Tội ác từ ánh mắt nhìn trộm

Thứ Năm, 21/07/2016, 08:08
Trưa 23 tháng hai năm 2008, Lưu Hiểu Nhiễm - nữ giáo sư Học viện Sư phạm Trùng Khánh ra ban công phơi quần áo, vừa lúc một người đàn ông đi ngang qua bên dưới, nhìn lên thấy Hiểu Nhiễm da trắng thấp thoáng dưới chiếc váy ngủ lụa hồng, tóc dài xõa bay, vóc dáng thon thả… thì lòng dạ xao xuyến, chân bước đi rồi mà ba bốn lần quay đầu nhìn lại.

Lưu Hiểu Nhiễm sinh năm 1979, tốt nghiệp thạc sỹ Đại học Tứ Xuyên, đến Học viện Sư phạm Trùng Khánh dạy học. Tháng 2 năm 2008, Hiểu Nhiễm thuê một căn hộ tại khuôn viên của trường. Chồng công tác tại Trịnh Châu nên Hiểu Nhiễm tự dọn đến căn hộ mới thuê; cô rất thích ra ban công ngắm cảnh vì từ đó nhìn phong cảnh rất sinh động.

 Người đàn ông tên là Trần Bằng, sinh năm 1974, nhà ở gần Học viện Sư phạm, làm nhân viên bảo vệ cho một công ty. Mỗi lần đi qua Học viện Sư phạm, gã không giấu nổi sự thèm muốn khi nhìn thấy những bóng dáng thướt tha của nữ sinh.

Sẩm tối ngày 21 tháng hai, về qua tòa nhà, Trần Bằng rất thích thú khi chợt thấy trên ban công tầng hai một phụ nữ tóc dài, vóc dáng thon thả nhưng vì trời đã tối nên không thể nhìn rõ mặt. Sáng hôm sau, Trần Bằng thấy trên ban công có phơi đồ lót phụ nữ màu phấn hồng, không thấy có ai thì trong lòng càng thêm hiếu kỳ. Rồi một hôm khác, gã đã nhìn rõ dung mạo đẹp đẽ của người phụ nữ

Lưu Hiểu Nhiễm quá gợi cảm đã kích thích tâm trí Trần Bằng, giống như con sóng càng ngày càng lớn. Lần nào qua đó, Trần Bằng cũng không kìm nén được, liên tục nhòm ngó lên ban công. Một buổi sáng, nhìn thấy người phụ nữ vừa dụi mắt, vừa rút quần áo lót, tâm lý gã kích động mạnh như vừa phát hiện ra điều bí ẩn, riêng tư gì đó. Dần dần, Trần Bằng nhận thấy phơi trên dây toàn là đồ của phụ nữ trẻ như đồ lót, quần bò, váy… Gã kết luận: đó là một phụ nữ sống độc thân. Rất nhiều lần thấy ở người phụ nữ thần thái lãnh đạm và dáng vẻ thẫn thờ, gã càng ham muốn tìm hiểu sâu hơn về người phụ nữ này.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Một buổi tối đầu tháng ba, Trần Bằng tản bộ qua lầu vừa đúng lúc Lưu Hiểu Nhiễm đi xuống, gã liền bám theo Hiểu Nhiễm đi đến cổng trường để mua trái cây. Gặp một học sinh cất tiếng chào "Dạ, cô Lưu!" thì gã mới biết cô họ Lưu. Qua thăm dò, Trần Bằng được biết thêm, họ tên đầy đủ của cô là Lưu Hiểu Nhiễm, mới đến dạy ở khoa nghệ thuật.

Dịp nghỉ lễ 1-5, Trần Bằng rất cay cú khi nhìn thấy Lưu Hiểu Nhiễm đang thân mật ngả đầu vào vai một người đàn ông đeo kính. Lúc đó đã là gần trưa, gã liền theo hai người đi đến nhà ăn. Dọc đường gặp người quen, Hiểu Nhiễm đều giới thiệu người đeo kính là chồng cô, vừa từ Trịnh Châu đến. Thì ra là thế! Bây giờ Trần Bằng đã hiểu: thần thái nữ giáo sư lãnh đạm, tẻ nhạt chỉ vì "nhà không, vườn trống", không có chồng ở bên. Gã nghĩ cứ liều xông vào, biết đâu thiếu phụ lại chẳng lăn vào vòng tay của hắn!

