Thanh thản

Thứ Sáu, 27/05/2016, 12:38
Nguyễn Cương và Phan Dương là hai sinh viên học giỏi cùng yêu Vân Nhung – một cô gái đẹp học cùng lớp. Trớ trêu thay, hai anh chàng si tình lại theo hai ngả đường khác nhau. Nguyễn Cương gia nhập An ninh Giải phóng còn Phan Dương làm mật vụ ngầm cho cơ quan tình báo CIA. Cuộc chạy đua đến với Nhung kết thúc, Cương và Nhung lấy nhau...

Vừa căm tức vì đã mất Nhung, vừa muốn lập công với chủ, Dương đã báo cho bọn tình báo bắt Cương. Cương bị tra tấn dã man nhưng không khai về cơ sở và tổ chức hoạt động của mình. Bọn CIA tức tối, thực hiện một âm mưu mới.

Phan Dương được gọi đến gặp sỹ quan CIA Frank. Frank bực dọc:

- Tên Nguyễn Cương rất lì. Ta đã dùng mọi cách, chọc mù một mắt, đập giập các ngón tay (vì khi còn đi học, hắn thích chơi violin, các ngón tay rất quý giá đối với hắn). Thế nhưng hắn vẫn không khai gì, anh thấy còn cách nào làm hắn sợ hãi, chịu khai không?

Phan Dương suy nghĩ hồi lâu vẫn không tìm ra được một phương sách hữu hiệu, đành lắc đầu:

- Thưa ngài, tôi thấy không còn cách nào khác.

- Hình như trước đây anh rất yêu Vân Nhung, vợ Nguyễn Cương hiện nay?

- Vâng, trước đây tôi yêu Vân Nhung, nhưng tay Cương được cô ta và họ đã lấy nhau.

- Hiện giờ anh và Nhung vẫn dạy học ở một trường trung học?

- Vâng!

Frank gật gù, nhả điếu xì gà trên môi:

- Cương rất yêu vợ. Hắn hi vong một ngày nào đó sẽ được trở về đoàn tụ với người mình thương yêu. Nếu chúng ta cắt đứt hi vọng đó, phá vỡ tình yêu đó thì hắn sẽ đau khổ, chán đời, mất hết hi vọng, niềm tin và có thể theo ta. Ta sẽ chuyển tên Cương vào Sài Gòn, giam ở phòng biệt giam Phủ đặc ủy Trung ương tình báo, tung tin là Cương bị đưa ra Côn Đảo và đã chết ngoài đó. Mất chồng rồi, cô ta không còn nơi bấu víu. Trong khi đó, ta sẽ tạo một màn kịch để đánh vào tình thương của Nhung đối với anh ta.

Thế là thời gian sau, Nhung nhận tin là chồng đã chết và mất xác. Đang còn đau đớn thì cô và Phan Dương cùng bị bắt giải về cơ quan An ninh quân lực cộng hòa hỏi cung về các hoạt động bí mật cho cách mạng trong phong trào học sinh, sinh viên. Bị tra tấn, nhưng Dương không khai về đồng đội và cơ sở cách mạng.

Minh họa: Hà Trí Hiếu.

Trong hoàn cảnh đó, dần dần Nhung bớt mặc cảm với anh chàng trước đây đã đơn phương yêu, hay tán tỉnh mình. Dương nói:

- Trước đây anh rất yêu em, điều đó em đã biết. Anh rất đau khổ khi em lấy Cương. Anh đã nén đau khổ khi hai người sống hạnh phúc bên nhau. Giờ đây Cương mất rồi, anh muốn được gắn bó với em. Thấy kết quả bước đầu, Frank cho thả hai người với lý do không tìm được chứng cứ về hoạt động cách mạng của họ. Trở về trường, dần dần, trước sự theo đuổi kiên trì và tỏ ra chân thành của Dương, Nhung đã xiêu lòng. Và rồi cô đã sa vào vòng tay của hắn.

Cho đến khi Nhung có thai thì Frank bắt Dương tìm cách xa lánh và bỏ rơi Nhung. Nhung quá uất ức thú nhận với ba má Cương:

- Con đã sa ngã, không giữ trọn chữ trinh với anh Cương, chữ hiếu với ba má. Con không ở lại được quê hương, con xin phép ba má cho con đi xa.

- Thế con đi đâu? – Má hỏi.

- Con có bà dì ở Sài Gòn, con vào ở với dì.

Tại phòng giam của Phủ đặc ủy Trung ương tình báo, Nguyễn Cương vẫn ngày đêm tìm cách liên lạc với gia đình và Nhung, nhưng không kết quả.

