Tội ăn to uống lớn

Thứ Năm, 05/04/2018, 08:28
Tỉnh trưởng đến thành phố điều tra nghiên cứu, trong thời gian đó cần tổ chức một hội nghị có các cán bộ thanh niên tham dự. A Minh vừa tốt nghiệp đại học, thật may mắn được chọn, vui mừng ngồi ở bàn tròn hội nghị.

Trên bàn trước mặt người tham dự hội nghị bày micro, giấy và cocacola.

Trong hội nghị, mọi người đều tranh nhau phát biểu, hi vọng có thể nói vài câu để lưu lại ấn tượng tốt cho lãnh đạo, nhưng do vấn đề thời gian, A Minh không thể thực hiện theo ý nguyện. Mọi người tranh thủ phát biểu, đến tan hội mới cảm thấy khát nước. Thế là khi chủ trì hội nghị tuyên bố kết thúc, A Minh vô thức cầm lấy bình cocacola ở bàn của mình, thuận tay cho vào túi.

Cử chỉ này bị Tỉnh trưởng cùng với Thị trưởng để ý. Ông ta chau mày lại, hỏi thư kí người thanh niên kia là ai. Thư kí trả lời là sinh viên mới được phân đến công tác ở Ban Kinh tế đối ngoại.

Kết thúc chuyến điều tra công tác của Tỉnh trưởng, Thị trưởng mở hội nghị chuyên môn bao gồm các lãnh đạo ban ngành truyền đạt chỉ thị quan trọng trong thời gian khảo sát của Tỉnh trưởng, đồng thời tổng kết ngắn gọn về công việc đón tiếp lần này. Trong lúc tổng kết, Thị trưởng chỉ ra một số chỗ không hài lòng trong quá trình tiếp đãi, đồng thời phê bình thanh niên mới tốt nghiệp đại học làm ở Ban Kinh tế đối ngoại đến dự hội nghị không hiểu quy định, ham lợi, không biết giữ hình tượng, đã đem nước uống đi.

Minh họa: Lê Tâm.

Lãnh đạo Ủy ban rất mất mặt, đi về tìm A Minh, khéo léo nhắc nhở anh ta trong cơ quan phải chú ý tiểu tiết, đồng thời nói qua loa về việc anh ta đem bình cocacola đi bị Thị trưởng phê bình. A Minh cảm thấy oan khuất, muốn giải thích với Chủ nhiệm. Chủ nhiệm khoa khoa tay nói: “Được rồi, được rồi, lần sau chú ý nhé”.

A Minh đi về, càng nghĩ càng nổi giận. Bình cocacola đó vốn dĩ là dành cho những người tham dự hội nghị uống, tôi lúc đó nếu uống thì đã chẳng có chuyện gì? Lúc đó uống thì bình thường, nhưng cầm đi thì bất bình thường, thì là ham lợi, thì là không hiểu quy tắc. Đây là quy củ gì, là logic gì? Cái bệnh ngoan cố được nuôi dưỡng từ thời đại học của A Minh lại phát tác, vì thế, suốt đêm A Minh thức viết thư cho Thị trưởng, giải thích hành vi của mình là có lí từ nhiều góc độ.

Thị trưởng vốn dĩ không biết A Minh tên họ là gì, xem xong thư, lại càng cáu giận, ông ta phê duyệt trên thư, đồng thời còn gạch chân những từ quan trọng. Lá thư rất nhanh được chuyển đến Phòng Tổ chức và Ban Kinh tế đối ngoại, các lãnh đạo thấy rất khó xử, quyết định phân công nhau tìm A Minh nói chuyện.

Càng nói A Minh càng hồ đồ, càng nói càng cảm thấy vấn đề của bản thân nghiêm trọng. Anh bắt đầu liên tiếp phải viết kiểm điểm, liên tiếp phải giải thích với đồng nghiệp, và liên tiếp phải bỏ tiền ra mua cocacola mời mọi người uống, liên tiếp nhiều lần cứ như là hiến máu nhân đạo vậy, hi vọng có thể chứng minh bản thân không ham lợi, càng không phải tư lợi quá đáng cho mình.

Tất cả đều uổng phí, A Minh cuối cùng tuyệt vọng. Bởi vì trong cơ quan tổ chức các loại hội nghị, đều đem việc cocacola của A Minh trở thành ví dụ phản diện, kêu gọi mọi cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ phải tự lập, có tư tưởng liêm khiết phụng sự việc công.

A Minh quyết định kháng án, nhưng lại tìm không ra chứng cớ bị bức hại. Không có ai trừ lương của anh ta, cũng không có ai đình chỉ công việc của anh ta, nhưng anh ta cảm thấy không thoải mái. Anh ta buồn bực và khó chịu mấy năm trời.

Khi chính phủ cải cách hành chính, anh ta chủ động xin đến làm việc ở cơ sở. Lãnh đạo phê duyệt yêu cầu của A Minh.

A Minh nhẹ nhõm đến giữ chức ở một thôn nghèo, làm Trợ lí Trưởng thôn. Ngày đến nhận chức, anh ta mua một xe cocacola trong thành phố, đến thôn tận tình mời hết thảy già trẻ trai gái uống.

Một tháng sau, A Minh nhận được thông báo phê bình, nói anh ta đến cơ sở “ăn to uống lớn”. A Minh hiểu rõ, “ăn to” thì không đủ, nhưng “uống lớn” thì chứng cớ vô cùng xác thực.
Truyện vui củaLao Mã (Trung Quốc)- Minh Thương (dịch)
.
.