Thầy và sư

Thứ Hai, 11/09/2017, 09:29
Chợt nghe tiếng thở cũng rất nhẹ… Người thầy giáo trẻ quay lại, một cô bé hơn chục tuổi cũng đang đứng sau anh tự lúc nào. Đó là cô học trò nhỏ mà anh nhận vào lớp hơn một tuần nay. Anh không giật mình vì nhìn thấy ánh mắt của cô bé lấp lánh ánh sáng hắt ra từ trong nhà. Đọc trong ánh mắt ấy anh nhận ra sự tin tưởng ấm áp.

Trên con đường ngập cỏ bò rò ngay phía trước sân, có ba thằng choai choai cỡ chín, mười tuổi cởi trần mặc quần đùi vừa đi vừa gân cổ nghêu ngao đồng thanh:

Một ông giáo một cô sư
Thêm một bà vãi cùng tu một chùa
Giồng thêm một gốc khế chua
Đẻ ra chú tiểu trong chùa để tu…
Một ông giáo một cô sư
Thêm một bà vãi…

Lộn đi lộn lại kiểu “con kiến mà leo cành đa”, tiếng đồng dao tưởng không bao giờ hết đã phá tan sự tĩnh lặng của buổi chiều. Giọng lanh lảnh của trẻ con len lỏi qua kẽ ngách của những bức tường không mái che dội về phía sau nơi có căn nhà nhỏ sơ sài đặt tạm tượng Phật. Ở đó quả là đang có ba người. Đó là một đàn ông dáng nho nhã trạc ngoại sáu mươi, một ni cô còn trẻ và một vãi già miệng nhai trầu đỏ ngoét.

Đầu tiên họ nghiêng tai lắng nghe, khi đã nghe thủng nội dung câu hát thì cả ba đờ người bất động. Người đầu tiên phản ứng là bà vãi. Lập tức bà nghiến răng vớ lấy cây phan* trước bàn thờ rồi chạy vòng qua tòa tam bảo xây dở, ra đến khoảng sân đầy cỏ bò rò thì vung gậy:

- Cha tổ bố quân mất dạy… cha tổ bố con nhà nào mà thằng bố con mẹ không biết dạy con… dám vào chùa chế nhạo cả sư. Rồi Giời Phật vật chết chúng mày nhá.

Cái cán phan lao về phía lũ trẻ như một mũi tên kéo theo dải phan ngũ sắc bay chấp chới. Nhưng vì sức già nên cái gậy chỉ bay được dăm mét là rớt ịch xuống. Bọn trẻ đứng lại trố mắt nhìn. Chúng hê hế cười, lè lưỡi lêu lêu… rồi chạy mất hút để lại mình bà già đứng thở hí hóp giữa khoảng sân ngập nắng và cỏ.

Rồi bà già lịch bịch đến nhặt cây phan và thong thả về, cơn tức vẫn đầy trong ruột nên miệng lẩm bẩm chửi cha tổ bố quân mất dạy.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Trong nhà ni cô cũng đang đỏ mặt bức bối:

- Sao bọn họ khốn nạn thế. Lại còn đặt vè xui bọn trẻ…

Ông giáo nhìn ni cô lắc đầu. Rồi ông chậm rãi:

- Ấy đừng. Thầy là người tu hành. Đừng nên bực tức làm gì. Kệ họ!

Ni cô bỗng im bặt. Hình như ngượng ngùng vì sự bột phát trong thái độ vừa xong của mình, cô cúi đầu trước ông giáo như người mắc lỗi.

Bà vãi vào nhà lúng túng buộc lại cái cây phan vào trước bàn thờ Phật. Ông giáo bảo để tôi làm cho rồi vừa làm vừa nói với bà vãi:

- Nơi cửa Phật mà bà làm quá lắm. Ai lại chửi bới vậy.

Bà vãi cố cãi:

- Không làm vậy quân mất dạy ấy nó còn hát mãi. Nó cốt trêu cho mình tức mà.

Ông giáo cười hà hà:

- Nó trêu mình mà mình không tức thì nó mới sợ. Vậy là bà thua nó rồi. Xong rồi nhé. Tôi về đây.