Một hôm, Frank – lại tên Frank, cứ bám sát cuộc đời anh – cho biết: Nhung đã có thai với Phan Dương và đã bỏ quê đi biệt, không ai biết bây giờ cô ta ở đâu. Như dòng điện mạnh tra tấn quất vào người, Cương đau đớn tột độ. Vừa đau đớn vừa căm tức tên Dương đốn mạt độc ác, phá hoại hạnh phúc của vợ chồng anh. Nhưng anh vẫn không hề bị lay chuyển trước sự lôi kéo của Frank. Lại những đòn tra tấn dã man. Lại những lời dỗ ngon ngọt, lại lời tỉ tê khuyên nhủ mơn trớn của nhân viên trong đoàn Thiên Nga trá hình... nhưng không khuất phục được anh.

Một đòn hiểm nữa lại được tung ra. Một hôm, Frank lại bàn với tên sỹ quan thuộc Phủ đặc ủy được cử cai quản anh:

- Tôi đã nghiên cứu kỹ tính cách người Việt Nam các anh. Người Việt Nam có tính cộng đồng rất cao. Các sĩ phu trước đây cũng như Việt Cộng ngày nay, bị tra tấn, đánh đập đến chết cũng không khai. Có tên bị cưa chân đến 5, 6 lần, cụt đến tận háng, ngất lên ngất xuống vẫn không bị khuất phục. Cái mà họ sợ nhất là bị bà con thân tộc, làng xóm và nhất là đồng đội, đồng chí cho là phản bội, khai báo với kẻ thù. Một tên phản bội sẽ bị cả xã hội khinh rẻ, căm thù, xa lánh như một con hủi. Một cô gái chửa hoang chỉ có cách bỏ làng ra đi. Một tên thảo khấu, giết người như ngóe ở đâu đâu, khi về đến làng xóm cũng phải tỏ ra lễ phép, thưa gửi tử tế. Đối với tên Cương này cũng thế, cần tạo ra một chứng cứ giả, có văn bản đã nhận nhiệm vụ của ta, hợp tác với ta. Sau đó ta cho chúng biết: ta đã gửi tài liệu cho tổ chức của hắn. Hắn nghĩ đồng đội đã biết mình phản bội thì sống cũng như chết, hắn chỉ còn lại hai sự lựa chọn: hoặc là tự tử, hoặc là theo ta. Ta phải làm y như thật, tập viết chữ ký giả y trang chữ ký của hắn. Giao cho chuyên gia làm tài liệu giả thực hiện ngay.

Việc làm hồ sơ giả nhanh chóng hoàn tất. Frank cho dẫn Cương lên phòng hỏi cung, hắn đưa tài liệu anh đã nhận nhiệm vụ, hợp tác với chúng để khai báo toàn tổ chức, mạng lưới cơ sở của anh. Frank vui vẻ:

- Chúng tôi đã gửi những tài liệu này ra cứ cho chỉ huy của ông. Liệu ai còn tin ông nữa không? Nếu ông có trở về đơn vị thì chắc chắn cũng bị kỷ luật hoặc thủ tiêu.

Nguyễn Cương biết ngay âm mưu thâm độc của chúng. Anh trả lời ngay:

- Việc làm của các ông quả là tinh vi và thâm độc, nhưng các ông không thể lừa được những người chỉ huy của tôi đâu. Nếu trở về đơn vị, tôi sẽ nói hết việc làm ám muội, âm mưu bôi lem tôi của các ông.

- Không ai tin ông khi có tài liệu này trong tay.

Cương vẫn giữ thái độ im lặng. Không hề khai báo theo yêu cầu của chúng.

Không thuyết phục được, chúng quyết định thủ tiêu anh. Frank lệnh cho thuộc cấp phải xử lý ngay. May mắn cho Cương, tên được giao việc thủ tiêu anh lại cảm phục trước tinh thần quả cảm của anh nên không thủ tiêu. Việc thủ tiêu Nguyễn Cương còn chưa thực hiện được thì Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Lúc này, ba má Cương không còn nữa. Các em nói cho anh biết Vân Nhung đã vào Sài Gòn, ở với người dì ruột. Tìm địa chỉ người dì ruột kia, anh vào Sài Gòn, tìm đến nơi Nhung ở. Vừa trông thấy anh, chị khóc nấc lên:

- Anh còn sống đấy à? Em nghe nói, anh đã bị đầy ra Côn Đảo và chết ở đó rồi cơ mà.

- Không, anh còn sống về với em đây!

Chị đưa anh về nhà, mừng mừng tủi tủi. Lúc đó đứa bé khoảng ba tuổi chạy đến ôm lấy chị. Chị ôm con vào lòng, kể lại câu chuyện đau lòng giữa chị và Phan Dương.

Anh an ủi:

- Việc này không phải lỗi của em. Đây là âm mưu thâm độc của bọn CIA.

Chị lắc đầu nức nở:

- Không, không, em đã phụ anh, em có tội với anh. Chúng ta không thể tái hợp. Đứa bé là con em nhưng bố nó là kẻ thù của anh. Tên Dương đã báo để địch bắt anh, làm anh khổ cực, đau đớn, tàn tạ. Rồi nó lại lừa cướp vợ anh. Em không muốn anh nuôi con kẻ thù, cả đời đau khổ.

