Thiên Bình

Thứ Năm, 09/07/2020, 08:35
Tôi kết thân với chị qua những chiều không lên lớp, cũng là cách để khuây khỏa nỗi nhớ nhà. Chị giúp tôi làm quen với chúng bạn, dạy tôi cách ủ cơm trong chiếc chăn bông, cùng tôi xuýt xoa cho những luống cải nương khi gió đông về...

Có những bản làng quanh năm mờ sương và ướp thơm mùi hương quế.

Có những cánh chim quanh năm tất bật sải cánh trên những cánh đồng để mùa xuân rúc rích về bên mái lá ríu rít với cả đàn con.

Có những ký ức chẳng bao giờ phai dù đi qua những ngày đông nhạt nắng.

Và có những mùa thu đi qua tôi trong nỗi nhớ không tên và không rõ hình hài…

*

Tôi sinh ra vào mùa thu khi rừng cây bắt đầu úa màu. Và phải đến khi những cơn gió hun hút thổi từ rừng già xuyên qua vách gỗ nhà sàn lạnh buốt, tôi mới bắt đầu biết khóc. Bố ôm tôi suốt một mùa thu trong lồng ngực căng đầy, quấn tôi vào chiếc khăn thổ cẩm, miệng lẩm nhẩm những câu hát chẳng có đầu có cuối. Cả một tháng trời, mỗi khi mặt trời trôi trên đỉnh núi, ông nội lại cầm chiếc mui rùa cùng những thanh tre khắc hình cổ tự, nhìn về hướng Tây và bấm đốt tre hỏi thần rừng về lá số cuộc đời tôi.

Chẳng ai trong bản hiểu vì sao ông bảo tôi được sao Thiên bình che chở, sinh ra trong bão tố để rồi như cây thông già đầu dốc, can trường trong bão và vi vút hát ca suốt những ngày hè trong cái thân mình thô tháp.

Tôi chẳng biết tương lai liệu mình có oai phong như những cây cổ thụ mọc giữa rừng già, hay chỉ như những khóm lan bám mình trên đó, nhưng biết chắc chắn ông nói đúng một điều: Bóng mẹ trôi về bên kia núi ngay từ khi tôi mới lọt lòng để ông và bố thay nhau nuôi tôi bằng sữa của những đàn bò, đàn dê trong bản. 5 tuổi, tôi bắt đầu thích thú với cái đài bán dẫn ọt ẹt tiếng người trong sắc mặt lạnh như dòng suối giữa mùa đông lạnh giá.

Thầy giáo cắm bản bắt đầu dạy tôi những chữ cái đầu tiên trong một ngày thu xanh biếc. Học sinh của thầy có tôi lên 6, có đứa bước sang tuổi thứ 10. Cả buổi học hầu như tôi mặc kệ chúng bạn, chẳng bắt chuyện câu nào mà chăm chú vào từng nét vẽ. Thầy bảo tôi học hay nhất lớp, tôi cười trong bụng, khuôn mặt phẳng lặng như chiếc ao tù… Thầy kể cho chúng tôi nghe về nhiều điều mới lạ, nuôi dưỡng ước mơ trong tôi về một cuộc sống đủ đầy.

Tôi nuốt từng điều thầy giảng… Những đêm mùa thu sau tôi nằm bên ông trên chiếc phản gỗ pơmu thơm phức, thuật lại với ông theo lời thầy kể về cuộc sống nơi thành phố xa tít tắp với những sắc màu huyền ảo, lung linh. Ông lơ mơ ngủ, thi thoảng hỏi mấy câu bâng quơ. Tôi bảo ông: "sau này cháu lớn, ông có theo cháu ra thành phố không?". Ông cười: "tao ra đó để người thành phố chạy lên bản tao à!". Tôi lặng im, lòng tự nhủ nhất định sau này lớn sẽ ra thành phố,  đưa cả ông và bố ra đó cùng tôi.

Tôi phải xa thung lũng bắt đầu từ mùa thu thứ 11. Đêm trước tôi đi, ông ngồi kỳ cọ cái nồi và chiếc chảo gang mà ông phải ngâm suốt mấy ngày dưới lòng suối cho hết màu khói ám để tôi mang ra trung tâm xã đi học cái chữ to hơn. Bố gọi tôi dậy khi những chòm sao chưa đi ngủ và đàn chim sẻ vẫn lích rích trong những hốc bương trên mái lá. Ông dắt tôi lên đầu con dốc, nơi cây thông già bị sét đánh cụt ngọn, lừng lững như người cận vệ già mang thương tích sau những trận chiến vẫn trở về bao bọc cả dân làng. Tôi nắm chặt tay ông, cảm giác sờ sợ ông sắp bỏ rơi mình.