Ni sư lúc ấy mới ngẩng lên. Đó là một người con gái đẹp. Đôi mắt đen nhìn ông giáo rồi cái miệng xinh xinh cất lời:

- Mời thầy ở lại ăn cơm với “nhà chùa”…

Bà vãi cũng đon đả tiếp lời:

- Thầy đã có nhời. Xin mời ông giáo ở lại xơi cơm với chúng tôi. Về nhà cũng ăn cơm một mình.

Ông giáo cười cười:

- Bà biết tôi ăn cơm một mình à. Nhỡ tôi mượn cô nào ăn cùng thì sao - Rồi ông xuề xòa - Đùa vậy thôi, tôi không quen ăn chay.

Bà vãi cười phá lên:

-  Gớm… ông giáo cứ giả vờ. Có mà dám.

Ni cô quay mặt đi hình như cũng đang giấu nụ cười. Khi ông giáo bước tới cửa thì ni cô né sang một bên cúi đầu cung kính:

-  “Nhà chùa” chào thầy ạ!

*

Chợt nghe tiếng thở cũng rất nhẹ… Người thầy giáo trẻ quay lại, một cô bé hơn chục tuổi cũng đang đứng sau anh tự lúc nào. Đó là cô học trò nhỏ mà anh nhận vào lớp hơn một tuần nay. Anh không giật mình vì nhìn thấy ánh mắt của cô bé lấp lánh ánh sáng hắt ra từ trong nhà. Đọc trong ánh mắt ấy anh nhận ra sự tin tưởng ấm áp.

Hai thầy trò đứng như vậy khá lâu.

Rồi cái bóng trên tường động đậy, vị sư già phá tan sự im lặng sửa lại tư thế ngồi bình thường thả chân xuống đất, một giọng trầm trầm nhưng khỏe khoắn vang lên:

- Hôm nay tôi mời thầy giáo quá bộ đến chùa để được nói nhời cảm ơn. Cháu bé được thầy nhận vào lớp là con của một đồng đạo vốn là Thanh niên xung phong ngày xưa. Ngày ở chiến trường cô ấy yêu một anh bộ đội rồi có mang con bé này. Anh bộ đội hy sinh, cô Thanh niên xung phong về quê sinh con gửi bố mẹ nuôi hộ rồi cũng đi ăn mày cửa Phật. Năm vừa rồi cô ấy mất, rồi sau đó ông bà ngoại cháu cũng mất. Thành ra tứ cố vô thân. Nhà chùa đón về nuôi…

À thì ra vậy.

- Cũng may cho cháu được nhà trường nhận luôn. Thầy giáo miễn tất cả các khoản đóng góp rồi lại còn mua sách vở cho cháu. Quý hóa quá. Cháu nó về cứ tấm tắc khen thầy hiền lành quý người. Đúng là thiện duyên Phật định. Thầy thiện tâm, trò biết hiếu kính. Vậy là mừng.

- Bạch cụ. Hoàn cảnh của em bé vất vả, lại được cụ gửi gắm. Nếu không phải con thì người khác cũng làm như vậy, cụ quá khen…

Sư già chậm rãi:

- Ấy là bởi thầy giáo có lòng nhân mà nói thế. Tôi cũng đã đưa cháu đi vài trường nhưng họ đòi hỏi thủ tục rườm rà lắm. Tôi cũng băn khoăn cái nhẽ trẻ con thì phải được quyền đi học, sao mà người ta cứ đặt ra cái sự nhiêu khê. Mà thôi mọi chuyện qua rồi. Giờ mời thầy giáo dùng với tôi chén rượu thuốc.

Thầy giáo trẻ giật mình. Người xuất gia mà cũng uống rượu ư. Như đoán được thắc mắc của người đối diện, sư già thanh minh:

-  Tôi nay đã ngoài chín mươi rồi… ngâm mấy cái rễ cây vườn chùa, tối tối làm lưng chén cho đỡ đau nhức.

Rồi sư già lấy chai rượu nhỏ từ trong tủ, rót rượu ra hai cái chén hạt mít. Lại lấy hai cái bánh đa vừng bẻ ra đặt vào đĩa. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, người cầm cái dùi trên bàn gõ vào liễn sứ: keng keng keng.        

Cô bé vẫn đứng ngoài sân từ nãy nhẹ nhàng bước vào khoanh tay:

-  Bạch cụ. Con đây ạ.