- Không, con em là con anh.

- Em đã như qua một đời chồng, có con, em không thể để anh chịu bất hạnh, thiệt thòi như thế. Chị cố từ chối, nhưng anh vẫn quyết tâm gắn bó với chị. Những ngày sau, anh đến ở với chị. Anh rất quý đứa bé, coi như con mình. Khi làm lại giấy khai sinh, anh ghi tên anh là cha đứa bé, lấy họ anh và đệm của chị làm tên họ, đệm cho con: Nguyễn Vân Nhi. Anh được bố trí, bổ nhiệm làm Cục trưởng, công tác tại bộ phận phía Nam của Bộ Công an. Khi đưa vợ và Nhi về quê, họ hàng không ai biết đứa bé là con Phan Dương. Anh giải thích:

- Tôi đã trốn khỏi nơi giam giữ của địch, bí mật đưa vợ tôi vào Sài Gòn. Tôi tiếp tục hoạt động rồi bị bắt lại. Thời gian đó, vợ tôi sinh cháu Nhi. Mọi người tin anh và mãi mãi sau này nhi vẫn không biết chuyện bí mật về người cha của mình. Anh quý và chăm sóc cho Nhi như con đẻ.

Rồi một tai họa đến với anh. Có người tố cáo anh đã phản bội, làm nội gián cho địch. Vụ việc được điều tra. Trong thời gian làm rõ vụ việc, bàn giao công việc, anh về nghỉ ở nhà, chờ đợi. Những ngày này thật là nặng nề đối với anh. Nỗi cô đơn bao trùm, buồn tủi và uất ức.

Tuy không có văn bản nào ra lệnh cấm mọi người quan hệ với anh, nhưng như có một sức mạnh vô hình nào đó, nhiều người tự xa lánh, không dám đến thăm anh, mặc dù rất muốn.

Bà con cô bác ở quê, nghe nói anh phản bội Tổ quốc, làm nội gián cho địch, làm ô uế dòng họ, ai nấy tỏ ra khinh bỉ, chẳng muốn quan hệ với anh. Mỗi lần anh về quê lại thui thủi một mình, thắp hương, cúng bái gia tiên rồi lại lên đường. Có lúc quá uất ức anh đã nghĩ đến chuyện quyên sinh. Anh biết, những người tự hủy hoại thân mình là do quá uất ức.

Khi không ai tin mình, đành phải lấy cái chết để thanh minh cho sự vô tội, trong sạch của mình. Nhưng rồi anh nghĩ, tự sát là tiêu cực. Chết rồi, ai thanh minh cho mình. Nỗi oan ức của mình khi nào giải quyết được. Anh tiếp tục chờ đợi. Sau khi đồng chí Bộ trưởng chữa bệnh xong, trở về, anh tiếp tục làm đơn kêu oan và gặp Bộ trưởng. Tin vào những điều anh nói, Bộ trưởng cho xác minh lại. Đầu tiên là từ tờ lệnh của Frank. Ông cho chuyên gia ngôn ngữ tiếng Anh dịch lại, hóa ra chữ handing là “xử lý” chứ không phải “sử dụng”.

Từ văn bản đó, giám định lại, hỏi thêm những người cùng bị bắt, bị giam với Cương, phát hiện ra là tài liệu giả. Thế là anh được thanh minh, được phục hồi chức vụ và công tác. Cương lại say sưa lao vào công tác, nhiệt tình, hăng hái như xưa. Bạn bè nhắc đến cuộc sống, cho là anh đã hi sinh quá lớn. Anh chỉ cười:

- Làm người chiến sĩ an ninh, hi sinh như thế là bình thường. Nhiều người đã mất xác, bỏ xác nơi tù ngục, mình vẫn còn sống về với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thế là hạnh phúc rồi. Còn có người bị oan ư? Kẻ địch thì thâm độc, tinh vi, trong khi có một số người có trách nhiệm lại quan liêu, không tin đồng đội thì mình phải chịu oan thôi.

Đến một nữ anh hùng, có nụ cười chiến thắng nổi tiếng đã đi vào lịch sử còn có kẻ vu là cười với tên địch chỉ huy ngầm mình. Có đồng chí cán bộ cao cấp, bị nghi oan, phải chuyển ngành, sau này được thanh minh, được phong Anh hùng lực lượng vũ trang, mà ông ta không thắc mắc, không oán cấp trên. Vậy mình có bị nghi ngờ thì có nghĩa lý gì? Kẻ thù thâm độc lắm? Nó muốn hủy diệt chúng ta kể cả việc mượn tay đồng đội để hại ta!   

Truyện ngắn của Ngôn Vĩnh
.
.