Để thực hiện ý đồ, Trần Bằng nhiều lần tạo cơ hội tiếp xúc với Hiểu Nhiễm. Gã theo cô đi khắp nơi nhưng Hiểu Nhiễm không mảy may để ý đến gã và gã thấy rất khó để có thể thu hút sự chú ý của cô. Không lâu sau, Trần Bằng nghĩ "Trên phim ảnh, không ít phụ nữ "trật bánh" vì không chịu nổi sự cô đơn, lạnh lẽo; thậm chí có thể nảy sinh tình cảm cả với những người thợ làm dịch vụ sửa chữa tại gia. Liệu Hiểu Nhiễm có phải thuộc loại người đó không?".

Cuối tháng sáu, Trần Bằng in một tấm danh thiếp dưới họ tên và số điện thoại khác, ghi là thợ chuyên nghiệp lắp đặt, thông tắc đường ống nước, sửa chữa bình nóng lạnh, bếp gas, máy hút mùi v.v…sau đó đem nhét vào khe cửa nhà Hiểu Nhiễm và bắt đầu chờ đợi cô gọi đến nhà để "phục vụ". Từ đó, Trần Bằng luôn ảo tưởng được ở cùng Lưu Hiểu Nhiễm. Cảm giác này luôn bao trùm đầu óc để rồi nảy thành cái mầm tội ác trong gã.

Trưa 23 tháng tám năm 2008, Trần Bằng nhận được điện thoại của Lưu Hiểu Nhiễm, gọi gã đến nhà để sửa bếp gas. Gã thấy cần nắm ngay cơ hội này và tự nhủ "buổi tối hôm nay nhất định mình phải thực hiện được mong ước ấy". Khoảng bảy giờ rưỡi tối, gã lấy hộp bao cao su, cuộn băng keo, giắt theo một con dao, uống một ly rượu để lấy can đảm rồi mò đến nhà Lưu Hiểu Nhiễm.

Lúc đó khoảng tám giờ, Trần Bằng đi đi lại lại khá lâu rồi mới can đảm lên lầu hai, gõ cửa nhà Hiểu Nhiễm. Vì quá căng thẳng nên sau khi gõ cửa, gã lui lại và khi thấy Hiểu Nhiễm ra mở cửa thì gã lỉnh xuống tầng dưới. Lưu Hiểu Nhiễm mở cửa nhưng không thấy có ai thì cũng cảm thấy có gì kỳ quái. Một lát sau, Trần Bằng lấy hết dũng khí nam nhi, quay lên gõ cửa. Hiểu Nhiễm mở cửa, thấy gã thì hỏi có phải là thợ chữa bếp gas không; Trần Bằng chột dạ, lắp bắp: "Tôn Vân có ở đây không?". Hiểu Nhiễm đáp là gã tìm nhầm người rồi đóng cửa lại.

Đứng bên ngoài, Trần Bằng hối tiếc mãi không thôi. Gã vừa tự phủ nhận là thợ chữa bếp gas thì làm sao còn có thể vào "phục vụ tại nhà" được nữa? Mười phút nữa trôi qua, Trần Bằng hạ quyết tâm gõ cửa nhà Hiểu Nhiễm một lần nữa.

Lưu Hiểu Nhiễm có dự cảm chẳng lành liền gọi điện cho chồng: "Thợ sửa bếp gas không đến nhưng lại có một tay đàn ông lạ mặt liên tục gõ cửa", anh chồng dặn dò phải cẩn thận. Trước khi mở cửa, Hiểu Nhiễm hỏi: "Anh là ai?" thì người bên ngoài đáp: "Mở cửa ra ngay!". Cô hé cửa và phát hiện ra đó là người đàn ông ban nãy thì lập tức đóng cửa nhưng không kịp, Trần Bằng đã đẩy mạnh cánh cửa, xông vào nhà và đóng sập cửa lại.

Lưu Hiểu Nhiễm kêu cứu ầm ĩ, Trần Bằng phát hoảng lập tức một tay xiết cổ, một tay cầm con dao dài sáu tấc kề vào cổ cô, đe dọa: "Cô còn kêu, tôi giết ngay!", gã lấy băng keo dán lên miệng, xong quấn vào cổ chân rồi bẻ quặt tay cô ra phía sau và quấn tiếp băng keo rồi bế Hiểu Nhiễm vào phòng ngủ, đặt lên giường, kéo rèm cửa sổ.

