Thần tượng một thời

Thứ Bảy, 03/09/2016, 11:06
Một chiều cuối tuần, nhờ sự dẫn lối của một đại gia buôn bán bất động sản thường tài trợ kinh phí cho các sô diễn lớn, giúp tiền cho giới ca sỹ, nghệ sỹ dựng vở, ra băng đĩa, Trường được đến ngôi biệt thự ở khu phố dành riêng cho giới thượng lưu...

Ông già đang ngồi trên cái ghế bành, lưng còng xuống, và hẹn hồi nữa cho biết bí mật của đời ông, từng là thần tượng của giới đam mê cải lương, vọng cổ đất phương Nam một thời. Riêng Trường, cái nghệ danh Châu Liễn vang lên khi nhớ đến cải lương, hát bội và các vai diễn của Châu Liễn trong các vở cải lương kinh điển “Đời cô Lựu”; “Cây sầu riêng trổ bông”; “Bên cầu dệt lụa”...

Ông cũng là người chắp cánh cho những kịch bản vào loại tầm thường trở thành tác phẩm có tiếng vang. Có những vở công diễn thất bại, mời được Châu Liễn tham gia, dù là thủ vai phụ, thời gian xuất hiện trên sân khấu không nhiều nhưng thành công ở số lượng khán giả đông đảo và doanh thu bộn. Ông được mệnh danh là kép độc. Không chỉ mê các vai diễn mà Trường còn say đắm giọng ca Châu Liễn, người ta gọi là “giọng ca vàng”.

Một chiều cuối tuần, nhờ sự dẫn lối của một đại gia buôn bán bất động sản thường tài trợ kinh phí cho các sô diễn lớn, giúp tiền cho giới ca sỹ, nghệ sỹ dựng vở, ra băng đĩa, Trường được đến ngôi biệt thự ở khu phố dành riêng cho giới thượng lưu.

Bước vào cửa nhà, Trường thấy cái mũ vải nỉ đen rộng vành treo trên tường. Chiếc mũ Châu Liễn đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực người ta viết về nó. Nhiều kẻ học đòi đội mũ Châu Liễn, một thời mũ Châu Liễn nhái bày bán la liệt ở vỉa hè, trong các sạp ở chợ.

Trường bất ngờ đến không tin nổi, trước mắt Trường là một người đàn ông tuổi trung niên, khổ người thấp đậm, khuôn mặt chữ điền chất phác, ngồ ngộ, giọng nói ngập ngừng, thường bỏ lửng giữa câu. Chẳng lẽ người có dáng hơi cù lần này là nghệ sỹ Châu Liễn lừng danh trên sân khấu? Mãi đến sau này Trường mới hiểu, nhiều nghệ sỹ biểu diễn tài năng siêu việt, ngoài đời có vẻ ngu ngơ, kẻ mắt trần gọi là cù lần, nhưng dưới ánh đèn sân khấu, tài hoa của họ bùng phát.

Đó là cái duyên, biệt tài mà tạo hóa ban tặng riêng cho họ. Ngược lại, nhiều kẻ đẹp mã, lọc lõi ở trường đời, nói rất hay, kiếm tiền giỏi, muốn kiếm danh trên sàn diễn nhưng bước lên sân khấu là đực ra. Tiếp xúc một lúc, Trường nhận thấy nét tinh anh hiện lên khuôn mặt bề ngoài có vẻ ngu ngơ ấy. Khi Trường cao hứng đánh giá ông là nghệ sỹ hề lớn nhất nước hiện nay, ông nắm tay anh cảm ơn và bảo hãy gọi là hài, nghệ sỹ hài, theo tục lệ người Nam Bộ.

“Từ lúc chập chững bước vào nghề, ông Tám Danh dẫn tôi đến trước bàn thờ tổ của nghề xá lạy thay lời thề đã dặn những điều với Tổ. Đối với Tổ phải kính trọng, phải giữ đạo của nghệ hát, tuyệt đối không được lợi dụng nghề để làm chuyện thất đức, trước khi ra sàn diễn phải xá lạy, hằng năm giỗ Tổ cần dâng vật phẩm, lớn hay nhỏ không cần thiết, cốt ở lòng thành. Nếu làm trái đạo đức của nghề, sẽ bị Tổ trác, Tổ hành” - Ông nói vậy.