Ông xoa đầu tôi: "Kiên, nhớ lấy cái cây thông này để mà học chữ và học thành người tử tế, nếu không ông chết cũng chẳng về đỉnh núi…". Ngày đó tôi chỉ lờ mờ hiểu ông đặt niềm tin rằng tôi sẽ mang một khí khái can trường, một sức sống tươi trẻ và mãnh liệt. Tôi bám theo bố đi men theo những con đường đất nhỏ, xuyên qua những làn sương sớm mịt mùng và chầm chậm bỏ lại những tàng cây hai bên đường mang bóng dáng của những hình nhân trong bức tranh mang gam màu tối sáng.

Minh họa: Đỗ Dũng

Cả buổi bố chẳng nói câu nào, chỉ cong mình đẩy chiếc xe đạp đi lên những con dốc cao, thả trôi cả hai bố con xuống những con dốc đổ và bì bõm vác xe trên vai qua những đoạn suối sâu... Tôi biết trong lòng bố đang ngổn ngang nhiều thứ, như cơn bão vừa mới đi qua trên đỉnh núi tùng. Bố lo cho tôi phải ở một nơi rất lạ, thương tôi phải tự chăm sóc bản thân mình và sợ tôi sống những tháng ngày thiếu hơi ấm của rừng… Tôi thấy thương bố, thương cuộc sống bàng bạc quẩn quanh của bố mấy chục năm qua, thương mái nhà sàn quanh năm bảng lảng khói sương của bố, thương cả thung lũng đẹp mà buồn cùng cực của ông…

Tôi và bố đến trường khi mặt trời đứng giữa đỉnh cây… Bố đi gặp thầy, rồi sắp quần áo vào cái hòm sắt cho tôi, dặn dò dăm ba câu và lặng lẽ ra về. Tôi nhìn bóng bố dần khuất mờ trên triền núi, cố nén một dòng cảm xúc dâng lên đôi mắt. Đứa con gái đến trường trước tôi đứng dựa cột nhà khẽ thở dài nhìn tôi từ phía sau, đôi mắt tròn trôi theo cả những vạt rừng già buồn thăm thẳm. Sáng sau lên lớp, tôi mới biết đứa con gái ấy hơn tôi 2 tuổi, học trên tôi 1 lớp. Tôi gọi là chị. Lớp chỉ có hơn hai chục học sinh, nửa lớp 6, nửa lớp 7, chị ngồi bàn kế bên liền dãy với tôi, mái tóc dài hung hung màu nắng…

Tôi kết thân với chị qua những chiều không lên lớp, cũng là cách để khuây khỏa nỗi nhớ nhà. Chị giúp tôi làm quen với chúng bạn, dạy tôi cách ủ cơm trong chiếc chăn bông, cùng tôi xuýt xoa cho những luống cải nương khi gió đông về và luôn giành xách chiếc can to mỗi khi đi lấy nước trên thượng nguồn con suối. Tôi thích ngồi cùng chị trên phiến đá rộng nơi lưng chừng dốc, kể chị nghe về cuộc sống 3 người đàn ông trong mái nhà sàn dáng liêu xiêu trong những chiều nổi gió nơi thung lũng xa mờ, lắng nghe những ký ức hanh hao và nỗi nhớ nhà, nhớ bà và nhớ em của chị.

Bản chị cách thung lũng tôi khoảng 1 giờ đồng hồ đi bộ. Bố chị đi phu vàng, rồi bỏ mạng sau một lần sập hầm để chẳng bao lâu sau bóng mẹ chị trôi theo đoàn người mang theo cờ phướn về phía bên kia vạt núi lúp xúp những bụi cây thưa. 10 tuổi, chị chưa một lần bước qua cây cầu treo để ra trung tâm xã. Ra rồi chị muốn trốn về. Nhưng chị không nhớ đường về bản, sợ bà giận chị. Chị ở lại trong nỗi nhớ quay quắt mái nhà sàn lỗ chỗ những vì sao.

