Tuổi cao giá trị càng lớn

Thứ Sáu, 15/05/2020, 08:27
Một phụ nữ đỡ một ông lão tiến vào phòng tranh. Đó là một phụ nữ trẻ, đẹp, trên ngón tay đeo một chiếc nhẫn to tướng, gắn kim cương lấp lánh, chỉ thoạt nhìn cũng đã biết là người có tiền. Chủ phòng tranh là Diễm Diễm vội bước ra đón khách; khi đến gần nhau, cô đột nhiên kêu to: “Kiều Kiều, là cậu phải không hả?”. Thì ra, Diễm Diễm gặp lại bạn học cùng lớp năm nao.

Bạn học lâu ngày gặp lại, hỏi thăm nhau là chuyện đương nhiên. Kiều Kiều hỏi: “Diễm Diễm này, tớ nghe nói là cậu lấy được chồng giàu; phòng tranh này là do cậu mở phải không?”.

Diễm Diễm đỏ bừng mặt. Tuy cô lấy được chồng giàu nhưng lại lớn hơn cô đến hơn hai chục tuổi. Sợ Kiều Kiều cười, cô vội lảng sang chuyện khác: “Kiều Kiều, hiện nay đầu tư vào sản phẩm nghệ thuật là chắc ăn nhất đấy; để tớ giới thiệu cho cậu vài bức tranh nhé!”.

Kiều Kiều đưa mắt nhìn khắp lượt, đáp: “Tuy tớ không hiểu biết lắm về hội họa song cũng có cách đầu tư riêng của mình, cậu chỉ cần giới thiệu cho tớ vài bức tranh quý nhất là được”.

Diễm Diễm mừng thầm trong bụng, ân cần dẫn hai người đến trước một bức tranh, nói: “Đây là một bức tranh quý của tớ, nó là một tác phẩm rất đắc ý của đại sư quốc họa Triệu Mặc, bức này...”.

Kiều Kiều phẩy tay, ngắt lời bạn: “Diễm Diễm, Triệu Mặc tiên sinh năm nay bao nhiêu tuổi?”.

Minh họa: Lê Tâm.

Diễm Diễm hơi sững sờ: “Ông ấy có lẽ... trên dưới năm mươi tuổi...”. "Năm mươi tuổi ư? Thôi...!”, Kiều Kiều cũng không cần thảo luận gì với người đàn ông, tự mình phủ quyết.

 Thấy tiềm lực của bạn, Diễm Diễm chuyển sang giới thiệu một bức tranh khác: “Còn đây là một tác phẩm ưng ý nhất của họa sỹ trẻ Lưu Gia Hiệp...”.

Ai dè, Kiều Kiều cắt ngang: “Khỏi cần phải xem nữa, tớ không có hứng thú với cánh họa sỹ trẻ!”, nói rồi đưa mắt sang phía bức tranh “Thúy trúc đồ” (Trúc mướt xanh-ND). Diễm Diễm thấy vẫn còn có cửa, liền tiến đến sát bên, nói: “Còn đây là tác phẩm của Đổng Vạn Sơn lão tiên sinh”.

Nét mặt Kiều Kiều lộ rõ vẻ vui mừng, cô vội hỏi: “Lão tiên sinh sao? Thế ông ấy bao nhiêu tuổi?”.

“Đổng tiên sinh năm nay ngoài tám mươi tuổi rồi, tranh hoa mai của ông ấy là quốc nội nhất tuyệt, ngàn vàng khó mua...”, Diễm Diễm đang chuẩn bị “thừa thế tiến công” thì Kiều Kiều đã quay sang người đàn ông đi bên cạnh, vui vẻ nói: “Tôi mua bức này, ông đi thanh toán tiền nhé!”.

Nói thực ra thì bức tranh này định giá cao nhưng chất lượng nghệ thuật cũng bình thường cho nên treo đã lâu mà không có ai hỏi mua, thấy Kiều Kiều quyết định mua thì Diễm Diễm vui lắm nhưng cô lại rất nghi ngờ: Tại sao Kiều Kiều lại phán đoán là bức tranh này có giá trị đầu tư nhỉ?

Kiều Kiều không chờ có ai hỏi, tự mình giải thích: “Sau khi hoạ sỹ chết, tranh của ông ấy tự nhiên mới có giá trị. Một bức tranh lúc sống bán có giá trị một thì sau khi họa sỹ chết, bức tranh có thể trị giá mười. Bức “Thúy trúc đồ” là tác phẩm của họa sỹ lão thành nên chờ ông ấy chết thì sẽ rất có giá trị nhé”.

Diễm Diễm cười thầm trong bụng, nói: “Có đạo lý, có kiến thức đấy!”.

Kiều Kiều càng đắc ý: “Cho nên, cách đầu tư của tớ là tuổi tác tỷ lệ thuận với giá trị, tuổi càng cao giá trị càng lớn; bất cầu quý, chỉ cầu lão thôi!, nói đến đây, cô chuyển chủ đề. Diễm Diễm, nghe nói chồng cậu cũng lớn tuổi hơn cậu khá nhiều phải không?”.

Diễm Diễm còn đang lúng túng, chưa biết trả lời ra sao thì Kiều Kiều tiếp tục: “Có gì là khó hiểu đâu, hôn nhân cũng là một dạng đầu tư. Tớ cảm thấy chênh lệch tuổi tác giữa hai vợ chồng cậu như thế là vẫn còn ít đấy”.

Diễm Diễm dở khóc, dở mếu, cười nhạt đáp: “Có phải cậu định nói, cưới chồng được vài hôm thì chồng chết là tốt nhất phải không?”. Kiều Kiều còn chưa kịp đáp lời thì người đàn ông cao tuổi vẫn đi bên Kiều Kiều ôm ngực, toàn thân run rẩy, ngón tay run lẩy bẩy chỉ vào Kiều Kiều, lắp bắp: “Cô..., cô, cô...” rồi đột nhiên trợn mắt, ngã nhào.

Diễm Diễn hoảng hốt, kêu thất thanh: “Kiều Kiều, hỏng rồi, cha cậu ngất rồi!”.

Kiều Kiều trợn mắt, gắt: “Mắt mũi cậu thế nào vậy? Ai là cha tớ chứ? Ông ấy là chồng tớ!”.

Truyện vui của Lý Lôi (Trung Quốc)- Trần Dân Phong (dịch)
.
.