Trường trầm trồ:

- Thông thường mỗi người được một biệt tài đã là diễm phúc lắm. Hiếm ai có nhiều tài như nghệ sỹ Châu Liễn, là kép độc trong các vở tuồng hát bội Nam Bộ, là diễn viên gạo cội trong kịch nói, là giọng ca vàng cải lương, vọng cổ, tân cổ giao duyên. Ở lĩnh vực nào, nghệ sỹ Châu Liễn cũng chiếm đỉnh cao.

Minh họa:Phạm Minh Hải.

Ông đón nhận lời Trường với chuỗi cười viên mãn, rồi nói:

- Cũng là nhờ Tổ cả, cậu à.

Nếu quả thực có Tổ, Tổ đã cho ông nhiều lắm. Tiền bạc, của cải và những lạc thú ở đời ông đều hưởng cả. Trong ngôi biệt thự, ông sống với người vợ trẻ dễ chừng mười tám, hai mươi, dáng cao ráo, mặt đẹp sắc lạnh lùng nhưng toát ra nét biếng nhác.

Cô gái là người mẫu khá nổi tiếng trong các sự kiện trình diễn thời trang và cả tai tiếng do ăn nói gây sốc, bỏ qua rào cản của bố mẹ, họ hàng và cả những lời thị phi nhao lên trên nhiều báo chí lá cải để đến với ông già miệt vườn có tài vọng cổ và dĩ nhiên là tiền của rất nhiều. Hình như cô xếp vào thứ tư, thứ năm gì đó trong hàng tá vợ và người tình tự nguyện đến với Châu Liễn. Trông họ hơi khập khiễng, cứ như ông làm vườn với cô con gái xinh đẹp chủ nhà giàu sang.

Nhưng chẳng sao, đàn ông ăn ở cái tài, có tài là có tất thảy. Trong biệt thự rất nhiều đồ đạc mắc tiền, ông cho biết người hâm mộ tặng, bộ bàn ghế bằng gỗ trắc là của một đại gia khai thác gỗ ở Tây Nguyên chở xuống, chiếc đồng hồ Rolex mạ vàng nguyên chất để trên bàn kia là của một người Việt đang định cư ở Canada biếu, và một bức tượng bán thân nghệ danh Châu Liễn bằng đồng do hội người yêu cải lương đúc. Ở đời, khi anh có thực tài, tiền của, tài sản tự nhiên tụ đến với anh.

Trong lúc họ trò chuyện, thỉnh thoảng có tiếng chuông cửa, người ta mang biếu ông thức ăn, đồ uống, hoa trái, cũng có người tìm đến xin được ghé với thần tượng của họ trong một tấm ảnh. Chẳng lẽ ngày nào cũng vậy sao, ông?

Nghe Trường hỏi, ông đáp nhỏ nhẹ, ngày đông, ngày ít nhưng hôm nào cũng có khán giả tới tận nhà vậy đó, mệt bã xác. Trường mỉm cười, ai chẳng ao ước đời mình được mệt như vậy? Ở đời chẳng gì vinh quang bằng người có tài văn nghệ bởi nó có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Mà tài năng của ông được trải ra khá dài, từ thuở bước vào tuổi thanh niên cho tới trung niên vẫn lẫy lừng trên sân khấu, chưa ai thay thế nổi.

Trường xúc động vì được nghệ sỹ tiếp một mình trong phòng khách rộng rãi, sang trọng khá lâu. Để ông nghỉ ngơi, anh đứng dậy chào ông về. Bước qua cánh cửa, Trường sững người, khu vườn đã bừng lên đèn điện đủ màu sắc, biệt thự như một cung điện. Rất vui vẻ, ông dẫn Trường ra phía sau, một hồ bơi rộng chính giữa, hai bên là vườn cây cảnh và một thảm cỏ xanh rộng, phía trước là sân khấu nhỏ, phía sau có bàn thờ Tổ: Tối nay có mấy tỉ phú trong giới buôn bán xe hơi Chợ Lớn, nuôi cá ba sa ở miệt vườn đến thưởng nhạc, mời hai vị ở lại nghe luôn. Ông nói và Trường nhìn người bạn đi cùng như chưa tin vào dịp hiếm hoi một đời người có một lần này.