Chị đi học như thể để trả một lời nguyền, lời nguyền về cuộc đời những đứa con gái bản không biết đọc những dòng chữ in trên giấy báo. Tôi hỏi chị học rồi chị sẽ làm gì, chị chẳng trả lời, chỉ hút nhìn về phía xa nơi có những đụn khói bốc lên từ một bản làng nào đó. Tôi chẳng nhìn về phương đó, tôi nghĩ tôi sẽ ra thành phố học tiếp những con chữ của thầy.

Khoảng hơn tháng bố lại cọc cạch đạp xe đến thăm tôi, mang cho tôi cả bao tải măng khô, gạo, lạc và đủ loại rau rừng. Lần nào gặp, tôi cũng thấy bố khang khác, mái tóc ngả màu suối và đôi mắt trũng như hang sâu trong núi, chỉ riêng đôi bàn tay vẫn cáu cạnh màu nhựa quế, tỏa hương ấm nồng trong tiết lạnh mùa đông. Tôi hỏi bố dạo này ông còn có đi rừng. Bố thở dài bảo ông ho lắm. Tôi thấy lo.

Những mùa đông trước ông vẫn sù sụ ho trong những cơn gió rít qua khe cửa, thi thoảng ông không ngủ, ngồi hơ tay lên đống than âm ỉ khói, miệng ngậm cái tẩu thuốc nhẵn thín bởi dấu vân tay… "Con muốn về thăm ông", tôi bảo. Bố chẳng ứ hừ, chỉ dắt vội chiếc xe đạp rồi đi nhanh về bản. Chị đứng sau tôi buồn rười rượi. Tôi biết chị lại nhớ bà…

Mùa thu tuổi 13 bố chẳng còn đưa tôi đến lớp. Ông bảo chân tôi đã cứng và chân bố thì ngày một mềm, dù có giẫm phải gai cũng phải cố mà đi cho thẳng. Tôi lấy xe của bố, đi theo con đường cũ đến trường. Thêm một năm chị lại đến trường trước tôi, nhổ sạch những bụi cây mọc hoang khắp sân khu nhà nội trú và đón tôi từ rất xa.

Tôi thấy chị khác lạ, mái tóc dài được búi lên cao phảng phất mùi hương mới, đen như màu mắt chị, chiếc áo trắng thêu bông hoa cúc vàng nho nhỏ, nhô cao giữa một khoảng mây trời. Chị ngượng ngùng khi bắt gặp ánh mắt tôi dò xét, hỏi tôi đi đường có mệt. Tôi bảo tôi ổn, giờ có thể đưa chị về thăm bà ngay được.

Chị cười: "Ừ, rồi sẽ có ngày đưa chị về, lúc đó đừng có mà kêu mệt". Tôi nhìn vào mắt chị, thấy lấp lánh niềm vui… Những chiều thu ấy chị thường kêu tôi đi lấy nước. Tôi bảo: "Chị để đó, học xong mình em sẽ mang hai can nước về cho chị". Chị đứng ngoài sân đợi, gõ hai chiếc can vào nhau bình bịch, tôi đành gấp sách vở, bắt chị nhường tôi chiếc can to. Chị cười bảo: "sau này ai về nhà em hẳn là người có phúc có phần...".

Tôi chẳng hiểu người về nhà tôi là ai và ai sẽ chịu về căn nhà ươm khói chất đầy vỏ quế, chỉ thấy một khoảng lặng và cái bẽn lẽn chưa từng thấy ở một người con gái. Xuân sang chị hay tha thẩn lên đồi cao hái những bông hoa dại mang về cắm ở cái cốc nhựa bạc màu, vẩn vơ ngắm nhìn bên những trang giấy đang viết dở, đôi mắt đượm vẻ núi đồi khi nắng chiều sắp tắt. Chị bảo hết năm chị sẽ về để chăm sóc bà, sẽ không lên huyện học hành như chúng bạn.

Bất giác tôi thấy thật buồn, tôi bảo: "Chị không học tiếp, rồi mai ai sẽ cho em mượn sách, ai sẽ mua bút cho em, ai sẽ lên đồi mang về những quả mâm xôi đỏ rực chiều hè mới chớm...". Chị nhìn về phía xa xăm: "Con gái bản chị, chẳng ai học qua lớp 9…".