Sự thèm thuồng bị kìm nén khiến Trần Bằng mất hết lý trí. Mặc kệ Hiểu Nhiễm giãy giụa, kêu khóc, gã mang bao cao su và cưỡng dâm cô, xong rồi tháo bao quăng vào thùng rác. Xong việc, Trần Bằng định chuồn. Ra đến phòng khách, gã chợt nhìn thấy tấm "danh thiếp" của mình đặt ở trên ghế liền nghĩ ngay: nếu bỏ qua Hiểu Nhiễm, chắc chắn cảnh sát sẽ lần theo đầu mối và nhanh chóng tìm ra gã, thế là Trần Bằng quay lại, quyết định sát hại Hiểu Nhiễm. Gã dùng dây điện của quạt bàn quấn vào cổ Hiểu Nhiễm, xiết chặt. Hiểu Nhiễm nhanh trí giãy giụa rồi trợn ngược mắt, nằm im giả chết. Trần Bằng kéo Hiểu Nhiễm qua phòng bếp thì dừng lại, lấy chiếc kiềng bếp gas đập mạnh vào đầu cô, máu chảy lênh láng. Thấy Hiểu Nhiễm không thở nữa, gã tháo băng keo, lôi cô vào toa let, xả nước nóng chùi rửa sạch sẽ, thận trọng tạo hiện trường giả "tử vong vì vô ý". Để hòng xóa hết dấu vết, gã dùng giẻ lau sạch các vết máu; lấy tấm "danh thiếp", chiếc bao cao su, điện thoại và đồ lót của Lưu Hiểu Nhiễm cho vào túi nilon và mang đi.

Lại nói Lưu Hiểu Nhiễm giả chết, nghe tiếng cửa phòng đóng sập liền cố sức kêu cứu. Không lâu, một sinh viên khoa thể dục xông vào, phát hiện ra cô liền lập tức gọi cấp cứu và cảnh sát. Sau đó, cô được đưa ngay đến bệnh viện trung tâm Phú Lăng. Cảnh sát địa phương rất nỗ lực điều tra nhưng phần vì dấu vết, vật chứng… ở hiện trường quá ít, phần vì do quá hoảng sợ nên Lưu Hiểu Nhiễm chỉ mô tả hung thủ rất sơ sài, không cung cấp đủ thông tin nên việc điều tra rơi vào bế tắc. Sau khi bình phục, Lưu Hiểu Nhiễm theo chồng rời khỏi Trùng Khánh, còn ở Học viện Sư phạm qua hơn hai năm không có việc gì xảy ra.

Mười giờ sáng 4 tháng 1 năm 2011, bảo vệ của Học viện Sư phạm bắt quả tang một nam giới đang nhìn trộm và có hành vi quấy rối nữ sinh. Cảnh sát điều tra và nhận định "đây là Trần Bằng - nghi phạm gây ra vụ cưỡng dâm 23-8-2008". Gã khai nhận, sau khi sát hại Hiểu Nhiễm, biết cô không chết nên gã rất hoảng sợ, bỏ đi nơi khác làm ăn, mãi gần đây mới trở về. Ngày 4 tháng 1 là sinh nhật, gã uống một chút rượu rồi đi vào khuôn viên trường, thấy trên ban công có bóng dáng giống Lưu Hiểu Nhiễm đến kỳ lạ và gã đã định hành động vì không kìm nén được.

Ngày 30 tháng 9 năm 2011, Tòa án nhân dân thành phố Trùng Khánh tuyên án tù chung thân, tước đoạt vĩnh viễn quyền lợi chính trị đối với bị cáo Trần Bằng vì đã phạm các tội "cưỡng dâm", "giết người", "cướp tài sản". Vợ chồng Lưu Hiểu Nhiễm vắng mặt tại phiên tòa, còn Trần Bằng thì ân hận nói: "Chỉ vì tôi không kiềm chế được bản thân mình…".                                                                              
Di Lặc - Tiểu Bảo (Trung Quốc)- Trần Dân Phong (dịch)
.
.