Ông vừa dứt lời, ngoài cổng đã có tiếng xe dừng và tiếng cười nói. Đoàn người vừa xuống từ một chiếc xe ca lớn đi vào, dẫn đầu là vị trung niên mặc comple trắng rộng thùng thình nhưng không che nổi cái bụng bia chang bang, những múi thịt chương lên trên khuôn mặt chữ điền, điệu bộ toát ra vẻ lắm tiền, nhiều của, kế đó là mấy cô gái ôm hoa, mấy người phụ nữ cỡ trên dưới bốn mươi tuổi, đi sau cùng là nhóm thanh niên xách những cần xế trái cây lặc lè. Họ là tín đồ cải lương, xem nghệ sỹ Châu Liễn là thần tượng.

Người ta ùa tới Châu Liễn, các cô gái trẻ ríu rít, mấy ông cao tuổi tỏ ra kính cẩn, các bà tuổi sồn sồn đứng lặng ngắm nghệ sỹ Châu Liễn luyến tiếc. Châu Liễn như một giáo chủ chớ còn gì nữa. Cô vợ trẻ của nghệ sỹ xăng xái ra tiếp khách, nhưng chẳng ai để ý. Cô người mẫu đẹp đến vậy nhưng không sánh được với ông nghệ sỹ cao tuổi. Hóa ra, cái tài vẫn vượt lên tất cả.

Đêm ấy, Trường được dự một bữa tiệc cải lương do Châu Liễn độc diễn. Chỉ với cây đờn cò, ông đã biểu diễn các bài “Tình anh bán chiếu”; “Dạ cổ hoài lang”; “Ông lái đò”… với giọng sang trọng, mỗi bản như một bài thơ, thể hiện phận người một thời ở miền sông nước và cuối cùng là “Tư Ếch đại chiến Năm Hường”; “Tư Ếch đi Sài Gòn”; “Tư Ếch cưới vợ”… mang chất hài rất Nam Bộ khiến khán giả cười nghiêng ngả.

*

Thời thế thay đổi, người hâm mộ cải lương, vọng cổ già đi và khuất núi dần, đến kịch nói cũng thưa dần khán giả. Ông Châu Liễn, cũng như giới nghệ sỹ cải lương, tuồng cổ, hẹp dần đất diễn, thu nhập ít dần, trong khi nhu cầu chi tiêu cho một gia đình quen thói sống trưởng giả vẫn vậy, có khi còn cao hơn vì hàng hóa mang thương hiệu quốc tế tràn vào lôi cuốn họ. Chi tiêu ngày càng nhiều, nguồn thu không có, làm sao bây giờ?

Nghe mấy người xúi, ông đem ngôi biệt thự thế chấp vay tiền ngân hàng mở nhà hàng các món đặc sản. Con người ta, nhất là giới làm nghệ sỹ thường hay nông nổi và ngộ nhận, tưởng đâu mình có tài văn nghệ, làm gì cũng thành công. Nhà hàng lấy hẳn tên Châu Liễn, báo chí đăng tin, viết bài rần rần. Cái danh nghệ sỹ Châu Liễn vẫn còn vang bóng kéo khách tới nhà hàng đông đảo. Người ta đến để xem đệ nhất danh ca Châu Liễn tiếp khách và các món ăn thế nào. Xế chiều ấy, Trường ghé quán vẫn thấy các bàn chật khách, chủ quán Châu Liễn ngồi ở cái bàn ở sảnh nhưng khách đến chúc rượu, bia, hết ly này tới ly khác, có người còn kéo ông vào bàn để uống chung với cả hội.