Tôi dỗi hờn: "Kệ chị, chị không đi học tiếp thì đừng làm bạn với em, đừng mong em đưa chị về bản thăm bà…". Chị thở dài, đôi mắt buồn bâng khuâng như cơn gió thổi nhè nhẹ giữa thung lũng mờ xa. Suốt mùa thu sau tôi đến lớp trong nỗi buồn trống vắng và nỗi nhớ không tên. Lớp tôi chẳng còn đủ hai chục học sinh, tôi nhìn sang dãy bàn kế bên, đứa con gái dưới tôi một lớp ngồi thay chỗ chị, sao mà trống vắng.

Những buổi chiều tắt nắng tôi thường liếc nhìn về gian nhà nội trú phía bên, lòng bần thần tự hỏi chị đi đâu sau khi những trang sách cấp 2 được chất vào hòm gỗ, ở đâu trong miền sơn cước trập trùng đồi núi và vang vọng tiếng suối sông…

3 năm học tôi dần nhận thấy một sự quan tâm pha lẫn niềm yêu thương thật lạ, êm dịu và nhẹ nhàng như tiếng hát của rừng thông trong cơn gió chiều hè. Để rồi khi đã dần quen với nó, tôi lại trở về với cuộc sống xưa cũ như khi lớn lên bên ông và bố, những người đàn ông chỉ biết thể hiện tình yêu cho những đam mê nơi sâu thẳm rừng già…

Tôi ra trường huyện học thêm những con chữ của thầy vào một ngày thu hao gầy tuổi 15. Tôi chở bố ra trung tâm xã, chất vội chiếc hòm sắt vào trong cốp chiếc ôtô khách rồi nhìn bố lọc cọc đạp xe về, lòng buồn mênh mang. Ông dậy sớm trong buổi sáng tôi đi, lần giở chiếc túi bọc nhiều lớp giấy báo rồi đưa tôi chiếc khánh bạc, dặn dò tôi cất đi phòng khi cảm phong hàn. Tôi nắm tay ông, cảm giác dưới lớp da là những cành cây khô khốc. Chợt thấy ông như quả thông già đầu dốc, đến khi chẳng còn nhiều nhựa sống càng cố bám trên cành…

Tôi lặng im nhìn qua cửa kính ngắm nhìn những ngọn đồi thưa thớt, những đàn trâu tha thẩn trên những cánh đồng thơm mùi rơm mới, ngạc nhiên với con sông rộng chưa nhìn thấy bao giờ. Trường tôi ở giữa thung lũng mà mọi người gọi là thị trấn, nơi có những ngôi nhà cao tầng như những chiếc hòm gỗ xếp chồng lên nhau với đủ loại sắc màu. Tôi nhận phòng trong khu nội trú, một căn phòng hẹp với những chiếc giường sắt chồng cao như cái chuồng chim…

Tôi thích thú ở trên tầng 2, ngắm nhìn những chiếc ôtô chạy đi chạy lại khắp những con đường thảm nhựa qua ô cửa nhỏ, cảm giác mình như một con chim lớn được nhốt trong ngăn lồng chật hẹp… 15 tuổi, tôi phổng phao như bụi rong rừng sau những cơn mưa.

Tuần đầu ở trường với cái chống chếnh lạ thường. Tôi nhớ bố, nhớ ông, thương cuộc đời của hai người đàn ông nơi đại ngàn sông suối và nhớ về những tháng ngày xưa cũ giờ đã không thuộc về mình. Ông nội bảo bố nhiều đứa gái bản muốn về nhà này lắm đấy, ưng cái bụng thì đưa về để nhà có bóng người phụ nữ. Bố chẳng nói gì, lặng câm như chiếc đầu con bò rừng ông treo trên vách gỗ. Bố sống như một lời hẹn trong ký ức cuộc tình của bố, như thể cái tình cảm dành cho những người con gái trong bản đã theo mẹ về cõi hư vô.

Những đêm thao thức bởi một ký ức xa vời nào đó, tôi chợt nhớ những ánh mắt buồn nơi thung lũng quạnh quẽ và nhớ đến chị với cảm giác mắc nợ nhiều điều, ít nhất là một câu chào từ biệt, một lời hẹn sẽ về bản chị thăm bà… Để sáng sau khi nhìn thấy một bóng dáng thân quen, chạm mặt vào đôi mắt tròn đen trôi theo ánh chiều bên dòng suối nhỏ, tôi ôm lấy chị nhảy cẫng lên đầy phấn khích, rồi bất chợt khựng lại khi nhận ra mình đang đứng giữa sân trường.