- Này con. Có tí tóp mỡ rán buổi trưa còn không.

- Dạ còn ạ.

- Tốt. Con đưa lên đây nhé!

Cô bé vội chạy xuống bếp đưa lên lưng bát con tóp mỡ. Sư già đón lấy đặt giữa bàn rồi nâng chén rượu:

- Nhắm rượu bánh đa kẹp tóp mỡ cũng hay lắm. Nào mời thầy.

Cả hai cùng đối ẩm. Sư già bẻ miếng bánh đa gắp miếng tóp mỡ đưa lên miệng. Cụ ngậm một lúc rồi mới nhai. Cử chỉ khoan thai chậm rãi. Nhai mà không có tiếng bánh đa vỡ trong miệng.

Thầy giáo trẻ cũng làm theo. Quả thật khi ngậm trong miệng một chút thì bánh đa mềm đi, nhai nhè nhẹ thì cảm thấy vị bùi của tinh bột quyện một chút ngậy còn vương trên mảnh tóp mỡ tạo nên sự hài hòa sau cái vị cay nồng hăng hăng của rượu ngâm rễ đinh lăng mà anh vừa nhấp. Nó cho một hương vị đặc biệt vừa nhẹ nhàng vừa thanh khiết khác hẳn sự ngồn ngộn mỡ màng đến trần tục của những bữa tiệc mà anh đã đôi lần được tham gia. Cũng là một bài học về sự tu tập chẳng nệ cao sang.

Dân dã mà nhẹ nhàng, sự dân dã như mình đã từng gặp từ xa xưa, thậm chí như từ kiếp trước.

- Nhìn thầy tôi biết là người thông minh, qua cách đối xử của thầy thì thầy là người nhân ái. Thông minh mà có lòng nhân thì gần tới trí huệ. Người thông minh mà không trí huệ thường nhanh nghĩ giỏi làm hay áp đặt và tìm mọi cách áp đặt người khác phải theo mình. Ấy là hay thành dở. Thông minh mà chưa trí huệ sẽ có thể gây nghiệp ác.

- Bạch cụ, trí tuệ chứ ạ - Thầy giáo trẻ dè dặt hỏi lại vì nghĩ là sư già nói nhầm.

Vị sư già thoáng nhìn người đối diện rồi vẫn đều đều giảng giải:

- Không phải là trí tuệ mà là trí huệ. Tri thức học trong sách vở, nâng tầm nó lên với cuộc sống… để trở thành của mình thì mới đạt đến trí tuệ. Còn trí huệ cao hơn trí tuệ. Người có trí huệ phải biết định tâm tu tập, phải biết luật giời nhẽ đất, biết mình là ai trong cõi nhân quần để biết buông bỏ tránh được lục dục sắc thanh hương vị xúc pháp… mới là người có trí huệ. Tỷ như cái việc người xuất gia uống rượu là phạm ngũ giới. Vì uống rượu đến say sưa làm con người ta dễ phạm bốn điều cấm còn lại. Nhưng người trí huệ coi rượu chỉ là thứ dẫn thuốc chữa bệnh, nên sẽ chừng mực nhất định mà không bao giờ để men rượu làm mất tỉnh táo…

Thầy giáo trẻ như bị hút hồn vào giọng giảng giải đều đều nhưng khúc chiết của sư già.

Càng nghe anh càng thấy mở rộng tầm mắt về Phật pháp. Cũng từ buổi ấy mà anh để tâm tìm hiểu về đạo Phật. Để rồi trong đầu lúc nào cũng băn khoăn cái gì phải nên buông bỏ… Và cả đời dạy học ông vẫn nguyên một chức giáo viên.

*

Vậy mà đã gần ba mươi năm.

Thầy giáo trẻ thuở ấy đã thành ông giáo nghỉ hưu. Cô trò nhỏ ngày xưa nay là ni sư trụ trì chùa làng đang xây dang dở.

Mấy cái câu đồng dao châm chọc có nguyên nhân của nó. Khi ông giáo về hưu được mấy ngày thì có một ni sư đến nhà.

- Chào thầy ạ.

Ông giáo đang nằm trên võng vội nhỏm dậy.

- A di đà Phật. Thầy ở đâu, có việc gì mà đến nhà tôi ạ?