Bia, rượu, thuốc lá đã tàn phá gương mặt chữ điền thuần hậu, chân chất rất Nam Bộ của nghệ sỹ Châu Liễn. Trường đau đớn nhận thấy khuôn mặt ông giờ đây đã xệ ra, múi thịt nhô lên ở má, chằng nếp nhăn, túi mắt đen nặng xuống. Cũng phải thôi, ngày nào cũng tống chất men vào thân thể, ruột gan nào chịu cho thấu, và tất cả sẽ hiện lên khuôn mặt người.

Trường bước đến chào thần tượng cải lương một thời. Nghệ sỹ Châu Liễn đưa tay lên rồi thõng xuống, hơi men đã làm người ông như chín ra rồi. Ông ngước đôi mắt bạc màu nhìn Trường:

- Ngó tướng tá mầy tao biết là kép độc của đoàn Thanh Minh rồi đó.

Giọng ông đã nhầy ra, nghệ sỹ tài danh một thời của chúng ta không còn minh mẫn nữa rồi. Trường tính hỏi thăm vài câu nhưng một tay say mèm ở bàn nhậu nào đó cầm hai ly rượu mạnh đến, hắn gạt Trường sang một bên và lè nhè với ông:

- Ê, cạn ly này với qua, Châu Liễn.

Ông đón lấy ly rượu dốc vào miệng, trợn mắt ra cố nuốt. Tay kia vỗ vai ông:

- Chơi ngon đó. Châu Liễn là đệ nhứt danh ca, còn qua đây là đệ nhứt tửu Sài thành.

Trường đắng lòng, đâu ngờ nghệ sỹ Châu Liễn đã xuống cấp tới độ để cho những kẻ bắng nhắng sàm sỡ, khinh rẻ đến thế sao. Trước kia, người ta tôn trọng, xem ông là thần tượng, giờ đây đến thằng mặt thịt, nát rượu cũng xem thường, sàm sỡ thì hết nước rồi. Chẳng lẽ việc bán hàng ăn đã xóa đi hình ảnh người nghệ sỹ tài năng? Chắc không hẳn thế, có lẽ vì để giữ khách, ông đã phải uống quá nhiều bia, rượu và bê tha lúc nào không hay. Mua danh ba vạn… chẳng lẽ ông đã bán cái danh tích góp được gần một đời nhanh thế?

Trường ngậm ngùi nắm bàn tay đã nhão của ông:

- Sao ông để cho tụi nhăng nhố ấy sàm sỡ vậy?

Mặt ông bở ra:

- Tới giờ tôi biết mình bị Tổ trác, phải tự hành xác mình như vầy, cậu à?

Khi sống trong cảnh sang giàu ông bảo là nhờ có Tổ cho lộc, giờ sa cơ lại cho rằng bị Tổ trác, nghĩa là sao? Trường tính hỏi thêm, ông đã làm gì mà Tổ trác nhưng mấy kẻ say khướt nữa lại lòm khòm đi như bò tới đưa ly bia sủi bọt cho ông:

- Làm tới đi, Châu Liễn, tụi mình là dân chơi mà.

Ngó ông cố uống hết ly bia, Trường đắng lòng nhưng không dám can. Một lát, đành ra về, lòng ngao ngán và lo ngại cho sinh mạng người nghệ sỹ mình ngưỡng mộ một thời. Đâu một năm sau, một sáng sớm Trường bàng hoàng khi một tờ báo giăng hàng tít trên trang nhất, nghệ sỹ Châu Liễn sập tiệm, nợ tới mấy chục tỉ đồng, không còn khả năng chi trả và suốt mấy ngày qua chủ nợ đã bắt cóc ông như là để làm con tin, Công an phải cố gắng lắm mới giải thoát nổi. Tối ấy, truyền hình phát tin chấn động vụ vỡ nợ ấy, Châu Liễn đã thều thào trả lời phỏng vấn rằng, giờ đây tôi chỉ còn cái thân già nua ốm yếu, mong bà con có giết đi cho tôi rảnh nợ!