Tôi lùi lại phía sau, đứng trân trân nhìn chị, thấy trước mắt mình là một bông mai vàng trên núi, đẹp rực rỡ dù chẳng cố khoe khoang, một vẻ đẹp thuần khiết như dòng suối trong xanh vắt vẻo giữa đại ngàn. Hơn một năm không gặp, tôi bất ngờ khi nhận thấy ở chị một sự đủ đầy, thấy những con đường uốn lượn bên những ngọn núi nhấp nhô… Chị bảo tôi: "Kiên thành thanh niên rồi đấy". Tôi cười. Một nụ cười chờ đợi suốt những mùa thu…

Tuổi học trò mải miết trôi theo dòng nước, lắng đọng những ký ức yêu thương như tàn tích ngàn năm của dãy núi đá vôi chìm dưới lòng suối nhỏ. Lớp học của chị tan theo mùa hoa sim tím khắp triền đồi. Chị chuyển cho tôi những cuốn sách lớp 12, những cuốn bài văn ôn luyện cho kỳ thi đại học và trở về bản cất giấu những ước mơ chất chứa và ứ đầy trong chiếc hòm gỗ. Chị bảo nếu bà khỏe, sau này chị sẽ đi học để làm cô giáo dạy trẻ con trong bản. Nhưng tôi biết bà chị và ông nội tôi chỉ còn sống trong ký ức của những tháng ngày xanh và chực chờ cho một ngày đẹp đẽ để trôi về đỉnh núi.

Tôi trở về nhà để chờ đón mùa thu thứ 17 trong nỗi buồn mê mải. Ông nội lại ho dai dẳng cả trong những ngày nắng đổ, bố mải miết bên rừng quế và tôi lặng nhìn những tháng ngày đẹp đẽ trôi theo những đám mây chiều trên đỉnh núi.

Tôi nghĩ rất nhiều về mùa thu sau, khi tôi đã ra trường, tôi sẽ về bên ông hay tiếp tục theo đuổi những con chữ ở nơi phố xá đầy hoa lệ. Nhưng chắc chắn, tôi không muốn buồn mãi với nỗi buồn của những người đàn ông nơi thung lũng vảng vất khói pha sương trong chiều nhuộm đỏ. Từ trong thẳm sâu tâm hồn mình, tôi nghĩ tôi phải rời xa những ký ức nhuốm màu xưa cũ ấy để theo đuổi ước mơ mà ông nội xây nên khi tìm ra lá số cuộc đời tôi từ chiếc mui rùa.

Tuổi thanh xuân dần trôi theo những mùa thu rụng lá để tạm lắng những kỷ niệm cho những khát vọng lớn lao. Mùa thu tuổi 22 cuốn tôi về phía trước theo cái hối hả của nhịp sống phố phường. Giữa thủ đô hoa lệ, đôi lúc nhìn lại tôi tưởng rằng mình đã lớn, đã có thể ôm cả thế giới vào lòng và đủ đầy năng lượng cho một cuộc sống mà chẳng sợ chông gai. Nhưng rồi trải qua vài thất bại, tôi thấy mình còn quá nhỏ bé để chạm đến những ước mơ dang dở.

Tôi suy nghĩ về nhiều thứ, và chợt nhận ra mình đã ở một khoảng khá xa với cuộc sống của ông và bố, đã vô tình bẵng quên những kỷ niệm suối sông và đôi mắt trong xanh mát lành như gió mùa thu. Tôi tạm xếp dự định về những thiên tiểu thuyết để đời vào tận cùng chiếc ba lô và bắt xe ôtô về bản. Cả một bầu trời thu xanh biếc dập dềnh chờ đón tôi nơi ngã ba đường. Tôi xuống xe, rẽ vào con đường đất đỏ vắng bóng người, con đường tôi đã hẹn mà chưa một lần bước tới…