Ni cô nhìn ông giáo như ngượng ngùng… rồi ni cô bỗng hỏi:

- Thầy có nhớ trò không ạ. “Nhà chùa” là học trò của thầy ngày xưa ạ.

Ông giáo nghĩ mãi mới nhớ ra. Thì ra đấy là cô bé ngày xửa ngày xưa sư cụ đã gửi gắm. Học hết cấp hai thì cô bé chuyển đi… nghe đâu về quê học cấp ba. Vậy mà bây giờ thành sư. Hai mấy năm rồi. Lạ.

Ni cô thong thả kể sau khi học xong cấp ba thì cô xin với sư cụ cho quy y. Được ngót năm sư cụ viên tịch. Cô làm chú tiểu một thời gian rồi đi học Trung cấp Phật học.

Giờ cô được bổ về trụ trì chùa làng quê của ông giáo.

Kỳ lạ! Chả nhẽ sư cụ ngày xưa tiên đoán chữ duyên là đọc thấu sự sắp đặt nơi cõi người.

Rồi ni cô đặt vấn đề đề nghị ông giáo ra làm Trưởng Ban kiến thiết nhà chùa. Ông giáo bảo rằng tôi đã già sao đảm đương cho được. Ni sư mới nói rằng thì là bà con Phật tử tin tưởng nơi thầy, họ nói rằng thầy là người am hiểu Phật pháp, lại biết cách ăn nói vận động. Rồi thầy giáo lại vô tư không tham lam. Có nhiều người cũng muốn cái chân ấy nhưng bà con không tin mà chỉ tiến cử thầy giáo. Nào là thầy có nhiều học sinh thành đạt, thầy vận động sẽ kết quả, nào là… Rồi cuối cùng ni sư khẩn khoản: “Nhà chùa” mong thầy đồng ý giúp cho. “Nhà chùa” mới bổ về, thân cô thế cô may mà lại được gặp thầy. Thôi thì thầy giúp “nhà chùa” cũng như thương cô bé học trò ngày xửa ngày xưa… Nếu thầy đồng ý thì sẽ họp Phật tử để lấy ý kiến chung rồi bầu cho chính danh.

 Thì nhận. Vậy là có chân trong ban kiến thiết của nhà chùa.

Nhận vào mới thấy đủ nhẽ nhiêu khê. Nào là đi vận động quyên góp, nào là tổ chức lễ lạt, nào là sổ sách thống kê rồi tính toán. Vài năm giời thì xây được cái móng tòa Tam Bảo… nhưng còn cái mái, chưa biết lúc nào mới hoàn thành… Cần vài ba tỷ bạc mới hòm hòm. Dân thì nghèo… cũng đã vận động ráo riết nhưng chẳng có thể hơn. Ông giáo tìm đến học trò cũ, cũng chỉ mỗi người được dăm trăm, nhiều thì đôi ba triệu. Bọn học trò nhăn nhó: "Chúng con cũng khó khăn. Dân nông thôn nhiều anh học hành thành đạt đấy nhưng anh nào giỏi thì mua được tý chung cư còn cũng vất vưởng làm công ăn lương nơi phồn hoa đô hội". Tiếng cả nhà ở thành phố, mỗi lần về quê thì cố ra vẻ đàng hoàng khấm khá nhưng ở nhà thuê, suốt ngày dựng tóc gáy tóc mai xuôi ngược kiếm đồng tiền. Kể cũng khổ. Vậy nên ông giáo cũng không dám nài.

Còn một cái nhẽ nữa mà ông giáo băn khoăn đó là cái chức hữu danh vô thực nhưng nhiều người nhòm ngó. Người ta tưởng làm chức ấy thì kiếm được đồng ra vào nhờ ăn bớt xén hoặc tý hoa hồng như thể ở ngoài đời. Có ông cán bộ huyện to to lúc hưu cũng muốn được cái chân ấy do cái máu làm quan đã ngấm vào chân tơ kẽ tóc. Nhưng dân không bầu bởi nhẽ khi ông làm cán bộ vốn quen thói bốc bải ăn dầy nên họ không thể tin. Vậy là thành ghét ghen đố kỵ với ông giáo: Cái lão ấy nhiệt tình với việc chùa chiền là bởi mê cô sư trẻ. Đấy các ông các bà xem ai đời sư xưng với lão ta thì cứ “nhà chùa” rồi gọi lão là “thầy”. Còn lão ta thì cứ xưng “tôi” chứ chưa khi nào xưng là “con” với sư… Nhẽ ra phật tử thì phải xưng là “con” chứ sao cứ lại dám “tôi” với bậc tu hành. Lão lại đang góa vợ. Vậy có phải là đang có ý ngầm.

