấn công vào nơi anh đang bám trụ để bắt nhóm Việt Cộng nằm vùng theo mật báo của một tên phản động trong làng.

Không biết được chính xác nơi nhóm Việt Cộng ẩn nấp, bọn nguỵ dùng lưỡi lê và mũi giáo nhọn chọc xuống những vùng đất khả nghi để tìm kiếm. Đến gần bụi tre cuối làng, nhóm lính nguỵ đồng loạt xỉa mũi lê và ngọn giáo xuống vùng có căn hầm nhỏ, nơi Tùng ẩn nấp. Tùng lặng lẽ chuẩn bị lựu đạn và khẩu súng ở tư thế sẵn sàng mở nắp hầm xông ra. Tùng biết đây là giải pháp cảm tử chỉ áp dụng khi bị phát hiện.

Trước mắt Tùng dùng biện pháp quen thuộc, hai tay cầm sẵn hai chiếc khăn bông thấm nước trong tư thế sẵn sàng. Bỗng một mũi giáo nhọn chọc đúng phần đùi trái phía trên đầu gối khiến cho Tùng đau nhói. Tùng nhanh chóng dùng tay trái áp chiếc khăn bông vào mũi giáo lau sạch dấu máu khi mũi giáo rút ra.

Khoảng vài giây sau, một mũi lê bất ngờ đâm đúng mép phải phần gần đỉnh đầu tạo ra cơn chấn động khủng khiếp đối với Tùng. Rất may, theo phản xạ tự nhiên, Tùng kịp đưa bàn tay phải áp chặt chiếc khăn bông vào mũi lê rồi đổ xuống ngất đi. Khoảng mười phút sau, khi bọn địch đã rút, cơ sở của ta chạy đến, mở nắp hầm, lôi Tùng lên, sơ cứu ban đầu rồi chuyển ra vùng giải phóng…

*

Chưa đầy hai tháng, Tùng đã nhấc được bàn chân giả tập tễnh bước đi. Vài tuần sau, Tùng đã đi lại được bình thường trong khuôn viên của trại điều dưỡng trước sự ngạc nhiên và thán phục của mọi người.

Theo hẹn, Trà My bay sang Nhật đón Tùng trở về Tổ quốc. Trà My đưa thẳng Tùng về Hà Nội để trình diện cơ quan và lo các thủ tục cho đám cưới. Gặp lại nơi ngày xưa Tùng đã trao nụ hôn đầu cho Trà My, Tùng bồi hồi xúc động.

Mẹ Trà My cứ xoắn lấy Tùng như sợ Tùng lại đột ngột ra đi. Mẹ Trà My hiểu con gái mình. Sau khi tốt nghiệp đại học, Trà My không theo nghề sư phạm mà lao vào thương trường buôn bán. Lấy ngôi nhà của bố làm trụ sở và lấy chức danh của mẹ làm thủ tục, Trà My lập công ty buôn bán các thiết bị y tế giao dịch cả trong và ngoài nước.

Sau khi đã ổn định chuyện làm ăn, Trà My lấy chồng là một thương gia giàu có tên là Trần Hoan. Khoảng 3 tháng sau ngày cưới, trong một lần đến nhà Trà My, tình cờ Trần Hoan phát hiện trên bàn thờ gia tiên nhà Trà My có để bức ảnh nhỏ của Tùng. Trần Hoan gọi Trà My lại hỏi giọng khó chịu: "Cô thờ ai đây?". Trà My từ tốn: "Em thờ anh Tùng, người yêu thời sinh viên của em, anh đã nghe em nói nhiều lần rồi đấy".

Không hiểu vì nguyên cớ gì, Trần Hoan nổi máu yêng hùng lên giọng: "Chỉ mới yêu nhăng cuội tí chút mà thờ với cúng gì. Cô phải cất ngay ảnh anh ta đi, nếu không thì…". Trà My tròn mắt nhìn chồng: "Nếu không thì sao hả anh?". Trần Hoan cộc lốc: "Thì đường ai nấy đi".

Trà My đã lấy lại tinh thần: "Anh nói em chưa hiểu". Trần Hoan nổi khùng: "Có thế mà không hiểu à. Hãy nghe đây. Nếu lần sau tới, tôi còn thấy ảnh anh ta vẫn y nguyên, tôi và cô sẽ ra toà li dị". Trà My giận lắm nhưng cô vẫn nhẹ nhàng: "Anh đã suy nghĩ kĩ chưa đấy?". Trần Hoan nổi xung quát: "Tôi đã suy nghĩ kĩ lắm rồi. Đừng lôi thôi nữa. Khôn ngoan thì hãy bỏ ảnh anh ta xuống đi". Nói xong, Trần Hoan không cần nghe vợ giải thích, vùng vằng bỏ về quên cả chào mẹ vợ đang đứng ngây ra như phỗng.

Trà My buồn lắm. Cô giận không phải vì bị mắng mà vì chồng đã xúc phạm đến tình yêu của cô với Tùng. Đến lúc này, Trà My mới hiểu cuộc sống chồng vợ chỉ gắn kết trên cơ sở làm ăn mà thiếu tình yêu đôi lứa thì vô cùng bấp bênh. Hành động vũ phu, Trần Hoan nhẫn tâm với vợ và với người đã hy sinh cả tuổi trẻ cho dân tộc giống như bát nước tràn ly không thể giữ nổi.