Người hâm mộ dấy lên phong trào quyên góp ủng hộ cứu giọng ca vàng Châu Liễn, nhưng số tiền ấy cũng chỉ là muối bỏ bể. Nhưng dù sao cũng hỗ trợ cho ông được bữa cơm, bữa cháo. Đùng một cái, có người tố cáo Châu Liễn từng lừa anh ta đem giấy tờ chủ quyền nhà thế chấp ngân hàng vay tiền đầu tư vào nhà hàng của ông rồi ông quỵt luôn. Một nghệ sỹ lớn đến lúc quẫn đã làm những việc đốn mạt thế sao?

Suốt cả tuần, cả tháng, các báo đều đồng loạt đăng bài về Châu Liễn, khắp các quán cà phê, quán nhậu, trên xe khách người ta đều nói chuyện về sự sa cơ đến thảm hại của thần tượng một thời của họ.

*

Trời đã cuối chiều, nắng nhạt dần trên những tán cây khu dưỡng lão. Người con trai cầm giỏ đựng khẩu phần ăn lên nhà bếp nhận bữa tối. Nghệ sỹ Châu Liễn thì thào với Trường:

- Hồi nổi danh, trong một lần về miệt vườn diễn ở cù lao Ông Ba mươi, tôi đã gặp một cô gái chớm tuổi trăng rằm, ngây thơ, mê tiếng hát Châu Liễn đến mụ người, khi gặp tôi, mắt cô ấy như dại đi. Lẽ ra, với đạo do Tổ truyền, tôi chỉ coi cô như bao khán giả say mê tiếng ca của mình, nghĩa là phải giữ khoảng cách. Nhưng tôi lại muốn chiếm đoạt cô. Trong khi đợi người ta sửa chiếc ghe chở đoàn, tôi mướn một chiếc thuyền ba lá rồi bí mật dụ cô đi chơi.

Đêm ấy bên đám lá tối trời, tôi chiếm đoạt sự trong trắng của người con gái miệt vườn ngây thơ, cả tin ấy. Khi cô ấy sực tỉnh, lo sợ ôm mặt khóc, tôi dúi vào tay cô nắm tiền. Sợ bại lộ, ngay sớm hôm sau tôi đi thuyền đò sang Hậu Giang rồi quá giang xe tải về Sài Gòn.

Về thành phố, tôi mừng vì thoát được sự bắt vạ của cô. Rồi tôi lao vào các sô diễn, chuyện ấy cũng tưởng dần quên, chừng bốn tháng sau, cô ấy vác bụng bầu lên tìm, tôi đã lánh mặt… phải đến gần chục năm sau, khi đứng tuổi, nghĩ lại, tôi thấy mình thất đức, vội đi tìm thì biết tin sau khi sanh con trai được đâu hai tuổi, cô ấy bỏ lên xứ Nam Vang rồi biệt tích luôn, thằng con tôi được ba má cô nuôi…

Sau chuyến đi ấy, lẽ ra tôi tu tỉnh, đưa thằng bé về nuôi và đi tìm cô ấy để chuộc tội, nhưng sợ tai tiếng, tôi lánh mặt luôn. Như có ma lực nào đó khiến tâm thần tôi luôn phát hoảng, tôi lao vào ăn chơi rồi trượt dài vào lỗi lầm này đến lỗi lầm khác nữa. Thằng đó là con trai tôi ruồng bỏ từ nhỏ đó, mấy chục năm vậy mà nó còn tìm ra tôi, tự tới chăm nom, hầu hạ tôi. Ở đời, có những cái mình ruồng bỏ đâu dè lại là của quý nhứt.

Thốt ra chuyện giấu kín bấy lâu nay, người nghệ sỹ già run lên, đôi tay lẩy bẩy. Trường vội ôm lấy vai ông:

- Có người con vậy cũng là phúc lắm rồi.

- Nó muốn rước tôi về sống với gia đình nó nhưng tôi không đồng ý. Tôi biết mình còn mắc tội khi giàu có thì dùng tiền mua vui vô độ nữa kìa. Tội tôi lớn lắm, Tổ hành như vầy cũng là đáng lắm. 

Truyện ngắn của Nguyễn Quốc Trung
.
.