Chưa già hẳn, máu huyết vẫn lưu thông nên không phải ông giáo không có những phút cảm thấy bức bối. Một hôm ông ra chùa bàn việc chuẩn bị lễ Phật Đản, tìm mãi chả thấy sư đâu. Ông ra đám ruộng chưa san lấp chợt thấy ni sư đang cắm cúi cào bùn chuẩn bị cấy lúa. Áo dài buộc ngang lưng quần xắn cao quá gối, dáng vẻ thanh thoát và uyển chuyển như thôn nữ… Ông giáo ngẩn người. Ôi chao… Hai bắp chân tròn trắng rời rợi… Màu nâu sồng trên tấm áo và màu đen đen của bùn như tôn thêm cái màu trắng ấy. Tự nhiên ông giáo thấy rạo rực như bốc hỏa, máu trong người chảy giần giật. Cố dẹp cơn loạn thần đang dâng trong đầu, ông lẳng lặng ra về nhưng hình ảnh bắp chân trắng ngần vẫn ám ảnh tâm trí cả trong giấc ngủ.

*

Hôm sau vãi già đến thì thào với ông:

- Ông giáo ạ. Sư mô mà cũng khốn nạn… Mười giờ đêm hôm qua “thầy” chạy sang chỗ tôi quần áo xộc xệch, người run bần bật. Tôi hỏi, thầy chỉ khóc…

- Thế bà làm mục thần à… sao lại để xảy ra vậy. Xảy ra rồi à…

Bà vãi như người mắc lỗi khẽ khàng:

- Chưa! Có nhẽ chưa việc gì. Thì tôi vưỡn có ý đề phòng canh chừng cho “thầy”. Nhưng canh chừng những người như… nói ông giáo bỏ quá - bà già ấp úng

Ông giáo như bị xúc phạm nhưng cố kìm nén cười nhạt:

-  Canh chừng những người như tôi chứ gì…

Bà vãi vội chối:

- Ấy, đâu dám đâu dám, phải tội chết. Chả khi nào tôi dám nghĩ ông giáo lại vậy. Nhưng những người để ý đến “thầy” cũng chả thiếu. Tôi nhìn ánh mắt họ là tôi biết. Nên cứ phải canh chừng. Khổ! Tu mà chưa chắc đã yên thân. Mà cũng tại thầy đẹp quá - Bà vãi chép miệng rồi nói tiếp - Chỉ cần canh chừng người thường chứ ai lại canh chừng các đấng bậc tu hành. Chả là lúc hơn chín giờ thấy sư ông ghé vào chùa, tôi tưởng ngài bàn với “Thầy” chuyện tổ chức Lễ hội nay mai. Tôi đóng cửa đi ngủ. Một lúc sau nghe huỳnh huỵch ở phòng bên, vậy là tôi chạy sang, rồi “thầy” lao vào phòng tôi, còn sư ông mặt mũi hằm hằm lên xe đi thẳng. Tôi hỏi, “thầy” chỉ khóc…

Ông giáo thở dài. Vị sư này thì ông giáo đã gặp nhiều lần. Vóc người vâm váp giọng nói uồm uồm như người ta ghé đầu nói vào trong chum. Lần đầu ông giáo thấy hơi ngại ngại cái ánh mắt không mấy thân thiện của sư ông. Ánh mắt ấy vừa lạnh lùng vừa như dò xét. Ông giáo vô tư không hiểu sao ông ta lại như vậy. Rồi trong một buổi lễ có quan khách, sư ông cứ bắt vãi già gọi ni sư lên tiếp rượu. Ni sư buộc phải lên, vị Thượng tọa chân nam đá chân xiêu, tay lật cái nón ni sư đang đội, miệng cười phớ lớ: “Cô em bỏ nón ra nào, sao cứ phải sùm sụp trên đầu, rồi cười lên cái cho xinh để tôi nhờ”. Các quan khách vỗ tay tán thưởng, nào là “cụ” dân dã, “cụ” vui tính… Ni sư mặt đỏ dừ, ngượng ngùng liếc nhìn về ông giáo. Ông giáo sững sờ và không thể cười, mặt tái đi như bị xúc phạm. Sững sờ vì hôm nay ông mới để ý thấy một khuôn mặt e thẹn như thôn nữ đang xoan… Nhưng tái mặt vì ý nghĩ, ôi chao bậc cao đạo sao lại bê tha đến thế. Chợt nhớ lời sư già năm xưa: Đối với người không có trí huệ thì rượu là nguyên nhân gây ra sự phạm bốn điều cấm còn lại trong ngũ giới.