Chị đánh rơi chiếc áo khi nhìn thấy tôi mở cổng bước vào. Tôi đứng giữa sân để chị chạm khẽ vào khuôn mặt đỏ bụi đường và run run cầm bàn tay tôi… "Kiên ở đâu suốt những năm qua", chị hỏi, đôi mắt ngân ngấn nước. "Em đi học, và em mới ra trường. Bà đâu hả chị?" - tôi hỏi. Chị không trả lời, chỉ hướng đôi mắt về phía bên kia núi. Lòng tôi trùng xuống, xâm lấn bởi một cảm giác mất mát…

Đêm ấy tôi ngồi bên chị nghe dòng suối hát, nghe chị kể về những mùa thu quanh quẩn trong mấy gian nhà sàn phiền muộn, chôn vùi ước mơ làm cô giáo vào những nương chè để cho cậu em ra thị trấn và quên đi giấc mộng vàng trong những hầm lò tăm tối ở một nơi rất xa. Thế giờ chị sẽ tính sao, tôi hỏi.

Chị bảo: "Cuộc đời những đứa con gái bản đã được những người đàn ông tính hộ, chẳng cần phải suy nghĩ làm gì cho mệt. Đời chị chỉ như bọt bèo trên lòng suối sau những cơn lũ dữ, trôi về đâu tùy thuộc duyên trời…". Tôi thở dài nhìn vào khoảng tối đầy vô định, nghe tiếng thầm thì từ rừng xa vọng lại, cảm nhận rõ trái tim vỡ vụn hòa vào cơn gió xôn xao mùi hoa dại nở về đêm. Chị dựa vào vai tôi.

Những hạt sương thu bay bay khắp núi đồi, vương lên mái tóc tôi và chị, ướt đẫm… "Vân đã chờ cái ngày để Kiên đưa Vân về bản, chờ mãi…". Lần đầu tiên tôi thấy chị nói với tôi như thế, những câu nói chất chứa từ tận đáy lòng, thật đắng. Tôi thấy mình có lỗi. 

"Mai em về rồi. Em muốn chị tiếp tục đi học để làm cô giáo" - tôi bảo. Tiếng chị hòa vào dòng suối: "Phía trước Kiên sẽ là cả bầu trời rộng lớn, đừng suy nghĩ nhiều về khum trời mang hình miệng vại, đừng để những nỗi nhớ không rõ hình hài khuất lấp những ước mơ…".

Bất chợt, tôi nghĩ về ước mơ của chị, ước mơ chưa chạm tới đã miệt mài trôi theo những cánh hoa rơi về con sông dài rộng phía hạ nguồn… Mái tóc chị bay bay trước gió, quấn nhẹ vào cổ tôi, mơn man. Bỗng chốc lòng tôi nhẹ bẫng. Một khoảng trời thu im lìm. Một bầu trời thu dành riêng cho tôi và chị…

Sáng tinh sương. Tôi lặng lẽ đeo vào cổ chị chiếc khánh bạc, rồi mải miết đi đầu không ngoảnh lại… Tôi trở về bên ông với những ý nghĩ miên man về những tháng ngày xưa cũ, tự hỏi lòng mình đã được những gì cho ước muốn của ông. Tôi không biết, chỉ thấy mỗi chiều nhìn những đụn khói bay lên từ phía bên kia núi, tôi lại nghĩ về chị để luôn mang cảm giác bất lực khi cố tìm một định nghĩa cho mối quan hệ không thể gọi tên.

Có một cái gì đó vô tình lướt qua cuộc đời chúng tôi, để rồi chợt nhận ra dường như cả hai chìm lẫn vào đời nhau bởi những nỗi đau và sự mất mát khi còn quá nhỏ mà đến khi tìm về và vô tình bù đắp, có thể trở thành sợi dây bền chặt, hoặc xóa nhòa đời nhau.

Tối ấy tôi nằm bên ông, nắm bàn tay xương gầy của ông thao thức, cảm nhận mạch nguồn suối sông dù sắp cạn, nhưng đêm ngày vẫn âm ỉ trong mạch sống của người đàn ông dành cả đời cho thung sâu bốn mùa oi khói. Ông đã quá già cho một cuộc trường chinh hay một cuộc di cư về thành phố như ao ước trong tôi. Sáng mai, tôi lại một mình hối hả về thành phố… Rồi tôi ngủ thiếp đi…

Truyện ngắn của Nguyễn Kiên Cường (Công an tỉnh Phú Thọ
.
.