Trà My lặng lẽ đến trước bàn thờ lấy ảnh Tùng sửa sang lại và đặt vào chỗ có khoảng không thoáng và rộng. Mẹ Trà My bước vào nói khẽ: "Con định thế nào hả con?". Trà My hiểu mẹ muốn tâm sự với con gái trước sự chứng kiến của ông bà tổ tiên. Trà My hỏi lại: "Mẹ đã nghe hết rồi phải không ạ?". "Mẹ nghe hết rồi con ạ!". "Vậy mẹ có ủng hộ con không?". "Con cứ nói đi. Mẹ luôn đứng về phía con mà".

Trà My bình tĩnh nói với mẹ tất cả những dự định mà Trà My đã dứt khoát: "Mẹ biết con với anh Hoan lấy nhau chỉ vì cùng cảnh ngộ. Anh Hoan bị người yêu bỏ còn con người yêu hy sinh. Sống với nhau mới được ba tháng nhưng con đã thấy trước những nguy cơ tan vỡ". Người mẹ ôm con gái vào lòng vỗ về: "Tuỳ con, mẹ chỉ muốn con gái mẹ hạnh phúc và thanh thản thôi".

*

Tổng cục Ngoại biên tiếp Tùng và Trà My tại phòng khách cơ quan vào cuối một buổi sáng chủ nhật. Tổng Cục trưởng Xuân Đăng vừa mới họp trên bộ về, còn nguyên bộ quần áo cấp tướng ngỡ ngàng ngắm Tùng trong bộ đại lễ màu trắng mang cấp hàm Trung uý. Ông đứng nghiêm trong tư thế chào đúng điều lệnh.

Tùng nhanh chóng đáp lễ: "Báo cáo Trung tướng Tổng Cục trưởng, tôi Trung uý Nguyễn Tùng có mặt, xin chỉ thị của đồng chí!". Trung tướng hô, chất giọng miền Trung ấm và dứt khoát: "Nghiêm, đằng sau quay". Tùng thực hiện các động tác quay một cách thận trọng nhưng khá chuẩn. "Đi đều bước, một hai, một hai…Dừng lại… Đằng sau quay, một hai, một hai…".

Mấy ngày ở nhà Trà My, Tùng đã ôn luyện các kỹ năng này cho nên nhịp bước và cách đánh tay của Tùng tương đối bài bản. Khi Tùng tiến sát gần đến Tổng Cục trưởng, ông dang tay ôm Tùng vào lòng sung sướng thốt lên: "Tùng ơi anh vui quá. Anh không ngờ em lại phục hồi nhanh như thế này".

Tùng cũng ôm choàng lấy Trung tướng mắt rớm lệ: "Em cám ơn cơ quan đặc biệt là anh nhiều lắm". Một thoáng trôi qua nhanh, Trung tướng trở lại với chức phận của mình. Ông mời mọi người ngồi và thân mật trò chuyện.

Hướng về phía Trà My, ông nói: "Nhìn vào bước đi vững chãi của Tùng, tôi thấy rõ bóng dáng cô Trà My ở phía sau. Cô đã làm được một việc lớn, vô cùng có ý nghĩa. Thay mặt cơ quan, tôi cảm ơn cô và xin thông báo một tin vui cơ quan đã có quyết định nhận Tùng trở lại làm việc. Vì thế, sau đám cưới của Tùng với Trà My và nửa tháng đi hưởng tuần trăng mật, Tùng sẽ trở về bắt tay vào cuộc chiến đấu mới cùng với chúng tôi". 

*

Đám cưới của Tùng và Trà My diễn ra quá mỹ mãn. Ở chốn rừng xanh núi thẳm xa xôi này, lần đầu tiên dân làng được chứng kiến đám cưới đông vui, trang trọng diễn ra ngay tại ngôi nhà mới xây còn thơm mùi vôi ve. Tùng và Trà My ngợp tràn trong hạnh phúc. Cả hai cứ ngỡ như đang sống trong một giấc mơ đẹp. Chỉ đến khi bố mẹ Tùng và mẹ Trà My đến nhắc hai con đi nghỉ, Tùng và Trà My mới bừng tỉnh. Tùng và Trà My chưa thể ngủ được ở phút giây này.

Tùng nắm tay Trà My dẫn ra mỏm đồi sim, nơi Tùng đã gắn bó suốt cả thời ấu thơ. Đứng ở mỏm đồi sim, nhìn xuống thung lũng phía dưới, một con suối nước trong veo có thể thấy rõ từng đàn cá lượn tung tăng chảy men theo bìa rừng xuôi về thị xã. Từ mỏm đồi sim nhìn lên, đêm nay trăng sáng quá. Vầng trăng lung linh trên đỉnh ngọn núi Ta Lư đứng yên toả thứ ánh sáng kỳ diệu phủ nét huyền ảo lên làng quê.

"Đây là nơi anh đã từng đứng ngắm vầng trăng này trong suốt cả tuổi thơ - tiếng Tùng thầm thì - em có thấy vầng trăng ở quê anh đẹp không?". "Đẹp và thơ mộng lắm anh ạ!". Trà My trả lời, khẽ nép vào ngực Tùng âu yếm. Mái tóc thơm của Trà My bị ngọn gió từ dưới thung lũng thổi lên xoã tung ôm trọn hai bờ vai có đính lon cấp uý của Tùng.

Trong ánh trăng kì diệu của vùng núi rừng, màu trắng sáng của bộ quân phục sỹ quan Công an lấp lánh như một minh chứng màu nhiệm chở che cho hạnh phúc lứa đôi. Từ trong xa thẳm của miền kí ức, Tùng ôm chặt Trà My vào lòng và nghe rất rõ tiếng của trái tim mình: "Trà My ơi, em đúng là báu vật của đời anh". 

Truyện ngắn của Nguyễn Đăng An
.
.