Nhưng khuôn mặt thẹn thùng hôm ấy ám vào giấc ngủ cô đơn của ông giáo. Để rồi ông phải tự dặn lòng: Phải buông bỏ, phải buông bỏ… Mình đã già, người ta đang tu hành.

Bây giờ nghe vãi già kể cái vụ này nữa… Hình như ta ghen với sư ông. Ghen với sư ông là lòng ta nhỏ nhen chưa thanh sạch. Nhưng để như vậy thì phức tạp biết đâu câu hát nọ của những kẻ ganh ghét sẽ thành sự thật. Nếu ta còn làm nữa ắt là sinh chuyện. Người ta bầu vào ban kiến thiết mà sức mình đâu làm nổi. Đành phải buông bỏ kẻo không giữ được chính mình.

Cả đêm ông suy nghĩ về những lời sư già dạy ngày xưa. Đến bây giờ mới biết mình cả đời thất bại. Ni sư hy vọng ta có thể vận động học trò thành đạt đóng góp. Nhưng mà ta vô duyên, học trò hàng nghìn qua tay đào tạo mà không có người nào cáng đáng nổi việc này. Ấy bởi ta giáo điều chỉ biết dạy chữ thiện, học trò quá tin ở ta nên ra đời họ lành quá. Lành thì tốt đấy nhưng nghèo. Kết quả là chẳng giúp gì cho được việc ta đang làm…

Hôm sau nữa, ông giáo ra chùa gặp ni sư:

- Bạch thầy. Tôi xin nghỉ ban kiến thiết.

Ni sư buồn buồn ngước đôi mắt mọng đỏ, chắc là do khóc nhiều, hỏi ông:

- Sao thầy lại xin nghỉ ạ. Việc xây Tam Bảo đang dở dang…

Ông giáo cũng nói giọng buồn buồn:

- Nói thực với thầy, tôi nghĩ mình không đảm nhiệm được việc lớn như vậy.

Ánh mắt ni sư nhìn ông rất lạ. Nó vừa như dò hỏi vừa như trách móc và còn cái gì nữa, ông giáo không hiểu nổi. Ông tránh ánh mắt ấy.

Ni sư cúi mặt trầm ngâm. Ông giáo nghe rõ cả tiếng loẹt quẹt của tiếng chổi quét lá ở ngay trước hiên nhà. Chắc bà vãi lấy cớ quét sân để canh chừng. Thế cũng tốt. Còn hơn là để lại tiếng ì xèo mang tiếng. Chợt ni sư ngẩng mặt nhìn ông, nước mắt tràn ra từ hai khóe mắt:

- Chắc bà lão đã kể với thầy. Tối hôm qua “cụ ấy” xuống bàn với “nhà chùa” đợt này tổ chức lễ Phật đản ở chùa ta. Sẽ làm to, mời tất cả các chùa trong tỉnh về dự từ đó phát tâm công đức để cho xong Tam Bảo. “Nhà chùa” mừng lắm thầy ạ. Rồi tự nhiên “cụ ấy” lại đòi… “Nhà chùa” không thể chiều ý. Vậy là xảy chuyện, thầy ạ - Ni sư bật thành tiếng nức nở - May mà… may mà bà vãi kịp sang…

Bà vãi ghé đầu vào. Thấy hai người vẫn ngồi cách nhau một cái bàn. Ông giáo nhìn như thôi miên bởi tượng Phật trên bàn thờ còn ni sư thì đang nấc. Chắc là họ nói lại chuyện hôm qua - nghĩ vậy bà già yên tâm, tiếng chổi tre lại sàn sạt nặng nề mài trên nền gạch.

- Nói thật với thầy, “em” cũng hoang mang lắm thầy ạ - Tự nhiên ni sư xưng em, giọng nói nhỏ hẳn đi lẫn trong tiếng thở. Ông giáo giật mình nhìn người đối diện. Rồi ông trấn tĩnh (Cũng phải thôi, ni sư xưng em với mình như ngày xưa còn đang đi học)… - Liệu có tu được trọn kiếp không khi mà… Hay là “em” phải buông bỏ. Giá như có một chỗ để nương tựa thì có lẽ em đã buông bỏ. Giá như em nhận ra từ sớm để buông bỏ… Giá như mãi cái thời ngày xưa… Giờ hơn bốn chục tuổi rồi. Biết đi đâu…

Nhìn lên bàn thờ, Phật vẫn lạnh lùng khép mắt. Hai ngọn nến leo lét cháy, cây hương vòng nhè nhẹ ngún khói dửng dưng. Ông nhìn xuống thấy trước mặt lúc này là một người đàn bà yếu đuối. Ôi chao tu hay không cũng vẫn mong manh một kiếp đàn bà. Ông giáo thở dài và biết chắc chắn mình cũng nên buông bỏ.

Chợt bên ngoài lại có tiếng nghêu ngao:

Một ông giáo một cô sư

Thêm một bà vãi cùng tu một chùa

Giồng thêm một gốc khế chua

Đẻ ra chú tiểu trong chùa để tu…

Một ông giáo một cô sư…

Đáp lại chỉ có tiếng chổi tre cào trên nền gạch, lần này bà vãi không ra đuổi mà mặc kệ. Ni sư cũng ngồi im mắt nhắm nghiền như thể nhập thiền. Còn ông giáo chợt nhìn cây phan buộc nơi bàn thờ: Cái cán gỗ lên nước thời gian đen bóng, dải phan nhàu nhĩ, năm cái đuôi ngũ sắc buông hờ hững...

*

Từ ngày ấy ông giáo không còn tham gia Ban kiến thiết nữa. Khoảng hơn tháng sau ni sư chuyển đi nơi khác. Đấy là ông giáo nghe nói vậy chứ cũng không biết gì thêm.

Thỉnh thoảng ông đi qua chùa thấy một ni sư mới. Vị này có ánh mắt ướt át mà khóe môi lúc nào cũng tủm tỉm cười. Trông tươi lắm.

Ở nhà nghe qua tiếng loa công suất lớn, ông giáo thấy sư ông thường xuyên về chùa thuyết pháp: Phải hoằng dương Phật pháp, cúng dường Tam Bảo, dốc lòng góp công góp của xây dựng chùa, hầu chuộc mọi tội lỗi để được lên Niết Bàn. Người nào không làm được như vậy sẽ xuống chín tầng địa ngục… Giọng sư ông đầy hứng khởi uôm uôm uồm uồm như tiếng người ghé đầu nói vào chum, vang xa hàng cây số.

Sao lại dọa dẫm vậy! Mạt pháp rồi chăng? Lòng tin bền vững chỉ có do giác ngộ chứ không bởi lời dọa dẫm. Tự nhiên ông giáo nghĩ đến cây phan đang bay: Cái cán gỗ đen bóng lao vun vút kéo theo tua phan ngũ sắc chấp chới. Nhưng lần này người lao cây phan không phải là bà vãi vì bà ta cũng đã bỏ chùa về nhà từ lâu.

Hằng đêm, hằng đêm… giấc ngủ của ông giáo làng lại chập chờn bóng hình thôn nữ nâu sồng với hai bắp chân rời rợi trắng…

--------

* Phan: (phướn). Phật giáo dùng phan để hiển bày uy đức hàng ma của chư Phật, Bồ-tát. Hình dạng cơ bản của phan gồm: đầu phan hình tam giác, thân phan hình chữ nhật dài, phần dưới tua gọi là chân phan. Thường dùng phan có 5 màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, đen. Cán phan thường bằng gỗ tròn dài khoảng 1,3 m. 

Truyện ngắn của Mai Tiến Nghị
.
.